Xôn xao tin ngôi miếu thờ ‘Người Ở Lại Charlie’ bị phá hủy
KON TUM, Việt Nam (NV) – Nhiều ý kiến trên mạng xã hội trong hai ngày 5 và 6 Tháng Hai bày tỏ sự phẫn nộ trước hình ảnh và video clip cho thấy cảnh một ngôi miếu được cho là thờ Trung Tá Quân Lực VNCH Nguyễn Đình Bảo trên đồi Charlie, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, bị đập phá.
Hai căn cứ Charlie và Delta nằm trong tuyến phòng thủ gồm nhiều cứ điểm của Quân Đoàn 2 Quân Lực VNCH ở phía Tây Sông Pôkô và quốc lộ 14, là những mục tiêu bị Cộng Quân tấn công đầu tiên trên đường tiến quân của họ về hướng Tân Cảnh, Dakto và thị xã Kon Tum, một trong ba mặt trận lớn trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Trận đánh quyết định tại Đồi Charlie diễn ra từ ngày 11 đến 14 Tháng Tư, 1972, trong đó Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù (Tiểu Đoàn Song Kiếm Trấn Ải), tử trận, và Thiếu Tá Lê Văn Mễ, tiểu đoàn phó, quyết định rút quân khỏi Charlie.
Sau đó, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác nhạc phẩm “Người Ở Lại Charlie” để vinh danh Trung Tá Nguyễn Đình Bảo là người anh hùng trong cuộc chiến.
Được biết video clip ghi lại cảnh ngôi miếu được cho là thờ Trung Tá Nguyễn Đình Bảo bị phá hủy, được đăng tải đầu tiên trên Facebook “Lina Nguyen,” một người Úc gốc Việt, hôm 29 Tháng Giêng. Bà Lina chú thích đoạn clip: “Đường lên đỉnh Charlie” kèm với hai icon mặt khóc.
Trong đoạn clip, một phụ nữ nghẹn ngào đặt câu hỏi khi thấy miếu thờ bị phá thành những mảnh vỡ nằm ngổn ngang, chơ vơ giữa đồng cỏ cháy trên đồi Charlie: “Tại sao lại như vậy hả chú?”
Một người đàn ông, được hiểu là người dân địa phương, trả lời: “Không biết!”
Người phụ nữ sau đó mô tả rằng “có một bàn tay phá hoại” trong việc phá miếu thờ. “Nghĩa tử là nghĩa tận mà, tại sao lại phá?” người phụ nữ nói thêm trước khi bật khóc.
Trước đó, một hình ảnh do Facebook “Ngọc Thúy Bitin’s” đăng tải hôm 6 Tháng Giêng, cho thấy miếu thờ nêu trên vẫn còn nguyên vẹn khi một nhóm du khách đi viếng đồi Charlie chụp vào thời điểm đó.
Theo một bản tin của báo Giao Thông hôm 4 Tháng Hai, điểm cao 1015 – Charlie “là một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ dày đặc phía Tây sông Pô Cô” và “từng là chiến địa ác liệt trong chiến tranh.” (N.H.K)
Thắp Nhang Sao Mà Vẫn Căm Thù Người Chết
Nguyễn Ngọc Phúc
Việt Báo
Đầu tháng 2 năm 2023, nghe được một tin buồn về đồi Charlie, nơi đại tá nhẩy dù Nguyễn Đình Bảo đã hy sinh năm 1972.
Khi được xem video clip, được nghe lời kể chuyện và được thấy cái miếu nhỏ để nhang khói cho hồn tử sĩ quân đội VNCH đã nằm xuống trên ngọn đồi Charlie nửa thế kỷ trước đây, nay đã bị đập phá tan nát như đống gạch vụn, tôi thấy lòng trùng xuống thật sâu và hụt hẫng như mới biết được có một sự lừa gạt, một điều dối trá và một chuyện không phải của văn hóa tập tục dân tộc Việt Nam hiện nay vào thế ky 21, nó ngược lại và giống như những chuyện trong lịch sử VN xa xưa.
Theo Đại Nam Thực Lục có ghi rằng thời nhà Nguyễn và vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Vương, vua Gia Long khi lên ngôi, đã cho đào mồ bốc mả, đập phá những di tích của kẻ thù cũ dù đã chết, quăng xác đi, xương cốt bị giã nát vứt đi xa, phơi thây và bêu đầu sọ người của nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ ở chợ hay làm bô đi tiểu. Không những thế còn xử lăng trì phanh thây họ hàng của nhà Tây Sơn hơn 30 người.
Trước đó, khi Nguyễn Huệ còn trên ngôi và có chiến tranh với nhà Nguyễn ở phương Nam nhưng vẫn không diệt được Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ cho rằng khí tiết nhà họ Nguyễn vẫn còn vượng quá. Cho nên, nghe lời xúi dục, nhà Tây Sơn đã cho đào mồ bốc mả toàn bộ lăng tẩm từ đầu đời nhà Nguyễn Vương ném xuống vực sâu hay vứt xuống sông. Vì vậy, cho nên, sau khi Nguyễn Vương lên ngôi, cũng đã trả thù nhà Tây Sơn bằng cách quật mồ lạị tương tự như vậy.
Trả thù người chết của người xưa quả thật dã man và kinh khủng. Đến xác chết và mồ mả cũng không được nằm yên thân với người sống.
Chuyện cái miếu nhỏ để thờ quân chủng nhầy dù, trong đó có đại tá Nguyễn Đình Bảo của quân lực VNCH, bị đập phá cũng giống như chuyện lịch sử ngày xưa ghi trên.
Chỉ khác một điều là không có mồ mả xương cốt bị bốc lên, bị giã nát và vứt đi tứ tán trên ngọn đồi Charlie hay cứ điểm 1015 do quân miền Bắc đặt tên.
Vào năm 1972, có khoảng gần 500 binh sĩ nhẩy dù thuộc tiểu đoàn dù 11 quân lực VNCH và cố vấn Mỹ trấn giữ chống lại khoảng 6-7000 quân lính của sư đoàn 320 của Bắc Việt tấn công.
Hai bên đã quyết chiến với nhau trong hai tuần lễ thật đầy máu lửa đêm ngày.
Cuộc chiến không tương xứng 1/11 này đã khiến nhiều vị chỉ huy tiểu đoàn dù 11 bị tử trận do pháo kích, kể cả chỉ huy trưởng Trung Tá Nguyễn Đình Bảo.
Kiệt quệ về nhân lực, cạn nguồn súng đạn để chiến đấu, không còn được tiếp viện để giữ đồi, những người lính dù còn lại đã chấp nhận cái chết trận tại chỗ với quân thù khi mở đường rút lui.
Mưa bom trải thảm từ B52 được gọi đến và cuối cùng đã hủy diệt tất cả những sinh vật đang cầm súng không phân biệt Quốc Gia hay Cộng Sản để tranh dành nhau một cứ điểm chiến lược, trên đồi, ngang đồi hay dưới chân đồi.
Thoát khỏi vòng vây của sư đoàn 320 quân BV và của mưa bom B52, trong số 470 sĩ quan và binh si nhẩy dù với 1 cố vấn Mỹ trấn giữ duy nhất, chỉ còn lại có 36 người và vị cố vấn Mỹ là thiếu tá John Duffy và thiếu tá dù Lê Văn Mễ, chỉ huy phó tiểu đoàn. Họ đã mất đi 434 bị tử trận. ( xin coi trên youtube về hai vị sĩ quan Lê Văn Mễ và John Duffy này trong trận chiến đồi Charlie)
Bên phía quân CS, có khoảng hơn 1250 binh lính tử trận.
Còn lại sau đó là những gì?
Hố bom, mảnh đạn và xác người tan nát vung vãi khắp nơi không còn nhận ra được anh là ai? chức vụ gì?
Rồi con tạo vẫn xoay vần, trời đất, mưa gió và cỏ cây đã dần dần rơi xuống, thổi đi, đắp lại những gì không ai nhận hay cát bụi đã phủ che lên những dấu vết của chết chóc, của bom đạn, của tranh dành và của lý tường, không còn nhìn thấy đâu là CS hay QG.
Hận thù của cả hai bên đã bị san bằng và xóa tan trên ngọn đồi Charlie và câu chuyện về nó đã được ghi vào lịch sử của đất nước từ cả hai phe thua và thắng theo cái nhìn riêng của mình.
Chuyện tưởng như đã được khép lại sau gần 50 năm trôi qua nhưng vết thương vẫn chưa lành và đang bị chảy máu.
Thật chua xót.
Sách vở chỉ để dành cho hậu thế và mọi người tham khảo khi muốn biết về câu chuyện tranh Việt Nam và cuộc chiến ở đỉnh đồi Charlie.
Người dân Việt của bên thua cuộc thì chỉ muốn lưu lại một chứng tích thật đơn giản, thật đơn sơ và thật khiêm tốn, đã chọn một chỗ ở ven đồi hoang lạnh đơn độc và chả có ai để ý để lập ra một cái miếu nhỏ với một cái bình hương và một tấm bia cũ ghi chữ Tổ Quốc Vong Thần với hình con ó, huy hiệu của lính dù VNCH nằm sâu trong đó.
Trong tập tục dân gian Việt Nam, nó giống như những cái miếu nhỏ lập ra ở đầu thôn để thờ thần làng hay ở một ngã tư nào đó nơi xẩy ra một tai nạn chết người để thờ người chết. Không hơn không kém.
Chuyện đã qua và đã qua thật lâu nhưng mọi người khi nghe đến và nhìn thấy, họ vẫn không hiểu người CS sao lại có thể hận thù những người lính miền Nam đã chết trên ngọn đồi này mà thân xác không còn nguyên vẹn, không biết nằm ở đâu và không có được một nấm mồ chôn, một dòng di tích, một dấu thánh giá cho dù vô danh hay khi hài cốt được tìm thấy.
Có thấy được một nấm mộ nào với bia khắc ghi tên không hay chỉ nằm rải rác cô độc với rắn rết giun dán, dưới lùm cây ngọn cỏ hay mặt đất nào hoang nào đó, chẳng ai biết ở đâu và là ai?
Cùng với những người lính miền Bắc, người lính dù đã chết khi không còn súng đạn để chiến đấu và đã yêu cầu pháo binh và máy bay hãy bỏ bom pháo kích ngay trên đầu và thân xác của họ ở ngọn đồi này năm 1972.
Quân sử của thế giới gần như không có ghi những câu chuyện như vậy về chiến tranh và kết thúc tàn khốc như ngọn đồi Charlie.
Một ngôi miếu nhỏ được dựng lên ở chơ vơ giữa trời gần đỉnh đồi, không tên, không tuổi, không hình, không sắc và chẳng có dấu vết gì của hận thù được ghi trên đó.
Nhang khói cũng chẳng có suốt 365 ngày cả đêm lẫn ngày trừ khi có người lặn lội nhọc nhằn đi xe lên cũng chỉ để muốn cắm một vài nén nhang và cầu khấn cho linh hồn người lính được siêu thoát chứ có màng gì đến Nam Bắc, Cộng Sản hay Quốc Gia, thù hằn hay ca ngợi, kẻ thù hay bạn bè, lý tưởng giống nhau hay khác nhau.
Giữa người sống đang khấn vái và người chết nằm ở đâu không biết, chẳng ai biết ai và cũng chẳng có liên hệ máu mủ gì hay bổn phận phải làm.
Khi họ sống, họ hoặc là người quốc gia hay người cộng sản.
Khi họ chết, họ là người Việt Nam.
Thế thôi, không còn hay với hoặc nữa.
Cái miếu nhỏ đó có nghĩa lý gì khi nhìn lên trên đỉnh đồi, một cột cờ cao ngạo nghễ của bên thắng cuộc được dựng bên cạnh một đài tưởng niệm to lớn và bề thế cho các người lính miền Bắc đã nằm xuống ở đây, ở giữa là tấm bia đá lưu niệm và tri ân liệt sĩ.
Dù thấy vậy, chẳng có ai so bì, suy nghĩ hay than thân trách phận.
Cuộc đời và thế sự đã là như vậy thì nó phải như thế thôi.
Nhưng cũng may, trên tấm bia đá ghi khắc lịch sử của ngọn đồi này, trong đó, có viết vài dòng về những người lính dù VNCH trấn giữ ở đây.
Xin đọc lời khắc ghi trong hình bên cạnh.
Bia không ghi một dấu vết hay một lời nói hận thù gì. Phải chăng, người lập miếu chỉ muốn nói về một ngọn đồi có rất nhiều người lính cả hai phe đều đã chết và mất xác tại đây.
Thế thì tại sao lại đi thù hằn và đập đổ cái miếu nhỏ không chữ, không nghĩa và không bia lập ở sườn đồi cô quạnh này?
Nếu muốn xóa tan tên tuổi và hình ảnh của những người lính vô danh của miền Nam đã chết không toàn thây ở đây thì tại sao ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ ngoại giao của VN đã cho lập bàn thờ cúng bái tưởng niệm những người lính của miền Nam ở nghĩa trang quân đội Biên Hoà và đã đích thân đến thắp nhang ở đó cùng với những người cựu quân nhân và người dân của miền Nam cũ không những một lần mà hai lần như vậy.
Những lần đi theo phái đoàn của người dân ở cả hai miền Nam Bắc, cũ và mới, ông Nguyễn Thanh Sơn đã từng tuyên bố rằng hành động và thái độ của bên thắng cuộc đã thể hiện tinh thần hòa hợp và hòa giải dân tộc trong việc lo chăm sóc mộ bia đền đài nghĩa trang của người lính bên thua cuộc.
Để chứng tỏ điều đó, ông còn móc tiền túi ra $5 triệu đồng để tặng cho ban quản lý khu nghĩa trang có tiền chăm sóc 5 ngôi mộ hư hại nhất trong nghĩa trang.
Cuối cùng như thế nào?
Câu chuyện đó, hình ảnh đó và hành động đó hình như không đủ sức đi ra ngoài nghĩa trang nghĩa là cuối cùng, chỉ nằm ở lại trong nghĩa trang này mà thôi. Nó không được chắp cánh bay đi khắp nước Việt Nam dù như ông đã nói rõ đó là chính sách của chính phủ CHXHVN.
Bởi thế cho nên, cái miếu nhỏ để thờ người lính dù chết trận đã bị đập nát trên sườn đồi Charlie.
Lời tuyên bố của ông đã được người VN của bên thua cuộc nhớ đến nhưng họ vẫn suy nghĩ.
Đây có phải là:
• Trả thù người chết khi họ không nói được chăng?
• Gạch nát mặt của tấm hình trên mộ bia của những người chết ở nghĩa trang quân đội nơi họ được chôn cất để làm gì?
• Hơn thế nữa, còn muốn trả thù người sống khi họ là kẻ thua cuộc? Họ còn cái gì để chống đỡ?
• Hôm trước thắp nhang rồi một thời gian sau, đập phá miếu thờ?
• Đã tuyên bố công khai là theo chính sách của nhà nước, cho lập bàn thờ và cho tiền túi riêng để lo săn sóc 5 ngôi mộ hư hại nhất ở nghĩa trang của những người lính mà ngày xưa coi là kẻ thù? Tiền của cá nhân ông hay của chính phủ? Người chết chỉ muốn nghe một lời của ông hơn là 5 triều đồng VN ông cho. Ông biết là lời gì không?
• Cách đó mấy trăm cây số, ở một ngọn đồi nay bị bỏ hoang, chỉ có một cái miếu nhỏ thì bị đập nát dù nó nằm chơ vơ ở sườn đồi cạnh con đường mòn lên đồi mà trên đỉnh là một cái lăng tẩm miếu kỷ niệm to lớn và bề thế dành cho liệt sĩ CS bên thắng cuộc đã nằm xuống.?
Cái lời muốn nghe đó chính là để cho cái miếu nhỏ không bị đập phá.
Có ai phàn nàn gì về sự khác biệt này hay không cho đến hôm nay?
Giữa lời tuyên bố của một ông thứ trưởng bộ Ngoại Giao nước CHXHVN Nguyễn Thanh Sơn và hành động đập phá lén lút của ai, không biết? làm sao những người mà ông thứ trưởng này muốn thuyết phục có thể tin rằng lời nói của ông:
• Đúng là chính sách chung của nhà nước?
• Đúng là chính sách thật sự và nhân đạo của chính phủ?
• Đúng là hành động chân thành và đứng đắn của những người lãnh đạo quốc gia mà ông là người đại diện?
Khi có những người làm sai những điều ông nói, với cương vị là những người lãnh đạo có trách nhiệm về chuyện này, ông sẽ có thái độ gì để chứng minh rằng:
• Ông đúng họ sai hay?
• Họ đúng ông sai hoặc ?
• Chả ai đúng chả ai sai cả.!
Lời tuyên bố nhân đạo của ông đã bay đi khắp thế giới của người Việt hải ngoại và tỵ nạn cũng như của các nước khác, những người được nghe và là những người mà ông muốn thuyết phục, họ đang chờ đợi để được nghe câu trả lời của ông sau gần 50 năm chiến tranh chấm dứt.
Khi con người đã chết ở ngọn đồi đó, trên đồi hay dưới đồi, cờ đỏ hay cờ vàng, lúc nằm xuống, họ không còn là kẻ thù với nhau, chỉ còn lại những người còn sống, còn thở, còn suy nghĩ và còn hơn thua trên mặt đất mới còn lòng thù hận với nhau.
Câu chuyện này chỉ được viết ra để hỏi những người còn sống trên mặt đất nhất là ông Nguyễn Thanh Sơn, một câu hỏi duy nhất:
THẮP NHANG SAO MÀ VẪN CĂM THÙ NGƯỜI CHẾT!