Seite auswählen

Điểm phim “Honecker và ông mục sư” (Phần 1): Số phận

 

 

Nguyễn Thọ

27-7-29022

Erich Honecker là người có uy quyền nhất ở trong lịch sử 40 năm của nước CHDC Đức. Quyền lực của ông còn kinh hơn của hai người tiền nhiệm, của hai bậc thầy là Wilhelm Pieck và Walter Ulbricht.

Ông Wilhelm Pieck làm chủ tịch CHDC Đức từ 1949-1960, vào lúc mà các tàn dư của nền dân chủ đa nguyên vẫn còn tác dụng. Đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất Đức (SED) là hợp nhất giữa đảng cộng sản KPD và đảng dân chủ xã hội SPD. KPD chủ trương chuyên chính cứng rắn, trong khi SPD chủ trương một nhà nước mềm dẻo. Ông Pieck phải chia quyền với ông Otto Grotewohl, thủ lĩnh SPD ở miền đông. Ngoài ra, Đông Đức vốn có mật độ trí thức dày đặc từ xưa nên dân trí rất cao, không phải chính quyền muốn nói gì thì nói. Cuộc nổi dậy ngày 17.06.1953 của công nhân Đông Đức chống lại việc tăng giờ làm trong phong trào thi đua XHCN là một ví dụ.

Sau khi ông Wilhem Pieck qua đời tháng 9.1960, Walter Ulbricht lên thay. Ông lập tức mở rộng bộ máy đàn áp STASI, đánh phá giới trí thức phản kháng. Đặc biệt là ông ta cho xây bức tường Berlin vào ngày 13.08.1961, đưa cuộc chiến tranh lạnh lên đỉnh cao. Nhưng Ulbricht không được Liên Xô của Krutschev ủng hộ. Nikita Kruschev là một lãnh đạo cộng sản kiểu mới. Ông coi việc Walter Ulbricht phải xây bức tường Berlin để chặn dòng người tỵ nạn sang miền Tây chứng tỏ sự yếu kém của CNXH ở Đức. Ông muốn CNXH phải ưu việt hơn CNTB, phải như Liên Xô đang thắng Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trụ và sản xuất bông, đang có các tác phẩm văn học nghệ thuật lừng danh thế giới. “Sông Đông Êm Đềm”; “Khi Đàn Sếu Bay Qua”, “Người Thứ 41” là những điểm sáng mà người Việt thời tôi còn nhớ. Kruschev không tồn tại lâu với các ý tưởng đó.

Ông Bresnew cứng rắn, không thích văn hoa, lên thay Kruschev cuối năm 1963. Ông rất ủng hộ nhà nước STASI của Ulbricht. Nhưng không lâu sau đó Ulbricht muốn đưa mô hình XHCN của CHDC Đức lên thành mẫu hình cho Đông Âu nên bị Bresnew thổi còi, vì cho là vượt mặt Liên Xô. Thế nên vị trí của Ulbricht bị ngay các thành phần trong bộ chính trị SED dòm ngó. Trong đó, Honecker, người kế cận của ông là kẻ thèm thuồng nhất.

Ngày 26.4.1971 Honecker dẫn theo một toán lính cảnh vệ mang súng tiểu liên đến nhà nghỉ của Ulbricht ở Groß Dölln. Binh sỹ chiếm giữ các vị trí trọng yếu, cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài. Honecker vào nhà buộc Ulbricht phải ký vào một lá thư xin từ chức gửi ban chấp hành trung ương đảng SED [1].

Sau cuộc đảo chính này, ông Honecker nắm quyền lực tuyệt đối ở Đông Đức, được người anh lớn ở Moskva ủng hộ. Uy tín của nước CHDC Đức lên đến đỉnh cao, khi Honecker lần lượt gặp gỡ các nguyên thủ châu Âu: Helmut Schmidt, Helmut Kohl, Francois Mitterand, để bàn về an ninh châu Âu, ngồi ký kết hiệp ước Helsinky 1975 cùng tổng thống Mỹ Gerald Ford…

 

Ông Honecker đón tiếp tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Leonid Bresnew tháng 10.1979 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập nước CHDC Đức. Ảnh tư liệu

Lúc này phần đông trí thức không ưa chế độ XHCN đã bỏ đi phương tây, trong khi bộ máy đàn áp STASI đã đạt đỉnh cao. Không ai ở Đông Đức dám thách thức Honecker.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân, được giáo dục bằng các tư tưởng của chủ nghĩa Stalin từ bé, lúc trưởng thành được đào tạo lý luận ở Liên Xô, Honecker chịu ảnh hưởng nặng của các tư tưởng Xô Viết. Thêm vào đó là tính bảo thủ của người Đức nên Honecker có những quan niệm dị thường về đạo đức. Ví dụ: ông ta coi tội ấu dâm là một sản phẩm của lối sống tư bản, không bao giờ chấp nhận là ở CHDC Đức có loại tội phạm này.

 

Ông Honecker và tổng thống Pháp F. Mitterand trong chuyến đi thăm Pháp tháng giêng năm 1988. Ảnh tư liệu

CHDC Đức có hai bộ máy công an: Cảnh sát nhân dân (Volkspolizei hay gọi tắt là VOPO) và An ninh quốc gia (Staatssicherheit, gọi tắt là STASI). Lực lượng VOPO trực thuộc bộ nội vụ, hoạt động trong bộ máy dân sự, làm việc khá chuyên nghiệp và mẫn cán. Tôi đến Đông Đức năm 1967, vào tuổi 16, đến nay vẫn còn những kỷ niệm tốt về nhân viên VOPO. Dân Việt Nam sau này có tiền, mua xe máy Mokik, ô-tô Trabi chạy ở Đông Đức thường chứng kiến các cử chỉ thân thiện của VOPO.

Trong khi đó STASI là một cỗ máy công an đáng sợ, nhưng vô hình. Trong suốt 4 năm tôi học nghề ở đó, không hề biết ai là STASI. Sau thống nhất nước Đức mới té ra rằng, vài người trong số các thầy cô mà tôi yêu mến từng là nhân viên chìm STASI.

Ông Honecker ký hiệp định an ninh và hợp tác Châu Âu tại Helsinki hôm 1.8.1975, bên cạnh ông là tổng thống Mỹ Gerald Ford và thủ tướng CHLB Đức Helmut Schmidt. Ảnh tư liệu

Khi các vụ án ấu dâm xảy ra, trẻ em mất tích, cảnh sát VOPO lập tức ra tay. Họ lập ra ban chuyên án và làm việc rất căng. Có một điều mà họ không giải thích được là không bao giờ họ chộp được thủ phạm. Hầu như có một bàn tay vô hình nào đó luôn đi trước họ. Đó chính là STASI tìm cách xóa dấu vết các tội phạm này để không làm hổ danh nhà nước XHCN.

Cô Sonja, con gái Honecker, cưới người cộng sản Chile tên là Betancourt, khi anh sang Đông Đức trốn sự đàn áp của chế độ độc tài Pinochet. Cặp vợ chồng trẻ Betancourt sinh được 3 người con: Roberto, Vivian và Mariana. Roberto kể lại là ông bà ngoại hết lòng yêu thương các cháu. Ông thường xuyên dành thời gian để chơi với chúng. Năm 1988 bé Mariana qua đời vì bệnh nặng. Việc này khiến hai vợ chồng Honecker vô cùng đau khổ. Ông Honecker thường xuyên đến thăm mộ cháu và lần nào cũng mang hoa cắm vào một cái bình đẹp bằng sứ để bên mộ.

Rồi cái bình hoa đẹp biến mất. Các nhân viên STASI hết hồn khi phát hiện điều đó. Giỏi như STASI mà cũng đành bó tay với kẻ trộm vặt. Thế là họ phải truy tìm nguồn gốc cái bình hoa để đặt làm gấp một chiếc bình y như vậy. Họ kịp để cái bình mới vào chố cũ trước khi ông ngoại quay lại thăm mộ cháu. Họ biết rằng ông chủ tịch sẽ nổi khùng khi ai đó báo cáo là có ăn cắp vặt trong thiên đường XHCN tươi đẹp của ông. Từ đó ban quản lý nghĩa trang phải lo cất cái bình hoa và mang ra trước khi Honecker đến thăm mộ cháu [2].

Quyền lực của Honecker còn được củng cố bằng vai trò của vợ, bà Margot Honecker, bộ trưởng bộ giáo dục CHDC Đức từ năm 1963. Bà có công lao biến ngành giáo dục CHDC Đức thành một cái lò đào luyện con người XHCN hiệu quả nhất. Rất nhiều con em những người bất đồng chính kiến, những người không yêu thích chế độ XHCN đã bị cưỡng bức tách khỏi cha mẹ, giao cho người khác giáo dục. Những em nào không tách được khỏi bố mẹ khác tư tưởng thì hoàn toàn không có cơ hội được vào đại học.

Hệ thống trại “cải tạo thanh thiếu niên” của bà từng là cơn ác mộng của hàng trăm ngàn người Đông Đức. Họ bị giam cầm trong đó chỉ vì các lỗi lầm của tuổi thơ.

Ông bà tưởng như đã biến Đông Đức thành một xử sở không còn ai biết phản đối, một xứ sở của những người chỉ biết gật đầu.

Vợ chồng ông Honecker bị bắt giam hôm 29.01.1990 theo lệnh của tòa án CHCD Đức. Ảnh tư liệu

Quyền lực vô biên dẫn đến tha hóa. Tha hóa ắt bị đào thải. Đó không phải là số phận mà là quy luật. Tháng 11.1989, bức tường Berlin bị nhân dân phá sập. Đầu năm 1990, ông bà Honecker bị các đồng chí của họ bỏ rơi, trở thành người vô gia cư ngay tại quê hương mình.

Người đã góp phần tạo ra làn sóng tỵ nạn khiến 3,5 triệu người Đông Đức phải bỏ quê hương ra đi, nay trở thành người tỵ nạn.

Người giang tay cưu mang hai vợ chồng ông lại chính là một trong những nạn nhân của họ, mục sư tin lành Holmer ở Lobethal, gần Berlin.

Gần đến ngày 13.8, ngày bức tường Berlin được Ulbricht và Honecker dựng lên, tôi ngồi xem lại cuốn phim truyện “Honecker và ông mục sư” trên kênh truyền hình Đức ZDF [3]. Giữa những rừng tin xấu về sự độc ác của con người, ở Nga, ở Ukraine, ở Mỹ, ở Palestine, rồi ở Việt Nam… cuốn phim đã làm tôi ấm lòng.

Tôi rất thích phim truyện dựng theo các sự kiện có thật, kể về số phận những con người thật. “Honecker và ông mục sư” chính là một tác phẩm kiểu này, nhưng vào hàng xuất sắc.

Những người làm phim đã công phu tìm lại các nhân chứng để dựng lại thật trung thực câu chuyện hiếm có này. Kíp làm phim đã tái hiện lại các nhân vật một cách rất con người. Một ông Honecker thất thế, mất hết uy lực, sức khỏe suy tàn, tuy vẫn mù quáng nhưng đang đau xót, vật vã trở lại cuộc đời thường dân. Một bà Honecker chỉ biết nghĩ đến lỗi lầm của người khác, không hề day dứt về những tội lỗi của mình gây ra, nhưng vẫn chấp nhận quay trở lại vai trò bà nội trợ từ thuở hàn vi, cặm cụi ngồi lau cầu thang trong nhà ông mục sư. Một ông mục sư luôn tìm cách lấy kinh thánh để biện minh cho hành động của mình trước sự phản đối của bà con, của giáo hội. Một anh cảnh sát nhân dân VOPO trong những ngày tàn của chế độ nhưng thà chết không rời bỏ trách nhiệm…

Mười tuần lễ chung sống giữa những nạn nhân của chế độ STASI với người đã tạo ra thể chế đó không chỉ lột tả những góc khuất của lịch sử Đức, mà còn nói lên sức mạnh của lòng nhân đạo, của lòng tin vào những điều thánh thiện.

Tôi phải mất vài ngày nữa mới mong kể hết câu chuyện này. Ai biết tiếng Đức có thể vào xem phim theo link bên dưới.

_____

[1] Ed Stuhler: Margot Honecker. Eine Biografie. Wien 2003, (sách “Tiểu sử Margot Honecke”, trang 49)

[2] https://www.sueddeutsche.de/politik/honeckers-bodyguard-diskret-wie-der-mond-1.897521-4

[3] https://www.zdf.de/filme/der-fernsehfilm-der-woche/honecker-und-der-pastor-100.html

Điểm phim “Honecker và ông mục sư” (Phần 2): Ảo tưởng và hiện thực

 

Nguyễn Thọ

28-7-2022

 

Honecker không phải là kẻ độc tài (dictator) như Stalin, Putin, Tập Cận Bình hay Ceaucescu. Những kẻ này đòi cầm quyền suốt đời và sẵn sàng xé cả hiến pháp, sắn sàng tắm máu để giữ quyền lực. Liên Xô đã vật vã sau cái chết của Stalin, cuộc đời của Ceaucescu kết thúc một cách đẫm máu. Cái kết của Putin và Tập Cận Bình có thể sẽ không êm đẹp hơn của mọi độc tài khác.

Honecker là nhà chuyên chế (autocrat) nên vẫn bị hạ bệ bởi tập thể bộ chính trị. Làn sóng phẫn nộ của người dân những tuần đầu tháng 10.1089, nhân kỷ niệm 40 năm quốc khánh CHDC Đức đã khiến bộ chính trị SED lo sợ một sự đổ vỡ đẫm máu. Họ nhìn thấy ở Honecker một vật cản cho quan hệ với Liên Xô, vì Honecker luôn phê phán chính sách Perestroika, Glasnost của Gorbachev. Một âm mưu lật đổ được chuẩn bị bởi người kế tục của Honecker là Egon Krenz và trùm STASI Erik Mielke. Ngày 17.10.1989, tại phiên họp bất thường của bộ chính trị, Honecker bị ép phải đồng ý từ chức, như ông đã làm với Ulbricht, người thầy của mình 18 năm trước.

Ba tuần sau, ngày 9.11.89 bức tường Berlin bị xóa bỏ.

Sau ngày đó, tuy đảng SED vẫn cầm quyền ở CHDC Đức, nhưng vai trò kiểm soát của nhân dân trong quốc hội đã tăng lên đáng kể. Cơ quan “Cục An ninh Quốc gia” (Amt für Nationale Sicherheit AfNS) được lập ra để thay thế Bộ An ninh Quốc gia (STASI). Những thay đổi này đã cho phép viện viện kiểm sát CHDC Đức tố cáo nhiều quan chức cao cấp của đảng SED, trong đó có ông bà Honecker, về tội tham nhũng và lạm quyền.

Làng Wandlitz ở quận Bernau, bắc Berlin, từng được coi như khu cấm thành. Đây là nơi ở dành riêng cho bộ chính trị đảng SED, không con muỗi nào chui lọt qua. Trong này có tất cả, từ bể bơi nước nóng đến cửa hàng Intershop chuyên bán các hàng hóa cao cấp nhập từ phương tây mà dân thường chỉ biết mơ. Một số đầu bếp và vệ sỹ cũ đã viết hồi ký về cuộc sống vương giả ở đây.

Ông Honecke là một thợ săn giỏi nên ông còn dành cả khu rừng quốc gia Schorfheide, cách Wandlitz 30km làm nơi săn bắn riêng. Thú rừng trong đó có lẽ cũng thuộc “tài sản của văn phòng Trung ương”, chỉ để hàng năm ông và các đồng chí về đó săn bắn.

Những điều này không còn là bí mật quốc gia sau khi bức tường đổ. Báo chí “mất kiểm duyệt” bắt đầu lên tiếng về “Chủ nghĩa Cộng sản trước kẻng” của các nhà lãnh đạo. Dân chúng nổi giận, buộc thủ tướng Modrow [1] phải giải thể khu Wandlitz vào cuối tháng 11.1989. Gia đình Honecker và các cựu ủy viên bộ chính trị khác bỗng trở thành “dân oan”. Nhưng họ không oan vì chẳng ai có sổ đỏ các tòa biệt thự trong đó cả. Họ toàn ở “chùa”.

Cả hai tin sét đánh: bị mất nhà và bị truy tố hình sự về tội tham nhũng, lạm quyền đến tai bà Honecker bên giường bệnh của chồng trong nhà thương. Ông Honecker lúc đó đang phải mổ ung thư thận. Bà luôn miệng kêu khổ “Chúng tôi nay là vô gia cư, không biết sẽ sống ở đâu”.

Vết mổ vừa lành chỉ thì ngày 28.1.1990 một toán công an nhân dân VOPO của ông trước kia đến bắt hai vợ chồng, đưa thẳng từ giường bệnh về trạm xá của nhà lao Berlin -Rummelsburg.

Khi kể về anh bạn Michael Verleih của tôi trong sách “Hai Quê Hương”, tôi có nói về ông luật sư Đông Đức Wolfgang Vogel. Tuy ông là công dân CHDC Đức, nhưng cả giới luật và giới chính trị phương tây đều kính nể ông. Từ năm 1962 ông đã môi giới thành công vụ đổi phi công lái máy bay U2 của Mỹ Gary Power lấy đại tá tình báo Liên Xô Rudolf Abel. Từ đó cho đến hết “chiến tranh lạnh”, văn phòng luật của ông đã giúp chính phủ Tây Đức “mua tự do” cho gần 34.000 tù chính trị Đông Đức. Hay nói cách khác là ông đã giúp chính phủ Đông Đức “bán” được 3,4 tỷ DM tiền “tù chính trị”.

Còn gia đình các tù nhân chính trị thì coi ông như cứu tinh, bao nhiêu tiền họ không quan tâm.

Khi ông Honecker lâm nạn, ông Vogel nhảy vào cứu, lo về pháp lý. Còn ông Arafat, chủ tịch PLO thì bảo trợ về tài chính thông qua phái đoàn đại diện ở Berlin.

Ông Honecker lúc đó đã 89 tuổi, lại bị ung thư nên ngày hôm sau 29.01, ông Vogel đã buộc được tòa phải chấp nhận thả “vì tình trạng sức khỏe”. Nhưng thả ông bà về đâu? Khu biệt thự Wandlitz đã giải thể.

Ông Vogel nhờ giáo hội tin lành (giáo hội lớn nhất ở Đông Đức) tìm chỗ trú thân, mà trong tiếng Đức cũng gọi là chỗ tỵ nạn (Asyl) cho cặp vợ chồng già.

Duy nhất có một ông mục sư cũng ở quận Bernau, gần nhà cũ của gia đình Honecke nhận lời thỉnh cầu của Vogel. Đó là mục sư Uwe Holmer, người trông coi xóm đạo Lobetal. Trung tâm nuôi dưỡng những người thiểu năng trí não Lobetal cũng là đứa con đẻ của ông Holmer, một người suốt đời tận tụy với các hoạt động nhân đạo.

Mục sư Uwe Holmer ở Lobetal, Berlin. Nguồn ZDF Mediathek

Quyết định của ông Holmer vấp phải sự phản đối của dân làng, của gia đình, bạn bè và cả của các hàng giáo phẩm trên ông.

Ông không thể bỏ rơi một đồng bào trong cảnh màn trời chiếu đất.

Trả lời câu hỏi: Sao ông lại có thể giúp đỡ một kẻ đã đàn áp và lợi dụng tôn giáo của chúng ta từ hàng chục năm qua, bất cứ lúc nào gã có thể? Ông Holmer nói:

– Khi chúng ta cầu nguyện cho tình thương, thì chúng ta cũng phải sống vì nó!

Bà Ingrid Holmer trong bụng không đồng ý. Nhưng bà đành theo ông, như xưa nay.

Sáng ngày 30.1.1990, ông Vogel đưa cặp vợ chồng Honecker đến nhà ông bà Holmer. Cuộc sống trong gia đình nhỏ này bỗng trở nên nặng nề.

Ông bà Holmer ở với hai cậu con trai út, Traugott 18 tuổi và Cornelius 14 tuổi. Hai cậu phải dồn ở chung với nhau để dành một phòng trống cho cặp vợ chồng tỵ nạn. Cornelius còn nhỏ nên chỉ phiền vì ông Honecker hay bật TV to, khiến cậu khó ngủ. Giờ đây, chính Cornelius, đã 45 tuổi trở thành người dẫn chuyện cho bộ phim 90 phút.

Người anh Traugott không được vào học trường trung học mở rộng[2] chỉ vì là con ông mục sư, nên cậu rất ghét bà Margot Honecker. Cậu từ chối không giúp bà khi bà nhờ cậu chạy ra phố mua hộ chút tạp phẩm. Cậu nói thẳng là cậu không ưa bà.

Ông bà Honecker cũng không dễ thở hơn. Bên cạnh cái cảm giác thất thế, sự tụt hẫng từ đỉnh cao quyền lực, họ phải làm quen với cuộc sống của giáo dân. Lãnh tụ một chế độ vô thần nhưng trước mỗi bữa ăn đều phải ngồi chờ chủ nhà cầu kinh xong mới chúc ăn ngon.

Sự khác biệt về quan điểm sống của hai gia đình thể hiện rõ nét qua các đối thoại hàng ngày. Ví dụ một bên coi việc giúp người khi hoạn nạn là nghĩa vụ của lương tâm, như lời chúa dạy, còn bên kia coi đó là tình đoàn kết. Cuộc đối thoại chấm dứt ở câu hỏi: Vậy tình đoàn kết của các đồng chí của ông đâu rồi?

Ông Honecker ít nói, nhưng bà thì luôn bảo chế độ cũ, luôn khẳng định tính cần thiết của “trừng phạt” để giữ xã hội ổn định. Khi được hỏi về hệ thống STASI luôn theo dõi công dân, bà nói: “Nếu ai không có gì phải giấu diếm thì việc gì phải sợ điều đó”.

Còn nhiều cuộc đối thoại khác khiến ông bà Holmer không còn tin vào sự hối cải có thể có ở hai vị khách giáo điều, cuồng tín.

Bất chấp mọi khó chịu, vợ chồng mục sư Holmer vẫn trung thành với quyết định ban đầu và họ càng quyết tâm bảo vệ khách trước sự phẫn nộ của dân làng. Có đêm, những giáo dân đã bị áp bức suốt 40 năm qua tập trung đốt đuốc trước của nhà mục sư, đòi được trừng phạt vợ chồng Honecker. Cả nhà ông Holmer phải dàn hàng ngang ra, không cho dân chúng tràn vào phá cổng.

Sự hy sinh chân tình của ông bà Holmer đã phần nào giúp cho ông bà Honecker quay lại được với cuộc sống đời thường. Ông Honecker không biết hát thánh ca, nhưng đáp lại bằng bài hát đồng quê thời trẻ thơ. Bà Honecker luôn vui lòng được giúp bà Holmer trong các công việc nhà. Rồi bà tự đi lau cầu thang cho cả ngôi nhà.

Khi sống lại tuổi trẻ khó khăn của những người chống phát xít từng bị Hitler truy bức, cả hai vị lãnh đạo lạnh lùng đáng sợ này bỗng lộ ra cái chất con người trong họ. Sau khi biết mọi hành động tốt đẹp của chủ nhà đều bắt nguồn từ lời dạy của chúa, cuối cùng bà Honecker đã nhận cuốn kinh thánh từ bà Holmer và hứa sẽ đọc.

Một ngày nọ, công an quận Bernau nhận được một thông báo nặc danh là 12 giờ trưa hôm nay, nhà của mục sư Holmer sẽ bị nổ mìn.

Ông cảnh sát trưởng Uwe Westen vội phóng xe đến nhà mục sư Holmer ngay để bắt mọi người di tản. Không khí kinh hoàng trùm. Ông Holmer đuổi vợ con ra khỏi nhà, rồi ông lên gác báo tin cho vợ chồng Honecker. Cả hai người không ai bảo ai, đều đòi ở lại, chịu số phận của cuộc đời. Trước sự sững sờ của ông Holmer, hai vợ chồng điềm tĩnh mặc quần áo nghiêm chỉnh rồi ngồi vào đi văng chờ đợi.

Vài phút trước giờ bom nổ, viên cảnh sát Westen không thấy ba người già ra khỏi nhà. Anh ta liều vào nhà, leo lên gác và nhìn thấy ông bà Honecker ăn mặc nghiêm chỉnh, ngồi chờ bom nổ. Ông Honecker nói một câu rất Đức:

– Chúng tôi quyết ở lại và chịu trách nhiệm về việc này! Có cần văn bản không?

Ông Holmer thấy vậy nói với Westen: Thôi anh xuống đi, tôi cũng ở lại đây. Tôi không bao giờ bỏ khách ở lại như vậy.

Westen xuống nhà đuổi mấy nhân viên cứu hỏa ra rồi anh cũng ngồi lại, nhìn vào kim đồng hồ trên tường.

Cuối cùng thì đó chỉ là lời đe dọa suông.

Trong một phim tài liệu khác đi kèm phim truyện “Honecker và ông mục sư” [3] , đài ZDF đã phỏng vấn nhiều nhân chứng khác nhau. Vụ “dọa đánh bom” này được xác định là có thật như trong phim. Anh cảnh sát Westen ngày nào nay đã già, vẫn còn nhớ từng chi tiết.

Thái độ của ông bà Honecker và của ông Holmer là biểu hiện của những người già có đức tin. Một người tin vào chúa, hai người kia vào lý tưởng.

Anh cảnh sát trẻ Westen thì khác. Anh còn cả cuộc đời trước mắt và không bị bắt buộc phải hy sinh cho chế độ đang tan rã. Là cảnh sát trưởng, rất có thể anh phải là đảng viên cộng sản. Nhưng trước khi là người cộng sản, anh là một người Đức với nếp sống kỷ luật và tinh thần trách nhiệm đã ngấm vào máu.

Tháng 4.1990 ông bà Honecker được chuyển đến doanh trại của hồng quân Liên-Xô ở Beelitz, gần Berlin và tỵ nạn ở đó cho đến tháng 3.1991, khi ông được Gorbachev mời sang Liên Xô chữa bệnh.

Ông Honecker mất ở Santiago de Chile ngày 29.05.1994, mang theo cả niềm tin vào chủ nghĩa xã hội.

Niềm tin của Honecker có thể là một ảo tưởng. Nhưng chắc chắn niềm tin của mục sư Holmer vào lòng nhân ái là một hiện thực từ ngàn đời nay.

_____

[1] Hans Modrow từng là bí thư tỉnh ủy Dresden, là một nhà lãnh đạo có tinh thần cải cách. Ông là thủ tướng cộng sản cuối cùng của nước CHDC Đức từ 13.11.89 đến 12.04.90.

[2] Ở CHDC Đức học sinh phải ít nhất học hết lớp 10. Từ cuối lớp 8, những em có học lực tốt được tuyển chọn sang học các lớp 9-10-11-12 ở trường trung cấp mở rộng. Hết lớp 12 là kỳ thi lấy bằng tú tai, chìa khóa để vào đại học. Những em học lực bình thường thì cứ tiếp tục học đến hết lớp 10 ở trung học rồi đi học nghề. Bà Honecker có chỉ thị ngầm, không cho các em “lý lịch có vấn đề” vào học trường trung học mở rộng.

[3] https://www.zdf.de/dokumentation/dokumentation-sonstige/honecker-und-der-pastor-die-dokumentation-100.html