Seite auswählen

„nhìn vào bộ mặt xã hội của Việt Nam thấy thật xa lạ với mục tiêu, lý tưởng của CNXH; nó cũng đi ngược với các nước vốn là CNXH chuyển sang chế độ dân chủ như ở Đông Âu; nó cũng không giống sự phát triển tuần tự của các nước tư bản như Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc.“

 

Mạc Văn Trang

 

Những lời lẽ tuyên truyền về Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) thì rất tuyệt vời: Không còn người bóc lột người; mọi người đều tự do, bình đẳng; làm theo năng lực, hưởng theo lao động; mình vì mọi người, mọi người vì mình; người với người là bạn, là đồng chí anh em; chính quyền của dân, do dân, vì dân; Đảng và Nhà nước chăm lo cho mọi người dân, “không để ai tụt lại phía sau”…

Đặc biệt bộ mặt của CNXH: Giai cấp Công nhân là giai cấp lãnh đạo, Nông dân là chủ lực được đề cao trên biểu tượng cờ Búa- Liềm và trong đời sống xã hội; Giáo dục, Y tế bình đẳng cho mọi người và miễn phí.

Thời bao cấp, Chính phủ đi “ăn xin” khắp thế giới, cả nước ăn bo bo nhưng Giáo dục và Y tế vẫn phục vụ người dân thực sự; hầu hết các xã đều có trạm Y tế, có y sĩ, y tá phục vụ dân vô điều kiện; có trường cấp 1, cấp 2, học sinh học miễn phí. Giáo viên cũng nghèo khổ, nhưng khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” là sự thật!

Nhớ thời đó, bác Nguyễn Khắc Viện rất chịu khó rủ anh em Viện Khoa học giáo dục chúng tôi đi thực tế các trường học ở nông thôn, vùng sâu xa. Cụ bảo Việt Nam chẳng có cái gì tuyên truyền về CNXH ra thế giới, ngoài Y tế và Giáo dục. Đây được coi là “Hai bông hoa của chế độ”. Cụ viết nhiều bài giới thiệu ra thế giới về trường Bắc Lý, trường Thanh niên lao động XHCN Hoà Bình, trường phổ thông công nghiệp, trường phổ thông nông nghiệp, trường dân tộc miền núi, giáo dục mầm non; giới thiệu mô hình Y tế cộng đồng của các trạm Y tế xã… Cụ bảo dù ta còn rất nghèo, xã hội có nhiều vấn đề, nhưng nhìn vào Y tế, Giáo dục khiến người ta thấy có bộ mặt của CNXH.

Nay Việt Nam vẫn khẳng định mạnh mẽ xây dựng CNXH nhưng những gì là “bộ mặt của CNXH” hình như biến dạng hết:

– Giai cấp Công Nhân, lực lượng lãnh đạo cách mạng thì bị bóc lột với đồng lương rẻ mạt, điều kiện sống nhiều nơi chả khác gì “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” mà F. Engels mô tả năm 1848 (1).

Chính phủ quy định bảng lương tối thiểu trả cho công nhân mức thấp để thu hút các nhà Tư bản, giúp họ có lợi nhuận cao, vậy là phần thua thiệt người công nhân phải gánh chịu (2)

Công nhân là giai cấp lãnh đạo, vậy có mấy công nhân vào Ủy viên Trung ương Đảng hay Bộ Chính trị không nhỉ? Thành phần Công nhân trong Quốc hội mấy phần trăm? Như vậy “lý luận công nhân là giai cấp lãnh đạo” xã hội có còn giá trị?

– Nông dân thì khốn khổ trăm bề. Luật quy định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, nên thực chất nông dân lo ngay ngáy, vì cái tư liệu sản xuất sống còn đó có thể bị chính quyền “thu hồi” bất cứ lúc nào. Bao nhiêu dân oan mất đất điêu đứng, kể cả vì giữ đất mà bị giết, bị tù tội đau thương. Về nông thôn thấy có nhiều nhà xây, thấy “nông thôn mới”, nhưng không phải nông dân khá lên từ nông nghiệp, mà do tha phương cầu thực, đi làm thuê, làm mướn khắp nơi trong nước, ngoài nước, kể cả làm điếm, gửi tiền về cho cha mẹ mua xe máy, xây nhà… Câu chuyện đau lòng về 39 người chết trong xe đông lạnh tại Anh (3) đã nói lên một phần sự thật về thân phận người nông dân trong quá trình Việt Nam “Tiến lên CNXH”!

– Ngành Y tế chỉ qua vụ lãnh đạo Bộ Y tế từ Bộ trưởng đến Thứ trưởng, Cục trưởng dung túng cho VN Pharma buôn bán thuốc giả, gây nên biết bao hậu quả không thể tính được; tiếp đó là vụ Việt Á đã tàn phá cả bộ máy ngành Y tế từ trung ương đến cơ sở (4). Nhưng tất cả tai ương đều đổ vào đầu người dân gánh chịu.

– Giáo dục thì không còn gì để nói. Luật phổ cập giáo dục đến THCS được ban ra, nghĩa là trẻ em trong độ tuổi đó phải/được đi học miễn phí, nhà nước sẽ chăm lo cho mọi trẻ em được học hành, ai, kể cả cha mẹ trẻ em, gây cản trở việc học hành của trẻ sẽ bị pháp luật xử lý.

Nhưng thực tế, học sinh từ lớp Một phải mua hàng chục cuốn sách giáo khoa với giá đắt gấp 2-3 lần giá bình thường; học sinh phải đóng đủ thứ tiền: Tiền học, tiền ăn, tiền phí dịch vụ, tiền học thêm. Không thể hiểu nổi, tại sao trường công lại phải đóng học phí và tăng gấp 5 lần?! (5)

Đời sống giai cấp Công – Nông khốn khổ, Giáo dục và Y tế ngày càng chi phí cao thì tăng trưởng GDP 6 – 7% tiền đi đâu, vào túi ai, chi cái gì? Nhà nước sinh ra để quản lý xã hội, điều tiết các nguồn lực và đảm bảo cho phúc lợi xã hội ngày càng cao hơn, tốt hơn, nhất là về Y tế, giáo dục và hỗ trợ nhóm người yếu thế.

Nhưng nhìn vào bộ mặt xã hội của Việt Nam thấy thật xa lạ với mục tiêu, lý tưởng của CNXH; nó cũng đi ngược với các nước vốn là CNXH chuyển sang chế độ dân chủ như ở Đông Âu; nó cũng không giống sự phát triển tuần tự của các nước tư bản như Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc.

Có lẽ nó đúng như cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói nhân dịp nguyên UVBCT Việt Nam Đinh Thế Huynh thăm Mỹ: Tôi không thấy Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam, mà chỉ thấy chủ nghĩa tư bản sống động (6).

Nhưng có lẽ “chủ nghĩa tư bản sống động” ở Việt Nam lại theo định hướng XHCN nên bộ mặt của nó méo mó, kỳ cục, không giống ai?

 

Mạc Văn Trang

 

THAM KHẢO:

  1. https://baoholaodongvn.com/can-canh-doi-song-co-cuc-cua-cong-nhan.html
  2. https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/38467/luong-toi-thieu-vung-2022-va-4-dieu-can-biet
  3. https://thanhnien.vn/39-nguoi-chet-trong-xe-dong-lanh-tai-anh-da-xac-dinh-danh-tinh-hon-10-nguoi-vn-post898154.html
  4. https://plo.vn/58-can-bo-bi-khoi-to-bat-giam-lien-quan-vu-viet-a-post682254.html
  5. https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/sach-giao-khoa-tang-gap-3-hoc-phi-tang-gap-5-1045407.ldo
  6. https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-va-chu-nghia-cong-san-o-viet-nam/3574452.html

 

 (02.06.2022)