Seite auswählen
  • Mỹ Hằng
  • BBC News Tiếng Việt

Vietnam, police

YE AUNG THU/GETTY IMAGES

“Việt Nam có mối quan hệ ‘yêu-ghét’ với Trung Quốc. Và Việt Nam dùng điều này để khiến Hoa Kỳ bối rối,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) khu vực châu Á nói với BBC hôm 2/11, khi Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt lần thứ 26 đang diễn ra tại Hà Nội.

Ngay trước sự kiện này, tối 1/11, Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng về Việt Nam sau chuyến thăm ‘thành công tốt đẹp’ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.

Đối thoại nhân quyền thường niên Mỹ-Việt lần thứ 26 cũng diễn ra trong bối cảnh khoảng 160 nhà hoạt động đang bị cầm tù, nhiều người với án tù dài hạn. Một số người đang chờ được đưa ra xét xử. Một số vụ bắt giữ mới gây rúng động quốc tế, như vụ bắt ‘anh hùng khí hậu’ Ngụy Thị Khanh cùng ba nhà hoạt động môi trường khác trong năm 2021-2022.

Đã có một số áp lực và lời kêu gọi từ quốc tế để Việt Nam trả tự do cho những nhà hoạt động này. Nhưng đến nay chưa có chuyển biến gì từ chính quyền của ông Nguyễn Phú Trọng.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Phil Robertson cho rằng “Hoa Kỳ nên ngay lập tức chuyển sang thảo luận về nhân quyền trong mọi khía cạnh của mối quan hệ với Hà Nội, chứ không chỉ thảo luận định kỳ mỗi năm một lần, hay thỉnh thoảng thảo luận vào một số thời điểm khác.”

Ông nói thêm: “Dù vậy, chúng tôi vẫn hy vọng rằng trong cuộc đối thoại này, phía Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ thúc giục Việt Nam chấm dứt các hành vi lạm dụng nhân quyền có hệ thống, và trả tự do một số nhà hoạt động trong tổng số hơn 160 tù nhân chính trị đang bị giam giữ.”

Trò chơi địa chính trị của Việt Nam

Ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình tại Hà Nội năm 2011

GETTY IMAGES Nhân chuyến thăm TQ 31/10-11/11/2022 của TBT Nguyễn Phú Trọng, báo VN nói TQ là ‘ưu tiên đối ngoại hàng đầu của VN’

Bình luận với BBC về chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng mới đây có thể ảnh hưởng gì tới nhân quyền của Việt Nam và vai trò của của Mỹ trong vấn đề này, ông Robertson nói:

“Việt Nam có mối quan hệ ‘yêu-ghét’ với Trung Quốc. Và Việt Nam dùng điều này để khiến Hoa Kỳ bối rối. Chính phủ Việt Nam đôi khi đứng về phía Hoa Kỳ chống lại các hành động của Trung Quốc trong các vấn đề hàng hải, nhưng những lần khác lại hợp tác rất chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc – nơi cũng vi phạm trắng trợn các quyền con người.

“Rõ ràng là mối quan hệ anh em giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là khá khăng khít và bền chặt, bất chấp những thù địch lịch sử trong quá khứ. Điều chưa bao giờ được đặt ra là sự giống nhau về các hành vi lạm dụng nhân quyền giữa hai chính phủ, và thực tế của việc Việt Nam muốn sao chép thành công của Bắc Kinh trong việc đóng cửa mọi hình thức tự do ngôn luận trên Internet.

“Vì vậy, Hoa Kỳ nên nhận ra rằng sẽ là ảo tưởng khi kỳ vọng Việt Nam sẽ hoàn toàn đoạn tuyệt với chính phủ Trung Quốc, và Washington không nên mềm mỏng về vấn đề nhân quyền đối với trò chơi địa chính trị của Việt Nam trong khu vực.

Phil Robertson

“Việt Nam hiện đang tham gia vào một chiến dịch hà khắc, bắt giữ và bỏ tù hầu như tất cả những người bất đồng chính kiến còn lại vẫn đang lên tiếng trong nước, và Mỹ cần nêu lên tình trạng này và yêu cầu Việt Nam dừng làn sóng đàn áp này.

“Với tư cách là thành viên mới được bầu của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam nên thực hiện các bước cụ thể để chứng tỏ họ tôn trọng quyền tự do ngôn luận ở đất nước của mình và ngừng bắt giữ người dân sử dụng internet để bày tỏ sự bất mãn với Đảng Cộng sản cầm quyền.”

Cơ hội nào cho các tù nhân lương tâm?

Theo ông Robertson, “làn sóng bắt bớ và án tù kéo dài gần đây đối với những người bảo vệ nhân quyền đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Tại thời điểm này, sự đàn áp của chính phủ Việt Nam đã thực sự diễn ra trên diện rộng, hầu như mọi nhà hoạt động nhân quyền được biết đến, những người công khai thách thức sự độc quyền quyền lực của đảng cộng sản, đang thụ án tù dài hạn hoặc bị cảnh sát giam giữ.”

Nhà báo Phạm Đoan Trang trước phiên xử sơ thẩm năm 2021

Nhà báo Phạm Đoan Trang là một trong hơn 160 tù nhân lương tâm đang bị cầm tù tại Việt Nam vì lên tiếng phản biện công khai các chính sách của chính phủ.

Ông nói với BBC:

“Hoa Kỳ nên thúc ép chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các nhà hoạt động đã bị bỏ tù vì thực hiện các quyền của họ một cách hòa bình. HRW có một danh sách dài những tù nhân như vậy mà chúng tôi đã đưa vào trang web của mình. Phía Washington cần ưu tiên trả tự do cho các tù nhân chính trị như Phạm Đoan Trang, Ngụy Thị Khanh, Trần Huỳnh Duy Thức, Cấn Thị Thêu, và Hoàng Đức Bình.

“Việc bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động xã hội dân sự bao gồm Nguy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách gần đây đã khiến các tổ chức phi chính phủ địa phương hoạt động tại Việt Nam lo ngại sâu sắc.

Tuy nhiên, ông Phil Robertson cho rằng có trở ngại trong việc Mỹ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền.

“Có một thách thức lớn đối với Hoa Kỳ, bởi vì trừ khi Washington có thể tìm cách gây áp lực buộc Việt Nam phải chấp nhận một số tiêu chuẩn để cải thiện nhân quyền, cuộc đối thoại này sẽ chỉ có tác động hời hợt, không mang lại lợi ích đáng kể cho các nhà hoạt động và xã hội dân sự Việt Nam.

“Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại về nhân quyền trong những năm qua, bao gồm cả với Mỹ cũng như Liên minh châu Âu và Úc. Nỗ lực là quan trọng, nhưng tác động của các cuộc đối thoại chỉ là thoáng qua và không dẫn đến những thay đổi cơ bản đáng kể trong hồ sơ nhân quyền khủng khiếp của Việt Nam. Thực tế là vấn đề nhân quyền phải được lồng ghép một cách hết sức trọng tâm trong tất cả các mối quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là trong các thỏa thuận kinh tế và các gói hỗ trợ song phương và đa phương.”

Giải pháp, theo ông Robertson, là “Mỹ nên thiết lập các cuộc họp hàng tháng hoặc hàng quý với Việt Nam để theo dõi các vấn đề được thảo luận tại cuộc đối thoại này. Quan trọng hơn và một lần nữa, Mỹ nên đưa nhân quyền vào tất cả các trao đổi với chính phủ Việt Nam.”

Xem thêm:

Nhân quyền VN: Mỹ ‘lo ngại xu hướng ngày càng nghiêm trọng’ sau đối thoại với Hà Nội

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen