Seite auswählen

Trí tuệ Việt, sao cứ phải xa nhà mới có thể bay cao?

„Trên những diễn đàn hay các cuộc bàn luận về tin tức nghệ thuật, vui mừng về người Việt bước ra thế giới, cũng có câu hỏi đặt ra là các hội nghệ thuật âm nhạc, điện ảnh, văn chương… được nhà nước tung mỗi năm hàng ngàn tỷ nuôi dưỡng, cùng vô số hội hè, sao không thấy ai có thể chạm ngõ được thế giới nghệ thuật truyền thống của thế giới, mà chỉ có những người đi xa nhà mới nhận được sự vinh danh?“

Tuấn Khanh

Saigon Nhỏ

Đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân với giải Caméra d’Or cho phim “Bên trong vỏ kén vàng”, LHP Cannes lần thứ 76 (ảnh: Stephane Cardinale – Corbis/Corbis via Getty Images)

Nếu tính cả tác giả Dương Thu Hương, diễn viên Quan Kế Huy, thì mùa hè 2023 có vẻ như là giai đoạn thật sự là bội thu, mang lại sự hãnh diện của người Việt Nam, qua những giải thưởng nghệ thuật quốc tế. Ngày 27 Tháng Năm, tất cả cả tin tức trên báo chí và hãng tin lớn của thế giới đều xướng tên hai người Việt Nam đoạt giải tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76.  Đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất, và đạo diễn Phạm Thiên Ân đến từ Việt Nam được tặng giải Ống kính Vàng dành cho phim đầu tay hay nhất.

Đạo diễn Trần Anh Hùng, người lừng danh từ nhiều thập niên trước, và được giới điện ảnh Châu Âu đánh giá như một tài năng độc đáo, khởi đầu với bộ phim Mùi đu đủ xanh. Ông xuất hiện không nhiều, nhưng mỗi lần ra mắt một phim mới, luôn được chờ đợi và bàn tán. Giải thường năm nay của Trần Anh Hùng La Passion de Dodin Bouffant tại Liên hoan phim Cannes, chuyển thể từ tiểu thuyết La Vie et la passion de Dodin-Bouffant (Cuộc sống và đam mê của Dodin-Bouffant) nói về nghệ thuật ẩm thực Pháp.

Một người Việt khác, đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân cũng đoạt giải thưởng Camera d’Or (Ống kính Vàng) với bộ phim Inside the Yellow Cocoon Shell (Bên trong vỏ kén vàng), một bộ phim tâm lý và giả tưởng, được trình chiếu trong hạng mục « Quinzaine des Cinéastes » do Hiệp hội các đạo diễn thành lập từ 1969. Đạo diễn Phạm Thiên Ân, sinh năm 1989, sau đó định cư tại Hoa Kỳ vào năm 2015. Phim này anh lấy bối cảnh Việt Nam để thực hiện.

Câu chuyện của những người Việt Nam bước ra thế giới và thành danh, dường như đều có chung những điều khó nói trên báo chí trong nước. Quan Kế Huy khi được truyền thông Việt Nam rầm rộ đưa tin, nhấn mạnh là gốc Việt, thì không thể thuyết minh được hành trình của ông có mặt tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm Chốn Vắng của Dương Thu Hương thì tất cả các nhà báo trong nước nhận được lệnh không được đề cập đến. Với Phạm Thiên Ân thì có vẻ nhẹ nhàng và không “vấn đề”, nhưng đó có thể là chuyện của giai đoạn, vì sống trong một môi trường điện ảnh tự do và luôn có khuynh hướng thách thức các rào cản, không biết được Phạm Thiên Ân rồi sẽ có thêm những tác phẩm nào, có thể bị nhìn ngó bằng “con mắt khác”.

Cũng tương tự như vậy, với đạo diễn Trần Anh Hùng (sinh năm 1962), ông cũng chỉ là một người sáng tạo nghệ thuật thuần túy. Nhưng chính bản thân ông cũng từng bị báo chí trong nước – dường như có tổ chức – mở những cuộc tấn công dữ dội vào tác phẩm Xích Lô của ông, bởi cũng bị nhìn ngó bằng những “con mắt khác”, trước khi được phục hồi trong im lặng.

Năm 1994, Trần Anh Hùng bắt tay vào thực hiện bộ phim Xích Lô ở Việt Nam, với sự tham gia của diễn viên Lương Triều Vỹ từ Hong Kong. Trần Anh Hùng học Triết ở Pháp, rồi lấy bằng đại học điện ảnh Lumière. Chính vì vậy phim của Trần Anh Hùng ngoài những thủ pháp độc đáo, còn là những cấu tứ đầy tính triết lý – mà Xích Lô thể hiện rõ phong cách này. Tháng Chín 1995, phim nhận giải Sư tử Vàng ở Liên hoan phim Venice lần thứ 52 ở Ý.

Trong những năm tháng còn đầy khó khăn thông thương tại Việt Nam, những gì bên ngoài vừa diễn ra, người Việt chỉ có thể nghe và đoán. Phim Xích Lô được báo chí nhà nước mô tả như là một cuốn phim đầy âm mưu chống phá, mô tả đất nước đầy bạo lực. Đạo diễn bị gán là “một kẻ nguy hiểm”. Dĩ nhiên, đã nguy hiểm thì phải cấm. Trần Anh Hùng bị cấm vào nước trong nhiều năm.

Năm 1997, tôi được tham gia buổi giao lưu văn hóa giữa Tòa tổng lãnh sự (TLS) Đức với báo chí và các thành phần trí thức ở Sài Gòn, được chứng kiến câu chuyện liên quan về đạo diễn Trần Anh Hùng. Lúc đó, đại diện Tòa tổng lãnh sự Đức phát biểu, trong đó có nhắc và ca ngợi sự thành đạt của điện ảnh người gốc Việt Trần Anh Hùng trên quốc tế. Bất ngờ, nữ nhà báo NNNL (báo Sài Gòn Giải Phóng) đột ngột đứng lên phản đối.

Bà nói đó là tên phản động, xuyên tạc đất nước, nên phía Đức không được nói hắn ta là người Việt. Vị đại diện Tổng lãnh sự Đức sau khi nghe dịch, thoáng ngập ngừng một chút rồi nói tiếp, mà không xin lỗi. Có lẽ ông ta tin rằng người Việt thì cũng có nhiều thành phần, bao gồm cả thành phần như bà ta. Kể như vậy, để biết bộ phim này đã gây niềm hứng khởi tấn công từ phía các người làm báo tận tụy với công việc tư tưởng như thế nào.

Làm phim ở Việt Nam “khổ” ra sao, những người trong nghề đều hiểu, và phải co giãn bằng tất cả sức của mình để tác phẩm có thể được hình thành. Một đạo diễn phim kể rằng anh quay một phân đoạn những kẻ xấu trong xã hội ngồi đánh bạc và hút thuốc. Sau khi duyệt, ở trên có ý kiến để đánh bạc vậy là tạo hình ảnh xấu không được khuyến khích trong xã hội. Thế là những kẻ đánh bạc được tổ chức cho quay lại, ngồi uống café và hút thuốc.

Nhưng tháng sau, phía kiểm duyệt lại nói hiện đang có chiến dịch chống hút thuốc nên để hình ảnh hút thuốc trực diện vậy, dễ bị phê bình, nên thay trước khi có ý kiến và bị phạt. Dĩ nhiên, buộc phải thay. Người kiểm duyệt trực tiếp kết luận “vậy thôi, biết sao giờ”. Đạo diễn nhẩm tính phí tổn quay lại, xong chặc lưỡi “vậy thôi, biết sao giờ”. Giữa những ý kiến kiểm duyệt chập chờn, mọi thứ với nghệ thuật luôn chỉ “biết sao giờ”.

Đạo diễn Trần Anh Hùng cũng rất nhẫn nại trong phân cảnh của Xích Lô, khi đứa bé đầy sơn đỏ chạy ra đường và bị tai nạn. Phía kiểm duyệt nói phải đổi, vì màu đỏ nhạy cảm lắm – nhưng không giải thích nhạy cảm thế nào. Thế là đứa bé được đổi màu sơn xanh. Khi phim được giải ở Venice, thay vì gọi Trần Anh Hùng chuyển bản gốc để chiếu cho phía PA25 Công an văn hóa và Cục điện ảnh xem, thì cuộc xét duyệt được tổ chức với băng video tự tìm được.

Sau buổi kiểm duyệt một không khí căng thẳng xuất hiện, tựa như Trần Anh Hùng đã “lừa” mọi người. Lý do là đọc kịch bản thì có vẻ đơn giản, nhưng sau khi dựng hình ảnh, âm nhạc, âm thanh phối hợp, tác phẩm có vẻ như sống động và hoàn toàn khác. Thậm chí, lúc đó âm thanh stereo đi kèm, không quen thuộc khiến các nhân viên trong đoàn kiểm duyệt phản ứng.

Ông Thái Kế Toại, nhân viên an ninh trực tiếp kiểm duyệt phim Trần Anh Hùng khi thành phẩm lúc đó, viết lại “Bây giờ thì cái kiểu âm thanh đó đã trở nên bình thường vì người ta đã quen với âm thanh surround hay các phim bom tấn của Mỹ của châu Âu, nhưng lúc đó tôi thấy mấy gương mặt thật tội nghiệp. Có người còn la hét đòi giảm âm lượng. Âm thanh của phim gây sốc cho những người thần kinh yếu. Trong không khí oi bức, nhộn nhạo với cách tổ chức chiếu phim cẩu thả, Xích Lô đã tạo ra một ấn tượng để tự giết nó. Cuối cùng có một cuộc hội ý nhưng lộn xộn và ý kiến không thống nhất, đợi bàn lại với một buổi chiếu bản phim nhựa”.

Nhưng buổi xem lại bằng phim nhựa không đến kịp với làn sóng tấn công từ báo chí. Thói quen “tiên hạ thủ vi cường” – đánh trước là tốt, khiến những đòn nhận định sắc bén, sao chép từ kinh sách ngôn luận chống thế lực thù địch diễn ra. Bài viết với tên thật cũng có, tên nặc danh cũng có, đẩy Trần Anh Hùng vào thế của một kẻ chống phá, sâu độc. Và với ngôn luận đó, Liên hoan phim Venice lần 52 cũng bị đặt vấn đề là có âm mưu gì khi trao giải cho một bộ phim mô tả cực xấu về Việt Nam như vậy.

Trần Anh Hùng cũng được gợi ý viết để “minh oan” cho mình. Ông viết trong bản thảo nhanh “Khi tôi làm phim Cyclo tôi không hề nghĩ đến chuyện bôi nhọ đất nước của tôi. Tôi là một nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và Tổ quốc Việt Nam rất thiêng liêng đối với tôi. Nếu ai không hiểu về tôi mà kết luận vội vàng về tôi thì đó là một ác cảm ghê tởm tôi không thể tưởng tượng nổi… Mục đích của tôi khi làm phim này là để đưa vào nền Điện ảnh thế giới một tác phẩm nghệ thuật do một người Việt Nam làm.

Và tôi chọn một con đường đi cực kỳ khó khăn là vì phim Cyclo không phải là một loại phim dễ thương. Sự giằng xé giữa cái thiện và cái ác là một đề tài rất nặng nề, rất khó xử. Đã nói đến cái thiện và cái ác thì đừng nói đến sự cân bằng giữa hai khái niệm này. Cái ác thường phô trương một cách ly kỳ. Còn cái thiện thì không. Cái thiện không phải là loại sức mạnh biểu hiện ở bên ngoài.

Phim Cyclo gắn bó rất chặt chẽ với cái ý này. Để tránh sự giả tạo và để gần sự thật, phim Cyclo dành cho cái thiện một chỗ đứng đặc biệt, đó là giữa hai hình ảnh, giữa hai cảnh, ở khoảng trống giữa hai hàng chữ. Phong cách mô tả cái thiện qua âm bản tạo cho tâm hồn thèm muốn cái thiện và đi tìm nó. Ai cũng biết trong xã hội nào cũng có mảng sáng và mảng tối. Đó cũng có nghĩa là thiện và ác. Tôi muốn thể hiện cái ác ghê gớm bao nhiêu thì sự tồn tại và giá trị của cái thiện càng lớn bấy nhiêu”.

Đọc những dòng tự bạch của đạo diễn Trần Anh Hùng, và trải qua những gì đã có trên đất nước, người ta chợt hiểu rằng kiểm duyệt ở Việt Nam, là những ý tưởng lem luốc về chính trị, và phần lớn bao gồm những gì người kiểm duyệt không đủ sức hiểu nổi. Họ cắt, cấm, chặn, bỏ… những điều họ không đủ trình độ thu nạp, mà mục đích là an toàn trên hết. An toàn trong sự chật chội của trí tưởng nông cạn và hèn nhát.

Cách đây vài năm, một người bạn từng học chung ở Nhạc Viện, làm ở Sở Thông tin và Truyền Thông tại Sài Gòn gọi cho tôi, hỏi một cách dè dặt, về chữ “eo sèo” trong một bài hát của Phạm Duy. Có vẻ bạn ấy đang vào đợt kiểm duyệt chương trình âm nhạc. “Chữ đó có ý gì chống chế độ không?”, bạn ấy hỏi. Tôi lúc đó đã phải dùng hết khả năng giải thích về tiếng Việt với người Việt, để nói rõ rằng “eo sèo” không có chút bà con họ hàng nào về chính trị. Dẫu vậy, trước khi cúp máy, người bạn ấy vẫn còn lưỡng lự “Ờ, thôi để kiểm tra thêm”. Rõ là vậy, kiểm duyệt bao gồm lệnh nhận được, và sự kém cỏi và mơ hồ ra lệnh.

Năm 2011, đạo diễn người Thụy Sỹ gốc Việt Siu Phạm ra mắt phim “Đó… hay Đây” tại Viện Văn Hóa Pháp, Quận 1, Sài Gòn. Sau khi chiếu hết phim, người đạo diễn này đề nghị ai có ý kiến gì về bộ phim, xin cứ trao đổi thẳng với bà. Ngay sau đó, một đạo diễn của một hãng phim truyện Việt Nam (xưng tên và chức vụ đủ), hỏi như chất vấn rằng “Xin cho hỏi, bộ phim này ý nói về điều gì?”. Thật đáng buồn, vì đó là một câu chuyện điện ảnh được quay ở ven biển miền Trung Việt Nam, nói tiếng Việt. Phim “Đó… hay Đây” trong năm đó cũng lọt vào vòng chung kết của Liên hoan phim Busan lần thứ 16, trong hạng mục New Currents Award.

Trên những diễn đàn hay các cuộc bàn luận về tin tức nghệ thuật, vui mừng về người Việt bước ra thế giới, cũng có câu hỏi đặt ra là các hội nghệ thuật âm nhạc, điện ảnh, văn chương… được nhà nước tung mỗi năm hàng ngàn tỷ nuôi dưỡng, cùng vô số hội hè, sao không thấy ai có thể chạm ngõ được thế giới nghệ thuật truyền thống của thế giới, mà chỉ có những người đi xa nhà mới nhận được sự vinh danh? Hay chỉ ở bên ngoài, sự dung nạp mới đủ sâu rộng và nhận biết trí tuệ người Việt Nam, khi không còn rào cản nào?

Các giải thưởng đây đó bên ngoài Việt Nam, cho người Việt Nam – cho đến nay điểm lại thì đã rất nhiều – cho thấy trí tuệ người Việt như con diều luôn khao khát bay cao, bay xa, nhưng sợi dây để dắt đưa nó bay lên, chắc chắn không thể là sợi dây kiểm duyệt tù đọng. Rõ là đã có những con diều Việt Nam đành cứ phải mượn nhờ những sợi dây khác, dắt đưa lên cao, những sợi dây không phải ở quê hương mình.

Muốn làm phim ‘tử tế’ tại Việt Nam thì phải tháo ‘chiếc vòng kim cô’?

Poster phim 'Bên trong vỏ kén vàng' (Inside the Yellow Cocoon Shell)

JK FILM Poster phim ‘Bên trong vỏ kén vàng’ (Inside the Yellow Cocoon Shell), tác phẩm mang đến giải Camera d’Or cho đạo diễn Phạm Thiên Ân tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76

 

 

Huyền Trân

BBC News Tiếng Việt

 30 tháng 5 2023

Giới phê bình luôn nhắc đến các ví dụ về kiểm duyệt phim được xem là ‘ấu trĩ’ trong nền điện ảnh Việt Nam.

Bộ phim ‘Bao giờ cho đến tháng Mười’ năm 1984 của đạo diễn Đặng Nhật Minh bị kiểm duyệt với phân cảnh phiên chợ âm dương vì bị cho là ‘mê tín dị đoan’, đến phim ‘Xích lô’ của đạo diễn Trần Anh Hùng bị cấm chiếu vào năm 1995 vì “phản ánh xã hội đau thương, cảnh bạo lực không phù hợp với hiện thực Việt Nam”.

Năm 2019, khi nhà sản xuất phim ‘Ròm’ bị phạt 40 triệu đồng vì gửi phim đi thi Liên hoan phim Quốc tế Busan khi chưa được cấp phép phổ biến đã tạo một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới hoạt động nghệ thuật.

Cơ chế kiểm duyệt phim ảnh ở Việt Nam hiện nay vẫn còn xem đang ‘nghiền nát’ nền nghệ thuật thứ bảy, triệt tiêu quyền sáng tạo và tự do biểu đạt khi tiêu chí không rõ ràng, cụ thể là từ Cục Điện ảnh.

Những tác phẩm nghệ thuật đích thực dường như đang bị các bộ phim giải trí phù phiếm lấn lướt trong thị trường phim ảnh Việt Nam, đặc biệt nếu so sánh doanh thu từ những phim công chiếu tại rạp.

Hồi tháng Hai, nhà văn Hạ Nguyên từng nhận định về phim ‘Nhà Bà nữ’ do diễn viên Trấn Thành sản xuất trên Facebook cá nhân.

Theo bà thì “không phải phim cháy vé nào cũng là phim tốt, ngược lại, có khi nó còn là một bộ phim “độc hại”. Nhà bà Nữ của Trấn Thành mùa phim Tết năm nay là một điển hình.”

Và tác giả sách ‘Bèo không trôi ra biển’ đánh giá “giữ phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm là sự giữ chân khán giả tử tế và hiệu quả nhất.”

Hôm nay 30/05, BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm từ Việt Nam về vấn đề kiểm duyệt phim và thách thức mà các đạo diễn trẻ đang phải đối mặt khi muốn làm phim ‘tử tế’.

Đạo diễn người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng

GETTY IMAGES Đạo diễn người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim ‘La Passion de Dodin Bouffant’ (The Pot Au Feu)

BBC: Đạo diễn Trần Anh Hùng và đạo diễn Phạm Thiên Ân thắng hai giải danh giá với phim mang chủ đề nghệ thuật nấu ăn của Pháp và đi tìm lẽ sống tại Liên hoan phim Cannes 2023. Ông có bình luận gì về hai đạo diễn và hai tác phẩm này.

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Rất tiếc tôi chưa xem cả hai tác phẩm này để có thể nhận định về chúng một cách chính xác nhất, nhưng qua những tiếp xúc, trao đổi và xem các tác phẩm trước của họ, tôi nghĩ sự vinh danh dành cho họ với hai giải thưởng quan trọng là kết quả xứng đáng cho một hành trình điện ảnh độc nhất.

Điện ảnh của Trần Anh Hùng là điện ảnh của sự tinh túy, của cái đẹp nghệ thuật nhìn từ giá trị cốt lõi của chúng, một kiểu điện ảnh mà ta thường thấy ở những bậc thầy như Ozu (Nhật Bản), Martin Scorsese, Terrence Malick (Mỹ) hay Hầu Hiếu Hiền (Đài Loan)…

Còn với Phạm Thiên Ân, tôi thích hành trình tự học, tự đào tạo và tự trải nghiệm qua con đường riêng của mình. Bóng dáng của thứ điện ảnh hiện thực pha lẫn với siêu thực đậm chất tâm linh trong phim của Ân thật hay, trả lời cho nhiều câu hỏi mang tính siêu hình của chúng ta về con người, về thời cuộc và cao hơn nữa là đức tin tôn giáo.

Ngoài sự đam mê, quyết liệt đi theo con đường riêng và niềm tin vào thẩm mỹ điện ảnh của mình, tôi cũng thích sự dũng cảm đơn độc và tinh thần dấn thân của họ. Và một lý do khác nữa là việc họ yêu tiếng mẹ đẻ và muốn chuyển tải vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam trong tác phẩm của mình.

BBC: Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên vào năm 2021, đạo diễn Trần Anh Hùng từng trải lòng về lý do ‘ngại’ về Việt Nam làm phim từ sau Mùa hè chiều thẳng đứng (2000).”Làm phim ở Việt Nam là tôi căng thẳng hơn hẳn vì cứ phải tự kiểm duyệt. Trong khi đó, với những dự án ở nước ngoài, quá trình sáng tạo được tự do và có nhiều niềm vui hơn. Nó khuyến khích mình làm việc”. Theo ông thì vấn đề kiểm duyệt trong phim ảnh tại Việt Nam vẫn còn là một rào cản, hay tình hình đã có cải thiện hơn trước?

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Tôi nghĩ không riêng Việt Nam, các đạo diễn ở Trung Quốc hay Iran cũng phải chịu rất nhiều kiểm duyệt khắt khe của chính quyền, nhưng họ vẫn có những tác phẩm lớn chinh phục được thế giới.

Vậy thì cuối cùng, với tôi quan trọng nhất vẫn là tài năng và bản lĩnh của đạo diễn. Nếu họ có đủ tài và bản lĩnh, bằng cách nào đó, họ vẫn tỏa sáng bất chấp sự kiểm duyệt ấu trĩ đi nữa.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi không nói sự kiểm duyệt không ảnh hưởng đến sáng tạo.

“Vòng kim cô” này khiến nhiều đạo diễn thui chột tài năng và khiến điện ảnh Việt Nam luôn loay hoay ở giai đoạn quá độ. Điện ảnh Việt luôn có tài năng, nhưng là các tài năng lẻ tẻ chứ chưa bao giờ có một thế hệ tài năng thực sự, đủ để tạo nên một làn sóng mới.

Đó là quan sát của tôi sau hơn ba thập niên theo dõi điện ảnh Việt Nam và thực hiện các khảo cứu về di sản điện ảnh trong quá khứ.

Hình minh họa

JK FILM Đạo diễn Phạm Thiên Ân (thứ hai từ phải sang trái) trong một buổi chọn diễn viên (casting) cho phim ‘Bên trong vỏ kén vàng’

BBC: Theo ông thì các đạo diễn, đặc biệt đạo diễn trẻ tuổi đang đối mặt với khó khăn gì khi làm phim ở Việt Nam?

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Tôi nghĩ rất nhiều. Đó là một hành trình đơn độc, mơ hồ và khắc nghiệt vì tỉ lệ thành công, thành danh rất thấp. 100 người theo đuổi điện ảnh chắc chỉ có vài người thành công. Tôi đã từng nhìn thấy những đạo diễn trẻ đầy đam mê điện ảnh rồi dần dần lụi tàn theo thời gian.

Khó khăn lớn nhất, mang tính phổ quát cho tất cả các đạo diễn trên thế giới chứ không riêng tại Việt Nam: đây là một lĩnh vực nghệ thuật chịu sự đào thải cao, trong khi sự công nhận rất ít.

Còn với đạo diễn trẻ Việt Nam thì khó khăn còn bủa vây hơn: sự kiểm duyệt, tinh thần tự do trong sáng tạo và đặc biệt là kinh phí làm phim. Hầu hết họ đều phải tự “bơi”, tự tìm kiếm các nguồn vốn của các quỹ điện ảnh trên thế giới và phải vật lộn rất nhiều năm để làm ra được tác phẩm đầu tay. Và tác phẩm đầu tay ấy có thành công hay không lại là một chuyện khác.

BBC: Trong sự nghiệp phê bình điện ảnh của mình, ông có thể chia sẻ tác phẩm điện ảnh nào của Việt Nam mà ông đánh giá cao và mang sức sống theo thời gian? Và lý do vì sao?

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Tôi yêu thích nhiều bộ phim Việt Nam của các đạo diễn thế hệ trước, như Đặng Nhật Minh chẳng hạn.

Các bộ phim của ông như ‘Bao giờ cho đến tháng Mười’, ‘Thương nhớ đồng quê’, ‘Mùa ổi’, với tôi là những kiệt tác có sức sống theo thời gian, vì chúng biểu đạt tâm hồn và văn hóa của người Việt một cách sâu sắc nhất.

Sự trở về của các đạo diễn Việt Kiều cũng mang lại cho chúng ta nhiều bộ phim nói tiếng Việt được ghi nhận ở các liên hoan phim hàng đầu trên thế giới, như trilogy phim Việt Nam của đạo diễn Trần Anh Hùng, ‘Ba mùa’ của Tony Bùi, ‘Mùa len trâu’ của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay gần đây là ‘Song Lang’ của Leon Le.

Tôi thích các bộ phim nói trên của các đạo diễn Việt Kiều vì chất hoài cổ và cách nhìn văn hóa, con người Việt Nam”vừa từ bên ngoài, vừa từ bên trong” nên có sự quyến rũ và lạ lẫm nhất định.

Poster phim Children of the mist

CHILDREN OF THE MIST Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) là bộ phim tài liệu nói về tập tục ‘bắt vợ’ của dân tộc H’Mong, do đạo diễn Hà Lệ Diễm thực hiện

BBC: Nói về thị trường phim ảnh Việt Nam hiện nay, nhiều người tranh cãi về thế nào là làm phim ‘tử tế’, khi nhiều tác phẩm ‘gom’ được hàng trăm tỷ ở rạp nhưng lại không thuyết phục về mặt nghệ thuật. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này và theo ông, các phim nghệ thuật với triết lý sâu sắc liệu sẽ có chỗ đứng vững bền trong nền điện ảnh ở Việt Nam?

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Tôi nghĩ đơn giản, đừng đòi hỏi một tác phẩm thương mại phải mang tính nghệ thuật, tất nhiên như vậy không có nghĩa là chúng ta chấp nhận sự ẩu tả trong làm phim.

Với phim thương mại, mục đích lớn nhất của đạo diễn là chinh phục thị hiếu khán giả, chuyện này không hề đơn giản bởi mỗi năm điện ảnh Việt nam có hàng chục bộ phim thất bại thê thảm tại phòng vé. Nên sự chiến thắng của một vài phim thương mại Việt Nam với tôi rất quan trọng để vực dậy thị trường điện ảnh trong nước.

Điện ảnh được xem là một ngành công nghiệp giải trí. Và muốn ngành công nghiệp giải trí ấy thành công, chúng ta phải có những bộ phim đứng đầu phòng vé, đồng thời có những tác phẩm nghệ thuật, độc lập chinh phục được các liên hoan phim trên thế giới và giành các giải thưởng quan trọng.

Phim nghệ thuật Việt Nam nhìn chung vẫn chưa có chỗ đứng ở phòng vé, nhưng tôi tin, đang có sự thay đổi tích cực qua một vài hiện tượng phòng vé gần đây của ‘Ròm’, ‘Đêm tối rực rỡ’, ‘Tro tàn rực rỡ’ hay ‘Những đứa trẻ trong sương’…

Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm

LE HONG LAM Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm

Ông Lê Hồng Lâm là nhà báo, nhà phê bình điện ảnh tại Việt Nam. Ông là tác giả của các đầu sách nghiên cứu điện ảnh ‘Xem chữ đọc hình’, ‘Chơi cùng cấu trúc’, ‘Cánh chim trong gió’, ‘101 bộ phim Việt Nam hay nhất’, ‘Người tình không chân dung’…

Tự do: Ô-xi của người sáng tạo!

Trần Thanh Cảnh

30-5-2023

Thật ra thì mọi người công dân đúng nghĩa đều cần có tự do. Chẳng thế mà tại Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, nhắc đến TỰ DO như một quyền cơ bản, chỉ sau quyền sống.

Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng vậy, nhấn mạnh TỰ DO- BÌNH ĐẲNG- BÁC ÁI!

 
Tại Việt Nam, trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, cụ Hồ Chí Minh đã dẫn nguyên văn Tuyên ngôn nước Mỹ về quyền sống, TỰ DO, mưu cầu hạnh phúc…

Có thể nói TỰ DO, là quyền cơ bản nhất của con người- quyền con người: NHÂN QUYỀN, sau quyền sống mà đấng tối cao đã trao cho.

Trên thực tế, mỗi tầng lớp trong xã hội lại có những ưu tiên về sự quan tâm đến quyền con người khác nhau trong đời sống xã hội. Tầng lớp tiểu thị dân, như người ta đúc kết chỉ cần có “bánh mì và gánh xiếc rong” là đủ! Tầng lớp nông dân chỉ cần có “mảnh ruộng của riêng mình… Nhưng với giới trí thức, nghệ sĩ sáng tạo họ cần nhiều hơn thế! Họ cần TỰ DO: Tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do sáng tạo… Tự do với họ như ô xi để thở! Không có tự do sẽ không có sáng tạo, đó là một chân lý vĩnh hằng!

Sở dĩ lan man một chút về cái mệnh đề triết học to tát TỰ DO, là vì mấy hôm nay nhiều người thắc mắc tại sao Nhà văn Dương Thu Hương được giải thưởng Cino-Del-Duca, Đạo diễn Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân được giải của liên hoan phim Cannes. Những giải thưởng danh giá. Và họ đều là những người Việt sinh sống ở nước ngoài, sống và sáng tạo trong THẾ GIỚI TỰ DO! Nhiều người lại đưa ra các giả thiết. Tranh luận. Rồi hầu như đều chung kết luận, nếu Dương Thu Hương, Trần Anh Hùng, Phạm Thiên Ân sinh sống trong nước sẽ không bao giờ có các giải thưởng trên!

Bởi thế chúng ta cũng đừng lấy làm ngạc nhiên khi 21/21 học sinh đã từng vô địch kỳ thi Olimpia chọn THẾ GIỚI TỰ DO làm nơi sống và làm việc. Tại đó, họ được hít thở đầy đủ bầu không khí tự do, nên họ sẽ phát triển được hết mọi tiềm năng con người của mình. Mừng cho họ.

Nên TỰ DO (tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, tự do cư trú, tự do lập hội…) là bầu sinh quyển quyết định cho xã hội phát triển. Không có tự do sẽ không có sáng tạo. Không có sáng tạo sẽ không có sự phát triển! Bóp nghẹt tự do của trí thức, nghệ sĩ sáng tạo không khác gì cắt ô xi của một thân thể sống, vậy thì còn đòi hỏi gì về sự sáng tạo những giá trị mới của họ đây?

Mà một khi TỰ DO đã bị bóp nghẹt quá lâu, ô xi đã hết, giới trí thức văn nghệ sĩ sáng tạo hình như đã “chết” hết rồi thì phải!