Mục lục
Nhân quyền VN: Mỹ ‘lo ngại xu hướng ngày càng nghiêm trọng’ sau đối thoại với Hà Nội
- Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
Cuộc gặp của phái đoàn ngoại giao Mỹ với người nhà một số tù nhân chính trị nổi tiếng ở Việt Nam hôm 1/11, tiếp đó là đối thoại nhân quyền lần thứ 26 với Hà Nội 2/11, diễn ra và kết thúc âm thầm.
Trả lời phỏng vấn của BBC về kết quả cuộc đối thoại, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 3/11:
“Hai bên đã có cuộc đối thoại ‘thẳng thắn’, tập trung vào một loạt các vấn đề liên quan đến quyền con người và quyền lao động, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, pháp quyền và cải cách luật pháp, và quyền của các thành viên của các nhóm dân số bị gạt ra ngoài lề xã hội như LGBTQI +, thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
“Mỹ vẫn lo ngại trước xu hướng ngày càng nghiêm trọng trong việc giam giữ và kết tội công dân Việt Nam vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ như đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam.”
Trả lời câu hỏi của BBC về hành động của Mỹ sau đối thoại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Chúng tôi tiếp tục thúc giục Chính phủ Việt Nam bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do cơ bản khác và đảm bảo các hành động của Chính phủ phù hợp với Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.”
Ông Ngô Anh Tuấn, luật sư duy nhất có mặt hôm 1/11, khi phái đoàn Hoa Kỳ gặp người nhà một số tù nhân chính trị, nói với BBC hôm 4/11:
“Đây là cơ hội để Mỹ nhìn nhận lại việc cần có cái nhìn dài hơi hơn đối với nhân quyền tại một nước có chể thế rất khác biệt với họ như Việt Nam, thay vì những bước đi ngắn hạn hàng chục năm nay không có kết quả rõ rệt.”
Mỹ gặp gia đình tù nhân chính trị nào?
Hôm 1/11, phái đoàn Mỹ gồm khoảng 10 người đại diện cho Bộ Ngoại giao và Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, đã gặp luật sư Ngô Anh Tuấn và người nhà của bốn tù nhân chính trị, gồm:
- Ông Trịnh Bá Khiêm và bà Trịnh Thị Thảo: người nhà ông Trịnh Bá Phương, ông Trịnh Bá Tư, bà Cấn Thị Thêu. Ông Phương đang chịu án tù 10 năm, 5 năm quản chế; ông Tư 8 năm tù, bà Thêu 8 năm tù, tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm; nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
- Bà Trần Phương Thảo, vợ nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách – người đang chịu án tù 5 năm tội ‘trốn thuế’
- Ông Phạm Chính Trực, anh trai nhà hoạt động Phạm Đoan Trang – đang chịu án tù 9 năm tội danh ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’.
Người nhà các tù nhân chính trị có cơ hội trình bày về sức khỏe của người đang bị giam cầm. Họ cũng nói về việc bị gây khó dễ, các khó khăn trong việc thăm gặp kể từ khi các nhà hoạt động bị bắt tới khi trở thành tù nhân. Đồng thời, họ nêu ra các kiến nghị cần giải quyết, theo tường thuật của luật sư Ngô Anh Tuấn.
GS Carl Thayer, Đại học New South Wales, Úc nói với BBC hôm 1/11 rằng nếu thông tin, hiện chưa được xác nhận, rằng Việt Nam đang vận động Hoa Kỳ cho chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng 11 là sự thật, thì Việt Nam có thể bất ngờ trả tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang.
Cần bước đi dài hạn, vĩ mô của Mỹ
Tuy nhiên, luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC rằng ông “không mong chờ những sự mặc cả, đàm phán nhỏ nhoi như vậy”.
“Vài người được trả tự do chỉ là phần nổi của tảng băng, không giải quyết được gì về căn bản. Hàng trăm nhà hoạt động khác đang trong những hoàn cảnh tù đầy tương tự. Nên cần có thay đổi mang tính vĩ mô hơn. Mỹ cần nhìn nhận sâu sát hơn, với kế hoạch dài hơi hơn từ cấp lãnh đạo Mỹ, đối với tình hình ở một nước quá khác biệt về thể chế với họ như Việt Nam,” luật sư Tuấn nói.
Luật sư Tuấn từng được mời tham gia nhiều đối thoại nhân quyền như giữa EU-Việt Nam, Hoa Kỳ-Việt Nam, và đã đóng góp nhiều ý kiến. Nhưng kết quả sau đó theo ông “không có gì rõ ràng, thậm chí tình hình còn tệ hơn tại Việt Nam”
Tuy vậy, ông Tuấn đánh giá cao tinh thần cầu thị, dân chủ của phái đoàn Mỹ khi đã trực tiếp gặp và lắng nghe từ những người trong cuộc, thay vì chỉ đọc báo cáo.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) khu vực châu Á cũng nói với BBC hôm 2/11 rằng trừ khi Washington có thể tìm cách gây áp lực buộc Việt Nam phải chấp nhận một số tiêu chuẩn để cải thiện nhân quyền, các cuộc đối thoại như này sẽ chỉ có tác động hời hợt, không mang lại lợi ích đáng kể cho các nhà hoạt động và xã hội dân sự Việt Nam.
Theo luật sư Tuấn: “Kể cả Tổng thống Biden có tới thăm Việt Nam vào tháng 11 này như đồn đoán, thì tôi cũng không cho rằng họ sẽ ưu tiên bàn về nhân quyền. Trong bối cảnh vào thời điểm này thế giới ngày càng hỗn loạn, càng các cuộc gặp gỡ ở cấp cao, họ càng tập trung bàn những vấn đề được cho là nóng bỏng, cấp thiết hơn vào lúc này, như Trung Quốc, hay Nga, hay kinh tế.
“Tôi cho rằng, lời nói của Hoa Kỳ hay các nước EU, trong các cuộc đối thoại nhân quyền đối với Việt Nam, không mang quá nhiều ý nghĩa. Mỗi bên đều giữ lập trường, quan điểm của mình và mọi thứ chủ yếu chỉ dừng lại ở góc độ chia sẻ. Sự “mặc cả” trên bàn đàm phán chỉ được thực hiện ở một hoặc một số vấn đề nhỏ mà các bên cùng quan tâm từ trước.
“Tôi cho rằng nỗ lực nội tại quan trọng hơn nhiều. Thay vì trông đợi giúp sức từ bên ngoài để cải thiện tình hình trong nước là một điều rất xa vời, phi thực tế.
“Nếu mỗi trí thức, người dân Việt Nam đều lên tiếng bảo vệ quyền của mình và phản đối bất công thì hiệu quả mang lại sẽ lâu bền và to lớn hơn.”
Trong khi đó, giải pháp, theo ông Robertson, là “Mỹ nên thiết lập các cuộc họp hàng tháng hoặc hàng quý với Việt Nam để theo dõi các vấn đề được thảo luận tại cuộc đối thoại này. Quan trọng hơn và một lần nữa, Mỹ nên đưa nhân quyền vào tất cả các trao đổi với chính phủ Việt Nam.”
“Thực tế là vấn đề nhân quyền phải được lồng ghép một cách hết sức trọng tâm trong tất cả các mối quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là trong các thỏa thuận kinh tế và các gói hỗ trợ song phương và đa phương,” ông Robertson nói với BBC hôm 2/11.
Tham vấn ý kiến luật sư về cải thiện nhân quyền VN
Trong phần tham vấn ý kiến hôm 1/11, khi được phái đoàn của Mỹ hỏi về việc cần làm gì để cải thiện thực trạng nhân quyền, luật sư Ngô Anh Tuấn nêu những điểm chính như sau:
- Cần phải thực hiện việc đối thoại với những người bất đồng chính kiến để tận dụng trí tuệ, tài năng của họ để giúp ích cho quốc gia; điều này ngay từ khi xây dựng nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm và theo nhận xét của nhiều người là đã làm rất tốt nhưng hiện nay người ta không làm.
- Cần thay đổi, tiến tới xoá bỏ các điều luật hà khắc trong Bộ luật Hình sự hiện hành liên quan tới quyền tự do ngôn luận của người dân vì một số điều khoản mâu thuẫn, thậm chí là trái với quy định của Hiến pháp Việt Nam cũng như trái với các Điều ước quốc tế về Nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia.
- Cần chấm dứt ngay việc giám định tư tưởng của con người; chấm dứt ngay việc sử dụng một cơ quan không có chuyên môn để giám định tư tưởng con người, quy chụp và quy kết hành vi có dấu hiệu tội phạm của một con người thay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay Toà án. Một khi chưa bãi bỏ được quy định nêu trên, cần phải triệu tập những người giám định tới toà để làm rõ nội dung mà họ giám định và tranh luận, đối đáp với luật sư bào chữa, tránh tình trạng trốn tránh như hiện tại.
Thuật lại với BBC, luật sư Tuấn cho hay khi một vị của đoàn Mỹ hỏi ông liệu họ có thể giúp gì cho Việt Nam, ông Tuấn đã hỏi ngược lại: “Liệu các vị có thật sự giúp được chúng tôi không?”
Đáp lại, đại diện Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng đây chính là câu hỏi mà lãnh đạo chính phủ Hoa Kỳ đã đặt ra với phái đoàn của ông trước cuộc đối thoại.
Theo vị này, dù có thể không đạt được mọi điều kỳ vọng, nhưng đối thoại có thể giúp cải thiện tình hình “từng bước. Nếu không, mọi thứ sẽ đi thụt lùi.”
Vị này nói thêm rằng có thể phái đoàn của Mỹ không thay đổi được những điều vĩ mô trong vấn đề nhân quyền Việt Nam, nhưng các vấn đề nhỏ hơn thì có thể đang “đàm phán và mặc cả”, luật sư Tuấn cho hay.
Ai cho ta tự do, ai cho ta dân chủ?
2-11-2022
Ngày hôm qua, 01/11/2022, đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Saigon tổ chức gặp gỡ người nhà của một số người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ. Cuộc gặp này được thực hiện trước buổi đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ được tiến hành sau đó một ngày. Tôi là luật sư duy nhất có mặt trong buổi trao đổi này theo lời mời của họ. Trong phần tham vấn ý kiến, khi được hỏi ý kiến góp ý của luật sư về việc cần làm gì để cải thiện thực trạng nhân quyền, tôi góp ý một số nội dung chính sau:
1. Cần phải thực hiện việc đối thoại với những người bất đồng chính kiến để tận dụng trí tuệ, tài năng của họ để giúp ích cho quốc gia; điều này ngay từ khi xây dựng nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm và theo nhận xét của nhiều người là đã làm rất tốt nhưng hiện nay người ta không làm.
2. Cần thay đổi, tiến tới xoá bỏ các điều luật hà khắc trong Bộ luật Hình sự hiện hành liên quan tới quyền tự do ngôn luận của người dân vì một số điều khoản mâu thuẫn, thậm chí là trái với quy định của Hiến pháp Việt Nam cũng như trái với các Điều ước quốc tế về Nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia.
3. Cần chấm dứt ngay việc giám định tư tưởng của con người; chấm dứt ngay việc sử dụng một cơ quan không có chuyên môn để giám định tư tưởng con người, quy chụp và quy kết hành vi có dấu hiệu tội phạm của một con người thay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay Toà án. Một khi chưa bãi bỏ được quy định nêu trên, cần phải triệu tập những người giám định tới toà để làm rõ nội dung mà họ giám định và tranh luận, đối đáp với luật sư bào chữa, tránh tình trạng trốn tránh như hiện tại. Thực tế, nội dung này các đồng nghiệp của tôi như Ls Đặng Đình Mạnh, Lê Văn Luân… đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các phiên toà nhưng chưa bao giờ được xem xét cả.
Trong buổi gặp gỡ này, khi một vị hỏi tôi, liệu rằng họ có thể giúp gì được không? Tôi nói rằng, tôi nói câu này có thể khiến quý vị không vui nhưng tôi vẫn cứ nói, tôi hỏi ngược lại ông ấy rằng, liệu rằng các vị có giúp được thật không mà hỏi? Tôi cũng tham dự buổi gặp gỡ tương tự với đại diện EU trước hôm đối thoại với Việt Nam nhưng nghe chừng không có kết quả khả quan sau đó!
Mọi người trong khán phòng đều cười ồ lên. Sau đó, vị lãnh đạo cấp cao của Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với tôi rằng, câu hỏi của ông giống như câu hỏi hỏi mà lãnh đạo Chính phủ Hoa Kỳ đã hỏi chúng tôi và chúng tôi cũng không có câu trả lời chính xác. Lãnh đạo nói với chúng tôi rằng, đối thoại nếu không giải quyết được gì thì đi đối thoại làm gì cho tốn kém! Tôi không đồng tình với quan điểm đó vì cho rằng, dù không đạt được mọi thứ mình muốn nhưng đối thoại sẽ có thể cải thiện tình hình từng bước, ngược lại, mọi thứ sẽ đi thụt lùi… Và, đó là lý do chúng tôi đi cả đoàn đến Việt Nam – Có thể chúng tôi không thay đổi được những điều vĩ mô nhưng các vấn đề nhỏ hơn thì có thể.
Tôi cũng cười và chúng tôi cùng thống nhất rằng, hy vọng, nếu có cuộc gặp gỡ vào năm sau, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn và chúng tôi sẽ có điều vui hơn để kể.
Như vậy, những nơi mà nhiều người mơ ước, kỳ vọng như Hoa Kỳ hay các nước EU, lời nói của họ cũng không mang quá nhiều ý nghĩa trong các cuộc đối thoại nhân quyền đối với Việt Nam. Mỗi bên đều giữ lập trường, quan điểm của mình và mọi thứ chủ yếu chỉ dừng lại ở góc độ chia sẻ; sự “mặc cả” trên bàn đàm phán (nếu có, mà thực tế là có, theo tiết lộ của một người giấu tên) chỉ được thực hiện ở một hoặc một số vấn đề nhỏ mà các bên cùng quan tâm từ trước.
Thế nên, việc trông đợi giúp sức từ bên ngoài để cải thiện tình hình trong nước là một điều rất xa vời, phi thực tế, không mang nhiều ý nghĩa mà tự ta phải giúp lấy ta mà thôi. Tự do, dân chủ không tự nhiên mà có được, không phải chờ ai mang đến mà mỗi một chúng ta phải tự tạo ra nó, tạo cơ hội cho những người xung quanh. Tự do, dân chủ tới từ tri thức, từ nỗ lực của mỗi một người chúng ta chứ không thể trông chờ ai đó ban cho…
Xem thêm: