Mục lục
Công lý không công bằng
Bom nổ chậm/RFA
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây được toà giảm án một năm tù (từ 3 năm xuống 2 năm) trong một vụ án liên quan đến những sai phạm về đấu thầu ở Hà Nội. Trước khi toà tuyên án, ông Chung đã gửi nhiều hồ sơ bệnh án và 85 tài liệu khen thưởng cho tòa để được toà xem xét giảm án. Điều này đã gây bất bình trong công chúng với những bình luận xuất hiện trên mạng xã hội Facebook cho rằng luật pháp không công bằng giữa quan chức và người dân. Đây cũng không phải lần đầu tiên một cựu quan chức Chính phủ Việt Nam được xét giảm án vì lý do có công với cách mạng hay bị bệnh tật. Điều này đặt ra câu hỏi: công lý có công bằng ở đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo?
RFA (16.07.2022)
Kêu gọi không bầu Việt Nam vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Đang có lời mời gửi qua email về tham gia ký tên vào thỉnh nguyện thủ kêu gọi các quốc gia thành viên “Không bầu Việt Nam vào hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.
Tôi cho rằng thỉnh nguyện thư này phù hợp về quyền tự do chính kiến, tuy nhiên với nhà nước Việt Nam thì nếu ai đó tham gia “ký tên”, thì rất cần cân nhắc vì có thể sẽ đưa đến nguy cơ của cáo buộc chống phá Đảng, Nhà nước.
Điều luật 117 của Bộ luật hình sự hiện hành có một nội dung là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý”. Theo cách hiểu của điều luật này, thì khi ai đó ký tên tham gia vào lời kêu gọi gây bất lợi cho Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người ấy bị cáo buộc “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Phía cơ quan công tố của Việt Nam đưa ra lập luận sau cho cáo buộc: “Theo nghĩa rộng, chiến tranh tâm lý là sự kế tục của chính trị và là phương tiện của chính trị; là cách thức, phương pháp đấu tranh tư tưởng của các bên có mâu thuẫn về tư tưởng.
Theo nghĩa hẹp, chiến tranh tâm lý là các thủ đoạn của đấu tranh tư tưởng, hay còn được gọi là tâm lý chiến thông qua sử dụng các biện pháp, cách thức tác động vào tâm lý con người, xã hội của đối phương; nhằm tạo ra những xung đột tư tưởng, từ đó gây mất đoàn kết, khủng hoảng và xung đột nội bộ, suy giảm tinh thần chiến đấu, dẫn đến phe cánh, bè phái, nội chiến, rồi tự tan rã” (dừng trích).
Giáo trình của Khoa Tâm lý học quân sự, Học viện Chính trị về vấn đề trên, viết (trích):
“Trong thời bình, chiến tranh tâm lý trở thành phương tiện quan trọng để tiêu diệt chính phủ của quốc gia có chủ quyền hoặc chế độ chính trị có xu hướng đi ngược lại mục tiêu “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”.
“Đạn” của chiến tranh tâm lý là thông tin, với nhiều loại “đạn” được sử dụng ở từng thời điểm khác nhau. Nếu là tuyên truyền công khai thì sẽ có “thông tin trắng”.
Còn tuyên truyền bí mật lại có “thông tin đen”, “thông tin xám”, “thông tin hồng”… nhằm thực hiện triệt để 3 chức năng chính: Một là, đánh lạc phương hướng chính trị của đối phương thông qua việc cung cấp nhiều thông tin sai lệch cho cá nhân và cộng đồng, làm biến dạng chân lý, mang lại cho con người “bán chân lý” (thực thực hư hư), tạo nên những ảo tưởng xa lạ.
Hai là, phá hoại đạo đức, lối sống của quân đội và nhân dân phía đối lập, khêu gợi sự thất vọng. Ba là, gieo cấy vào nhận thức của quần chúng các quan điểm và giá trị tinh thần theo mục đích của bên tham chiến. Vì là cuộc chiến vô hình, không giới tuyến, không bộc lộ trực diện ý đồ, khó xác định đối tượng và thông qua việc sử dụng thông tin ở các thời điểm khác nhau nên chiến tranh tâm lý trở thành cuộc chiến khó nhận diện và phòng, chống” (dừng trích).
Như vậy, với việc tham gia ký các lời kêu gọi thỉnh nguyện thư liên quan đến vấn đề mang tính chính trị, đến đường lối lãnh đạo của Đảng thì khả năng đối mặt với lao lý trong nhiều trường hợp cho thấy cũng không khác mấy so với tham gia các tổ chức công khai kêu gọi lật đổ chế độ bằng bạo lực, khủng bổ như tổ chức có tên “Chính phủ Đào Minh Quân”.
Người viết bài này nghĩ rằng với quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến ghi trong Hiến pháp của Việt Nam, sẽ an toàn ở chừng mực nhất định nếu như công dân lên tiếng về những yêu cầu, những khuyến nghị cụ thể về chính sách.
Thậm chí nếu có đả kích, thì cũng cần tiết chế cảm xúc để tránh các cáo buộc bất lợi, vì dẫu sao thì Việt Nam vẫn chưa có cạnh tranh đảng phái, nên phản biện chính trị luôn luôn là vấn đề nhạy cảm.
Trúc Linh Lan
VNTB (16.07.2022)
Phạm Đoan Trang được trao giải Tự do Báo chí 2022
NGUỒN HÌNH ẢNH,PHAM DOAN TRANG Chụp lại hình ảnh, Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang từng làm việc hơn 10 năm trong các cơ quan báo chí chính thống của nhà nước VN
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) vừa công bố trao tặng Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022 cho nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang.
Bà Phạm Đoan Trang được trao giải thưởng này cùng với ba nhà báo khác từ Cuba, Iraq, và Ukaine.
Lễ trao giải sẽ diễn ra ngày 17/11 tới tại New York.
Nhà báo Phạm Đoan Trang từng được trao giải Tự do Báo chí năm 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, hạng mục Ảnh Hưởng.
Vào tháng 12/2021, bà Trang bị kết án 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước”. Bà bị giam 434 ngày trước khi bị kết án.
Trên website, CPJ viết hôm 14/7:
“CPJ vinh dự trao tặng Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022 cho nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang.
“Nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang đang thụ án chín năm tù theo Điều 117 của bộ luật hình sự, một điều khoản cấm đăng hoặc đưa tin chống phá nhà nước trong môi trường truyền thông bị nhà nước kiểm duyệt và thống trị cao. Bà đã bị giam giữ trong hơn một năm trước khi bị kết án vào tháng 12/2021 trong một phiên tòa kéo dài một ngày.
“Trang nằm trong số ít nhất 23 nhà báo Việt Nam bị bắt giữ vì các công việc của họ, vào thời điểm CPJ thực hiện điều tra về tình hình bỏ tù các nhà báo năm 2021.
“Bà Trang, một cựu phóng viên cho báo chí nhà nước, người bị sa thải vì làm rò rỉ đoạn ghi âm cuộc thẩm vấn của cảnh sát trong khi bà bị giam giữ cho một nhà báo độc lập, đưa tin về các vấn đề nhân quyền cho tạp chí Luật Khoa do bà sáng lập và cho trang web tiếng Anh độc lập The Vietnamese. Bà cũng viết cho blog Danlambao của người Việt lưu vong.
“Lực lượng an ninh đã đánh đập bà trong một cuộc biểu tình vào năm 2015, khiến bà bị thương tật vĩnh viễn và đi khập khiễng.
“Trước khi bị bắt vào tháng 10/2020, Trang viết trên trang Facebook cá nhân rằng bà đã phải đối mặt với sự quấy rối dai dẳng của cảnh sát vì hoạt động báo chí và xuất bản của mình, đồng thời đăng một lá thư kêu gọi cải cách dân chủ có tiêu đề “Nếu tôi bị bỏ tù”, được lan truyền rộng rãi trên mạng và được trích dẫn trong một số bản tin.
“Bà Trang đã được đề cập đến trong một thông báo chung do năm báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra phản hồi về sự quấy rối mà bà và các nhà báo độc lập khác phải đối mặt tại Việt Nam.
“Vào năm 2018, bà Trang đã phải lẩn trốn sau khi bị cảnh sát thẩm vấn về báo cáo của mình. Bà cũng có thời gian sống lưu vong ở nước ngoài sau khi bị chính quyền quấy rối.
“Bằng cách vinh danh bà với giải thưởng Tự do Báo chí năm nay, CPJ đang làm sáng tỏ môi trường tự do báo chí đang xuống cấp ở Việt Nam, một trong năm quốc gia có nhà báo bị quản lý tồi tệ nhất trên toàn thế giới.”
Phạm Đoan Trang và các giải thưởng quốc tế
NGUỒN HÌNH ẢNH,PHAM DOAN TRANG Chụp lại hình ảnh, Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang (giữa) trong một lần gặp gỡ các chính khách quốc tế
Phạm Đoan Trang là nhà báo, blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng. Bà viết nhiều sách gây tiếng vang như Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực.
Bà Trang là người đồng sáng lập blog Luật Khoa Tạp Chí, nơi cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý để giúp người dân Việt Nam bảo vệ quyền của mình.
2/6/2022: Tại Geneva, Thụy Sỹ, giải thưởng nhân quyền Martin Ennals đã được trao cho nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoang Trang. Bà Bùi Thị Thiện Căn, 81 tuổi, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang, có mặt tại Geneva để nhận giải thưởng này thay con.
10/02/2022: Canada và Anh trao giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) cho bà Trang khi bà đang ngồi tù
18/5/2021: Phạm Đoan Trang được công nhận là thành viên danh dự của PEN, tại Đức. Pen là một trong hơn 150 hiệp hội nhà văn trên toàn thế giới được hợp nhất trong PEN Quốc tế. Hiệp hội này ban đầu được thành lập ở Anh vào năm 1921 nhằm ủng hộ tự do ngôn luận và được coi là tiếng nói của các nhà văn bị đàn áp.
13/9/2019: Giải thưởng Tự do Báo chí của Tổ chức Phóng viên Không biên giới
5/3/2018: Giải nhân quyền Homo Homini của tổ chức People in Need diễn ra tại Prague, Cộng hòa Czech. Bà Nguyễn Thanh Mai, người đang làm việc cho một hãng hàng không ở Cộng hòa Czech đã được bà Đoan Trang ủy quyền đi nhận giải thay, do bà Trang khi đó trong tình trạng “ẩn náu tại Việt Nam” sau lần bị câu lưu.
BBC (16.07.2022)
Chống tham nhũng – đàn áp bất đồng: Một “phải” làm, và một “thích” làm
Nguyễn Văn Lung
Các con số bắt giữ đơn thuần không phản ánh được toàn bộ vấn đề.
Đối với một người nghiên cứu và quan sát cả về vấn đề tham nhũng lẫn nhân quyền tại Việt Nam, nửa đầu năm 2022 là một chuyến tàu lượn siêu tốc với nhiều cảm xúc.
Về nhân quyền, chỉ trong thời gian trên đã có 16 người bị bắt liên quan đến những vấn đề như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí hay quyền tự do hoạt động hội nhóm. [1] Cái tên mới nhất là ông Nguyễn Lân Thắng – một blogger có tiếng nói trên mạng xã hội tại Việt Nam. [2]
Con số bị bắt đó tương đương với các năm trước, khi mà cả năm 2021 và 2020 đều có 39 người bị bắt vì những vấn đề nhân quyền. Hiện tượng này có thể gọi là “đàn áp một cách ổn định”. Những con số đáng buồn cho thấy không có tiến triển gì trong việc cải thiện tình hình nhân quyền trong nước.
Tuy nhiên, cũng trong cùng khoảng thời gian đó, chỉ tính riêng số lượng Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh (CDC) bị bắt thôi đã là 14 người (và khả năng sẽ còn tăng cao). [3] Tổng số cán bộ, công chức đang bị xem xét trong vụ Việt Á nói riêng là hơn 70 người, với hàng chục người thuộc nhóm cán bộ cao cấp.
Trong mối tương quan đó, liệu có đúng không khi cho rằng hệ thống công an – an ninh Việt Nam được xây dựng mạnh mẽ chỉ để đàn áp chính trị, vi phạm nhân quyền, khi mà một phần lớn nguồn lực được dành cho những hoạt động hết sức có ý nghĩa như chống tham nhũng, còn những cá nhân bị bắt giữ vì tự do ngôn luận “quá khích” thì chỉ có vài trường hợp lẻ tẻ?
Chưa kể, chúng ta đang so sánh toàn bộ các bản án hình sự có liên quan đến những cáo buộc nhân quyền trong nửa đầu năm 2022 với một sự kiện tham nhũng duy nhất của năm là Việt Á. Các bê bối lớn khác như sai phạm đất đai tại Bình Dương, vấn đề quản trị tại thành phố Hồ Chí Minh đều chưa được xem xét.
Năm 2021 có thể cung cấp số liệu tổng quát hơn cho việc so sánh.
Trong năm đó, các vụ bắt bớ có thể liên quan đến vấn đề nhân quyền là 39 vụ. Các trường hợp bắt giữ, xem xét vì có dính líu đến các tội phạm về tham nhũng và các tội phạm chức vụ là 1.011 cá nhân. [4]
Với các con số chênh lệch giữa chống tham nhũng và đàn áp bất đồng, chúng ta nên nhìn nhận hai vấn đề này như thế nào?
Đàn áp bất đồng chính kiến: Việc “thích” làm
Trước tiên, để hiểu được toàn cảnh môi trường và không gian xã hội dân sự tại Việt Nam, hay tại bất kỳ quốc gia nào khác, không thể chỉ nhìn vào những con số liên quan đến việc bắt giữ hoặc xét xử các nhà bất đồng chính kiến.
Các trường hợp bị chính quyền bắt giữ trong năm 2022 (tính đến thời điểm hiện tại) được The 88 Project xếp vào nhóm liên quan đến các vấn đề nhân quyền. Ảnh chụp màn hình trang web của The 88 Project.
Trong tác phẩm “Weapons of the weak: Every-day forms of peasant resistance” (Vũ khí của những người yếu thế: Các biện pháp đấu tranh của giới nông nô), giáo sư James C. Scott nhận định việc đàn áp chính trị (political repression) của các chính phủ có thể bao hàm hàng loạt các biện pháp, kỹ thuật từ nặng đến nhẹ, từ có chọn lọc đến rộng khắp trên toàn bộ cộng đồng. [5]
Ví dụ, Scott nhắc đến khái niệm “áp lực thường trực” (steady pressure), bao gồm các biện pháp như công an “thăm hỏi” thường xuyên (police visit), quấy rối đời sống riêng tư (harassment), bắt giữ, tạm giam không xét xử. Trong các trường hợp tồi tệ hơn, các kỹ thuật đàn áp như mất tích cưỡng bức, bắt cóc, bỏ tù, tra tấn hay thậm chí giết hại cũng có thể được vận dụng.
Tại Việt Nam, dù đúng là tỉ lệ án hình sự dành cho các vấn đề chính trị và nhân quyền không quá cao, hệ thống “áp lực thường trực” mà giới an ninh Việt Nam có thể tạo ra là khổng lồ, đặc biệt khi các nhóm an ninh địa phương vô cùng đông đảo và vô cùng… rảnh.
Các kỹ thuật đàn áp chính trị rất đa dạng và thông dụng: từ không cho phép tạm trú tại địa phương, tạo áp lực cho các chủ trọ để đuổi người thuê vốn là các nhà hoạt động xã hội, đến gây khó khăn cho việc học hành của con cái các nhà hoạt động, sách nhiễu việc làm của thành viên trong gia đình, thường xuyên triệu tập để tra xét và lấy cung, v.v.
Hệ thống giám sát nhân quyền yếu và mỏng tại Việt Nam không thể ghi nhận và báo cáo đầy đủ các phương thức đàn áp này.
Bản thân những người bị gây áp lực cũng sẽ không nhất thiết lên tiếng về vụ việc, lo ngại leo thang căng thẳng với an ninh, ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của mình.
Vì vậy, những con số về án hình sự liên quan đến hoạt động chính trị và nhân quyền sẽ không bao giờ phản ánh đầy đủ không gian dân sự và các hoạt động chính trị tại một quốc gia.
Ngoài ra, trong nghiên cứu “Conditions Affecting the Use of Political Repression” (Các điều kiện ảnh hưởng đến việc sử dụng đàn áp chính trị), tác giả Conway Henderson chỉ ra rằng tùy vào hoàn cảnh, môi trường và điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, xu hướng áp dụng các kỹ thuật đàn áp chính trị cũng sẽ khác nhau. [6]
Nghiên cứu đưa ra một số giả định, ví dụ như khi một chính quyền đang thụ hưởng một nền kinh tế phát triển và tương đối ổn định, các nhà lãnh đạo sẽ có cảm giác an tâm hơn về các bất đồng.
Nói theo cách của người viết, nhờ vào các thành tựu kinh tế nhất định, giới lãnh đạo thường sẽ tạo ra được một lượng “fan” hùng hậu, bảo vệ họ khỏi những chỉ trích liên quan đến các vấn đề khác. Hệ thống kinh tế phát triển cũng có thể giúp các nhà lãnh đạo tự tin rằng khả năng tập hợp quần chúng của các nhóm đối lập là rất thấp. Nhu cầu đàn áp chính trị do đó mà cũng giảm theo.
Một giả định khác liên quan đến chỉ số khác biệt giàu nghèo trong xã hội: Nếu sự khác biệt giàu nghèo còn ở mức độ thấp, dù chính quyền có toàn trị đi chăng nữa, việc áp dụng các biện pháp đàn áp chính trị dày đặc cũng không cần thiết.
Khi nguồn tài nguyên trong xã hội còn được chia sẻ đồng đều một cách tương đối, mâu thuẫn chính trị cao độ khó có khả năng xảy ra. Điều này cũng giúp các nhà lãnh đạo không cần phải quá thường xuyên áp dụng các công cụ đàn áp.
Áp dụng các giả thuyết này vào tình hình Việt Nam, có thể nói giới lãnh đạo chóp bu tại Việt Nam chưa bao giờ chịu áp lực thật sự để phải áp dụng các biện pháp can thiệp đàn áp chính trị.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục sống tốt nhờ vào làn sóng dịch chuyển sản xuất và đầu tư của các quốc gia đồng văn phát triển trước đó như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chỉ mới vừa thật sự đi vào vòng xoáy phát triển kinh tế chưa đến 20 năm (tính từ khi chính thức gia nhập WTO vào năm 2007), tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam vẫn chưa đến mức cực đoan (dù rõ ràng nó đang có xu hướng đó).
Những lý do trên cho thấy chính quyền Việt Nam không có quá nhiều điều phải lo lắng về các cuộc cách mạng, phong trào nổi dậy hay các thách thức chính trị đáng kể.
Về mặt vật chất, lợi ích của việc tham gia vào các phong trào đòi cải cách chính trị, đòi dân chủ thấp hơn nhiều so với việc lướt sóng và tận dụng các lợi ích thương mại, tài chính đang đổ vào nền kinh tế Việt Nam. Trong môi trường đó, tự thân các phong trào chính trị đối lập sẽ không đủ nhân lực, vật lực và động lực để duy trì, cho dù có được nước ngoài tài trợ đi chăng nữa.
Bất chấp các thực tế đó, chính quyền Việt Nam vẫn xây dựng một hệ thống an ninh dày đặc được chi tiền đến tận răng, [7] luôn ở tình trạng “sẵn sàng tham chiến”, thường xuyên bố ráp và bỏ tù các nhà hoạt động dân sự, các nhà báo độc lập – một lực lượng vốn đã rất mỏng. Nó cho thấy đây là việc mà chính quyền “thích” làm – gần đúng với bản chất của các chính quyền toàn trị.
Dù không phải là việc cần làm, chính quyền Việt Nam cũng đã nhanh chóng chiếm “thành tích cao” trong các bảng xếp hạng liên quan đến đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí và không gian xã hội dân sự nói chung. [8]
Con số các nhà báo, blogger bị bắt giữ và xử lý hình sự tại Việt Nam đang thuộc nhóm đứng đầu thế giới.
Trong năm 2021, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về số lượng các nhà báo bị bắt giữ. Ảnh: Al Jazeera.
Chống tham nhũng: Việc “buộc phải” làm
Khác với đàn áp chính trị – một việc “thích” làm – chống tham nhũng là hoạt động mà chính quyền Việt Nam buộc phải làm để duy trì tính chính danh, hay nói đúng hơn là sự tồn tại của chính bản thân họ.
Đây là điều nhiều nhóm quan sát và các nhóm đối lập tại Việt Nam thường đánh giá thấp – một chính quyền toàn trị không nhất thiết lúc nào cũng chỉ biết “vét đầy túi tham”.
Các thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục là một trong những nhóm hưởng lợi nhiều nhất trong môi trường kinh tế – chính trị hiện nay. Tuy nhiên, với cương lĩnh hoàn thiện, mục tiêu, bộ máy cấu trúc và khả năng thử – sai, tập đoàn chính trị này rõ ràng không chỉ là một tổ chức “ký sinh”.
Năng lực của các chính quyền toàn trị trong việc chống tham nhũng để thích nghi đã được cân nhắc dưới góc độ nghiên cứu khoa học trong tham luận có tên “Taking Authoritarian Anti-Corruption Reform Seriously” (2003) của tác giả Christopher Carothers. [9]
Theo đó, ông đưa ra một giả định khá bất ngờ là các chính quyền toàn trị nhưng chuyên nghiệp, như Trung Quốc, lại là những quốc gia thực hiện chống tham nhũng thường xuyên hơn, và thậm chí hiệu quả hơn.
Tác giả nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử chống tham nhũng của các chính quyền như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Ethiopia và Saudi Arabia. Kết luận được đưa ra là, về mặt kỹ thuật, hiển nhiên các chính quyền toàn trị có phương án chống tham nhũng hoàn toàn khác với các biện pháp được khuyến nghị.
Thay vì tăng cường dân chủ cơ sở, tăng cường pháp quyền, tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát chéo, bảo vệ tự do báo chí và các vấn đề dân sự khác, v.v. họ lại thực hiện các cuộc “phong sát” từ trên xuống. Nếu cần, họ diệt luôn các tổ chức dân chủ, tổ chức phản biện, tổ chức chống tham nhũng nào dám nói quá nhiều.
Nói cách khác, chống tham nhũng tại các quốc gia này không bao giờ đi kèm với dân chủ và giải phóng các nguồn lực xã hội dân sự trong nước.
Nó cũng không giúp các tổ chức tư pháp quốc gia hoàn thiện hay trau dồi năng lực chống tham nhũng.
Tuy nhiên, điều này lại được xem là điểm mạnh của các chính quyền toàn trị.
Trong trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, với việc thiết lập một hệ thống quản chế tham nhũng mạnh mẽ (nhưng không nằm trong mô hình chính quyền chính thức), các cuộc kiểm tra, giám sát, xử lý tham nhũng diễn ra thường hơn, nhanh chóng hơn. Nó cũng sâu sát, nhiều thông tin hơn các phóng sự điều tra đầy nguy hiểm và rủi ro của giới báo chí, hay những cuộc điều tra tốn kém, mất nhiều thời gian của phía cơ quan tư pháp.
Như vậy, chỉ có nội bộ đảng chống tham nhũng, còn cơ quan an ninh thì vẫn lo phần đàn áp chính trị của họ.
Một số quan chức cấp cao của chính quyền bị kỷ luật và xử lý hình sự trong chiến dịch chống tham nhũng thời gian qua. Ảnh: Vietnamnet.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, không phải tự dưng mà các chính quyền toàn trị chuyên nghiệp phải làm điều này.
Trước tiên, như các bài viết trước trong chuyên đề Nghiên cứu tham nhũng của Luật Khoa từng đề cập, tự thân các tập đoàn chính trị này cần thanh lọc bản thân để hoàn thiện và hoạt động hiệu quả hơn, giành nhiều cảm tình của quần chúng hơn và từ đó tăng cường tính chính danh của mình. [10]
Mặc khác, nghiên cứu này chỉ ra một điều thú vị rằng các chiến dịch chống tham nhũng của giới chóp bu chính trị quốc gia vẽ ra một bức tranh tuyên truyền tuyệt mỹ.
Nơi đó, các lãnh đạo đứng đầu quốc gia là những nhân vật “không thể suy thoái” (incorruptible). Họ là những người mà chính sách, tư tưởng và đường lối là hoàn toàn đúng đắn. Vấn đề nằm ở địa phương, những nhóm quyền lực cát cứ, những kẻ “chống triều đình”.
Nói cách khác, mọi thứ mà họ làm đều hoàn hảo, chủ trương của họ không bao giờ sai. Vấn đề nằm ở những người thừa hành cấp dưới.
Qua các chiến dịch chống tham nhũng, các lãnh đạo chính trị trong các thể chế toàn trị được “tẩy trắng”: Họ biến vấn đề mà chính thể của họ tạo ra thành nơi ghi điểm cho chính thể đó.
Như vậy, có thể lý giải rằng chống tham nhũng không đơn thuần tăng khả năng sống sót của các chính quyền toàn trị, nó còn là cơ hội “PR” cho các nhà cầm quyền.
***
Các thông tin trên liên quan đến mối tương quan giữa quá trình chống tham nhũng và đàn áp bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Hiển nhiên, người viết không muốn xem nhẹ thành tựu chống tham nhũng của các tập đoàn chính trị chuyên chế như Đảng Cộng sản Việt Nam hay Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cách mà họ tiếp tục duy trì quyền lực tối thượng của mình, nhưng đồng thời xây dựng một môi trường “chấp nhận được”, mời gọi những quốc gia “cấp tiến” đầu tư phát triển và từ đó hỗ trợ sự tồn tại của họ có thể xem là quá điêu luyện.
Tuy nhiên, nguồn lực an ninh của những quốc gia này vẫn không được dùng để chống tham nhũng. Chống tham nhũng tại thời điểm hiện tại không khác gì quá trình phê bình và tự phê bình trong nội bộ đảng.
Nhu cầu vô cùng khác nhau giữa hai vấn đề cũng cho thấy không thể đưa ra các so sánh đơn giản để làm giảm tính nghiêm trọng trong các vấn đề về nhân quyền và đàn áp chính trị ở Việt Nam.
Luật Khoa Tạp Chí (15.07.2022)
Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2022: Các thành quả
Phát triển năng lực của đoàn người Việt để phối hợp đa tôn giáo và liên kết với cộng đồng quốc tế.
Đoàn người Việt có 3 mục tiêu rõ rang khi tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế lần 2 trong các ngày 28 – 30 tháng 6 vừa qua:
- Các vấn đề của từng nhóm được quan tâm và các nhóm kết nối chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
- Nửa triệu người Việt ở trong và ngoài nước sẽ theo dõi các hoạt động của họ và qua đó hiểu được cách hoạt động hiệu quả.
- Vị thế của BPSOS thêm vững chãi trong cộng đồng quốc tế để hỗ trợ các nhóm người Việt đạt 2 mục tiêu trên.
Hình 1 – Đoàn người Việt chụp hình lưu niệm với cựu Đại Sứ Lưu Động Sam Brownback, ngày 28/06/2022 (ảnh BPSOS)
Các nhóm người Việt
Đoàn người Việt bao gồm 6 nhóm: Tây Nguyên, Hmong, Cao Đài, Công Giáo, Phật Giáo, và nhóm BPSOS cùng với thân hữu. Mỗi nhóm đều có những trọng tâm riêng với những sinh hoạt đặc thù.
Nhóm Tây Nguyên (17 người): Trình bày việc nhà nước Việt Nam cấm đoán các điểm nhóm Tin Lành tư gia của người Tây Nguyên và ép tín đồ phải tham gia số ít tổ chức Tin Lành được nhà nước công nhận và dùng làm công cụ; vận động cộng đồng quốc tế can thiệp cho hơn 60 người Tây Nguyên đang là tù nhân lương tâm tôn giáo và hỗ trợ các nỗ lực đẩy lùi chính sách đàn áp người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành. Trong nhóm có 2 mục sư Tin Lành Tây Nguyên.
Nhóm Hmong (3): Nêu tình trạng vô hộ tịch của hàng chục nghìn người Hmong bị trục xuất khỏi bản làng và không được cấp giấy tờ tuỳ thân vì theo đạo Tin Lành; vận động cộng đồng quốc tế thúc đẩy nhà nước Việt Nam ngưng chính sách ép bỏ đạo và cấp giấy tờ tuỳ thân cho những ai không hộ tịch. Trong nhóm có một mục sư Tin Lành Hmong.
Nhóm Cao Đài (8): Giúp cho cộng đồng quốc tế nhìn rõ bản chất của Chi Phái do nhà nước dựng lên năm 1997 không là đạo Cao Đài mà là một tổ chức tội phạm được nhà nước dùng để trấn áp tín đồ Cao Đài; trên căn bản đó vận động quốc tế yểm trợ công cuộc khôi phục Hội Thánh Cao Đài và thu hồi tất cả các cơ ngơi, tài sản đang bị Chi Phái 1997 chiếm giữ. Trong nhóm có một chức sắc Cao Đài và, rất đặc biệt, một người đến từ Việt Nam: nữ Chánh Trị Sự Nguyễn Xuân Mai.
Nhóm Công Giáo (11): Báo động với cộng đồng quốc tế tình trạng ngôn ngữ hận thù và kích động bạo lực ngày càng lan rộng ở Việt Nam, nhiều khi được khuyến khích bởi chế độ; tranh thủ sự quan tâm và hợp tác của các tổ chức bảo vệ các Cơ Đốc nhân bị bách hại. Ngoài ra, có linh mục Chánh Xứ của Giáo Xứ Mẹ Việt Nam (Maryland) tham gia hội luận.
Nhóm Phật Giáo (5): Lên tiếng với cộng đồng quốc tế về chính sách của nhà nước nhằm triệt tiêu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bằng cách phá chùa, gây khó khăn cho các tăng, ni và Phật tử bằng các biện pháp không cấp giấy tuỳ thân, ngăn cản việc đi lại, và thường xuyên sách nhiễu; vận động cộng đồng quốc tế theo dõi và yểm trợ nỗ lực phục hoạt giáo hội. Nhóm có một hoà thượng và một đại đức tham gia.
Nhóm Phật Giáo Hoà Hảo (2): Lên tiếng về các tù nhân lương tâm tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm. Ngoài ra, có thêm 4 tín đồ PGHH đã tham dự buổi lễ cầu nguyện đa tôn giáo chiều ngày 29 tháng 6.
Nhóm BPSOS và thân hữu (15): Gồm nhân sự từ văn phòng BPSOS ở các thành phố khác nhau và một số thân hữu, nhóm này tạo phương tiện và cơ hội để các nhóm kể trên có tiếng nói tại hội nghị thượng đỉnh, kết nối với cộng đồng quốc tế, và gửi thông điệp đến người Việt ở trong và ngoài nước. Thành viên của nhóm hỗ trợ phần thông dịch, giới thiệu các nhóm với những giới thức và tổ chức quốc tế, và quán xuyến công tác truyền thông. Chúng tôi đã cử người đi cùng các nhóm cần yểm trợ. Chẳng hạn, nhóm Hmong được bổ sung thêm 3 nhân sự.
Dưới đây là một số chỉ dấu về thành quả tương ứng với từng mục tiêu. Chúng tôi sẽ có loạt bài chi tiết hơn.
Mục tiêu 1: Cộng đồng quốc tế quan tâm
Đoàn người Việt là đoàn hùng hậu nhất tại hội nghị thượng đỉnh và đa dạng về tôn giáo, sắc tộc và trang phục.
Ngày 28 tháng 6, đoàn người Việt cử một phái đoàn đa tôn giáo họp riêng với Bộ Ngoại Giao; đồng thời, vài nhóm nhỏ đã họp riêng với một số văn phòng thượng nghị sĩ để trình bày sách lược 3 năm, 5 năm săp đến. Các nơi này đều cho biết họ sẽ yểm trợ. Sau buổi họp với đoàn người Việt, Đại Sứ Lưu Động cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain cho biết là Ông cảm kích trước sự thể hiện tính liên thông đa tôn giáo, đa sắc tộc của đoàn người Việt.
Ngay tại hội nghị thượng đỉnh, Dân Biểu Christopher Smith, tác giả của nhiều đạo luật nhân quyền và chế tài kẻ vi phạm nhân quyền, đã bỏ thời gian để tiếp xúc và lắng nghe tiếng nói của các nhóm người Việt và thăm bàn thông tin của đoàn người Việt.
Vài chục tổ chức bảo vệ nhân quyền cùng hợp tác trong Chiến Dịch Toàn Cầu cho Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo, do BPSOS điều phối, đều nắm rõ hơn tình hình đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Họ đã chung sức thực hiện cuộc tuần hành đến các toà đại sứ của những quốc gia giam giữ tù nhân lương tâm, trong đó có Việt Nam.
Người tham gia hội nghị thượng đỉnh phần lớn đều biết là ở Việt Nam có nhiều tù nhân lương tâm tôn giáo. Tại buổi họp khoáng đại của hội nghị, Việt Nam đã bị nêu tên cùng với Trung Quốc là 2 thể chế cộng sản với ý thức hệ và chính sách bài tôn giáo.
Trong cuộc phỏng vấn tại chỗ, cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Enes Kanter Freedom nói về nhà nước Việt Nam: “Chính phủ này là không thể chấp nhận được!” Xem: https://www.facebook.com/VNFoRB/videos/709806953383808
Tương tự, Ts. Katrina Lantos-Swett, đồng chủ tịch Ban Chỉ Đạo của hội nghị thượng đỉnh, khi được phỏng vấn đã chia sẻ cảm nghĩ về nhà nước Việt Nam: “Hãy bêu cho xấu mặt ở mọi nơi mà giới chức của họ đến.” Xem: https://www.facebook.com/VNFoRB/videos/1629724317398775
Sau hội nghị, tổ chức ADF International đã gặp riêng nhóm Tây Nguyên tại trụ sở của họ và rồi đi theo nhóm Tây Nguyên đến North Carolina để thu hình làm phim tài liệu với mục đích tạo sự quan tâm toàn cầu.
Qua các bài tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu thảnh quả của từng nhóm: Cao Đài, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo, Tin Lành Tây Nguyên, Tin Lành Hmong, và Công Giáo.
Mục tiêu 2: Thông tin được truyền bá
Số người theo dõi các hoạt động của đoàn Việt Nam đã vượt xa mốc nửa triệu. Tính đến ngày 14 tháng 7, các video về hoạt động của đoàn Việt Nam đã có tổng cộng 975.000 lượt xem.
Mục tiêu 3: Đóng góp của BPSOS
Để tạo cơ hội và phương tiện cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc người Việt tham gia phong trào vận động tư do tôn giáo toàn cầu, BPSOS chủ trương củng cố hơn nữa vị thế trong thành phần lãnh đạo của phong trào này. Các chỉ dấu về thành quả bao gồm:
• Phát biểu tại phiên họp khoáng đại, Đại Sứ Lưu Động của Hoa Kỳ cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain công nhận các đóng góp quý báu của một tổ chức xã hội dân sự, trong đó có BPSOS.
• Phát biểu tại cuộc phỏng vấn tại chỗ, Ts. Katrina Lantos-Swett, cựu chủ tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và đồng chủ tịch Ban Chỉ Đạo hội nghị thượng đỉnh, nhận xét: “Nếu người nào đi bộ quanh khu vực của hội nghị, họ sẽ thấy những áp-phíc với thông điệp mạnh mẽ mà tôi tin là tổ chức [BPSOS] đã thực sự đóng góp vai trò quan trọng để thực hiện.”
• BPSOS là thành phần thuộc Ban Chỉ Đạo Hội Nghị Thượng Đỉnh được mời tham gia Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng tuần sau đó ở Anh Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh, BPSOS đã điều hợp 20 sự kiện, không riêng cho đoàn người Việt mà còn cho các tổ chức người Chin và Rohingya ở Miến Điện, các tổ chức Nigeria, Algeria, Sri Lanka, Pháp Luân Công, v.v. Điều này đã tạo nên mối giao hảo rộng rãi với các tổ chức xã hội dân sự trên thế giới.
Kết luận
Có người cho rằng tham gia hội nghị thượng đỉnh không làm thay đổi chế độ. Cách suy nghĩ như vậy là phiến diện vì chính người dân có thể chủ động thay đổi mối tương quan về lực và thế với chính quyền bằng cách: (1) tăng nội lực của chính mình, và (2) tranh thủ cộng đồng quốc tế đứng cùng với mình.
Mục tiêu đầu mà chúng tôi đề ra cho phép các nhóm tham gia, và những ai theo dõi họ, đo lường mức độ gia tăng năng lực của từng nhóm và mức độ liên kết với cộng đồng quốc tế. Khi cán cân lực và thế đã nghiêng đủ về phía người dân thì chính người dân sẽ tác động để chế độ phải dần dà đổi thay.
Mục tiêu thứ hai đo lường tầm ảnh hưởng của các nhóm, qua các hoạt động tại hội nghị thượng đỉnh, đến nhận thức của người Việt ở trong và ngoài nước. Tầm ảnh hưởng này sẽ giúp chuyển thông điệp thiên về hành động của họ đến đồng bào trong nước và cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Mục tiêu thứ 3 cho phép chúng tôi, BPSOS, tự đo lường khả năng làm bệ đỡ cho các nhóm người Việt không chỉ đạt mục tiêu mà còn khai thác các thành quả đạt được.
Ts. Nguyễn Đình Thắng (14.07.2022)
Nguyễn Đức Hùng bị phạt 5,5 năm tù vì kêu gọi tham gia ‘hội kín’ trên Facebook
Ông Nguyễn Đức Hùng tại phiên tòa ở Hà Tĩnh ngày 13/7/2022. Photo chụp từ kênh VNews.
Một tòa án ở Hà Tĩnh vừa tuyên phạt ông Nguyễn Đức Hùng 5 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế do “truyền bá tư tưởng phản động”, “xúc phạm lãnh đạo Đảng” trên mạng xã hội.
Phiên tòa xử ông Nguyễn Đức Hùng, 31 tuổi, diễn ra hôm 13/7, theo đó ông bị cáo buộc đã tham gia vào “hội kín” trên mạng Facebook và kêu gọi nhiều người cùng tham gia vào hội này “để chống phá nhà nước.” Truyền thông trong nước không cho biết tên của “hội kín” này.
Trang Công an Hà Tĩnh dẫn cáo trạng cho biết ông Hùng, từ năm 2016 đến 2021 đã sử dụng các tài khoản Facebook cá nhân có tên “Nguyễn Đức Hùng”, “Nguyễn Đức Hùng Sbr” và một số tài khoản mạng xã hội khác, để đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước, đường lối lãnh đạo của Đảng; truyền bá tư tưởng phản động…”.
Truyền thông Việt Nam tường thuật rằng ông Hùng đã “thừa nhận hành vi phạm tội của mình” tại phiên xử ngày 13/7.
Báo Công an Nhân dân dẫn lời ông Hùng nói rằng ông Hùng “nhắn gửi những người đang có tư tưởng chống phá đảng, nhà nước nên tỉnh táo, nhận thức đúng đắn hơn và không rơi vào ‘vết xe đổ’ như bị cáo.
Hình ảnh chiếu trên kênh Truyền hình Thông tấn của nhà nước Việt Nam cho thấy dường như không có sự hiện diện của luật sư bào chữa tại vị trí của người bào chữa trong phiên xử ông Hùng.
Ông Nguyễn Đức Hùng, một tín hữu công giáo ở giáo xứ Đông Yên, thuộc giáo hạt Kỳ Anh, bị công an Hà Tĩnh bắt giam vào ngày 6/1/2022 cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.
Trang Facebook của ông có hơn 9 ngàn người theo dõi với những nội dung lên tiếng cho bất công xã hội, bảo vệ nhân quyền, và tự do tôn giáo, trong đó có vụ tranh chấp đất đai tại Thiền viện Thiên An ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Liên quan đến cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, hôm 5/7, công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng, vụ bắt giam mới nhất trong gần 10 vụ trấn áp các tiếng nói bất đồng kể từ đầu năm đến nay.
Việt Nam thường xuyên lên tiếng bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nhà nước luôn đảm bảo các quyền căn bản của người dân, và chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật.”
VOA (14.07.2022)
Gia đình Facebooker Nguyễn Đức Hùng không được thông báo về phiên xử người thân
Facebooker Nguyễn Đức Hùng giương biểu ngữ phản đối nhà máy thép Formosa Fb Nguyễn Đức Hùng
Người thân của Facebooker Nguyễn Đức Hùng ở Đông Yên, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hoàn toàn không hề được thông báo gì về phiên xét xử của ông và họ chỉ được biết thông qua báo đài sau khi phiên xử kết thúc.
Toà án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hôm 13/7 tuyên án Facebooker Nguyễn Đức Hùng năm năm sáu tháng tù giam với tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Thông cáo báo chí của Tòa án Hà Tĩnh sau phiên xử cho biết, đây là một phiên tòa hình sự công khai tuy nhiên gia đình ông Hùng cho biết không nhận được lời nói hay văn bản gì từ công an hay tòa án.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do liên lạc với ông Nguyễn Văn Sen, bố đẻ của ông Nguyễn Đức Hùng, và được ông cho biết:
“Bữa trước xử nhưng gia đình không biết. Gia đình không biết gì cả. Tôi điện ra ngoài trại tạm giam thì được thông báo đã xử hôm kia rồi. Khi tôi hỏi sao không thông báo cho gia đình biết thì phía công an nói gia đình không có liên quan.”
Ông gọi điện cho bên công an điều tra của Công an tỉnh Hà Tĩnh và cũng nhận được câu trả lời tương tự.
Luật sư Hà Huy Sơn, người tham gia bào chữa cho nhiều phiên toà chính trị, nhận xét rằng toà án khi xét xử không bắt buộc phải thông báo hay mời đại diện gia đình đến tham dự phiên toà.
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chỉ quy định thông báo cho gia đình người bị tạm giữ hoặc bị bắt biết trong trường hợp bắt người khẩn cấp, còn quyết định đưa vụ án ra xét xử “được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa.”
Ông Nguyễn Đức Hùng, sinh năm 1991, bị bắt vào ngày 6 tháng 1 năm nay và bị biệt giam từ đó tới nay.
Ông Sen cho biết kể từ khi con trai ông bị bắt, gia đình nhiều lần vào trại tạm giam của công an tỉnh để gặp ông Hùng nhưng bị từ chối.
Ông nói gia đình không thuê luật sư bào chữa nên không rõ con trai mình có luật sư trong phiên toà vừa qua hay không.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Tĩnh nói hành vi của ông Nguyễn Đức Hùng gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự đất nước.
Bố của Facebooker này không bình luận về bản án, chỉ mong con trai được giảm án để trở về với gia đình.
Hiện ông gặp khó khăn trong việc nuôi hai con còn đang học tiểu học của ông Hùng vì người vợ đã bỏ nhà ra đi trước khi chồng bị bắt.
Ông Sen nói thêm, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh nơi gia đình đang sinh sống, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm hoạ môi trường năm 2016 do Nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển và hậu quả vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.
Truyền thông nhà nước đưa tin sau phiên tòa không nhắc đến việc ông Hùng có luật sư bào chữa hay không, chỉ nói rằng Facebooker này thừa nhận hành vi phạm tội và xin được hưởng khoan hồng.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện đến Toà án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để hỏi về phiên toà vừa qua, nhưng không ai nghe máy.
Facebooker Nguyễn Đức Hùng có hơn 9 ngàn người theo dõi với những bài viết có nội dung lên tiếng phản đối bất công xã hội, bảo vệ nhân quyền, và tự do tôn giáo, trong đó có vụ các tu sĩ tại Đan viện Thiên An đòi lại đất đai mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế “mượn.”
Phản ứng về việc kết tội ông Nguyễn Đức Hùng, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói:
“Rõ ràng là Đảng Cộng sản Việt Nam hoang tưởng về những quan điểm bất đồng chính kiến đến mức coi bài viết trên mạng là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Với việc đưa ra bản án năm năm rưỡi tù chỉ vì viết bài chỉ trích chính phủ trên Facebook, chính quyền đã vi phạm quyền của ông Nguyễn Đức Hùng một cách thái quá và không thể chấp nhận được.
Trên thực tế, ông ta không làm gì sai trái nếu ở trong một xã hội dân chủ, nhưng tất nhiên Việt Nam đang bị cai trị bởi chế độ độc tài của một đảng duy nhất.
Sự đàn áp khắc nghiệt đối với quyền tự do ngôn luận của Việt Nam hiện nay có nghĩa là không một nhà hoạt động ôn hòa nào có thể truyền bá quan điểm của mình qua mạng xã hội mà không phải đối mặt với những cáo buộc mơ hồ về an ninh quốc gia và sau đó là nhiều năm tù giam.”
Đại diện của tổ chức nhân quyền có trụ sở chính tại Hoa Kỳ khẳng định, Việt Nam đã trở thành một trong những chính phủ lạm quyền và độc tài tồi tệ nhất ở Đông Nam Á và bây giờ muốn nối gót Trung Quốc trong việc kiểm soát chặt chẽ Internet.
Ông Phil Robertson cũng khuyên các chính phủ và công ty quốc tế nên suy nghĩ kỹ về việc đầu tư vào một quốc gia như Việt Nam, nơi mà quyền tự do ngôn luận bị vi phạm còn quyền tiếp cận thông tin bị kiểm soát chặt chẽ.
Ông Nguyễn Đức Hùng là Facebooker thứ sáu bị kết tội liên quan đến hành vi “tuyên truyền chống nhà nước” kể từ đầu năm đến nay.
Năm người khác bị kết án từ năm năm đến tám năm tù giam. Điều 117 Bộ luật hình sự 2015 là điều khoản sửa đổi của Điều 88 Bộ luật hình sự năm 1999 và nằm trong chương An ninh quốc gia thường xuyên được nhà nước Việt Nam sử dụng để bịt miệng giới bất đồng chính kiến.
Nhiều chính phủ dân chủ và tổ chức nhân quyền trên thế giới kêu gọi nhà nước Việt Nam xoá bỏ điều khoản này vì nó đi ngược với quyền tự do ngôn luận có trong chính Hiến pháp Việt Nam cũng như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn.
RFA (15.07.2022)