Seite auswählen

Trần Trung Chính

 

Hàng năm cứ mỗi lần vào dịp 20 tháng 7 , hầu hết người Việt đều nhớ đến Hiệp Định Genève 1954 với hệ quả là chia đôi đất nước Việt Nam lấy sông Bến Hải là ranh giới (hay còn gọi là vĩ tuyến 17) : phía Bắc có danh xưng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ chí Minh và đảng CSVN lãnh đạo, phía Nam vĩ tuyến 17 có danh xưng là Việt Nam Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo.

Về phía người quốc gia, đa số đều lên án việc chia cắt đất nước Việt Nam qua nhận định : “ Thực Dân Pháp và Việt Minh Cộng Sản đã câu kết với nhau để chia đôi đất nước…”. Về phía Việt Cộng thì ra sức huênh hoang gào thét một cách trâng tráo như là : “chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công vĩ đại của nhân dân ta trong thế kỷ 20, đã đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam…” (người viết chỉ nêu ý chính và không viết thêm những lời lẽ tuyên truyền khác vì mọi người đều đã thấy và đã nghe suốt hơn 60 năm qua rồi).

Nhưng lịch sử vẫn còn đó mặc dù tất cả những thành phần tham chiến tại Việt Nam không muốn nêu ra hay vì bất cứ lý do nào đó không công bố toàn thể SỰ THẬT, nên những nhà biên khảo lịch sử hoặc những bình luận gia chính trị đã từng nêu ra những nhận định lệch lạc, khiến cho dư luận quần chúng và nhất là những thế hệ kế thế của Việt Nam dễ bị bọn Việt Cộng thao túng thông tin và bóp méo những sự kiện lịch sử (kể cả việc chúng sửa đổi lịch sử, điển hình là những ngày gần đây bọn Cộng Sản Hà Nội cho tập họp vài chục tiến sĩ viết sách nói rằng Hồ chí Minh “phải” thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vì chính phủ VNCH của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1956 không chịu hiệp thương thống nhất đất nước ! Trong khi SỰ THẬT là trong Bản Hiệp Định Genève 1954 không có điều khoản nào quy định việc Hiệp Thương Thống Nhất 2 miền vào năm 1956, điều quan trọng hơn nữa là trưởng phái đoàn của chính phủ Quốc Gia Việt Nam là Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ nhận chỉ thị của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm không ký vào Bản Hiệp Định Genève 1954 để phản đối việc chia cắt đất nước.)

Người viết dùng mạo từ không xác định trong tiêu đề bài viết này là “vài câu hỏi” mà không dùng mạo từ xác định “những câu hỏi” vì giới hạn của bài viết chứ không phải vì không đủ câu hỏi để mà viết. Ngay cả trả lời “những câu hỏi” cũng đòi hỏi một tập thể các nhà nghiên cứu lịch sử viết chung trong một bộ biên khảo về chiến tranh Việt Nam, điều đó cá nhân người viết không thể làm được.

 

Câu hỏi thứ nhất : có thực là Thực Dân Pháp và Việt Minh Cộng Sản chia chác quyền lợi khi đặt bút ký kết vào bản Hiệp Định Genève 1954 ? Chữ ký và biên bản cũng như film ảnh còn lưu trữ đã chứng tỏ là câu hỏi này phải chăng quá thừa thãi ? Không thừa chút nào vì tất cả những điều vừa nêu chỉ là HIỆN TƯỢNG, và phần trả lời của người viết là nói đến BẢN CHẤT của sự việc.

Trả lời câu hỏi thứ nhất : Nước Việt Nam bị chia cắt làm 2 từ trước khi Hồ chí Minh cướp chính quyền, thời điểm từ 1943, bốn ông trùm chính trị liên tiếp họp bàn với nhau ở Cairo, Teheran và Yalta để hợp nhất kế hoạch chiến thắng phe Trục (Đức , Italia và Nhật) và phân chia lãnh thổ cũng như trách nhiệm phải làm sau khi phe trục chiến bại, đó là các ông Tổng Thống Roosevelt của Hoa Kỳ, Thủ Tướng Churchil của Anh Quốc, Nguyên Soái Stalin của Liên Sô và Thống Chế Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc. Sau khi Hitler tự sát vào tháng 5 năm 1945, đại diện của 4 ông trùm chính trị này họp ở Postdam đã quyết định quân đội Trung Hoa Quốc Gia giải giới quân đội Nhật Bản từ vĩ tuyến 16 trở về phía Bắc, quân đội Anh giải giới quân đội Nhật Bản từ vĩ tuyến 16 trở về phía Nam. Chính phủ Pháp ngay tại chính quốc đã đầu hàng Đức Quốc Xã từ 1940 và bỏ Paris về đóng tại Vichy nên bị coi là đất nước “bị chiếm đóng” và không được mời tham dự hội nghị. Còn Tướng Charles De Gaule – thủ lãnh của Phong Trào Pháp Tự Do – có quân đội tham chiến cùng với quân đội Anh và quân đội Mỹ tại chiến trường Bắc Phi và chiến trường Âu Châu, nhưng Phong Trào Pháp Tự Do không có lãnh thổ và dân chúng nên không được coi là đại diện của nước Pháp, dĩ nhiên không được các ông trùm chính trị mời họp.

Hệ quả của việc này là quân đội Pháp khi trở lại Đông Dương là do sự vận động riêng của Tướng De Gaule với Thủ Tướng Churchil, cho nên quân đội Pháp do tướng Leclerc chỉ huy đã tới Sài Gòn sau quân đội Anh Ấn do tướng Gracey chỉ huy tới 2-3 ngày. Dù tới sau nhưng quân đội Pháp đi đông hơn quân đội Anh Ấn : quân Anh Ấn chỉ có 5,000 trong khi quân đội Pháp vào Sài Gòn tới 10,000 người.

 

Câu hỏi thứ hai : Vấn đề Đông Dương nói chung và vấn đề Việt Nam thuộc về trách nhiệm của nước Pháp, tại sao chính phủ Mỹ lại giúp đỡ nước Pháp nhất là giúp đỡ quân đội Pháp tham chiến tại chiến trường Việt Nam một cách khá tận tình . Người viết dùng trạng từ “khá” vì Hoa Kỳ không dùng pháo đài bay B-29 để giải tỏa áp lực quanh khu vực Điện Biên Phủ như chính phủ và các tướng lãnh của Pháp yêu cầu.

Trả lời câu hỏi thứ hai : vì không có trách nhiệm giải giới quân đội Nhật từ phía Bắc vĩ tuyến 16 nên quân đội Pháp không thể tự tiện ra Bắc, trong khi Hồ chí Minh mong muốn “đuổi” quân đội Trung Hoa ra khỏi Bắc Việt, do đó Hồ Chí Minh ký thỏa ước sơ bộ với Moutet (giữ chức Bộ Trưởng Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại – tức là Bộ Thuộc Địa cũ ) để mời quân đội Pháp ra Bắc. Dĩ nhiên chính phủ Pháp phải cử “đặc sứ” sang Trùng Khánh để thương thuyết cho việc quân đội Trung Hoa rút về Tàu, mặt khác thời điểm 1946, quân Cộng Sản của Mao Trạch Đông đang tấn công mạnh ở nhiều nơi nên chính phủ THQG đồng ý để quân của các tướng Lư Hán,Tiêu Văn và Trương Phát Khuê rút về Tàu ngay lập tức.

Khi 10,000 quân của Tướng Leclerc vào Sài Gòn, quân số của quân đội Pháp mới chỉ có 40,000 (khi đảo chánh, quân đội Nhật đã giam giữ 30,000 quân Pháp trú đóng tại Đông Dương). Sau khi Tưởng Giới Thạch bỏ chạy sang Đài Loan vào năm 1949, Mao Trạch Đông chỉ thị cho quân Trung Cộng phải giúp cho quân Việt Minh tối đa để đánh đuổi quân Pháp. Võ Nguyên Giáp đã mở “Chiến Dịch Biên Giới” đánh đuổi quân đội Pháp ra khỏi các cứ điểm Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, và vùng Đông Triều có mỏ than Hòn Gai cũng như kiểm soát hải lộ ra cảng Hải Phòng cũng bị đe dọa nặng nề. Tình hình nguy ngập đến nỗi secteur Vĩnh Yên do Đại Tá Vanuxem chỉ huy cũng bị vây hãm : Vĩnh Yên chỉ cách Hà Nội khoảng 100 km, nếu mất Vĩnh Yên thì quân Việt Minh sẽ chiếm Hà Nội chỉ trong thời gian ngắn. Tuy Võ Nguyên Giáp chưa bao giờ công bố, nhưng phía tình báo của quân đội Pháp cho biết quân của Võ Nguyên Giáp có tới 50,000 quân với đầy đủ vũ khí và đạn dược (kể cả vũ khí nặng).

Chính phủ Pháp cử Thống Tướng De Lattre De Tassigni sang Đông Dương làm Cao Ủy Đông Dương kiêm nhiệm Tư Lệnh Đạo Quân Viễn Chinh sang Đông Dương ngay. Đạo quân viễn chinh này lên tới 180,000 người cộng thêm 40,000 quân đang có sẵn, như vậy Thống Tướng De Lattre De Tassigni đang chỉ huy một đạo quân tới 220,000 người tại chiến trường Đông Dương.

Trước khi nhận lời, Thống Tướng De Lattre De Tassigni thừa biết là nước Pháp sau 1945 làm gì có khả năng để đem 180,000 người từ nước Pháp đi xa khoảng 30,000 km để sang Đông Dương, với lại nếu Đông Dương có bị quân Việt Minh chiếm thì tình hình an ninh của nước Pháp không hề hấn gì. Chính ông hỏi chính phủ Pháp : Người ở đâu ra? Làm sao nước Pháp có đủ vũ khi và đạn dược ? Nhiên liệu và lương thực không có thì một đạo quân 200,000 người, dù có thiện chiến đến mấy mà thiếu tiếp liệu thì phần thua là chắc chắn . Dù chính phủ Pháp chưa bao giờ công bố các chi tiết vừa nêu, người viết suy đoán rằng chính “đặc sứ” của Hoa Kỳ đã “giải đáp thắc mắc” của Thống Tướng De Lattre De Tassigni như sau : tình hình hiện nay ở Đông Dương với khả năng quá hạn hẹp của nước Pháp, chính phủ Pháp bắt buộc phải “bỏ chạy”. Nếu chính phủ Pháp chọn giải pháp “bỏ chạy” thì nước Pháp sẽ mất tất cả không còn gì cả , nhưng nước Mỹ sẽ tài trợ tất cả chiến phí, vũ khí , đạn dược, nhiên liệu, khí tài…để giúp cho đạo quân viễn chinh của quân đội Pháp chiến đấu. Còn nếu đem đại quân sang Đông Dương ngăn chận quân Việt Minh Cộng Sản thì sau khi xong “nhiệm vụ” (tức là rút lui đúng kế hoạch thì Hoa Kỳ sẽ viện trợ nước Pháp qua chương trình tái thiết Âu Châu của Marshall)

Được sự cam kết của “đặc sứ” Hoa Kỳ, Thống Tướng De Lattre De Tassigni mới chịu nhận lời sang Đông Dương làm Tư Lệnh Đạo Quân Viễn Chinh Pháp. Vừa sang tới Đông Dương, Thống Tướng Tassigni mở chiến dịch giải tỏa cho Vĩnh Yên, ông dùng vũ khí mới của Hoa Kỳ là bom napalm để oanh tạc quân Việt Minh đang bao vây Vĩnh Yên. Người viết suy đoán rằng các tướng lãnh của Trung Cộng cũng như chính Võ Nguyên Giáp cũng chưa hề biết “công dụng ghê gớm” của bom napalm, chả thế mà Võ Nguyên Giáp phải rút quân ra khỏi Vĩnh Yên mà không dám trú ngụ xung quanh vùng rừng núi Vĩnh Yên : quân Việt Minh phải rút qua bên kia biên giới Hoa Việt vì sợ máy bay Pháp truy đuổi.

 

Câu hỏi thứ ba : tại sao khi đi “cầu viện” Hoa Kỳ vào năm 1951, Thống Tướng De Lattre De Tassigni (5 sao trong quân đội Pháp) phải đích thân đi Hoa Kỳ trong khi ông đang là Tư Lệnh quân đội viễn chinh Pháp rất cần sự hiện diện của ông tại Đông Dương. Công việc “cầu viện” là công việc của Thủ Tướng Chính Phủ, của Ngoại Trưởng và của Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong chính phủ chứ không phải là việc của Tư Lệnh chiến trường.

Trả lời câu hỏi thứ ba : ngay sau khi giải tỏa xong cứ điểm Vĩnh Yên, quyền Tư Lệnh Đạo Quân Viễn Chinh Pháp tại Đông Dương được giao lại cho Đại Tướng Raoul Salan, Thống Tướng De Lattre De Tassigni đi “công du” Hoa Kỳ ngay, những ai cho rằng Thống Tướng Tassigni đi Hoa Kỳ để “cầu viện “ là sai vì ông đi Hoa Kỳ để thực hiện trên giấy tờ những gì mà chính phủ Hoa Kỳ đã hứa miệng với ông khi ông còn ở Paris, chứ không phải ông sang tới Đông Dương rồi mới đi Washington D.C. để năn nỉ xin viện trợ của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên đích thân ông phải đi vì Thủ Tướng Chính Phủ, Ngoại Trưởng hay Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp không thể biết rõ nhu cầu của quân đội Pháp tại chiến trường Đông Dương hơn Thống Tướng Tassigni.

 

Câu hỏi thứ tư : tại sao trong khi chưa nắm chính quyền hoàn toàn, Hồ chí Minh đã vội vàng phát động chiến dịch CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT lần thứ nhất vào năm 1953 (chiến dịch này chỉ xảy ra ở Miền BẮC Việt Nam, không xảy ra trên toàn quốc )

Trả lời câu hỏi thứ tư : sau khi không thành công trong “chiến dịch Biên Giới” vào năm 1951 – 1952, Hồ chí Minh và Võ Nguyên Giáp quyết định lệ thuộc hẳn vào Trung Cộng để đánh đuổi quân đội Pháp, nhưng Mao Trạch Đông cũng không mù quáng, ông ta muốn Hồ chí Minh phải làm “một cái gì đó” để Trung Cộng tin tưởng rằng Hồ chí Minh là “người nhà” (Hồ chí Minh dư sức hiểu ngữ nghĩa của danh xưng “người nhà” sẽ được Mao viện trợ hết mình, chớ còn vẫn còn đứng ở vị trí “bằng hữu” hay “đồng chí” thì nhận viện trợ qua loa mà thôi). Chiến dịch CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT đợt 1 phát động vào năm 1953 tại miền Bắc Việt Nam chính là một cuộc diễn tập để các cố vấn chính trị Trung Cộng báo cáo cho Mao và Trung Ương Đảng Trung Hoa để chuyển từ Hồ chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam từ giai đoạn “đồng chí” sang giai đoạn “người nhà”. Sau khi nhận báo cáo từ các cố vấn Trung Cộng, Mao Trạch Đông và Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Trung Hoa mới chấp thuận chuyên chở vũ khí đạn dược từ Trung Hoa sang Việt Nam để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Câu hỏi thứ năm : Tại sao sau khi căn cứ Điện Biên Phủ thất thủ, chính quyền Cộng Sản của Hồ chí Minh chỉ được chia phần từ vĩ tuyến 17 trở về phía Bắc mà không phải là toàn thể đất nước Việt Nam ? Trung Cộng hay Liên Sô ép buộc Hồ chí Minh và Phạm văn Đồng phải ký vào bản Hiệp Định Genève 1954 ?

Trả lời câu hỏi thứ năm : trở lại phần phân chia thế giới của 4 ông trùm chính trị mà người viết đã đề cập các phần trên, Việt Nam đã được chia làm 2, lấy vĩ tuyến 16 làm chuẩn (vĩ tuyến 16 chạy qua đèo Hải Vân). Khi nói chuyện với giới chức cao cấp của Hoa Kỳ ở Wasington D.C. chính Thống Tướng Tassigni đặt vấn đề với Hoa Kỳ là vào năm 1951, quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại Triều Tiên là 250,000 người cộng thêm 30,000 người của các quốc gia khác là 280,000 người với hỏa lực và không quân mạnh hơn quân đội Pháp mà cũng chỉ có “cò cưa” bất phân thắng bại với quân Cộng Sản (bao gồm quân Cộng Sản Bắc Hàn và chí nguyện quân của Trung Cộng ), vậy quân đội Pháp chỉ có 220,000 quân với 200 phi cơ (không có pháo đài bay như B-29) thì làm sao “thắng “ được quân Việt Minh ? Giới chức Hoa Kỳ cho biết là quân đội Pháp chỉ cần đánh cho quân Việt Minh “te tua”để Hoa Kỳ sẽ có giải pháp “chính trị cho Việt Nam”, giải pháp chính trị là Hoa Kỳ sẽ yểm trợ cho một chính quyền không Cộng Sản ở Miền Nam Việt Nam và chính quyền này quá non yếu sẽ bị quân Việt Minh “nuốt chửng”.

Vì vậy sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi họp bàn ở Genève, Việt Minh chỉ được chia phần từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, đúng như giới chức Hoa Kỳ đã nói với Thống Tướng Tassigni, phần đất này thuộc phần trách nhiệm của Trung Hoa Dân Quốc trong thỏa thuận Postdam, bây giờ Mao Trạch Đông chiến thắng thì phải trả lại cho Trung Cộng. Nhưng phía đại diện của Pháp (có lẽ ảnh hưởng của các vị lãnh tụ Công Giáo Việt Nam) đòi hỏi rằng nếu Việt Minh chấp nhận vĩ tuyến 16 thì phải nhường hành lang Bùi Chu – Phát Diệm – Nam Định cho Pháp, giải pháp “hành lang” Bùi Chu – Phát Diệm – Nam Định bị Molotov (ngoại trưởng kiêm trưởng phái đoàn Liên Sô) phản đối, Molotov bảo thẳng Phạm Văn Đồng là phải chấp nhận vĩ tuyến 17, chứ chấp nhận hành lang Bùi Chu – Phát Diệm – Nam Định thì sẽ gặp rất nhiều rắc rối (như Liên Sô đã và đang gặp rắc rối với hành lang Tây Bá Linh). Như vậy cả Trung Cộng và Liên Sô đều gây sức ép để buộc Hồ chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam phải nhận vĩ tuyến 17 làm ranh giới 2 miền Nam – Bắc.

 

Câu hỏi thứ sáu : tại sao miền Bắc Việt Nam chưa “phục hồi sức khỏe” sau chiến dịch Điện Biên Phủ hồi 1954, mà Hồ chí Minh lại phát động chiến dịch CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT lần thứ hai vào năm 1956 ?

Trả lời câu hỏi thứ sáu : Ngay sau khi bản Hiệp Định Genève 1954 vừa mới ký kết chưa ráo mực, Mao Trạch Đông đã phát biểu rằng : nhờ vào Bản Hiệp Định mà bọn “hoàng triều” của Nam Việt Nam sẽ giữ vững được ½ lãnh thổ (lúc đó Quốc Trưởng Bảo Đại vẫn còn là nguyên thủ của Quốc Gia Việt Nam). Nếu muốn “thống nhất đất nước” , Hồ chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam phải mở ra “chiến tranh giải phóng” thì mới có thể thống nhất đất nước được. Hồ chí Minh ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp phải sang Trung Hoa Lục Địa “cầu viện”. Trung Cộng hứa sẽ giúp 450,000 khẩu súng trường và đạn dược cũng như thuốc nổ, lựu đạn và súng cối, Trung Cộng cũng hứa giúp súng B-40 và B-41 với điều kiện Bắc Việt Nam phải hoàn toàn đi theo Chủ Nghĩa Cộng Sản ( Trong năm 1955, Võ Nguyên Giáp bí mật sang Trung Hoa 2 lần cách nhau không đầy 6 tháng, một lần vào tháng 5/1955 và một lần vào tháng 10/1955 – Tài liệu của Ban Quân Sử quân khu Quảng Đông của Trung Cộng).

Hồ chí Minh phát động chiến dịch CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT vào năm 1956 tại miền Bắc Việt Nam với 2 mục đích chính :

6.1- Xác nhận chính thức bằng hành động là VNDCCH là chư hầu của Trung Cộng để được Trung Cộng yểm trợ (bọn Việt Cộng thường dùng danh xưng CHI VIỆN nhiều hơn là danh xưng YỂM TRỢ) cho công cuộc “giải phóng miền Nam”.

6.2- Marx định nghĩa “nhà nước công nông” phải nắm giữ tất cả những “tư liệu sản xuất” , đối với nông nghiệp thì “đất đai ” là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Chính vì không hiểu Marx định nghĩa về tư liệu sản xuất, nên tất cả những thành phần địa chủ khi bị đấu tố và ngay cả khi bị giết vẫn không hiểu tại sao. Rất nhiều người Việt Nam (ngay cả bà CÁT HANH LONG – NGUYỄN THỊ NĂM nghĩ rằng mình có công với “cách mạng” thì không thể bị Cộng Sản giết được) hay những tiểu điền chủ chỉ làm chủ có vài công đất không có tài sản gì lớn lao thì không thể bị giết, họ không thể ngờ rằng họ bị giết vì trong tay họ còn giữ VĂN TỰ (tương đương với bằng khoán trong miền Nam sau này) : Hồ chí Minh và Đảng CSVN phải giết họ thì mới có thể cướp được đất đai của họ.

Người viết cũng đọc đi đọc lại không dưới 10 lần bài tham luận của Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường đọc trước Mặt Trận Tổ Quốc tại Hà Nội năm 1956 (bài tham luận này được cụ Hoàng Văn Chí cho in lại vào quyển sách TRĂM HOA ĐUA NỞ TRÊN ĐẤT BẮC vào năm 1959 tại Sài Gòn) , người viết cũng nhận ra rằng Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường cũng chưa hiểu rõ ý đồ của Hồ chí Minh ,vì trong bài tham luận này, Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường chỉ lên án thủ tục tố tụng của cán bộ đấu tố chứ Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường không thấy chuyện giết những người địa chủ vì bọn CSVN muốn cướp đất của nông dân (sau này căn cứ vào báo cáo được hé lộ, con số địa chủ bị giết vượt quá 170,000 người).

Châm ngôn CỨU CÁNH BIỆN MINH CHO PHƯƠNG TIỆN đã được Hồ chí Minh áp dụng triệt để vì ông ta đã đạt được CỨU CÁNH là đã nhận được tất cả những điều ông ta mong muốn : vào cuối năm 1959, Trung Cộng và Liên Sô đã viện trợ mọi phương tiện chiến tranh để Hồ chí Minh mở ra cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam.

 

Câu hỏi thứ bảy : chiến dịch CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT lần thứ hai thành công mỹ mãn vào năm 1956, tại sao phải đợi đến cuối năm 1959, Hồ chí Minh mới cho ra mắt MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM tại Hà Nội ?

Trả lời câu hỏi thứ bảy : tháng 12 năm 1959, sau khi nhận đủ các phương tiện chiến tranh và cất vào trong kho, Hồ chí Minh cũng còn chần chừ vì phía Liên Sô, Tổng Bí Thư kiêm Thủ Tướng của Liên Sô là Nikita Krouchev chủ trương “sống chung hòa bình “ với Mỹ. Do đó buổi ra mắt Ban Lãnh Đạo của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam không được đánh bóng và tuyên truyền rầm rộ. Tuy vậy , tình báo Hoa Kỳ cũng dự báo là chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn sắp tới sẽ không còn dưới hình thái “du kích” mà sẽ là hình thái “vận động chiến với quy mô của một cuộc chiến xâm lăng quy ước”.

 

Câu hỏi thứ tám : tại sao chính phủ Ngô Đình Diệm đã vãn hồi kinh tế và đặt nền móng chính trị DÂN CHỦ PHÁP TRỊ tại Miền Nam Việt Nam thành công và đưa ra phương sách ẤP CHIẾN LƯỢC để chống lại quân du kích nổi dậy của Việt Cộng mà chính phủ Mỹ lại cứ muốn đưa quân dội Hoa Kỳ vào Miền Nam Việt Nam trực tiếp chiến đấu với quân Việt Cộng ?

Trả lời câu hỏi thứ tám : sự thay đổi quan niệm chiến tranh vừa nêu đã khiến ngay sau khi tân Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy vừa nhậm chức, các “đặc sứ” của Hoa Kỳ đã bay sang Sài Gòn thuyết phục Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho phép quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam để trực tiếp giao tranh với quân Cộng Sản Bắc Việt. Người viết không muốn nêu ra những sự kiện mà mọi người đều biết, chỉ xin nêu ra những điều mọi người chưa biết như là 2 ông không muốn quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam (vì muốn giữ chủ quyền quốc gia chả hạn), nhưng 2 ông không có cái nhìn rộng lớn hơn như là Hoa Kỳ dàn trận trên toàn vùng Đông Nam Á chứ không phải chỉ dàn trận tại 3 nước Đông Dương. Người viết đoan chắc là 2 ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu không thể trả lời câu hỏi của “Đặc Sứ“ Hoa Kỳ là chừng nào thì chiến tranh du kích tại Việt Nam chấm dứt ? Và chính phủ Mỹ chỉ làm việc tối đa 2 nhiệm kỳ (8 năm) nên không thể lấy tiền thuế của nhân dân Hoa Kỳ viện trợ cho VNCH mãi mãi được. 2 ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã viện dẫn sự thành công của Sir Robert Thompson tại Malaysia để biện minh cho quốc sách Ấp Chiến Lược của VNCH, nhưng 2 ông quên rằng địa lý chính trị của Malaysia khác xa với địa lý chính trị của VNCH : bán đảo Malaysia có 3 mặt là biển chỉ dính liền với miền Nam Thái Lan một đoạn biên giới ngắn ngủi cho nên bọn Cộng Sản Quốc Tế không thể tiếp ứng cho Cộng Sản Malaysia bất cứ thứ gì và Mã Cộng phải đầu hàng chính quyền Malaysia để tìm đường “sống còn” nếu không muốn bị chết…đói. Trong khi VNCH có chung đường biên giới với Lào và Cambodia dài tới hơn 2000 km mà VC có rất nhiều cửa ngõ để xâm nhập những đại đơn vị cấp sư đoàn để mở ra những trận đánh cường tập vận động chiến. Kiểu cách trang bị quân đội VNCH ứng phó cho chiến tranh du kích không còn hữu hiệu và không thể ứng phó kịp thời với chiến tranh vận động chiến !!!

Như vậy người viết có thể tóm gọn trong một nhận định như sau : Thái độ và ý chí cương quyết chống Cộng của anh em Tổng Thống Diệm chưa phải là một phương pháp chống Cộng hữu hiệu. Cần có một phương pháp khác, người viết cũng suy luận rằng khi Hồ chí Minh và Võ Nguyên Giáp phát động cuộc chiến xâm nhập miền Nam Việt Nam, toàn ban lãnh đạo của CSVN không hề biết quân đội Hoa Kỳ đã có ít nhất 2 vũ khí mới để khống chế chiến thuật “biển người” mà quân đội phe Cộng thường hay sử dụng. Hai vũ khí này là “Hàng Rào Điện Tử Mac Namara” và pháo đài bay B-52 với phương pháp rải bom “trải thảm”.

 

Câu hỏi thứ chín : vì không đồng ý với lời yêu cầu của “đặc sứ” Hoa Kỳ nên 2 ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu tìm mọi cách để luồn lách sao cho chiến tranh không bùng nổ tại miền Nam Việt Nam, cho nên chính phủ Hoa Kỳ cũng tìm mọi cách để “bứng bỏ” 2 ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, nhưng tại sao lại phải giết 2 ông ?

Trả lời câu hỏi thứ chín: sau khi biết chắc chắn là không thể thuyết phục được Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu thay đổi được quan niệm lãnh đạo, chính phủ Hoa đã từ từ chuyển động để “bứng bỏ” trở ngại chính có thể phá vỡ cuộc dàn trận chiến lược của Hoa Kỳ nhằm đối đầu với Trung Cộng (ở Á châu, Liên Sô không có nhiều ảnh hưởng và không nguy hiểm như Trung Cộng). Người viết không lập lại những chuyển động của Hoa Kỳ để lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm (vì độc giả cũng đã biết một cách tường tận nhất là từ phía Hoa Kỳ, những tài liệu mật quá 35-40 năm đều có thể giải mật). Vấn đề đáng được nêu ra ở đây là cái chết của anh em Tổng Thống Diệm , chính phủ Hoa Kỳ chủ trương lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm nhưng không có chủ trương “giết”. Theo sự mô tả của Luật Sư Lâm Lễ Trinh, chính Đại Sứ Henry Cabot Lodge nói chuyện với Tổng Thống Diệm trên điện thoại : “ Nếu Tổng Thống cần một chỗ để ra đi thì hãy gọi cho tôi, những chuyện khác xin đừng gọi”. Tổng Thống Diệm ra lệnh cho tùy viên là Đại Úy Đỗ Thọ gọi vào Bộ Tổng Tham Mưu để các tướng lãnh đem xe đến rước ông. Và 2 ông đã bị giết giữa đường từ Nhà Thờ Cha Tam trong Chợ Lớn chạy về Bộ Tổng Tham Mưu. Không có bất cứ tài liệu hay tin tức nào đề cập đến lời nói hay cách hành xử của ông Ngô Đình Nhu và cũng không ai thắc mắc về lai lịch và xuất xứ của ông Mã Tuyên (trước đó không ai biết ông Mã Tuyên giữ vai trò gì mà lại được Tổng Thống Diệm và Cố Vấn Nhu tin cậy trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”.)

Theo sự suy đoán của người viết, ông Mã Tuyên là người tín cẩn của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, tối ngày 1 tháng 11 năm 1963, hai anh em ông Diệm và ông Nhu chắc chắn là đã bàn thảo với nhau nhiều, hai ông thừa sức thoát khỏi Việt Nam qua các cán bộ tình báo của Trung Hoa Dân Quốc nằm đầy rẫy trong Chợ Lớn, nhưng giữ được sinh mệnh thân xác mà không giữ được sinh mệnh lịch sử thì sống cũng như chết. Các danh nhân danh tướng Việt Nam vào thời quân Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam như các ông Phan Thanh Giản, danh tướng Nguyễn Tri Phương, Tổng Đốc Hoàng Diệu đã tự sát vì cảm thấy cá nhân bất lực trước thời cuộc. Nhưng 2 anh em Tổng Thống Diệm là người Công Giáo, 2 ông không thể tự sát như các ông Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu được…và giải pháp 2 ông đã quyết định chọn lựa là mượn tay các tướng lãnh thù ghét 2 ông ra tay hạ sát để sinh mệnh lịch sử của 2 ông còn mãi với núi sông Việt Nam. Tính từ 1963 đến nay 2022 cũng gần 60 năm trôi qua, thân xác 2 ông cũng đã tan rữa vào lòng đất. Xin cầu nguyện cho 2 ông được yên nghỉ trong an bình.

 

Câu hỏi thứ mười : sau khi 2 ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết, tình hình chính trị của VNCH xáo trộn dữ dội với các cuộc “chỉnh lý”, “biểu dương lực lượng”…khiến các lực lượng quân sự chính quy của VNCH thay vì trấn đóng tại biên thùy để chiến đấu ngăn chận cộng quân Bắc Việt xâm nhập, thì các tướng lãnh lại bỏ trống biên thùy và đem quân về Sài Gòn để tranh quyền tranh chức. Tại sao sau ngày 19 tháng 6 năm 1965, sau khi 2 Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ chính thức nắm quyền bính tại Sài Gòn thì mọi xáo động chính trị nội trị của VNCH được “dẹp yên” ?

Trả lời câu hỏi thứ mười : ngay sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các tướng lãnh lên nắm chính quyền, nhưng không tướng lãnh nào nắm quyền được lâu, điển hình là chính tướng Dương văn Minh chỉ nắm quyền có 3 tháng cho tới ngày 30 tháng giêng năm 1964, Trung Tướng Nguyễn Khánh lật đổ tướng Dương văn Minh dưới danh nghĩa CHỈNH LÝ. Trong 3 tháng cầm quyền, Tướng Dương văn Minh bị “hàm oan” vì chính ông ký văn thư giải tán ẤP CHIẾN LƯỢC, nên những người không hiểu chuyện đã vu cáo là tướng Dương Văn Minh đã mở đường cho VC kéo quân vào xâm chiếm VNCH ! Thực tế, người Mỹ ngưng cung cấp tài khoản cho chương trình ẤP CHIẾN LƯỢC, nếu không giải tán Chương Trình Ấp Chiến Lược thì làm sao tướng Dương Văn Minh có tiền để trả lương cho cán bộ của chương trình này . Tướng Nguyễn Khánh cũng chỉ nắm quyền có 13 tháng, thời gian tướng Khánh cầm quyền có một sự kiện quan trọng là Bộ Trưởng Quốc Phòng Mac Namara qua VN để chuẩn bị cho cuộc đổ quân ồ ạt vào VN. Tướng Nguyễn Khánh cũng chỉ cầm quyền được 13 tháng rồi giao lại cho chính phủ dân sự : chính phủ dân sự của Thủ Tướng Phan Huy Quát mới cầm quyền vào ngày 16 tháng 2 năm 1965 thì 3 ngày sau Trung Tướng Dương Văn Đức, Thiếu Tướng Lâm Văn Phát và Đại Tá Phạm Ngọc Thảo đem quân đội từ vùng 4 về Sài Gòn mưu toan “đảo chánh”, nhưng không phải đảo chính Thủ Tướng Phan Huy Quát mà gây áp lực để “tống xuất” Tướng Nguyễn Khánh ra ngoại quốc. Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu ký văn thư vinh thăng Trung Tướng Nguyễn Khánh lên cấp bậc Đại Tướng và Thủ Tướng Phan Huy Quát ký sự vụ lệnh bổ nhiệm Đại Tướng Nguyễn Khánh xuất ngoại để làm “Đại Sứ Lưu Động” cho chính phủ VNCH.

Bình luận việc này, báo chí VNCH nêu ra tục ngữ mới để thay thế cho tục ngữ cũ “ ĐƯỢC LÀM VUA, THUA LÀM GIẶC ” bằng tục ngữ mới là “ĐƯỢC LÀM VUA, THUA ĐI LÀM ĐẠI SỨ”. Thời gian này quân đội Hoa Kỳ lẳng lặng đổ quân vào bãi biển Chu Lai, mãi 48 giờ sau, Thủ Tướng Phan Huy Quát mới hay biết và chính ông đã ký văn thư chính thức mời quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam trực tiếp giúp VNCH chiến đấu chống lại Cộng Quân Bắc Việt. Cũng phải nói thêm là thời gian Tướng Khánh cầm quyền Cộng Quân BV đã mở những trận đánh lớn cấp sư đoàn với các chiến địa đi vào lịch sử như Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, Toumorong, Dakto, Daksut, Ba Gia…với sự thiệt hại nghiêng về phía quân đội VNCH, cho nên mọi người đều mặc nhiên công nhận việc làm của Thủ Tướng Phan Huy Quát là đúng. Nhưng Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và các chính trị gia trong Thượng Hội Đồng Quốc Gia ở Sài Gòn phiền trách Thủ Tướng Phan Huy Quát về việc mời quân đội Hoa Kỳ vào VN đã làm mất chính nghĩa của công việc chống Cộng. và Thủ Tướng Phan Huy Quát từ chức trao quyền hành pháp cho Hội Đồng Tướng Lãnh.

Sau 3 ngày họp liên tiếp, Hội Đồng Tướng Lãnh bầu chọn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương và công bố thành phần Nội Các Chiến Tranh vào đúng ngày 19 tháng 6 năm 1965.

 

Suy ra những xáo trộn chính trị sau khi 2 anh em Tổng Thống Diệm bị giết là do chính phủ Hoa Kỳ cố ý dàn dựng với các ông Đại Sứ Henri Cabot Lodge và Maxwell Taylor để chiêu dụ Hồ chí Minh và Võ Nguyên Giáp đem đại quân ồ ạt vào Nam mưu toan “cướp chính quyền “ bằng vũ lực. Văn thư của Thủ Tướng Phan Huy Quát dù trễ 48 tiếng đồng hồ, nhưng giúp chính phủ Johnson có tính chính danh với dư luận quốc tế và yên tâm với nội tình chính trị Hoa Kỳ (để được chấp thuận ngân khoản chi dùng cho chiến trường hải ngoại), văn thư đó đã giúp Hoa Kỳ đem quân vào Việt Nam, một việc làm mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm không chịu làm mà các Tướng Dương Văn Minh và Nguyễn Khánh không chịu hiểu.

 

Bài viết này xin ngừng ở câu hỏi thứ mười, tương đương với thời gian từ 1945 đến 1965, thực ra chiến tranh Việt Nam khốc liệt nhất xảy ra trong khoảng từ 1965 đến 1975, vì vậy người viết xin hẹn với thân hữu và độc giả trong bài viết kế tiếp.

Rất nhiều thân hữu của người viết (và cũng là những Phật Tử) hỏi cá nhân người viết nghĩ sao về chuyện những nhà sư Phật Giáo đã có quá khứ “chống Mỹ cứu nước”, nhưng sau khi Việt Cộng “chiến thắng” vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, những nhà sư này vượt biên rồi lẳng lặng xin tỵ nạn Hoa Kỳ. Không thấy ai xin định cư tại Thái Lan hay Ấn Độ, một số những nhà sư này bị phật tử chất về việc “chống Mỹ” mà sao định cư tại Mỹ như những người chống Cộng bình thường, các nhà sư này đã trả lời y hệt như nhau theo công thúc nhất quán như sau : THIỆN TAI ! THIỆN TAI ! (tức là không trả lời gì cả, chả lẽ trả lời ngu hay sao mà xin định cư ở Ấn Độ hay Thái Lan vì 2 quốc gia này không có phật tử người Việt).

Sau cùng, người viết nhận ra rằng biến cố Phật Giáo Xuống Đường năm 1963 rõ ràng là do CIA dàn dựng với mục tiêu tối hậu là lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, tất cả những nhân vật “nòng cốt” trong biến cố này đều chỉ là những contractors của Hoa Kỳ. Xong việc, Hoa Kỳ trả cho những contractors những favors (tuy rằng mọi người nghĩ rằng tình báo Hoa Kỳ có trả tiền nhưng không có bằng cớ hữu hiệu). Dẫu sao những nhân vật “nòng cốt” này được Hoa Kỳ đền đáp “xứng đáng”, điển hình như các ông Trần Quang Thuận đã nhận chức Tổng Trưởng Xã Hội trong chính phủ của Tướng Nguyễn Cao Kỳ thời điểm 1965- 1967, tới năm 1971 đắc cử Thượng Nghị Sĩ trong Liên Danh Hoa Sen cùng với người anh vợ là Bác Sĩ Tôn Thất Niệm. Sau năm 1975, cả hai sinh sống khá lặng lẽ ở Nam Cali cho đến ngày qua đời. Những nhân vật khác của Khối Ấn Quang như cựu dân biểu Thiếu Tá Hải Quân Trần Văn Sơn (bút hiệu Trần Bình Nam), cựu dân biểu Trần văn Thung, cựu dân biểu Nguyễn Công Hoan… cũng được Hoa Kỳ trả công hậu hĩ và sống đời lặng lẽ ở Hoa Kỳ cho đến ngày qua đời.

 

San José ngày 28 tháng 7 năm 2022

Trần Trung Chính

 

NguồnViệt Nam Nhật Báo