Seite auswählen

Nhật báo TAZ của Đức đưa tin ngày 11/8 về phiên tòa phúc thẩm xét xử luật sư môi trường Đặng Đình Bách. Cuối cùng, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên y án 5 năm tù giam về tội trốn thuế.
https://taz.de/Repression-von-Umweltschuetzern/!5874103/

Bà Trần Phương Thảo, vợ ông Bách, cho biết tương tự như phiên tòa sơ thẩm, bà một lần nữa không được tham dự phiên tòa phúc thẩm. Máy tính xách tay và điện thoại di động của luật sư bị giữ lại không được đem vào phòng xử án.

Các luật sư cho biết ông Đặng Đình Bách, 44 tuổi, trông gầy yếu và không được khoẻ vì tuyệt thực. Ông đã tuyệt thực kéo dài  hai tuần trước phiên tòa sơ thẩm ngày 24 tháng 1 để phản đối vụ án bất công và các hình thức áp bức ông nhận tội của điều tra viên.

Tờ TAZ viết rằng kể từ năm ngoái, cơ quan tư pháp, do Đảng Cộng sản kiểm soát, đã ngày càng truy tố các nhà hoạt động môi trường và khí hậu với cáo buộc về tội trốn thuế. Mục đích là để đe dọa các nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng. Ông Bách là một trong những nạn nhân đầu tiên.

Đáng chú ý, các vụ án trốn thuế này là do Cơ quan an ninh nhà nước điều tra và bị các biện pháp nặng nề hơn nhiều so với các vụ án trốn thuế thông thường (vi phạm pháp luật về thuế). Các nhà hoạt động xã hội dân sự (XHDS) bị biệt giam trong nhiều tháng, không được tiếp xúc với người thân trong gia đình và ít được tiếp xúc với luật sư. Đó là các biện pháp áp dụng cho các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, các vụ án chính trị, phản động, chống lại nhà nước.

Tờ TAZ nhấn mạnh, do đó, các tổ chức nhân quyền coi các vụ án trốn thuế chống lại các nhà hoạt động XHDS là có động cơ chính trị và cáo buộc trốn thuế chỉ là một cái cớ. Vả lại, luật thuế của VN rất mơ hồ, đặc biệt là đối với các tổ chức phi lợi nhuận.

Cùng ngày thứ Năm 11/8, bản án tù của hai nhà hoạt động khác, mỗi người được giảm ba tháng trong một phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội. Ông Mai Phan Lợi, 51 tuổi, Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) và ông Bạch Hùng Dương, 47 tuổi, giám đốc MEC, cũng bị bắt vào tháng 6 năm 2021 với cáo buộc ngụy tạo về tội trốn thuế. Trong phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1/2022 ông Lợi bị kết án 48 tháng tù giam và ông Dương 30 tháng tù giam.

Nạn nhân nổi bật nhất của các vụ án với cáo buộc ngụy tạo về tội trốn thuế cho đến nay là bà Ngụy Thị Khanh, người đoạt giải Môi trường Goldman, đã bị kết án hai năm tù vào tháng Sáu năm nay. Nhà cựu ngoại giao 46 tuổi (tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế) và là người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) tại Hà Nội cũng đã kháng cáo và đang chờ ngày tòa án phúc thẩm xét xử. Bản án sơ thẩm kết tội nữ chuyên gia môi trường nổi tiếng đã gây ra sự phản đối từ các đại sứ quán phương Tây.

Tờ TAZ nói rằng các vụ bắt bớ và kết án kể trên đã gây ra sự hoang mang và sợ hãi trong giới hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam, đặc biệt về bảo vệ môi trường.

Điển hình là cô Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc và người sáng lập Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển Việt Nam (CHANGE), một tổ chức tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng thông báo tìm người kế nhiệm trên Twitter từ hôm thứ Năm 11/8 (Xem ảnh).
https://www.twitter.com/honghoangchange/status/1557610262441562115

“Rõ ràng cô ấy muốn tránh thiệt hại cho bản thân và tổ chức của mình”, một nhà quan sát suy đoán, nói với tờ TAZ. Hoàng Thị Minh Hồng là phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực và từ khi trở về từ Nam Cực, mọi thứ thay đổi, cuộc đời cũng thay đổi, cô Minh Hồng bỏ việc ở tờ báo Vietnam Investment Review đang cho thu nhập khá cao để lao vào các hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Để được tiếp cận thông tin, kiến thức làm nóng ước mơ của mình, cô Minh Hồng nhận lời làm việc cho Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF). Nhưng ước mơ có những dự án môi trường của riêng mình cho Việt Nam luôn đau đáu trong cô. Công việc ở WWF ổn định, thu nhập cao, được đi nước ngoài… cũng chỉ giữ chân cô được 7 năm.

Rời khỏi WWF với “vốn liếng” khá dày về kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ với các tổ chức, mạng lưới bảo vệ môi trường thế giới, cô Minh Hồng sáng lập tổ chức CHANGE tại Việt Nam tập trung vào 2 lĩnh vực là chống biến đổi khí hậu và bảo vệ động vật hoang dã.
http://www.baodongnai.com.vn/phongsukysu/201803/nguoi-phu-nu-viet-2-lan-chinh-phuc-nam-cuc-2886856/index.htm#:~:text=Ch%E1%BB%8B%20Minh%20H%E1%BB%93ng%20k%E1%BB%83%20l%C3%BAc,ti%C3%AAn%20l%C3%AAn%20ch%C3%A2u%20Nam%20C%E1%BB%B1c.

VNTB (15.08.2022)

Dân biểu Đức: Sẽ yểm trợ cho TNLT Hoàng Bình đến khi được tự do và phục hồi danh dự!

Ông Hoàng Đức Bình (giữa bên trái) tại phiên toà ở Nghệ An hôm 6/2/2018 AFP

Dân biểu Julian Pahlke của Quốc hội Liên bang Đức trong bài phỏng vấn gần đây khẳng định, “bảo vệ môi trường không phải là một tội phạm” và sẽ yểm trợ cho một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam cho đến khi ông này được trả tự do.

Hồi tháng 1/2022, Dân biểu Julian Pahlke, thuộc khối Liên Minh 90/Đảng Xanh tuyên bố bảo trợ cho ông Hoàng Đức Bình (hay còn gọi là Hoàng Bình), người bị tuyên án 14 năm tù giam vì đã tường trình về thảm họa môi trường do Nhà máy Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra hồi năm 2016.

Bài phỏng vấn Dân biểu này đăng trên trang mạng của Quốc hội Liên bang Đức hôm 27/7 được tổ chức VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền dịch lại sang tiếng Việt.

Theo đó, ông Julian Pahlke cho biết bản thân đã viết thư cho Đại Sứ quán Việt Nam tại Đức và yêu cầu Nhà nước Việt Nam trả tự do tức khắc, vô điều kiện cho ông Bình, cũng như tôn trọng những quy ước tối thiểu của Liên Hiệp quốc về việc đối xử với tù nhân hay còn gọi là Quy ước Nelson Mandela.

Ông kêu gọi Việt Nam thực thi những cam kết của mình về nhân quyền, trong đó có sự tôn trọng các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp như được qui định trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.

Với việc nhận bảo trợ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, Dân biểu Julian Pahlke nói ông sẽ yểm trợ cho đến khi tù nhân lương tâm này được trao trả tự do và phục hồi danh dự.

Pahlke là Dân biểu Đức thứ hai nhận bảo trợ cho Hoàng Đức Bình. Trong nhiệm kỳ quốc hội trước, bà Margarete Bause thuộc khối Liên Minh 90/Đảng Xanh đưa ông Hoàng Đức Bình vào chương trình bảo trợ.

Chương trình bảo trợ tù nhân lương tâm là sự mở rộng của chương trình “Dân biểu bảo trợ cho dân biểu.” Nói về chương trình này, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài, người từng được bảo trợ bởi dân biểu Đức và hiện đang sống tị nạn tại nước này, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:

Việc bảo trợ cho nhà hoạt động nhân quyền hay môi trường trên thế giới là một chuyện mới đối với Quốc hội Đức. Trước đây, Quốc hội Đức thông qua một nghị quyết bảo vệ cho đồng nghiệp của họ là dân biểu hay thượng nghị sỹ ở các quốc gia độc tài- chương trình Dân biểu bảo vệ cho Dân biểu. Năm 2017, tổ chức VETO! vận động Quốc hội Đức không chỉ bảo vệ cho dân biểu mà còn người hoạt động chính trị và nhân quyền ở các quốc gia khác.”

Ông Đài, người đồng sáng lập Hội Anh em Dân chủ và hiện là chủ tịch của tổ chức này, cho biết nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã và đang được bảo trợ bởi chương trình này, trong đó có chính ông, ông Nguyễn Bắc Truyển, bà Đỗ Thị Minh Hạnh, và Hoàng Đức Bình.

Nói về hiệu quả của việc bảo trợ tù nhân lương tâm, ông Đài, người được Dân biểu Marie-Luise Dott bảo trợ, nói:  “Bản thân tôi thấy được ngay hiệu quả của nó, là khi những người an ninh điều tra làm việc với tôi thì họ chắc là do bức xúc quá họ hỏi tôi ‘Ông có quan hệ như thế nào với Đức mà họ gây áp lực với chúng tôi khiếp như vậy?’”

Trong vai trò là thành viên chính thức của các Ủy ban Châu Âu, Uỷ ban Nội vụ và Quê hương, và thành viên dự khuyết của Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức, Dân biểu Pahlke nói rằng trong vụ án của ông Hoàng Đức Bình, toàn bộ quá trình tố tụng, từ cáo trạng cho đến tuyên án và điều kiện giam giữ đã vi phạm các công ước của Liên Hiệp quốc.

Với ông, “Bảo vệ môi trường không phải là một tội phạm” và tuy thảm họa môi trường tại Việt Nam ở cách nước Đức thật xa nhưng “mọi thứ đều có liên quan và có trách nhiệm liên đới với nhau. Cuộc khủng hoảng về khí hậu và những vấn đề về môi trường đều không bị giới hạn trong biên giới của mỗi nước.”

Không chỉ yêu cầu Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho ông Bình, Dân biểu Pahlke còn ưu tiên chú ý đến việc cải thiện điều kiện giam giữ.

Theo ông, ông Bình cũng như nhiều tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam đang bị giam giữ tại những nơi cách gia đình thật xa trong điều kiện sống vô cùng hà khắc, vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc căn bản của một nhà nước pháp quyền.

Ông phê phán việc nhà nước Việt Nam luôn dùng mọi cách để đàn áp những người đối lập và hoạt động bảo vệ nhân quyền, cũng như lợi dụng những năm tháng tù để đày đoạ họ.

Vị dân biểu Đức giải thích về sự bảo trợ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình trên một bình diện rộng hơn, đó là “Nếu muốn thay đổi những vấn đề về khí hậu và môi trường, chúng ta phải yểm trợ sự dấn thân của những người hoạt động trên khắp thế giới và cần hỗ trợ cho sự lớn mạnh của một xã hội dân sự ở mọi quốc gia.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, việc nhận bảo trợ chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình đấu tranh đòi tự do cho người được bảo trợ, và hiệu quả của việc này cần có nhiều yếu tố, trong đó cách vận động của người nhận bảo trợ đóng vai trò quan trọng. 

Ông nói người nhận bảo trợ cần tranh thủ mọi cơ hội để thúc giục các cơ quan của nhà nước Đức gây áp lực lên nhà nước Việt Nam bên cạnh việc trực tiếp nêu vấn đề này trong mọi cuộc tiếp xúc với đại diện của Việt Nam.

Ngoài dân biểu Đức, nhiều Dân biểu và Thượng nghị sỹ ở Hoa Kỳ cũng nhận bảo trợ cho người hoạt động Việt Nam, như trường hợp Dân biểu Alan Lowenthal bảo trợ cho luật sư Nguyễn Văn Đài, ông Nguyễn Tiến Trung và nhà báo của Đài Á Châu Tự Do là ông Nguyễn Văn Hoá, Thượng nghị sĩ Ben Cardin bảo trợ cho ông Cù Huy Hà Vũ, và gần đây nhất là Dân biểu Ro Khanna nhận bảo trợ cho nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo Phạm Đoan Trang.

RFA (15.08.2022)

 

 

Phạm Đoan Trang và 3 Facebooker nhiều khả năng y án

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng bà Phạm Đoan Trang không làm gì ngoài bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa

Trước phiên xử phúc thẩm bà Phạm Đoan Trang cùng ba Facebooker, nhà hoạt động khác ở Hà Nội, luật sư suy đoán khả năng tòa tuyên “y án” vì các bị cáo không thừa nhận cáo buộc của nhà cầm quyền CSVN.

Ngày 15/8, Luật sư Đặng Đình Mạnh đã vào trại tạm giam số 1 (Hỏa Lò) để làm việc với các ông bà Lê Văn Dũng Vova, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Phạm Đoan Trang để chuẩn bị cho các phiên tòa xét xử phúc thẩm của tòa tại Hà Nội.

Bà Trang và ba người còn lại bị cáo buộc tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước…” theo điều 88 Bộ luật Hình sự CSVN 1999 (luật cũ) hoặc 117 (luật hiện hành). Điều luật 88 cũ và 117 chỉ là một tội danh, nhưng khi sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, thì có sự thay đổi số thứ tự điều luật.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết: “Theo các văn bản thông báo về xét xử, thì cả ba vụ án đều được tiến hành xét xử theo thủ tục công khai. Thủ tục công khai được hiểu rằng công chúng quan tâm đến vụ án có thể đến dự khán phiên tòa. Tuy nhiên, thực tế thì đến cả thân nhân cả bốn người là bị cáo còn chưa được thông báo hoặc có thể vào dự phiên tòa dễ dàng, thì công chúng có quan tâm chỉ có thể biết được kết quả xét xử từ… báo chí khi phiên tòa đã kết thúc mà thôi.

Trừ bà Đoan Trang sức khỏe không được ổn, thì cả ba người còn lại sức khỏe bình thường. Tất cả đều gởi lời hỏi thăm gia đình, thân hữu và cảm ơn công chúng quan tâm đến họ.

Trao đổi trong buổi làm việc chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm, tất cả họ đều tái khẳng định quan điểm cho rằng mình thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo hiến pháp quy định mà thôi. Họ vô tội trước các cáo buộc.

Ông Trịnh Bá Phương và bà Phạm Đoan Trang đều có chuẩn bị ý tứ cho phần lời nói sau cùng và nhờ luật sư chuyển cho thân nhân.

Đồng thời, tất cả đều đã chuẩn bị tinh thần về kết quả “y án” của các phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Với tư cách là người bào chữa cho họ, rất tiếc, luật sư cũng không thể nói điều gì khác.

Và cũng tiếc rằng, giá như phát ngôn khác ý chính quyền không phải là một tội hình sự để phải bị giam cầm.”

Đất Việt (15.08.2022)

 

 

Phúc thẩm xét xử 3 nhà hoạt động môi trường: LS Đặng Đình Bách bị tuyên y án

Ba nhà bảo vệ sinh thái, từ trái sang – Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Đặng Hùng Dương, tại các phiên tòa xét xử phúc thẩm ở Hà Nội diễn ra cùng ngày 11/8.

Ba nhà lãnh đạo các tổ chức dân sự và cũng là những nhà hoạt động môi trường vừa bị đưa ra xét xử trong các phiên tòa phúc thẩm, trong đó ông Đặng Đình Bách bị tuyên y án sơ thẩm 5 năm tù trong khi ông Mai Phan Lợi và ông Đặng Hùng Dương mỗi người được giảm 3 tháng tù so với bản án sơ thẩm.

Ba người này đều bị kết tội trốn thuế, một tội danh mà chính quyền Việt Nam trong những năm gần đây dùng để đưa ra xét xử những người lãnh đạo các tổ chức dân sự chuyên về môi trường, trong đó có nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Ngụy Thị Khanh.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Bách, giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), diễn ra hôm 11/8 tại Tòa án Nhân dân cấp cao ở Hà Nội, gần nửa năm sau phiên xử sơ thẩm. Ông Bách, cũng là một luật sư bảo vệ quyền môi trường, bị kết án 5 năm tù tội “trốn thuế” hồi cuối tháng 1 năm nay.

Trước đó cũng trong tháng 1, ông Lợi và ông Dương, lần lượt là chủ tịch hội đồng khoa học và giám đốc của Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), cùng bị đưa ra xét xử ở phiên sơ thẩm, trong đó ông Lợi, từng là phó tổng thư ký tòa soạn báo Pháp Luật, bị tuyên 4 năm tù và ông Dương, bị tuyên 2 năm rưỡi sau song sắt.

Trong phiên tòa phúc thẩm hôm 11/8, Tòa án Nhân dân cấp cao của Hà Nội tuyên chấp nhận giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Lợi và ông Dương. Theo Vietnam Plus, ông Lợi – người từng điều hành trang Facebook “Góc nhìn Báo chí Công dân” và từng là một trong những nhà hoạt động dân sự gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016 – được giảm án vì đã nộp tổng cộng 1,2 tỷ đồng “khắc phụ hậu quả” và “trong quá trình công tác có nhiều thành tích, bố mẹ là người có công, gia đình hoàn cảnh khó khăn.” Vẫn theo tờ báo của TTXVN, ông Lợi, bị cáo buộc có vai trò chủ mưu và chỉ đạo trong vụ án trốn thuế hơn 1,9 tỷ đồng, đã thừa nhận chi ít hơn số tiền nhận được tại phiên tòa phúc thẩm.

Trong khi đó, tại phiên tòa phúc thẩm riêng biệt hôm 11/8, ông Bách, người bị cáo buộc trốn thuế hơn 1,3 tỷ đồng, đã không nhận tội và phủ nhận việc trốn thuế. Theo VOV, TAND Hà Nội cho rằng tuyên bị báo phạm tội trốn thuế là “đúng người, đúng tội, không oan.” Ông Bách bị tòa quy trách nhiệm bổi thường hơn 1,38 tỷ đồng “tiền trốn thuế.”

Vào giữa tháng 6 vừa qua, giám đốc tổ chức xã hội dân sự có ghi danh hợp pháp tên là Green ID và được xem là nhà hoạt động môi trường nổi bật nhất của Việt Nam, bị tuyên án 2 năm tù cũng với tội danh “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự. Việc kết án bà Khanh, phụ nữ Việt Nam đầu tiên được trao Giải thường Môi trường Goldman vì các hoạt động thúc đẩy năm lượng bền vững và giảm nhiệt điện than ở quối gia Đông Nam Á, bị Mỹ và các nước phương Tây lên án.

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế HRW hồi đầu tháng 4 năm nay lên tiếng cảnh báo về xu hướng đáng lo ngại về các vụ bắt bớ các nhà hoạt động xã hội và môi trường với cáo buộc được chính quyền Việt Nam công bố là “trốn thuế.” Trong lời kêu gọi gửi tới Liên minh châu Âu để gây sức ép lên Việt Nam nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền trước cuộc đối thoại thường niên EU-Việt Nam hồi tháng 4, HRW nêu các trường hợp của ông Lợi, ông Bách và bà Khanh, những nhà hoạt động bị án tù nhiều năm vì bị quy cùng tội danh “trốn thuế.”

Theo tổ chức có trụ sở chính ở New York, Mỹ, những nhà hoạt động môi trường này đều có tham gia các dự án xã hội dân sự do EU tài trợ. Ông Bách và ông Lợi đều là những thành viên của nhóm Tư vấn của Việt Nam về Hiệp định Thương mại Tư do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Nhóm tư vấn của EU về EVFTA hồi tháng 7/2021 đã nêu quan ngại về việc bắt giữ ông Bách và ông Lợi của nhà cầm quyền Việt Nam cũng như cho biết rằng họ bị bắt sau khi nộp đơn xin làm thành viên Nhóm Tư vấn của Việt Nam. Việc thương thảo EVFTA từng bị đình trệ vì những lời kêu gọi từ cả các thành viên trong nghị viện châu Âu, các tổ chức nhân quyền quốc tế và các nhà hoạt động dân chủ về việc EU đặt điều kiện nhân quyền đối với Việt Nam trước khi ký kết hiệp định này.

Bà Trần Phương Thảo, vợ của ông Bách – người tập trung hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm giúp đỡ cộng đồng hiểu biết và bảo vệ các quyền của mình – nói trong một cuộc phỏng vấn với The 88 Project rằng bà không bao giờ nghĩ rằng chồng bà sẽ bị bỏ tù vì những gì ông làm để cống hiến cho phong trào bảo vệ môi trường ở Việt Nam và rằng bà tin chồng mình vô tội.

Chính quyền Việt Nam nhiều lần khẳng định các bản án này không “liên quan gì đến các hoạt động môi trường.” Sau khi bà Khanh, người được mệnh danh là “anh hùng môi trường” của Việt Nam, bị kết án tù trong vụ án hình sự mà Mỹ và nhiều nước phương Tây nói là liên quan đến biến đổi khí hậu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã ngay lập tức phủ nhận. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam luôn “cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.”

Các nhà hoạt động môi trường này bị bỏ tù trong bối cảnh chính phủ Việt Nam cam kết với quốc tế rằng nền kinh tế của họ sẽ trung hòa carbon vào năm 2050. Nhà báo David Hutt hồi tháng 7 lập luận trong một bài phân tích trên The Diplomat rằng sở dĩ các nhà hoạt động môi trường, nổi bật như bà Khanh, bị bắt là vì Đảng Cộng sản ở Việt Nam lo sợ rằng các yêu sách ban đầu về môi trường sẽ đi quá xa đến mức đòi hỏi những thay đổi về chế độ.

VOA (15.08.2022) 

Thông tin xét xử Lê Văn Dũng, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Phạm Thị Đoan Trang

 

Ngày 15/08, luật sư đã vào Trại tạm giam số 1 (Hỏa Lò) để làm việc với các ông bà Lê Văn Dũng (Vova), Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Phạm Thị Đoan Trang để chuẩn bị cho các phiên tòa xét xử phúc thẩm của TANDCC tại Hà Nội vào các ngày:

– Ngày 16/08/2022, xét xử ông Lê Văn Dũng (Vova). Cấp sơ thẩm đã tuyên 5 năm tù giam;

– Ngày 17/08/2022, xét xử ông bà Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm. Cấp sơ thẩm đã tuyên ông Phương 10 năm tù giam, bà Tâm 6 năm tù giam;

– Ngày 25/08/2022, xét xử bà Phạm Thị Đoan Trang. Cấp sơ thẩm đã tuyên 9 năm tù giam;

Tất cả đều bị cáo buộc tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước…” theo điều 88 BLHS 1999 (luật cũ) hoặc 117 BLHS 2015 (luật hiện hành). Điều luật 88 (cũ) và 117 (hiện hành) chỉ là một tội danh, nhưng khi sửa đổi BLHS năm 2015, thì có sự thay đổi số thứ tự điều luật.

Theo các văn bản thông báo về xét xử, thì cả ba vụ án đều được tiến hành xét xử theo thủ tục công khai. Thủ tục công khai được hiểu rằng công chúng quan tâm đến vụ án có thể đến dự khán phiên tòa. Tuy nhiên, thực tế thì đến cả thân nhân cả bốn người là bị cáo còn chưa được thông báo hoặc có thể vào dự phiên tòa dễ dàng, thì công chúng có quan tâm chỉ có thể biết được kết quả xét xử từ… báo chí khi phiên tòa đã kết thúc mà thôi.

Trừ bà Đoan Trang sức khỏe không được ổn, thì cả ba người còn lại sức khỏe bình thường. Tất cả đều gởi lời hỏi thăm gia đình, thân hữu và cảm ơn công chúng quan tâm đến họ.

Trao đổi trong buổi làm việc chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm, tất cả họ đều tái khẳng định quan điểm cho rằng mình thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo hiến pháp quy định mà thôi. Họ vô tội trước các cáo buộc. Ông Trịnh Bá Phương và bà Phạm Thị Đoan Trang đều có chuẩn bị ý tứ cho phần lời nói sau cùng và nhờ luật sư chuyển cho thân nhân.

Đồng thời, tất cả đều đã chuẩn bị tinh thần về kết quả “y án” của các phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Với tư cách là người bào chữa cho họ, rất tiếc, luật sư cũng không thể nói điều gì khác.

Và cũng tiếc rằng, giá như phát ngôn khác ý chính quyền không phải là một tội hình sự để phải bị giam cầm.

Đặng Đình Mạnh

Tiếng Dân (15.08.2022)

 

 

Vợ Trịnh Bá Phương kêu gọi mọi người dự phiên tòa phúc thẩm

Vợ ông Trịnh Bá Phương gửi thư ngỏ kêu gọi mọi người yêu lẽ phải hãy đến tham dự phiên tòa phúc thẩm ở Hà Nội vào ngày Thứ Tư, 17 Tháng Tám tới đây.

“Kính mời những ai quan tâm đến chồng tôi, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, bạn hữu, các tổ chức dân sự, bà con dân oan, các đại sứ quán của các nước tiến bộ … Đến tham dự, theo dõi phiên toà vào ngày 17 Tháng Tám 2022.”

Ông Trịnh Bá Phương bị kết án 10 năm tù trong phiên tòa sơ thẩm ngày 15 Tháng Mười Hai 2021. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Bà Đỗ Thị Thu, vợ tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương viết như vậy trong thư ngỏ gửi mọi người thông báo ngày chồng bà ra tòa phúc thẩm ở Hà Nội sau khi đã bị trì hoãn hồi Tháng Năm vừa qua.

“Sự có mặt của quý vị là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho chồng tôi, là niềm động viên to lớn cho gia đình chúng tôi.” Bà viết.

Ông Trịnh Bá Phương, năm nay 37 tuổi, và người bạn đồng hương và cũng là bạn dân oan, đấu tranh dân chủ Nguyễn Thị Tâm, 50 tuổi, bị nhà cầm quyền CSVN vu cho tội “tuyên truyền” chống chế độ độc tài đảng trị và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam.

Trong phiên tòa sơ thẩm loan báo xử “công khai” nhưng không cho thân nhân của họ tới dự khán, ngày 15 Tháng Mười Hai 2021, ông Trịnh Bá Phương bị kết án 10 năm tù, bà Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù.

Họ đã bị bắt vào giữa năm 2020 sau mấy tháng nhà cầm quyền đưa lực lượng võ trang hàng ngàn người tấn công cưỡng chế đất đẫm máu xã Đồng Tâm đêm mùng 9 Tháng Giêng 2020 gây chấn động dư luận trong và ngoài nước. Ông Phương bị bắt khi vợ ông sinh con mới được bốn ngày, đang cần sự săn sóc, giúp đỡ của chồng.

Trong 22 tháng qua kể từ khi ông bị bắt, vợ con ông không được thăm gặp nên con mới sinh của ông chưa biết mặt cha.

Bà Thu kể về sự ác độc của công an CSVN: “Trong quá trình điều tra chồng tôi bị ép nhận tội, anh ấy không nhận tội đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần, trước khi bị bắt anh ấy hoàn toàn khỏe mạnh. Trong quá trình điều tra chồng tôi bị đánh dã man và toàn đánh vào bộ phận sinh dục.”

Bà Thu cho hay sẽ có năm luật sư biện hộ cho ông Trịnh Bá Phương trong phiên phúc thẩm. Bà cho rằng phiên tòa này chỉ là “phiên tòa của kẻ có tội kết tội người vô tội” vì không thể có công lý trong một chế độ độc tài đảng trị như tại Việt Nam. Bản án áp đặt lên những người tham gia đấu tranh nhân quyền, dân chủ chỉ là sự trả thù của chế độ.

Bởi vì, theo bà Thu viết trong bức thư ngỏ: “Chồng tôi bị bắt oan sai chỉ vì lên tiếng trước bất công của chế độ cộng sản, đưa tin trung thực, khách quan về vụ Đồng Tâm, tranh đấu cho quyền đất đai một cách không vụ lợi, những quyền này đều được ghi trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.”

Bị bắt cùng một ngày 24 Tháng Sáu, 2021 với ông Trịnh Bá Phương còn có mẹ ông, bà Cấn Thị Thêu, và em ông, Trịnh Bá Tư. Tuy nhiên, bà Thêu và ông Tư đã bị xử án riêng. Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 24 Tháng Mười Hai, 2021, bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư bị y án sơ thẩm mỗi người 8 năm tù, cùng đều bị vu cho tội “tuyên truyền” chống chế độ CSVN.

Bà Đỗ Thị Thu và hai con. (Hình: FB Thu Đỗ)

Gia đình bà Thêu là một trong số 350 gia đình tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, bị nhà cầm quyền CSVN cướp hết điền sản để bán lại cho “tư bản đỏ” xây dựng nhà phố biệt thự kiếm lời hồi năm 2014. Họ chống lại cưỡng chế đất nên bị bỏ tù. Đây là lần thứ ba bà Thêu bị bỏ tù kể từ khi tham gia đấu tranh nhân quyền, dân chủ.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và ngay cả Liên Hiệp Quốc đã đòi hỏi CSVN trả tự do cho họ nhưng đều bị làm ngơ.

Các bằng hữu, những người tham gia vận động dân chủ hóa Việt Nam đều biết chuyện ra tòa phúc thẩm đòi hỏi hủy bỏ bán án bất công, hay ít nhất cũng giảm án, đối với các bản án đấu tranh nhân quyền không hề xảy đến.

Cho nên, bình luận theo thư ngỏ của bà Đỗ Thị Thu, nhiều người chỉ biết khuyến khích “Chân cứng đá mềm nhé gia đình nhà Trịnh Bá Phương”, hoặc nguyền rủa chế độ thối nát, bất công “hèn với giặc ác với dân”.

Người Việt (14.08.2022)