Seite auswählen

„Lần đầu tiên trong lịch sử thời xã nghĩa, một vị nguyên thủ quốc gia, kẻ đứng đầu một đất nước (dù là trên danh nghĩa) bị ngã ngựa, đứt gánh giữa đường.“

Chính trường đẫm máu Ba Đình

 

Vậy là hy vọng của cái tháp nghiêng Pisa tồn tại và đứng vững đến hết nhiệm kỳ này đã tan thành mây khói.

Lần đầu tiên trong lịch sử thời xã nghĩa, một vị nguyên thủ quốc gia, kẻ đứng đầu một đất nước (dù là trên danh nghĩa) bị ngã ngựa, đứt gánh giữa đường.

Ngày hôm qua(17/1) “Trung ương cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ chức chủ tịch nước”. Nhưng từ ngày 19/12, 2021, khi Phan Quốc Việt bị bắt, thì người dân đã biết trùm cuối của vụ Việt Á này là ai.
Nhờ những lời tâng bốc của Nguyễn Công Khế, cựu TBT báo Thanh niên, là đồng hương Quảng Nôm như sau: “Mấy hôm nay chú em ít xuống nhà. Hỏi ra mới biết chú phải ra Hà Nội gặp những người trọng yếu trong lĩnh vực này, góp phần vào việc phòng chống con virus Vũ Hán đang hoành hành tại quê hương. Chú có tên là Phan Quốc Việt…”.


Về vụ Việt Á, chưa đầy 7 tháng, BCHTƯ phải họp bất thường 3 lần. Lần 1 vào ngày 6/6/2022, để khai trừ và sau đó khởi tố và bắt giam Phạm Thành Long và Chu Ngọc Anh. Và để lôi trùm cuối và đồng bọn ra ánh sáng không hề đơn giản. Tại Hội nghị TƯ 6 khóa XIII vào tháng 7, phe đốt lò đã đưa ra “Kết luận số 20 của Bộ Chính trị là sự mở đường để cán bộ bị kỷ luật, hạn chế năng lực, uy tín giảm sút dễ dàng nói lời từ chức, rút lui trong danh dự”.

BCHTƯ họp lần 2 vào ngày 30/12 để chấp nhận đơn xin từ chức của ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

Và cuối cùng là hạ bệ ông Phúc thì phải họp lần 3 vào ngày 17/01.
Người dân chưa thỏa đáng lý do ông Phúc phải nghỉ việc ở chỗ “Ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng… Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu”.

Khi mà BCA có trong tay các file các cuộc nói chuyện giữa bà Nguyệt Thu với Phan Quốc Việt, bày binh bố trận trong vụ Việt Á như thế nào. Bộ CA cũng nắm rõ người thân trong gia đình ông Phúc có tham gia phi vụ “hút máu nhân dân” này từ giữa năm 2020 rồi. Việc bắt giam Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh là vòng vây cuối cùng trước khi hạ bệ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong số hơn 4.000 tỷ mà Phan Quốc Việt hối lộ cho các quan chức, trong đó CDC Hải Dương nhận 27 tỷ. Vậy những Nguyễn Thành Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam mỗi người nhận được bao nhiêu?

Và đương nhiên trùm cuối là người chỉ đạo và điều hành toàn bộ kế hoạch lợi dụng dịch bệnh để hút máu man rợ nhân dân này phải là kẻ hưởng lợi nhiều nhất.

Ngoài vụ Việt Á, ông Phúc cũng gây thù chuốc oán với một số người.

Ông Phúc bị tố là kẻ lừa thầy phản bạn. Khi ra HN còn chưa đứng vững với môi trường cạnh tranh khốc liệt, được Ba X đưa về dìu dắt và cho làm phó chủ nhiệm VPCP. Sau đó lên CNVPCP, lên Phó thủ tướng và vào BCT. Nhưng khi Ba X bị đánh, Ông phúc lại quay sang chống Ba X với lời hứa được làm thủ tướng.

Năm 2019, ông Phúc “bật đèn xanh” cho tướng Trần Văn Vệ, bắt giam đại tá Nguyễn Duy Linh, là con trai duy nhất của tướng Nguyễn Văn Hưởng, một “bố già” khét tiếng thời Ba X. Bị làm nhục và cay cú, Nguyễn Văn Hưởng thề sẽ bắt Nguyễn Xuân Phúc có ngày phải trả giá. Và nay tướng Hưởng có thể ngồi cười hả hê vì đã “ Thù này ắt hẳn còn lâu/Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què”.

Ân oán giang hồ do chính ông Phúc gây ra, cũng như lòng tham vô tận của vợ ông và những người thân của hai vợ chồng, đã kết thúc sự nghiệp chính trị của ông.

Tuy rằng lần này ông chủ lò tôn không tắm từ vai xuống như những lần trước, mà đã tắm gội từ đầu, nhưng người dân vẫn chưa thỏa đáng. Lẽ ra phải truy tố người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ này về tội giết người hoàng loạt, tội chống lại loài người, và phải bắt dựa cột mới đúng. Có như vậy oan hồn của mấy chục ngàn người bỏ mạng vì dùng tet kist dổm của Tàu sẽ không được an nghỉ nếu chưa gọi đúng tên của những kẻ gây ra tội ác này.

Còn nhớ vụ bắt phó chủ tịch QN Trần Văn Tân, người gọi bà Thu là cô ruột, chứng tỏ trong vụ chuyến bay giải cứu, ông Phúc cũng góp phần rất lớn và được chia phần nhiều.

Đồng thời phải tống vào tù con cọp cái kia thì mấy vạn oan hồn dân trời Nam mới được an ủi.

Việc không truy tố Nguyễn Xuân Phúc, mà cho chết dần chết mòn vì mất uy tín và danh dự, như là một phát súng ân huệ vậy.

*****

18-1-2023, Quốc hội khoá 15 nhóm họp phiên bất thường theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, để giải quyết khủng hoảng nhân sự cấp cao. Cũng như Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, ông Nguyễn Xuân Phúc phải chịu “xét xử” lần hai. Lần một, ông Phúc bị lột hết chức vụ trong đảng và lần hai, ông bị tước bỏ vị trí quyền lực nhà nước.

Quy trình cán bộ kiểu cộng sản bày ra, đúng là bẽ mặt người trong cuộc. Hài kịch lên đỉnh điểm, khi nguyên thủ quốc gia phải cúi đầu chịu đựng tròn vai diễn trên sân khấu chính trị.

Trở lại thời điểm gần bảy năm trước, sáng 2-4-2016, sau khi tái trúng cử Trung ương khoá XII, Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, thay ông Trương Tấn Sang, về vườn “làm người tử tế”. Thời điểm này có thông tin rò rỉ, rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng Bí thư nửa nhiệm kỳ, sau đó sẽ nhường lại cho ông Quang.

Hơn hai năm sau, ngày 21-9-2018, Trần Đại Quang chết vì “bệnh lạ”. Hai ngày sau, Trung ương đảng chỉ đạo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhóm họp, ra thông báo để bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, giữ quyền Chủ tịch nước, cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.

Ngày 23-10-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết kịch bản và đạo diễn, để quốc hội bầu ông ta làm Chủ tịch nước, với số phiếu 99,79%.

Tháng 4-2019, trong vai trò tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ tại Kiên Giang trong chuyến đầu tiên kinh lý phương Nam. Sau lần đó, mệt mỏi, ôm không xuể hai chức, trách nhiệm phải đi nhiều, tiếp khách nhiều, ông Trọng bắn thông tin sẽ sang bớt ghế, thậm chí sẽ không tái cử chức Tổng bí thư nhiệm kỳ ba.
Thế nhưng, tại đại hội XIII, cho rằng không tìm ra người xứng đáng, ông Trọng bắt tay ông Phúc để làm “nhân sự đặc biệt”, nhằm tái cử. Ông Trọng ung dung ngồi ghế lãnh đạo tối cao của đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và chia ghế Chủ tịch nước cho ông Phúc.

Sáng 1-2-2021, ông Trọng tâm sự tại buổi họp báo sau khi bế mạc Đại hội XIII rằng: “Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành”. Chiều 2-4-2021, quốc hội đã miễn nhiệm chức chủ tịch nước của Nguyễn Phú Trọng và bầu Nguyễn Xuân Phúc làm tân chủ tịch nước. Như vậy, ông Phúc là người miền Trung thứ tư, tính từ sau năm 1975, liên tục nắm giữ ghế chủ tịch nước sau Võ Chí Công (1987-1992), Lê Đức Anh (1992-1997) và Trần Đức Lương (1997-2006).

Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước năm 2021. Nguồn: Quốc hội VN.

Về lý thuyết, quyền lực của chức Chủ tịch nước chỉ mang tính tượng trưng. Nhưng là “tứ trụ” triều đình, hàm Uỷ viên Bộ Chính trị cùng đặc quyền, đặc lợi ngút trời, vì vậy nhiều quan chức muốn ngồi vào cái ghế này.

Tại đại hội VIII, nhiệm kỳ 1996-2001, ở tuổi 73, tướng Đoàn Khuê giấu bệnh ung thư để vào Bộ Chính trị, tranh giành ghế chủ tịch nước. Bệnh tình bị lộ ra, tướng Khuê không được cơ cấu, năm 1999 thì ông qua đời.

Tháng 7-2015, tướng Phùng Quang Thanh hăm he tái cử Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII, nhiệm kỳ 2016-2021, tranh ghế Chủ tịch nước nhưng ông ta bị bắn, suýt bỏ mạng ở Pháp.

Hai dẫn chứng trên để thấy sự khốc liệt, không khoan nhượng trong cung đình cộng sản. Các đảng viên cộng sản sẵn sàng rút dao đoạt mạng, kết liễu sự nghiệp các “đồng chí” của mình.

Quay lại câu chuyện Nguyễn Xuân Phúc, nếu như khi đương kim chức chủ tịch nước, đích ngắm của Trần Đại Quang vẫn là ghế Tổng bí thư, thì ngược lại ông Phúc có vẻ bằng lòng với vị trí có được sau khi trả chức thủ tướng. Nếu không nổ ra đại án Việt Á và “chuyến bay giải cứu”, có lẽ ông Phúc sẽ vẫn còn chúc Tết dài dài đến hết năm 2025.
Trong đảng, việc người thân trong gia đình cán bộ cấp cao lợi dụng quyền lực để trục lợi, thì đã có truyền thống. Nhiều lắm, chỉ đếm sơ qua, nào là con trai Lê Duẩn, con gái Nguyễn Chí Thanh, vợ Văn Tiến Dũng, con gái và vợ bé Võ Văn Kiệt, vợ bé Nông Đức Mạnh, con trai Phan Văn Khải, con trai Nguyễn Minh Triết, con gái Nguyễn Tấn Dũng… và bây giờ đến vợ con Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, việc tước bỏ mọi chức vụ, phế truất giữa chừng khỏi ghế chủ tịch nước của Nguyễn Xuân Phúc khi ông ta ngồi chưa đầy hai năm, là việc chưa từng có tiền lệ trong đảng cộng sản Việt Nam.

Ai sẽ là Chủ tịch nước?

Chắc chắn Nguyễn Phú Trọng sẽ được bầu kiêm nhiệm ghế chủ tịch nước lần thứ hai, cái ghế mà Nguyễn Xuân Phúc vừa bị phế. Ông Trọng có thể sẽ ngồi đến năm 2024, sau đó sẽ chuyển giao quyền lực.

Đường còn dài, chưa ai quả quyết được bất cứ điều gì, khi mà những cuộc so găng thượng tầng chính trị vẫn đang tiếp diễn. Nhiều dự báo, ông Trọng sẽ chuyển giao ghế chủ tịch nước cho Tô Lâm, để dễ bề đặt Vương Đình Huệ lên ghế Tổng Bí thư, nhằm tránh một cuộc thanh toán đẫm máu.

Nếu vậy, Nguyễn Phú Trọng rút lui khỏi chính trường trong thế ngẩng cao đầu như tam nhân Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt năm xưa. Vương Đình Huệ cùng Tô Lâm chia nhau vị trí số 1 và 2, hai ông chắc suất “nhân sự đặc biệt” để tiếp tục là bộ đôi ổng bí thư – chủ tịch nước tại đại hội 14, nhiệm kỳ 2026-2031.

Dự đoán năm 2023, chính trường Việt Nam còn rất nhiều biến động khó lường. Sau Nguyễn Xuân Phúc, đến lượt Phạm Minh Chính, được đồn đoán là “con hổ” thứ hai sẽ bị thanh trừng, do liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn và tập đoàn AIC.
Như vậy sẽ có thêm những đại thần về vườn làm thứ dân. Dân chúng cần lao mãi mãi còng lưng để nuôi một thể chế mà ở đó thượng tầng chính trị và cả một hệ thống từ trung ương đến địa phương vừa tham lam, lại vừa hung tàn.

Lê Văn Đoành

*****

Reuters: Chủ tịch nước Việt Nam từ chức trong bối cảnh Đảng Cộng sản tăng cường trấn áp tham nhũng

Khanh Vu và Phuong Nguyen / Cù Tuấn, dịch

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ chức sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền đổ lỗi cho ông về “những vi phạm và sai trái” của các quan chức dưới quyền, chính phủ cho biết ngày 17-1, trong một bước leo thang lớn của cuộc chiến chống tham nhũng trên đất nước này.

Ông Phúc, cựu thủ tướng được tín nhiệm rộng rãi trong việc thúc đẩy các cải cách hỗ trợ doanh nghiệp, đã giữ chức vụ Chủ tịch nước phần lớn mang tính nghi thức kể từ năm 2021 và là quan chức cấp cao nhất bị Đảng hạ bệ do tham nhũng.

Việt Nam không có lãnh đạo có quyền hành tối cao và được lãnh đạo chính thức bởi „Tứ Trụ“: Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Ông Phúc, 68 tuổi, phải chịu trách nhiệm cuối cùng về các sai phạm của nhiều quan chức, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng, chính phủ cho biết.


“Nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước đảng và nhân dân, ông đã làm đơn xin thôi giữ chức vụ được giao, từ chức và nghỉ hưu”,
thông báo viết.

Văn phòng Chủ tịch nước không đưa ra bình luận ngay lập tức và không rõ liệu người thay thế cho ông Phúc đã được chọn hay chưa.
Tại Việt Nam đã có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ bị cách chức sau khi hai Phó thủ tướng phục vụ dưới quyền ông bị cách chức vào tháng 1, khi đảng tăng cường gấp đôi nỗ lực chống tham nhũng qua chiến dịch „đốt lò“ do Nguyễn Phú Trọng, người đầy quyền lực lâu năm dẫn đầu.
Năm ngoái, Đảng cho biết, đã có 539 đảng viên bị truy tố hoặc bị „kỷ luật“ vì tham nhũng và „cố ý làm trái“, bao gồm các bộ trưởng, quan chức cấp cao và nhà ngoại giao, trong khi cảnh sát điều tra 453 vụ tham nhũng, tăng 50% so với năm 2021.

Ông Trọng hồi đầu tháng này cho biết, Đảng sẽ „quyết tâm hơn“, „hiệu quả hơn và có phương pháp hơn“ trong cách tiếp cận chống tham nhũng, đồng thời cam kết sẽ mang lại kết quả.

Không chắc chắn có tác động gì

Có các ý kiến khác nhau về tác động của nỗ lực chống tham nhũng đối với đầu tư và chính sách.

Lê Hồng Hiệp thuộc Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cho biết, cuộc thanh trừng có thể mở đường cho các nhà lãnh đạo trong sạch hơn, có năng lực, trỗi dậy.
Miễn là việc cải tổ lãnh đạo không dẫn đến những thay đổi chính sách triệt để, thì tác động của chúng đối với nền kinh tế cũng sẽ bị hạn chế”, ông Hiệp đăng trên tài khoản Facebook của mình.

Tuy nhiên, Hà Hoàng Hợp, một thành viên cao cấp của cùng viện nghiên cứu trên, cho biết, sự từ nhiệm của ông Phúc và sự không chắc chắn về tác động của cuộc trấn áp có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng.
“Điều này có thể dẫn Việt Nam đến một thời kỳ bất ổn, khiến bạn bè và các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng”, ông nói.

Việc từ chức của ông Phúc cần có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp, mà các nguồn tin hôm 16-1 cho biết, sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường hiếm hoi trong tuần này, làm tăng thêm kỳ vọng rằng số phận của ông Phúc đã được định đoạt.

Ông Phúc, người được biết đến ở Việt Nam với tính cách thân thiện và tình yêu dành cho đội tuyển bóng đá quốc gia, đã từng được cho rằng, sẽ là Tổng bí thư đảng, cương vị danh giá nhất của Việt Nam, trong tương lai.

Với tư cách là Thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021, ông đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6% hàng năm cho quốc gia chuyên sản xuất đang phát triển của châu Á này và giúp thúc đẩy quá trình tự do hóa, bao gồm các thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu và các cường quốc Thái Bình Dương.

Bất chấp sự từ chức của ông Phúc, chính phủ hôm thứ Ba 17-1 đã ca ngợi những thành tích của ông, đặc biệt là phản ứng với đại dịch.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, đạt được những kết quả quan trọng”, thông cáo viết.

****

Time: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức giữa chiến dịch thanh trừng lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng

John Boudreau – Bloomberg/ Cù Tuấn, dịch

Chủ tịch nước Việt Nam từ chức và bị rút khỏi các cơ quan hàng đầu của Đảng Cộng sản trong một cuộc cải tổ chưa từng có, khi cuộc thanh trừng chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng giăng ra một mạng lưới ngày càng rộng.

Ủy ban Trung ương Đảng đã chấp thuận yêu cầu của Nguyễn Xuân Phúc từ chức tất cả các chức vụ của ông, kể cả ủy viên Bộ Chính trị và chủ tịch nước, theo một tuyên bố trên trang web của Đảng Cộng sản.
Ông Phúc, 68 tuổi, được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước vào tháng 4 năm 2021 sau nhiệm kỳ 5 năm làm thủ tướng, một trong bốn vị trí quyền lực nhất của Việt Nam.

Việc ông bị cách chức diễn ra ngay sau khi hai Phó thủ tướng — cựu Ngoại trưởng hàng đầu Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, người lãnh đạo công tác ứng phó với Covid-19 — từ chức để chịu trách nhiệm về các cuộc điều tra hối lộ liên quan đến các chuyến bay hồi hương và nhà sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19.

Theo thông cáo, trên cương vị Thủ tướng, ông Phúc đã lãnh đạo thành công cuộc chiến chống dịch Covid-19 của cả nước. Tuy nhiên, ông nhận trách nhiệm chính trị với tư cách là người đứng đầu về những vi phạm, sai phạm của các cán bộ khác, trong đó có 2 Phó thủ tướng và 3 Bộ trưởng, và đã gửi đơn xin từ chức.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ trở thành quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bỏ phiếu bầu ra nhà lãnh đạo mới, theo hiến pháp quốc gia.

„Biến động chính trị trong hệ thống độc đảng được biết đến với sự ổn định chính trị xảy ra khi ông Trọng tăng cường nỗ lực loại bỏ tận gốc các quan chức bị coi là tham nhũng hoặc không ngăn chặn được tham nhũng vì quản lý lỏng lẻo hoặc không kiểm tra kỹ lưỡng các quan chức được thăng chức vào các vị trí có ảnh hưởng„, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, cho ý kiến.

Ông nói: “Cách nó được thực hiện từng phần – kiểu câu giờ – đặt ra câu hỏi: ‘Liệu sẽ có thêm ai nữa không?’.”

Mặc dù nhiệm kỳ Chủ tịch nước của Việt Nam chủ yếu mang tính nghi lễ, nhưng trong nhiều năm, ông Phúc đã là bộ mặt của Việt Nam trước các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà ngoại giao trên khắp thế giới. Trong khi giám sát một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và cải thiện quan hệ với Mỹ, ông Phúc thường xuyên gặp gỡ các giám đốc điều hành hàng đầu và ủng hộ thương mại tự do trong các bài phát biểu thường xuyên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

Ông Thayer cho biết, bất ổn chính trị chắc chắn sẽ gây khó chịu cho một số nhà đầu tư, những người đã giúp quốc gia Đông Nam Á này trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam đã được hưởng lợi từ các công ty toàn cầu như các nhà cung cấp của Apple Inc. và Samsung Electronics Co. đang biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa.

Ông Thayer nói: “Nó đang tạo ra sự không chắc chắn ở Việt Nam. Vị Bộ trưởng mà bạn đang làm việc hôm nay có ở đó vào ngày mai không?”

*****

Đoàn Bảo Châu: Bao nhiêu phần trăm cán bộ ở Việt Nam có lý tưởng phục vụ đất nước?

Theo các bạn, con số là bao nhiêu?

Muốn có lý tưởng thì người cán bộ phải có khát vọng toả sáng bằng tài, bằng tâm của mình. Thực sự khi đã ở vị trí cao, không ai trong số họ đói khát, không ai trong số họ phải nhận tiền bẩn mới tồn tại được.
Con cái họ chắc chắn đã có một tương lai tốt, đã có một bàn đạp vững chắc để vươn lên.

Tôi thương xót những thanh niên ăn trộm những ổ bánh mì, những con vịt, đã phải vào tù hơn là những vị cán bộ quyền cao chức trọng ngất trời mà phải vào tù ở đất nước này.

Nhiều bạn cười khi tôi nhắc đến từ lý tưởng. Từ ấy không hề xa lạ mà thực ra là một từ vô cùng cần thiết để một đất nước phát triển thịnh vượng.

Những vị cán bộ không nhìn thấy rằng việc của họ là ghi danh vào sử sách chứ không phải tích luỹ làm giàu cho mình và cho con cháu. Của cho con quá nhiều nhưng không chính đáng chỉ làm chúng hư hỏng. Con người nào cũng cần sự nỗ lực xây đắp cuộc đời của chính mình.
Ở Việt Nam có câu hỏi rất hay: Đồng chí ấy là con đồng chí nào mà giỏi thế nhỉ? Bởi đơn giản một lẽ là các đồng chí con không tự đi lên bằng đôi chân của mình. Nhân cách của các đồng chí con đã hỏng từ đầu rồi. Người có lòng tự trọng sẽ không chấp nhận một con đường ưu tiên như vậy. Đã hỏng thì làm cán bộ tốt sao được?

Điều này có vẻ xa lạ với đa phần mọi người ở Việt Nam nhưng lại rất gần, dễ hiểu với thanh niên các nước văn minh.

Tôi không ngạc nhiên khi củi gộc, củi khủng chất đầy và sẽ không ngạc nhiên trong một thời gian dài nữa. Bởi các đồng chí thiếu gốc, các đồng chí ăn xổi ở thì và văn hoá các đồng chí không cao.
Phú quý lòng bao giờ cũng hơn thứ phú quý bề mặt mà xã hội tôn sùng và sợ hãi.

Mỗi người ăn được bao nhiêu trong ngày, ngủ được mấy giường trong một đêm, sống được mấy trăm năm mà các đồng chí tham quá vậy?
Vậy câu chuyện của những người dân mất đất có thật khôn,g hay do thế lực thù địch bịa ra? Thật đấy, thật 100% đấy, rất đau xót, vô cùng đau xót đấy. Nhân dân đã theo lời kêu gọi của các đồng chí để lao vào khói lửa, bao thanh niên hy sinh tuổi xuân, bao bà mẹ ông bố mất con cho một ngày mai tươi sáng nhưng rồi các đồng chí đã cho họ cái gì trong thời bình? Biết bao gia đình mất đất, bị chôn vùi trong nỗi uất hận, sự đau khổ, phản kháng đấu tranh không khéo là vào tù, rồi chết rục trong cô đơn, tủi nhục.

Những gì tôi viết là sự thật, là nỗi đau khổ thực sự, cho dù có bị chụp mũ, bị đặt tên, phân loại kiểu gì thì sự thật vẫn là sự thật. Con chim sinh ra phải hót, người chính trực sinh ra phải nói sự thật, cho dù có phải trả giá cho lời nói của mình.

Thay vì cảm giác hả hê tầm thường, tôi chỉ thấy đau xót, một đất nước mà tham nhũng tràn lan như vậy thì đi đâu về đâu, người dân biết dựa vào đâu để có niềm tin vào ngày mai. Hiện thực chính là sự hứa hẹn của mấy chục năm trước, khi bao triệu thanh niên lao mình vào máu lửa đấy.

Lịch sử sẽ ghi tên các đồng chí, nhưng ghi vào phần nào thì tôi không chắc.

Một căn nhà mà các cột trụ mục ruỗng như vậy thì người dưới mái nhà ấy sẽ ra sao? Lòng tự hào dân tộc, lòng tin vào tương lai sẽ thế nào? Thế hệ trẻ biết ngẩng mặt vào đâu để học những điều từ tế?

*****

Lê Huyền Ái Mỹ: Quân Vương

“Ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu” – (Tuổi Trẻ).
So với bản tin “thôi giữ chức” của hai vị phó thủ tướng cực ngắn thì bản tin về vị nguyên thủ tướng, đương kim chủ tịch nước lại… rõ nét hơn. Qua đó cũng xác tín “trong đó có hai phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng”, vốn đã được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng “tiết lộ” tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra năm 2022, hôm 10.1, hai phó thủ tướng đã tự giác nhận trách nhiệm chính trị, xin thôi nhiệm vụ vì để lĩnh vực phụ trách xảy ra khuyết điểm, vi phạm.

Chưa kể lời nhắn nhủ của cụ “ông về bảo vợ con ông…”…
Vả lại, “nếu có vấn đề sức khỏe không đảm bảo, hay uy tín giảm sút, thì xin thôi. Cấp có thẩm quyền khi đó sẽ xem xét miễn nhiệm nhiệm vụ ấy” – phát biểu của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ngày 9.1.

Quá nhiều thông tin vò vẽ nhưng là gì thì việc nêu rõ “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” và (buộc) phải thôi giữ chức một đương kim nguyên thủ quốc gia ở nước mình là việc xưa nay hiếm, giờ đã có, lại quá fast & furious nên cũng là tín hiệu mở… mắt cho những “đồng chí” còn trong đống rơm, ôm ấp ngày chui vô đống rơm.
Chỉ là tức tưởi đôi chút, cá nhân ông “nhận rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân” thì cho công bằng, Đảng cũng nhận rõ trách nhiệm với… ông không khi Đảng đã ươm mầm, nuôi dưỡng, đào tạo, rèn luyện, thử thách, tín nhiệm, bổ nhiệm ông trong từng ấy giai đoạn.

Còn nhân dân – cũng muốn biết cụ thể đó là trách nhiệm gì, là cái vị trí đứng đầu ấy đấy, nó cơ man những vi phạm, hệ lụy nào. Liệu sau đây, với những ví dụ điển hình từ Việt Á đến AIC và hàng loạt “đăng kiểm”, Đảng có thực hiện một tổng kết chuyên đề, chỉ rõ từng lỗ hổng, lợi dụng lỗ hổng và vô hiệu hóa từng/ toàn cấp ủy đảng, công khai trước nhân dân, đối thoại với cử tri – đáp lại là giải trình của chính phủ, của từng cấp chính quyền, lĩnh vực ở từng vấn đề xã hội – để ít nhất cũng là phép “trị liệu” ngăn ngừa, cảnh tỉnh!

Đất nước chỉ một đảng thì lấy sức cạnh tranh tự thân mà làm sạch mình đi, tăng “kháng thể” liêm chính, hiểu biết, trung thực để mạnh lên đi, đừng hễ/dễ nghĩ ai chống mình, phá mình mà mình tự hư, tự hoại, tự hủy tự khi nào, từ đâu, có “địa chỉ” và “chỉ dẫn sử dụng” hết cả đấy! Nó là nhân để đưa đến quả ngày nay, không triệt nhân thì quả cứ rụng đầy, thối cả sân, ung cả vườn, mạt cả rừng.

Như hôm qua, hai bóng hồng blouse trắng vừa bị bắt, nối đuôi theo “minh quân” giám đốc; hôm nay lại cựu cục trưởng đăng kiểm nhận hối lộ như nhận lương tháng bị tóm, cảm giác cứ chạm thật nhẹ, rung thật khẽ vào đâu, đơn vị nào cũng xịt ra những hàng lớp cán bộ, lãnh đạo, doanh nghiệp tiếp tay sai phạm, gian dối, tham ô, hối lộ.
Thì chịu trách nhiệm trước nhân dân, nào đâu chỉ mỗi mình ông chủ tịch.

***
Thời cổ đại, nhiều vương hầu, trong đó có Achilles đã được gửi cho Centaur Chiron – trong thần thoại Hy Lạp thì đây là loài nửa thú nửa người – nuôi nấng, dạy dỗ, tức là mỗi vị quân vương đều phải biết sử dụng bản năng của nửa người nửa thú. Bậc quân vương không cần phải có tất cả những phẩm chất tốt như nhân từ, trung tín, nhân đạo, chính trực nhưng cần phải làm như có tất cả. “Một vị quân vương ở thời hiện tại, mà tôi không tiện nhắc tên, không rao giảng điều gì khác ngoài hòa bình và lòng trung tín, và ngài không ưa cả hai thứ đó; và nếu ngài còn theo đuổi hai thứ đó thì chúng đã lấy của ngài tên tuổi và cả sự nghiệp rất nhiều lần rồi”.
Là mấy ý, câu tôi vừa đọc được trong cuốn Quân vương của nhà tư tưởng N. Machiavelli, sống cách chúng ta gần 600 năm trước.

*****

Mai Bá Kiếm: Làm ơn loại bỏ chữ „đầu tàu“ ra khỏi ngôn ngữ chính trị!

Chiều nay, anh Bảy „vịt quay“ ca bài „Chia Tay Mùa Xuân“ (nhạc Đức Dũng, thơ Nguyễn Đình Chính) có câu rất giống hoàn cảnh của anh „Chúng mình chia tay nhau khi tháng giêng vừa tới“, nên anh sẽ không chúc tết đồng bào lúc giao thừa Xuân Quý Mão!

Tôi mừng vì lý do khác, từ nay khỏi phải loạn não vì cái „đầu tàu“, do đi thăm tỉnh nào ảnh đều „ca“ tỉnh đó là „đầu tàu“ kinh tế cả nước. Nhưng tôi lại thất vọng, vì anh Võ Văn Thưởng lại nhắc vai trò „đầu tàu“ của TP.HCM đang giảm trong tâm trạng rất đau khổ. Tôi liên tưởng bài „Lời đắng cho một cuộc tình“:

„Cuộc tình nào rồi cũng phôi pha
Một „đoàn tàu“ biết mấy sân ga
Xin em xem anh như một ga nhỏ dọc đường“.

Tôi dân Sài gòn 4 đời, chỉ thích SG là một sân ga quèn.
Anh Thưởng ạ, đoàn tàu SE 7/8 có 59 toa, anh Bảy ví von 59 toa như 63 tỉnh, thành, trong đó TPHCM có công suất lớn nhất phải kéo. Nhưng anh Bảy vui tính, hay nói lấy lòng, nhưng mau quên!

Về lý thuyết, đoàn tàu mà có nhiều đầu tàu sẽ trật đường ray và lật trong vòng một nốt nhạc. Về ẩn dụ, không nước nào gọi nền kinh tế quốc gia là „đoàn tàu“, trong đó có một địa phương giàu nhất làm „đầu tàu“ kéo.

GDP California năm 2022 là 3.160 tỷ USD, đứng hàng thứ năm thế giới nhưng không có tổng thống Mỹ nào „ca“ California là: đầu tàu“ hay „bệ phóng“ nền kinh tế Mỹ.

Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến đứng thứ 1, 2, 3 của nền kính tế TQ, nhưng Tập chưa bao giờ gọi 3 nơi này là „đầu tàu“. Vì đơn vị hành chính không thể là một „cổ máy kinh tế“. Từ năm 1980, TQ chọn làng chài Thẩm Quyến làm „Đặc khu kinh tế“ với các chế độ ưu đãi mà các địa phương khác không có được. Chính „Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến“ là „đầu tàu“ kéo nền kinh tế TQ. „Cơ chế, chính sách“ là „cổ máy“ chứ không phải UBND Thẩm Quyến!

Sau đó, TQ lập ra „Khu Mậu dịch thương mại tư do“ với nhiều chính sách ưu đãi cho Thượng Hải. Khu mậu dịch này là „đầu máy đẩy“ phụ đầu tàu kéo „Đặc khu kinh tế“ đưa nền kinh tế TQ vọt lên hạng nhì thế giới. Tập không động viên các tỉnh phía Tây bị khóa sâu trong lục địa làm „đầu tàu“, dù ông cố gắng mở „một vành đai, một con đường“ khai thông logistic cho các tỉnh không giáp biển.

TP.HCM chỉ dựa vào hạ tầng kính tế cũ và sự năng động của lãnh đạo thời mở cửa mà phát triển kinh tế đứng đầu cả nước. Tôi từng được theo viết bài về chuyến đi Cần Giờ của ông Trần Xuân Giá khảo sát đề án „Đặc khu kinh tế Cần Giờ“ (có làng chài nghèo như Thẩm Quyến), nhưng Trung ương có duyệt đâu?

Lẽ ra phải buộc ba Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc làm „đầu tàu“ mới đúng nghĩa.
Cơ chế đặc thù cho „chính quyền đô thị“ TP.HCM cũng không thể vượt trên Luật tổ chức UBND, HĐND và luật Ngân sách thì có sức mạnh đâu để làm „đầu tàu“. Chính quyền địa phương không thể là một cổ máy kinh tế cho cả nước. Tóm lại, „vặt lông“ hay „đầu tàu“ mới hợp nghĩa khi điền vào chỗ trống?

*****

Vào trung tuần tháng 1-2023, ông Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch nước, đã có đơn xin thôi tất cả các chức vụ. Lý do của ông Phúc xin thôi, không phải là vì sức khỏe, mà là nhận trách nhiệm chính trị liên quan đến một số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Trước khi viết đơn xin từ chức, ông Phúc đã được Trung ương Đảng ra kết luận cho việc ông ta và gia đình ông ta không dính dáng đến cái gọi là đại án test kit Việt Á.

Theo bước ông Phúc, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng, cũng có đơn xin thôi tất cả các chức vụ, lý do cũng không phải vì sức khỏe, mà vì nhận trách nhiệm chính trị liên quan đến thời kỳ làm Bí thư Quảng Ninh 10 năm trước.
Hai đơn từ chức của hai ông, một ông được xem xét ngay trước khi nghỉ Tết nguyên đán theo nguyện vọng, ông còn lại khi ra tết. Áp lực đủ lớn để cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận trách nhiệm chính trị về hàng loạt ủy viên trung ương Đảng trong hai năm qua lũ lượt đi tù, trong khi ông ta là Trưởng tiểu ban nhân sự đại hội 13. Dự kiến sự ra đi của Trọng diễn ra vào mùa hè năm nay, khi Trung ương họp hội nghị giữa kỳ.
Nhưng ông Trọng có từ chức hay không, thì còn phải xem ở mức độ trơ trẽn của ông ta đến đâu, mặc dù luôn mồm nói về việc “nêu gương”.
Mặt khác, cũng còn phải xem các thế lực trong Đảng có muốn ông ta nghỉ hay không. Một khi, họ chưa tìm được “ngọn cờ”, thì ông Trọng, hẳn là vẫn tại vị.
Bây giờ, hãy nói về người đi đầu trong “nêu gương”. Nếu nói ông Nguyễn Xuân Phúc bị các đồng đảng đánh cho tan tác đến mức buộc phải chọn con đường rút lui cũng đúng; ông ta rút lui để mở đường sống cho các ủy viên trung ương Đảng cũng đúng, vì ông Phúc từ chức, thì mới có lý do để buộc ông Trọng từ chức, ông Trọng từ chức thì gần 200 ủy viên trung ương mới thoát kiếp nạn.
Nếu nói ông Phúc rút lui để bảo toàn mạng cho ông ta cũng đúng, bởi kể từ khi Trần Đại Quang chết, giới chóp bu cung đình đều đã biết đến lời nguyền của Quang: Ai ngồi ghế Chủ tịch nước quá hai năm đều khó giữ mạng. Thời kỳ Nguyễn Phú Trọng kiêm hai vai, Trọng hầu như không bao giờ sang ngồi bên Phủ chủ tịch. Vừa tiếp quản ghế Chủ tịch nước tháng 10-2018, tháng 4-2019, Trọng đã gặp một trận thấp tử nhất sinh khi vi hành ở Kiên Giang.

Vô số người dân có hay không quan tâm đến chính sự cũng đều còn nhớ, lúc 0h đêm đầu quốc tang Trần Đại Quang, sấm sét rền rĩ kinh hoàng khắp Ba Đình khi lời nguyền được chứng. Quốc tang, con cả Trần Đại Quang – Trần Quân, đọc lời điếu kiên quyết không nhắc dù chỉ một lời đến đầu Đảng Nguyễn Phú Trọng và trong giờ phút Trọng đứng viếng, chữ “g” trên phông nền “Vô cùng thương tiếc…” đột nhiên lao xuống đất.

Trọng vẫn còn như ngày hôm nay, dù chân quay quay và đầu quay quay, hẳn là vì Thiên triều phương Bắc có “hồng phúc”. Nhưng người Việt mấy năm nay đều lưu truyền một câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hơn 500 năm trước: “bạc phúc sản tất vong”.
Để Trong có thể lưu danh thiên cổ với câu nói bất hảo: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay”, cả nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, ông Phúc và cả Chính phủ của ông ta nai lưng làm cật lực. Nhiệm kỳ đó đã tạo ra hơn 1.200 tỷ đô la GDP và hơn 8 triệu việc làm, chưa bao gồm rất nhiều việc làm ở khu vực kinh tế phi chính thức; Quan chức; Doanh nghiệp và người dân được an hưởng thái bình để cùng làm ăn, cùng sống.

Bởi suy cho cùng, quan chức, doanh nghiệp có yên ổn, thì dân mới có công ăn việc làm, có kế sinh nhai. Cũng có rất ít các vụ án oan xảy ra ở thời kỳ này. Nơi vỉa hè ở các văn phòng trung ương đảng, văn phòng chủ tịch nước, văn phòng chính phủ, văn phòng quốc hội, không hề có bóng của những đám đông kéo nhau đi kiện, khác hẳn thời kỳ trước đó, những nơi này đều là tụ điểm bị Đảng coi là “tập trung gây rối”.

Lần đầu tiên, thời kỳ ông Phúc làm Thủ tướng, dự trữ ngoại hối đạt được tới 111 tỷ đô la Mỹ (khi bàn giao lại cho Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính – người được ông Trọng chọn ghế Thủ tướng – phương án nhân sự đặc sắc nhất Đại hội 13, thì chỉ chưa đầy một năm, số dữ trữ ngoại hối này đã bay hơn 2/3).

Ông Phúc – dù bị đánh cho buộc phải nghỉ, hay đến lúc bản thân ông ta đến lúc thấy cần phải nghỉ khi tuổi tác cũng đã 70, trong khi đường đến Tổng Bí thư thì đầy hiểm ác, ngồi lại thị bị ám ảnh lời nguyền; thì sự ra đi của ông ta cũng đi vào lịch sử.

Một khi sự ra đi của ông ta khỏi chính trường Việt bây giờ cùng sự ra đi nối tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong những ngày sau tết, đều có thể xem là những quyết định trọng đại, thức thời; nếu có thể tạo ra sức ép để Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng noi gương mà làm theo, cũng là điều may mắn cho đất nước.

Bất kể hai ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, đã từng làm những việc gì, tham ô hay không, tham nhũng hay không, thì giờ phút họ chọn cách ra đi như vậy, cũng có thể xem như những trang tuấn kiệt.

Một Việt Nam đã trở nên quá tồi tệ trong mắt bạn bè quốc tế khi có Đảng trưởng ngồi xổm lên điều lệ để tại vị. Một Đảng trưởng bệnh hoạn, cổ hủ, giáo điều, chỉ biết nhất nhất khom lưng khen trà Tàu ngon hơn trà Việt.

Có thể kẻ kế vị Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng còn đốn mạt hơn gấp bội.
Thì càng ứng lời sấm của Trạng Trình “bạc phúc sản tất vong”.
Đó mới là điều may mắn thực sự của dân tộc.
Một triều đại đã đến lúc cáo chung.
Trên thế giới, chỉ còn Việt Nam, Trung cộng, Triều Tiên, Cu Ba còn duy trì chế độ cộng sản.

*****

Đớp một miếng dân tàn nước mạt
Nhậu một bữa sử sách ghi danh…

CỚ SAO BẮT TỘI MỖI MÌNH CHỊ THU?

Đinh Bá Truyền

Anh Bảy về, thì nghỉ khỏe, có chi mô. Thế mà làng Face mấy hôm nay quy tội cho chị Trần Thị Nguyệt Thu là Đắc Kỷ thời nay.

Chị Thu xuất thân gia đình gia giáo. Người dân Đà Nẵng chắc ai ai cũng biết song thân của chị Thu là ông giáo Thêm và bà giáo Toản. Trước 1975, ông Thêm là giáo sư (danh xưng của giáo viên trung học thời ấy) tại trường Bồ Đề. Bà Toản là giáo viên trường Tây Hồ.

Ông Thêm và bà Toản còn là những Phật tử thuần thành và đều là đệ tử của Hòa thượng Thích Minh Tuấn. Cả nhà tham gia phong trào Gia đình Phật tử, rất nề nếp và gương mẫu.

Trước khi anh Bảy ra Trung ương, vợ con sống bình dị, không điều tiếng gì. Nhưng kể từ khi anh Bảy trúng BCT, vợ con anh Bảy đều có hỗn danh rất kêu, kiểu như Thu mẫu hậu, Hiếu thái tử, Trang công chúa, Hùng phò mã.

Rõ ràng nhờ quyền lực của một Ủy viên BCT mà vợ con anh Bảy mới có nhiều cổ phần trong những „sân sau“ của anh ta.
Không những thế, anh Bảy còn ban phát lợi lộc cho bà con anh ta như:

– Nguyễn Quốc Dũng (anh trai)
– Nguyễn Thị Thuyền (chị gái)
– Huỳnh Thị Liễu (vợ ông Dũng)
– Trần Minh Hương (chị vợ)
– Trần Nguyệt Phượng (chị vợ)
– Trần Công Tuấn (anh vợ)
– Trần Công Tấn (anh vợ)
– Vũ Chí Kiên & Nguyễn Thị Ái Xuân (ông bà thông gia)
– Vũ Ái Hương (em Hùng phò mã)

Tội này tội cả gia đình
Cớ sao bắt tội mỗi mình chị Thu?