Seite auswählen
Bác sĩ lội bì bõm cấp cứu bệnh nhân trong bệnh viện

Sài Gòn Nhỏ
Mưa xám trời trên đường phố Sài Gòn – Ảnh: Thanh Niên

 

Lâu lắm rồi Sài Gòn mới bị một trận mưa lớn như thế vào chiều 15 Tháng Tám. Chỉ sau ba giờ mưa, hầu hết những con đường nội thành biến thành sông.

Theo ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ thì nguyên nhân gây lụt là do áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam.

 
Mưa ngập ở khu vực trung tâm đường Ký Con – Calmette Q.1, Sài Gòn – Ảnh: Thanh Niên

 

Nói thế giống như đổ lỗi cho thiên nhiên, trong khi đó lỗi này thuộc về Trung tâm Quản lý và Vận hành Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, thuộc Sở Xây dựng thành phố.

Theo quy hoạch thì trung tâm này có trách nhiệm “quản lý vận hành, bảo trì toàn bộ hệ thống thoát nước, kiểm soát triều, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, xử lý bùn thải trên địa bàn Thành phố và việc khai thác, duy tu, bảo trì các công trình về chiếu sáng đô thị; công viên, cây xanh đô thị”.

 
Người dân bì bõm lội, dắt xe chết máy từ các con đường, hẻm tại khu vực Thảo Điền ra các đường lớn để về nhà – Ảnh: 24h

 

Theo trách nhiệm được giao thì ngoài việc phải kiểm soát những gì có thể kiểm soát được, nhưng chưa chắc đã kiểm soát được, như hệ thống thu gom và xử lý nước thải, bùn,… trung tâm này còn có trách nhiệm kiểm soát… triều cường. Nghĩa là kiểm soát cả… thiên nhiên!

Người đời chẳng thể hiểu làm sao họ có thể kiểm soát được triều cường, và bắt triều cường lên xuống theo giờ họ ấn định được (?)

 
Một phụ nữ lái xe máy đi trên đường Quốc Hương bị sụp hố ga, đổ xe trong nền nước ngập sâu, không thể dựng dậy – Ảnh: Dân Trí

 

Cơn mưa chiều 15 Tháng Tám chứng tỏ cái trung tâm này là đồ… ăn hại, khi theo thống kê từ Trung tâm Điều hành chống ngập TP.HCM, toàn thành phố có 30 điểm ngập trong cơn mưa này.

Trung tâm Điều hành chống ngập TP.HCM trước đây trực thuộc UBND TP.HCM, năm 2018 bị rút quyền chống ngập vì lãnh đạo trung tâm ăn hối lộ, tham nhũng nhiều quá. Sau đó, chuyển trung tâm này cho Sở Xây dựng quản lý.

Sài Gòn có nhiều trung tâm kiểm soát hệ thống thoát nước và chống ngập như thế nên nhân dân đừng lo nhiều,… chỉ lo tát nước ra khỏi nhà là được (!)

 
Người dân giúp nhau trong cơn mưa chiều kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ tại Sài Gòn – Ảnh: Dân Trí

 

Nói thế thôi chứ có nơi ngập lên tới nửa thước thì người dân chỉ biết ngồi bó gối trên bàn thôi chứ làm sao tát nước? Ngoài đường thì nhiều người bì bõm lội, xe máy, xe hơi chết la liệt. May là không thấy tờ báo nào đưa tin xe “cứu hộ” chở xe hơi qua đoạn đường 30 mét rồi “chặt” 600,000 đồng như ở Hà Nội.

Có người nói, không nên so sánh Sài Gòn với Hà Nội, vì người Sài Gòn không “ăn thịt” đồng loại như dân “thổ đu”!

Nghĩ cũng đúng!

Thế nhưng Sài Gòn lại có cảnh éo le khác. Chẳng biết bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn có bị xây tại khu đất trũng không, hay hệ thống thoát nước ở đấy tệ quá, nên sau cơn mưa chiều 15 Tháng Tám, khu vực bệnh viện đầy nước.

 
Lối vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Nước ở ngoài sân, bãi giữ xe, tràn luôn vào khoa cấp cứu. Có nơi ngập tới 40 cm, còn trong bệnh viện thì ngập ngang mắt cá chân, bác sĩ, y tá phải mang ủng, lội bì bõm nhận bệnh nhân.

Hỏi ra mới biết, nhiều năm nay cứ mỗi khi mưa lớn kéo dài là bệnh viện này lại ngập nước. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như các y bác sĩ, hộ lý, bảo vệ của bệnh viện đều phải lội nước làm việc vài ngày. Họ nói không phải bơi đã là may mắn lắm rồi.

 
Y bác sĩ cùng người nhà bệnh nhân lội bì bõm tại khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn chiều 15 Tháng Tám – Ảnh: Tuổi Trẻ

 

Nghe nói Bệnh viên Đa khoa khu vực Hóc Môn mới, đang được xây dựng với kinh phí hơn 1,890 tỷ đồng, đến năm 2023 sẽ được đưa vào hoạt động. Các bác sĩ, y tá,… ở bệnh viện cũ này đang “hồ hởi, phấn khởi” lắm, vì tin rằng mình sẽ được về “nơi sạch sẽ và không phải lội”.

Có người biết chuyện nói, thôi cứ để họ mơ mộng một chút cũng không hại gì, chứ nhiều chỗ ở bệnh viện mới cũng đã có người đặt hết rồi, người không có tiền thì về trạm xá phường, xã thôi.

Nghĩ cũng đúng!

Nước cuồn cuộn trên đường trong mưa lớn ở TP HCM

 

Từ 15h, bầu trời TP HCM chuyển đen, sau đó mưa lớn trút xuống nhiều địa bàn. Sau 30 phút, nhiều tuyến đường như Bùi Viện, Ký Con (quận 1), Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh), Thảo Điền, Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức)… nước ngập lênh láng.

Tại ngã tư Huỳnh Mẫn Đạt – Trần Hưng Đạo (quận 5), mưa lớn làm sụp hố ga, tạo thành xoáy nước.

Một người đi xe máy bị xoáy nước cuốn xuống hố ga. Nhiều người vội chạy đến hỗ trợ, kéo xe máy lên.

Bán nước giải khát trước ngã tư, bà Phượng, 56 tuổi cho biết trước đây hố ga này từng bị sụp khi mưa lớn. “Nhiều người bên công ty thoát nước có đến sửa nhưng giờ lại sụp tiếp”, bà Phượng cho biết.

Nhiều lúc nước từ dưới cống trào ngược lên miệng hố ga. Một tấm xốp có dòng chữ rao “Bưởi 5 Roi siêu ngọt 20.000 đồng 1 trái” của người bán hàng rong được cắm xuống hố để cảnh báo nguy hiểm. Nhân viên thoát nước sau đó có mặt hướng dẫn người đi đường tránh hố sụp.

Nhiều người bì bõm dắt xe máy thoát cảnh ngập trên đường Trần Hưng Đạo.

Người nước ngoài ngồi vắt chân lên ghế để tránh nước ngập tại quán cà phê ở phố đi bộ Bùi Viện.

“Quán mở cửa từ 13h tới giờ không có khách lại gặp cảnh mưa ngập, rác trôi vào nhà dọn rất cực”, anh Lân, chủ quán ăn ở khu phố Tây nói, vừa cặm cụi nhặt rác.

Trời tối, các xe phải bật đèn chiếu gần trên đường Phạm Văn Đồng lúc 15h.

Lúc 16h, đường Tô Ngọc Vân, đoạn giao với đường Phạm Văn Đồng mưa tầm tã. Chỉ sau nửa tiếng mưa, gần 200 m đường nước ngập nửa bánh xe máy. Đoạn này là con dốc nên mỗi khi mưa nước ngập rất nhanh, chảy xiết.

Nữ công nhân men theo con lươn để không bị sóng đánh ngã và vấp ổ gà, phía sau nhiều xe đứng chờ không dám qua đoạn ngập.

Người phụ nữ chao đảo xe máy khi bị sóng nước đánh, đoạn gần Hội thánh Tin lành Việt Nam. “Nhà tôi ở khu vực này, mỗi lần mưa ngập lớn ở đây chỉ dám dắt bộ, chạy xe là chết máy chắc”, bà nói.

Đến 17h, mưa ngớt, giao thông trên nhiều tuyến đường bị ùn tắc. Tại ngã tư Hàng Xanh, xe cộ hỗn loạn.

Đại diện Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết, chiều nay mưa lớn trên diện rộng ở TP HCM do rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ tiếp nối với vùng xoáy thấp trên Biển Đông. Mưa kết hợp triều cường đã gây ngập nhiều nơi. Lượng mưa đo được tại Mặc Đĩnh Chi (quận 1) là 102 mm – lớn nhất từ đầu năm.

Từ ngày 19 đến 22/8, Nam Bộ và TP HCM dự báo mưa có khả năng gia tăng do rãnh áp thấp vẫn duy trì.

 

Đình Văn – Quỳnh Trần – Quang Tuệ