Seite auswählen

„Tam quyền phân lập trong chính phủ, cùng với Quyền Thứ Tư, giúp bảo đảm các xã hội dân chủ luôn cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm giải trình với người dân.“

Quang Nguyên

Quyền Thứ Tư

Quyền Thứ Tư là một thuật ngữ dùng để mô tả các phương tiện truyền thông là nhân tố chủ chốt trong xã hội hoạt động độc lập với chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo. Thuật ngữ Quyền Thứ Tư, Fourth Estate, lần đầu tiên được sử dụng vào đầu thế kỷ 19 để chỉ báo chí với tư cách là cơ quan thiết yếu giám sát chính phủ và những quyền lực khác.

Ngày nay, thuật ngữ này bao gồm tất cả các hình thức truyền thông như báo giấy, truyền hình, đài phát thanh và phương tiện kỹ thuật số. Quyền Thứ Tư được coi là một trụ cột của nền dân chủ vì nó đóng một vai trò quan trọng trong việc thông tin cho công chúng và buộc những người có quyền lực phải chịu trách nhiệm.

Chính quyền trong các xã hội dân chủ chia làm 3 ngành chuyên biệt theo thể chế Tam Quyền Phân Lập: hành pháp, lập pháp và tư pháp. Phân định các ngành nhằm cung cấp một hệ thống kiểm tra và cân bằng để ngăn chặn ngành kia trở nên quá mạnh và để đảm bảo rằng chính phủ phục vụ lợi ích của người dân.

Quyền Thứ Tư đề cập đến vai trò của truyền thông như một cơ quan giám sát nền dân chủ, buộc những người nắm quyền phải chịu trách nhiệm và đảm bảo rằng công dân có quyền truy cập thông tin cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt.

Tam quyền phân lập trong chính phủ, cùng với Quyền Thứ Tư, giúp bảo đảm các xã hội dân chủ luôn cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm giải trình với người dân. Quyền thứ Tư đóng vai trò kiểm tra quyền lực của chính phủ và cung cấp cho công dân thông tin cần thiết để buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Quyền thứ Tư được coi là quyền cơ bản trong các xã hội dân chủ, nó đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chế độ dân chủ.

Các chế độ độc tài cộng sản, như ở Việt Nam chẳng hạn, không công nhận Tam Quyền Phân Lập. Khái niệm Quyền Thứ Tư như vậy không tồn tại, hoặc nếu có được nói đến thì không được định nghĩa  giống như trong các xã hội dân chủ. Các phương tiện truyền thông trong nước bị kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ bởi đảng nắm quyền và được sử dụng như một công cụ tuyên truyền để thúc đẩy hệ tư tưởng của đảng và đàn áp các quan điểm bất đồng. Trong những chế độ như vậy, các phương tiện truyền thông là của chính phủ, bị chính phủ  kiểm soát chặt chẽ. Báo chí độc lập không tồn tại.

Không xem Quyền Thứ Tư hiện hữu, vì vậy hệ thống truyền thông trong các nước cộng sản, trong đó có Việt Nam, có nhiều hành vi bất chấp lẽ phải, đạo đức và luật lệ mà các xã hội dân chủ tôn trọng.

Các phương tiện truyền thông cộng sản vi phạm các nguyên tắc đạo đức nhà báo khi họ không tuân thủ trách nhiệm của mình với tư cách là cơ quan giám sát nền dân chủ và thay vào đó, lại hành động theo cách làm suy yếu vai trò của họ như một nguồn thông tin bênh vực, cổ vũ cho những hành động phi dân chủ, phản nhân quyền.

 

Truyền thông Độc tài

Đặc điểm của truyền thông thế giới độc tài, đảng trị nói chung, ở Việt Nam nói riêng là truyền bá, tuyên truyền thông tin sai lệch. Các cơ quan truyền thông cố ý truyền bá thông tin sai lệch gây hiểu lầm, làm giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí và làm tổn hại đến vai trò của truyền thông như một nguồn thông tin đáng tin cậy.

Cơ quan truyền thông cộng sản có khuynh hướng chính trị rõ ràng thiên vị hoặc thiếu khách quan; với họ tất cả đều phục vụ đảng. Nói tốt cho đảng và hắt tất cả điều xấu về phía đối lập là nhiệm vụ của họ. 

Báo chí cộng sản hầu như không có quyền điều tra và đưa tin về các vấn đề quan trọng. Tất cả tin tức liên quan đến chính phủ và các vấn đề quan trọng như các vụ tham nhũng lớn, vụ Việt Á, vụ ăn tiền của người di tản trong mùa dịch COVID, ngay cả chuyện 9 người trốn trên chuyên cơ của Chủ Tịch Quốc Hội Kim Ngân vào Đại Hàn, hay gần đây nhất, vụ những tiếp viên hàng không mang ma túy nhập nội… chẳng hạn, tất cả báo, đài đều chỉ đưa các bản tin nhỏ giọt, hay bị bóp méo, được phù phép từ tuyên giáo trung ương.

Tệ hại hơn nữa, truyền thông Việt Nam còn bán mình để phục vụ lợi ích của các công ty thương mại để trục lợi. 

Chưa hết, truyền thông Việt Nam dù lớn, nhỏ đang vì lợi nhuận chạy theo chủ nghĩa giật gân. Báo chí chạy theo các tin tức hình sự cướp, hiếp, giết, chuyện bê bối của giới nghệ sĩ được họ ưu tiên đăng tải tràn lan, câu độc giả có thị hiếu kém, ưa giật gân, tranh cãi. Họ cố ý giảm nhẹ hơn các vấn đề quan trọng, khiến công chúng mất tập trung vào các vấn đề có ảnh hưởng đến đời sống chính trị và góp phần tạo ra văn hóa thông tin sai lệch và phân cực.

Những vi phạm về Quyền Thứ Tư của truyền thông Việt Nam được ĐCSVN và chính quyền làm lơ hoặc ngầm khuyến khích vì có lợi cho chính sách của họ. Nhưng khi vi phạm của họ có tính quốc tế họ có thể bị kiện ra các tòa án, bị luật pháp tại các nước chế tài. 

Vi phạm mang tầm quốc tế, có thể bị kiện ra tòa án, bị pháp luật các nước xử phạt. Tuy nhiên, việc thực thi phán quyết đối với một tổ chức truyền thông nước ngoài có thể khó khăn, đặc biệt nếu tổ chức truyền thông đó không có bất kỳ tài sản, trụ sở nào ở quốc gia nơi vụ kiện được đệ trình.

Trong một số trường hợp, các quốc gia cũng có thể có cơ chế xử phạt các tổ chức truyền thông vi phạm luật pháp hoặc tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ: các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức khu vực như Liên minh Châu Âu có thể có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc ngoại giao đối với các tổ chức truyền thông tham gia vào hành vi bất hợp pháp hoặc phi đạo đức. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt này có thể khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và sự hợp tác của các quốc gia liên quan.

 

VTV bị kiện ở Mỹ

Sự kiện chưa có tiền lệ mới đây là tổ chức BPSOS có trụ sở tại Hoa Kỳ kiện đài truyền hình VTV tại Việt Nam.

Ngày 16 tháng 3, tổ chức BPSOS có thông cáo báo chí về việc văn phòng luật sư đại diện cho BPSOS gửi văn thư chính thức yêu cầu Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) phải ngay lập tức xin lỗi, sửa sai và rút lại các nội dung phỉ báng nhắm vào BPSOS, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của BPSOS là Ts. Nguyễn Đình Thắng, và những cá nhân và tổ chức hợp tác với BPSOS. 

Từ ngày 7 tháng 4 năm 2022 đến ngày 22 tháng 10 năm 2022, VTV đã phát hình 6 chương trình với nội dung phỉ báng nhắm vào BPSOS, Ts. Nguyễn Đình Thắng và nhiều cá nhân và tổ chức liên quan đến BPSOS. Các chương trình truyền hình này bao gồm: 

 

(1) Thủ đoạn lợi dụng tôn giáo xuyên tạc thành tựu nhân quyền của Việt Nam, phát hình trên VTV4, ngày 07/04/2022;

(2) Luận điệu xuyên tạc về tự do tôn giáo tại Việt Nam, phát hình trên VTV4 ngày 12/06/2022;

(3) Đằng sau “lớp học” nhân quyền;

(4) Phản bác các luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam;

 (5) Lợi dụng tôn giáo để chống phá nhà nước; 

Ngoài ra, trang báo điện tử của VTV phổ biến bài viết với nội dung phỉ báng tương tự;

(6) Đằng sau lớp học nhân quyền. 

 

Hành vi tấn công của VTV cũng nằm trong quy định về biện pháp chế tài của chính phủ Hoa Kỳ đối với thủ phạm đằng sau các hành vi đàn áp xuyên quốc gia, được biết đến là biện pháp chế tài Khashogghi Ban. Theo đó, không chỉ đương sự mà cả vợ, chồng, con và bố mẹ của đương sự sẽ bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn vào Hoa Kỳ dù là đi công tác; những ai đang ở Hoa Kỳ sẽ bị trục xuất. BPSOS đã lên danh sách nhiều chục giới chức chính quyền Việt Nam để tuần tự đề nghị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chế tài này, trong đó có một số giới chức của VTV.

Luật sư của BPSOS cho biết thêm:

“Thân chủ của chúng tôi xem việc tấn công uy tín của họ là rất nghiêm trọng. Theo đó, chúng tôi yêu cầu quý cơ quan ngay lập tức và một cách nổi bật rút lại, sửa sai, và xin lỗi về nội dung sai và các lời lẽ phỉ báng kể trên. Thêm nữa, chúng tôi yêu cầu quý cơ quan cung cấp thời lượng và không gian xuất bản tương xứng để các thân chủ của chúng tôi phản biện và, sau đó, gỡ bỏ các thông tin đăng tải và các lời bình, bao gồm những lời lẽ sai và phỉ báng kể trên, ra khỏi sự tiếp cận của công chúng.”

Theo văn thư của luật sư, VTV có 7 ngày để đáp ứng yêu cầu kể trên. 

“Trong trường hợp phải đưa sự việc ra tòa, thân chủ của chúng tôi sẽ đòi hỏi [VTV] hoàn trả mọi chi phí luật sư và tòa án chiếu theo luật hiện hành.”(*)

Ngày 24 tháng 3, trang mạng Đề Án Dân Quyền Việt Nam của tổ chức BPSOS đưa tin VTV sắp sửa phải hầu tòa.

Giờ phút này là vừa kết thúc thời hạn bảy (7) ngày Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) nhận được văn thư cảnh báo của tổ hợp luật sư Voss, Silverman & Braybrooke, yêu cầu phải ngay lập tức xin lỗi, sửa sai và rút lại các nội dung phỉ báng nhắm vào BPSOS, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và những cá nhân và tổ chức hợp tác với BPSOS. Cho đến giờ Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) vẫn chưa lên tiếng. Ngược lại, truyền thông trong nước lại yên ắng một cách lạ lùng. Có lẽ họ đang bị cú sốc nặng và bị tê liệt và lúng túng không biết phải làm gì. Sốc là phải vì từ trước đến giờ có ai dám kiện họ ra tòa. Hệ thống tòa án Việt Nam là nằm trong tay ĐCSVN nên cá nhân tổ chức nào dám đâm đơn kiện các quan chức cao cấp của nhà nước chắc chắn sẽ thất bại hay còn phải hứng chịu những hậu quả tiêu cực khác. Rất may, nếu vụ kiện phỉ báng này có xảy ra thì sẽ là một tòa án tại Hoa Kỳ, nơi mà nhà nước Việt Nam phải chịu sự phán quyết công minh dựa trên sự thật và công lý.

Mốc thời gian quan trọng (7 ngày) đã qua, chúng ta sẽ chờ xem những diễn biến sắp tới(**).

Đài truyền hình VTV có 3 trụ sở thường trú tại Hoa Kỳ, một tại thủ đô Washington D.C. được thành lập năm 2009, thứ 2 tại New York hoạt động từ năm 2013, và thứ 3 tại Los Angeles khai trương năm 2016. Nếu thua kiện, VTV phải đóng cửa cả 3 chi nhánh, và một số quan chức của đài truyền hình này và thân nhân của họ sẽ bị chế tài theo đạo luật Khashogghi Ban.

 

VNTB (02.04.2023)

 

_____________

Tham khảo

(*) https://machsongmedia.org/vietnam/danchu/1913-dai-truyen-hinh-viet-nam-phai-rut-lai-chinh-sua-va-xin-loi-ve-cac-thong-tin-phi-bang.html

(**) https://www.facebook.com/VNAdvocacy/posts/pfbid06Lr4Yf13jtTcY2KJ2CSCii19ShJhPHrzvPUFxAkbVo4sj45MGtRK2hsiAHKxurnrl