Seite auswählen

Phạm Chí Dũng


Lần đầu tiên trong lịch sử mối quan hệ Liên minh châu Âu (EU) với chính quyền Việt Nam nói chung và với giới xã hội dân sự độc lập – bao gồm những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam – nói riêng, một văn bản hành chính của Văn phòng Chủ tịch Hội đồng châu Âu (cơ quan chính trị cao nhất EU) đã được gửi đến 17 tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam, phúc đáp bản kiến nghị ngày 18/1/2019 của khối xã hội dân sự độc lập về phản ứng tình trạng chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng và đề nghị hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam

Văn bản trên mang số SGS19/001167, ký ngày 12 tháng 2 năm 2019 bởi một viên chức có trách nhiệm, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, trong đó nhấn mạnh: “Các vấn đề nhân quyền vẫn liên tục được EU nêu ra với Việt Nam, kể cả ở cấp cao nhất. Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam tới đây cũng là một dịp để chúng tôi tiếp tục việc này, và sẽ đề cập đến khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đối với quyền tự do biểu đạt, tự do hiệp hội, tự do tụ tập, tự do tôn giáo tín ngưỡng, và trường hợp của cá nhân những nhà hoạt động nhân quyền”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng cho biết nhà nước Việt Nam “đã nhiều lần nhắc lại cam kết thúc đẩy tiến bộ nhanh chóng” trong lĩnh vực liên quan đến quyền lao động, và “EU chắc chắn sẽ theo dõi sát sao bất kỳ diễn tiến nào trong lĩnh vực này”.

Cuối thư, Hội đồng châu Âu xác quyết việc họ ủng hộ các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tiếp tục nỗ lực đấu tranh để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong nước.

Văn bản của Văn phòng Chủ tịch Hội đồng châu Âu gửi cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế và 17 tổ chức xã hội dân sự độc lập, trong đó có những tổ chức trong nước như Hội Bầu Bí Tương Thân, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Hội Nhà báo Độc lập, Defend the Defenders, Văn phòng Công lý và Hòa bình, Luật Khoa tạp chí, Hội đồng Liên tôn và một số tổ chức tôn giáo khác.

Sự công nhận mặc nhiên

Nguyễn Anh Tuấn – một nhà hoạt động nhân quyền có nhiều kinh nghiệm quốc tế vận cho biết trước đây EU thường chỉ trả lời thư kiến nghị của những tổ chức xã hội dân sự bằng hình thức thư ghi nhận ý kiến và cám ơn. Nhưng văn bản của EU gửi các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam vào ngày 12/2/2019 là một trường hợp đặc biệt vì đó không phải là một bức thư cám ơn, mà là một công văn mang tính thông báo tình hình và thể hiện thái độ tôn trọng hơn hẳn với giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. EU thường sử dụng văn bản hành chính để làm việc với các đối tác, và trong trường hợp này, đó là sự công nhận mặc nhiên của EU đối với vị thế chính trị – xã hội của các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, bất chấp chính quyền Việt Nam chưa từng thừa nhận cũng như đã cố tình quên lãng quyền tự do lập hội được quy định bởi hiến pháp 1992.

Rõ ràng vào đầu năm 2019, vai trò và vị thế của giới tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam đã vươn lên một tầm cao mới trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Vào trung tuần tháng 1 năm 2019 khi Hội đồng châu Âu chuẩn bị một cuộc họp để bỏ phiếu về khả năng có phê chuẩn EVFTA và sau đó trình cho Nghị viện châu Âu hay không, một bản kiến nghị khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) cùng 17 tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam gửi đến Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và các cơ quan liên quan, yêu cầu EU hoãn thông qua EVFTA vì chính quyền Việt Nam đã không làm bất cứ điều gì để cải thiện nhân quyền, và ‘nhân quyền trên hết’ – điều kiện cần của Nghị viện châu Âu – cho tới nay đã hoàn toàn bị chính thể độc trị ở Việt Nam phớt lờ.

Ngay sau đó, cuộc họp của Hội đồng châu Âu đã quyết định hoãn phê chuẩn EVFTA, tạo nên một cú số lớn đối với chính thể Việt Nam – giới chóp bu mà cho tới gần thời điểm đó vẫn tự tin với kết quả ‘EVFTA sẽ sớm được ký kết và phê chuẩn’ cùng một luồng dư luận trong nội bộ đảng về ‘châu Âu cần Việt Nam hơn Việt Nam cần châu Âu’, đặc biệt sau cuộc điều trần EVFTA tại Brussels của Bỉ vào tháng 10 năm 2018 mà sau đó Ủy ban châu Âu đã chuẩn thuận EVFTA và gửi tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét phê chuẩn, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng hệ thống tuyên giáo và báo đảng đồng ca về ‘thắng lợi EVFTA’.

Nhưng thái độ chủ quan thái quá đã phải trả giá. Những tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài Việt Nam – giới mà chính quyền luôn coi thường ‘chỉ có một nhúm người’ và hoàn toàn không phải là đối trọng chính trị của đảng CSVN, đã làm nên một chiến thắng ngoạn mục nhưng được tích lũy bởi chiều sâu hệ thống: bản kiến nghị yêu cầu hoãn EVFTA đã có tác động đáng kể đến EU và dẫn đến quyết định hoãn EVFTA.

Thắng lợi này đã dẫn ra một định đề ‘sáng mắt sáng lòng’ đối với đảng CSVN: nếu ở trong nước, đảng có thể huy động hàng trăm ngàn công an để bóp nghẹt quyền làm người của người dân, đàn áp dã man các cuộc biểu tình và đình công, bắt bớ giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, thì khi ra sân chơi quốc tế lại là một câu chuyện khác hẳn. Dù chỉ là ‘một nhúm người’, nhưng giới tổ chức xã hội dân sự với hành động đấu tranh cho quyền lợi của người dân lại có sức ảnh hưởng quốc tế và hiệu quả quốc tế vận cao hơn rất nhiều so với Bộ Ngoại giao và các tổ chức ‘cánh tay nối dài của đảng’ chỉ biết mị dân và dối trá về nhân quyền.

Quyết định hoãn EVFTA của Hội đồng châu Âu là bằng chứng rõ ràng nhất cho tới nay về việc Liên minh châu Âu không còn đáng bị xem là yếu thế và nhu nhược trong con mắt của chính quyền Hà Nội, và quyết định này là sự tuân thủ một cách triệt để và kiên định tinh thần bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu ban hành vào tháng 11 năm 2018.

Quyết định hoãn EVFTA cũng là một cảnh báo gián tiếp đối với chính quyền Việt Nam: không chịu cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, thực chất và mang tính chứng minh được, sẽ chẳng có EVFTA nào tự động chui vào dạ dày của những kẻ chỉ biết ăn không biết làm.

Và nếu những kẻ đó vẫn chỉ biết ăn mà không biết làm, thậm chí quốc hội mới của châu Âu sau tháng 5 năm 2019 cũng sẽ không tái xem xét hiệp định này cho những kẻ chỉ biết đàn áp đồng bào của mình.

Vận hành cơ chế tham vấn xã hội dân sự

Sau vụ EVFTA bị hoãn, có lẽ giới chóp bu Việt Nam đã phải nhìn nhận Xã hội dân sự không chỉ là một thực thể, mà còn là một thực thể không hề yếu ớt trong cuộc chiến nhân quyền với chính quyền.

Văn bản của EU thông báo tình hình nhân quyền – EVFTA cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam không những là một sự công nhận thực thể trên, mà còn là sự thể hiện công khai một phương châm và phương pháp làm việc của EU: nhấn mạnh vai trò tham vấn của các tổ chức xã hội dân sự như một quy định nằm trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA mà phía Việt Nam đã ký. Không cần chờ đến khi EVFTA được triển khai (chưa biết khi nào), ngay vào lúc này đây EU đang vận hành cơ chế tham vấn ấy với tiêu chí ‘nhân quyền trên hết’.

Cơ chế vận hành mang tính hành chính và tôn trọng trên cũng có nghĩa là nếu trong thời gian tới EVFTA được ký kết, phê chuẩn, bỏ phiếu thông qua và đi vào triển khai, những cuộc họp của EU với các cơ quan của chính phủ Việt Nam về các dự án thành phần và tiểu thành phần trong hiệp định này sẽ có thể có mặt những tổ chức xã hội dân sự về lao động, môi trường và nhân quyền – như một yếu tố thúc đẩy và đảm bảo tính minh bạch hóa các chương trình và dự án, gia tăng phản biện của cộng đồng và nhân dân và tăng cường tính hiệu quả của hiệp định để hạn chế đến mức tối thiểu hành vi lạm dụng, lợi dụng, lũng đoạn và tham nhũng của giới quan chức Việt Nam trong quá trình thực hiện Hiệp định EVFTA.