Seite auswählen

Nhớ lần gặp cụ Đĩnh (Phần 1)

Nguyễn Thông

20-5-2022

Nhà báo, nhà văn, dịch giả Trần Đĩnh. Ảnh tác giả chụp năm 2007

 

Hôm rồi (ngày 19.5), cách nay đúng một tuần, mạng xã hội dày đặc thông tin về một người đầy vết tích lịch sử, cụ Trần Đĩnh – nhà văn, nhà báo, dịch giả, người chấp bút cuốn hồi ký nổi tiếng “Bất khuất” ghi lại những ngày tháng lao tù của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận. Chỉ có điều, gần như không hé một chữ nào trên báo chí truyền thông chính thống, trên hơn 800 tờ báo và tạp chí, trên gần trăm đài truyền hình, mà người ta quen gọi là báo chí tivi quốc doanh, mậu dịch.

Tôi cũng không biên về sự cụ Đĩnh khuất núi ngay, bởi muốn tránh cái tiếng “đu trent”, chẳng hạn ai đó chê đã biết về cụ được bao nhiêu mà khoe…

Cụ Trần Đĩnh mất ngày 12.5.2022, thọ 92 tuổi tây tròn (thực ra dư vài ngày, bởi theo tiểu sử ghi trên cuốn “Đèn cù” thì cụ sinh ngày 9.5.1930). Thế hệ tôi, ra đời giữa thập niên 50, sống ở miền Bắc, đều ít nhiều biết đến cái tên rất danh tiếng Trần Đĩnh. Cả trên kênh công khai lẫn kênh thì thào.

Cụ Đĩnh là nhà báo nổi tiếng, lại làm ở tờ báo Nhân Dân chúa trùm, thuộc lớp làm báo cộng sản tiên phong từ thời kháng chiến chống Pháp, khi đã được “vua biết mặt, chúa biết tên” thì những hậu sinh như Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh… chưa là gì. Có chăng, chỉ những đấng bậc Hoàng Tùng, Thép Mới, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Phan Quang… thì xem như Trần Đĩnh bằng vai phải lứa, sàn sàn nhau.

Phải nói khách quan rằng, báo Nhân Dân thời ấy lắm người tài, nhưng số cứng cỏi khí tiết, không chịu khuất phục cường quyền, không ngoan ngoãn cúi đầu trước cấp trên như cụ Đĩnh rất hiếm. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng một phần từ người anh trai là nhà báo Trần Châu, một yếu nhân của Thông tấn xã Việt Nam, từng bị cầm tù nhiều năm do chính quyền Hà Nội quy tội tham gia nhóm xét lại chống đảng. Những năm ấy, dù có là ông giời đi chăng nữa, mà bị gắn mác xét lại, kể như lên đoạn đầu đài. Biết bao người tốt, tài giỏi, tử tế đã bị nhốt lao tù, đày đọa, tước đoạt quyền sống chỉ bởi thứ “tội” xét lại ấy.

Lứa chúng tôi lúc đầu nghe danh Trần Đĩnh qua sự phổ biến cuốn sách gối đầu giường bấy giờ, cuốn “Bất khuất”, Nguyễn Đức Thuận kể, Trần Đĩnh ghi. Còn 2 cuốn “gối đầu giường” hàng nội nữa cùng thời, là “Sống như anh” của nhà báo Trần Đình Vân và “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Nói “hàng nội”, bởi hàng ngoại có “Thép đã tôi thế đấy”, “Nhật ký Lôi Phong”, “Ruồi trâu”. Ba cuốn nội vừa nhắc đều là tác phẩm thể loại ký, ghi người thực việc thực. Tất nhiên thực đến đâu thì chỉ có người trong cuộc (người kể và người chấp bút) mới biết. Trong 3 cuốn, “Bất khuất” là cuốn tày tặn, công phu, văn phong đĩnh đạc nhất.

Đó là nhờ cái tài của cụ Trần Đĩnh. Những ai học cấp 2, cấp 3 ở miền Bắc những năm 60 chắc chẳng thể quên bài học “Trong xà lim án chém” ghi về cuộc đời ông Phạm Hùng (sau này làm tới Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, tức thủ tướng), và hai bài trích trong cuốn “Bất khuất”, đều do Trần Đĩnh chấp bút. Một lối viết cực kỳ cuốn hút. Sau này người ta (cố ý) chỉ nói tác phẩm “Bất khuất” là của tác giả Nguyễn Đức Thuận mà lờ Trần Đĩnh đi. Phải thẳng thắn thế này: Cụ Nguyễn Đức Thuận là nhà cách mạng nổi tiếng, nhưng để được “phong tặng” thành tác giả cuốn sách đầy chất văn như “Bất khuất” thì quả thực chưa đủ tầm.

Không có một cây bút lão luyện như Trần Đĩnh, đảm bảo sẽ không có “Bất khuất” mà ta đã biết, còn nếu người kể không nhờ Trần Đĩnh ghi/chấp bút, mà nhờ người khác, tất nhiên cũng sẽ có “Bất khuất” nhưng chất lượng nó thế nào, chả ai dám chắc.

Cuốn “Bất khuất” khi mới ra đời được lăng xê khiếp lắm. Tôi khi ấy còn bé, mới học cấp 2 nhưng được đọc từ tủ sách (chưa có thư viện mà chỉ khiêm tốn ở dạng tủ sách) của trường. Còn nhớ như in cuốn sách xuất bản lần đầu không phải chỉ cụt lủn cái tên sách “Bất khuất” như sau này, mà dài thoòng: “Bất khuất – Từ những trận chiến đấu ác liệt, thắng lợi trở về”, hai chữ đầu do ông Tố Hữu đặt, bổ sung, những chữ sau do Trần Đĩnh đặt, là tên gốc của tác phẩm. Và rất rõ ràng, như mọi cuốn hồi ký thời bấy giờ, luôn có tên người kể và người ghi. Bản in cuốn “Bất khuất” đề rõ ở trang trong: Nguyễn Đức Thuận kể, Trần Đĩnh ghi.

Vậy mà sau này người ta cố lập lờ, kiểu như “trong cuốn Đèn cù, Trần Đĩnh tự nhận là người chấp bút cuốn hồi ký “Bất khuất”, giống như bảo cụ Trần Đĩnh nhận vơ, tranh công. Cái thói xấu của tuyên giáo xứ này là khi đã ghét thì “đào đất đổ đi” (ngay cả cái vết chân của kẻ mà mình ghét, mình cũng không chịu được, phải đào vứt đi cho khuất mắt), phủ nhận sạch sành sanh. Lâu nay, đâu phải chỉ riêng cụ Trần Đĩnh thọ nạn tuyên giáo.

 

Nhớ lần gặp cụ Đĩnh (Phần 2)

 

 

23-5-2022

 

 

Trần Đĩnh. Ảnh: FB tác giả

Như đã biên và kể, lứa chúng tôi được thày bu sinh ra giữa thập niên 50 lúc đầu biết đến tên tuổi, danh tiếng Trần Đĩnh qua kênh chính thống, cụ thể là sách giáo khoa và báo mậu dịch. Cũng chỉ tới mức biết đó là một nhà báo, một người chấp bút hồi ký có tài. Vậy thôi. Bao nhiêu năm, cái tên ấy bị chìm khuất giữa cả rừng yếu nhân chính trị và văn nghệ nổi tiếng hơn, thậm chí dần dà người ta không nhớ không nhắc tới nữa.

Nghĩ vậy mà không phải vậy. Tới đầu thập niên 70, chúng tôi lại được nghe cái tên Trần Đĩnh, nhưng không phải qua kênh “chính thống” mà từ những cuộc nhỏ to, lén lút, thì thầm, xì xào. Cuộc nội chiến Bắc Nam đang rất ác liệt cuốn hút tất cả mọi thứ, dường như khiến người ta quên đi biết bao điều ghê gớm đã và đang diễn ra. Chúng tôi nghe trong những cuộc rỉ tai về chuyện thanh trừng nội bộ đảng và chính quyền, nghe những cái tên Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Nguyễn Minh Cần, Vũ Đình Huỳnh (cha) – Vũ Thư Hiên (con), Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Ung Văn Khiêm, Bùi Ngọc Tấn, và cả Trần Đĩnh nữa.

Cái người từng ghi dấu ấn đỏ chói cho thể loại hồi ký với cuốn “Bất khuất”, nay cũng bị lôi ra đấu tố. Không một ai dám can, dám bênh vực người bị hàm oan. Đến cụ Vũ Đình Huỳnh đấng bậc mà còn bị ‘làm cho cho hại cho tàn cho cân, đã đày vào kiếp phong trần, sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”, người tri kỷ của cụ còn làm ngơ ngoảnh mặt, thì Trần Đĩnh đã là “thá” gì. Chỉ may mắn hơn, ở chỗ cụ Đĩnh không bị bắt, không bị giam như những đàn anh Chính, Huỳnh, Kim Giang, Kiến Giang, hoặc ông anh ruột Trần Châu. Năm 1973, khi mới vào đại học, một hôm tôi được ông anh đồng môn là bộ đội đi học, anh Bùi Trọng Cường kể mới đi ngang qua trụ sở tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thấy công an đông nghẹt, nghe nói xét xử kết án ông “Hoàng Minh Chính và đồng bọn”. Giờ thì lịch sử đã phán xét họ vô tội, bị hàm oan, nhưng oan khuất cứ lặng lẽ trôi qua, không một quan chức cầm đầu nào thay mặt cho cái chính thể này lên tiếng nhận lỗi, xin lỗi họ. Cũng như những vụ cải cách ruộng đất, vụ nhân văn giai phẩm, vụ đánh tư sản… vậy.

Nhớ hồi anh Nguyễn Quốc Tuấn (con cụ Nguyễn Kiến Giang) còn tại thế, anh vào Sài Gòn, tôi có dịp gặp, tò mò hỏi rằng họ có bao giờ xin lỗi cụ thân sinh và gia đình không, anh Tuấn khoát tay bảo không bao giờ. Chả riêng gì với cụ Kiến Giang mà ai cũng bị đối xử như vậy. Nhân chứng hiện chẳng còn bao nhiêu, cứ rơi rụng dần, như cụ Đĩnh vừa rồi. Nếu ai không biết hoặc không tin có chuyện này, vẫn còn bác Vũ Thư Hiên con cụ Huỳnh thư ký trợ lý thân cận của cụ Hồ kia, là người trong cuộc, bác ấy còn khỏe, còn minh mẫn, sẽ kể cho mà nghe.

Cụ Trần Đĩnh sau cái đận tai bay vạ gió ấy gần như vắng bặt trong đời sống tinh thần, văn hóa văn nghệ xứ này. Tưởng mất hút như bao số phận hẩm hiu, thế rồi đùng một cái, lừng lẫy với cuốn “Đèn cù” năm 2014. Trước đó người ta đã truyền tai nhau về “Đèn cù”, cũng như có thời khi gặp nhau nhấm nháy hỏi nhau đã coi “Làm người là khó” (của Đoàn Duy Thành), “Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh”, “Đêm giữa ban ngày” (Vũ Thư Hiên), “Bên thắng cuộc” (Huy Đức)… chưa.

Cuốn sách (Đèn cù) khá dày, 600 trang đúng, của người trong cuộc, nói như các cụ xưa “không ở trong chăn sao biết chăn có rận”, độ đúng sai, chân thực thế nào còn tùy góc độ của người đánh giá, nhưng Trần Đĩnh, cũng như Đoàn Duy Thành, Trần Độ, Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên… đã giúp thế nhân lần vào được những góc khuất mà nhà cai trị cố tình bưng bít, giấu diếm.

Tôi nhẩn nha kể vậy, còn cái đoạn gặp cụ Đĩnh xương thịt thế nào, xin được khất lại phần sau.

(Còn tiếp)

Nhiều người tiếc thương Trần Đĩnh, tác giả sách Đèn cù

Ông Trần Đĩnh

TRẦN ĐỘ Ông Trần Đĩnh

Tác giả Trần Đĩnh, chủ yếu được dư luận đại chúng người Việt trong ngoài nước biết qua cuốn Đèn cù, vừa qua đời ngày 12/5, hưởng thọ 93 tuổi.

Thông báo của gia đình cho biết lễ truy điệu, đưa tang diễn ra ngày 16/5 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tên thật Trần Kim Đĩnh, quê quán Hải Dương, ông Trần Đĩnh là nhà báo – nhà văn – dịch giả kỳ cựu.

Nhưng với độc giả đại chúng, ông được biết đến là qua bộ hai cuốn tự truyện Đèn cù, chỉ được in ở hải ngoại năm 2014 và được lan truyền qua mạng internet.

Nói chuyện với BBC năm 2014, ông nói cuốn sách Đèn Cù, là một ‘lời kêu đau’ của người viết, vốn đề cập nhiều chi tiết được cho là ‘thâm cung bí sử’ về Đảng Cộng sản Việt Nam và các ‘góc khuất’ trong đời tư của cố Chủ tịch Việt Nam, Hồ Chí Minh.

Viết trên Facebook cá nhân ngày 14/5, nhà báo Huy Đức nhận xét: “Ông là một trong vài người cuối cùng còn lại thuộc thế hệ những nhà báo tài năng, biết nhiều ngoại ngữ và có kiến văn thâm hậu.”

“Trần Đĩnh không chỉ là tác giả của tác phẩm Đèn Cù nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi, ông còn là dịch giả của nhiều tác phẩm như Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Ngầm của Murakami Haruki, bộ ba Thiên niên kỷ của Stieg Larsson…”

Viết ngày 13/5, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định: “Tôi ái ngại, không biết bao giờ trong làng cầm bút nước ta mới lại có được một gương mặt bản lĩnh khác, như Trần Đĩnh.”

Nói về cuốn Đèn cù

Trao đổi với BBC hôm 01/9/2014 từ Việt Nam, ông Trần Đĩnh giải thích lý do và dự định viết và công bố cuốn sách, mà theo ông đã được khởi thảo từ năm 1991 để hưởng ứng lời kêu gọi của cố Tổng Bí thư ông Nguyễn Văn Linh về ‘phá tan sự im lặng đáng sợ’.

Tác giả cũng nói ông quyết định hoàn tất cuốn sách để gửi ra hải ngoại công bố, vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông vào đầu tháng 5 năm 2014 để gửi một thông điệp cho Đảng.

Ông Trần Đĩnh cũng nói do nội dung của cuốn sách có nhiều thông tin được cho là nhạy cảm, mà sách của ông không thể công bố trong nước, và ông buộc phải gửi ra hải ngoại, sau lần chỉnh sửa, bổ sung cuối cùng vào đầu tháng 5/2014.

Ông Trần Đĩnh, sinh năm 1930, ở Hải Hưng, nguyên nhà báo của các cơ quan báo chí của Đảng như Sự Thật, báo Nhân Dân.

Ông là cây bút chuyên được đặt hàng hoặc mời viết tiểu sử, tự truyện, hồi ký cho các nhân vật cao cấp trong Đảng, trong đó có ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh, cố Tổng bí thư Đảng.

Nói với BBC, ông khẳng định những gì ông viết là sự thật từ chính những gì ông chứng kiến, hoặc được các nhân chứng lịch sử chia sẻ.

Hồi năm 2014, khi Đèn cù ra mắt, nhà văn Vũ Thư Hiên chia sẻ với BBC rằng cuốn sách của Trần Đĩnh là một tư liệu có thể cung cấp các thông tin khá xác thực và đáng tin cậy về Đảng Cộng sản Việt Nam trong một số giai đoạn quan trọng từ trước.

Trần Đĩnh, tác giả ‘Đèn Cù’ qua đời ở Sài Gòn, thọ 93 tuổi

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ông Trần Đĩnh, cựu nhà báo công tác tại báo Sự Thật và Nhân Dân, đã qua đời tại Sài Gòn hôm 12 Tháng Năm, hưởng thọ 93 tuổi.

Tin ông Trần Đĩnh qua đời được ông Hà Sĩ Phu, nhà bất đồng chính kiến, công bố trên trang cá nhân “Cố Nhân Lưu.”

Tác giả Trần Đĩnh năm 1998. (Hình: Trần Độ)

 

“Cái tin buồn dự đoán lâu nay đã xảy đến. Chỉ còn biết gửi lời chia buồn đau xót tới cháu Áng Mây, tới toàn gia đình tang quyến, và tới tất cả những ai đã yêu mến một Trần Đĩnh của ‘Đèn Cù,’” ông Phu viết.

Theo bản cáo phó được ông Phu chia sẻ trên mạng xã hội, lễ viếng ông Đĩnh được tổ chức tại nhà tang lễ quận 7, Sài Gòn, hôm 14 Tháng Năm.

Thi hài ông sau khi hỏa táng sẽ được an vị tại chùa Già Lam ở quận Gò Vấp.

Tin ông Trần Đĩnh qua đời không được các báo ở Việt Nam đăng tải.

Tên tuổi của tác giả Trần Đĩnh, tên thật là Trần Kim Đĩnh, gắn liền với cuốn hồi ký “Đèn Cù,” do Nhà Xuất Bản Người Việt Books ấn hành hồi năm 2014 tại Mỹ.

“Đèn Cù” là cuốn sách ghi lại những cảm nghĩ, các sự kiện lịch sử, của một một nhà báo từng là phó trưởng Ban Tuyên Truyền Văn Nghệ báo Nhân Dân, nhằm nói lên sự thật cuộc sống của con người trong chế độ Cộng Sản tại Việt Nam.

Tác phẩm “Đèn Cù” kể về những “tiết lộ về Hồ Chí Minh khi tới quan sát cuộc đấu tố đầu tiên ở Đồng Bầm, hóa trang che bộ râu để không ai nhận ra,” hay “Trường Chinh đeo kiếng đen tới dự, để rút kinh nghiệm mà rèn luyện các đội cải cách cho đúng tiêu chuẩn thù ghét,” hay “các bài của Hồ Chí Minh ký tắt CB trên báo Nhân Dân để cổ động cán bộ học tập kinh nghiệm của Trung Quốc,” đều được tác giả ghi lại khiến người đọc không thể ngừng được.

Sách còn cho thấy tác giả “Trần Đĩnh là nhân chứng đầu tiên cho biết đã nghe Hồ Chí Minh nói thông thạo tiếng Hẹ và đoán rằng nhân vật chóp bu này đã hoạt động cùng các đảng viên Cộng Sản ở Móng Cái từ trước.”

Trả lời đài BBC Tiếng Việt hồi Tháng Chín, 2014, ông Trần Đĩnh nói: “‘Đèn Cù’ là tiếng kêu đau của tôi.” Ông khẳng định những gì mình viết “là sự thật từ chính những gì tôi chứng kiến, hoặc được các nhân chứng lịch sử chia sẻ.”

Ông Đĩnh cũng nói rằng do nội dung của cuốn sách có nhiều thông tin được cho là “nhạy cảm,” sách của ông không thể công bố trong nước, và ông buộc phải gửi ra hải ngoại, sau lần chỉnh sửa, bổ sung cuối cùng vào đầu Tháng Năm, 2014. Ông quyết định hoàn tất cuốn sách để gửi ra hải ngoại công bố, vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông để gửi một thông điệp cho đảng.

“Đèn Cù” được xem là tác phẩm “giải ảo” về Hồ Chí Minh. (Hình: Người Việt)

Trong bài giới thiệu cuốn sách của ông Trần Đĩnh ra mắt hồi năm 2014 trên báo Người Việt, tác giả Ngô Nhân Dụng bình luận về: “‘Đèn Cù’ đưa chúng ta vào một xã hội điên đảo, ‘sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng.’ ‘Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh’… Những đoạn phim thú vị nhất rút ra từ cuộc sống của những con người bình thường, các nhà văn, nhà báo, các cán bộ, những người qua đường.”

“Sống hầu hết cuộc đời trong một xã hội mà đảng Cộng Sản và lãnh tụ chiếm ‘đặc quyền viết, đặc quyền nói;’ chỉ dùng các nhà văn làm đầy tớ, ‘Ôi đã làm đầy tớ thì có đời thuở nào còn dám sáng tạo?’ Bây giờ Trần Đĩnh đã viết. Lúc đầu, ông chỉ định viết để ‘tố cáo tội gây nội chiến Nam Bắc là sai lầm,’ trong khi viết thì đổi ra hướng ‘phê phán toàn diện.’ ‘Vâng, tôi xin đối mặt với công luận đây. Tôi ăn gian nói dối thì các ông cứ việc vạch ra.’ Đó là lời Trần Đĩnh, tác giả ‘Đèn Cù.’”

Ông Trần Đĩnh là cây bút chuyên được đặt hàng hoặc mời viết tiểu sử, tự truyện, hồi ký cho các nhân vật cao cấp trong đảng, trong đó có Hồ Chí Minh và Trường Chinh. (N.H.K) [qd]