Seite auswählen

Ông Phan Văn Thu tại phiên tòa ở tỉnh Phú Yên năm 2013 tinmoi.vn

 

Tù nhân lương tâm Phan Văn Thu, người đang thụ án tù chung thân tại Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), mất ngày 20/11 sau một thời gian bệnh nặng mà không được chữa trị đầy đủ và kịp thời.

Tin này được bà Nguyễn Thị Thập, vợ nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh, được chồng bà cho biết trong buổi thăm gặp tại trại giam này vào cùng ngày.

Bà Thập được chồng cho biết hàng ngày ông Vịnh và ông Thu vẫn ngồi uống trà với nhau trong phòng giam vì họ ở cùng dãy buồng giam, chỉ cách nhau hai buồng. Bà Thập nói lại với RFA qua ứng dụng tin nhắn những gì chồng bà cho biết về ông Thu:

Sáng hôm qua hai người vẫn ngồi như thường ngày tuy nhiên đến gần trưa ông kêu mệt, nên anh dìu ông về phòng và yêu cầu y tá trại xuống kiểm tra. Đến tối sức khoẻ của ông vẫn chưa chuyển biến tốt hơn.

Anh đã yêu cầu y tá trại phải lưu ý đến ông nhưng bên phía trại lại không mấy lưu tâm. Đến sáng nay bệnh của ông có dấu hiệu trở nặng, các anh em yêu cầu trại đưa ông đi cấp cứu nhưng không kịp. Ông mất vào lúc 9.30 sáng tại phòng giam.”

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do có gọi điện cho Trại giam Gia Trung để xác định tin này nhưng không ai nghe máy.

Cô Bùi Ngọc Diện, con dâu ông Phan Văn Thu, xác nhận tin ông đã qua đời và cho biết gia đình hiện đang chuẩn bị tang lễ cho ông.

Ông Phan Văn Thu (hay còn gọi là Trần Công), sinh năm 1948. Ông đứng đầu Ân Đàn Đại Đạo (hay còn được biết đến với tên Hội đồng công luật công án Bia Sơn), một nhóm tôn giáo độc lập.

Nhóm của ông xây dựng khu du lịch sinh thái Đá Bia ở Phú Yên theo hướng “tiền sinh thái, hậu tổ đình” tại khu vực Suối Lớn, Đèo Cả, thuộc địa bàn xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Vào tháng 2 năm 2012, Công an tỉnh Phú Yên đột nhập vào khu này, sau đó tiến hành bắt giữ những người tham gia. Tổng cộng có 25 người bị bắt với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất nổ”.

Năm 2013, ông Thu bị kết án chung thân. 21 người khác bị kết án cùng tội danh và bị án tù từ 10 năm đến 17 năm. Ba người bị kết án từ ba đến bốn năm tù trong một phiên tòa khác vào năm 2014.

Hồi năm 2019, gia đình ông Phan Văn Thu cho RFA biết họ lo ngại về tình trạng sức khỏe của ông trong tù với các bệnh như tim mạch, tiểu đường, thấp khớp, dị ứng thời tiết.

Vợ ông Thu là bà Võ Thị Thanh Thúy hồi năm 2019 cho biết gia đình đã làm đơn cho ông được đi khám chữa bệnh nhưng chỉ được một lần rồi thôi.

Ông Thu là người thứ hai trong nhóm này bị chết khi đang thi hành án tù. Năm 2019, ông Đoàn Đình Nam, khi đó 68 tuổi, chết trong Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Ông Nam bị kết án 16 năm tù giam. Sau bảy năm thụ án, ông Đoàn Đình Nam bị suy thận nặng và gia đình đã xin cho ông được tạm hoãn thi hành án để về nhà chữa bệnh. Tuy nhiên, phía trại giam đã khước từ.

RFA (21.11.2022)

 

 

Nhà hoạt động môi trường Nguỵ Thị Khanh được giảm 3 tháng tù

Bà Ngụy Thị Khanh là nhà hoạt động môi trường có tiếng ở Việt Nam 

 

Bà Ngụy Thị Khanh, nhà hoạt động môi trường nổi tiếng từng được giải thưởng quốc tế, đã được giảm án còn 21 tháng tù trong phiên xử phúc thẩm hôm 21/11 trên cơ sở ‘ăn năn hối cải’ và ‘có nhiều đóng góp’, hãng thông tấn Nhà nước đưa tin.

Trước đó, hồi 6/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án 24 tháng tù cho bà Khanh về tội ‘Trốn thuế’. Bà Khanh đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo cáo trạng, bà Khanh đã không nộp thuế số tiền hơn 456 triệu đồng từ giải thưởng 200.000 đô la Mỹ, tương đương hơn 4,5 tỷ đồng, mà bà được Quỹ môi trường Goldman trao cho giải Goldman Environmental Prize hồi năm 2018.

Tòa án lập luận giải thưởng quốc tế này ‘không thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân’ theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2006, Thông tấn xã Việt Nam cho biết, và bà Khanh ‘đã không kê khai, không nộp thuế thu nhập cá nhân’ theo quy định.

Tòa sơ thẩm nhận định việc bà Khanh trốn thuế là ‘nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản lý thuế của nhà nước, làm thất thu ngân sách, xâm hại đường lối phát triển kinh tế – xã hội…, cũng theo hãng thông tấn nhà nước.

Tự bào chữa trước Tòa phúc thẩm, bà Khanh được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời đã ‘thừa nhận hành vi phạm tội’ và rằng bà ‘bị xét xử đúng tội, không oan’. Tuy nhiên, bà biện hộ sở dĩ bà không đóng thuế vì ‘nghĩ số tiền đó không phải là lợi nhuận từ việc kinh doanh mà là giải thưởng của sự đóng góp cho xã hội’.

Bà cũng nêu ra nhân thân tốt với bố mẹ từng được thưởng huân chương và bản thân bà được thưởng giấy khen để xin Tòa giảm án.

Luật sư của bà cũng chỉ ra các yếu tố nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã tự nguyện khắc phục hậu quả để Tòa xem xét như tình tiết giảm nhẹ cho bà Khanh, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Sau khi nghe bà Khanh và luật sư của bà bào chữa cũng như xem xét những tài liệu mà Khanh đưa ra về đóng góp của bà trong phòng, chống dịch COVID-19, Tòa phúc thẩm đã giảm cho bà ba tháng tù.

Bà Ngụy Thị Khanh làm giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, tức GreenID và giám đốc Công ty cổ phần Sáng tạo Xanh Việt Nam, tức GREEN IN. Hai tổ chức của bà hoạt động trong lĩnh vực môi trường để đưa ra các giải pháp về nước sạch, năng lượng sạch và không khí sạch.

Bà Khanh được trao giải thưởng về môi trường hồi năm 2018 vì những thành tích hoạt động nhằm cắt giảm khí thải carbon ở Việt Nam trong lúc Chính phủ Việt Nam đã cam kết với quốc tế sẽ đưa mức phát thải ròng của họ về không vào năm 2050.

Bản án sơ thẩm được giới quan sát và hoạt động nhân quyền nhận định là sự trừng phạt bà Khanh về các hoạt động môi trường của bà. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ việc này và khẳng định bà Khanh bị bỏ tù ‘hoàn toàn vì trốn thuế’.

Bản án bà Khanh đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà.

VOA (21.11.2022)

 

 

Đất đai tôn giáo và quyền tự do tôn giáo nhìn từ vụ phá chùa Thiên Quang

Chùa Thiên Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị chính quyền huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đưa người và xe cẩu đến cưỡng chế tháo dỡ công trình nhà khách đang xây dựng dở dang.

 

Tin tức cho biết, liên tiếp trong hai ngày 10 và 11/11/2022, nhân lúc Thượng tọa Thích Thiên Thuận trụ trì chùa Thiên Quang (toạ lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) đi vắng, chính quyền huyện Xuyên Mộc đã đưa người và xe cẩu, xe tải vào tháo dỡ công trình bằng gỗ cọc tiêu tận dụng, có diện tích khoảng 60 mét vuông.

Đây không phải lần đầu chùa Thiên Quang bị chính quyền gây sức ép dẹp bỏ bằng cách tháo dỡ các công trình đã và đang xây dựng, mà từ cuối năm 2021, cơ sở tôn giáo độc lập này đã từng nhận được quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện Xuyên Mộc yêu cầu tháo dỡ các công trình mà chùa đã xây dựng từ năm 2000.

Vị trụ trì chùa Thiên Quang đưa ra cáo buộc như sau: “Và bản thân tôi ở chùa Thiên Quang 20 năm qua hành đạo cũng vô vàn khó khăn. Vậy là cho thấy, những ngôi chùa độc lập họ tìm mọi cách để bách hại. Thật là đau xót, tệ nạn xã hội, đạo đức suy suyễn, nghèo đói người dân không có hạnh phúc thì hỏi Phật giáo suy hay thịnh.

Nhớ! Đức đệ tứ Tăng Thống nói:

Đạo pháp không thể nở hoa trên giang sơn nô lệ.

Dân tộc không thể hạnh phúc dưới sự áp bức đói nghèo”.

Có thể là chùa Thiên Quang được xây dựng nhưng không tuân thủ các yêu cầu về thủ tục hành chính. Tuy nhiên lưu ý là đây phần tài sản bị tháo dỡ là sở hữu hợp pháp, và được pháp luật bảo hộ về quyền dân sự của chùa Thiên Quang.

Cụ thể, Bộ luật dân sự 2015, tại Điều 180 “Chiếm hữu ngay tình”, ghi: “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”; Điều 236 “Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”, ghi: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Tính đến hiện tại, với những gì đang diễn ra cho thấy đất đai nơi có chùa Thiên Quang là không có sự tranh chấp về quyền sở hữu, và pháp luật về tôn giáo của Việt Nam không có điều khoản nào buộc một ngôi chùa, tự viện phải thuộc tổ chức có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Lưu ý, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế về quyền con người cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung các quy định về quyền con người; trong đó khẳng định rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều 16 của Hiến pháp nêu rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Điều 24 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Hiến pháp còn xác định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Như vậy khi đã tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân thì việc xây cất chùa, tu viện cần được tạo điều kiện về thủ tục hành chính. Tài sản của chùa, tự viện còn là sở hữu hợp pháp được pháp luật dân sự bảo hộ.

Từ góc nhìn trên cho thấy hành vi tháo dỡ một phần động sản thuộc khuôn viên chùa Thiên Quang nêu trên là dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý của người dân dành cho Đảng Cộng sản.

Hà Nguyên

VNTB  (20.11.2022)

 

 

Thầy giáo Bùi Văn Thuận bị án 8 năm tù giam và đúng dịp Hiến chương các nhà giáo

Thầy giáo Bùi Văn Thuận

Ngoài 8 năm tù giam, thầy giáo Bùi Văn Thuận còn phải chịu 5 năm quản chế theo điều 117 bộ luật hình sự nước cộng hòa XHCN Việt Nam. Đây là mức án mà tòa án tỉnh Thanh Hóa tuyên ngày hôm qua.

Ông Bùi Văn Thuận sinh năm 1981. Dân tộc Mường. Ông đã lập gia đình và có một con 6 tuổi. Ông nguyên là một giáo viên, từng tham gia một số hoạt động xã hội. Ông bị bắt tạm giam vào ngày 30/08/2021.

Ông Bùi Văn Thuận nguyên là giáo viên dậy môn hóa học. Ông thường dùng Facebook để tổng hợp tin tức trong và ngoài nước. Đôi khi ông cũng đưa ra các bình luận của bản thân. Kênh Facebook của ông liên tục bị đánh phá và ông phải lập ra vài nick khác nhau. Một trong những nick đó vẫn hoạt động, vẫn đăng bài ngay trước phiên xử mới đây.

Tại phiên tòa xét xử, ông Thuận tuyên bố ông vô tội và ông khòng (thèm) xin kháng án, vì đối với ông, đó là hành động vô ích. Như chúng ta biết, bản án trong trường hợp các tù nhân lương tâm thường có trước, gọi là án bỏ túi, và không ai có thể kháng cáo thành công.

 

Tường thuật của luật sư bào chữa

Phiên tòa sơ thẩm được xét xử sau 14 tháng rưỡi kể từ ngày ông bị bắt giữ để bắt đầu tiến trình điều tra vụ án.

Có ba luật sư bào chữa cho ông Bùi Văn Thuận hiện diện tại tòa gồm : LS Phạm Lệ Quyên, LS Lê Văn Luân và LS Đặng Đình Mạnh.

Theo cáo trạng, ông được cho là một Facebooker với hỗn danh tự đặt là “Cha Dà Dân Tộc”. Ông bị cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm về rất nhiều bài viết trên FB với danh khoản “THUAN VAN BUI” mà qua giám định bị kết luận là :

– Xúc phạm uy tín, danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương;

– Xuyên tạc, bịa đặt, suy luận vô căn cứ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước;

– Tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước gây hoang mang trong quần chúng nhân dân;

Quá trình điều tra và xét xử tại tòa, ông nhất quán cho rằng mình vô tội và bác bỏ mọi cáo buộc nêu trong bản cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông.

Trong một diễn biến hết sức bất ngờ, trên danh khoản FB cá nhân “Thuan Van Bui (Cha Dà Dân Tộc)” bị cho là của ông, cũng là danh khoản đã từng tồn tại nhiều bài viết bị nêu trong cáo trạng buộc tội ông, đột nhiên phục hoạt với nhiều post mới chỉ một ngày ngay trước phiên tòa xét xử (ngày 16/11/2022). Điều này, mặc nhiên gây nên những nghi vấn về người quản trị đích thực của danh khoản ấy: Của ông Thuận đang bị tạm giam như quy kết của cơ quan điều tra hay một ai khác đang tự do bên ngoài? Nhất là trong bối cảnh ông Thuận đã phủ nhận quyền quản trị danh khoản “Thuan Van Bui”. Nội dung này đã trở thành vấn đề gây tranh luận gay gắt giữa kiểm sát viên với các luật sư.

Kết thúc phần xét hỏi chuyển sang phần tranh luận, đại diện cơ quan công tố đề nghị tuyên ông có tội với mức hình phạt chính từ 7 đến 8 năm tù giam. Đồng thời, thêm hình phạt bổ sung là 5 năm quản chế và tước quyền ứng cử vào cơ quan dân cử trong thời hạn 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính.

Tiếp lời, ông Thuận đã mở đầu phần tự bào chữa trước các luật sư. Với một tờ giấy A4 trong tay được cung cấp trong phiên tòa, ông vội ghi chú lại một số vấn đề để lần lượt tự bào chữa với nội dung hết sức súc tích như một luật sư tranh tụng chuyên nghiệp. Thế nên, nhờ đó, phần bào chữa của các luật sư được giảm phần gánh nặng, vì chỉ cần trình bày thêm các luận điểm pháp lý mang tính chất bổ sung mà thôi.

Kết thúc phần tranh luận, vào lúc 9h05′ sáng, ông Thuận nói lời cuối cùng trước khi nghị án: 

“Cho dù kết quả phiên tòa như thế nào, tôi vẫn gởi lời cảm ơn đến ba luật sư đã giúp bào chữa cho tôi.

Cho dù kết quả phiên tòa như thế nào, tôi vẫn khẳng định mình vô tội”.

 Đàn Chim Việt tổng hợp (20.11.2022)

 

 

Báo Công An Nhân Dân thừa nhận ‘tiếp xúc cử tri’ ở Việt Nam là giả hiệu

„Những lần ‘tiếp xúc cử tri’ ở quận, đa số người dự là cán bộ xã phường, còn người dân rất ít. Trong khi đó hiện nay, ở khu dân cư có những vấn đề bất bình mà người dân muốn trao đổi.”

Phát ngôn nêu trên là của ông Phạm Bá An, trưởng Ban Công Tác Mặt Trận phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, được báo Công An Nhân Dân trích lời trong buổi “tiếp xúc cử tri” của ông Võ Văn Thưởng, thường trực Ban Bí Thư đảng CSVN, dưới danh nghĩa là “đại biểu quốc hội” hôm 19 Tháng Mười Một.

“Cử tri” trong các cuộc “tiếp xúc cử tri” của giới chức lãnh đạo thường là cán bộ. (Hình: Công An Nhân Dân)

 

Lâu nay, ai cũng biết việc các đại biểu quốc hội “tiếp xúc cử tri” là giả hiệu và là thủ tục mang tính hình thức, chủ yếu để tuyên truyền rằng giới chức của đảng luôn “gần dân,” quan tâm và lắng nghe ý kiến của các cử tri đã bầu chọn cho họ.

Nhưng đây là lần hiếm hoi báo Công An Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ Công An CSVN, dẫn ý kiến mang tính “tiêu cực” về “tiếp xúc cử tri.”

Theo báo này, ông Phạm Bá An cho rằng cần đổi mới công tác “tiếp xúc cử tri.” Bởi nhiều lần họp ở khu dân cư, người dân đề nghị các đại biểu Quốc Hội cần dành thời gian và phân công nhiệm vụ làm sao để trong một nhiệm kỳ phải có sự gặp gỡ với cử tri thật sự, chứ không phải “cử tri” do cán bộ xã phường đóng giả.

Báo Công An Nhân Dân cũng dẫn phản hồi của ông Võ Văn Thưởng, thường trực Ban Bí Thư đảng CSVN, trong cuộc “tiếp xúc cử tri” vừa diễn ra ở quận Liên Chiểu: “Đây là nguyện vọng chính đáng, nhưng do đại biểu Quốc Hội chủ yếu là kiêm nhiệm, phải giải quyết nhiều việc ở cơ quan, đơn vị phụ trách, ‘tiếp xúc cử tri’ ở nhiều địa bàn khác nhau nên thời gian dành cho ‘tiếp xúc cử tri’ còn giới hạn, chưa đạt được như mong muốn.”

Do “tiếp xúc cử tri” không đi vào thực chất, sự kiện này thường trở thành diễn đàn để giới chức lãnh đạo “tự sướng” về uy tín cá nhân của mình.

Ông Võ Văn Thưởng, thường trực Ban Bí Thư, trong cuộc “tiếp xúc cử tri” vừa diễn ra ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. (Hình: Công An Nhân Dân)

Trong một bản tin khác hôm 19 Tháng Mười Một, báo Công An Nhân Dân dẫn lời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trước cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng ở Hà Nội: “Vừa rồi các chuyến đi thăm Trung Quốc của tôi, thế giới quan tâm để ý lắm. Sang thăm thì Trung Quốc dành rất nhiều ngoại lệ, trong điều kiện dịch bệnh nhưng bạn đón tiếp như thế nhiều người bình luận chưa từng có, rất là đặc biệt nhất là dư luận quốc tế đánh giá cao…”

Bản tin cũng cho hay ông Phùng Huy Đan, một cử tri, phát biểu rằng “cử tri chúng tôi rất vui mừng” về chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng “thành công tốt đẹp.”

Người Việt (20.11.2022)

 

 

 

Trước tòa, Bùi Văn Thuận nói ‘là nạn nhân của pháp luật xôi lạc’

Bùi Văn Thuận lúc bị bắt hồi năm ngoái

 

Ông Bùi Văn Thuận cho biết mình sẽ không kháng cáo bản án sơ thẩm “cho dù mức án có nặng đến thế nào đi nữa” vì “không muốn làm phiền hà đến người thân và những người quan tâm”, ngoài ra, ông “không tin vào cơ quan tài phán hiện tại có thể tuyên xử công bằng nếu kháng cáo.”

“Cho dù kết quả phiên tòa như thế nào, tôi vẫn khẳng định mình vô tội. Có thể nói tôi là nạn nhân của thứ pháp luật xôi lạc (xôi đậu phộng, bị chủ tọa phiên tòa cắt ngang). Tôi bỏ quyền kháng cáo vì không tin tưởng vào hệ thống xét xử.”

Đó là những lời sau cùng của Facebooker Bùi Văn Thuận, 41 tuổi, người bị Tòa Án tỉnh Thanh Hóa kết án tám năm tù trong phiên tòa diễn ra hôm 18 Tháng Mười Một.

Ông Bùi Văn Thuận, giáo viên dạy môn Hóa Học, bị bắt hồi Tháng Chín năm ngoái với cáo buộc “sử dụng mạng xã hội để đăng tải bài viết, hình ảnh có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia” và “tàng trữ tài liệu chống phá nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Ngay sau khi tòa công bố phán quyết, bản tin của Reuters cho rằng ông Thuận bị phạt tù vì “đăng trên mạng xã hội các bài bình luận chỉ trích đảng CSVN và cách xử lý của đảng đối với đại dịch COVID-19.”

Theo bản tin, nhà cầm quyền Việt Nam “duy trì kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ” và “hiếm khi chấp nhận những lời chỉ trích trên mạng xã hội.”

Cũng trong hôm 18 Tháng Mười Một, Luật Sư Đặng Đình Mạnh, một trong những người bào chữa cho ông Bùi Văn Thuận viết trên trang cá nhân: “Trong quá trình điều tra và xét xử tại tòa, ông Bùi Văn Thuận nhất quán cho rằng mình vô tội và bác bỏ mọi cáo buộc nêu trong bản cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông.”

Trước phiên tòa, khi trao đổi với các luật sư, ông Thuận cho biết mình sẽ không kháng cáo bản án sơ thẩm “cho dù mức án có nặng đến thế nào đi nữa.”

Ông Thuận giải thích rằng ông “không muốn làm phiền hà đến người thân và những người quan tâm.” Ngoài ra, ông Thuận “cũng không tin vào cơ quan tài phán hiện tại có thể tuyên xử công bằng nếu kháng cáo.”

“Ông Thuận gởi lời nhờ bạn hữu chuẩn bị nhiều đầu sách về lịch sử, tôn giáo và triết học để ông tham khảo khi thụ án. Thanh Hóa, nơi một công dân xem trọng quyền tự do biểu đạt chính kiến của mình hơn sự tự do của bản thân đã vừa lãnh án, mà khi chúng tôi rời đó, mây đen đang vần vũ khắp bầu trời…,” theo Facebook Manh Dang.

Trong phần giới thiệu trên trang cá nhân trước khi bị bắt, ông Bùi Văn Thuận tự trào mình là “cha dà dân tộc,” “ranh nhân văn hóa quốc tế” và “mái đầu bạc trắng hiên ngang.” Theo công luận, câu viết của ông Thuận mang tính “cà khịa” Hồ Chí Minh và Nguyễn Phú Trọng.

Nhiều bài đăng của ông Bùi Văn Thuận được ghi nhận công khai chỉ trích đấu đá phe phái trước các kỳ đại hội đảng là “sới chọi chó.”

(Theo Người Việt, 19.11.2022)

 

 

Thông tin xét xử ông Bùi Văn Thuận

Bản án được tuyên vào lúc 10h00 sáng ngày 18/11/2022. Ông Bùi Văn Thuận bị tuyên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh theo điều 117 BLHS với mức hình phạt là 8 năm tù giam + 5 năm quản chế + tước quyền ứng cử vào cơ quan dân cử trong thời hạn 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính.

Sáng ngày 17/11/2022, Tòa án tỉnh Thanh Hóa đưa vụ án truy tố ông Bùi Văn Thuận tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự về “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Ông bị truy tố ở khoản 1 điều 117 có mức hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù.

Theo quyết định của tòa án, vụ án được xét xử theo thủ tục công khai tại trụ sở tòa án trong hai ngày, 17 và 18/11/2022. Vợ ông Thuận, bà TTN. được triệu tập đến tòa với tư cách nhân chứng. Nhờ vậy, việc thân nhân theo dõi phiên tòa xét xử người thân của mình đã không còn là vấn đề gây băn khoăn như nhiều vụ án tương tự.

Ông Bùi Văn Thuận sinh năm 1981. Dân tộc Mường. Ông đã lập gia đình và có một con 6 tuổi. Ông nguyên là một giáo viên, từng tham gia một số hoạt động xã hội. Ông bị bắt tạm giam vào ngày 30/08/2021. Phiên tòa sơ thẩm được xét xử sau 14 tháng rưỡi kể từ ngày ông bị bắt giữ để bắt đầu tiến trình điều tra vụ án.

Có ba luật sư bào chữa cho ông Bùi Văn Thuận hiện diện tại tòa gồm: LS Phạm Lệ Quyên, LS Lê Văn Luân và LS Đặng Đình Mạnh.

Theo cáo trạng, ông được cho là một Facebooker với hỗn danh tự đặt là “Cha Dà Dân Tộc”. Ông bị cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm về rất nhiều bài viết trên FB với danh khoản “THUAN VAN BUI” mà qua giám định bị kết luận là:

– Xúc phạm uy tín, danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương;

– Xuyên tạc, bịa đặt, suy luận vô căn cứ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước;

– Tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước gây hoang mang trong quần chúng nhân dân;

Quá trình điều tra và xét xử tại tòa, ông nhất quán cho rằng mình vô tội và bác bỏ mọi cáo buộc nêu trong bản cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông.

Trong một diễn biến hết sức bất ngờ, trên danh khoản Facebook cá nhân “Thuan Van Bui (Cha Dà Dân Tộc)” bị cho là của ông, cũng là danh khoản đã từng tồn tại nhiều bài viết bị nêu trong cáo trạng buộc tội ông, đột nhiên phục hoạt với nhiều post mới chỉ một ngày ngay trước phiên tòa xét xử (ngày 16/11/2022). Điều này, mặc nhiên gây nên những nghi vấn về người quản trị đích thực của danh khoản ấy: Của ông Thuận đang bị tạm giam như quy kết của cơ quan điều tra hay một ai khác đang tự do bên ngoài? Nhất là trong bối cảnh ông Thuận đã phủ nhận quyền quản trị danh khoản “Thuan Van Bui”. Nội dung này đã trở thành vấn đề gây tranh luận gay gắt giữa kiểm sát viên với các luật sư.

Ảnh chụp màn hình danh khoản Facebook “Thuan Van Bui (Cha Dà Dân Tộc)” phục hoạt một ngày ngay trước ngày xét xử sơ thẩm đối với ông Bùi Văn Thuận

 

Kết thúc phần xét hỏi chuyển sang phần tranh luận, đại diện cơ quan công tố đề nghị tuyên ông có tội với mức hình phạt chính từ 7 đến 8 năm tù giam. Đồng thời, thêm hình phạt bổ sung là 5 năm quản chế và tước quyền ứng cử vào cơ quan dân cử trong thời hạn 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính.

Tiếp lời, ông Thuận đã mở đầu phần tự bào chữa trước các luật sư. Với một tờ giấy A4 trong tay được cung cấp trong phiên tòa, ông vội ghi chú lại một số vấn đề để lần lượt tự bào chữa với nội dung hết sức súc tích như một luật sư tranh tụng chuyên nghiệp. Thế nên, nhờ đó, phần bào chữa của các luật sư được giảm phần gánh nặng, vì chỉ cần trình bày thêm các luận điểm pháp lý mang tính chất bổ sung mà thôi.

Kết thúc phần tranh luận, vào lúc 9h05′ sáng, ông Thuận nói lời cuối cùng trước khi nghị án:

“Cho dù kết quả phiên tòa như thế nào, tôi vẫn gởi lời cảm ơn đến ba luật sư đã giúp bào chữa cho tôi.

Cho dù kết quả phiên tòa như thế nào, tôi vẫn khẳng định mình vô tội.

Có thể nói tôi là nạn nhân của thứ pháp luật xôi lạc (bị cắt ngang).

Tôi bỏ quyền kháng cáo vì không tin tưởng vào hệ thống xét xử”.

Sau 53 phút nghị án, lúc 10h00′ Hội đồng xét xử trở ra tuyên đọc bản án dài 95 phút. Theo đó, ông Bùi Văn Thuận bị tuyên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh theo điều 117 BLHS với mức hình phạt là 8 năm tù giam + 5 năm quản chế + tước quyền ứng cử vào cơ quan dân cử trong thời hạn 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính.

Đối với tội danh và các hình phạt tuyên theo bản án sơ thẩm, trước đó, khi trao đổi với luật sư trong trại tạm giam, ông cho biết sẽ không kháng cáo bản án sơ thẩm cho dù mức án có nặng đến thế nào đi nữa. Ông giải thích rõ vì 2 lý do: Ông không muốn làm phiền hà đến người thân và những người quan tâm đến ông. Ngoài ra, ông cũng không tin vào cơ quan tài phán hiện tại có thể tuyên xử công bằng nếu ông có kháng cáo.

Tòa án đã dự kiến phiên tòa xét xử đến hai ngày, gồm ngày 17 và 18/11/2022. Thế nhưng, thực tế phiên tòa đã kết thúc vào lúc 11h35′ trưa ngày 18/11/2022 khi hội đồng xét xử chấm dứt lời tuyên án.

Qua luật sư, ông Bùi Văn Thuận gởi lời cảm ơn mọi người đã quan tâm đến vụ án xét xử ông ấy. Đồng thời, ông cũng gởi lời nhờ bạn hữu chuẩn bị nhiều đầu sách về lịch sử, tôn giáo và triết học để ông tham khảo khi thụ án.

Thanh Hóa, nơi một công dân xem trọng quyền tự do biểu đạt chính kiến của mình hơn sự tự do của bản thân đã vừa lãnh án, mà khi chúng tôi rời đó, mây đen đang vần vũ khắp bầu trời…

Đặng Đình Mạnh

 (18.11.2022)