Mục lục
Lực lượng 47 và sự kiểm duyệt trên mạng xã hội
2023.02.02
Mới đây, tổ chức đảng Việt Tân tại Hoa Kỳ đưa ra một bản phúc trình về Lực lượng 47 và sự kiểm duyệt mạng xã hội tại Việt Nam. Bản phúc trình nêu lên tình trạng các dư luận viên thuộc Lực lượng 47 sử dụng cách thức báo cáo hàng loạt để khóa danh khoản Facebook của những người có quan điểm đối lập với nhà cầm quyền.
Tài khoản giả – kiểm duyệt thật
Theo nội dung bản phúc trình, khi mạng xã hội trở nên phổ biến, chính quyền Việt Nam đã tìm cách giới hạn việc viết blog, chỉ cho phép các blogger viết về các vấn đề cá nhân; yêu cầu dữ liệu người dùng phải được lưu trữ tại Việt Nam và thậm chí còn siết dòng truy cập vào các nền tảng truyền thông xã hội này.
Mặc khác, khi chính quyền Việt Nam không có khả năng hoặc không thể đóng cửa các nền tảng phổ biến như YouTube và Facebook vì lý do kinh tế, họ đã áp dụng một cách tiếp cận mới, đó là “tạo” nên lực lượng dư luận viên có tên là Lực lượng 47.
Từ những thông tin trên, tổ chức đảng Việt Tân tại Hoa Kỳ hôm 1/2/2023 đã công bố Thư ngỏ kêu gọi Facebook xóa bỏ các mạng lưới tài khoản độc hại ở Việt Nam. Thư ngỏ có đoạn nêu: “Tại Việt Nam, các mạng lưới tinh vi gồm các tài khoản Facebook ảo đồng loạt báo cáo tài khoản của các nhà hoạt động, khiến nội dung của họ bị gỡ xuống và sử dụng các lập trình tự động – bot để phổ biến hàng loạt các thông tin sai lệch.”
Nhằm hiểu rõ hơn về nội dung thư ngỏ mà đảng Việt Tân công bố, RFA đã liên lạc ông Hoàng Tứ Duy – Tổng bí thư của đảng Việt Tân và được ông cho biết thêm:
“Trong thời gian qua, khá nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam, các nhà hoạt động, các nhà dân báo bị báo cáo nội dung và bị xem là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Họ bị lấy bài xuống, bị đóng Facebook. Đây là một nỗ lực khá quy mô của Lực lượng 47, của các dư luận viên để làm sao kiểm duyệt tiếng nói độc lập, tiếng nói đối kháng với Nhà nước.
Đây là phương pháp mà Nhà nước cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện vào lúc này. Đó là vấn nạn mà nhiều người đã thấy trong thời gian qua. Cái quan trọng ở đây không chỉ là Lực lượng 47 có cả chục ngàn người do nhà nước cộng sản Việt Nam điều động, mà cái quan trọng còn là cả một mạng lưới rất nhiều tài khoản giả mạo được họ lập ra.
Theo một tài liệu nội bộ của Facebook tiết lộ, thì có thể Việt Nam đang có 15 triệu tài khoản giả trong tổng số 70 triệu tài khoản hiện có. Con số 15 triệu là con số rất lớn.”
Thông tin từ truyền thông Nhà nước cho biết, lực lượng 47 được Tổng cục Chính trị thành lập theo Chỉ thị 47/CT-CT vào năm 2016. Chỉ một năm sau khi thành lập, quân số của lực lượng này, theo thông tin từ Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, phát biểu trên tờ Tuổi Trẻ vào cuối năm 2017, đã lên đến hơn 10 ngàn người.
Trong thời gian qua, khá nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam, các nhà hoạt động, các nhà dân báo bị báo cáo nội dung và bị xem là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Họ bị lấy bài xuống, bị đóng Facebook. Đây là một nỗ lực khá quy mô của Lực lượng 47, của các dư luận viên để làm sao kiểm duyệt tiếng nói độc lập, tiếng nói đối kháng với nhà nước. – ông Hoàng Tứ Duy
Ông Nghĩa cũng khẳng định: “Lực lượng này đang hoạt động rất tích cực, hiện có ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền mọi lĩnh vực của quân đội”.
Lực lượng này, ngoài ra, còn có nhiệm vụ theo dõi, đăng tải nội dung lên các nhóm Facebook để bảo vệ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua các tài khoản cá nhân, lực lượng đăng tin, bài dưới hình thức viết bình luận và báo cáo lại cho cấp trên để tập trung đấu tranh phản bác làm tăng số lượt bình luận ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu về mạng xã hội, lực lượng này là một trong những lực lượng đông đảo nhất và có mạng lưới gây ảnh hưởng phức tạp nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Hôm 8 tháng 7 năm 2021, một bài viết của Reuters cho biết Facebook đã tháo gỡ một số tài khoản của Lực lượng 47 vì vi phạm chính sách về báo cáo hàng loạt. Nhóm này đã huy động các thành viên bao gồm quân nhân và thường dân, đồng loạt báo cáo các bài đi ngược với quan điểm của Đảng, nhằm nỗ lực buộc Facebook phải gỡ bỏ các nội dung này.
Một phát ngôn nhân của Facebook lúc bấy giờ đã xác nhận thông tin này với Đài Á Châu Tự Do qua điện thư như sau:
“Chúng tôi đã xóa bỏ một số nhóm và tài khoản Facebook tại Việt Nam vì chủ nhân đã có nỗ lực phối hợp báo cáo hàng loạt các nội dung trên Facebook. Mặc dù việc báo cáo hàng loạt không ảnh hưởng đến phán quyết của chúng tôi về bài đăng có vi phạm quy tắc hay không, nhưng nó làm suy yếu các hệ thống của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ có biện pháp đối với bất kỳ vi phạm nào mà chúng tôi phát hiện được”.
“Cuộc chiến” không cân sức…
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới – RSF – vào ngày Thế giới Chống Kiểm duyệt Internet 12 tháng 3 năm 2020 đã công bố danh sách 20 kẻ thù lớn nhất trên Internet, trong đó có Lực lượng 47 của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trả lời RFA lúc bấy giờ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam nhận định:
“Thật sự đây là cuộc đấu tranh không cân sức, bởi vì những người đấu tranh cho tự do dân chủ thì không có nguồn lực bằng lực lượng 47 của họ, họ có hàng chục ngàn người. Họ được nhà nước tài trợ không chỉ tiền bạc mà còn kỹ thuật, có thể nói họ có nguồn lực vật chất hơn hẳn các nhà đấu tranh.”
Ông Daniel Bastard, Trưởng Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF nhận xét với Đài Á Châu Tự Do cùng vào thời điểm đó cho rằng Facebook nỗ lực tháo gỡ một số tài khoản của dư luận viên là điều tích cực. Tuy nhiên, ông nói, vấn đề cốt lõi là Facebook không minh bạch về các thuật toán của họ, cũng như những thảo luận của họ với chính quyền Hà Nội.
Mặc khác, một số Facebooker mà RFA tiếp xúc xác nhận rằng, Lực lượng 47 đã sử dụng chiêu thức báo cáo hàng loạt để Facebook khóa danh khoản của họ với một lý do chung là ‘vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.’
Trong hai năm liên tiếp, mỗi một năm chị bị report hết 10 tháng. Có nghĩa chị chỉ lên Facebook được hai tháng, Cho nên dạo sau này chị không viết một cái gì được hết. Vừa mới viết lên là nó vừa report bài và giam cả tháng trời. Nó báo là chị vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. – bà Nguyễn Lai
Bà Bùi Thị Minh Hằng, người từng bị án tù về tội “gây rối trật tự công cộng” vì tranh đấu cho quyền con người ở tại Việt Nam, nói với RFA nhận định của bà:
“Nói chung, những cái mà họ không muốn cho xuất hiện thì bằng mọi cách họ report. Hơn nữa, với Luật an ninh mạng của nhà cầm quyền cộng sản, họ dùng tất cả chính sách đó để họ tấn công lại những Facebooker đối kháng với họ. Đó là điều chắc chắn. Như mình bây giờ không phát biểu gì nhưng bài vở của mình họ cũng che đậy đi rất nhiều. Rất nhiều người nói rằng không thấy bài của mình đâu. Khi họ report, họ trả lời thẳng với mình là họ đưa bài của mình xuống cuối cùng fan page. Với kinh nghiệm của những người như mình thì mình biết rằng bộ phận an ninh và chính quyền Việt Nam họ can thiệp vào việc này.
Trong số mấy chục ngàn người theo dõi, mình nhận thấy hơn phân nửa là dư luận viên. Mình không thể chặn hết được. Họ rình cả những lời comment rồi họ tiến hành những việc tiếp theo.”
Một Facebooker khác là bà Nguyễn Lai, người có lượt theo dõi cao trên Facebook và cũng thường xuyên bị Facebook ‘giam’ nói với RFA:
“Trong hai năm liên tiếp, mỗi một năm chị bị report hết 10 tháng. Có nghĩa chị chỉ lên Facebook được hai tháng, Cho nên dạo sau này chị không viết một cái gì được hết. Vừa mới viết lên là nó vừa report bài và giam cả tháng trời. Nó báo là chị vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
Cái hồi mà chị hay bị công an quấy nhiễu thì khi nó kêu lên đồn công an nó nói với chị là sáng nào nó cũng đọc bài của chị. Những bài vui vui thì nó thích, thì mình mới biết là những bài mình viết nó đọc hết.
Có một số người ở những địa phương có công an theo dõi bài của mình. Những người viết bài để chế độ bạn bè thì không sao. Chị để chế độ cộng đồng để cho mọi người đọc, để cho mọi người bình luận được thì chị rất dễ bị theo dõi và bị report.”
Từ ý kiến của các Facebooker có thể thấy, phúc trình của tổ chức Đảng Việt Tân khi nhìn nhận các đội quân an ninh mạng như Lực lượng 47 được đào tạo cách thức báo cáo các vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng với mục tiêu cuối cùng là khiến một trang hoặc tài khoản cá nhân bị cấm tạm thời hoặc vĩnh viễn, là có cơ sở.
Trong báo cáo năm 2022, Freedom House xếp Việt Nam ở vị trí thứ 5 từ dưới lên về mức độ tự do Internet, do Hà Nội đã có những hành vi kiểm duyệt nội dung và vi phạm các quyền của người dùng. Từ lâu, kiểm soát sự truy cập thông tin trực tuyến đã là một ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Mới đây, hôm cuối năm 2022, truyền thông Nhà nước loan tin, sau 25 năm kết nối internet toàn cầu, Việt Nam có hơn 73% dân số sử dụng internet, tăng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 10 châu Á Thái Bình Dương.
VOA có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư của đảng Việt Tân, một trong những tổ chức phi chính phủ đã tham gia gửi thư ngỏ, để tìm hiểu thêm về sự kiện cũng như một báo cáo chi tiết của tổ chức này về Lực lượng 47 và tình trạng kiểm duyệt không gian mạng tại Việt Nam.
VOA: Xin chào ông Hoàng Tứ Duy. Chúng tôi nhận được lá thư ngỏ (gửi cho Facebook) cũng như báo cáo về Lực lượng 47 và việc kiểm duyệt trên không gian mạng. Ông có thể cho biết là vì sao có cái lá thư mở và báo cáo vào lúc này?
Ông Hoàng Tứ Duy: Mạng xã hội đã giúp cho người Việt Nam biết được thông tin và kết nối với nhau, nhưng đồng thời chúng ta thấy với sự xuất hiện của Lực lượng 47 và các dư luận viên, đã có những nỗ lực để kiểm duyệt trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook. Có các tài khoản giả tấn công vào các nhà dân báo, nhà hoạt động… Những nỗ lực báo cáo để làm sao kiểm soát được nội dung đó. Lý do có lá thư chung của hơn 60 tổ chức nhân quyền NGO và các nhà hoạt động trên Facebook là vì nhân dịp sinh nhật thứ 19 của Công ty Facebook, chúng tôi kêu gọi ông Mark Zuckerberg giải quyết tệ nạn dư luận viên trên Facebook ở Việt Nam. Cụ thể là làm sao xoá các tài khoản giả, tài khoản ảo, và đóng các mạng lưới độc hại đang có những nỗ lực gây tác hại cho người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.
VOA: Xem báo cáo thì thấy báo cáo được thực hiện khá công phu và chi tiết. Ông có thể cho biết báo cáo được thực hiện trong bao lâu và dựa trên những cơ sở dữ liệu nào không?
Ông Hoàng Tứ Duy: Lúc lực lượng 47 của Việt Nam ra đời vào năm 2016, đã có những thông tin về những nỗ lực của họ tấn công vào cộng đồng mạng, cái này đã được một số cơ quan truyền thông, tổ chức nhân quyền đã tường thuật về những nỗ lực của Lực lượng 47. Điều chúng tôi muốn làm là chúng tôi muốn tổng hợp tất cả các dữ kiện của các tổ chức nhân quyền, các ký giả đã nghiên cứu về Lực lượng 47, kèm theo đó là những dữ kiện mà chúng tôi đã có qua chính kinh nghiệm bản thân khi Lực lượng 47 tấn công vào trang Facebook của Việt Tân. Đã có những nỗ lực báo cáo hàng loạt để Facebook phải làm sao xoá tất cả những nội dung của trang Facebook Việt Tân. Từ những kinh nghiệm đó, chúng tôi đã chia sẻ vào bản phúc trình.
VOA: Ông có thể cho biết một số ảnh hưởng tác hại của Lực lượng 47 đối với xã hội Việt Nam nói chung không?
Ông Hoàng Tứ Duy: Vâng, nó có nhiều ảnh hưởng tác hại, mà tôi muốn đưa ra hai tác hại lớn nhất. Đầu tiên, Lực lượng 47 đã tổ chức những kế hoạch báo cáo hàng loạt bài vở của các nhà hoạt động, trong đó có Việt Tân, mà chúng tôi đã đăng trên Facebook. Khi họ báo cáo hàng loạt như vậy, công ty Facebook nhiều khi không phân biệt được là những nội dung nào thực sự vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook hay không nên đã tháo gỡ những nội dung đó.
Một trong những ví dụ trong báo cáo là một bài của Việt Tân đã bị tháo gỡ vì bị cho là vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng. Đó là một bài đăng vào đầu năm 2022 và có một tấm hình. Bài về nội dung Tết Mậu Thân và có tấm hình chụp tại Huế. Đó là tấm hình rất nổi tiếng mà báo chí đăng nhiều trong 50 năm qua, nhưng tấm hình đó bị cho là vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng. Sau khi chúng tôi làm việc với Facebook thì Facebook đã đổi ngược quyết định đó. Đó là một ví dụ của việc báo cáo hàng loạt của các dư luận viên, vì khi nhân viên ban đầu của Facebook họ nhìn bài đó, họ nghĩ rằng mình đang cổ võ vấn đề bạo động hay thù ghét… Đó là một ví dụ của những bài vở bị gỡ xuống. Đó cũng là hình thức mà nhà nước Cộng sản Việt Nam kiểm duyệt những tiếng nói độc lập và đối kháng trên Facebook.
Tác hại thứ nhì là Lực lượng 47 họ đã dùng rất nhiều tài khoản giả để họ spam ồ ạt những trang Facebook có nhiều comments (bình luận). Họ dùng những tài khoản giả để tung ra rất nhiều spam như vậy và đó là cách mà họ đóng vai trò dư luận viên, họ tung những tin giả để tuyên truyền, gây ảnh hưởng xấu dư luận trên mạng.
Với hai tác hại đó, chúng tôi kêu gọi Facebook phải có hành động cụ thể là làm sao dẹp bỏ những tài khoản giả, dẹp bỏ những mạng lưới gây hại đang hiện diện tại Việt Nam.
VOA: Xét đến cùng thì Facebook cũng chỉ là một doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp thì ưu tiên lớn nhất của họ là lợi nhuận và lợi ích cho doanh nghiệp, mà Việt Nam được xem là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong khu vực đối với nhữg ông khổng lồ về công nghệ như Facebook, Google… Chúng ta có thể thấy là trong thời gian qua đã có những động thái có thể xem là “nhún nhường” của Facebook hay Google trước những yêu cầu của chính phủ Việt Nam như ngăn chặn hoặc gỡ bỏ bài viết, đóng tài khoản… Như vậy, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của yêu cầu mà trong báo cáo và thư ngỏ mà Việt Tân và các tổ chức NGO khác đã gửi đến Facebook?
Ông Hoàng Tứ Duy: Điều chị nói rất đúng. Nguyên nhân của vấn đề kiểm duyệt internet tại Việt Nam hay là trù dập trong tự do ngôn luận, đó là chính sách độc tài của Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, những công ty internet lớn như Facebook, Google, họ có trách nhiệm đối với người sử dụng hệ thống của họ. Ngày hôm nay, nếu Facebook chấp nhận những mạng lưới độc hại tại Việt Nam, những tài khoản giả, thì đây không chỉ là vấn đề nhân quyền. Lý do là vì tại Việt Nam, theo con số chính thức là có khoảng 70 triệu người sử dụng Facebook. Nhưng theo tài liệu được tiết lộ qua bà Frances Haugen là người tố giác Facebook và là nhân viên bên trong, thì Việt Nam có khoảng 15 triệu tài khoản giả trong số 70 triệu tài khoản đã công bố.
Khi Facebook chấp nhận những tài khoản giả như vậy thì những cái đó nó ảnh hưởng lên các nhà đầu tư. Một khi họ mua cổ phiếu của Facebook, họ muốn biết có bao nhiêu tài khoản thực sự ở Việt Nam. Nó ảnh hưởng đến các nhà quảng cáo khi họ mua quảng cáo trên Facebook tại Việt Nam. Cho nên đây là điều mà chính Facebook phải giải quyết cho vấn đề kinh tế của họ. Nó đi ngoài vấn đề chính sách kiểm duyệt của Hà Nội, mà đây là vấn đề của Facebook đối với các nhà đầu tư, nhà quảng cáo.
Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng đây là lúc mà chúng ta phải kêu gọi Facebook phải thực sự hành động để giải quyết nạn dư luận viên ở Việt Nam.
VOA: Việt Tân lâu nay được xem là một trong những đảng đối lập chính trị với đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam. Vậy làm sao Việt Tân bảo đảm được rằng việc gửi báo cáo và thư ngỏ tới ông Mark Zuckerberg của Facebook là thực sự công tâm, khách quan và có lợi cho xã hội tại Việt Nam?
Ông Hoàng Tứ Duy: Đây là lá thư của nhiều tổ chức NGO và nhà hoạt động, trong đó có Việt Tân cũng ký vào. Qua lá thư, chúng tôi nêu lên một sự thật ở Việt Nam đối với Facebook. Đó là mạng lưới độc hại đang kiểm duyệt tiếng nói tại Việt Nam và nó làm hại cho Facebook. Vì quyền lợi của Facebook, họ phải giải quyết những mạng lưới độc hại do Lực lượng 47 và các dư luận viên gây ra.
VOA: Cám ơn ông Hoàng Tứ Duy đã dành thời gian cho VOA.
Hơn 10.000 người trong ‘Lực lượng 47’ đấu tranh trên mạng
TTO – Hiện nhân sự Lực lượng 47 đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, “vừa hồng vừa chuyên”, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam – trình bày tại hội nghị ngày 25-12 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức tại TP.HCM ngày 25-12, cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng đã được đề cập nhiều lần.
Hơn 10.000 hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam – cho rằng mới 20 năm kể từ khi nước ta bước vào thế giới của mạng internet, Việt Nam đã là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng internet.
“Sự phát triển này có hai mặt. Ở mặt trái, các thế lực lợi dụng internet để chống phá. Nội dung chống phá không thay đổi, nhưng lực lượng, phương tiện, thủ đoạn, công nghệ thì rất mới”, thượng tướng nói.
Thượng tướng cho biết Quân ủy trung ương xác định bảo vệ Tổ quốc thì quân đội vẫn là nòng cốt, tác chiến bây giờ không chỉ trên bộ, trên biển, trên không nữa mà có tác chiến trên cả không gian mạng, thậm chí tác chiến trên vũ trụ.
“Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng”, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị nói.
“Có người hỏi tôi thông tin này có thể công khai không. Tôi thấy các thế lực và nước khác cũng đang tuyên bố là đang có cuộc chiến tranh trên không gian mạng thực sự. Nên chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái”.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết hiện lực lượng này (gọi là lực lượng 47 – theo chỉ thị 47) đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, “vừa hồng vừa chuyên”, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng này đang hoạt động rất tích cực, hiện có ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền mọi lĩnh vực của quân đội”
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa
Xuất hiện các biểu hiện “an ninh phi truyền thống”
Cũng phát biểu tại hội nghị, thượng tướng Nguyễn Văn Thành – thứ trưởng Bộ Công an – cho rằng hiện nay các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống đều đã xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng này hay dạng khác.
Nói về tình hình tội phạm xuyên quốc gia, thượng tướng Nguyễn Văn Thành lấy ví dụ tỉ lệ người Việt phạm tội ở Nhật Bản tăng lên.
Bộ Công an điều tra thì thấy xuất hiện những nhóm người nước ngoài ở Nhật, phối hợp với một số tổ chức ở Việt Nam đưa người sang Nhật đào tạo, lao động với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng sang tới nơi không có việc làm, dẫn tới phạm tội…
Một ví dụ khác là nạn buôn người sang các nước Trung Đông. Ông Thành kể khi sang Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất), đến đại sứ quán đã thấy có người Việt đứng khóc vì bị lừa bán, ông phải chỉ đạo xử lý ngay.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị sau đó, ông Trần Quốc Vượng – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên thường trực Ban Bí thư – nhận định cuộc đấu tranh trên không gian mạng là vấn đề khó khăn phức tạp không chỉ riêng ở Việt Nam.
“Vấn đề có quyết tâm, quan tâm và đầu tư không. Người ta đặt câu hỏi là một lực lượng làm công tác tuyên giáo hùng hậu như thế này, chúng ta có tới 800 tờ báo cách mạng, vậy mà chúng ta lại chịu thua trên mặt trận này? Đây thực sự là một thách thức”, ông Vượng nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Công tác tuyên giáo TP.HCM phải luôn đi trước một bước
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Những thách thức và nguy cơ về công tác tư tưởng mà TP phải đối diện rất gay gắt hơn nơi nào hết và hơn bao giờ hết. Điều đó đòi hỏi công tác tuyên giáo TP phải luôn đổi mới, luôn đi trước một bước”.
Theo ông Nhân, TP.HCM có một Đảng bộ với hơn 220.000 đảng viên, là nơi tập hợp đông đảo các giới đồng bào, văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên, người lao động, sinh viên… cả nước tụ về, và luôn là nơi trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch.
“Nhiệm vụ phía trước của Đảng bộ TP là tiếp tục lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM”, ông Nhân nói.
“Để biến thời cơ thành động lực, hiện thực cách mạng mới cần có sự tự tin, quyết tâm đổi mới cao độ, sự đồng thuận trước hết trong cấp ủy, bộ máy chính quyền, các doanh nghiệp, nhà khoa học, thanh niên, và cần sự ổn định chính trị”.