Khái niệm chiến lược mới đầu tiên của NATO trong một thập niên sẽ lần đầu tiên coi Trung Quốc là mối quan tâm nhưng các quốc gia thành viên vẫn còn mâu thuẫn về cách mô tả quốc gia có quân đội lớn nhất thế giới và mối quan hệ của Trung Quốc với Nga, các nhà ngoại giao NATO nói.
Cả hai thượng đỉnh G7 (đang diễn ra ở Đức) và thượng đỉnh NATO (sắp diễn ra ở Madrid) đều bàn về mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine và xu hướng ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh địa chính trị và khả năng kinh tế mang tính uy hiếp đối với các nước.
Các quan chức Mỹ tuần rồi cho biết khái niệm chiến lược mới sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào ngày 29, và ngày 30/6 sẽ giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Một quan chức Tòa Bạch Ốc ngày 26/6 bày tỏ tin tưởng rằng tài liệu này sẽ bao gồm ngôn từ “mạnh mẽ” đối với Trung Quốc, nhưng cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào ngày 29 và 30 tháng 6.
Các nhà ngoại giao NATO nói Mỹ và Anh đã thúc đẩy ngôn từ mạnh mẽ hơn để phản ánh những gì họ coi là tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và lo ngại ngày càng tăng rằng họ có thể tấn công đảo Đài Loan dân chủ mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của riêng mình.
Các nhà ngoại giao NATO nói với điều kiển ẩn danh vì tài liệu đang được chung kết, rằng Pháp và Đức – đầu tư công nghiệp lớn của châu Âu vào Trung Quốc – thiên về những biện pháp ưu đãi hơn.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 27/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng tài liệu chiến lược của NATO sẽ “nói theo những cách chưa từng có về thách thức mà Trung Quốc đặt ra.”
Một nhà ngoại giao cho biết một thỏa hiệp đang hình thành, theo đó Trung Quốc sẽ được coi là một “thách thức mang tính hệ thống”, đồng thời bao gồm việc cân bằng ngôn từ đề cập đến “ý muốn làm việc trên các lĩnh vực lợi ích chung” với Bắc Kinh.
Tài liệu chiến lược, sẽ cập nhật các mục tiêu và giá trị của NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo, cũng sẽ nêu rõ “nhận thức của các quốc gia thành viên về sự cần thiết phải có “khả năng phục hồi nhanh chóng”, nguồn tin này cho biết.
Các nhà đàm phán cũng điều chỉnh cách mô tả mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga. Cộng hòa Czech và Hungary phản đối mạnh mẽ cụm từ “hội tụ chiến lược” để định nghĩa mối quan hệ này, theo một nguồn tin ngoại giao.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói mục đích duy nhất của các khẳng định của phương Tây về các mối đe dọa từ Trung Quốc là kiềm chế và ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc và duy trì quyền bá chủ của Hoa Kỳ.
‘Tham vọng toàn cầu’ của Trung Quốc
Các quan chức NATO đang chạy đua để hoàn thành khái niệm chiến lược mới cho kịp thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Madrid, nơi cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine sẽ là trọng tâm bàn thảo.
Anh gần đây đã chấp nhận ngôn từ mô tả Nga là “mối đe dọa cấp thời, trực tiếp” và Trung Quốc là một “thách thức chiến lược”.
Phúc trình thường niên mới nhất của Ngũ Giác Đài trước Quốc hội Hoa Kỳ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đáp ứng thách thức về tốc độ do quân đội ngày càng có khả năng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đề ra và tham vọng toàn cầu của nước này.”
Các quan chức Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Trung Quốc vào khái niệm chiến lược cập nhật của NATO và Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc do đó lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
Một trong những quan chức nói, mục đích là để báo hiệu rằng NATO không “rời mắt khỏi quả bóng ở Trung Quốc” ngay cả khi khối này tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Một quan chức châu Âu đồng ý rằng “NATO không thể bỏ qua Trung Quốc”. “Châu Âu đã đi sau một chút trong việc nhận ra điều này, nhưng quan điểm chắc chắn đã thay đổi nhìn từ vấn đề Hong Kong,” ông nhắc tới cuộc đàn áp an ninh của Bắc Kinh đối với trung tâm tài chính châu Á.
Trung Quốc nói Đài Loan và Hong Kong hoàn toàn là công việc nội bộ của họ.
Các chỉ trích từ phương Tây nói ông Tập Cận Bình đã đưa Bắc Kinh vào con đường chuyên chế hơn trong nước và hung hăng hơn tại nước ngoài.
G7 chỉ trích và ra chiến lược chống Trung Quốc ‘bành trướng’
Hoa Kỳ và đồng minh vừa kết thúc hội nghị G7 với một tuyên bố tập trung vào lo ngại về Trung Quốc, mặc dù cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang là mối quan tâm cấp bách nhất trong cuộc họp kéo dài ba ngày.
Thông cáo chung ra hôm 28/6 của G7 lên án hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền con người và quyền tự chủ của Hong Kong.
G7 cũng thúc ép Trung Quốc nỗ lực chấm dứt hành động gây hấn của Nga ở Ukraine.
Thông cáo ngày 28/6 của G7 nói: “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, dựa trên pháp quyền.”
“Chúng tôi vẫn quan tâm nghiêm túc đến tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.”
“Chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc làm gia tăng căng thẳng.”
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng không có cơ sở pháp lý nào cho các tuyên bố chủ quyền trên biển ngày càng lan rộng của Trung Quốc tại Biển Đông. Về vấn đề này, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ đầy đủ phán quyết của trọng tài ngày 12 tháng 7 năm 2016 và tôn trọng các quyền và tự do hàng hải được ghi trong UNCLOS.”
“Chúng tôi nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải duy trì nguyên tắc của Hiến chương LHQ về giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh đe dọa, ép buộc, hoặc sử dụng vũ lực.”
“Khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh phi lý, vô cớ và bất hợp pháp chống lại Ukraine, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc thúc Nga phải tuân thủ ngay lập tức mệnh lệnh ràng buộc pháp lý của Tòa án Công lý Quốc tế ngày 16 tháng 3 năm 2022 và tuân theo các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng LHQ, ngừng hành động xâm lược quân sự – và ngay lập tức rút quân vô điều kiện khỏi Ukraine.”
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các cam kết đã đưa ra trong Tuyên bố chung Trung Quốc-Anh và Luật cơ bản, bảo đảm các quyền, tự do và mức độ tự trị cao cho Hong Kong.”
Cũng vào thứ Ba, các nhà lãnh đạo G-7 cam kết 5 tỷ USD cho các vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, với hơn một nửa là viện trợ của Mỹ cho Ukraine.
G7 đã cam kết huy động 600 tỷ USD từ quỹ công và tư trong 5 năm để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, cạnh tranh với dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Các nước đang phát triển thường thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu để giúp đối phó với các cú sốc toàn cầu, như đại dịch.”
Ông Biden cho biết, Hoa Kỳ sẽ huy động 200 tỷ USD tài trợ trong 5 năm để hỗ trợ các dự án ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm giúp giải quyết biến đổi khí hậu cũng như cải thiện sức khỏe toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Châu Âu sẽ huy động 300 tỷ euro (317 tỷ USD) cho sáng kiến này trong cùng thời kỳ nhằm xây dựng một giải pháp thay thế bền vững cho kế hoạch Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Kế hoạch đầu tư của Trung Quốc liên quan đến các chương trình ở hơn 100 quốc gia nhằm tạo ra một phiên bản hiện đại của tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa cổ đại từ châu Á sang châu Âu.
Hôm thứ Hai 27/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng phản đối Hoa Kỳ.
“Trung Quốc luôn hoan nghênh mọi sáng kiến thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu.”
“Nhưng chúng tôi phản đối việc thúc đẩy các tính toán địa chính trị dưới ngọn cờ xây dựng cơ sở hạ tầng và những lời nói và việc làm cố gắng bôi nhọ và vu khống Sáng kiến Vành đai và Con đường.”
Sau cuộc họp ở Đức, một số nhà lãnh đạo G7 sẽ tới Madrid để dự hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato).
Chiến tranh tại Ukraine
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/6 nói với các phóng viên rằng hành động thù địch ở Ukraine có thể kết thúc “trước ngày hôm nay”, nếu chính phủ Ukraine ra lệnh cho “phe dân tộc chủ nghĩa” hạ vũ khí.
“Phía Ukraine có thể kết thúc tất cả những điều này trước khi kết thúc ngày hôm nay; ra lệnh các đơn vị dân tộc chủ nghĩa hạ vũ khí, quân đội Ukraine hạ vũ khí; và họ phải đáp ứng mọi yêu cầu của Nga.”
Người phát ngôn Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Hoạt động quân sự đặc biệt sẽ tiến hành theo kế hoạch và đạt được các mục tiêu.”
Khi được hỏi liệu phía Nga có khung thời gian để kết thúc cái gọi là “hoạt động đặc biệt” hay không, ông Peskov trả lời ngắn gọn:
“Không.”
Trước đó, tối 27/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước Nga đã trở thành tổ chức khủng bố lớn nhất trên thế giới.
“Phải đưa điều này thành sự thật pháp lý. Và tất cả mọi người trên thế giới phải biết rằng mua hoặc vận chuyển dầu của Nga, duy trì liên lạc với các ngân hàng Nga, nộp thuế cho nhà nước Nga đồng nghĩa với việc đưa tiền cho những kẻ khủng bố.”
Trong một phát biểu khác vào ngày 28/6, ông Zelensky khẳng định Ukraine sẽ chiến thắng dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa.
“Kẻ thù sẽ không thể nhận ra sức mạnh mà chúng ta có để sẵn sàng chiến đấu cho các quyền và tự do của chúng ta. Bọn không có sức mạnh thì có bao giờ tước bỏ được sức mạnh của người khác.”
“Đó là lý do tại sao chiến thắng là điều sẽ xảy ra cho chúng ta. Sự trừng phạt là điều không thể tránh khỏi đối với kẻ thù. Và ngày đó sẽ đến. Và hòa bình cũng sẽ đến.”
Các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ gặp nhau tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 30 tháng 6, dự hội nghị của Nato.
30 quốc gia thành viên của liên minh quân sự Nato sẽ muốn thể hiện sự đoàn kết của họ chống lại sự xâm lược của Nga.
Hội nghị thượng đỉnh Nato sẽ tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ quân sự ở Đông Âu, tái khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine và đối phó ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay ở Madrid, các nhà lãnh đạo thế giới từ các quốc gia hiện không phải là thành viên của Nato – bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng với Phần Lan và Thụy Điển, những quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập liên minh – sẽ tham dự với tư cách quan sát viên.
30 quốc gia thành viên Nato dự kiến sẽ công bố một văn bản chính sách mới để ứng phó các thách thức mới trên thế giới.
Có lẽ đó là lý do tại sao lần đầu tiên Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Nato, với tư cách quan sát viên.