Seite auswählen

Tàu hải cảnh của Trung cộng ở Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa hồi năm 2014 (minh hoạ) Reuters

 

Một tàu nghiên cứu của Trung cộng và năm tàu hộ tống vẫn còn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm 26/5 gần các lô khí đốt do các công ty Nga khai thác ở Biển Đông, một ngày sau khi Hà Nội thúc giục các tàu này rời đi.

Tàu Xiang Yang Hong 10 (Hướng Dương Hồng 10) của Trung cộng bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7 tháng 5, đánh dấu sự xâm phạm đáng kể nhất kể từ năm 2019, theo Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu của Đại học Stanford về Biển Đông.

Ông nói hành vi của Trung cộng và phản ứng của Việt Nam là một “sự leo thang đáng lo ngại”.

Cuộc đối đầu năm 2019 kéo dài hơn ba tháng và phần lớn nhắm vào một lô do công ty dầu mỏ Rosneft của nhà nước Nga vận hành. Chưa đầy hai năm sau đó, Rosneft đã bán tài sản của mình ở Biển Đông cho công ty nhà nước Zarubezhneft cũng của Nga, công ty vận hành một số mỏ khí đốt đang diễn ra tranh chấp.

Trong những tuần qua kể từ ngày 7 tháng 5, tàu nghiên cứu Trung cộng, đôi khi có hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, vận hành, theo dữ liệu theo dõi tàu biển được chia sẻ với Reuters bởi Dự án Đại Sự Ký Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập.

Tàu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung cộng đã đưa ra các hồ sơ dự thầu cạnh tranh để cấp phép cho hai lô đó.

Ba công ty và đại sứ quán Nga tại Hà Nội đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Reuters.

Hôm thứ năm, khi Việt Nam đưa ra một tuyên bố công khai hiếm hoi yêu cầu các tàu này rời đi, thì các tàu này đang ở lô 129, cũng do Vietgazprom điều hành, theo ông Powell.

Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến thăm Hà Nội hôm thứ hai của cựu Tổng thống Nga và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.

Ông Powell cho biết hai tàu kiểm ngư Việt Nam hôm 26/5 đã theo dõi các tàu Trung cộng ở khoảng cách 200-300 mét, đồng thời lưu ý rằng các tàu Trung cộng đã di chuyển đến một khu vực liền kề với các tàu do các công ty Nga điều hành.

Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 26/5 nói rằng họ đã duy trì liên lạc với các bên liên quan và sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, sau khi Việt Nam cáo buộc một tàu khảo sát dầu khí của Trung cộng và các tàu hộ tống vi phạm chủ quyền của họ.

Bà Mao Ning, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng, cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/5 khi trả lời câu hỏi về việc Việt Nam yêu cầu tàu Trung cộng rời khỏi Biển Đông:

Trung cộng có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển lân cận, đồng thời có quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.

Các tàu liên quan của Trung cộng thực hiện các hoạt động bình thường dưới quyền tài phán của Trung cộng, điều đó hợp pháp và hợp lệ, đồng thời không có vấn đề gì khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.

Chúng tôi đã duy trì liên lạc với các bên liên quan về vấn đề Biển Đông. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết thỏa đáng những khác biệt hiện có thông qua đối thoại và tham vấn. Chúng tôi muốn cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định ở Nam Hải (Biển Đông-PV). Trong khi chờ đợi, chúng tôi chắc chắn bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung cộng.”

 

RFA (26.05.2023)

 

 

 

Việt Nam lên tiếng về việc tàu Trung cộng tiến vào vùng đặc quyền kinh tế

Tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam (trái) bị tàu Hải Cảnh Trung cộng chặn đường khi hai bên đối đầu phía Nam quần đảo Hoàng Sa năm 2014. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

 

Nhiều tàu Trung cộng trong gần cả tháng nay liên tục tăng cường hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). 

Theo SCMP, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 được hộ tống bởi hai tàu hải cảnh và nhiều tàu cá Trung cộng từ đầu tháng 5/2023 đã tiến vào khu vực bãi Tư Chính nằm trong EEZ của Việt Nam.

Từ hôm 7/5 đến nay, Trung cộng cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 vào hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đợt khảo sát này, có thời điểm tàu Hướng Dương Hồng 10 cách đường cơ sở Việt Nam chỉ khoảng hơn 50 hải lý.

Hôm 13/5, con tàu này rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Hôm 15/5, tàu Hướng Dương Hồng 10 lại rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam một lần nữa và xuất hiện ở gần khu vực Đá Chữ Thập. Đến 17/5, nó bắt đầu quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, theo RFA.

 

Việt Nam yêu cầu Trung cộng rút tàu khảo sát khỏi vùng đặc quyền kinh tế

Ngày 25/5, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: “Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung cộng cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”.

Bà Hằng cũng cho biết Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã “giao thiệp nhiều lần với phía Trung cộng”, đồng thời triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

“Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung cộng tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, bà Hằng nói thêm.

 

Tương quan lực lượng

Một nhà nghiên cứu Biển Đông nói với RFA rằng bên Việt Nam có một tàu cảnh sát biển và hai tàu kiểm ngư theo dõi, bám sát theo tàu của Trung cộng. Tuy nhiên, báo chí trong nước không được đưa tin về vấn đề này.

Chuyên gia này đánh giá rằng về tương quan lực lượng trên biển hiện nay giữa hai nước thì đương nhiên là Trung cộng mạnh hơn nhiều. Không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á cũng không thể so sánh được sức mạnh về lực lượng tàu so với Trung cộng.

Trong khi đó, chuyên gia về an ninh quốc phòng Nguyễn Thế Phương bình luận với RFA rằng hiện nay, trong quá trình hiện đại hoá quân đội, Việt Nam đang cố gắng phát triển đồng bộ vũ khí lục quân và hải quân, nhưng vẫn ưu tiên những vấn đề liên quan đến an ninh trên Biển Đông.

Ông Thế Phương cho biết, đơn thuần về mặt số lượng, vũ khí trên biển của Việt Nam chắc chỉ bằng một phần ba so với Trung cộng.

Ông Thế Phương nhận định cường độ hiện diện của Trung cộng ngày càng nhiều, ngày càng dồn dập so với cách đây 5 năm. Các tàu cá, hải cảnh, tập trận và các quốc gia khác cũng đưa tàu qua lại ở khu vực này rất nhiều.

Đảo Phú Lâm nơi Trung cộng thành lập trái phép thành phố Tam Sa, trực thuộc tỉnh Hải Nam. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)

 

Trung cộng mở nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm

Báo SCMP hôm 30/4 đưa tin Trung cộng đã mở nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nhà hàng lẩu Kuanzhai Xiangzi có sức chứa 120 thực khách, mở cửa kinh doanh hồi trung tuần tháng 4/2023.

Báo SCMP đã dẫn lời Wang Panpan, một quản lý doanh nghiệp trả lời phỏng vấn Truyền hình Hải Nam (truyền hình địa phương), cho rằng nhà hàng này sẽ “làm phong phú thêm đời sống văn hóa và vật chất của quân nhân, cảnh sát và người dân trên đảo”.

Tờ báo cũng cho hay số thường dân trên đảo Phú Lâm đã tăng từ 1.000 người vào năm 2012 khi thành phố Tam Sa thành lập, lên tới 2.300 người vào năm 2020.

Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất trong nhóm khoảng 30 đảo tạo nên quần đảo Hoàng Sa. Được gọi là Tây Sa trong tiếng Trung cộng, quần đảo này hiện do Bắc Kinh kiểm soát.

 

NTDVN (26.05.2023)

 

 

 Việt Nam yêu cầu Trung cộng rút tàu Hướng Dương Hồng 10 ra khỏi EEZ của Việt Nam

Hoạt động của tàu Hướng Dương Hồng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2023 MarineTraffic/RFA

 

Việt Nam lên tiếng yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung cộng tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai lân bang về vấn đề Biển Đông, chấm dứt ngay hoạt động bị Hà Nội cho là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Hà Nội trả lời báo giới với nội dung vừa nêu khi được nhắc lại hoạt động liên tục của tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng các tàu hải cảnh, tàu dân quân Trung cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt thời gian này.

Bà Phạm Thu Hằng xác nhận tin vừa nêu và nhắc lại Hà Nội đã giao thiệp nhiều lần với Bắc Kinh, triển khai các biện pháp phù hợp luật pháp quốc tế cũng như luật pháp quốc gia nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

Như tin RFA loan dựa trên dữ liệu theo dõi tàu biển từ Marine Traffic, đợt khảo sát mới nhất của tàu Hướng Dương Hồng 10 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ hôm 7/5. Hôm 15/5, con tàu này rời vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đi về khu vực đá Chữ Thập; nhưng rồi trở lại. Đến ngày 17/5/2023, tàu bắt đầu quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và lặp lại chính xác đường khảo sát đã thực hiện hôm 10/5. 

Hôm 18/5, Phó phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng cũng trả lời báo giới khi được hỏi về hoạt động của nhóm tàu Trung cộng tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cho biết “Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mình”.

 

RFA (25.05.2023)

 

 

 

 

Trung cộng đặt ba đèn hiệu định hướng ở Biển Đông

Việt Nam chỉ trích hành động của Trung cộng và Phi Luật Tân ở Biển Đông

Trung cộng đã đặt ba đèn hiệu định hướng xung quanh quần đảo Trường Sa có tranh chấp với nhiều nước ở Biển Đông.

Bắc Kinh có động thái này sau khi Phi Luật Tân đặt các phao định hướng hồi đầu tháng này nhằm tuyên bố chủ quyền của mình đối với khu vực.

Bộ Giao thông vận tải Trung cộng hôm 24/5 cho biết rằng trung tâm an ninh hàng hải Biển Đông của nước này đã đặt ba đèn hiệu gần Irving Reef (Đá Cá Nhám), Whitson Reef (Đá Ba Đầu) và Gaven Reef (Đá Ga Ven) thuộc quần đảo Trường Sa, vốn bao gồm nhiều đảo nhỏ, bãi đá ngầm và bãi cạn.

Bộ này nói rằng việc đặt đèn hiệu nhằm “đảm bảo an toàn cho hoạt động và điều hướng của các tàu”.

Đầu tháng này, Phi Luật Tân cũng đã đặt các phao định hướng mang quốc kỳ của nước này trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, bao gồm cả tại Whitson Reef, nơi hàng trăm tàu Trung cộng neo đậu vào năm 2021.

Khi được hỏi về việc Phi Luật Tân đã đặt các phao định hướng ở 5 khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 18/5 nói: “Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”.

Việt Nam chưa lên tiếng về bước đi mới nhất của Trung cộng nhưng mới đây cũng đã chỉ trích hành động ở Biển Đông của một tàu nghiên cứu Trung cộng, nói rằng rằng tàu đó “xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”, và rằng Việt Nam đang triển khai “các biện pháp phù hợp” để bảo vệ các quyền của mình.

Căng thẳng gần đây đã gia tăng tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới.

Trung cộng đã tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Phi Luật Tân cũng tuyên bố chủ quyền.

 

Reuters, VOA (24.05.2023)

 

 

Diễn biến nhanh của Trung cộng ở Biển Đông và ứng phó của Việt Nam

Tàu Trung cộng áp sát tàu Cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông Reuters

 

Trung cộng trong gần cả tháng nay tăng cường hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Lâu nay, Việt Nam đã có những ứng phó như tìm cách đa dạng hoá nguồn cung vũ khí để đối phó với sự quấy nhiễu ngày càng tăng của Trung cộng trên Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Hà Nội liệu có thể bắt kịp chuyển động của Bắc Kinh?

 

Diễn biến mới nhất

Từ hôm 7/5 đến nay, Trung cộng cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 vào hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đợt khảo sát này, có thời điểm tàu Hướng Dương Hồng 10 cách đường cơ sở Việt Nam chỉ khoảng hơn 50 hải lý.

Hôm 13/5, con tàu này rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Hôm 15/5, tàu Hướng Dương Hồng 10 lại rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam một lần nữa và xuất hiện ở gần khu vực Đá Chữ Thập. Đến 17/5, nó bắt đầu quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam, vào ngày 18/5, lên tiếng phản đối Trung cộng về những hoạt động gần đây của nước này tại khu vực Biển Đông, nói rằng “Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mình”.

Cập nhật về tình hình hiện tại, một nhà nghiên cứu Biển Đông, yêu cầu giấu danh tính cho biết, đến ngày 25/5, Trung cộng vẫn duy trì tàu nghiên cứu khoa học Hướng Dương Hồng 10 cùng một tàu cảnh sát biển của nước này và một số tàu dân binh có mặt trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam:

“Hôm nay lại đưa thông tin thêm là một tàu hải tuần của Trung cộng đã đi vào trong khu vực gần Bãi Tư Chính.

Còn bên Việt Nam thì có một tàu cảnh sát biển và hai tàu kiểm ngư theo dõi, bám sát theo tàu này của Trung cộng. Báo chí trong nước thì không được đưa tin về vấn đề này.

Có lẽ chính phủ Việt Nam một mặt muốn giữ quan hệ tốt với Trung cộng, thứ hai là chuyện Trung cộng cho tàu vào quấy nhiễu vùng đặc quyền kinh tế từ lâu lắm rồi, cho nên họ cũng chấp nhận đó là một chuyện bình thường.”

 

Tương quan lực lượng

Vị chuyên gia giấu tên đánh giá rằng về tương quan lực lượng trên biển hiện nay giữa hai nước thì đương nhiên là Trung cộng mạnh hơn nhiều. Không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á cũng không thể so sánh được sức mạnh về lực lượng tàu so với Trung cộng. Tuy nhiên:

“Trong lúc này, không ai muốn mang hải quân ra cả. Các nước chỉ sử dụng những tàu gọi là hành pháp mà thôi, chứ nếu mang hải quân ra thì chắc chắn là hành động gây chiến rồi.”

Chuyên gia về quan hệ quốc tế, an ninh quốc phòng Nguyễn Thế Phương bình luận với RFA rằng hiện nay, trong quá trình hiện đại hoá quân đội, Việt Nam đang cố gắng phát triển đồng bộ vũ khí lục quân và hải quân, nhưng vẫn ưu tiên những vấn đề liên quan đến an ninh trên Biển Đông, vì đây là vấn đề lợi ích cốt lõi:

“Đối tượng tranh chấp trên biển Đông của Việt Nam hiện nay rõ ràng nhất là Trung cộng. Nếu nhìn vào nguồn lực thì rõ ràng là nguồn lực của Việt Nam không thể bằng của Trung cộng, và Việt Nam hiện tại cố gắng biến năng lực của mình càng hiện đại càng tốt, chứ việc đuổi theo năng lực của Trung cộng là điều không thể.”

Ông Thế Phương cho biết, đơn thuần về mặt số lượng, vũ khí trên biển của Việt Nam chắc chỉ bằng một phần ba so với Trung cộng, nhưng cũng cần phải tính tới hai yếu tố quan trọng khác. Thứ nhất là yếu tố con người và thứ hai là học thuyết.

Yếu tố con người là chuyện Việt Nam mua vũ khí rồi nhưng có đủ năng lực để sử dụng hay không. Còn học thuyết là những chỉ dẫn cách quân đội chiến đấu trong một cuộc chiến.

 

Hiện đại hoá quân sự chậm lại

Để đối phó với Trung cộng trên Biển Đông, Việt Nam cần phải đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá quân sự. Tuy nhiên, theo ông Phương, quá trình này đang bị chậm lại.

Thứ nhất là do thiếu tiền; Thứ hai là do quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất là Việt Nam là Nga đang gặp khó khăn bởi cuộc chiến trang Nga – Ukraine.

Do đó, Việt Nam hiện buộc phải đi tìm các đối tác mới. Tức là, toàn bộ quá trình tương tác với đối tác mới phải làm lại từ đầu, phải đi xem người ta bán cái gì, các quy trình mua bán như thế nào, chưa kể là còn các yếu tố chính trị khác nữa…

“Mà trong khi tình hình trên biển đó lại diễn biến quá nhanh dẫn đến phản ứng chính sách Việt Nam chưa theo kịp. Nó khiến cho quá trình hiện đại hoá quân sự chậm lại khá nhiều.”

Lý giải thêm về diễn biến quá nhanh trên Biển Đông, ông Thế Phương lấy ví dụ, thứ nhất là cường độ hiện diện của Trung cộng ngày càng nhiều, ngày càng dồn dập so với cách đây năm năm. Các tàu cá, hải cảnh, tập trận và các quốc gia khác cũng đưa tàu qua lại ở khu vực này rất nhiều:

“Thứ hai là quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung cộng rất nhanh, không chỉ về mặt công nghệ mà còn về mặt tổ chức và cách triển khai lực lượng ở trên thực địa quá nhanh và nó khiến cho các nước nhỏ như Việt Nam, với nguồn lực như hiện nay không thể theo kịp.”

 

Đa dạng hoá nguồn cung

Một gian hàng vũ khí của công ty an ninh Séc, tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022 ở Hà Nội. Ảnh: Reuters

 

Do Nga đang bị các nước phương Tây bao vây, cô lập cho nên Việt Nam buộc phải đa dạng hoá nguồn cung vũ khí. Theo chuyên gia biển Đông giấu tên cho biết:

“Nguồn cung vũ khí cho Việt Nam đang gặp khó khăn thì Việt Nam phải tìm nguồn khác mà nó phải tương thích với hệ thống vũ khí đó, và Ấn Độ và Séc chính là hai  nước mà Việt Nam đang nhắm tới.”

Theo ông Nguyễn Thế Phương, với nhu cầu cấp bách ở Biển Đông như hiện nay thì Việt Nam không thể nào không chỉ dựa vào vũ khí từ Nga. Cho nên gần đây, Việt Nam đã có động thái đàm phàn với Séc hay đi sang Hàn Quốc để các nước này bán vũ khí cho Việt Nam.

Hồi tháng tư vừa qua, Việt Nam đàm phán mua thêm khí tài từ Cộng hoà Séc. Nước này được xem có thể đáp ứng nhu cầu an ninh ngày càng tăng của Việt Nam, khi mà các hãng quân sự Séc có khả năng vượt trội trong cung cấp những khí tài cho vũ khí của Nga; cũng như sản xuất được những trang thiết bị mới tương thích với các loại vũ khí thời Sô viết. Hiện kho vũ khí của Việt Nam có đến 80% là do Nga cung cấp.

Vào tháng 12/2022, lãnh đạo Việt Nam đến thăm Hàn Quốc để nâng cấp quan hệ hai nước. Bước tiến về ngoại giao này có thể và thúc đẩy đầu tư và bán vũ khí của Hàn Quốc cho Việt Nam, cam kết gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, trật tự – trị an và công nghệ.

 

Phòng tránh chiến tranh từ xa

Ngoài chuyện đa dạng hoá nguồn cung vũ khí, Việt Nam còn thực hiện một số biện pháp khác để đối phó với Trung cộng.

Về mặt quân sự, ông Thế Phương cho biết Việt Nam đang tự chế vũ khí ở trong nước, đặc biệt là các loại vũ khí dễ làm để hạn chế nhập khẩu, để dành nguồn lực cho chuyện khác. Thứ hai là gia hạn các loại vũ khí đã cũ:

“Ví dụ như cái máy bay mới bị rớt. Đáng lẽ cái máy bay đó đã về hưu rồi, nhưng mà Việt Nam tăng hạn để dùng, nhưng khi tăng hạn đồ cũ thì rơi là một điều có thể kể dự tính trước, không có gì ngạc nhiên cả.”

Ngoài ra, từ năm năm trở lại đây, Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động giao lưu quốc phòng. Nó cũng tạo ra một cái thế giúp tăng cường kết nối, nâng cao năng lực của Việt Nam.

Về mặt ngoại giao, Việt Nam thực hiện chiến lược “ngăn chặn chiến tranh từ sớm từ xa”. Theo ông Thế Phương, đây là một vấn đề về mặt ngoại giao, Việt Nam phải làm sao cân bằng mối quan hệ giữa Trung cộng và Mỹ.

“Với một nước nhỏ như Việt Nam thì Việt Nam kỳ vọng những việc làm về mặt đối ngoại sẽ ngăn chặn một cuộc xung đột có thể xảy ra ở biển Đông, để không phải dùng tới lực lượng quân sự, vốn nói trắng ra là nếu đánh nhau là sẽ thua.”

 

RFA (24.05.2023)

 

 

 Trung cộng triển khai ba thiết bị cố định để định vị tại khu vực quần đảo Trường Sa

Tàu của Trung cộng neo ở Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa hôm 22/4/2023 AFP

 

Trung cộng vừa triển khai ba thiết bị định vị quanh khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung cộng và các quốc gia láng giềng.

Reuters dẫn thông báo của Bộ Giao thông Trung cộng hôm 24/5 cho biết trung tâm an ninh biển Biển Đông của nước này đã đặt ba thiết bị gần Đá Cá Nhám, Đá Ba Đầu và Đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa.

Thông báo cho biết, các thiết bị này để đảm bảo sự an toàn đi lại của tàu thuyền.

Hồi đầu tháng này, Phi Luật Tân cũng đã thả các phao định vị mang cờ của nước này trong khu vực đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.

Tuần duyên Phi Luật Tân hôm 14/5 cho biết nước này đã thả năm phao định vị hàng hải tại năm khu vực ở Biển Đông bao gồm Đá Ba Đầu và cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam cũng đòi chủ quyền.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước động thái này của Phi Luật Tân đã khẳng định: “Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), có đóng góp thiết thực và tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC)”.

 

RFA (24.05.2023)

 

 

 

 

Biển Đông: Trung cộng trục vớt cổ vật để khẳng định chủ quyền

 

Lần đầu tiên Trung cộng trục vớt cổ vật ở độ sâu 1.500 m. Khoảng 100.000 cổ vật thời Minh dự kiến được vớt lên, cho phép Bắc Kinh khẳng định Trung cộng đã là chủ nhân của ‘‘Con đường Tơ Lụa’’ qua ngả Biển Đông từ thời xa xưa. Với Trung cộng, có thể đây là các bằng chứng để khẳng định mạnh mẽ hơn các yêu sách chủ quyền đối với một phần lớn Biển Đông, vốn đã bị một tòa án Liên Hiệp Quốc bác bỏ hồi 2016.

Ảnh tư liệu của không quân Phi Luật Tân chụp ngày 21/04/2017 : Một đảo trong khu vực Trường Sa, Biển Đông mà Trung cộng bồi đắp và cải tạo thành cơ sở quân sự. AP – Francis Malasig

 

Chiến dịch trục vớt 100.000 cổ vật nằm trong hai con tàu đắm của hải quân Trung cộng thời Minh được khởi sự từ kỳ nghỉ cuối tuần này. Chiến dịch sẽ kéo dài một năm. Các cổ vật chủ yếu là đồ gốm sứ. Theo chính quyền Trung cộng, phát hiện mới này sẽ tái khẳng định việc Trung cộng đã phát triển và sử dụng Biển Đông làm ‘‘Con đường Tơ Lụa trên biển’’ từ xa xưa.

Trước vụ trục vớt này, Trung cộng đã nhiều lần đưa tàu lặn đến các khu vực sâu hơn nhiều. Năm 2011, tàu ngầm Giao Long (Jiaolong) đã xuống độ sâu 5.000 mét. Năm 2018, tàu ngầm Càn Long III (Qianlong III) đã cho phép thăm dò các vùng đáy biển khơi. Năm 2020, tàu ngầm Fendouzhe xuống được điểm sâu nhất hành tinh, gần 11 km dưới mặt nước biển, ở Mariana Trench, vùng Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học Trung cộng lặn xuống độ sâu đến 1.500 mét, độ sâu mà các nhà săn tìm cổ vật tư nhân không vươn tới được. Báo chí chính thức Trung cộng nói đến một ‘‘chương mới trong việc khai thác đáy biển Trung cộng’’. Tàu lặn Deep Sea Warrior tham gia vụ trục vớt 95% do Trung cộng chế tạo, thiết kế, trong lúc tàu ngầm Giao Long có một nửa thiết bị và công nghệ là mua của nước ngoài.

Hai con tàu đắm nói trên được phát hiện vào cuối năm 2022. Thông tín viên Stéphane Lagarde dẫn lời phó giám đốc cơ quan du lịch tỉnh Hải Nam (Trung cộng), cho biết tại khu vực nằm trong ‘‘đường 9 đoạn’’ ở Biển Đông, trong những năm gần đây, Trung cộng đã phát hiện hơn 100 cổ vật được coi là có ý nghĩa ‘‘văn hóa’’ tại những vùng nước nông hơn ở Biển Đông.

‘‘Đường 9 đoạn’’ cũng thường được gọi là ‘‘Đường lưỡi bò’’, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam khẳng định chủ quyền nhưng nay đã bị Trung cộng chiếm toàn bộ, và quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam, Trung cộng và một số quốc gia Đông Nam Á tranh chấp chủ quyền.

 

RFI (23.05.2023)

 

 

 

Trung cộng dùng luật ‘nội địa’ tự tạo để áp dụng trên Biển Đông

Ảnh minh hoạ tàu Trung cộng và Việt Nam chạm trán trên Biển Đông. (Chụp màn hình video Youtube TV24h)

 

Các động thái quân sự, dân sự mới của Trung cộng trên bán đảo Đông Dương và Biển Đông cho thấy Bắc Kinh ngày một hung hăng hơn khi đang tăng cường vũ lực và uy hiếp các nước láng giềng trong khu vực này. Chiến tranh pháp lý mà Trung cộng đang dựa vào là chưa từng có tiền lệ.

 

Đầu năm nay, Campuchia đã công bố kế hoạch xây dựng một trạm phòng không và mở rộng hệ thống radar tại Công viên Quốc gia Ream. Địa điểm được đề xuất nằm gần một cơ sở hải quân do Trung cộng tài trợ ở tỉnh Sihanoukville. Chính phủ Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng căn cứ hải quân Ream đang được lén lút biến thành căn cứ quân sự ở nước ngoài thứ hai của Trung cộng.

Hồi tháng 3/2023, Trung cộng và Campuchia lần đầu tiên tổ chức tập trận chung. Từ ngày 9 đến ngày 28/5/2023, Trung cộng lần đầu tiên tổ chức tập trận chung với Lào, đồng thời cho tàu khảo sát Xiang Yang Hong-10 xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ hôm 7/5/2023, và hoạt động liên tục nhiều đợt từ đó đến nay. Bên cạnh đó, Trung cộng cũng thực thi lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông đến hết mùa hè năm nay.

Nhà nghiên cứu Raymond Powell ở Đại học Stanford cho biết: “Tại Campuchia, việc Trung cộng phát triển Căn cứ Hải quân Ream, cũng như Sân bay Quốc tế Dara Sakor gần đó, cả hai căn cứ này đều là những điểm triển khai tác chiến tiềm năng cho lực lượng hải quân và không quân Trung cộng. Tôi chắc chắn muốn nói rằng Việt Nam nên hết sức quan tâm và nên cảnh giác với những dấu hiệu cho thấy Campuchia có ý định mở rộng quyền tiếp cận cho các hoạt động quân sự của Trung cộng đối với các căn cứ này”.

Xét về vị trí địa lý, căn cứ Hải quân Ream và Không quân Dara Sakor của Trung cộng ở Campuchia thực sự có ý nghĩa chiến lược, vì chúng cách đảo Phú Quốc chỉ khoảng 30km. Những căn cứ này cũng giúp Trung cộng dễ dàng kiểm soát Vịnh Thái Lan và vươn tầm ảnh hưởng tới eo biển Malacca.

Tuy vậy, các nhà quan sát đều cho rằng Trung cộng không muốn có xung đột quân sự lớn với Việt Nam vào thời điểm này. Bởi vì như thế sẽ tạo ra cớ cho các nước đối thủ can thiệp quân sự vào. Trong khi đó, với chiến thuật vùng xám, tiến dần dần theo cách “tằm ăn lá”, họ có thể từng bước gây áp lực lên các nước trong khu vực”.

Chiến thuật của Trung cộng đối với Việt Nam được đánh giá là tương tự với chiến thuật họ dùng với Phi Luật Tân. Đó là tăng cường các lực lượng quân sự áp sát biên giới trên biển hoặc trên bộ nhưng là để gây sức ép trên bàn đàm phán.

Nhà nghiên cứu Phan Văn Song, một cộng tác viên của Qũy Nghiên cứu Biển Đông, cho rằng lệnh cấm bắt cá “ngoài lý do về môi trường như Trung cộng nói, chắc chắn đó cũng là một hành động thể hiện sự kiểm soát thực tế các khu vực biển này, một yếu tố rất quan trọng để chứng minh chủ quyền trước toà trong khu vực có tranh chấp. Đây là chiến thuật cài bẫy bằng sự mập mờ. Nếu các nước liên quan không phản đối, Trung cộng sẽ nói là đã ngầm thừa nhận chủ quyền của Trung cộng. Nếu các nước này phản đối, họ sẽ bị rêu rao là không hợp tác trong vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lệnh cấm đánh cá của Trung cộng cũng đặt ngư dân Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông vào tình thế có nguy cơ bị lực lượng chấp pháp của Trung cộng xâm hại, tấn công. Nguy cơ lực lượng chấp pháp của các nước xung quanh Biển Đông phải va chạm với Trung cộng cũng ngày càng tăng”.

Việt Nam hiện đã chọn cách phản đối và không tuân theo lệnh cấm đó. Ngư dân Việt Nam không chỉ tiếp tục đánh cá trên Biển Đông vì mưu sinh mà còn vì để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trung cộng từ những năm 2000 đã đặt ra chiến lược “tam chủng chiến pháp”, gồm chiến tranh pháp lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh tâm lý. Nhà nghiên cứu Raymond Powell phân tích lệnh cấm đánh cá của Trung cộng như một kiểu chiến tranh pháp lý.

“Họ đơn phương đặt ra luật, về cơ bản là luật nội địa. Và rồi bằng cách áp dụng luật nội địa của mình cho các phần của Biển Đông [vốn là khu vực tự do hàng hải quốc tế], họ mặc nhiên tuyên bố rằng luật nội địa của Trung cộng áp dụng cho không gian biển đó, ngay cả khi nó nằm trong toàn bộ yêu sách đường đứt đoạn 9 đoạn mà Trung cộng ứng xử với nó như là vùng nội thủy. Họ muốn gửi một thông điệp rằng luật nội địa của họ là cái cần phải được xem xét, thực thi.

Đối với người Trung cộng thì Công ước của Liên Hiệp quốc về luật biển không áp dụng cho đường chín đoạn trên Biển Đông vì đây là lãnh thổ Trung cộng. Họ muốn nói rằng họ không thể cho phép Luật biển Quốc tế quyết định những gì xảy ra ở Biển Đông”.

Giới quan sát cho rằng mặc dù Trung cộng đang dần dần tạo sức ép lên Việt Nam từ cả phía đông và phía tây, nhưng ở phía tây, thì nguy cơ đối với Việt Nam ở thời điểm hiện tại là không cao. Vì mặc dù Campuchia đã nghiêng hẳn sang phía Trung cộng. Lào đang tập trận với Trung cộng nhưng Lào trong lịch sử chưa có hiềm khích gì lớn với Việt Nam. Tuy vậy, để bảo đảm an ninh ở phía tây, Việt Nam không chỉ chuẩn bị về quân sự mà còn có các biện pháp kinh tế, ngoại giao, và cả gây ảnh hưởng.

Mr. Nguyen The Phuong, nghiên cứu sinh chuyên ngành an ninh hàng hải của Đại học UNSW Canberra University, Australia nói, “Việt Nam cần tập trung vào hướng biển. Vì khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ phía đất liền thì hoàn toàn không cao. Ở hướng tây, Việt Nam có thể xử lý bằng các mặt trận chính trị, đối ngoại, kinh tế chứ không chỉ bằng bằng quân sự. Nhưng phía biển Đông thì Việt Nam còn lúng túng với các biện pháp kinh tế, chính trị, đối ngoại của mình”.

 

 

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://eurasiantimes.com/china-1st-military-base-in-indo-pacific-likely-being-developed/
  2. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-pressures-vietnam-from-both-east-and-west-05182023134250.html
  3. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-fishing-ban-tactic-to-forcefully-occupy-vietnam-sea-05092023225005.html
  4. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-fishing-ban-tactic-to-forcefully-occupy-vietnam-sea-05092023225005.html

 

NTDVN  (23.05.2023)

 

 

 

 

Đàm phán về COC: Đối lập quan điểm Việt Nam – Trung cộng

 

Do có quá nhiều khác biệt quan điểm, nhất là giữa Việt Nam với Trung cộng, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC ) không thể sớm được thông qua, cho dù Indonesia, với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, đang cố thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Tàu hải cảnh Trung cộng chặn một tàu tuần duyên Phi Luật Tân tại khu vực Bãi Cỏ Mây, Biển Đông, ngày 23/04/2023.  Chính là nhằm tránh những vụ va chạm như vậy mà ASEAN và Trung cộng cố đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. AP – Aaron Favila

 

Kể từ khi Nga xua quân xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022, cả thế giới đều lo ngại kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở eo biển Đài Loan, tức là là Trung cộng cũng sẽ đánh chiếm hòn đảo này, thậm chí có những người nêu lên thời điểm của sự kiện này sẽ là 2025 hay 2027, tức là không bao lâu nữa. Nhưng thật ra một điểm nóng khác cũng cần mọi người chú ý đến vì đây mới thật sự là nơi mà hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay là Hoa Kỳ và Trung cộng có thể đụng độ với nhau, với nguy cơ làm bùng nổ Thế Chiến Thứ Ba, đó là Biển Đông, vùng biển đầy những tranh chấp giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là giữa Trung cộng với Việt Nam và Phi Luật Tân. 

Trong những năm gần đây, Trung cộng liên tục có những hành động nhằm xác quyết chủ quyền trên phần lớn Biển Đông. Chính là nhằm tránh cho những vụ va chạm trên biển dẫn đến xung đột vũ trang, vào năm 2002, Trung cộng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). 

Nhưng, như tên gọi của nó, đây chỉ là một “tuyên bố”, hoàn toàn không có tính chất ràng buộc, mà tùy thuộc vào thiện chí thi hành của các bên. Cho nên từ nhiều năm qua, Bắc Kinh và các nước ASEAN đã cố đàm phán nhằm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), một văn bản mà trên nguyên tắc mang tính chất ràng buộc pháp lý, tất cả bên đều phải tuân thủ. 

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 19/04/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, chuyên gia về Biển Đông ở Việt Nam, nhắc lại: 

“Ý tưởng về một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC đã có từ những năm 1990, thời kỳ xảy ra rất nhiều căng thẳng trên khu vực Biển Đông, khi Trung cộng tấn công Việt Nam ở Gạc Ma, khiến 64 người chết. Sau đó, vào năm 1995, Trung cộng cũng đã sử dụng biện pháp quân sự để chiếm đoạt Bãi Vành Khăn trong tay quân đội Phi Luật Tân lúc đó. 

Trước những căng thẳng như vậy, Phi Luật Tân cũng là một trong những các bên đã cố gắng kêu gọi ASEAN  tìm kiếm một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Sau đó, tất cả các bên đã ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng rốt cuộc COC vẫn chưa ra đời. Để vớt vát, người ta đã đưa ra cái gọi là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, được ký kết ở Cam Bốt năm 2002. Tuyên bố này đơn thuần là một tuyên bố về chính trị. 

Bắt đầu từ năm 2007 trở đi, vấn đề Biển Đông bắt đầu lại nóng lên và đặc biệt là năm 2009, khi mà theo Công ước về Luật Biển thì một quốc gia ven biển được có một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý tính từ đường cơ sở, tối đa là 350 hải lý, nếu chứng minh được đó là sự kéo dài của thềm lục địa. Muốn làm điều này thì các quốc gia đó phải làm hồ sơ và trình lên Ủy ban về ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc trước ngày 15/09/2009. Khi Việt Nam và Malaysia gởi công hàm và các hồ sơ lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa, thì lập tức Trung cộng đưa ra công hàm phản đối, kèm theo bản đồ “đường lưỡi bò”.

Từ đó trở đi, Trung cộng liên tục có những hành động gây căng thẳng. Đến lúc đó người ta mới nghĩ đến chuyện tìm kiếm một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Đến 2012, bản dự thảo đầu tiên của COC do Indonesia khởi thảo đã được đưa ra và hầu hết các nước ASEAN đều đồng ý với nội dung bản dự thảo này, nhưng “nhân vật” quan trọng nhất là Trung cộng lại không đồng ý. Chính vì vậy là rất là lâu, kể từ 2012, đã có rất nhiều cuộc bàn thảo về COC, nhưng tất cả đều “dậm chân tại chỗ” . Mãi tới gần đây, người ta mới đưa ra được những cái gọi là “đồng ý ban đầu” về COC. 

Thế nhưng, do đại dịch Covid-19, các bên không thể gặp nhau được, cho nên vẫn chưa có bước tiến trong đàm phán về COC. Sau khi hết đại dịch, mãi đến cuối năm 2022 đầu năm 2023, Trung cộng mới chính thức bãi bỏ chính sách zero-Covid, mở đường cho các nhà ngoại giao Trung cộng có thể ra ngoài, các cuộc họp lại tiếp tục.

Năm ngoái, Cam Bốt, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, quốc gia có mối liên hệ gần gũi với Trung cộng. Thủ tướng Hun Sen của Cam Bốt đã từng nói:” Nếu tôi không dựa vào Trung cộng thì dựa vào ai?”. Năm 2012, lần đầu tiên hội nghị ngoại trưởng ASEAN đã không ra được thông cáo chung, bởi vì lúc ấy, Cam Bốt, với tư cách chủ nhà, tìm cách ngăn cản các bên đưa ra bản tuyên bố chung với những điều khoản bất lợi cho Trung cộng. Năm đó cũng là năm xảy ra sự kiện Scarborough của Phi Luật Tân bị Trung cộng chiếm đoạt. Một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là Trung cộng vẫn chưa thật sự nhiệt tình đàm phán về COC. 

Trong thời gian qua, các bên vẫn đàm phán về một bộ quy tắc COC, nhưng còn nhiều bất đồng. Đầu tiên là về mục đích: Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là những nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông ( Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Indonesia ), hay những nước không có quan hệ trực tiếp với Biển Đông, nhưng gắn liền với biển, như Singapore đều muốn sử dụng COC để kềm chế, khiến Trung cộng không thể có những hành động leo thang ở Biển Đông.”

Thật ra, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, mục tiêu của Trung cộng khi đàm phán về COC hoàn toàn khác với mục tiêu của các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Bắc Kinh: 

“Trung cộng lại có một mục tiêu khác, muốn sử dụng COC như một biện pháp ngăn chận, tức là sau khi đã bồi lắp, quân sự hóa những thực thể mà họ đang chiếm giữ ở Biển Đông, kể cả tại Hoàng Sa và Trường Sa, họ không muốn các quốc gia tranh chấp khác làm giống như họ. 

Thứ hai, chúng ta biết có một quốc gia đóng vai trò quan trọng cho dù không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông, đó là Hoa Kỳ. Trung cộng rất không muốn Hoa Kỳ tham gia vào Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, mà muốn sử dụng Bộ quy tắc ứng xử như một công cụ để đẩy Mỹ ra ngoài. Nhưng những quốc gia như Phi Luật Tân đã tuyên bố là không thể gạt Mỹ ra khỏi tiến trình đàm phán COC. Có rất nhiều khác biệt giữa các bên, chưa kể nội dung của Bộ quy tắc cũng là một câu chuyện rất dài.” 

Mặc dù các cuộc đàm phán đã đạt được một bước tiến vào năm 2018 khi Trung cộng và ASEAN thông qua được “Văn bản Dự thảo Đàm phán Duy nhất (Single Draft Negotiating Text), nhưng đó lại là một tập hợp các quan điểm trái ngược nhau về các vấn đề gây tranh cãi về tính pháp lý, phạm vi áp dụng, về cơ sở pháp lý quốc tế và về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Riêng quan điểm của Việt Nam về nội dung của COC là như thế nào? Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích:

“Trong ASEAN cũng chia thành nhóm có lợi ích trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông gồm có Indonesia, Việt Nam, Phi Luật Tân và Malaysia, những quốc gia có vùng biển bị “đường lưỡi bò” của Trung cộng xâm lấn.

Quan điểm của Việt Nam về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông được rất nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam nói, đó là Bộ quy tắc này phải khắc phục được những khiếm khuyết của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, vì DOC đã không ngăn cản được những hành động của Trung cộng khiến cho căng thẳng Biển Đông vẫn xảy ra.  

Quan điểm của Việt Nam là COC phải mang tính ràng buộc về pháp lý. Ràng buộc về pháp lý có nghĩa là nếu một trong các bên vi phạm, thì một  trong các bên còn lại, hoặc tất cả các bên còn lại có thể mang sự vi phạm đó ra trước cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết.

Nội dung thứ hai và Việt Nam đưa ra có lẽ khác với các nước khác. Gần như các quốc gia Đông Nam Á khác, như Indonesia thì không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà chỉ có vùng Bắc Natuna nằm trong “đường lưỡi bò” của Trung cộng, còn Brunei, Malaysia thì chỉ có liên quan đến tranh chấp khu vực Trường Sa. Trung cộng cũng muốn đưa ra một bản COC chỉ dành cho Trường Sa mà thôi, bởi vì họ muốn gạt Hoàng Sa ra một bên. Trong khi đó Việt Nam muốn là bằng mọi giá COC phải bao gồm những khu vực tranh chấp khác, trong đó có cả Hoàng Sa. Còn Phi Luật Tân thì đương nhiên muốn bao gồm cả khu vực Scarborough, khu vực tranh chấp giữa họ với Trung cộng. 

Đó là những khác biệt lớn nhất. Ngoài ra còn có những vấn đề chẳng hạn như phía Việt Nam đã nhiều lần đề nghị ghi trong nội dung của COC là các bên không được bồi lắp hoặc quân sự hóa các thực thể khác. Việt Nam cũng đề xuất là phải vận dụng tinh thần của phán quyết về Biển Đông 2016 vào trong nội dung của COC.” 

Do có quá nhiều khác biệt quan điểm như trên, khó có khả năng COC sớm được thông qua, cho dù Indonesia, với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, đang cố thúc đẩy các cuộc đàm phán. Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN tại Labuan Bajo, Indonesia ( 9-11/05/2023 ) đã không đạt được một tiến bộ nào về hồ sơ này, ngoài lời cam kết là khối các nước Đông Nam Á sẽ nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán về COC.

Theo tin báo chí trong nước, tại hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN – Trung cộng về Tuyên bố ứng xử các bên trên Biển Đông, ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngày 17/05/2023, trưởng đoàn Việt Nam Vũ Hồ đã kêu gọi các bên “nói đi đôi với làm”, tức là phải thực hiện nghiêm túc mọi điều khoản của DOC. Tuyên bố này thể hiện sự bực tức của Hà Nội trước “những diễn biến phức tạp” trên Biển Đông, ám chỉ đến các vụ tàu khảo sát của Trung cộng sách nhiễu các tàu khảo sát của Trung cộng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc quấy phá các hoạt động thăm do dầu khí của Việt Nam.  

 

RFI (22.05.2023)