Người Việt
LOS ANGELES, California (NV) – Trong cuộc đời, phụ nữ sẽ đối diện với những thay đổi trong cơ thể và hormone mà nam giới hoàn toàn không thể biết được, đặc biệt là những thất thường từ kinh nguyệt.
Có tháng thì trễ, tháng sau thì đến sớm; bạn đã quen với chu kỳ kéo dài bốn ngày, rồi đột nhiên nó kéo dài cả tuần. Bạn sẽ bị chuột rút khi bạn không uống thuốc giảm đau, nhưng một khi bạn đã trữ sẵn thuốc chống viêm ibuprofen, bạn sẽ không cảm thấy khó chịu.
Những thay đổi đối với chu kỳ kinh nguyệt của bạn rất khó đoán. Bởi vì khi bạn già đi, kinh nguyệt của bạn sẽ tiếp tục thay đổi và phát triển, một phần nhờ vào những thay đổi nội tiết tố bình thường liên quan đến tuổi tác cũng như những trải nghiệm như mang thai và tiền mãn kinh, hoặc chuyển sang mãn kinh, theo tạp chí Health.
Trong độ tuổi 20
Bác Sĩ Lauren Streicher, tác giả của cuốn sách “Sex Rx: Hormones, Health and Your Best Sex Ever” cho biết, việc các cô gái trẻ không rụng trứng thường xuyên là điều rất phổ biến.
Nếu không rụng trứng đều đặn, kinh nguyệt của bạn sẽ thất thường hơn. Mặt khác, khi chu kỳ giảm dần, ít đi hoặc nhiều hơn hằng tháng, bạn cũng sẽ gặp phải các triệu chứng tiền kinh nguyệt như chuột rút và cảm thấy ngực căng hơn. Nếu bạn không quen đối mặt với những triệu chứng này này hằng tháng, nó sẽ gây khó chịu.
Một sự thay đổi lớn khác về kinh nguyệt xảy ra ở độ tuổi 20 liên quan đến việc kiểm soát chuyện sinh nở. Đây là độ tuổi nhiều người bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố.
Uống thuốc có thể sẽ gây ra thay đổi với chu kỳ bình thường của bạn. Lúc này, kinh nguyệt nhạt hơn và đều đặn hơn, ít chuột rút hơn và giảm các triệu chứng PMS, theo Hiệp Hội Y Học Sinh Sản Hoa Kỳ.
Trên thực tế, thuốc viên tránh thai hay vòng tránh thai nội tiết tốt thậm chí có thể khiến kinh nguyệt của bạn biến mất. Thuốc tránh thai ngăn cản sự rụng trứng, và nếu không có sự rụng trứng, sẽ ít hoặc không có lớp niêm mạc tử cung nào bị bong ra.
Trong độ tuổi 30
Đối với hầu hết các trường hợp, kinh nguyệt đều có thể dự đoán được và nhất quán trong thời kỳ này. Các triệu chứng như ra máu nhiều hơn hoặc đau dữ dội hơn, chuột rút có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn.
Ví dụ như u xơ tử cung, là khối u lành tính phát triển trong niêm mạc tử cung và có thể khiến bạn bị chảy máu nhiều hơn, thường phổ biến hơn sau 30 tuổi. Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung, thường nhận biết bằng những cơn đau có thể kéo dài cả tháng, cũng phổ biến hơn ở những người ở độ tuổi 30 hoặc 40.
Một nhân tố khác ảnh hưởng trong thời kỳ này là việc sinh con. Bác Sĩ Sheryl Ross, tác giả của “She-ology: The Definitive Guide to Women’s Intimate Health,” cho biết, nếu bạn quyết định cho con bú, bạn sẽ không có kinh nguyệt cho đến khi bạn ngừng hoặc giảm số lần bơm sữa.
Hơn nữa, việc sinh con có thể dẫn đến sự thay đổi lâu dài trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Nhiều phụ nữ sẽ nói với bạn rằng sau khi trải qua thời kỳ mang thai, chứng chuột rút của họ thuyên giảm. “Điều đó có thể do một số nguyên nhân gây ra, nhưng vì cổ tử cung mở rộng hơn một chút, máu chảy ra ngoài mà không cần đến các cơn co thắt mạnh ở tử cung.”
Trong độ tuổi 40
Tuổi 40 của bạn có thể đánh dấu sự bắt đầu của những biến động nội tiết tố tiền mãn kinh, là dấu hiệu báo trước của thời kỳ mãn kinh. Theo Viện Lão Hóa Hoa Kỳ, trong thời gian này, thường là khoảng bảy năm trước khi mãn kinh nhưng đôi khi có thể kéo dài tới 14 năm, cơ thể bạn sẽ chuẩn bị cho việc kết thúc kinh nguyệt vào độ tuổi 50 trở đi.
Những thay đổi về hormone khiến quá trình rụng trứng diễn ra không đều hơn, cộng với sự dao động mức estrogen khiến cơ thể bắt đầu bị trễ kinh, ra nhiều hơn hoặc ra ít máu giữa các kỳ kinh.
Các triệu chứng tiền mãn kinh là không có gì có thể đoán trước được. Ngoài ra, có một lưu ý mà bạn phải biết, đó là ngay cả khi việc rụng trứng xảy ra thất thường, bạn vẫn có thể mang thai. Một người phụ nữ không ở trong thời kỳ mãn kinh cho đến khi cô ấy không có kinh nguyệt trong ít nhất một năm.
Dù bạn ở độ tuổi nào, hãy nhớ rằng chu kỳ kinh nguyệt của mình phản ánh nhiều điều về sức khỏe.
Vì vậy, nếu bạn gặp phải bất kỳ sự thay đổi nào về chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe ngay. (UPK)
Xem bản gốc