Seite auswählen

Công nhân tại một nhà máy may ở Hà Nội (minh họa) AFP

 

Hoa Kỳ đang gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề quyền của người lao động bao gồm cả việc cho phép các công đoàn lao động được hoạt động độc lập khỏi sự chi phối của Đảng Cộng sản.

 

Trang Nikkei Asia hôm 30/1 cho biết Hoa Kỳ cũng đang gia tăng các cảnh báo về việc sử dụng lao động cưỡng bức, đặc biệt là ở Tân Cương, Trung cộng, nơi các vật liệu bông sợi được cung cấp cho ngành dệt may của Việt Nam.

 

Hoa Kỳ từng đã gây sức ép đối với Việt Nam trong việc cho phép thành lập công đoàn độc lập khi đàm phán Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng sau đó Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định này.

 

Tuy nhiên, vào năm 2022, Hoa Kỳ đã lần đầu tiên bổ nhiệm một tham tán phụ trách vấn đề lao động ở Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Đó là ông Chad Salitan. Điều này cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden đặt vấn đề lao động là trọng tâm trong chính sách thương mại.

Ông Salitan nói với Nikkei rằng hiện giới chức Việt Nam vẫn còn đang soạn thảo nghị định liên quan đến các quyền của các tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam. Dự kiến nghị định này sẽ được đưa ra vào năm nay. Hoa Kỳ đang đàm phán với các đối tác Việt Nam để soạn thảo nghị định này.

 

Giới chức Mỹ cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến tình trạng các nhà máy ở Việt Nam sử dụng bông sợi từ Tân Cương.

 

Tổ chức phi chính phủ Business & Human Rights Resources Centre (Trung tâm Tài nguyên về Kinh doanh & Quyền con người) hồi cuối tháng 7 cho biết, nhiều nhóm vận động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc các nhà sản xuất ở một số quốc gia như Việt Nam và Bangladesh đóng vai trò tẩy xóa nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm bông-sợi-nguyên liệu dệt may có nguồn gốc từ Tân Cương của Trung cộng.

 

Việc giấu nguồn gốc này là để tránh bị chế tài bởi Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ vừa đi vào hiệu lực hồi tháng 6 năm ngoái.

 

VOA (02.02.2023)