Seite auswählen

Một báo cáo mới được đưa ra của Safeguard Defenders cho thấy Trung cộng đã thiết lập một mạng lưới với hơn 100 “đồn công an” không chính thức trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Hình ảnh minh họa trong báo cáo của Safeguard Defenders cho thấy các “đồn công an” mà Trung cộng thiết lập ở 53 nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, được điều hành từ các trung tâm cảnh sát địa phương ở nước này.

Safeguard Defenders, tổ chức chuyên về quyền dân sự của Tây Ban Nha, hồi tháng 9 đã công bố danh sách 54 “đồn cảnh sát” của Trung cộng được cho là có mặt trên khắp thế giới, khiến cho nhiều quốc gia phương Tây phải vào cuộc điều tra.

Trong một báo cáo mới đưa ra hôm 5/12, tổ chức quyền dân sự có trụ sở ở Madrid nói họ đã xác định được thêm 48 đồn nữa ở nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam và nhiều quốc gia khác ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Mỹ Latin.

Các đồn này, theo báo cáo của tổ chức nhân quyền Tây Ban Nha, là một phần mở rộng trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây áp lực buộc các công dân Trung cộng hoặc người thân của họ ở nước ngoài quay trở lại Trung cộng để đối mặt với cáo buộc hình sự.

Theo báo cáo, Trung cộng nói rằng những đồn này chỉ đơn thuần là “những văn phòng dịch vụ” được lập nên để hỗ trợ công dân Trung cộng với các thủ tục hành chính như gia hạn hộ chiếu mới hay bằng lái xe.

Nhưng Safeguard Defenders cho rằng Trung cộng dùng các đồn này để “quấy rối, đe dọa và ép buộc những người phải quay trở lại Trung cộng để bức hại họ.”

Tổ chức này nói rằng toàn bộ hệ thống 102 “đồn công an” của Trung cộng đặt tại 53 quốc gia được điều hành bởi các cơ quan an ninh công cộng địa phương ở 4 thành phố thuộc 3 tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến và Giang Tô của Trung cộng.

Mặc dù các đồn này không do Bắc Kinh điều hành nhưng điều tra của Safeguard Defenders cho rằng “một số tuyên bố và chính sách (của Trung cộng) đang bắt đầu cho thấy sự chỉ đạo rõ ràng hơn từ chính quyền trung ương trong việc khuyến khích thành lập và các chính sách của họ.”

 

‘Đồn’ ở Việt Nam

Điều tra của Safeguard Defenders cho thấy có một “đồn công an” của Trung cộng được thiết lập ở Việt Nam nhưng không thể xác định được địa điểm cụ thể. Theo tổ chức này, đồn mà Trung cộng gọi là “văn phòng dịch vụ” ở Việt Nam được điều hành bởi cơ quan an ninh của thành phố Nam Thông ở tỉnh Giang Tô.

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Trung cộng ở Hà Nội không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về thông tin mà Safeguard Defenders đưa ra.

Các cuộc điều tra của Safeguard Defenders được tiến hành dựa trên những thông tin và dữ liệu mở của Trung cộng và chỉ giới hạn ở các đồn do cơ quan an ninh công cộng địa phương của Trung cộng thành lập ở các quốc gia có cộng đồng lớn người Trung cộng sinh sống.

Trung cộng đặt nhiều “đồn cảnh sát” ở châu Âu nhất, trong đó Ý có 11 và Tây Ban Nha có 9. Canada có 5 và Mỹ có 4 đồn, theo điều tra của tổ chức Tây Ban Nha.

Ở châu Á, ngoài Việt Nam còn có Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và Campuchia trong số các nước có “đồn công an” mới được xác định thêm nhưng không có địa điểm cụ thể. Myanmar là nước châu Á duy nhất trong danh sách mới xác định thêm có “đồn công an” có địa điểm ở Yangon, thủ đô trước đây của nước này. Trước đó trong báo cáo đưa ra hồi tháng 9, tổ chức nhân quyền của Tây Ban Nha xác định được 2 “đồn công an” của Trung cộng ở Tokyo của Nhật Bản và Phnompenh của Campuchia.

Nhận định về một “đồn công an” như vậy được Trung cộng thiết lập ở Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Yusof-Ishak có trụ sở ở Singapore cho rằng khó có khả năng điều này xảy ra tại đây khi luật pháp của Việt Nam không cho phép.

“Hai chính phủ (Việt Nam và Trung cộng) đang cố gắng quan hệ tích cực đối với nhau nhưng sự tích cực không thể vượt quá luật pháp của từng nước,” TS Hợp, đang sống ở Hà Nội, cho biết. “(Trung cộng) không thể nào làm được đồn công an trên lãnh thổ Việt Nam. Còn nếu họ khoác áo lãnh sự của họ để cư xử với dân của họ như cảnh sát cư xử với người dân thì có thể có nhưng điều đó không cấu thành một việc là tòa lãnh sự hay điểm đó thành một đồn công an của Trung cộng.”

Theo TS Hợp, Việt Nam không cho phép các hoạt động “cảnh sát” trong các khu cộng đồng người Trung cộng được hoạt động ở Việt Nam và các khu công nhân Trung cộng, như ở Hà Tĩnh hay Bắc Giang, bị giám sắt chặt chẽ bởi công an Việt Nam.

“Nếu ở một nước tự do không ai cai quản một cách chặt chẽ như ở Việt Nam, có thể (Trung cộng) làm được việc đó khi không bị cai quản hàng ngày,” TS Hợp nói. “Việt Nam có đồn công an ở trong các khu lao động của người Trung cộng. Không thể có đồn công an Trung cộng ở Việt Nam được.”

 

‘Đồn công an’ làm gì?

Một báo cáo điều tra trước đây được Safeguard Defenders đưa ra hồi tháng 9 đi sâu vào việc kiểm soát toàn cầu mở rộng của cảnh sát Trung cộng thông qua một chiến dịch mà họ tuyên bố là nhằm chống lại gian lận viễn thông và trực tuyến xuyên quốc gia của một số tỉnh ở Trung cộng.

Loạt điều tra này cho thấy từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2022, cảnh sát Trung cộng đã “thuyết phục” được 230.000 người được cho là bỏ trốn trở về nước “một cách tự nguyện” trong khi thừa nhận rằng không phải tất cả những người bị nhắm mục tiêu đều là tội phạm.

Thay vì sử dụng cảnh sát quốc tế hay cơ chế hợp tác tư pháp – trong đó bao gồm cơ chế bảo vệ quyền của người bị nhắm mục tiêu, bao gồm quyền được xét xử công bằng và suy đoán vô tội trước khi xét xử – cảnh sát Trung cộng sử dụng phương thức “thuyết phục quay về” cho hoạt động của họ ở nước ngoài, theo điều tra của tổ chức nhân quyền Tây Ban Nha.

Safeguard Defenders và các tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đã thường xuyên tố cáo sự đồng lõa của một số chính phủ trong việc hồi hương các công dân Trung cộng mà không quan tâm đến các tiêu chuẩn được quốc tế thiết lập về thủ tục và cơ chế bảo vệ.

Bên cạnh đó các nhà hoạt động nhân quyền còn cho rằng các trung tâm của Trung cộng ở nước ngoài mà Safeguard Defenders gọi là “đồn cảnh sát” có liên hệ tới các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung cộng, một cơ quan của Đảng Cộng sản Trung cộng bị cáo buộc truyền bá ảnh hưởng và thông tin tuyên truyền ở nước ngoài.

Ngay sau khi Safeguard Defenders công bố điều tra đầu tiên về hàng chục “đồn cảnh sát” trên khắp thế giới hồi tháng 9, mười bốn chính phủ – trong đó có Mỹ, Canada và Hà Lan – đã tiến hành điều tra nguồn tin về các hoạt động của Trung cộng ở nước họ.

Canada – nơi mà Safeguard Defenders nói Trung cộng thiết lập 3 đồn ở Toronto, 1 ở Vancouver và 1 không xác định – hôm 22/11 nói họ điều tra về khả năng các đồn này can thiệp vào lợi ích và đe dọa an ninh quốc gia của Canada.

Trước đó hôm 19/11, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) Christopher Wray nói rằng ông “rất lo ngại” về các “đồn công an” trái phép có liên hệ đến các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nói trước một phiên điều trần của Quốc hội ở Washington DC, người đứng đầu FBI cho rằng việc Trung cộng tìm cách thiết lập sự hiện diện của công an ở Mỹ là “vi phạm chủ quyền và né tránh các quy trình hợp tác tư pháp và chấp pháp theo tiêu chuẩn.”

Theo điều tra của Safeguard Defenders, Trung cộng thiết lập 2 “đồn cảnh sát” ở thành phố New York, 1 ở Los Angeles và 1 không xác định.

Tòa Đại sứ Trung cộng tại Washington thừa nhận sự tồn tại của các địa điểm do tình nguyện viên điều hành ở Mỹ nhưng bác bỏ tuyên bố nói họ đang điều hành các “đồn công an” ở đây. Bộ Ngoại giao Trung cộng trước đó cũng nói như vậy về các địa điểm ở Hà Lan sau khi chính phủ nước này ra lệnh đóng cửa trong khi điều tra các hoạt động của các “văn phòng dịch vụ” này.

VOA (09.12.2022)