Seite auswählen

„nhiều người đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam muốn biết là liệu có nhiều người dân quan tâm đến tự do của chính họ hay không.“

Ngọc Vân

Với nhiều người Miền Nam, 30 Tháng Tư là ngày đánh dấu cái chết của tự do, của nhân quyền, là ngày khởi đầu của hơn 10 năm đói ăn. Tuy vậy, một điều mà nhiều người đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam muốn biết là liệu có nhiều người dân quan tâm đến tự do của chính họ hay không. Và hình như cho đến nay, chưa có ai có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này.

 

Câu hỏi về tỷ lệ dân chúng quan tâm đến nhân quyền quan trọng đối với những người muốn đấu tranh cho tự do, dân chủ, và nhân quyền ở nhiều khía cạnh. Nếu đa số dân chúng không quan tâm đến nhân quyền, liệu cuộc đấu tranh của những nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền có thành công được không hay là đấu tranh để rồi tránh đâu? Nếu người ta không quan tâm, họ đang đấu tranh cho ai? Nếu đa số dân không quan tâm đến nhân quyền, ai sẽ ủng hộ họ trong cuộc đấu tranh này, nhất là lúc mà họ bị đưa ra tòa? Nếu người ta không quan tâm đến nhân quyền, có phải việc họ lên tiếng trên Facebook, Youtube cũng chẳng có mấy người buồn nghe không? Nếu đa số dân chúng không quan tâm đến nhân quyền, ai sẽ giúp gia đình họ khi họ bị tù đày?

 

Có lẽ là ai ở Việt Nam cũng đã từng là nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền. Nhẹ và phổ biến nhất là ra đường, tự nhiên bị công an giao thông thổi còi vào và kiếm cớ phạt tiền. Trong trường hợp này, quyền đi lại của người dân bị vi phạm. Ít phổ biến hơn một chút là khi có việc ra phường là đối diện với khả năng phải xì tiền ra. Đấy là nhẹ. Nặng hơn là đất của người dân có từ thời trước khi nhà nước này ra đời, bị lấy mất quyền sở hữu, chỉ còn lại quyền sử dụng. Mà cái quyền sử dụng ấy cũng có thể bị “thu hồi” bất cứ khi nào nhà nước muốn với giá rẻ mạt. Nặng hơn nữa nhưng hiếm là ra đường, bị kẻ có chức có quyền đụng xe rồi phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Một người bạn của tôi đi ngang đường, bị một quan chức hải quan lái xe trong tình trạng say rượu đụng phải. Gia đình cũng kiện ra tòa nhưng cuối cùng phải chịu thua. Anh bị chấn thương sọ não và trở nên giống như trẻ con. Tội cho người vợ trẻ vừa phải chăm sóc vừa phải làm lụng nuôi chồng và con nhỏ.

 

Nếu vậy, có phải có rất nhiều người quan tâm đến nhân quyền vì quyền của họ bị vi phạm? Hình như không phải vậy. Khi tôi đăng bài lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, bạn bè tôi hầu như chẳng ai LIKE. Nhiều người còn lẳng lặng rời khỏi cuộc đời tôi trên mạng xã hội. Có thể quý vị cho trường hợp của tôi là cá biệt. Tuy vậy, Facebook của diễn viên Tăng Thanh Hà đăng vài tấm hình thì có cả chục ngàn người Thích, có Post còn có vài chục ngàn Like. Trong khi đó, những người nổi tiếng nhất trên Facebook trong giới đấu tranh cho nhân quyền thường chỉ được vài chục hay vài trăm lượt Thích. Có thể quý vị cho rằng không thể so sánh mức độ quan tâm đến việc đấu tranh với … ảnh diễn viên được.

Tuy vậy, theo tổ chức Asianbarometer, tự do ngôn luận hay nhân quyền nói chung, không nằm trong top 8 vấn đề mà người Việt Nam quan tâm nhất vào năm 2015. Các vấn đề mà người dân quan tâm nhất là các vấn đề dân sinh: việc quản lý nền kinh tế, lương bổng, nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng, nông nghiệp, và giáo dục, xếp theo thứ tự từ có nhiều người quan tâm nhất trở xuống.

Asian barometer là một tổ chức lớn có uy tín từ nhiều chục năm qua. Họ thuộc Chương Trình Nghiên Cứu Dân Chủ Đông Á thuộc Trường Đại Học Quốc Gia Đài Loan và họ tổ chức khảo sát ý kiến của dân chúng tại 18 nước châu Á mỗi 5 năm (1). Quý vị có thể tìm hiểu thêm về họ tại đây: http://www.asianbarometer.org/intro/introduction.

Theo Wikipedia, có ít nhất 97 công trình nghiên cứu dựa trên các dữ liệu khảo sát của họ từ các trường đại học có tiếng trên thế giới; trong đó có Đại Học Johns Hopkins và University of California ở Irvine (2).

Có thể quý vị cho rằng kết quả khảo sát không phản ánh chính xác thực trạng tại Việt Nam. Một số người cũng có suy nghĩ như quý vị. Một vị giáo sư dạy ở một trường đại học lớn ở Hoa Kỳ, người có tham gia thực hiện cuộc khảo sát của Asianbarometer tại Việt Nam vào năm 2020 cũng nói với tôi rằng ông ấy không còn tin vào kết quả của các cuộc khảo sát nữa. Người ta nói một đàng, làm một nẻo, ông ấy nói với tôi. Sau khi tôi trình bày các dữ kiện này trong một cuộc họp mặt của những người đấu tranh cho nhân quyền, một người gọi điện cho tôi và nói rằng bà đã từng làm việc cho Gallup, một tổ chức khảo sát ý kiến nổi tiếng của Hoa Kỳ, với kinh phí hoạt động hàng năm đến hơn 100 triệu Mỹ kim. Bà nói rằng kết quả khảo sát rất khó chính xác, đặc biệt là khi liên quan đến việc khảo sát các ý kiến có liên quan đến chính trị tại các nước độc tài. Có thể một số người không dám trả lời thành thật với người lạ khi được hỏi ý kiến. Đặc biệt là khi ý kiến của họ trái với ý kiến của nhà nước.

 

Tuy vậy, vấn đề đặt ra ở đây là có bao nhiêu người dân Việt Nam coi nhân quyền là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam và tôi nghĩ rằng không ai có được một ước lượng chính xác. Do đó, có thể những người đang cổ xúy cho nhân quyền đang ở vào hoàn cảnh là họ quảng bá hay rao bán một sản phẩm mà có thể không ai muốn mua. Trong kinh doanh, nếu làm thế, chỉ có phá sản thôi.

______________

Tài liệu tham khảo

  1. Introduction – 台大胡佛東亞民主研究中心Asian Barometer
  2. Asian Barometer Survey – Wikipedia

Ngọc Vân

VNTB (10.05.2022)