Seite auswählen

Hình minh hoạ: Một lễ của người Công giáo ở Hà Nội   AFP

Hơn bốn mươi tổ chức trên thế giới tính đến lúc này đã ký vào thư chung kêu gọi Hoa Kỳ có biện pháp đối với chính sách bị cho kích động hận thù và bạo lực nhắm vào các tôn giáo ở Việt Nam.

Tổ chức BPSOS tại Hoa Kỳ vừa qua phát động chiến dịch vận động các tổ chức nhân quyền ký vào thư chung vừa nêu, sau khi Tòa Bạch Ốc thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN vào hai ngày 12 và 13/5 tới đây.

Căn cứ cho kêu gọi này là những bằng chứng về các hành vi bạo lực của Hội Cờ Đỏ, của những nhóm mệnh danh ‘quần chúng tự phát’ dưới sự chỉ đạo của cán bộ và công an; của Chi phái Cao Đài 1977 do Nhà nước lập nên… Bên cạnh đó là tình trạng truyền thông Nhà nước và những trang mạng có ‘hơi hướm’ dư luận viên có những phỉ báng, công kích các chức sắc tôn giáo và tín đồ không chấp nhận sự kiểm soát của Nhà nước đối với tôn giáo của họ.

Thống kê được nêu ra trong thư chung là trong vòng 12 tháng qua, các tổ chức nhân quyền ghi nhận có khoảng 100 tin nhắn trên Facebook và Google nhắm đến các vị lãnh đạo tôn giáo và tín hữu của các hội thánh. Trong số đó có linh mục và giáo dân Công giáo , tín hữu Tin Lành người Thượng Tây Nguyên, người H’mong theo đạo Dương Văn Mình, tín đồ đạo Cao Đài…

 

Thư chung đưa ra năm kiến nghị đối với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gồm duy trì cơ sở dữ liệu về các vụ dùng ngôn ngữ kích động căm thù được báo cáo và yêu cầu Chính phủ Việt Nam giải thích và giải quyết mỗi vụ; xác định và đánh giá tác động của ngôn ngữ kích động căm thù đối với các cộng đồng tôn giáo trong tầm ngắm của Chính phủ Việt Nam; thúc giục các nhà cung cấp phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và Google gỡ bỏ các thông điệp căm thù được tổng hợp trong cơ sở dữ liệu; làm việc với Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc để giám sát việc Việt Nam tuân thủ Điều 18 và Điều 20 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR); đưa hành vi dùng ngôn ngữ kích động căm thù vào báo cáo hàng năm về nhân quyền và tự do tôn giáo quốc tế cũng như xem xét loại vi phạm này trong quá trình chỉ định những Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC).

 

RFA (20.04.2022)