Seite auswählen

Vũ Linh: LẠI ĐIỀU TRA CUỘI

 

2.7.2022

Diễn Đàn Trái Chiều

 

    Từ cả tháng nay, tivi và báo chí cấp tiến bắt tay với đảng DC, đã liên tục diễn tuồng hát bộ gọi là Điều Tra về Biến Động 6/1/2021, tức là điều tra về cuộc biểu tình của cả trăm ngàn người xuống đường bao vây quốc hội để phản đối việc họ cho là bầu cử gian lận đưa đến việc TT Trump thất cử.

    Đúng ra, Diễn Đàn Trái Chiều không muốn viết bài về cuộc điều tra này vì đây chỉ là màn xiếc chính trị, mà mọi chú tâm vào chỉ có nghĩa đã mắc bẫy đảng DC và phe cấp tiến đang cố lái dư luận quần chúng ra khỏi những thảm họa như giá xăng và nhu yếu phẩm gia tăng, kinh tế suy thoái, những thất bại tại Tối Cao Pháp Viện về súng, phá thai,…

    Tuy nhiên, vì tầm quan trọng của vụ điều tra, cùng với cả lô bài phiên dịch sảng của đám vẹt tị nạn đã khiến nhiều người bị xuyên tạc, hoang mang, DĐTC đành phải có ít ra cũng là một bài. Không phải để bàn về nội dung cuộc điều tra hay những khám phá của cuộc điều tra là những chuyện bá láp, mà để vạch mặt trái của màn xiếc, để quý độc giả thấy rõ cái gian trá của đảng DC và toàn bộ câu chuyện. Và cái u mê của đám vẹt!

    Ta vào đề.

 

BỐI CẢNH

    Kết quả bầu cử tổng thống đưa đến việc TT Trump thất cử đã gây sốc lớn cho khối cử tri bảo thủ ủng hộ TT Trump, nhất là người thắng cuộc lại là một chính khách lờ mờ nhất, tuyệt đối không xứng đáng chút nào, mà trong suốt hơn nửa thế kỷ lăn lộn trong chính trường đã không để lại một thành quả hay dấu ấn đáng kể nào hết, đã 2 lần ra tranh cử tổng thống mà chẳng lần nào có được hơn 2%-3% hậu thuẫn ngay trong nội bộ đảng DC, phải rút lui sớm. Việc cụ lẩm cẩm này thắng cử là chuyện khó tin và khó xẩy ra nếu bầu cử đã hoàn toàn trong sạch, không gian lận. Chuyện gian lận, diễn đàn này đã bàn quá nhiều, không cần lập lại trong bài này.

    Chỉ biết khối cử tri bảo thủ nổi giận đến độ tổ chức một cuộc biểu tình với cả trăm ngàn người từ khắp nước đổ về tham dự, dự tính sẽ tuần hành qua các đường phố lớn của thủ đô trước khi đến trước quốc hội khi đó đang chính thức kiểm phiếu bầu tổng thống của đại cử tri đoàn, để nói lên tiếng nói bất mãn của dân. Biểu tình trở thành rối loạn khi đám biểu tình tràn vào bên trong quốc hội, khiến các nghị sĩ và dân biểu vì an toàn cá nhân, đã bị cảnh sát quốc hội bắt phải xuống hầm trú ẩn an toàn. Sau khi tràn vào các phòng họp, đi lòng vòng chụp hình tự sướng như du khách, đám biểu tình rút lui, và quốc hội tái nhóm, dưới sự chủ tọa của PTT Pence, và xác nhận cụ Biden là tân tổng thống đắc cử. Hơn hai tuần sau, TT Trump bàn giao cho Biden. 

    Chẳng có gì ghê hồn, câu chuyện tưởng như xong, nhưng không. Đảng DC vốn sợ ông thần Trump hơn sợ ‘Ông Ba Mươi’, chụp lấy cơ hội, dựa vào thế đa số trong hạ viện, hấp tấp tổ chức biểu quyết, đàn hặc TT Trump. Đàn hặc thất bại, đảng DC tung ra chiêu mới, thành lập một ủy ban đặc nhiệm gọi là điều tra về cuộc biểu tình, mà trong thực tế là đi bới rác, tạo ra tội để trừng phạt Trump không hơn không kém. Điều ta đang thấy qua tv và báo chí là ủy ban này đang ‘làm việc’. Ta nhìn qua cách đảng tự xưng là ‘Dân Chủ’ làm việc, từ đàn hặc tới hạ viện điều tra.

 

ĐÀN HẶC

    Đàn hặc là thủ tục nghiêm trọng nhất để ‘trừng phạt và truất phế’ một tổng thống bị kết tội phản quốc hay một đại tội hình sự cực ghê gớm. Câu hỏi là TT Trump đã chính thức thất cử, và sẽ bàn giao hai tuần nữa, còn có thể phạm đại tội phản quốc nào để phải hấp tấp đàn hặc, để làm gì nữa? Câu trả lời: để thượng viện ra quyết định cấm ông Trump và cả gia đình, con cháu, vĩnh viễn không được tham gia chính trị Mỹ. Đảng DC sợ ông sẽ ra tái tranh cử năm 2024, rồi sau đó, tới đám con của ông ra tranh cử các chức vụ trong chính quyền. Đủ thấy đảng DC khiếp sợ ông Trump và cả đám con cháu ông đến mức nào.

    Đàn hặc được tổ chức hấp tấp vì cần có bản án cuối cùng trong vòng chưa tới hai tuần, trước lễ bàn giao, trước khi ông Trump hết làm tổng thống vì dĩ nhiên chẳng ai truất phế tổng thống nếu ông không còn làm tổng thống nữa. Vì hấp tấp nên cực kỳ luộm thuộm, vi phạm tất cả mọi luật lệ và thủ tục pháp lý cũng như thủ tục sinh hoạt của quốc hội, nhưng phe DC bất cần vì có đủ phiếu trong cả hạ viện lẫn thượng viện để hợp pháp hóa tất cả mọi vi phạm. 

    Mở cuộc ‘xử án và kết tội’ khẩn cấp mà không cần điều tra, không nhân chứng, không bằng chứng, không có kiểm chứng vài tài liệu lèo tèo có được, không có đối chất với nhân chứng được lựa chọn theo các tiêu chuẩn một chiều, không cho các bị can khai gì, cũng chẳng có luật sư của các bị cáo có tiếng nói hay hiện diện. Chỉ có bà chủ tịch hạ viện và vài dân biểu DC ra đọc diễn văn lên án, rồi cả hạ viện biểu quyết đàn hạc ngay. Hết chuyện. Rồi chuyển ngay qua thượng viện để xử. Cũng vậy, thượng viện cũng chẳng tôn trọng bất cứ thủ tục hành chánh hay pháp lý nào. Chánh Thẩm Tối Cao Pháp Viện, theo Hiến Pháp, phải chủ tọa cuộc họp của thượng viện để kết án, nhưng Chánh Thẩm John Roberts không nhìn nhận và từ chối không tham gia phiên ‘tòa’ đàn hặc cuội vi phạm Hiến Pháp, không một thẩm phán TCPV nào nhận thay thế hay tham gia, kể cả ba thẩm phán cấp tiến. Phe đa số DC bất cần, bầu ngay một thượng nghị sĩ DC chủ tọa, là TNS Patrick Leahy, một chuyện không hề có trong Hiến Pháp.

    Dù vậy, vẫn thất bại, không đủ phiếu truất phế ông Trump hay có bất cứ trừng phạt nào.

 

ỦY BAN ĐIỀU TRA

    Thua keo này, ta bày keo khác. Sau lễ bàn giao, có tổng thống mới với quốc hội mới. Hạ viện, với thế đa số, ra chiêu trò khác. Thông báo thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra và kết tội Trump nữa.

    Công lý cả thế giới: điều tra, có đủ tội trạng rồi mới truy tố ra tòa để kết án. Công lý của đảng DC thời nay: truy tố ra tòa, thất bại, rồi mở cuộc điều tra đi mò tội lại.

     Thành lập

    Trên nguyên tắc, các ủy ban của quốc hội luôn luôn phải có đại diện của cả hai đảng, với đảng đa số nắm quyền chủ tịch và có nhiều thành viên hơn. DB McCarthy, lãnh đạo khối CH, nộp cho bà Pelosi danh sách 5 thành viên CH. Trái với thông lệ mấy trăm năm qua, bà Pelosi không chấp nhận hai thành viên do ông McCarthy đưa ra là các dân biểu Jim Jordan và Jim Banks với lý do họ ‘ủng hộ Trump’. Bà Pelosi chỉ nhận những thành viên chống Trump thôi. Đây là lần đầu tiên thành viên đảng đối lập thiểu số bị bác, dù là thiểu số, vẫn không được quyền có tiếng nói vì là… ‘trái chiều’. Đảng CH phản đối, cho biết sẽ tẩy chay không tham gia nếu danh sách của họ không được nhận. Bà Pelosi, bất cần, loại hết luôn, rồi tự ý bổ nhiệm hai dân biểu CH đã từng chống Trump tận cùng, đã từng biểu quyết đàn hặc Trump, đó là bà Elizabeth Cheney của Wyoming, và ông Adam Kinzinger của Illinois. Hai dân biểu phản đảng này hý hửng nhận ngay. 

    Công lý thế giới: quan tòa và bồi thẩm đoàn phải triệt để trung lập, công tâm, không có thành kiến gì trước. Công lý của đảng Dân Chủ thời nay: quan tòa và bồi thẩm đoàn phải đồng ý kết tội trước khi xử án mới được bổ nhiệm. 

    Hạ viện biểu quyết chính thức thành lập Ủy Ban Điều Tra, với tất cả các dân biểu DC ô-kê, tất cả 190 dân biểu CH chống, đúng 2 dân biểu CH phản đảng, ủng hộ là bà Cheney và ông Kinzinger. Truyền thông hý hửng xuyên tạc: lưỡng đảng đồng ý điều tra Trump!

    Kết quả, Ủy Ban được thành lập với 9 thành viên, 7 DC, 2 CH. Tất cả 9 thành viên cùng mẫu số chung, chống Trump chết bỏ, đã từng đàn hặc Trump, được chính bà Pelosi lựa chọn và bổ nhiệm, không qua thủ tục bình thường. Hoàn toàn bất hợp lệ. Không sao hết, vẫn tiến hành như thường. Đảng CH phản đối. Vô ích vì đảng DC nắm đa số, biểu quyết ô-kê.

    Một vài chi tiết về thành phần Ủy Ban, phiá DC:

    1. Chủ tịch, DB Bennie Thompson: của Mississippi, da đen, khuynh hướng cấp tiến cực đoan nhất; tố Trump đã âm mưu lật đổ thể chế dân chủ của Mỹ khi không chịu nhìn nhận kết quả bầu tổng thống năm 2020. Ông này ‘sống chết bảo vệ kết quả bầu cử và thể chế dân chủ Mỹ’, mà mỉa mai thay, lại chính là dân biểu đã không nhìn nhận kết quả bầu tổng thống năm 2004, biểu quyết không nhìn nhận kết quả của tiểu bang Ohio nói riêng và kết quả bầu cho TT Bush con nói riêng, vì cho rằng đã có gian lận quy mô, dù chẳng bằng chứng nào.

    2. DB Adam Schiff: của Cali, khuynh hướng cực tả, loại cuồng chống Trump khùng điên nhất, đã từng quậy mạnh nhất trong hai lần đàn hặc Trump.  

    3. DB Zoe Lofgren: của Cali, bạn chí thân và đồng minh chính trị của bà Pelosi.

    4. DB Peter Aguilar: vẫn của Cali, đồng minh chính trị của bà Pelosi, dân biểu gốc La-Tinh cao cấp nhất; (trong 7 người, đã có 3 từ Cali).

    5. DB Jamie Raskin: của Maryland. Bà vợ là Sarah Bloom Raskin, được Biden bổ nhiệm phó chủ tịch hệ thống Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang, nhưng phải rút lui vì dính đáng vào một xì-căng-đan liên quan đến một ngân hàng gì đó.

    6. DB Elaine Luria: của Virginia, mới đắc cử cuối năm 2018, không có kinh nghiệm chính trị gì, chẳng ai biết gì về bà.

   7. DB Stephanie Murphy: của Florida, mới đắc cử cuối năm 2018 giống như bà Luria. Được chọn theo tiêu chuẩn đa dạng, màu mè, cho thấy Ủy Ban có đủ trắng, đen, nâu, vàng. Dân biểu liên bang gốc Việt duy nhất, tên Việt là Đặng Thị Ngọc Dung. Bà Dung cho biết sẽ không ra tái tranh cử cuối năm nay, chỉ làm dân biểu tàng hình đúng 2 nhiệm kỳ hay 4 năm.

    Về hai dân biểu CH, bà Cheney -con gái cựu PTT Dick Cheney- sẽ ra tái tranh cử cuối năm nay và các thăm dò cho tới nay cho thấy bà sẽ thảm bại (thăm dò mới nhất cho thấy bà Cheney thua đối thủ tới 28 điểm, với tỷ lệ đâu 32%-60%) sau khi bị đảng CH tại tiểu bang nhà Wyoming trục xuất ra khỏi đảng. Ông Kinzinger thính mũi hơn, nhanh chân chạy trước, cho biết sẽ không ra tái tranh cử cuối năm nay. Cả hai đang cố sức trả thù chống ông Trump trước khi về nhà đi câu cá.

 

 

     Xuyên tạc, gian trá, bóp méo,…

    Xuyên tạc và bóp méo đã được Ủy Ban biểu diễn cho thiên hạ thấy ngay từ buổi điều trần trực tiếp truyền hình đầu tiên. Ủy Ban cho mở đầu bằng một video cho thấy TT Trump kêu gọi dân xuống đường biểu tình để nói lên tiếng nói bất mãn của mình, hiển nhiên ý đồ của Ủy Ban là chứng minh Trump đã khích động nổi loạn. Nhưng điều gian trá ngay từ đầu là trong diễn văn kêu gọi biểu tình đó của Trump, cũng còn có câu kêu gọi biểu tình trong ôn hòa và trật tự -peaceful and orderly-, mà Ủy Ban đã gian trá cắt xén không chiếu lên màn hình.

    Về khúc phim này, không phải là chuyện quá đáng khi nói đây là phim giả tưởng của Hồ Ly Vọng. Khúc phim là một tuyệt tác về nghệ thuật cắt xén, chắp nối rất công phu của một đạo diễn phim ảnh chuyên nghiệp được Ủy Ban trả tiền khẩm để thực hiện. Chính bình loạn gia Chris Wallace của CNN (CNN đấy, không phải Fox News đâu!) phải than phiền là đảng DC bóp méo và thổi phồng quá đáng, nhất là khi thuê một đạo diễn chuyên nghiệp cắt xén, ráp nối các phim thời sự về vụ biểu tình với mục đích xuyên tạc một chiều rõ rệt.

    Việc cắt xén lời kêu gọi ‘ôn hòa’ còn có mục đích là củng cố chiêu bài cuộc nổi loạn đã là một biến cố bạo động, đẫm máu, chết người ghê gớm, kinh thiên động địa. Theo những tố giác của Ủy Ban, được truyền thông thêm mắm muối, thì cuộc biểu tình ‘đẫm máu đã khiến hơn một chục người chết, cả trăm cảnh sát bị thương, kèm theo đập phá tứ tung trong trụ sở quốc hội’.

    Sự thật không như Ủy Ban mô tả. Trong một chục người chết đó, có đâu 5 cảnh sát tự tử vì nhiều lý do cá nhân cả tháng trời SAU biến động, KHÔNG phải bị dân biểu tình đánh chết trong biến động. Báo New York Times chạy tít khổng lồ một cảnh sát bị một dân biểu tình dùng bình xịt chữa lửa đập vỡ đầu chết tại chỗ. Sau đó, sở cảnh sát quốc hội ra thông cáo, viên cảnh sát đó chết vì đột quỵ, chẳng liên quan gì đến tin vịt cồ là bị đập vỡ đầu chết, NYT sau đó phải chính thức đính chính. Trong số người biểu tình cũng đã có đâu ba người chết trong lúc đang đi biểu tình. Chẳng ai đánh đập họ, mà có 2 người chết vì đứng tim trong lúc hò hét biểu tình, một người chết vì bệnh nặng đã có từ trước, tất cả đều có giấy chứng tử của bác sĩ và xác nhận của gia đình. Tuy nhiên, cũng có một người chết vì bạo động trong cuộc biểu tình thật. Đó là một bà cựu quân nhân da trắng đi biểu tình, bị một cảnh sát da đen bắn chết tại chỗ dù bà chỉ tay không đứng la hét. Viên cảnh sát được phán hoàn toàn vô tội, chẳng bị truy tố gì hết. Thử tưởng tượng đây là cuộc biểu tình ủng hộ Obama, thủ phạm là cảnh sát da trắng và nạn nhân là một bà da đen xem sao? 

    Cũng chẳng có chuyện cả trăm cảnh sát bị thương, mà chỉ có đâu một chục người bị xây sát nhẹ. Trụ sở quốc hội cũng chẳng bị đập phá gì ngoài việc đúng một cửa sổ bị đập kính, một hai vật trang trí nhỏ trong quốc hội bị dân biểu tình lấy mang về nhà làm kỷ niệm, và laptop của bà Pelosi bị lấy đi, nhưng qua ngày sau đã được mang lại nộp y nguyên cho cảnh sát.

     Nhân chứng

    Về diễn tiến cuộc điều tra, Ủy Ban cho đến nay, đã đưa ra nhiều nhân chứng, tố cáo TT Trump vô số tội.

    Ủy Ban khoe đã gọi trên 1.000 nhân chứng. Nghe chết khiếp. Nhưng vấn đề là tuyệt đại đa số những ‘nhân chứng’ này đều thuộc loại tép riu’ vớ vẩn như vài anh cảnh sát, vài anh biểu tình,… Số còn lại toàn là những người có thành kiến phe đảng chống Trump, ra trước Ủy Ban để tố cáo Trump đủ thứ tội.

    Nhà báo Dana Bash của CNN đã hỏi ông DB Adam Schiff tại sao Ủy Ban Điều Tra chỉ toàn đưa ra những nhân chứng chống Trump, những bằng chứng bất lợi cho Trump, DC cũng như CH, mà hiếm thấy một người nào khác quan điểm với Ủy Ban, có cách nhìn thuận lợi hơn cho ông Trump hay công kích Ủy Ban hết vậy? 

    Ông Schiff chối quanh, trả lời Ủy Ban luôn luôn muốn nghe tiếng nói từ nhiều phía. Nói mà không làm.

https://www.theblaze.com/news/dana-bash-grills-adam-schiff-witness-challenge-jan-6-narrative?utm_source=theblaze-breaking&utm_medium=email&utm_campaign=20220620Trending-DanaBashSchiff&utm_term=ACTIVE%20LIST%20-%20TheBlaze%20Breaking%20News

    Ủy Ban đã đưa một vài anh chị CH ra làm nhân chứng tố Trump, như thể đây là việc cả hai đảng đều luận tội Trump vậy. Các nhân chứng CH ra điều trần đều thuộc phe chống Trump, hay có ân oán với Trump, trong khi các phụ tá quan trọng nhất của Trump đều từ chối không ra điều trần, và một số đã bị Ủy Ban tố là khinh thường quốc hội. Con gái của Trump, bà Ivanka có ra điều trần, nhưng lại xác nhận tất cả những viên chức phụ tá hay cố vấn đều hết sức ngỡ ngàng và khuyến cáo TT Trump nên kêu gọi chấm dứt biểu tình càng sớm càng tốt, nghĩa là Trump và ê-kíp của ông, chẳng ai biết trước, tham dự hay cổ võ đám nổi loạn làm chuyện bạo động hết. Dù vậy truyền thông cũng cố bám viú vào điều trần của bà Ivanka để vặn vẹo, bóp méo thành chuyện bà Ivanka chống lại bố, cản bố đừng xúi dục bạo động nhưng thất bại. 

https://www.cnn.com/2022/06/21/politics/ivanka-trump-election-challenge-documentary/index.html

    Một con vẹt tị nạn phân tích rất oai, đại khái hạch hỏi “nếu không có tội, tại sao Trump và Pence không dám ra điều trần? Và các quan cao cấp của nội các Trump cũng không dám ra điều trần hay ra mà không dám trả lời các câu hỏi?”. Những câu hỏi nếu không phải ngớ ngẩn thì cũng chỉ phản ảnh tính phe phái, coi thường sự hiểu biết của độc giả.

    Thứ nhất, Trump và Pence đều không nhận được giấy mời chính thức ra điều trần, sao có thể hỏi tại sao họ “không dám ra điều trần”?

    Thứ nhì, thể chế chính trị của Mỹ dựa trên nguyên tắc ‘tam quyền phân lập’, ba ngành hành pháp, lập pháp, và tư pháp ngang quyền nhau, trong đó hai người đứng đầu ngành lập pháp là chủ tịch hạ viện và chủ tịch nhiệm chức thượng viện (president pro-tempore) chỉ đứng hạng nhì và hạng ba (sau PTT) trong danh sách kế nhiệm chức tổng thống, là chức đứng đầu hành pháp. Tức là xếp của lập pháp còn thua xếp của hành pháp hai ba bậc. Thế thì vài anh chị dân biểu tép riu trong Ủy Ban lấy tư cách gì và quyền hạn nào đòi hai người lãnh đạo hành pháp ra trước mặt họ để họ hạch hỏi?

    Thứ ba, về phần các viên chức cao cấp, trong luật Mỹ có cái gọi là ‘đặc quyền hành pháp’ -executive privilege- bảo vệ các nhân viên nội các, phụ tá và cố vấn của tổng thống, cho họ quyền giữ bí mật những trao đổi, ý kiến của họ khi họ thảo luận chính sự với tổng thống. Lý do dễ hiểu là có luật này thì họ mới có thể thẳng thắn ra ý kiến giúp tổng thống, bất kể ý kiến đúng hay sai. Thử tưởng tượng trong cuộc thảo luận với tổng thống, một ông phụ tá đặt giả thuyết “Nếu ta cho FBI bắt ông X thì sao?”. Nội các có thể bàn tới bàn lui chẳng sao, để tổng thống căn nhắc, hợp pháp hay không là chuyện khác. Nhưng nếu tin này lọt vào phe đối lập hay lọt ra truyền thông thì bảo đảm ta sẽ đinh tai nhức óc vì những khai thác, tố khổ của đối lập, biết đâu chừng ông phụ tá đó bị truy tố ra tòa vì xúi dục bậy bạ? Đừng nói đây là lập luận bao che cho Trump, vì đặc quyền executive privilege áp dụng cho tất cả các tổng thống, bất kể đảng nào, đã được ghi nhận trong Hiến Pháp và đã được tôn trọng từ ngày lập quốc.

    Bình luận gia của đài Fox, cựu dân biểu Trey Gowdy lên tiếng thách đố Ủy Ban Điều Tra 6/1 chấp nhận mang các nhân chứng của họ ra cho đối chất (cross-examination) với các nhân chứng khác của phe CH đưa ra, hay với các luật sư của ông Trump. Mỗi tội đều là tố giác của MỘT người, chẳng có bằng chứng, nhân chứng nào xác nhận, cũng chẳng có đối chất, nên chẳng ai biết có thật hay phịa. Những tố giác đó hoàn toàn vô giá trị pháp lý, chỉ là những đòn chính trị phe đảng, một chiều, chẳng thuyết phục được ai. Trong suốt cuộc điều tra cho tới nay, không một nhân chứng nào đã phải trải qua bất cứ một cuộc đối chất nào.

    Đòi hỏi của ông Gowdy hoàn toàn vô ích. Ngay từ việc bổ nhiệm một chiều các thành viên của ủy ban cũng quá đủ để biết giá trị của ủy ban rồi, khỏi cần làm gì khác cho mất công, mất thời giờ và tốn tiền thuế của dân.

https://www.foxnews.com/media/trey-gowdy-cross-examination-witnesses-jan-6-hearings

    Nhà báo kỳ cựu Brit Hume cho biết “Tôi theo dõi Hoa Thịnh Đốn trong hơn 50 năm nay, chưa bao giờ thấy một ủy ban nào mà tất cả thành viên đều do một đảng chỉ định, tất cả những điều khai đều không có đối chất, hay không có một nỗ lực trình bày vấn đề từ cả hai phía“.

https://www.foxnews.com/media/january-6-hearing-brit-hume-never-seen-committee-where-every-member-same-side

     Câu chuyện cô Cassidy Hutchinson

    Một thí dụ nhỏ mới nhất về tính khả tín của cuộc điều tra của Ủy Ban. Một thư ký 23 tuổi được truyền thông thổi phồng thành ‘phụ tá cao cấp’ của Chánh Văn Phòng của Trump, cô Cassidy Hutchinson tuần qua đã điều trần, kể chuyện TT Trump nổi điên, gần như đánh nhau với cận vệ, giựt tay lái trên xe, đòi đi tới quốc hội để sách động đám biểu tình. Khiếp quá! 

 

Công tố (bà Cheney) và nhân chứng (cô Hutchinson) sao thân nhau vậy?

    Ngay sau đó, Sở Mật Vụ -Secret Service- có trách nhiệm bảo vệ tổng thống (hiện nay dưới quyền Biden đấy), đã cho biết câu chuyện này phịa 100% và Sở Mật Vụ sẵn sàng đưa cận vệ chính cùng với tài xế của ông Trump ra điều trần trước quốc hội về chuyện này. Chờ xem Ủy Ban cuội này dám đưa họ ra điều trần hay không. Sở Mật Vụ than phiền Ủy Ban đã không tham khảo ý kiến của sở trước khi đưa bà Hutchinson ra điều trần công khai. Thế mới gọi là hấp tấp và luộm thuộm.

 
Nên nhớ xe còn có kính chắn ngay sau lưng tài xế để bảo mật các cuộc nói chuyện với khách hay qua điện thoại của tổng thống.

 

    Sau khi Sở Mật Vụ lên tiếng, được hỏi lại, cô Hutchinson khẳng định đó chính là những gì cô… nghe được từ ông Tony Ornato, phụ tá của chánh văn phòng Mark Meadows. Ngay sau đó, phóng viên Shimon Prokupecz và Gabby Orr của CNN cho biết ông Ornato đã lên tiếng cải chính, cho biết ông không hề kể vậy cho cô Hutchinson. Thế thì cô Hutchinson có nói thật dưới lời tuyên thệ không? Chẳng ai biết. Ông Ornato khi đó cũng không ngồi trong xe cùng TT Trump.

    Được hỏi về chuyện này, ông dân biểu CH trong Ủy Ban, Kinzinger tuyên bố “nhân viên Mật Vụ này là người thích nói láo“. Giản dị vậy thôi, cứ tố đại là nói láo, chẳng cần điều tra, thẩm vấn, bằng chứng gì cho mệt. Trong khi bà Cheney từ chối không trả lời câu hỏi bà có muốn nhân viên Mật Vụ ra điều trần không. Đố dám!

 

Trích tin Breibart News

    Cô Hutchinson tố TT Trump nhiều chuyện động trời khác nữa, nhưng một chuyện bị lộ là phịa thì tất cả những chuyện khác đều đáng nghi ngờ.

    Nhưng chưa hết. Vẹt ĐDz nhẩy lên đài tivi NV trợn mắt hô hoán “… Trump nhào tới bẻ tay lái tài xế…”. Theo bản tin tiếng Anh, cô Hutchinson nói “… Trump tried to grab at the steering wheel”, tức là Trump “tìm cách giựt tay lái nhưng chưa được”, khác rất xa cái tin bóp méo “bẻ tay lái tài xế”. May qua, ĐDz nói Trump bẻ tay thôi, chưa nói vặn cổ ai. Hay vác súng bắn ai.

    Một con vẹt già biện bạch: nhưng mà Hutchinson không thể nói láo vì “phát biểu có hữu thệ”! Cái mánh của cô Hutchinson là tuyên thệ nói thật, nhưng là nói thật về những lời đã được nghe qua nói lại, chứ không phải nói thật về những chuyện chính mắt thấy.

    Nhân chứng Hutchinson tung fake news. Vẹt vô lương tâm nghề nghiệp, tìm cách nổ sảng để câu thêm khách nghe, kiếm thêm chút tiền đi ăn phở, thêm mắm thêm muối, nói láo mạnh hơn nữa, một lô cuồng mê Biden nhắm mắt phong thánh cho Hutchinson! Đó chính là thực trạng thê thảm của chính trị Mỹ, truyền thông và cộng đồng tị nạn Việt ở Mỹ hiện nay. Thật là thảm hại! 

    Nhân chứng và truyền thông như vậy mà còn có người tin, thật là mù quáng hết chỗ nói.

https://www.dailymail.co.uk/news/article-10963183/Secret-Service-prepared-testify-oath-Trump-did-NOT-grab-steering-wheel.html

     Ảnh hưởng với dân Mỹ

    Nhà báo Betsy Woodruff Swan của trang mạng Politico cho biết bà đã nói chuyện với hai dân biểu DC, và cả hai đã nhận định dân Mỹ chẳng ma nào để ý tới cuộc điều tra của Ủy Ban 6/1  (nguyên văn “nobody gives a bleep about January 6th”), cho dù đám truyền thông phe ta khua chiêng trống đinh tai.

    Truyền thông loan tin mỗi tối có đâu 20 triệu người xem điều trần. Sự thực, theo Nielsen là tổ chức chuyên tính số người xem TV, tối đầu tiên có số người coi cao nhất, có được khoảng 11 triệu người coi. Để có một khái niệm, số người coi diễn văn nhận đề cử của đảng CH của ông Trump năm 2016 là 35 triệu người, trong khi số người coi Super Bowl vừa rồi là 120 triệu người. 

    Ủy Ban có thành công lái dư luận hay không? Dân biểu DC của Cali Ro Khanna, nhìn nhận ưu tư hàng đầu của dân vẫn là lạm phát, giá xăng; trong khi bà chuyên gia DC Jessica Tarlov nói huỵch tẹt là cuộc điều tra sẽ chẳng có bao nhiêu ảnh hưởng trên cuộc bầu quốc hội cuối năm nay và sẽ không cứu được đảng DC. 

    Cho tới nay, ủy ban đã thành công ở đúng một điểm: đào sâu thêm hố phân hóa chính trị Mỹ, khi những người ủng hộ ông Trump ủng hộ mạnh hơn, và chống ông ta thì chống mạnh hơn thôi. 

    Thật ra, trong tình trạng giá xăng và giá thực phẩm tăng như hỏa tiễn, tới ngày bầu cử trong bốn tháng nữa, sẽ chẳng ai rảnh hơi để ý tới chuyện hai đảng đấm đá nhau về chuyện phe đảng bá láp.

https://www.nbcnews.com/politics/donald-trump/impeachment-no-3-jan-6-panel-isnt-swaying-swing-state-republicans-rcna34037

     Hậu quả với cá nhân ông Trump

    Ủy Ban đang cố gắng kết đủ thứ tội lên đầu TT Trump, với hy vọng có thể truy tố ông ra tòa và bắt nhốt ông.

    Một cựu công tố liên bang, ông Renato Mariotti, nói chuyện trên đài CNN, cho rằng việc kết tội Trump trên TV qua các tố cáo một chiều của Ủy Ban là việc làm rất dễ trong chính trị, nhưng việc thực sự truy tố trước tòa thì trái lại, sẽ không dễ chút nào, và cho tới nay, ông vẫn chưa thấy bằng chứng gì có thể buộc tội ông Trump trước một phiên tòa theo đúng thủ tục pháp lý hết. 

https://www.cnn.com/videos/politics/2022/06/18/can-trump-be-prosecuted.cnn

    Cựu thứ trưởng Tư Pháp đã từng phản đối TT Trump, ông Andrew McCarthy cũng đã lên tiếng tố Ủy Ban này đúng là một phiên tòa cuội -kangoroo court- vì chỉ đưa nhân chứng một chiều, mà lại tuyệt đối không cho ai đối chất hết. Những ‘bị can’, từ TT Trump trở xuống, bị tố đủ loại tội, cũng chẳng có ai có luật sư bào chữa hay giải thích gì hết. Theo ông McCarthy, điều tra sẽ gây hại vô kể cho quốc gia trong khi chẳng làm gì được ông Trump.

https://thehill.com/opinion/white-house/3537622-prosecuting-trump-will-ruin-our-nation-and-might-not-hold-him-accountable/

   Cựu bộ trưởng Tư Pháp Matt Whiteaker nhận định “Cho tới nay, tôi chẳng thấy có gì mới lạ  trong các cuộc điều trần này“. Nhưng ông lại cho rằng việc đòi cựu luật sư của Tòa Bạch Ốc ra điều trần đã đi quá xa mức Hiến Pháp cho phép. Nên nhớ trong luật Mỹ, các luật sư nói chuyện gì với các thân chủ là chuyện tuyệt mật, không ai có quyền tra hỏi.

    Nói cách khác, hậu quả pháp lý đối với Trump là đúng zero, nhưng Ủy Ban vẫn xúc tiến cuộc điều tra vì đó là một việc hoàn toàn mang ý nghĩa chính trị và hậu quả chính trị, trong mục tiêu hạ uy tín của ông khiến ông không ra tái tranh cử được, cũng như có hy vọng hạ uy tín cả đảng CH, cứu đảng DC trong mùa bầu cử cuối năm nay.

    Lên tiếng về Ủy Ban Điều Tra này, ông Trump đã đòi hỏi và thách thức Ủy Ban dám cho ông được quyền có ngang thời giờ -equal time- trên TV cả nước để trả lời những tố giác của Ủy Ban.

    Ủy Ban chưa chính thức lên tiếng trả lời, tuy nhiên chẳng có ma nào tin công lý của đảng DC hết. Trời xập phe DC cũng không dám chấp nhận lời thách đố của ông Trump. 

https://www.businessinsider.com/trump-demanding-equal-time-tv-amid-january-6-primetime-hearings-2022-6

 

KẾT

    Tính phe phái một chiều, những xuyên tạc, bóp méo, fake news, và nhất là những ‘ngồi xổm’ trên tất cả các nguyên tắc và thủ tục hành chánh và pháp lý trên cho thấy rõ ràng đảng DC coi công luận như pha. Trump bị tố là đe dọa nền tảng dân chủ của Mỹ, thế những chuyện ngồi xổm trên tất cả luật lệ và thủ tục để loại cho bằng được một đối thủ chính trị được 48% cử tri Mỹ bầu làm quốc trưởng thì lại là ‘bảo vệ nền dân chủ’ sao?

    Khiến kẻ này thắc mắc: nếu quốc hội có luật cấm ‘không cho ai được khinh thường quốc hội’ thì tại sao lại không có luật cấm chính khách ‘khinh thường dân’? Tại sao dân không có quyền khinh thường chính khách mà chính khách lại toàn quyền coi công luận như pha, khinh thường dân vô tội vạ? 

    Tóm lại, điều tra phe đảng cuội vẫn là phe đảng cuội. Muốn có một nhận định chính xác về ủy ban, thì ta chỉ cần nhớ lại các ‘tòa án nhân dân’ đấu tố các ‘đại điền chủ’ sở hữu ba thước đất trong vụ cải cách ruộng đất ngoài bắc sau khi VC chiếm BV thôi. Cũng một phương thức: tuyệt đối một chiều, không cần bằng chứng, toàn nhân chứng phịa, không đối chất, không luật sư bào chữa, số phận bị can ai cũng biết trước khi phiên tòa chưa bắt đầu. Chắc là Ủy Ban học sách vở của Trường Chinh để lại, do bà Ngọc Dung phiên dịch?

    Tin buồn cho dân Mỹ: sẽ còn phải chịu đựng màn xiếc dởm vì phe DC nhất quyết sẽ khai thác trò này dài dài với sự tiếp tay đắc lực nhất của truyền thông phe ta, ít nhất cho tới ngày bầu cử cuối năm nay. Lá bài tẩy quá ngon trong cuộc bầu cử, không thể bỏ qua được, bất chấp mọi chuyện khác.

    Dường như phe DC cũng không nghĩ xa hơn đầu mũi, không hề nghĩ nếu như họ mất thế đa số tại hạ viện cuối năm nay thì năm tới, phe CH sẽ tung ra bao nhiêu vụ điều tra. Thật ra, đây là vòng xoáy luẩn quẩn của phe DC. Họ biết điều tra kiểu này, nếu thua bầu cử sẽ là đại họa, nhưng họ cố bám vào điều tra với hy vọng điều tra sẽ giúp họ thắng cuộc và tránh bị CH điều tra.

    Cuối năm nay, chúng ta sẽ có câu trả lời cho bài toán nhức óc của đảng DC.

Trùng Dương: Tuổi trẻ và lý tưởng

 

4.07.2022
Da Màu

Mấy ngày qua tôi hay nghĩ về cô, người phụ nữ 25 tuổi và là nhân chứng trẻ nhất trong số những người đã ra điều trần trước Ủy ban điều tra cuộc bạo loạn có võ trang và chết người tại cái nôi của dân chủ là tòa nhà Quốc hội Mỹ, hay Điện Capitol, vào ngày 6 tháng Giêng năm ngoái, 2021. Cuộc bạo loạn vô tiền khoáng hậu kể từ cuộc Nội Chiến trên 160 năm trước, do những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump thực hiện nhằm ngăn chặn buổi họp hiến định của lưỡng viện Quốc hội chính thức công nhận ông Joe Biden đã đắc cử tổng thống trong kỳ bầu cử ngày 3 tháng 11, 2020, chỉ vì họ tin lời ông Trump vu cáo là đã có gian lận bầu cử lớn khiến chiến thắng của ông bị “đánh cắp” dù không hề có bằng chứng.

Tính tới hôm nay, sau nhiều tháng làm việc và cả ngàn cuộc phỏng vấn, Uỷ ban điều tra cuộc bạo loạn 6/1, gồm bẩy thành viên đảng Dân chủ và hai của đảng Cộng hoà, đã tổ chức tổng cộng sáu buổi điều trần công khai. Các buổi điều trần nhằm trình bầy bằng chứng cho thấy ông Trump chính là người đứng đằng sau cuộc bạo động có tổ chức từ nhiều tuần trước, không khác gì một cuộc đảo chánh cướp chính quyền, không phải do bột phát như nhiều người ủng hộ ông đã lên tiếng bênh vực.

Các bình luận gia đã so sánh các cuộc điều trần về cuộc bạo loạn Điện Capitol này với vụ bê bối Watergate vào đầu thập niên 1970 đã khiến Tổng thống Cộng hoà Richard Nixon phải từ chức để tránh bị luận tội. Song khác với vụ Watergate chỉ liên quan tới một biến cố nhỏ mà TT Nixon có dính líu song cố tình dấu qua các nỗ lực cản trở điều tra, các buổi điều trần cho thấy các diễn biến dẫn tới cuộc bạo loạn Điện Capitol có tầm vóc quan trọng hơn nhiều, và có thể dẫn tới tội phiến loạn và âm mưu phản quốc. Như một số người tham gia biến động tại Điện Capitol đã bị kết tội là có âm mưu phiến loạn.

Các nhân chứng, hầu hết là thuộc đảng Cộng hoà, gồm các viên chức từ liên bang tới tiểu bang có liên quan tới các cuộc vận động của ông Trump và phe nhóm nhằm cản trở buổi họp lưỡng viện ngày 6 tháng 1 công nhận sự đắc cử của đương kim TT Biden. Những vận động này đã bất thành, vì không có bằng chứng là cuộc bầu cử tổng thống đã bị gian lận; do đấy đã dẫn tới vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng, 2021, khiến năm người chết hôm đó (và thêm 4 người thiệt mạng những ngày kế vì thương tích hoặc tự vẫn do chấn thương tâm lý) và Điện Capitol đã bị phá hoại. Song, dưới quyền chủ tọa của Phó TT Mike Pence, buổi kiểm phiếu công nhận ứng viên Biden là tổng thống đã diễn ra và kết thúc như hiến định.

Các nhân chứng này là những người thuộc phe bảo thủ và quan tâm tới nền dân chủ. Họ tôn trọng pháp luật, không chấp nhận làm điều khuất tất, chưa kể là phạm pháp nữa. Qua các buổi điều trần về những vụ việc đã diễn ra mà cao điểm là cuộc tấn công Điện Capitol của các thành phần cực hữu, họ đã cung cấp vô số chứng cớ đáng kể cho cuộc điều tra tìm sự thật đàng sau biến cố bạo loạn 6/1, góp phần vào việc bảo vệ nền dân chủ mong manh đã và đang bị đe dọa trầm trọng, đồng thời đóng góp vào kho dữ liệu lịch sử quốc gia.

Song, một cách có ý thức hay vô thức, các nhân vật nhiều tuổi đời và dầy dạn kinh nghiệm chính trường này cũng còn có nhu cầu lưu lại trong văn khố quốc gia cho lịch sử các lời chứng về sự ngay thẳng không cong mình trước áp lực bất chính, và thái độ kiên quyết duy trì tư cách công dân và các giá trị tinh thần của họ nữa.

Cô Cassidy Hutchinson, người chứng duy nhất hiện diện trong buổi điều trần do Ủy ban điều tra 6/1 “bất ngờ” triệu tập ngày 28 tháng 6 vừa qua, có vẻ như không có nhu cầu biện bạch điều gì riêng tư cả. Giản dị vì tuổi đời và sự nghiệp chính trị của cô thực ra chưa có bao nhiêu, ngoài ước nguyện tiếp tay “làm cho nước Mỹ vĩ đại” như cô vẫn tin tưởng, và niềm hãnh diện về cơ hội được phục vụ “thần tượng” Donald Trump, như nhiều người trẻ trên duới tuổi cô phục vụ trong hàng ngũ đảng Cộng hoà.

  
Cô Cassidy Hutchinson tuyên thệ trong buổi điều trần công khai ngày 28 tháng Sáu, 2022, trước Ủy ban Điều tra Cuộc Tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng, 2021. (Ảnh PBS/Newshour)

Cô Cassidy ngưỡng mộ và tin tưởng nơi vị tổng thống đại diện đảng mình, như mọi người bao quanh ông, sẵn sàng bỏ qua những khuyết điểm cá nhân và cả hàng chục ngàn lời dối trá của ông, ngày nào ông còn giúp đảng duy trì quyền lực tại Nhà Trắng.

Cho tới buổi trưa ngày 6 tháng 1, 2021 khi Điện Capitol bị tấn công và đám phiến loạn xông tới đánh nhau với cảnh sát, phá cửa tràn vào toà nhà biểu tượng của dân chủ, đi tìm để treo cổ Phó TT Mike Pence, người đã từ chối làm theo kêu gọi của ông Trump. Và ông Trump đã gửi ra một cái tweet không phải để kêu gọi đám phiến loạn giải tán, ra về có trật tự, mà để chỉ trích viên chức đã hết lòng tuân phục tận tụy phục vụ mình trong suốt nhiệm kỳ bốn năm qua, là “thiếu can đảm”. Vì ông Pence đã cuối cùng chọn trung thành với Hiến Pháp và đất nuớc.

 

Trên, hình chụp tweet của TT Donald Trump chỉ trích Phó TT Mike Pence vào lúc 2:24 trưa ngày 6 tháng 1, 2021 ngay sau khi nghe tin nhóm phiến loạn có vũ trang, khích động bởi chính ông Trump, tràn vào Điện Capitol, đi tìm ông Pence để treo cổ. Trong tweet, ông Trump đã gửi ra một cái tweet không phải để kêu gọi đám phiến loạn giải tán, ra về có trật tự, mà để chỉ trích viên chức đã hết lòng tuân phục tận tụy phục vụ mình trong suốt nhiệm kỳ bốn năm qua, là “thiếu can đảm”. Vì ông Pence đã cuối cùng chọn trung thành với Hiến Pháp và đất nuớc.

Trên, hình chụp từ trang Web của USA Today: Cô Cassidy Hutchinson trong buổi điều trần ngày 28 tháng 6 vừa qua trước Ủy ban điều tra cuộc tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng, 2021. Khi được hỏi cô nghĩ sao khi thấy cái tweet của ông Trump chê vị phó của ông là “không có can đảm làm cái điều lẽ ra cần làm”, cô Cassidy trả lời: “Với tư cách là một công dân Mỹ, tôi cảm thấy ghê tởm. Đấy không phải là yêu nước. Đó không phải là hành xử của một công dân Mỹ. Chúng ta đang thấy tòa Capitol bị bôi nhọ chỉ vì một lời dối trá…”

 

Cô Cassidy lên tiếng vì cảm thấy lý tưởng của mình về một “nuớc Mỹ vĩ đại” đang bị xúc phạm, và giấc mơ phục vụ đất nước của mình đang bị thực tế làm rạn nứt.

Cassidy là ai?

Bốn năm trước, khi còn theo học tại trường Christopher Newport University thuộc tiểu bang Virginia, khi biết mình được chọn vào chương trình nội trú hè 2018 tại Nhà Trắng với chính quyền Trump, cô sinh viên Cassidy Hutchinson 21 tuổi đã “ứa nuớc mắt” vì sung sướng, theo tờ Newport News của CNU.

“Đóng góp nhỏ này của tôi vào công cuộc duy trì sự thịnh vượng và ưu việt của nuớc Mỹ sẽ là một kỷ niệm mà tôi sẽ gìn giữ như một trong những vinh dự của đời tôi,” Cassidy nói trong bài tường thuật việc cô trúng tuyển duới tựa đề rất kêu, “Viên thuyền trưởng trong ‘Toà Nhà của Nhân Dân’” (The Captain in the ‘People’s House’).

Truớc đó, Cassidy, sinh viên môn khoa học chính trị, cũng đã từng tập sự trong các dịp hè tại văn phòng ở thủ đô Washington, D.C., của một số dân biểu và nghị sĩ đảng Cộng hoà vây cánh với ông Trump, nên sinh hoạt tại Quốc hội không xa lạ gì với cô. Chính trong thời gian này cô nhận ra công quyền là ngành cô muốn theo đuổi. Nay cô lại có dịp có thêm kinh nghiệm trong Toà Nhà Trắng.

Giáo sư chính trị học Andrew Kirkpatrick, và là thầy đậy Cassidy tại nhiều lớp tại CNU, cho biết ông có nhiều học trò xin nội trú (intern) hè tại Quốc hội, nhưng thường chỉ một lần. Xin nội trú tới ba lần thì phải kể là “một điều đặc biệt”, nói lên cái đam mê chính trị nơi cô sinh viên này.

Tại Nhà Trắng, do kinh nhgiệm hai kỳ nội trú trước với ngành Lập pháp, Cassidy làm việc trong văn phòng Legislative Affairs. Cô kể là cô thường xuyên tham dự các buổi lễ ký luật của TT Trump. Sau khi hoàn tất việc học, cô trở lại Nhà Trắng xin vào làm việc cũng tại văn phòng này.

Nhờ tính chịu khó, nhận xét tinh tế, nhanh nhẹn và bặt thiệp, Cassidy mau chóng được Chánh văn phòng Mark Meadows tin nhận vào làm cố vấn cho ông đồng thời là phụ tá đặc biệt cho TT Trump. Cô hiện diện thường xuyên bên ông Meadows tại mọi buổi họp, lặng lẽ ghi chép, và được coi như một thứ “người canh cửa” của viên chánh văn phòng của tổng thống.

Theo lời tự giới thiệu khi được yêu cầu trong buổi điều trần, với giọng từ tốn, luôn giữ sự bình tĩnh, tự chủ, mắt nhìn thẳng, tập trung, cô Cassidy kể: “Khi tôi thuyên chuyển tới văn phòng chánh văn phòng Nhà Trắng làm việc cho ông Meadows khi ông trở thành viên chánh văn phòng thứ tư, thật khó mà mô tả một ngày tiêu biểu. Tôi giữ chức phụ tá đặc biệt cho tổng thống và là cố vấn cho ông chánh văn phòng. Mỗi ngày diễn ra tùy theo tổng thống làm gì trong ngày đó, và thời khoá biểu của tôi tùy thuộc vào đó.”

Do đấy, cô Cassidy cho biết cô liên lạc thường xuyên với các vị dân cử bên Quốc hội và các thành viên trong Nội các chính phủ về các vấn đề liên quan tới chính sách. Đồng thời cô cũng phải phối hợp với bộ phận an ninh tại Nhà Trắng liên quan tới việc bảo vệ tổng thống và chánh văn phòng.

Tóm lại, từ vị trí có tính cách giao liên và phối hợp đó, cô Cassidy trở thành như một máy thu hình những gì diễn ra bên trong Nhà Trắng, đặc biệt xung quanh TT Trump và viên chánh văn phòng Meadows, trong cái ngày định mệnh 6 tháng Giêng ấy.

Tiết lộ của cô Cassidy quan trọng như thế nào

Năm buổi điều trần đầu tình bầy các nỗ lực của ông Trump và tập đoàn nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử mà ông là kẻ thua cuộc, một điều mà một người kiêu ngạo, tự phụ, vị kỷ, nhỏ nhen như ông không thể chấp nhận được. Và ông bất chấp luật chơi và luật lệ.

Trước hết, theo Ủy ban 6/1, ông và đồng bọn tạo nên là một cốt chuyện (narrative) từ đó làm bàn đạp cho các nỗ lực kế đó; và câu chuyện biện minh cho ông Trump được tung lên: sở dĩ ông thua là do có gian lận bầu cử, như chính ông đã từng tuyên bố trước cả ngày bầu cử. Từ đấy có khẩu hiệu “Stop the Steal”, Chặn Ngay Sự Gian Lận.

Từ nền tảng bầu-cử-gian-lận-nên-mới-bị-thua, cùng với niềm tin như khắc trên đá của các cử tri tín-đồ của ông, ông Trump và đồng bọn phát động một chiến dịch nhằm thay đổi kết quả bầu cử. Như đòi đếm lại phiếu tại một số tiểu bang mà ông Trump tin là mình phải thắng mới đúng, qua truớc sau tổng cộng trên 60 vụ kiện tụng nhưng không có bằng cớ nên bị thua hoặc bị ác toà án bác bỏ, hoặc không nhận xử, kể cả Tối Cao Pháp viện liên bang. Gây áp lực với các giới chức tiểu bang, như việc yêu cầu bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Georgia tìm giùm số phiếu ông Trump cần, hoặc xin chủ tịch Quốc hội tiểu bang Arizona gọi họp để hủy bỏ các phiếu bầu cho ứng viên Biden và đưa cử tri đoàn do phe mình chọn, cũng không thành, vì là vi hiến. Kẻ nào chống đối công khai hay chỉ làm phần sự của mình liền bị dọa nạt, hăm giết. Làm áp lực các viên chức trong Bộ Tư Pháp, có khi đêm hôm gọi điện thoại cho một viên chức, bảo “cứ tuyên bố là bầu cử bị mua chuộc, để tôi [ông Trump] và các dân biểu Cộng Hoà lo phần còn lại.”

Và cuối cùng là biến cố ngày 6 tháng Giêng, qua tiết lộ của cô Cassidy về những gì xẩy ra ở hậu trường mà ít ai, trừ các người trong cuộc, biết được.

Khác với nhiều người cho là cuộc đột nhập Điện Capitol trở nên bạo động là do bột phát, không phải do có âm mưu dự tính. Thực tế, một tháng sau ngày bầu cử tổng thống, cô Cassidy nhớ có nghe Giám đốc Tình báo John Ratcliff tỏ ý lo ngại việc Nhà Trắng sẽ đối phó với thời kỳ hậu bầu cử, kể cả việc kiện tụng gian lận bầu cử tại các tiểu bang nơi không có bằng cớ gì về sự gian lận. “Ông ấy cảm thấy là có thể nguy hiểm và vuột ra khỏi tầm kiểm soát,” cô kể trong buổi điều trần.

Bốn ngày trước khi diễn ra cuộc bạo loạn, luật sư riêng của ông Trump là Rudy Giuliani, và là người dẫn đầu trong các kế hoạch lật ngược kết quả bầu cử, cũng hé cho cô biết là ngày 6 tháng Giêng sẽ là “một ngày lớn”, rằng ông Trump sẽ có mặt ở Điện Capitol, và rằng ông sẽ cho thấy sức mạnh của ông. Khi Cassidy hỏi xếp của mình có nghe biết gì, thì ông nói có nhiều việc đang diễn ra, và tiên đoán là mọi sự có thể diễn ra không tốt vào ngày 6 tháng Giêng.

“Đó là lần đầu tiên tôi nhớ là đã thực sự thấy hãi sợ. Và lo lắng về điều có thể xẩy ra vào ngày 6 tháng Giêng, và vô cùng lo âu,” cô nói. Cô cũng kể có nhiều buổi họp về vấn đề an ninh giữa xếp của cô và ban an ninh vào các ngày trước ngày 6, và quan ngại về bạo động có thể xẩy ra.

Vào sáng ngày 6 tháng Giêng, cô Cassidy ghi nhận buổi họp giữa xếp của cô và Tony Ornato, viên phụ tá chánh văn phòng về an ninh Nhà Trắng và nguyên là một nhân viên Mật vụ, là có nhiều người trong đám biểu tình mang theo võ trang gồm dao, súng, áo giáp, giáo mác, cột cờ có gắn mác nhọn. Nhiều người trong đám võ trang này đã từ chối không chịu đi qua máy dò vũ khí tại quảng trường Ellipse trước Nhà Trắng, nơi ông Trump sẽ đọc diễn văn. Biết được chuyện đó, ông Trump đòi ban Mật vụ gỡ bỏ máy dò vũ khí để họ tới gần sân khấu nghe ông nói.

Ông nhắn với đám người biểu tình là ông sẽ đến góp mặt với bọ tại Điện Capitol. Điều này đã không xẩy ra. Nhiều người đã thắc mắc tại sao. Cô Cassidy cho biết cô và phụ tá an ninh Nhà Trắng Ornato đã được lệnh sau bài diễn văn thì phải đưa tổng thống về thẳng Cánh Tây của Nhà Trắng. Luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone đã dặn Cassidy nhiều lần là bằng mọi cách phải cho xếp của cô biết, và không để tổng thống tới Điện Capitol vì các vấn đề pháp lý có thể xẩy ra, kể cả tội ngăn chặn công lý hay kiểm phiếu cử tri đoàn.

Do đấy có cảnh xẩy ra trong chiếc SUV từ quãng trường Ellipse mà cô Cassidy nói đã được phụ tá an ninh Ornato thuật lại.

Khi biết sẽ không được tới Điện Capitol để nhập bọn với đám phiến loạn, ông Trump đã nổi giận chụp lấy tay lái, ra lệnh tài xế đưa ông tới Điện Capitol, trong khi tay kia chặn cổ sĩ quan Mật vụ ngồi ghế bên cạnh. Không phủ nhận việc ông Trump biết nhiều người trong đám biểu tình mang vũ khí và ông Trump đòi chở ông tới Điện Capitol với họ, nhưng ông Trump lẫn Mật vụ phủ nhận là vụ việc trong chiếc SUV đã không xẩy ra, cho là cô Cassidy bịa đặt. Ông Trump cũng nói là ông đã không đòi Mật vụ phải để cho nhóm biểu tình tới gần sân khấu với vũ khí. Trong một thư cho CNN, qua luật sư riêng, cô Cassidy cho biết cô cam đoan những điều trình bầy trong buổi điều trần mà cô đã tuyên thệ nói thật.

Trong cuộc điều trần dài trên hai tiếng, cô Cassidy cũng cho biết xếp của cô, ông chánh văn phòng Meadowns, “hầu như bất động” không có phản ứng gì, có khi còn có vẻ như bảo đảm với ông Trump là ông sẽ được chở tới Điện Capitol. Ông Meadows đã từng nhận được trát đòi tới gặp Ủy ban 6/1. Ông nhận lời, rồi có lẽ vì áp lực của ông Trump, nên từ chối không ra, song có cung cấp khoảng 9,000 điện thư và text messages trao đổi giữa ông và nhiều người trong lúc cuộc bạo loạn diễn ra.

Cô Cassidy kinh hoàng theo dõi cảnh đám phiến loạn phá cửa, đánh cảnh sát, tràn vào toà nhà Quốc hội đi tìm Phó TT Pence để treo cổ. “Như thể nhìn thấy một cái xe sắp gây ra tai nạn, muốn chặn lại mà không được nhưng lại vẫn muốn làm một cái gì,” cô nói, vẫn giữ giọng bình tĩnh. “Tôi nhớ đã nghĩ lúc ấy: ông Mark [Meadows] cần làm một cái gì, nhưng tôi không biết làm cách nào để thúc đẩy ông ấy, nhưng ông ấy cần phải để ý tới chuyện đang xẩy ra.”

Đúng lúc ấy luật sư Cipollone bước vào văn phòng của ông Meadows. Cô Cassidy nghe ông luật sư nói với ông chánh là họ cần phải làm gì, lưu ý ông này là bọn biểu tình đang đòi treo cổ ông Pence. “Anh cũng đã từng nghe rồi đấy thôi, là ông ta [Trump] nghĩ là Mike [Pence] đáng bị vậy,” cô Cassidy kể là cô nghe thấy ông Meadows nói với ông Cipollone như vậy, rằng theo tổng thống “đám biểu tình không làm điều gì sai quấy cả.”

Khi được hỏi cô nghĩ sao khi thấy cái tweet của ông Trump chê vị phó của ông là “không có can đảm làm cái điều lẽ ra cần làm”, cô Cassidy trả lời: “Với tư các là một nhân viên đã tận lực làm việc trong phạm vi khả năng tốt nhất của mình và đã luôn xiển dương những điều tốt đẹp ông [Trump] đã làm cho đất nước, tôi nhớ, một cách riêng tư, là mình đã cảm thấy vỡ mộng và thất vọng. Tôi thực tình buồn. Với tư cách là một công dân Mỹ, tôi cảm thấy ghê tởm. Đấy không phải là yêu nước. Đó không phải là hành xử của một công dân Mỹ. Chúng ta đang thấy tòa Capitol bị bôi nhọ chỉ vì một lời dối trá, và đấy là điều thật khó tiêu hoá vào lúc bấy giờ, trong khi nghe biết những gì dọc hành lang [Nhà Trắng] và những trao đổi về những gì đang diễn ra. Đọc cái tweet [của ông Trump] và biết những gì đang diễn ra trên Đồi [Capitol], và đó là điều mà tôi vẫn còn đang phấn đấu để xem xét các xúc động của mình về lúc bấy giờ.”

Theo cô Cassidy thì xếp của cô cũng nằm trong số những người xin vào danh sách để xin TT Trump ân xá về vụ tấn công Điện Capitol. Nhưng cô không biết yêu cầu xin ân xá của của ông có được chấp thuận hay không.

Kết

Trong khi bao nhiêu người bị áp lực của ông Trump và đồng đảng đã không dám lên tiếng, động lực nào đã thúc đẩy một cô gái mới 25 tuổi dám đứng ra công khai kể lại những điều mắt thấy tai nghe bất chấp cả có thể bị đe doạ tới an ninh bản thân, chưa kể tới sự nghiệp tương lai có thể tàn lụi, tôi không ngừng tự hỏi.

Tôi chỉ có thể nghĩ đó là lý tưởng của tuổi trẻ đã thúc đẩy cô.

Cách đây bốn năm, khi cô trúng tuyển vào chương trình nội trú tại Nhà Trắng, cô đã tâm sự với tờ Newport News của trường: “Tôi tin là tôi sẽ trở thành một người lãnh đạo hữu hiệu trong việc tranh đấu gìn giữ giấc mơ Mỹ quốc cho các thế hệ tương lai, để họ cũng có được những cơ hội phong phú và các quyền tự do làm cho Mỹ quốc vĩ đại.”

Liệu sau khi tận mắt chứng kiến những gì các vị đàn anh của cô đã làm, hay cả không làm bất chấp quyền lợi và danh dự của đất nước, liệu cái lý tưởng ngời sáng như trong phát biểu trên của cô sẽ còn nguyên vẹn? Việc cô nhận lời ra điều trần công khai cho phép tôi tin là lý tưởng còn đó. Song cô chắc sẽ thận trọng hơn trong việc chọn mặt gửi niềm tin. Tôi biết cô không cô đơn khi nhìn Dân biểu Cộng hòa Liz Cheney xuống ôm cô sau buổi điều trần. Tôi cầu mong cô được bằng an.

[TD2022-07]