Mục lục
Tòa án Việt Nam y án sơ thẩm hai nhà tranh đấu ‘‘vụ Đồng Tâm’’
Ảnh tư liệu: Các cảnh sát cơ động bị dân Mỹ Đức, Đồng Tâm bắt làm con tin tại nhà văn hóa thôn vào tháng 04/2017. Facebook
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội trong phiên xử hôm nay, 17/08/2022, đã ra phán quyết y án với hai nhà tranh đấu Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, bị khép tội tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ông Trịnh Bá Phương bị toà án Việt Nam kết án 10 năm tù và bà Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù, với tội danh: ‘‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’’. Cụ thể là họ bị cáo buộc phát trực tiếp các video, đăng tải các bài viết, trạng thái, chia sẻ trên các tài khoản cá nhân các nội dung liên quan đến sự việc ở xã Đồng Tâm.
Vụ Đồng Tâm – vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai trong nhiều năm giữa nhiều cư dân của một xã ở ngoại thành thủ đô Hà Nội với chính quyền – đã kết thúc với một cuộc can thiệp của lực lượng an ninh đầu năm 2020, khiến một người dân địa phương thiệt mạng, hàng chục người bị bắt. Vụ án Đồng Tâm đã được nhiều định chế quốc tế quan tâm.
Trước khi tòa tuyên án, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch hôm qua, 16/08, đã lên tiếng phản đối. Đại diện của HRW phụ trách châu Á, Phil Robertson, ra một thông báo khẳng định Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm là những nông dân vận động người dân ‘‘chống lại việc tịch thu ruộng đất và những bất công khác, kể cả sự tàn bạo của công an’’.
Theo đại diện của HRW, ‘‘Các nhà tài trợ quốc tế, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các nhà ngoại giao tại Hà Nội cần lên tiếng phản đối việc đối xử lạm quyền đối với Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, đồng thời yêu cầu tòa phúc thẩm hủy bỏ những kết án bất công với họ, vì những hành động của họ chỉ là vận động người dân sử dụng ôn hòa các quyền dân sự và chính trị của mình’’.
RFI (17.08.2022)
Tòa HN tuyên y án, phạt ông Trịnh Bá Phương, bà Nguyễn Thị Tâm tổng cộng 16 năm tù
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương trước khi bị bỏ tù. Photo Facebook Do Thi Thu.
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiến hành phiên xét xử phúc thẩm ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm hôm 17/8, với kết quả là tòa tuyên y án sơ thẩm, theo đó hai nhà hoạt động cho quyền lợi đất đai vẫn bị phạt tù tổng cộng 16 năm, ông Nguyễn Văn Miếng, một trong số các luật sư bào chữa, cho VOA biết.
Phán quyết tại phiên phúc thẩm vẫn xác định rằng ông Trịnh Bá Phương, 37 tuổi, và bà Nguyễn Thị Tâm, 50 tuổi, phạm tội tuyên truyền chống nhà nước, căn cứ theo Điều 117 trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam. Ông Phương, bà Tâm lần lượt phải chịu các mức án 10 năm tù giam, 5 năm quản chế, và 6 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Ông Phương và bà Tâm bị công an Việt Nam bắt hồi tháng 6/2020 và bị tuyên án sơ thẩm hồi tháng 12/2021. Nhiều năm trước, họ đã trở thành những nhà tranh đấu sau khi gia đình họ bị mất đất trong quá trình chính quyền và các nhà đầu tư xây khu đô thị ở xã Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.
Ông Phương có mẹ là Cấn Thị Thêu và em trai là Trịnh Bá Tư, cũng là những nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai và cũng đã bị bỏ tù với các mức án nặng.
Gia đình ông Phương và bà Tâm là những tiếng nói mạnh mẽ đứng về phía người dân trong đấu tranh về đất đai ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, cũng thuộc Hà Nội. Vụ khiếu nại kéo dài nhiền năm ở đó có kết cục là công an dùng vũ lực đột kích vào thôn hồi ngày 9/1/2020, làm chết một thủ lĩnh nông dân và 3 viên công an.
Mô tả vắn tắt về phiên xét xử phúc thẩm hôm 17/8, luật sư Miếng nói với VOA rằng khi hiện diện trước tòa, ông Phương và bà Tâm “rất khảng khái” và có phần tự bào chữa “xuất sắc”: “Họ nói nguồn gốc mà họ đấu tranh là do họ mất đất, và chỉ ra nguyên nhân vì sao họ mất đất, đó là do chính quyền các cấp không giải quyết các khiếu nại hợp pháp của họ, đâm ra họ phải liên tục đấu tranh”.
Ông Phương và bà Tâm cũng nói thêm rằng chính vì họ là nạn nhân bị mất đất và phải chịu những bất công nên họ đồng cảm và đồng hành với những người dân ở Đồng Tâm, cũng như lên án vụ đột kích, trấn áp của công an ở đó, vẫn luật sư Miếng thuật lại.
Về phía các luật sư bào chữa, ông Miếng cho biết ông và các đồng nghiệp đưa ra lập luận rằng những ý kiến, quan điểm của hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm nêu lên trong quá trình tranh đấu của họ không vi phạm pháp luật.
Những gì hai nhà hoạt động nói ra hoặc bày tỏ trên mạng xã hội hoàn toàn phù hợp với quy định trong Hiến pháp Việt Nam về tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Việc trừng phạt hai nhà hoạt động không chỉ đi ngược lại chính Hiến pháp, luật pháp Việt Nam mà còn vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, các luật sư tranh luận với tòa, theo lời thuật lại của luật sư Miếng với VOA.
Tuy nhiên, tòa án tại Hà Nội vẫn xác định ông Phương và bà Tâm có tội và tuyên y án sơ thẩm.
Nhà tranh đấu Nguyễn Thị Tâm trong phiên xét xử hôm 15/122021 ở Hà Nội.
Trong một video truyền trực tiếp trên trang Facebook cá nhân, vợ ông Phương là bà Thu cho biết bà không được vào dự phiên tòa, chỉ có thể đứng ở tường rào của tòa án để nhìn chồng bước lên xe chở tù vào cuối phiên tòa.
Bà và những người thân hô to: “Anh Phương ơi … Chồng tôi vô tội. Trịnh Bá Phương vô tội. Trả tự do cho Trịnh Bá Phương. Đả đảo cộng sản. Đả đảo khủng bố. Đả đảo tòa án lén lút. Cộng sản hèn với giặc ác với dân. Anh Phương ơi … anh Phương ơi … anh Phương ơi…”
Vẫn bà Thu nói trong video rằng bà thấy chồng mình quay lại nhìn khi nghe được lời vợ và người thân gọi tên. Bà cho biết thêm rằng trước đó, công an đã “tóm cổ” bà lôi đi, “tát vào mặt” bà và “chửi dã man” để ngăn cản bà tiếp cận với tòa nhà của tòa án.
Bà Thu nói với VOA trước phiên tòa phúc thẩm rằng bản án 10 năm tù đối với chồng bà “rất vô lý” bởi ông Phương “không có tội” khi ông chỉ đưa “thông tin trung thực về Đồng Tâm, đưa những cái xấu xa của đảng cộng sản ra ánh sáng”.
Phản ứng về việc tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm đối với ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm, một đại diện của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch là ông Phil Robertson ra tuyên bố hôm 17/8 nói rằng cung cách hành xử của chính quyền đối với ông Phương, bà Tâm, xâm hại các quyền của người dân, làm lộ tẩy lời hứa suông của Việt Nam về việc mang lại đất đai cho nông dân.
Trong cuộc mưu tìm quyền lực và lợi nhuận của mình, “chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quên mất rằng nông dân là một thành phần trong những người đầu tiên ủng hộ cách mạng, song giờ đây chính quyền và đảng ném quyền lợi của nông dân ra ngoài cửa sổ”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phân ban châu Á của Human Right Watchs, nói trong bản tuyên bố.
Ông Robertson nói rằng ông Phương, bà Tâm buộc phải tranh đấu, hoạt động chính trị vì chính quyền dùng sức mạnh tịch thu đất đai của họ, làm họ phải hành động để đòi lại đất đai là nguồn sống của bản thân và gia đình.
Vị đại diện của Human Rights Watch kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các nhà ngoại giao ở Hà Nội cùng lên tiếng phản đối việc Việt Nam xâm hại các quyền của ông Phương và bà Tâm, đòi tòa phúc thẩm hủy bỏ bản án bất công dành cho việc hai ông, bà chỉ đơn thuần thực thi ôn hòa các quyền dân sự và chính trị của họ.
Mỹ lâu nay nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại hoặc phản đối các bản án của Việt Nam bị Washington xem là phi lý vì chúng trừng trị những công dân Việt Nam thực hiện các quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng nhiều lần kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những người bị bắt bớ, kết án, giam cầm một cách bất công, và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam được bày tỏ quan điểm của họ mà không sợ bị trả thù.
VOA (17.08.2022)
VN: Tổ chức quốc tế lên tiếng trước phiên tòa xử Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm
NGUỒN HÌNH ẢNH,TRINH BA KHIEM Chụp lại hình ảnh, Trịnh Bá Phương (ở giữa) bị bắt ngày 24/6/2020 cùng mẹ là bà Cấn Thị Thêu (bên phải) và em trai Trịnh Bá Tư (bên trái). Cả gia đình làm nông, trở thành nhà hoạt động đấu tranh đòi quyền đất cho cả thôn Dương Nội, Hà Nội, khi chính phủ tịch thu đất ruộng của họ và đền bù với giá rẻ
Sáng nay 17/8, Toà án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm nhưng gia đình cả hai không được được cho vào tham dự phiên tòa.
Sáng nay 17/8, Toà án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm hai nhà hoạt động về quyền đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm với chủ tọa là thẩm phán Hoàng Văn Hạnh, thẩm phán Mai Anh Tài và thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng.
Theo hình ảnh người nhà của ông Trịnh Bá Phương cung cấp, có rất nhiều người đàn ông đứng thành từng nhóm ở khu vực xung quanh toà án.
Vợ ông Trịnh Bá Phương, bà Đỗ Thị Thu phản ánh với BBC rằng sáng nay gia đình bà đã bị ngăn cản không cho vào dự phiên toà và một trong những người mặc thường phục đứng ở khu vực toà án đã ra tay đánh bà.
“Tôi cùng em chồng đã trình bày tôi là vợ của anh Trịnh Bá Phương nhưng những người đó không cho tôi vào vì không có giấy mời trong khi phiên toà xét xử công khai và tôi là người thân. Một tên đã nắm thóp lôi tôi ra ngoài, hắn còn tát vào mặt tôi,” bà Thu kể lại.
Bà Trịnh Thị Thảo, em ruột của ông Trịnh Bá Phương, người đi cùng bà Thu cũng xác nhận với BBC chị dâu bị tát vào mặt khiến cả hai phải rời khỏi khu vực tòa án. Theo mô tả của bà Thảo, người đàn ông mặc áo thun nửa xanh đen, nửa trắng và đeo khẩu trang đã tát bà Thu khi tưởng bà Thu dùng điện thoại ghi hình và đuổi hai chị em bà đi.
Trước phiên toà, bà Thu đã làm đơn xin tham dự hai lần nhưng không nhận được phản hồi.
Tổ chức phi lợi nhuận Dự án 88 (The 88 Project) nói với BBC News Tiếng Việt 16/8 rằng kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy gia đình của các tù nhân chính trị sẽ bị từ chối tham dự các phiên tòa này dù xét xử công khai.
Ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm cùng ở xã Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, và cũng bị bắt trong cùng ngày 24/6/2020 với cùng cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.
Từ khi bị bắt tới nay đã hai năm hai tháng, gia đình ông Trịnh Bá Phương chưa một lần được thăm và gặp mặt ông.
Trong phiên toà hồi 15/12 năm ngoái, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên ông Trịnh Bá Phương 10 năm tù giam và 5 năm quản chế còn bà Nguyễn Thị Tâm chịu mức án sáu năm tù giam và ba năm quản chế.
Ông Trịnh Bá Phương cùng em trai là Trịnh Bá Tư cũng là những người tiên phong trong việc cung cấp thông tin về sự việc Đồng Tâm hồi tháng 1/2020 cho báo chí trong và ngoài nước. Ông Phương là người gặp gỡ các viên chức tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội hôm 06/02/2020 để nói về vụ tập kích Đồng Tâm.
Quốc tế lên tiếng mạnh mẽ
Hôm 17/8, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã lên tiếng về trường hợp của hai nhà hoạt động này trong một thông cáo:
“Việc nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực đối xử với Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm đã phơi bày những lời hứa suông của Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân bằng cách cung cấp đất đai cho họ. Hai người nông dân này đã bị đẩy vào con đường hoạt động chính trị bởi chính quyền cưỡng chế, tịch thu đất của họ, dồn họ vào thế phải hành động giành lại đất để có thể nuôi sống bản thân và gia đình.
“Cuộc đấu tranh của hai nhà hoạt động này mất nhiều năm trời, theo đúng nghĩa đen, để vận động đòi công lý cho những người nông dân bị mất đất đai và kế sinh nhai vào tay các quan tham, cán bộ Đảng Cộng sản cầm quyền và các đối tác kinh doanh thân cận của họ – những kẻ không nghĩ gì khác ngoài việc tranh thủ giành đất cho các dự án của họ,” ông Robertson nhận định.
Ông còn nói thêm rằng, với việc chăm chăm chỉ theo đuổi quyền lực và lợi lộc, các quan chức chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quên rằng nông dân là một trong những người hưởng ứng cách mạng đầu tiên, và bây giờ họ thẳng tay ném quyền lợi của nông dân ra ngoài cửa sổ.
Đồng thời, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng còn kêu gọi các tổ chức quốc tế, các cơ quan của Liên hợp quốc và các nhà ngoại giao tại Hà Nội lên tiếng phản đối việc lạm quyền của nhà nước đối với hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm.
Bên cạnh đó, tổ chức này cũng yêu cầu tòa phúc thẩm hủy bỏ bản án bất công đối với những hành động chỉ đơn thuần là vận động một cách ôn hòa sử dụng các quyền dân sự và chính trị của người dân.
Còn tổ chức phi lợi nhuận Dự án 88 (The 88 Project) nói với BBC News Tiếng Việt rằng, họ lo ngại về những cáo buộc việc ông Trịnh Bá Phương bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
“Với việc các tù nhân chính trị bị xâm phạm quyền được xét xử công bằng một cách có hệ thống, chúng tôi không mong đợi thay đổi gì đối với bản án của họ trong các phiên xử phúc thẩm. Thay vào đó, các phiên xử này như một phương tiện để chính phủ thể hiện cái mã bên ngoài cho của sự công bằng về mặt thủ tục.
“Kinh nghiệm trong quá khứ cũng cho thấy rằng gia đình của các tù nhân chính trị sẽ bị từ chối tham dự các phiên tòa này mặc dù xét xử công khai,” bà Jessica Nguyễn, người phụ trách vận động của tổ chức Dự án 88 nói.
Bắt bớ và đàn áp ‘mở rộng’
Theo bà Jessica Nguyễn, Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đều là những nhà hoạt động có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào nhân quyền tại Việt Nam.
“Ngoài những gương mặt nổi bật này, trong những năm gần đây, các nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến và lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ có giấy phép đã bị bịt miệng bằng việc đe dọa, bỏ tù hoặc tống khỏi đất nước.
“Trong khi các cá nhân cụ thể có thể tạm thời bị bịt miệng, những gương mặt khác đã xuất hiện. Như triết gia người Pháp Michel Foucaul đã nói, “ở đâu có sức mạnh, ở đó có sự phản kháng”,” bà Jessica nhận định.
Cụ thể, Dự án 88 là tổ chức nghiên cứu kiêm vận động giúp duy trì được cơ sở dữ liệu toàn diện và cập nhật liên tục về tình hình của các tù nhân chính trị và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.
Tính đến ngày 16 tháng 8 năm 2022, tổ chức này ghi nhận được 204 tù nhân chính trị được biết đến hiện đang ngồi ngồi tù ở Việt Nam, con số cao nhất so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
“Chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến của chính phủ đã bỏ tù hoặc khiến hàng trăm người phải rời bỏ quê hương. Một khi bị bắt, những tù nhân chính trị này sẽ bị giam giữ bất hợp pháp và không được gặp luật sư và người thân. Các nhà báo và các nhà hoạt động dân chủ từ lâu đã trở thành tâm điểm đàn áp của chính phủ,” bà Jessica nêu ý kiến.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Dự án 88 đã ghi nhận việc mở rộng đàn áp đến các nhân tố và vấn đề mới. Những người bảo vệ môi trường làm việc cho các tổ chức phi chính phủ đã đăng ký hay người dùng mạng xã hội không có lịch sử tham gia hội nhóm hay tổ chức, cũng rơi vào tầm ngắm.
Bà Jesscia đưa ra ví dụ: “Dự án 88 hiện đang thực hiện một chiến dịch phản bác rằng Bộ tứ Việt Nam (Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hưng Dương) không phải là tội phạm, mà thực chất là những tù nhân chính trị đang bị đàn áp vì hoạt động và vận động chính sách về biến đổi khí hậu và vì vậy, cần được thả tự do.”
Về vai trò của các đại cường và tổ chức quốc tế, bà Jesscia cho rằng, việc vận động quốc tế có thể giúp đảm bảo thả tự do cho một số nhà hoạt động và chấm dứt một số hành vi đàn áp nhất định. Tuy nhiên, theo bà, sự thay đổi rộng lớn hơn phụ thuộc vào những tổ chức, cá nhân trong nước.
“Điều tốt nhất mà các quốc gia quyền lực có thể làm để thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam là tự mình ngừng vi phạm nhân quyền. Lên tiếng kêu gọi Việt Nam bảo vệ quyền con người, đồng thời bản thân vi phạm quyền của người khác (ví dụ như tị nạn, tự do báo chí, quyền được chăm sóc sức khỏe, v.v.) là đạo đức giả và làm xói mòn những nỗ lực nhằm làm cho thế giới tự do, công bằng và bình đẳng hơn,” bà Jesscia đúc kết.
BBC (17.08.2022)
Hai nhà hoạt động nổi tiếng khảng khái bào chữa, toà y án sơ thẩm
Ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm bị cầm tù vì lên tiếng về vụ Đồng Tâm RFA edited
Ngày 17/8, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm đối với hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm trong khi cả hai đều có thái độ khảng khái, sẵn sàng đón nhận bản án mà toà đưa ra.
Ông Trịnh Bá Phương bị tuyên 10 năm tù giam và năm năm quản chế, bà Nguyễn Thị Tâm chịu mức án sáu năm tù giam cộng ba năm quản chế trong phiên tòa sơ thẩm hồitháng 12 năm 2021 đối với tội danh “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.
Ngay sau phiên toà, luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong ba luật sư bảo vệ cho ông Phương, cho Đài Á Châu Tự Do biết chỉ trong buổi sáng đã xét xử xong, và sau thời gian trưa là đến thời gian nghị án “như một kế hoạch từ trước.”
“Vấn đề tranh luận không được thoải mái bởi vì họ có ý hạn chế thời gian để nghị án. Án chính trị thường là giữ nguyên mức án.”
Nói về hai nhà hoạt động trong phiên toà, luật sư Miếng cho biết:
“Thái độ của họ rất là khảng khái. Ông Phương với bà Tâm có những bài bào chữa rất xuất sắc về các công việc mà họ đã làm. Cả hai đều tỏ thái độ chính trị rất mãnh liệt.”
Luật sư Miếng trong một dòng trạng thái trên Facebook dẫn lời Viện Kiểm sát nói trong phiên tòa thừa nhận: “Vi phạm thời hạn xét xử 8 tháng thay vì 90 ngày không làm thay đổi bản chất của vụ án.”
Tại Điều 346 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đối với Tòa án nhân dân cấp cao là 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, trong khi đó cả hai nhà hoạt động bị xử sơ thẩm từ giữa tháng 12 năm ngoái nhưng đến 8 tháng sau mới mở ra phiên phúc thẩm.
Luật sư Đặng Đình Mạnh trong một bình luận trên Facebook cho biết: “Ông Trịnh Bá Phương ngồi vắt gối dự phiên tòa như không liên quan. Bà Nguyễn Thị Tâm mở lời ‘mắng’ suốt, cho đến tận khi bị đưa lên xe bít bùng.”
Công an xua đuổi thô bạo gia đình và bạn bè của hai nhà hoạt động
Một số lượng lớn công an, trong đó có cả an ninh mặc thường phục được điều động đến phong toả khu vực xử án, ngăn cản người thân và bạn bè của hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm đến gần.
Người thân của họ không được vào tham dự phiên toà công khai, không những thế, họ còn bị xua đuổi khỏi khu vực xử án một cách rất thô bạo.
Trước phiên toà, hai gia đình đã làm đơn xin tham dự nhưng không nhận được phản hồi.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Trịnh Bá Phương cho RFA biết khi gia đình bà đến gần cổng của Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội thì bị lực lượng an ninh xua đuổi, buộc họ phải rời xa khu vực xử án.
Thậm chí, khi đã ngồi ở một quán nước xa phòng xử án, bà còn bị một nhân viên an ninh mặc thường phục đến túm cổ buộc bà phải đi xa hơn nữa.
“Khi mà họ đuổi thì tôi đi ra quán nước, họ đến quán nước và lôi cổ tôi đi nơi khác. Trong khi lôi cổ tôi, họ chửi tôi rất là thô bạo, không những thế, họ còn tát tôi,” bà Thu thuật lại.
Nhiều người dân Dương Nội và một số nhà hoạt động có đến khu vực toà để đồng hành cùng gia đình của hai nhà hoạt động nhưng họ cũng bị lực lượng an ninh buộc phải rời xa khu vực toà án.
Bà Thu cho biết gia đình bà đã dự đoán trước việc y án vì “từ khi bị bắt cho đến nay, chồng tôi vẫn giữ vững tinh thần rằng chồng tôi không có tội, do vậy họ sẽ không giảm án cho chồng tôi.”
Ông Trịnh Bá Phương, sinh năm 1985, và bà Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1972, cùng ở xã Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, cùng bị bắt trong ngày 24/6/2020.
Mẹ của ông Phương là bà Cấn Thị Thêu và em trai Trịnh Bá Tư cũng bị bắt trong cùng một ngày sau khi lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội phản đối việc cảnh sát cơ động tấn công vào làng Hoành, xã Đồng Tâm trong đêm 9/1/2020, giết chết ông Lê Đình Kình và bắt giữ hàng chục người khác.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam phóng thích hai nhà hoạt động
Một ngày trước phiên phúc thẩm, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí thúc giục Việt Nam xoá bỏ cáo buộc và trả tự do cho ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm vì họ không có tội mà chỉ thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình.
Ông Phil Robertson- Phó giám đốc phân ban Châu Á-Thái Bình Dương của HRW kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế, các cơ quan Liên Hiệp quốc và các nhà ngoại giao tại Hà Nội lên tiếng phản đối việc kết án Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, đồng thời yêu cầu tòa phúc thẩm bác bỏ những bản án bất công đối với họ, những người vận động đòi công lý cho hàng nghìn người dân oan mất đất ở Việt Nam.
“Hai nông dân này đã bị buộc phải hoạt động chính trị vì chính quyền cưỡng chế tịch thu đất của họ, khiến họ phải hành động để đòi lại đất để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình của họ.
Cuộc đấu tranh của hai nhà hoạt động này kéo dài nhiều năm để vận động đòi công lý cho những người nông dân đã mất đất đai và sinh kế vào tay các quan chức chính phủ hung hãn, cán bộ Đảng Cộng sản cầm quyền và các đối tác kinh doanh thân thiết của họ, những người không nghĩ gì ngoài việc giành đất cho các dự án của riêng họ.
Chỉ vì mục tiêu duy nhất là theo đuổi quyền lực và lợi nhuận, các quan chức chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quên rằng nông dân là một trong những người ủng hộ cách mạng ban đầu, và bây giờ họ đang ném quyền lợi của nông dân ra ngoài cửa sổ,” ông Phil Robertson nói trong thông cáo.
RFA /17.08.2022)
Nhà báo công dân Lê Văn Dũng quyết không nhận tội, bị y án 5 năm tù
Ông Lê Văn Dũng tại phiên tòa sơ thẩm ở Hà Nội hôm 23/3. Nhà báo độc lập 52 tuổi bị tuyên y án 5 năm tù cùng 5 năm quản chế tại một phiên tòa phúc thẩm hôm 16/8 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Một tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 16/8 tuyên y án 5 năm tù cùng 5 năm quản chế đối với nhà báo công dân kiêm nhà bình luận xã hội Lê Văn Dũng trong vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” mà tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) cho là “có động cơ chính trị”.
Ông Dũng, người đã dùng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và YouTube để phỏng vấn các dân oan và bình luận về các vấn đề xã hội, bị tòa sơ thẩm ở Hà Nội kết án hồi tháng 3 năm nay với cáo buộc theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015, tức Điều 88 của BLHS 1999.
Khi ông Dũng, còn được biết là Dũng Vova, bị đưa ra xét xử sơ thẩm, bản cáo trạng được truyền thông trong nước trích dẫn nói rằng 5 trong số 12 video ông Dũng đăng tải trên mạng xã hội “có nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước”. Trong các đăng tải của mình, ông Dũng thường yêu cầu các cải cách tôn trọng quyền con người ở Việt Nam.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Dũng trong phiên tòa hôm 16/8, cho VOA biết ông Dũng không nhận tội và vẫn khẳng định “chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình chứ không chống nhà nước theo như cáo buộc của cơ quan truy tố”.
Ngay trước khi phiên tòa diễn ra, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW, đưa ra một tuyên bố trong đó gọi bản án của nhà cầm quyền Việt Nam giành cho ông Dũng là “giả tạo và có động cơ chính trị”.
“Việc sử dụng internet để nói về những điều bất công và yêu cầu cải cách không thể bị coi là một tội ác và bằng việc truy tố ông Dũng, Việt Nam cho thấy họ đã trở thành một nhà nước độc tài, lạm quyền”, ông Robertson nói và cho rằng bản án 5 năm tù giam được tuyên cho ông Dũng đã “thể hiện các quan chức trả đũa những công dân dám thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình”.
LS Mạnh cho biết những điều ông Robertson nói cũng trùng khớp với quan điểm của luật sư bào chữa tại tòa.
“Chúng tôi cũng cho rằng ông Dũng đang thực hiện các quyền tự do ngôn luận do Hiến pháp quy định”, LS Mạnh nói. “Điều luật 88 (BLHS 1999) mà (được dùng) để xét xử đối với ông Dũng hầu như phủ nhận quyền tự do ngôn luận của Hiến pháp và nó phủ nhận luôn cả quy định của ICCPR (Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị – mà Việt Nam là một thành viên)”.
Hàng loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án việc bỏ tù ông Dũng và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông ngay sau khi nhà báo công dân và blogger này bị tuyên án hồi tháng 3. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới lúc đó nói rằng “tội” duy nhất của ông Dũng là đã phỏng vấn những người dân.
Luật sư Hà Huy Sơn, người trong nhóm bào chữa cho ông Dũng tại phiên sơ thẩm cách đây 5 tháng, lúc đó cũng nhận định với VOA rằng bản án giành cho ông Dũng là “án oan” và “không có căn cứ để buộc tội ông Dũng theo Điều 88”.
Việt Nam luôn nói rằng họ chỉ bỏ tù những người phạm tội và khẳng định rằng không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến” hay “bảo vệ nhân quyền” ở quốc gia Đông Nam Á.
Phiên tòa xử phúc thẩm ông Dũng hôm 16/8 được chính quyền tuyên bố là “công khai” nhưng theo như LS Mạnh cho biết, gia đình của ông Dũng không được vào tham dự dù vợ ông, bà Bùi Thị Huệ, trước đó đã gửi yêu cầu được vào dự phiên xử chồng mình. Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 3, bà Huệ và mẹ của ông Dũng cũng không được phép tham dự phiên tòa dù được thông báo là xét xử theo thủ tục công khai. Theo LS Mạnh, việc gia đình các bị cáo không được vào dự các phiên xét xử những người bất đồng chính kiến tại tòa là khá phổ biến.
Phiên tòa xử ông Dũng diễn ra chỉ vài ngày trước một loạt phiên xử các nhà hoạt động nổi tiếng khác như Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và Phạm Đoan Trang, đều cùng bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” như ông Dũng.
LS Mạnh, người sẽ tham gia bào chữa cho họ, nói rằng phiên phúc thẩm xét xử ông Phương và bà Tâm, hai nhà hoạt động cho quyền đất đai còn được biết là “dân oan Dương Nội”, sẽ diễn ra ngày 17/8, trong khi phiên xét xử kháng cáo của bà Trang, nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh nhất Việt Nam, sẽ diễn ra ngày 25/8.
Theo LS Mạnh, người đã gặp mặt các bị cáo hiện đang bị giam ở Trại giam số 1 (Hỏa Lò) ở Hà Nội hôm 15/8, ông Phương, bà Tâm và bà Trang đều tái khẳng định quan điểm của mình rằng họ thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo hiến pháp quy định cũng như chuẩn bị tinh thần về kết quả “y án” tại các phiên phúc thẩm sắp tới.
Ông Phương và bà Tâm bị tuyên án lần lượt 10 và 6 năm tù giam tại phiên xử sơ thẩm ngày 15/12 năm ngoái trong khi bà Trang bị tòa cấp sơ thẩm tuyên 9 năm tù giam chỉ trước đó một ngày.
VOA (16.08.2022)
Lê Dũng Vova và Ama Quynh cùng bị y án
Ông Lê Dũng Vova (trái) và Ama Quynh
Không ngoài dự đoán, ông Lê Dũng Vova và Ama Quynh cùng bị tuyên y án trong hai phiên tòa khác nhau diễn ra hôm 16/8.
Dù bị tuyên y án 5 năm tù, ông Lê Văn Dũng, tự Lê Dũng Vova, được ghi nhận “tươi cười bước ra khỏi phòng xử” trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại Hà Nội hôm 16/8.
Ông Dũng được biết đến là chủ kênh CHTV, thường đưa tin về dân oan mất đất.
Ông là người tham gia rất tích cực trong nhiều hoạt động xã hội như biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, theo dõi các sự kiện cưỡng chế nhà đất của người dân, sự kiện gây ô nhiễm môi trường tại Formosa, Vũng Ánh, Hà Tĩnh.
Ông cũng là thành viên sáng lập câu lạc bộ No.U phản đối “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Cũng trong hôm 16/8, ông Y Wô Niê, tự Ama Quynh, bị tòa Đắk Lắk tuyên y án 4 năm tù.
Ông Ama Quynh bị cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Gia đình ông và nhóm người dân tộc thiểu số không được tham dự phiên tòa được cho là “công khai”. Gần 100 người dân tộc thiểu số đứng trong sân chờ kết quả phiên tòa.
Không có nhân chứng, giám định viên tư pháp, chỉ trơ trọi bị cáo, luật sư và người phiên dịch tiếng Ê Đê sang tiếng Việt.
Ông Y Wô Niê không nhận tội và khi nói lời sau cùng đã bị chủ tọa ngắt.
Sau khi hai phiên tòa kết thúc, công luận bày tỏ sự bất bình về phán quyết của tòa án dành cho những người chỉ trích chính quyền.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết: “Nhân quyền ngày càng bị chà đạp một cách thô bỉ.”
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên: “Những vụ án điển hình, mang nét đặc trưng của phiên tòa cộng sản. Thật ghê tởm. Lịch sử sẽ ghi nhớ và đời sau sẽ phán quyết những kẻ hôm nay chà đạp lên công lý và sự thật.”
Facebooker Roger Anh Nguyen bình luận: “Càng bỏ tù thì càng chứng minh nhà cầm quyền cộng sản bất lực khi người dân lên tiếng thực hiện quyền tự do dân chủ.”
Dương Minh Cảnh: “Tư pháp không độc lập thì án là án bỏ túi. Án bỏ túi thì kháng án vô ích”
Vo Ngoc Sy: “Sao ko thấy truyền thống khóc lóc cuối xin bác Trọng nhỉ? Những bản án này sẽ càng hun đúc thêm tinh thần bất khuất của những người yêu tự do dân chủ.”
Đất Việt (16.08.2022)