Mục lục
Mặt cỏ sân Mỹ Đình và sự tệ hại của nhà nước
Xét về mức độ cuồng nhiệt dành cho môn bóng đá thì có lẽ người Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào. Tôi đã từng chứng kiến cảnh những du khách đến từ Châu Âu-cái nôi của môn thể thao vua, tỏ ra choáng ngợp và bị cuốn vào màn ăn mừng đặc sản của người dân Hà Nội, khi hàng trăm ngàn người đổ về khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, vẫy cờ và bấm còi xe inh ỏi mỗi khi tuyển Việt Nam thắng các trận bóng quan trọng.
Thậm chí trong những năm gần đây thì bóng đá đã trở thành cứu cánh cho Đảng và Chính phủ. Bởi những thành công liên tiếp của đội tuyển quốc gia lúc nào cũng được gắn chặt với tài lãnh đạo của của cơ quan chức năng. Ảnh Bác Hồ lúc nào cũng xuất hiện trong các trận bóng quan trọng để nhắc nhở người dân về lý tưởng chính trị quốc gia. Và dàn lãnh đạo cao cấp không lúc nào vắng mặt ở khu ghế vip ở các trận đấu chung kết. Tất cả những việc trên, khiến người ta cảm giác cứ như thế bóng đá đã trở thành kim chỉ nam mới cho công cuộc tiến lên Xã hội Chủ nghĩa của Việt Nam.
Nhưng khi bật máy tính lên (vì sống ở nước ngoài nên phải xem qua internet) để xem trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với tuyển Malaysia tối hôm nay, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ khi đập vào mắt mình là một thứ màu úa tàn của lớp cỏ trên sân. Đã thế lại là lớp cỏ của sân vận động quốc gia của Việt Nam. Nơi diễn ra trận bóng mang tính quốc tế. Trước sự chứng kiến trực tiếp và gián tiếp (qua truyền hình) của hàng chục triệu khán giả nội địa lẫn quốc tế.
Là người xem bóng đá thì bất cứ ai cũng hiểu tầm quan trọng của chất lượng lớp cỏ. Ngoài việc giúp nâng cao chất lượng của trận đấu, và giúp các cầu thủ tránh bị chấn thương. Quan trọng hơn nữa, đặc biệt là trong thời đại hiện nay khi mà bóng đá đã trở thành công cụ để quảng bá hình ảnh và thương hiệu quốc gia, thì chất lượng mặt sân càng trở nên quan trọng. Ví dụ, chắc hẳn người xem bóng đá nào cũng phải trầm trồ trước chất lượng sân bãi thượng hạng của các sân bóng ở Qatar dịp World Cup vừa rồi, và vì thế hình ảnh quốc gia của họ được nâng hạng.
Tất nhiên chúng ta không thể so sánh một trận đấu bóng đá trong khuôn khổ giải Vô địch Đông Nam Á với giải đấu danh giá nhất hành tinh như World Cup. Chúng ta cũng không thể so sánh Việt Nam với Qatar, khi mà hai quốc gia có năng lực kinh tế quá khác biệt.
Nhưng, chẳng nhẽ chỉ mỗi việc đầu tư và làm tốt công tác bảo dưỡng cho một sân vận động như sân Mỹ Đình, mà cả nước Việt Nam cũng không làm nổi hay sao? Tôi tin rằng bất cứ người hâm mộ bóng đá Việt Nam nào sau khi đọc câu hỏi này cũng sẽ cảm thấy không cam tâm. Bởi chúng ta thừa biết rằng nguồn lực của đất nước mình hoàn toàn đủ để tạo nên một mặt sân bóng đá tiêu chuẩn World Cup. Cùng lắm là đi thuê công ty nước ngoài làm. Và cùng lắm, nếu thiếu tiền thì kêu gọi người hâm mộ có năng lực tài chính quyên góp. Chẳng phải các đại gia và nhãn hàng vẫn hay trao thưởng cả chục tỉ cho đội tuyển Việt Nam mỗi lần vô địch hay sao.
Sự tệ hại của sân Mỹ Đình không có gì mới. Trên thực tế thì đã năm lần bảy lượt, chất lượng mặt sân ở đây đã trở thành trò cười cho thiên hạ. Từ trận bóng với tuyển Australia, cho tới mới đây nhất là trận giao hữu với câu lạc bộ Dortmund. Báo chí quốc tế đã nhiều lần đem mặt cỏ của sân vận động quốc gia Việt Nam ra chế nhạo. Thậm chí ví nó như bãi chăn gia súc. Nhưng đáp lại những lời chê bai từ cộng đồng quốc tế, và cơn phẫn nộ của người hâm mộ trong nước, lại là những lời bao biện quanh co và trơ trẽn của cán bộ quản lý, vốn chịu trách nhiệm chính cho việc bảo đảm chất lượng của công trình này.
Theo logic thông thường thì đáng nhẽ ra với một quốc gia hâm mộ bóng đá như Việt Nam, thì chất lượng sân vận động quốc gia phải thuộc hạng sang mới phải, để cho xứng với tầm quan trọng của môn bóng đá. Và để cho thấy đất nước chúng ta đã phát triển sánh ngang với các nước trong khu vực như nhà nước vẫn hay tuyên truyền. Không còn là một nước nghèo nàn, lạc hậu nữa.
Nhưng cần phải nhớ là chúng ta đang sống ở một xã hội, với một nhà nước hoạt động không theo logic thông thường. Hay đúng hơn là một nhà nước không có năng lực để thực thi những điều căn bản nhất. Sự thực thì sự tệ hại của sân Mỹ Đình chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn triệu chứng của căn bệnh trầm kha mang tên nhà nước vô năng. Đến việc cỏn con cũng làm không xong. Còn việc lớn thì đụng vào là đổ bể.
Từ bắt trộm chó đến bắt cướp ngày cũng làm không được. Để cho người dân hễ thả chó ra đường là mất, và hễ hớ hênh là bị giật. Rồi đến cái vỉa hè cũng phải lát đi lát lại dù thề non hẹn biển là mỗi lớp vỉa hè mới sẽ tồn tại với thời gian. Lớn hơn nữa là các công trình hàng ngàn tỷ như đường sắt đô thị cũng không đâu vào đâu. Còn các dự án khủng, lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ như mấy “cú đấm thép” cũng tan nát hết cả.
Đừng nói nạn trộm chó và chất lượng sân Mỹ Đình không liên quan, ngược lại là đàng khác. Vì nó đều thể hiện năng lực của bộ máy nhà nước trong việc thực hiện những chức năng nền tảng, bao gồm duy trì trật tự và đầu tư công hiệu quả. Đến cả những điều đơn giản như trên mà cũng không làm xuể. Thì thử hỏi nhà nước ấy có đủ năng lực để giải quyết các vấn đề phức tạp hơn, như dịch bệnh chẳng hạn, hay không? Chứ đừng nói là đưa đất nước hoá rồng, hoá hổ.
Với một bộ máy nhà nước bạc nhược như vậy, thì số phận của sân Mỹ Đình, dù là sân chơi của môn thể thao được hâm mộ số một và là bộ mặt của quốc gia, phải chịu cảnh hẩm hiu như hiện nay, và người dân Việt Nam vẫn tiếp tục phải xấu hổ và nhục nhã, là đúng rồi.
Nỗi ám ảnh sân Mỹ Đình
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) xây xong năm 2003 với kinh phí 53 triệu USD (gần 1.300 tỉ đồng) để chuẩn bị cho SEA Games 22 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Sau gần 20 năm, không ngờ sân Mỹ Đình được biết tới với những từ khóa buồn.
Sân Mỹ Đình từng là niềm tự hào, là bộ mặt của thể thao Việt Nam, người ta thậm chí còn có ý định tổ chức những tour du lịch tham quan sân sau khi nó hoàn thành giống như sân của các đội bóng hàng đầu châu Âu như Barcelona, Manchester United…
Thế nhưng giờ đây, sau gần 20 năm, không ngờ sân Mỹ Đình được biết tới với những từ khóa buồn bã: mặt cỏ như bãi chăn bò, dột tại khu VIP…
Mỗi khi khu liên hợp thể thao quốc gia, trong đó có sân vận động Mỹ Đình, được chọn là nơi diễn ra các sự kiện thể thao, nhất là bóng đá, thì những hình ảnh tiêu cực của sân đấu này lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.
Tháng 9-2021, khi đội tuyển Úc đến Việt Nam thi đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, báo Sydney Morning Herald đã ví von mặt cỏ sân Mỹ Đình như “bãi chăn bò”.
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ráo riết chỉ đạo khu liên hợp thể thao quốc gia phải chăm sóc kỹ càng mặt cỏ sân Mỹ Đình. Dù vậy khi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam – Úc diễn ra vào ngày 7-9, hình ảnh lồi lõm, mấp mô của sân Mỹ Đình lên truyền hình khiến người hâm mộ bức xúc.
Kể từ sau SEA Games 2003 đến trước SEA Games 31 hồi tháng 5-2022, sân Mỹ Đình chưa từng một lần được sửa chữa quy mô lớn. Vì vậy, cơ sở vật chất trong sân xuống cấp trầm trọng: bậc cầu thang nứt nẻ, khán đài C và D sụp lún, dột nước ở nhiều chỗ trong số 314 phòng trong sân, nhà vệ sinh bốc mùi hôi thối…
Từ năm 2009 đến 2018, khu liên hợp thể thao quốc gia đã tu sửa, mua sắm một số trang thiết bị bằng nguồn vốn ngân sách. Nhưng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2021, hàng loạt sai phạm đã xảy ra trong các dự án sửa chữa và mua mới trang thiết bị, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng của Nhà nước.
Để chuẩn bị cho SEA Games 31, Chính phủ đã cấp hơn 400 tỉ đồng để sửa chữa khu liên hợp thể thao quốc gia. Thế nhưng không biết vì sao nhiều trang thiết bị được mua mới cho SEA Games 31 vào tháng 5 vừa qua giờ đã để xảy ra sự cố liên tiếp.
Mới đây nhất, vào ngày 30-11, khung thành sân Mỹ Đình đã bật ra khi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và CLB Borussia Dortmund (Đức) đang diễn ra.
Ở thời điểm này, khi đội tuyển Việt Nam chuẩn bị bước vào những trận đấu đầu tiên trên sân nhà tại AFF Cup 2022, sân Mỹ Đình lại là tâm điểm chú ý của dư luận khi mặt cỏ xấu, mặt sân lún ảnh hưởng việc thi đấu của các cầu thủ. Từ chỗ lợi thế được đấu trên sân nhà, nhưng với sự xuống cấp của sân Mỹ Đình, lợi thế của thầy trò HLV Park Hang Seo có thể trở thành bất lợi.
Khu liên hợp thể thao quốc gia là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính 100%. Thế nhưng do quản lý lỏng lẻo từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao đã để lãnh đạo khu liên hợp giai đoạn từ 2009 – 2018 mắc nhiều sai phạm.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền nợ thuế của khu liên hợp đến thời điểm này đã lên tới 855 tỉ đồng. Sai phạm kéo dài, nợ không có khả năng chi trả đã khiến khu liên hợp nhiều lần bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản.
Là đơn vị tự chủ tài chính nhưng cơ chế cho khu liên hợp tự chủ có nhiều bất cập. Điều đó dẫn đến việc khu liên hợp không có nguồn thu, lương trả cho nhân viên không đủ khiến nhiều người phải nghỉ việc.
Trả tiền điện, nước, vệ sinh… cũng là áp lực đối với khu liên hợp lúc này. Việc sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất tại đây vì vậy hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Với những khó khăn hiện nay, câu hỏi về việc khi nào khu liên hợp thể thao quốc gia, trong đó có sân Mỹ Đình, thôi trở thành nỗi ám ảnh của thể thao Việt Nam không biết đến bao giờ sẽ có lời giải?