Seite auswählen

THẢM TRẠNG CÔNG LÝ MỸ

 

Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều

    Chuyện hầu hết dân Mỹ không muốn thấy cuối cùng đã xẩy ra: cựu TT Donald Trump đã chính thức bị truy tố về 37 tội, vi phạm 7 luật, sẽ phải ra trước đại bồi thẩm đoàn thứ ba tới, sau đó sẽ ra tòa nhận án.

    Mỹ là xứ pháp trị với câu châm ngôn ‚Không ai có thể ngồi trên luật pháp, kể cả tổng thống‚, do đó, nếu ông Trump có phạm tội thì cũng không thể được tha thứ, bỏ qua dễ dàng. Ông phải bị trừng phạt và cả nước phải hoan hô. Làm gương để không có ai khác khác ngang nhiên ngồi xổm trên luật pháp.

    Đó là nói chuyện nguyên tắc.

    Thực tế khác rất xa, người nào nắm quyền thì người đó có quyền ngồi xổm trên luật pháp. Cứ hỏi cụ tổng Trọng thì biết. Mỹ với VC, chẳng còn gì khác nhau. Và chúng ta cần phải mở to đôi mắt để nhìn cho kỹ và đánh giá đúng mức, không bị tinh thần phe đảng chi phối. Ta thử nhìn lại câu chuyện ông Trump vừa bị truy tố xem sao.

 BỐI CẢNH CÂU CHUYỆN

    Tháng Giêng 2021, sau một cuộc bầu TT chìm ngập trong sương mù gian lận mà chẳng ai nhìn thấy gì rõ ràng, Biden dọn vào Tòa Bạch Ốc trong khi cựu TT Trump thu xếp hành lý về nhà riêng. 

    Như tất cả hơn bốn chục ông TT tiền nhiệm, ông Trump cho các phụ tá đóng thùng cả triệu trang tài liệu mang theo, trong không biết bao nhiêu trăm hay ngàn thùng, phần lớn để làm tài liệu cho ‚thư viện‘ mà tất cả các TT thời cận đại đều mở sau khi rời Tòa Bạch Ốc, phần còn lại là tư liệu cất cho mình, có thể để dùng viết hồi ký sau đó. Chuyện bình thường. Các TT Obama, Bush con, Clinton,… đều mang theo cả ngàn thùng tài liệu. Chẳng một ai thắc mắc, chẳng một ai kiểm tra xem trong đó có những tài liệu gì. Chẳng ai mang vấn đề luật lệ cho phép mang tài liệu nào, không được mang tài liệu nào. Gần 300 năm lịch sử Mỹ, chẳng ông TT nào bị ’sờ gáy‘ về chuyện mang theo tài liệu.

    Nhưng với TT Trump thì mọi chuyện đều khác. Sở Văn Khố -National Archives-, là nơi lưu trữ các tài liệu quốc gia, đặc biệt là các tài liệu của các cựu TT, lần đầu tiên (lần thứ nhất 1) trong lịch sử chính trị Mỹ, bất thình lình cho biết họ xem lại mấy ngàn thùng tài liệu do TT Trump để lại và thấy có nhiều thiếu sót, nhiều tài liệu họ biết là có mà không thấy trong mấy thùng ông Trump chuyển lại. Sở viết thư chính thức yêu cầu ông Trump coi lại và nộp lại những tài liệu thuộc loại ‚mật‘ vì liên quan đến an ninh quốc gia, ông Trump không có quyền mang theo, cất trong nhà riêng. Ông Trump cho các phụ tá coi lại, và y như rằng, có nhiều tài liệu mật thật. Ông Trump nộp lại đâu 15 thùng (chẳng ai rõ mỗi thùng có bao nhiêu trang tài liệu, cả ngàn hay cả vạn hay cả triệu trang). Sở Văn Khố sau đó cho biết vẫn chưa đủ. Cũng lần đầu tiên (2) trong lịch sử chính trị Mỹ, họ cho người đến tận tư dinh ông Trump tại Mar-a-Lago để khám xét, đi cùng với nhân viên FBI. Ông Trump mở cửa nhà, tiếp đón họ. FBI vào nhà kho dưới hầm để kiểm tra, sau đó, ra về với đâu một chục thùng nữa. Trước khi ra về, họ cho đặt một ổ khóa mới với mật khẩu dành riêng cho FBI để khóa tất cả các tài liệu trong hầm lại, không cho ông Trump hay bất cứ ai khác vào.

    Câu chuyện tưởng đến đây là hết. Nhưng lại chỉ là món điểm tâm sơ khởi.

   Một ngày đẹp trời, trong khi ông Trump đang đi lang thang đâu miền bắc Mỹ, thì bất thình lình, vẫn là lần đầu tiên (3) trong lịch sử chính trị Mỹ, một toán lính võ trang tới tận răng bao vây quanh nhà, để một số nhân viên FBI xông vào nhà, cùng với một đám luật sư của bộ Tư Pháp, lục tung khắp nơi, kể cả ngăn tủ quần áo lót của bà vợ ông Trump, trong khi cấm các luật sư của ông Trump và nhân viên gác nhà của ông Trump không được theo vào xem họ làm gì. FBI làm xong công tác, ra đi với đâu 300 tài liệu có dấu ‚mật‘ và ‚tối mật‘ theo. Chẳng một ai ngoài đám FBI được chứng kiến những tài liệu được lấy đi từ đâu và bằng cách nào. Hay đó là tài liệu do chính các luật sư của bộ Tư Pháp mang tới rồi mang đi. Hay các tài liệu không mật nhưng được các luật sư của bộ Tư Pháp đóng dấu ‚mật‘ vào, tại chỗ.

    Sau đó, bộ trưởng Tư Pháp cho biết sẽ mở cuộc điều tra kỹ xem ông Trump đã làm gì, và có phạm luật gì không. Bộ trưởng Merrick Garland cho biết để tránh tiếng phe đảng cho bộ, vẫn lần đầu tiên (4) trong lịch sử chính trị Mỹ, ông bổ nhiệm một công tố độc lập để điều tra một cựu TT. Thẩm phán Jack Smith được bổ nhiệm với toàn quyền điều tra tuy dưới quyền ông bộ trưởng và phải nộp phúc trình cho ông bộ trưởng. Khi đó là cuối tháng 11 năm 2022, 2 tuần lễ sau cuộc bầu giữa mùa, bầu lại toàn thể hạ viện và khoảng một phần ba thượng viện. Công tố độc lập Smith được giao phó hai trách nhiệm điều tra: vụ tài liệu mật trên, và luôn cả vai trò của TT Trump trong cuộc biểu tình bao vây quốc hội, ủng hộ Trump ngày 6/1/2021.

    Sau 6 tháng điều tra, thứ Năm 8/6/2023, công tố Smith ra lệnh truy tố hình sự ông Trump. Lần đầu tiên (5) trong lịch sử chính trị Mỹ, một cựu TT mà cũng là một ứng cử viên TT hàng đầu của đảng đối lập bị truy tố về tội hình sự ngay khi cuộc vận động tranh cử mở màn.

 NHỮNG NHÂN VẬT CHÍNH

    Dĩ nhiên nhân vật chính là ông Trump, mà tất cả mọi người đều đã biết quá rõ, khỏi bàn thêm. Ta sẽ chỉ xem qua những nhân vật chủ chốt khác.

1. Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland

   Ông Merrick Garland là quan tòa thuộc khuynh hướng cấp tiến của tòa kháng án của quận Columbia -Court of Appeals, District of Columbia- do TT Clinton bổ nhiệm. Tháng 3/2016, sau khi thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Antonin Scalia đột tử, TT Obama bổ nhiệm ông Garland thay thế. Nhưng thượng viện dưới sự lãnh đạo của thượng nghị sĩ CH Mitch McConnell từ chối, không chịu mang việc bổ nhiệm này ra trước thượng viện để phê chuẩn, viện cớ sắp sửa tới bầu cử TT, nên để tân TT bổ nhiệm trách nhiệm cực quan trọng này, bất kể tân TT sẽ là bà Hillary như tất cả mọi người đều tin, hay ông Trump.

    Kết quả ông Trump đắc cử TT trong bất ngờ, rút lại ngay việc bổ nhiệm ông Garland để bổ nhiệm ông Neil Gorsuch và ông Gorsuch được phê chuẩn sau đó. Ông Garland mất dịp ngàn năm một thuở vào ngồi cái ghế mà tất cả các luật gia đều mơ tưởng cả đời, dĩ nhiên oán hận thấu trời đảng CH nói chung và ông Trump nói riêng.

   Biden đắc cử TT, mau mắn an ủi ông Garland bằng cách bổ nhiệm ông Garland làm bộ trưởng Tư Pháp. Với niềm tin ông này sẽ là người đánh đảng CH và ông Trump mạnh nhất vì tư thù không đội trời chung.

2. Công tố độc lập Jack Smith

    Ông Jack Smith là một luật gia chuyên nghiệp lâu năm trong bộ Tư Pháp, lên đến chức phụ tá bộ trưởng Tư Pháp -Assistant Attorney General-, đặc trách một văn phòng gọi là ‚Public Integrity Section‘ -Văn Phòng Công Chính- chuyên điều tra những vụ lem nhem, hối lộ, lạm quyền, lừa đảo, biển thủ,…, trong chính quyền, kể cả những vụ lem nhem của các chính quyền các nước khác ngoài Mỹ, qua Tòa Hình Sự Quốc Tế The Hague -International Criminal Court at The Hague.  Ông đang làm việc tại tòa The Hague tại Hòa Lan khi được gọi về làm công tố độc lập điều tra về Trump.

    Ông Smith trên nguyên tắc là người tự cho là có quan điểm chính trị độc lập không theo đảng DC hay CH. Tuy nhiên, bà vợ ông lại ủng hộ đảng DC công khai và rất tích cực. Bà vợ, Katy Chevigny, đã từng là nhà sản xuất và đạo diễn một cuốn phim tung hô bà Michelle Obama lên 9 tầng mây. Cuốn phim có tên là ‚Becoming‚. Đây là tĩnh từ hay danh từ dùng để chỉ một người hoàn hảo, đã thành công trọn vẹn, là bà Michelle Obama.

    TỘI CỦA TRUMP

    Ngày thứ tư 7/6/2023, bộ Tư Pháp chính thức cho các luật sư của ông Trump biết ông Trump đang bị điều tra và có thể sẽ bị công tố Smith truy tố về tội hình sự trong việc lưu giữ tài liệu mật mang từ Tòa Bạch Ốc theo, cùng với tội cản trở công lý khi tìm cách ngăn cản bộ Tư Pháp tìm tài liệu mật trong tư dinh của ông. Ngay sau đó, trên trang mạng Truth Social và Twitter, ông Trump đã xác nhận sẽ bị chính thức truy tố tuần tới. 

   Ngày hôm sau, thứ Năm, bộ Tư Pháp chính thức loan tin công tố Smith truy tố ông Trump.

   Khi bài này được viết thì cáo trạng chính thức truy tố Trump vừa được công bố, kẻ này chưa đọc được những bình luận của các chuyên gia nên không hiểu rõ vì kẻ này không phải là luật gia. Tuy nhiên, có vẻ như công tố Smith truy tố ông Trump về 37 tội đại hình, vi phạm 7 luật hình sự, qua khoảng 100 tài liệu mật. Đại khái là lấy, lưu giữ và giấu tài liệu mật bất hợp pháp, khai gian với FBI, cản trở công lý khi tìm cách cản việc kiểm tra và thu hồi lại tài liệu mật. Mỗi tội có thể bị tù từ 5 tới 20 năm tù, tổng cộng, ông Trump có thể bị tù tới hơn 700 năm! Chỉ phạm một tội cũng đi tù từ 5 tới 20 năm. Ông Trump năm nay 77 tuổi.

    Cáo trạng nhìn nhận ông Trump đã có quyền giải mật hay ký một giấy ‚miễn trừ‘ -waiver- để có thể lưu giữ bất cứ tài liệu mật nào ông muốn mà không bị tội gì hết, nhưng vì ông đã không làm những chuyện này (bất kể vì ông sơ ý quên, hay cẩu thả coi thường luật, hay không biết), nên ông đã phạm tội khi lưu giữ khoảng 100 tài liệu mật bị FBI tịch thu. Nghĩa là công tố Smith đã khai thác một lỗi có tính thủ tục kỹ thuật nhỏ -minor procedure technicality- để vồ ông Trump đi tù 700 năm. Hay Ít nhất cản không cho ông Trump tranh cử TT chống Biden nữa.

   Một phụ tá của ông Trump cũng bị truy tố vì giúp Trump giấu tài liệu.

  Thứ Ba 13/6/2023, ông Trump sẽ phải ra trình diện trước một bồi thẩm đoàn trước khi ông bị lôi ra trước một tòa án liên bang tại Miami. Bà quan tòa Aileen Cannon do chính TT Trump bổ nhiệm sẽ thụ lý vụ án. Việc công tố Smith chọn địa điểm Miami và quan tòa Cannon phản ảnh ý của ông Smith muốn tránh một bồi thẩm đoàn thân DC tại thủ đô Washington DC, và chọn một quan tòa do chính TT Trump bổ nhiệm để khỏi bị mang tiếng phe đảng cho bộ Tư Pháp và cụ Biden.

    Vì đây là chuyện lần đầu tiên xẩy ra trong lịch sử, nên chẳng ai biết câu chuyện sẽ đi đến đâu. Ông Trump bị truy tố tới mức nào, có đi tù hay không, không ai biết. Bà quan tòa Cannon bị lãnh búa vụ án vô tiền khoán hậu này, chưa ai biết sẽ làm gì, quyết định ra sao. Chỉ biết bà tha ông Trump cũng chết mà kết án ông Trump cũng chết. Hai ông Garland và Smith đã ra một chiêu cực độc, dồn cả bà quan tòa do Trump bổ nhiệm vào ngõ cụt chỉ có chết, không còn đường sống.

    Điều quan trọng ta cần lưu ý là công tố Smith được giao phó hai trách nhiệm như trên đã bàn. Bây giờ, ông Smith chỉ mới truy tố ông Trump về tội lưu giữ tài liệu mật. Còn vai trò của ông Trump trong cuộc biểu tình 6/1/2021, chưa ai biết ông Smith đã điều tra tới đâu, chừng nào sẽ có kết quả, bà ông sẽ bị truy tố hay không. Tuy xác xuất bị truy tố rất cao dĩ nhiên.

 PHẢN ỨNG

    Ngay sau khi tin công tố Smith truy tố ông Trump được tung ra, phản ứng của ông Trump và phe CH bung ra ngay tức khắc, không chậm trễ một giây.

Ông Trump: Người đầu tiên có phản ứng mạnh dĩ nhiên là ông Trump. Ông khẳng định ông hoàn toàn không làm gì phạm pháp và toàn bộ câu chuyện cũng vẫn nằm trong kế hoạch quy mô tìm cách đánh ông và cản không cho ông ra tranh dành cái ghế của Biden trong Tòa Bạch Ốc, không hơn không kém. Ông Trump cho đây không phải là chuyện phạm pháp mà chỉ là chuyện can thiệp vào bầu cử -elections interference.

 

 

Các ứng cử viên TT của đảng CH: Hầu hết đã đồng loạt lên án Biden đã công khai và một cách thô bạo nhất, dùng bộ Tư Pháp và cả ngành tư pháp làm công cụ đấu đá chính trị, loại trừ một ứng cử viên TT đối lập với đương kim TT. Dù vậy, thực tế là vụ truy tố đã đặt các ứng cử viên CH trong tình trạng thật khó xử: siết chặt hàng ngũ bênh vực Trump giúp Trump đại thắng trong nội bộ CH, hay tiếp tục tấn công để hy vọng hạ Trump?

Ông DeSantis: Ông Trump hiển nhiên đã là nạn nhân của chính sách biến việc duy trì an ninh trật tự thành vũ khí chính trị để đánh đối lập. Đó là một đe dọa lớn cho một xã hội tự do. Ông khẳng định nếu đắc cử TT, việc quan trọng nhất ông phải làm là sẽ bắt bộ Tư Pháp phải trả lời và chịu trách nhiệm về những việc làm của bộ, và chấm dứt ngay việc vũ khí hóa ngành tư pháp.

Ông Tim Scott: Cán cân công lý đã bị ấn xuống một bên. Nếu đắc cử, ông sẽ thanh lọc mọi bất công để người dân có thể tin tưởng vào chính quyền lại.

Ông Mike Pence: Cựu phó TT của Trump, ông này nhận định „không ai có thể ngồi xổm trên luật pháp, tuy nhiên, có nhiều cách giải quyết vấn đề tốt đẹp hơn là truy tố một cựu TT, là cách gửi một thông điệp kinh khủng cho cả thế giới -terrible message to the world“.

Ông Chris Christie: Chống Trump kịch liệt, nói cần phải chờ đọc chi tiết của bản án trước khi lên tiếng. Ông nhắc lại, không ai có quyền ngồi trên pháp luật.

Ông Asa Hutchinson: Cũng chống Trump quyết liệt, kêu gọi ông Trump nên rút lui khỏi cuộc tranh cử TT ngay. Ông Hutchinson cho rằng ông Trump là người đã coi thường luật lệ từ lâu nay, bây giờ bị bắt không oan.

Ông Ramaswany: Đây là điều ô nhục. Nếu đắc cử TT, việc đầu tiên ông làm là ân xá mọi tội của Trump.

    Các phản ứng khác của các chính khách đều phản ảnh tính phe đảng, khi cánh bảo thủ nói chung lên án chính quyền Biden, tuy chưa hẳn là ủng hộ ông Trump; trong khi cánh cấp tiến nhất tề hoan nghênh. Đám truyền thông vẹt tị nạn dĩ nhiên nhai lại những hoan nghênh này.

Ông McCarthy: Chủ Tịch hạ viện nhận định đây là một ngày đen tối của lịch sử Mỹ khi một TT đương nhiệm dùng quyền của mình để loại một đối thủ chính trị. Ông khẳng định đứng bên cạnh ông Trump và chống lại việc vũ khí hóa ngành tư pháp thô bạo này, và Biden sẽ phải chịu trách nhiệm.

    Nói chung, các dân biểu và nghị sĩ CH đều lên án chính quyền Biden, trong khi các chính khách phe DC thì hoan nghênh quyết định và nhắc lại „không ai có quyền ngồi trên luật pháp, kể cả Trump“. Tuy nhiên, Biden và các đại quan DC đều không dám lên tiếng bình luận, sợ mang tiếng khai thác nội vụ vì nhu cầu chính trị. Đừng nên quên công tố độc lập Robert Hur cũng đang điều tra vụ Biden lưu giữ hồ sơ mật từ cả mấy chục năm qua, do đó Biden và đám lãnh đạo cũng phải dè dặt đề phòng chuyện công tố Hur có thể truy tố luôn Biden.

Wall Street: Giới kinh doanh có vẻ nhún vai coi vụ truy tố Trump như chuyện nhỏ, không có ảnh hưởng gì đến thế giới kinh tế, tài chánh. Chỉ số Dow Jones ngày thứ Sáu tăng có 43 điểm hay 0,13% so với hôm trước.

 

NHỮNG CÂU HỎI LỚN CHƯA CÓ CÂU TRẢ LỜI

    Trong câu chuyện truy tố này, có rất nhiều câu hỏi chính đáng mà chưa ai thấy câu trả lời rõ ràng và thỏa đáng:

– Việc các TT mang tài liệu theo khi rời Tòa Bạch Ốc là chuyện bình thường đã xẩy ra từ hồi nào tới giờ, mà chưa có một ông nào bị Sở Văn Khố Quốc Gia kiểm tra tài liệu rồi chất vấn, khoan nói tới FBI đột kích tư gia khám xét lung tung, tại sao Trump lại bị? Một con vẹt tị nạn đã trả lời câu hỏi này một cách ngớ ngẩn nhất: „tại vì các TT tiền nhiệm, không ông nào ăn cắp tài liệu mật mang theo hết“. Câu trả lời ngớ ngẩn ở điểm sao biết là vậy, nếu chưa ông nào bị chất vấn, bị FBI đột kích, đi truy lùng tài liệu tận nhà. Chưa cựu TT nào bị truy tố không phải vì chưa ông nào phạm tội, mà chỉ vì chưa ông nào bị hỏi tội, TT Trump là người đầu tiên.

– Biden cũng đã mang theo và lưu giữ tài liệu mật từ ngày ông còn là thượng nghị sĩ mới vào thượng viện cho tới ngày ông làm phó TT, nghĩa là lưu giữ cả nửa thế kỷ, mà lại lưu giữ một cách rất cẩu thả trong nhà để xe, hay trong văn phòng khi ông đang nghiên cứu về chính sách đối ngoại với tiền tài trợ của Trung Cộng. Tại sao Sở Văn Khố chưa một lần nào kiểm tra các tài liệu Biden để lại? Và hạch hỏi có thiếu sót? Ông Biden cũng đã gửi tặng Đại Học Delaware 1.850 thùng tài liệu, có nhân viên Sở Văn Khố hay FBI nào đến xem trong đó có tài liệu mật nào hay không?

– Tại sao Trump bị đối xử khác? Tại sao lại có quá nhiều cái ‚lần đầu tiên‘ như ta đã bàn ở trên? Nước Mỹ có mấy bộ luật? Một bộ luật dành riêng cho Trump sao? 

– Ở đây không phải chuyện ngẫu nhiên giản dị như cảnh sát bắt đại một xe đang chạy quá tốc độ trên xa lộ, hên xui may rủi. Trên xa lộ chính trị Mỹ, mỗi lần chỉ có đúng một chiếc xe chạy, hay một TT. Tất cả mọi xe chạy quá tốc độ hay không, tất cả các TT tiền nhiệm có mang tài liệu nào theo, cảnh sát nhắm mắt ngó lơ, không ai để ý. Tới khi cái xe Trump chạy thì cảnh sát dàn trận ra bắt. Có gì tình cờ ngẫu nhiên, hên xui may rủi trong đó? Trong chính trị cấp tổng thống mà lại có chuyện hên xui may rủi sao?

– Tại sao lại bổ nhiệm công tố đặc biệt hai tuần lễ sau bầu cử giữa mùa? Vì sợ bổ nhiệm trước bầu cử, cử tri MAGA sẽ nổi cơn khùng đổ xô đi bầu cho phe CH hết sao?

– Khi FBI đột kích Mar-a-Lago, rồi mang theo đâu 300 tài liệu mật, có ai ‚trung lập‘ chứng kiến? Sao biết đó KHÔNG phải là những tài liệu do FBI hay các luật sư của bộ Tư Pháp cài vào?

– Tại sao công tố Smith lại ra lệnh truy tố đúng hai ngày sau khi FBI chấp nhận hợp tác với hạ viện điều tra về vụ Biden ăn hối lộ 5 triệu đô từ Burisma. Có phải truy tố Trump để khỏa lấp vụ ăn hối lộ không? Dân biểu James Comer, chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Chính Phủ của hạ viện nhận định „Chẳng có gì trùng hợp ngẫu nhiên hết“.

 HẬU QỦA TRÊN CUỘC TRANH CỬ TT

    Câu bình luận giản dị nhất: chẳng ai biết gì về hậu quả của việc truy tố này hết. Ông Trump có đi tù không? Đi tù bao lâu? Chừng nào có phán quyết? Có còn tranh cử TT hay không? Nếu không, thì ai có triển vọng nhất? Nếu ông Trump quyết định tiếp tục tranh cử thì cử tri CH và cử tri Mỹ nói chung sẽ phản ứng ra sao? Nếu bị án mà ông Trump vẫn thắng trong nội bộ đảng CH, làm đại diện cho đảng CH ra tranh cử TT thì sao? Rồi nếu như ông thắng cử, hạ cụ Biden luôn thì sao? Ông có thể làm tổng thống từ trong nhà tù được không?

    Tất cả là chuyện chưa hề xẩy ra, chẳng có luật nào rõ ràng, nên chẳng ai có câu trả lời chính xác hay trung thực.

    Về khối cử tri MAGA thì sao? Người ta có thể thấy những cuộc biểu tình của cả trăm ngàn người như ngày 6/1/2021 để ủng hộ Trump và phản đối truy tố không? Câu trả lời là KHÔNG, sẽ không có biểu tình lớn như vậy. Chỉ vì bộ Tư Pháp của Biden đã dự trù và có biện pháp phòng ngừa khi ra lệnh bắt giam cả ngàn người đã tham gia vào cuộc biểu tình 6/1/2021, và những lãnh tụ các nhóm khuynh hữu MAGA mạnh nhất như Oath Keepers và Proud Boys,… đều bị chụp lên đầu những bản án nặng nề chưa từng thấy. Khi cả ngàn người, từ lãnh tụ tới những người năng động nhất đều bị nhốt hết rồi thì ai đứng ra điều động biểu tình được nữa. Qua sự kiện này, người ta có cảm tưởng như toàn bộ câu chuyện đã nằm trong kế hoạch quy mô lâu dài của đảng DC: họ dàn xếp từ trước cho công tố Smith truy tố Trump, và đã có chuẩn bị chặn chống đối khi bắt nhốt hết những người có thể sách động biểu tình chống đối. Tất cả đã được dàn dựng quy củ từ lâu rồi. Trong khi bên CH lo ăn mừng chiến thắng chiếm được hạ viện, rồi tranh nhau nhẩy ra tranh cử TT.

 NHẬN ĐỊNH CỦA DĐTC

    Hiển nhiên, cả hai nhân vật chính, bộ trưởng Garland và công tố Smith, chẳng ông nào có thể được gọi là ‚trung lập‘ không phe đảng hết. Ông Garland thì có tư thù vĩ đại chống đảng CH và chống Trump vì mất cơ hội ngàn năm một thuở đi vào lịch sử qua Tối Cao Pháp Viện, trong khi ông Smith thì có bà vợ là người tích cực ủng hộ đảng DC, TT Obama và bà Michelle.

    Mùa tranh cử leo thang nên việc bộ Tư Pháp của Biden leo thang tấn công Trump là chuyện dễ hiểu. Nhất là việc truy tố này có thể sẽ giúp khỏa lấp việc FBI điều tra về chuyện Biden ăn hối lộ 5 triệu đô. Để xem họ sẽ làm trò trống gì để giúp Biden thắng cử.

    FBI cũng mới cho biết đã điều tra việc cựu phó TT Mike Pence khám phá đã mang theo một số tài liệu mật, và kết luận đây là chuyện ’sơ ý‘ nên không truy tố, khác với trường hợp ông Trump là ‚cố ý‘. Việc này đưa đến suy luận là FBI đã mở đường để miễn tội cho Biden, cũng sẽ được coi như ’sơ ý‘.

    Trong khi đó thì công tố Robert Hur điều tra về vụ tài liệu mật trong garage xe của Biden, có vẻ như làm việc rất ển ển xìu xìu, cho tới nay, chỉ mới phỏng vấn có đúng một người, trái với công tố Smith điều tra Trump đã phỏng vấn cả trăm người, triệu tập 2 đại bồi thẩm đoàn, một ở thủ đô Washington DC, và một ở Miami.

   Tình trạng hiện nay, những người mù quáng nhất cũng thấy rõ bộ Tư Pháp và FBI đã trở thành công cụ đấu đá chính trị của đảng DC đang nắm quyền. Chẳng khác bao nhiêu bộ Tư Pháp và công an của VC.

    Đúng như giáo sư Harvard, Alan Dershowitz nhận định, vụ truy tố mày mở ra một trang sử mới cực kỳ nguy hiểm cho nước Mỹ và cho thể chế dân chủ của Mỹ khi chính quyền đương nhiệm có thể dùng bộ máy tư pháp để đàn áp đối lập.

    Truy tố này phải được hiểu như chỉ là một bước trong tiến trình hạ gục Trump, bảo vệ ghế ngồi của Biden. Chưa hết đâu, sẽ còn nhiều chiêu trò khác trong hai năm tới. Trump sẽ bị đánh tiếp tục nếu không rút lui. Hiện nay, Trump còn đang bị ‚điều tra‘ và truy lùng trong ít nhất nửa tá vụ án phịa khác, trong đó có vụ công tố Bragg của New York đã chính thức truy tố Trump về tội lấy tiền bịt miệng những giao du của ông với cô đào đóng phim sex, và vụ công tố Georgia đang chuẩn bị truy tố Trump tới 34 tội lạm quyền và khuynh đảo kết quả bầu cử. 

    Nếu Trump rút lui, người nào có triển vọng thay thế Trump ra đấu trường với Biden sẽ được tuyển chọn làm đối tượng mới cho bất cứ đòn phép, mánh mung nào, cho dù bẩn thỉu và hạ cấp nhất của đảng DC.

    Một nhận định cuối cùng: có lẽ một phần cũng do ông Trump quá khinh địch, coi thường phe DC cho dù biết DC đang kiểm soát chính quyền, trong đó có bộ Tư Pháp, FBI, và tất cả các công tố. DC cũng kiểm soát luôn toàn bộ hệ thống loa phường hậu thuẫn cho họ. Thậm chí, ông Trump cũng coi thường luôn cả luật pháp?

    Chính trị Mỹ đã biến thái, trở thành chính trị của một nước chậm tiến Phi Châu hay Nam Mỹ, khi chính quyền đương nhiệm dùng bộ máy công an làm vũ khí diệt đối lập chính trị. Chuyện thật khó tưởng tượng và đáng buồn cho nước Mỹ.

 ĐỌC THÊM

Bản án của Trump – Tòa Nam Florida:

https://storage.courtlistener.com/recap/gov.uscourts.flsd.648653/gov.uscourts.flsd.648653.3.0.pdf

Phản ứng của các ứng cử viên TT  của Cộng Hòa – Politico:

https://www.politico.com/news/2023/06/08/vivek-ramaswamy-promises-pardon-trump-indictment-00101173

Phản ứng của các dân cử – Politico:

https://www.politico.com/news/2023/06/08/lawmakers-react-trump-indictment-00101170

Donald Trump bị truy tố trong vụ hồ sơ mật

Hiếu Chân

8 tháng 6, 2023

Saigon Nhỏ

 

Lần ra tòa trước đây của ông Donald Trump là vào tháng Ba 2023 khi ông cựu tổng thống phải trình diện tòa án địa phương New York để nghe cáo trạng cáo buộc ông 34 tội danh trong vụ dùng tiền bịt miệng một cô đào phim khiêu dâm. Còn lần này ông ta phải ra tòa án liên bang tại Florida vì tội biển thủ tài liệu mật của chính phủ và ngăn cản công lý. Ảnh Lev Radin/Anadolu Agency via Getty Images

Trump là cựu tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ bị truy tố hình sự liên bang và sẽ ra tòa vào chiều thứ Ba tuần tới.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Năm 8 tháng Sáu 2023 đã đưa ra các cáo buộc hình sự liên bang đối với cựu Tổng thống Donald J. Trump, cáo buộc ông xử lý sai các tài liệu mật mà ông lưu giữ khi rời nhiệm sở và sau đó cản trở nỗ lực của chính phủ thu hồi chúng.

Đây là một bước quan trọng về chính trị và pháp lý được chờ đợi từ lâu và chắc chắn sẽ có tác động lớn đến bối cảnh chính trị nước Mỹ khi cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2024 đã chính thức bắt đầu. Vị thế hiện thời của ông Trump không chỉ là cựu tổng tư lệnh một thời của quân đội Hoa Kỳ mà còn là ứng cử viên hàng đầu cho cuộc đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2024 để đối đầu với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Nhiều người cho rằng chính quyền của ông Biden hiện thời sẽ tìm cách kết tội đối thủ tiềm năng của mình về nhiều trọng tội.

Báo The New York Times và báo The Washington Post dẫn tin từ những người biết rõ cáo trạng nói ông cựu tổng thống bị gọi là “bị can hình sự”, bị buộc bảy tội danh, trong đó có âm mưu cản trở công lý, cố tình thủ đắc tài liệu mật quốc phòng, tuyên bố sai sự thật và vi phạm Đạo luật Gián Điệp. Ông Trump xác nhận rằng ông ta đã bị truy tố và sẽ ra trình diện tòa vào lúc 3:00 chiều thứ Ba tuần tới để nghe đọc cáo trạng, theo một người thân cận với ông và bài đăng của chính ông trên nền tảng mạng xã hội Truth Social. 

“Chính quyền Biden tham nhũng đã thông báo cho các luật sư của tôi rằng tôi đã bị truy tố,” ông Trump viết trong một số bài đăng vào khoảng 7 giờ tối nay 8 tháng Sáu sau khi ông ta được thông báo về các cáo buộc. Trong một video mà ông đăng sau đó trên Truth Social, ông Trump tuyên bố: “Tôi không bao giờ nghĩ chuyện như thế này lại có thể xảy ra cho một cựu tổng thống Hoa Kỳ…Tôi là một người vô tội. Tôi là một người vô tội.” Ở một số bài đăng khác, ông Trump thắc mắc tại sao Hillary Clinton và Hunter Biden – con trai Tổng thống Biden – lại không bị truy tố về các hành vi liên quan đến tài liệu mật của quốc gia.

Bộ Tư pháp không đưa ra bình luận nào và không công khai bản cáo trạng ngay lập tức.

Bản cáo trạng, do văn phòng công tố viên đặc biệt Jack Smith đệ trình và được đưa ra bởi một đại bồi thẩm đoàn tại Tòa án Quận Liên bang ở Miami, bang Florida. Đây là lần đầu tiên một cựu tổng thống phải đối mặt với các cáo buộc hình sự cấp liên bang.  Và đây cũng là lần thứ hai ông Trump bị truy tố tội hình sự, lần trước là vào tháng Ba, các công tố viên địa phương ở New York đệ trình hơn 30 cáo buộc trọng tội chống lại ông Trump trong một vụ án liên quan đến khoản tiền bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm ở Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2016.

Ông Trump vẫn đang bị văn phòng của ông Jack Smith điều tra vì những nỗ lực duy trì quyền lực sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 và những nỗ lực đó đã dẫn đến vụ tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021. Ông ta cũng đang bị văn phòng công tố quận ở Fulton County, Georgia xem xét kỹ lưỡng về khả năng ông ta đã can thiệp vào cuộc bầu cử một cách bất hợp pháp.

FBI khám xét nhà ông Trump ở Florida hồi tháng Tám năm ngoái phát hiện nhiều tài liệu có dấu mật và tối mật (SCI) lẫn lộn với những giấy tờ, tạp chí thông thường. Ảnh Bộ Tư pháp.

Hồ sơ công khai của vụ án đã vẽ nên một bức tranh về việc ông Trump liên tục cản trở nỗ lực của cả Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia cũng như Bộ Tư pháp nhằm thu hồi hàng trăm hồ sơ nhạy cảm của chính phủ mà cựu tổng thống đã mang về từ Tòa Bạch Ốc và hầu hết được lưu giữ câu lạc bộ tư nhân và tư dinh của ông ở Florida, Mar-a-Lago.

 

Sau những nỗ lực bền bỉ của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia trong phần lớn năm 2021, yêu cầu ông Trump giao nộp tài liệu mà ông đã mang về nhà — những tài liệu được coi là tài sản của chính phủ Mỹ theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống — ông Trump đã giao nộp 15 hộp tài liệu vào tháng Giêng năm 2022. Việc xem xét các hộp tài liệu này cho thấy đây là các tài liệu rất nhạy cảm, được phân loại mật và tuyệt mật, khiến Bộ Tư pháp phải điều tra.

Tháng Tám năm ngoái, các đặc vụ liên bang đã đến Mar-a-Lago để thực hiện một cuộc khám xét đặc biệt, thu được tài liệu mà ông Trump đã không giao nộp. 

Bộ Tư pháp đã nhiều lần đặt câu hỏi về mức độ hợp tác của ông Trump trong nỗ lực thu hồi các tài liệu, nói rằng họ đã thu hồi hơn 100 tài liệu có chứa các dấu hiệu mật ngay cả sau khi một trong các luật sư của ông Trump chứng thực rằng một cuộc “tìm kiếm kỹ lưỡng” của nhóm pháp lý của ông ấy đã không tìm ra thêm bất kỳ tài liệu nào.

Mặc dù bản chất của một số tài liệu được tìm thấy ở nhà ông Trump đã được biết đến – chẳng hạn như những bức thư của nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong-un – nhưng vẫn chưa rõ nội dung những tài liệu mật khác được tìm thấy tại Mar-a- Lago và thiệt hại cho an ninh quốc gia mà việc sở hữu chúng gây ra, nếu có.

Ông Trump đã nhiều lần mô tả cuộc điều tra ông ta là một cuộc săn phù thủy có động cơ chính trị, và trong những tuần gần đây, các luật sư của ông đã tìm cách nêu ra những vấn đề mà họ cho là hành vi sai trái của cơ quan công tố.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết Tòa Bạch Ốc biết về bản cáo trạng từ các bản tin báo chí. Sáng hôm nay thứ Năm, trước khi ông Trump được báo tin sẽ bị truy tố, một phóng viên đã hỏi Tổng thống Biden ông sẽ nói gì với người dân Mỹ để họ tin rằng họ nên tin tưởng vào sự độc lập và công bằng của Bộ Tư pháp. Ông Biden trả lời rằng ông “không bao giờ, chưa một lần nào đề nghị Bộ Tư pháp nên và không nên làm gì liên quan tới chuyện truy tố hoặc không truy tố”.

Đội ngũ cố vấn của ông Trump đã biết trước việc ông bị buộc tội, đã chuẩn bị sẵn các tuyên bố, video và thư kêu gọi đóng góp tài trợ để tung ra ngay sau khi vụ buộc tội được loan tin trên báo chí.

Báo The New York Times ghi nhận các vụ truy tố ông Trump đã không có tác động nhiều đến triển vọng chính trị của ông ta. Theo một cuộc thăm dò dư luận của USA Today/Suffolk hồi tháng Tư, khi được hỏi những rắc rối pháp lý mà ông Trump đang đối mặt có ảnh hưởng đến quan điểm của họ về ông ta hay không, hai phần ba số ủng hộ viên của ông Trump cho rằng chúng không tạo ra sự khác biệt nào cả.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis – đối thủ nặng ký nhất của ông Trump trong cuộc đua giành vé đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm tới – nói rằng “việc biến cơ quan thực thi pháp luật của liên bang thành vũ khí đặt ra mối đe dọa chết người cho một xã hội tự do”. Nhưng ông DeSantis không trả lời nếu đắc cử tổng thống, ông ta có sẽ ân xá cho ông Trump hay không.

Cáo trạng 37 tội danh cáo buộc Trump vi phạm 7 luật liên bang về tài liệu quốc phòng

(Washington Post) – Toà liên bang vào thứ Sáu công bố cáo trạng liên bang dài 49 trang buộc tội ông Donald Trump và một phụ tá những tội danh liên quan đến số tài liệu Mật của chính phủ được đem ra khỏi  Toà Bạch Ốc đem về cất giữ tại Mar-a-Lago, và những nỗ lực ngăn cản chính phủ thu hồi tài liệu.

Cựu Tổng thống bị tố cáo vi phạm 7 luật liên bang, nhưng đối mặt với 37 tội danh do mỗi một tài liệu mật bị cáo buộc  cất giữ trái phép bị cáo buộc 1 tội danh riêng, và nỗ lực che dấu thông tin Mật khỏi các nhà điều tra liên bang bị cáo buộc dưới nhiều hình thức. Phụ tá lâu năm của Trump, Walt Nauta đối mặt với 6 cáo buộc.

Đạo luật chống Gián điệp không cho phép giữ thông tin quốc phòng: Trump bị cáo buộc 31 tội danh cố tình cất giữ thông tin quốc phòng, vi phạm một phần Đạo luật chống Gián điệp, trong đó cấm cố tình cất giữ bất hợp pháp thông tin quốc phòng nếu không được phép. Thông tin như vậy được định nghĩa là “bất cứ tài liệu nào, văn bản, sổ mã, sổ tín hiệu, bản phác thảo, ảnh, phim âm bản, bản thiết kế, kế hoạch, bản đồ, mô hình, công cụ, thiết bị hoặc ghi chú liên quan đến quốc phòng, hoặc thông tin liên quan đến quốc phòng. quốc phòng mà thông tin mà người sở hữu có lý do để tin rằng có thể được sử dụng để gây thiệt hại cho Hoa Kỳ hoặc mang lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nước ngoài nào.” Trên căn bản, thông tin đó không cần phải là thông tin Mật, nhưng trên thực tế, luật hầu như chỉ được sử dụng để truy tố việc lưu giữ tài liệu Mật.

Ngoại trừ 1 tài liệu trong 31 tài liệu ông Trump bị cáo buộc cất giữ trái phép được đánh dấu “Mật” hay “Tuyệt Mật.” Tài liệu không được đánh dấu liên quan “kế hoạch quân sự dự phòng.”

Không giống như những viên chức chính phủ khác, tổng thống Hoa Kỳ không phải qua thủ tục miễn trừ an ninh, bao gồm cam kết tuân theo quy định giữ bí mật. Nhưng Trump nhận được yêu cầu từ Cơ quan Lưu trữ Văn khố Quốc gia và trát đòi từ Bộ Tư pháp chỉ ra những tài liệu đó là tài liệu Mật và cần phải giao trả lại cho chính phủ Hoa Kỳ. Công tố viên cáo buộc, cựu Tổng thống tìm cách che dấu chúng khỏi các nhà điều tra liên bang. Mặc dù tổng thống có thể làm mất tính bí mật hầu hết thông tin, nhưng phải theo thủ tục.

Theo cáo trạng, Trump 2 lần cho người khác xem tài liệu Mật, một lần ở Bedminster, New Jersey. “Xem, là tổng thống tôi có thể làm mất tính bí mật,” Trump nói về một kế hoạch quân sự của Mỹ. “Bây  giờ thì tôi không thể nữa nồi, nhưng nó vẫn là một bí mật.”

Ngoài ra, vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm 2021, cựu Tổng thống đã chia sẻ bản đồ quân sự tuyệt mật với một nhân viên trong Ủy ban hành động chính trị của mình, người không được miễn trừ  an ninh.

Cáo trạng cáo buộc, cựu Tổng thống trong một cuộc họp cho biết, có hoạt động quân sự đang diễn ra tại một quốc gia nhưng không suôn sẻ. Trump đưa bản đồ cho người này xem nhưng kèm theo cảnh báo “đừng đến quá gần.” Trong những lần giao tiếp này, Trump dường như ít quan tâm đến nội dung của tài liệu hơn là việc chúng được “đưa cho tôi,” giống như một món quà hoặc một vật kỷ niệm.

Âm mưu cản trở công lý: Trump bị cáo buộc 1 tội danh âm mưu cùng với Nauta che dấu tài liệu Mật khỏi các nhà điều tra liên bang bằng việc nói láo với FBI về những gì được phát giác ở Mar-a-Lago, và di chuyển những thùng tài liệu ra khỏi phong kho trước khi FBI lục soát dinh thự này. Trump đặc biệt bị tố cáo yêu cầu một trong những luật sư của mình nói láo với FBI và hỗ trợ che dấu hay huỷ tài liệu.

Trump bị cáo buộc cất giữ những thùng tài liệu đựng tài liệu quan trọng trong phòng tắm. Cáo trạng cho hay, vào tháng 4 năm 2021, nhân viên của ông Trump cần di chuyển hàng chục thùng từ một hội trường được chuyển thành văn phòng. “Vẫn còn một chỗ nhỏ trong phòng tắm để cất những thứ khác của ông ấy,” một phụ tá nhắn tin cho đồng nghiệp. Không lâu sau đó, những thùng tài liệu được chuyển đến một phòng tắm nhỏ nối với phòng hội tiệc Mar-a-Lago, và chúng được chồng chất lên gần đến chiếc đèn chùm nhỏ cạnh toilet. Một trong những hình ảnh gây kinh ngạc là một thùng tài liệu an ninh quốc gia tuyệt mật vào năm 2021 bị đổ trên sàn phòng kho ở Mar-a-Lago, nơi nhiều nhân viên ra vào. Những tài liệu này được đánh dấu tuyệt Mật “five eyes” cho thấy chúng chỉ được các viên chức nắm miễn trừ an ninh hàng đầu của Mỹ và các đồng minh thân cận Úc, Anh, New Zealand và Canada.

Can thiệp vào chứng cứ đại bồi thẩm đoàn: Trump và Nauta đối mặt với 2 tội danh tìm cách giữ chứng cớ khỏi tầm tay đại bồi thẩm đoàn: 1 tội danh cất giữ tài liệu Mật, và 1 tội danh che dấu chúng sai trái. Trump bị tố cáo tìm cách thuyết phục một luật sư hỗ trợ che dấu tài liệu, trong khi Nauta bị tố cáo che dấu chứng cớ bằng việc di chuyển những thùng đựng tài liệu Mật.

Che giấu bằng chứng trong cuộc điều tra liên bang: Đối với cùng một hành vi bị cáo buộc che giấu thông tin mật tại Mar-a-Lago, Trump và Nauta, mỗi người đối mặt riêng với một tội danh che giấu chứng cớ với ý định cản trở cuộc điều tra của FBI.

Khai man: Cả Trump và Nauta cùng đối mặt với một tội danh âm mưu đưa ra tuyên bố sai trái nhằm che giấu việc cựu Tổng thống vẫn còn giữ tài liệu Mật với FBI và đại bồi thẩm đoàn. Theo cáo trạng, Trump đối mặt với một tội danh riêng vi đã khiến luật sư của ông ta đưa ra tuyên bố sai trái vào tháng 6 năm 2022 rằng, tất cả tài liệu Mật trong tay cựu Tổng thống đã được giao trả theo trát đòi. Một mình Nauta bị tố cáo khai man với FBI rằng không dính líu gì đến bất cứ thùng tài liệu nào.

Khung hình phạt tối đa cho mỗi một tội danh cất giữ sai trái thông tin quốc phòng lên đến 10 năm tù. Âm mưu cản trở công lý, can thiệp chứng cớ đại bồi thẩm đoàn, và che dấu chứng cớ trong một cuộc điều tra  liên bang, tất cả đều có mức án tối đa lên đến 20 năm tù. Mỗi một cáo buộc tuyên bố sai trái hay khai man có mức án tối đa lên đến 5 năm tù.

Nếu Trump bị kết tội  tất cả các cáo buộc, các bản án có thể nối tiếp, lên đến hàng trăm năm tù. Nhưng các bị cáo liên bang hiếm khi bị phạt mức án tối đa. Ông không phải đối mặt với bất cứ bản án tối thiểu bắt buộc nào.

Các bản án trong các vụ cất giữ tài liệu quốc phòng trái phép rất khác nhau, tuỳ thuộc vào tài liệu nhạy cảm như thế nào, số lượng, cất giữ trong bao lâu, và hợp tác với nhà điều tra như thế nào.

Hương Giang (Washington Post)

Donald Trump bị truy tố hình sự 7 tội danh liên quan tài liệu Mật 

Calitoday

(CaliToday) – Cựu Tổng thống Donald Trump bị Bộ Tư pháp truy tố 7 tội danh hình sự, liên quan đến việc đem hàng trăm tài liệu Mật của chính phủ về cất giữ riêng sau khi rời khỏi Toà Bạch Ốc – một sự kiện gây chấn động lịch sử chính trị và pháp lý quốc gia. 
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một cựu tổng thống đối mặt với những cáo buộc hình sự liên bang. Cáo trạng đặt quốc gia vào tình trạng khác thường, vì đối tượng không chỉ từng là Tổng Tư lệnh quốc gia mà còn là ứng cử viên tổng thống Cộng hoà hàng đầu. 
Cựu Tổng thống cho biết, ông được triệu tập ra trước toà liên bang ở Miami vào lúc 3h chiều thứ Ba tuần sau. 
Cáo trạng 7 tội danh được đệ lên toà liên bang nêu danh cựu Tổng thống là bị cáo hình sự, bao gồm các cáo buộc  cất giữ sai trái bí mật chính phủ, cản trở công lý, và âm mưu. 
Đây là lần thứ hai Donald Trump bị truy tố hình sự kể từ tháng 3 đến nay, sau cáo trạng hình sự 34 tội danh giả mạo hồ sơ tại Manhattan. 
“Tôi bị truy tố, dường như về trò gian lận mấy cái thùng,” Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social. Cựu Tổng thống tuyên bố mình bị đối xử bất công. “Tôi chưa bao giờ nghĩ ra điều như vậy có thể xảy ra đối với một cựu Tổng thống Hoa Kỳ. TÔI LÀ MỘT NGƯỜI VÔ TỘI!”

Các cáo buộc đến từ cuộc điều tra mang tính rủi ro cao được bắt đầu từ đầu năm 2022, và từ từ được phát triển trong mùa hè năm ngoái, cho đến khi FBI thực thi trát khám xét tại dinh thự của cựu Tổng thống ở Florida vào đầu tháng 8, thu giữ thêm hơn 100 tài liệu Mật, sau khi các cố vấn pháp lý của ông Trump tuyên bố hữu thệ không còn tài liệu nào. 

Hương Giang (Tiếp tục cập nhật) 

Truy tố Trump là bi kịch nhưng là mệnh lệnh của công lý

Lê Tây Sơn

Sài Gòn Nhỏ

 

Nước Mỹ bị rơi vào một thời điểm lịch sử (có tổng thống đầu tiên bị truy tố tội danh liên bang) là nhờ sự vận hành của hệ thống bầu cử tự do, và vì gần 63 triệu người Mỹ cho tỷ phú Donald Trump cơ hội lãnh đạo đất nước trong cuộc bầu cử năm 2016 (dù trong số họ có nhiều người biết ông ta có lắm vấn đề).

Nay những vấn đề đó đã quay trở lại ám ảnh cả Trump lẫn người dân Mỹ – nhà bình luận E.J. Dionne Jr., giáo sư McCourt School of Public Policy thuộc Georgetown University, viết trên The Washington Post.

 Với nhiều người, Trump mới chính là kẻ chà đạp nền dân chủ Hoa Kỳ (ảnh: James Devaney/GC Images)

Người Mỹ đã quá mệt mỏi vì hồ sơ pháp lý chồng chất của Trump

Từ ngày Donald Trump rời nhiệm sở dưới đám mây của một cuộc nổi dậy được ông “truyền cảm hứng”, có hai câu hỏi khiến lương tâm người Mỹ trăn trở:

Câu hỏi đầu tiên, được các đối thủ của Trump đặt ra một cách khẩn thiết, bắt nguồn từ yêu cầu của công lý bình đẳng: Một cựu tổng thống không phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm pháp luật, giống như bất kỳ công dân nào khác sao?

Câu hỏi thứ hai, phổ biến đối với những người ủng hộ Trump nhưng cũng gây chú ý nhờ sự tiếp sức của một số nhân vật nổi tiếng: Làm thế nào Bộ Tư pháp của Tổng thống Joe Biden có thể truy tố đối thủ năm 2020 (và người thách thức tiềm năng trong tương lai) của ông mà không làm tổn hại đến các chuẩn mực dân chủ?

Lý lẽ biện minh cho cáo buộc tội phạm chống lại Trump là tình trạng vô luật pháp, cái chết của nguyên tắc “phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm” (accountability) và một nền văn hóa tránh trừng phạt những kẻ từng ở trên đỉnh cao quyền lực.

Hai câu hỏi này dẫn đến câu hỏi khác: Liệu chúng ta có nên lo lắng rằng việc đưa một đối thủ chính trị ra trước công lý có thể khuyến khích một vòng xoáy ăn miếng trả miếng, đảng này chống lại các đối thủ chính trị của đảng kia?

Vào ngày 6 Tháng Sáu 2023, đúng như dự báo, nguyên tắc “phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm” đã vượt qua nỗi sợ hãi. Khi đưa ra các cáo buộc liên bang đầu tiên đối với một cựu tổng thống, quyết định của Bộ Tư pháp ít mang tính chính trị hơn cách nghĩ của một số người chống đối. Cố vấn đặc biệt Jack Smith chỉ tập trung vào các tình tiết của hồ sơ vụ án, dựa trên pháp luật và những gì Trump đã thực sự làm trái. “Chúng tôi có một bộ luật ở đất nước này – Smith nói trong một cuộc họp báo ngắn vào ngày 9 Tháng Sáu – và chúng áp dụng cho tất cả mọi người”.

 Trong bản cáo trạng dài 49 trang bất lợi cho Trump, Smith đã trình bày chi tiết những hành vi lừa dối, bất cẩn và che đậy của Trump bằng cách phá hủy hoặc vất bừa bãi tài liệu (che giấu ngay cả các luật sư của ông ta) ở mọi nơi, kể cả phòng tắm. Nhưng Trump không chỉ đối mặt với phiên toà mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống từ cuộc điều tra của Bộ Tư pháp mà còn những rắc rối pháp lý khác ở Quận hạt Manhattan (New York) và Quận hạt Fulton (Georgia).

Công tố viên đặc biệt Jack Smith (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Trong tất cả vụ việc, cựu tổng thống luôn phủ nhận hành vi sai trái. Trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, đặc vụ FBI đã tìm thấy hơn 100 tài liệu mật khi khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach (Florida) vào ngày 8 Tháng Tám, 2022 như một phần của cuộc điều tra hình sự về khả năng các tài liệu mật bị xử lý sai.

Đến ngày 8 Tháng Sáu, 2023 Trump chính thức bị truy tố. Bản cáo trạng đã được tháo niêm phong. Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland khi điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Một – để xem liệu Trump và các phụ tá có âm mưu ngăn cản sự chứng nhận chính thức kết quả bầu cử tổng thống tại Quốc hội hoặc có hành vi gian lận để phá hoại quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình – đã chỉ định công tố viên độc lập Jack Smith phụ trách vụ này và cả vụ Mar-a-Lago sau đó.

Còn ở Quận hạt Fulton (Georgia), công tố Fani T. Willis (Dân chủ) đang điều tra xem liệu Trump và các đồng minh có can thiệp bất hợp pháp vào cuộc bầu cử năm 2020 tại tiểu bang. Ngày 15 Tháng Hai, một thẩm phán Georgia đã công bố các phần của báo cáo do đại bồi thẩm đoàn đặc biệt soạn thảo để quyết định xem có nên để một đại bồi thẩm đoàn mới bỏ phiếu truy tố hình sự Trump không.

Cùng thời gian đó, công tố Alvin Bragg (Dân chủ) của Quận hạt Manhattan (New York) đã triệu tập một đại bồi thẩm đoàn để đánh giá các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Trump, gồm cả vai trò của ông trong khoản thanh toán tiền bịt miệng cho nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels khi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 đang diễn ra.

Ngày 30 Tháng Ba, đại bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu truy tố Trump, khiến ông trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị buộc tội cấp tiểu bang. Trong vụ kiện về các hoạt động kinh doanh của Trump ở New York, ngày 21 Tháng Chín Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang, bà Letitia James (Dân chủ) đã đệ đơn kiện Trump, ba người con của ông và Trump Organization thao túng trắng trợn việc định giá tài sản để vay được nhiều hơn, được hưởng chính sách bảo hiểm ưu đãi hơn và để được giảm thuế . Vụ kiện đang chờ giải quyết.

Trump khác Nixon như thế nào?

Nhiều nhà quan sát độc lập xem quyết định truy tố Trump về vụ tài liệu mật là đúng đắn, tỉnh táo và can đảm. Nhưng ngay lập tức những người ủng hộ Trump đua nhau “kêu oan”!

Cần nhớ, chính Trump từng cho rằng việc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton xử lý sai các tài liệu của chính phủ “khiến bà ấy không đủ tư cách làm tổng thống” và ông cam kết “sẽ thực thi tất cả các luật liên quan đến việc bảo vệ thông tin mật”.

Nhưng lời nói không đi đôi với việc làm! Trong một tuyên bố thái quá nhưng không gây ngạc nhiên, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy xem việc một tổng thống đương nhiệm truy tố đối thủ chính sau cuộc đua là “vô lương tâm”.

Điều ông Kevin McCarthy quên là Biden không đưa ra bản cáo trạng truy tố Trump mà một đại bồi thẩm đoàn đã làm.

Điều mà Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy quên là Tổng thống Biden lẫn Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland (giữa) không đưa ra bản cáo trạng truy tố Trump mà một đại bồi thẩm đoàn đã làm (ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland có vẻ là một chiến binh bất đắc dĩ có lúc băn khoăn về hậu quả của việc truy tố một cựu tổng thống. Dù bị một số người trong đảng của mình chỉ trích vì cuộc điều tra Trump quá chậm chạp, ông vẫn bình tĩnh làm tất cả những gì có thể để tách cuộc điều tra khỏi chính trị mà thấy rõ nhất là việc bổ nhiệm Smith (một người độc lập về chính trị) làm cố vấn đặc biệt với quyền quyết định mọi việc mà không có sự can thiệp của cả Biden.

Quan điểm cho rằng chỉ có các chế độ độc tài và các nền dân chủ yếu kém mới buộc tội các cựu lãnh đạo là một sai lầm. Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị kết án một năm tù vào năm 2021 vì tội tham nhũng và buôn bán ảnh hưởng.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, đang bị xét xử về tội hối lộ, lừa đảo và vi phạm lòng tin. Và cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon có đủ yếu tố để bị truy tố sau vụ Watergate nhưng Tổng thống Gerald Ford (người Nixon đã chọn làm phó tổng thống và kế vị ông ta) đã không để khả năng này xảy ra. “Lương tâm của tôi nói rõ với tôi là tôi không thể kéo dài những điều tồi tệ và mở lại một chương đã khép” – Ford biện minh cho lựa chọn gây tranh cãi (miễn truy tố Nixon tất cả mọi cáo buộc) mà mãi đến ngày nay vẫn có nhiều người không đồng tình. Vài trong số các đệ tử của Nixon trong vụ đột nhập Watergate theo lệnh chủ và vụ che đậy sau đó đã bị phải ra toà và lãnh án tù, còn Nixon thì không! Nếu không có “sự ưu ái” của Ford, ông ta, chứ không phải Trump mới là cựu tổng thống đầu tiên bị truy tố các tội danh liên bang.

Ngoài ra còn có một sự khác biệt lớn: Trump kiên quyết không kết thúc sự nghiệp chính trị của mình như Nixon mà tiếp tục là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống năm 2024 của đảng Cộng hòa.

Các cuộc điều tra song song nhắm vào Trump cũng đặt ra một câu hỏi khác: Các tội danh cản trở công lý và vi phạm Đạo luật gián điệp có ít nghiêm trọng hơn cáo buộc kích động nổi dậy và cố gắng phá huỷ một cuộc bầu cử tự do?

Trên thực tế, những hành xử của Trump xung quanh tài liệu mật cho thấy ông tin rằng mình là người cá biệt không bị các nguyên tắc bảo mật chi phối; kể cả thói quen nói dối; thiếu trách nhiệm của một tổng thống; xem văn phòng tổng thống như một tài sản riêng. Các quan điểm của Trump về chính sách đối ngoại (và nhiều thứ khác) được dựng chỉ như những tuồng kịch nhằm đánh bóng mình.

Quyết định truy tố cựu tổng thống của Cố vấn đặc biệt Smith đã giống như gáo nước lạnh dội vào nhận thức “cái tôi đứng trên luật pháp” của Trump. Nhưng nước Mỹ đang ở thời điểm bi thảm này trong lịch sử không phải vì Smith hay Garland mà bắt nguồn từ những nguyên nhân sớm hơn nhiều. Trump thích khẳng định mình là ai trong suốt cuộc đời của ông, kể cả lúc bước vào chính trường. Những tính cách khác thường và bất chấp của Trump thể hiện rõ ràng ngay từ lúc ông tuyên bố tranh cử tổng thống, tiếp tục thể hiện rõ hơn nữa trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016 và kéo dài cho đến hôm nay.

Minh họa: brandon-mowinkel-unsplash

Nền dân chủ Hoa Kỳ đang “hỗn loạn”?

Một số đối thủ của ông Trump cho vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa đã bày tỏ “thương tiếc” Trump và cho sự “xuống dốc bi thảm” của hệ thống nền dân chủ Hoa Kỳ. Cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã so sánh bản cáo trạng nhằm vào Trump với lối hành xử ở “các quốc gia thuộc thế giới thứ ba”, những người “sử dụng hệ thống tư pháp hình sự ở quốc gia của họ để chống lại những người tiền nhiệm”. Thống đốc Florida Ron DeSantis nói rằng “việc vũ khí hóa lực lượng thực thi pháp luật liên bang là mối đe dọa chết người đối với một xã hội tự do.”

Những người bảo vệ Trump thường không đề cập đến bản chất của 37 tội danh chống lại ông, mà thay vào đó đưa ra lý lẽ rằng: Còn ông Biden thì sao? Còn Hunter Biden thì sao? Còn Hillary Clinton thì sao?

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các trường hợp là rất rõ ràng. Trong cuộc điều tra tài liệu, các cố vấn của ông Biden cho đến nay đều đã trả lại hồ sơ cho nhà chức trách ngay sau khi phát hiện ra chúng. Ông Pence cũng làm như vậy sau khi một cuộc khám xét phát hiện rằng cựu phó tổng thống đã lưu giữ các tài liệu mật, và ông gần đây đã được Bộ Tư pháp xóa “nghi án” vì không có bằng chứng về việc cố ý vi phạm pháp luật.

Ngược lại, ông Trump từ chối giao nộp tất cả các tài liệu mà ông đã lấy từ Tòa Bạch Ốc – ngay cả sau khi được trát đòi hầu tòa. Theo cáo trạng, Trump đã dàn dựng một kế hoạch mở rộng để giấu giấy tờ và đưa ra những lời nói dối giới chức trách. Trump đã phá bỏ quá nhiều quy tắc trong suốt bốn năm cầm quyền. Chính ông từng nói rằng ông không tôn trọng những ranh giới vốn đưa đến những hạn chế đối với các tổng thống tiền nhiệm.

Kể từ khi rời nhiệm sở, ông kêu gọi “dẹp bỏ” Hiến pháp để có thể trở lại nắm quyền mà không cần đợi một cuộc bầu cử khác và cam kết rằng ông sẽ dành nhiệm kỳ thứ hai để “báo thù” đồng thời tha thứ cho những kẻ đã xông vào Điện Capitol ngày 6 Tháng Giêng 2021.

Cuối cùng, tất cả toàn bộ chuyện này sẽ dẫn đến thiệt hại lâu dài cho nền dân chủ Hoa Kỳ? Ngay cả một số người ủng hộ việc buộc tội ông Trump cũng lo sợ điều đó có thể xảy ra. Thậm chí nhiều người tỏ ra nghi ngờ độ tin cậy của hệ thống. Tuy nhiên, hệ thống sẽ tồn tại như nó đã tồn tại trong hơn hai thế kỷ – chánh thông tín viên Tòa Bạch Ốc Peter Baker viết trên The New York Times.

Ken Gormley, chủ tịch Đại học Duquesne và là tác giả một số sách về Watergate và các cuộc điều tra liên quan Bill Clinton, kết luận:

“Thật lộn xộn và khó chịu đối với thế hệ đang sống và chứng kiến những điều như vậy, nhưng hệ thống này đủ vững để chiến thắng. Năm tới có thể sẽ đau đớn như vậy khi hệ thống tư pháp hình sự hướng tới một phán quyết công bằng trong vụ tài liệu Mar-a-Lago – bất kể kết quả đó có thể là gì. Chúng ta thật sự may mắn khi có những người tiền nhiệm đã dành 234 năm để bảo vệ thành lũy này.”

Thị Màu phải gọi Trump là ‘sư tổ’!

Mai Vũ Phạm

9 tháng 6, 2023

Saigon Nhỏ

 

Người biểu tình trước Toà Bạch Ốc vui mừng khi Trump bị truy tố vụ hồ sơ mật. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một cựu tổng thống bị Bộ Tư pháp truy tố hình sự. Vào chiều hôm nay, thứ Sáu ngày 9 Tháng Sáu, văn phòng Cố vấn Đặc biệt Jack Smith đã chính thức công bố bản cáo trạng buộc tội Donald Trump với 37 trọng tội liên quan đến các tài liệu mật.

Bản cáo trạng buộc tội Donald Trump với 37 trọng tội liên quan đến các tài liệu mật. (Ảnh: Illustration by Drew Angerer/Getty Images)

Theo các hồ sơ điều tra liên bang của vụ án, Trump đã liên tục cản trở nỗ lực của cả Cục Quản lý Hồ Sơ – Lưu trữ Quốc gia và Bộ Tư pháp để thu giữ hàng trăm hồ sơ tuyệt mật. Tháng Tám năm ngoái, đặc vụ liên bang đã tới Mar-a-Lago tiến hành một cuộc khám xét đặc biệt, thu hồi hơn 100 tài liệu mật từ khu nghỉ dưỡng của Trump ở Florida. Trước đó, Bộ Tư Pháp đã yêu cầu Trump phải giao nộp những tài liệu mật này nhưng ông ta từ chối.

Lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng và giới truyền thông kể từ khi được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm làm Cố vấn Đặc biệt, Jack Smith nhấn mạnh luật pháp Hoa Kỳ áp dụng với mọi công dân và kêu gọi công chúng đọc toàn bộ bản cáo trạng để “hiểu phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các tội” mà Trump bị truy tố.

 

Cố vấn Đặc biệt, Jack Smith lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng và giới truyền thông(Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Những điểm trọng tâm của bản cáo trạng

Các cáo buộc chống lại Trump bao gồm 31 tội danh nghiêm trọng vi phạm Đạo luật Gián điệp, cố ý giữ thông tin tuyệt mật quốc phòng. Sáu tội danh nghiêm trọng khác bao gồm âm mưu cản trở công lý, giữ lại tài liệu mật, che giấu tài liệu hoặc hồ sơ mật, che giấu tài liệu trong cuộc điều tra liên bang, âm mưu che giấu, và đưa ra các tuyên bố sai sự thật.

Carl Tobias, giáo sư luật tại Đại học Richmond ở Virginia, cho biết: “Những cáo buộc này vô cùng nghiêm trọng. Tất nhiên, tất cả điều này phải được chứng minh. Nhưng có quá nhiều thông tin [trong bản cáo trạng] dường như thuyết phục đối với tôi và có thể dành cho bồi thẩm đoàn.”

Bản cáo trạng cho biết các tài liệu mật mà Trump sở hữu trái phép “bao gồm thông tin liên quan đến khả năng phòng thủ và vũ khí của cả Hoa Kỳ và các nước khác; các chương trình hạt nhân của Hoa Kỳ; khả năng bị tấn công quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh; và kế hoạch đáp trả có thể xảy ra cho một cuộc tấn công nước ngoài.” Ngoài ra còn có các tài liệu chứa thông tin tình báo từ các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, thông tin liên lạc với các nhà lãnh đạo nước ngoài và nhiều đối thủ khác nhau.

Ảnh tài liệu do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cung cấp này, có thể thấy các chồng hộp trong White and Gold Ballroom của khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Palm Beach, Florida. (Ảnh: U.S. Department of Justice via Getty Images)

Những tài liệu tuyệt mật này có nguồn gốc từ Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Bộ Quốc phòng, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia, Văn phòng Trinh sát Quốc gia, Bộ Năng lượng, Bộ Ngoại giao, và Cục Nghiên cứu Tình báo.

Bản cáo trạng cũng cho biết Trump đã cho một số người không đúng thẩm quyền tiếp cận và đọc các tài liệu tuyệt mật hai lần vào năm 2021 tại khu nghỉ dưỡng Bedminster của Trump. Lần đầu tiên, Trump đã cho một nhóm xem bản sao kế hoạch tấn công Iran. Một lần khác, Trump đã cho hai thành viên trong ủy ban vận động tranh cử của mình xem “bản đồ được phân loại liên quan đến một hoạt động quân sự.

 

Trump tự thừa nhận không còn khả năng giải mật (declassify)

Kể từ khi cục điều tra liên bang FBI tiến hành lục soát ở Mar-a-Lago, Trump liên tục khẳng định rằng ông đã giải mật các tài liệu mà ông lấy trước khi rời Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, một đoạn thu âm vào Tháng Bảy năm 2021 vừa được CNN công bố cho biết Trump đang nắm giữ các tài liệu “bí mật” mà chưa được giải mật. Theo CNN, văn phòng cố vấn đặc biệt đã có được bản ghi âm vào tuần trước. Trump nói trong đoạn thu âm rằng: “Tôi có thể giải mật với tư cách là tổng thống, nhưng giờ tôi không thể.

“Không ai đứng trên pháp luật” 

Trump và đồng minh kêu ca rằng chưa bao giờ trong lịch sử Hoa Kỳ một cựu tổng thống lại bị buộc tội.

Sự thật Trump đã trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị truy tố hình sự hai lần bởi các đại bồi thẩm đoàn. Sở dĩ đây là lần đầu tiên trong lịch sử là vì kể từ khi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ khai sinh cho đến nay, chưa có một cựu tổng thống nào lại phạm nhiều tội nghiêm trọng như Trump đến thế.

Nên nhớ Bộ Tư Pháp không truy tố Trump. Đương kim Tổng Thống Joe Biden cũng không có thẩm quyền để truy tố Trump. Cả hai cáo buộc hình sự mà Trump đang phải đối mặt đều là kết quả truy tố của đại bồi thẩm đoàn.

Rất nhiều nhân viên chính phủ Hoa Kỳ đã từng phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc liên quan đến việc xử lý sai các tài liệu tuyệt mật.

Tháng Bảy năm 2020, cựu nhân viên tạm thời của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Manilla, Asia Janay Lavarello, đã bị kết án 3 tháng tù giam khi mang các tài liệu mật về phòng khách sạn của mình và sau đó không chịu mang trả lại văn phòng toà đại sứ ở Manilla.

Tháng Một năm 2021, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia, Elizabeth Jo Shirley, đã bị kết án hơn 8 năm tù vì tội lưu giữ các tài liệu tuyệt mật trên các thiết bị điện tử của bà, cả ở Mexico và một số được lưu trữ tại nhà riêng ở West Virginia .

Tháng Năm năm 2021, cựu nhân viên điều tra FBI, Kendra Kingsbury, bị truy tố hai tội danh sở hữu trái phép các tài liệu liên quan đến quốc phòng và đối mặt với bản án 10 năm tù. Cáo trạng của toà cho thấy bà Kingsbury đã lấy các tài liệu mật và giữ ở nhà riêng.

 Thậm chí chính Donald Trump cũng đã nhiều lần kêu gọi tống giam dài hạn bất kỳ ai đã thu giữ hoặc tiết lộ các tài liệu mật. Trump cũng nhiều lần yêu cầu truy tố John Bolton, người mà chính Trump tuyển chọn vào chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia, chỉ vì ông Bolton đã xuất bản cuốn hồi ký tố cáo sự bất tài, kém cỏi của Trump.
Trump dự kiến sẽ ra tòa án liên bang ở Miami lúc 3 giờ chiều Thứ Ba tuần tới. Trump tuyên bố trong một đoạn video trên Truth Social rằng: “Tôi là một người vô tội.”

Với núi bằng chứng thuyết phục của văn phòng Công tố Đặc biệt Jack Smith, tuyên bố “vô tội” của Trump quả thật hài hước. Xem ra nàng “Thị Màu” của Việt Nam còn phải bái Trump là sư tổ.

Donald Trump thu giữ trái phép hàng trăm tài liệu tuyệt mật, xem đó là trò đùa bằng cách khoe khoang với những người khác, và cất giữ nhiều thùng trong phòng tắm. Trump từ chối trao trả lại các tài liệu này sau nhiều lần cơ quan lưu trữ quốc gia yêu cầu. Không dừng lại ở đó, Trump còn liên tục ngăn cản các nỗ lực thu hồi của cơ quan có thẩm quyền và cố ý dối trá với cơ quan điều tra liên bang.

Bất kỳ người Mỹ nào, từ dân thường đến quan chức, nếu có hành động như Trump thì họ có bị bắt giam và nhận án tù hay không?

Cố vấn đặc biệt Jack Smith nhấn mạnh trong buổi họp báo: “Luật  bảo vệ thông tin quốc phòng là rất quan trọng đối với sự an toàn và an ninh của Hoa Kỳ, và chúng phải được thực thi.

Rõ ràng là như vậy. Bất kỳ ai phạm tội đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trump cũng không ngoại trừ.

4 vấn đề của Trump sau khi bị truy tố hình sự lần thứ hai

WASHINGTON, DC (NV) – Nhiều câu hỏi được đặt ra sau khi cựu Tổng Thống Donald Trump bị truy tố hình sự lần thứ hai trong vòng ba tháng.

Ngoài phiên tòa ở Miami hôm Thứ Ba, 13 Tháng Sáu, ông Trump còn đối diện bản án dân sự yêu cầu bồi thường $5 triệu vào cuối Tháng Tư.

Cựu Tổng Thống Donald Trump tại câu lạc bộ Trump National Golf Club ở Bedminster, New Jersey, tối Thứ Ba. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Ngoài ra, có hai cuộc điều tra hình sự khác đang chờ đợi ông, trong bối cảnh ông Trump vẫn đang là ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa.

Hôm Thứ Tư, 14 Tháng Sáu, một ngày sau khi ông Trump trình diện tòa án liên bang ở Miami, Florida, đài NPR đưa ra bốn vấn đề chính trị mà ông đang phải đối đầu.

1-Tận dụng cơ hội ra tòa để có cảm tình của người ủng hộ

Hầu như ai ở trong tình cảnh rối ren như thế đều sẽ kiệt sức, nhưng cựu tổng thống lại cố gắng biến điều này thành cơ hội. 

Chẳng hạn, sau phiên tòa, ông Trump đi đến Versailles, quán cà phê nổi tiếng của người Mỹ gốc Cuba ở khu phố Little Havana ở Miami. Cựu tổng thống cùng nhiều người ở đó cầu nguyện rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ không “cập bến” Mỹ, sau đó mọi người hát chúc mừng sinh nhật ông.

Tại Florida, ông Trump tỏ ra chống chế độ cộng sản để làm vừa lòng người gốc Cuba, nhưng người gốc Nam Hàn lại nhớ đến những lời nồng ấm mà cựu tổng thống dành cho ông Kim Jong Un, nhà lãnh đạo cộng sản hà khắc của Bắc Hàn, hay khuyên Bình Nhưỡng nên có chính sách kinh tế cởi mở như Hà Nội để được Mỹ chiếu cố, chưa kể đến hành động tự lấy và vẫy lá cờ của Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội.

Hành động này cho thấy quyền lực chính trị mà ông Trump đang nắm giữ tại những cộng đồng người Latino bảo thủ, đặc biệt ở Florida.

Vài tiếng sau khi hầu tòa, cựu tổng thống tập hợp các nhà tài trợ tham gia một buổi gây quỹ chiến dịch tranh cử ở New Jersey. Hoặc trong tuần này, chiến dịch của ông cho chạy quảng cáo mới, thể hiện rằng ông Trump đang chống lại Tổng Thống Joe Biden. 

Ý tưởng chiến lược đằng sau những hành động này là tạo hình ảnh ông Trump chính là ứng cử viên được đảng Cộng Hòa chọn, dập tắt suy nghĩ chọn đối thủ khác của cử tri.

2-Các ứng cử viên Cộng Hòa khác có tận dụng thời cơ?

Vẫn còn khoảng sáu, bảy tháng nữa mới đến đợt bầu cử của các tiểu bang bỏ phiếu sớm, tức là còn nhiều thời gian để các đối thủ của ông Trump tận dụng thời cơ.

Tuy nhiên, có vẻ họ lại chẳng muốn làm vậy. 

Hầu hết các ứng cử viên Cộng Hòa, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của ông Trump trong đảng, đều đang chỉ trích Bộ Tư Pháp và cho rằng cáo buộc đối với ông Trump quá nặng nề.

Ông Ron DeSantis, thống đốc Florida, tuyên bố Bộ Tư Pháp áp dụng tiêu chuẩn kép. Ông Mike Pence, phó tổng thống dưới thời ông Trump, đưa ra nhận định tương tự, nói rằng Bộ Tư Pháp bị chính trị hóa.

Ông Vivek Ramaswamy, một doanh nhân kỹ thuật, cố gắng thuyết phục các ứng cử viên khác ký đơn xin tha bổng cho ông Trump nếu bị kết tội. 

Bà Nikki Haley, cựu đại sứ Liên Hiệp Quốc dưới thời ông Trump, thể hiện quan điểm khác biệt hơn. Lúc đầu bà cũng cho rằng Bộ Tư Pháp lạm quyền, nhưng trong lần xuất hiện trên Fox News hôm Thứ Hai, 12 Tháng Sáu, bà cho rằng nếu bản cáo trạng là đúng, thì ông Trump đã quá bất cẩn với bí mật an ninh quốc gia.

3-Ảnh hưởng như thế nào đến cử tri?

Cử tri đảng Cộng Hòa nói rằng họ tin ông Trump. Còn những bên khác, bao gồm cử tri độc lập, không ủng hộ ông. 

Trong khi đó, một số chiến lược gia đảng Cộng Hòa cho rằng ông là nguyên nhân chính khiến đảng Cộng Hòa có kết quả kém cỏi trong ba đợt bầu cử vừa qua. Mặc dù vậy, nhận định này chưa thể dập tắt sự ủng hộ của cử tri dành cho ông Trump. 

Một cuộc thăm dò của CBS cho thấy 80% cử tri Cộng Hòa tin rằng ông Trump vẫn có thể trở thành tổng thống ngay cả sau khi bị kết án.

Cuộc thăm dò của ABC/Ipos cho thấy tỉ lệ người nhận định bản án là “nghiêm trọng” tăng từ 52% lên 61%. Tuy nhiên, quan trọng là không có thay đổi đáng kể nào đến việc có bao nhiêu người nghĩ ông Trump nên hoặc không nên bị buộc tội. Tỉ lệ vẫn giống như sau bản án ở New York, trong đó, 50% đồng ý ông nên bị buộc tội và 33% phản đối.

Không chỉ vậy, một nửa số người khảo sát cho rằng việc truy tố này có động cơ chính trị. 

4-Điều tra khác thì sao? Kéo dài bao lâu?

Vụ án hình sự ở New York dự trù được đưa ra xét xử vào Tháng Ba năm sau, thời điểm bận rộn nhất của bầu cử sơ bộ. Trong khi đó, chưa biết vụ tài liệu mật sẽ được đưa ra xét xử khi nào, nhưng ít nhất cũng kéo dài vài tháng.

Ngoài ra vẫn còn hai cuộc điều tra khác. Một là cuộc điều tra liên bang liên quan đến vai trò của ông trong vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng, 2021. Một là cuộc điều tra của tiểu bang Georgia nhằm xác định ông Trump có gây áp lực để lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 ở đây hay không.

Các bên dự trù rằng nhóm luật sư của ông Trump sẽ đệ trình nhiều phản kháng để bác bỏ và kéo dài vụ án. Đồng thời, họ cũng có thể hy vọng ông tái đắc cử tổng thống, để có nhiều quyền lực hơn trong việc chấm dứt các vụ điều tra. (MPL) [đ.d.]

Cố vấn Đặc biệt Jack Smith là ai?

Mai Vũ Phạm

10 tháng 6, 2023

Saigon Nhỏ

 

Jack Smith, trong buổi họp báo tại Bộ Tư pháp ngày 9 Tháng Sáu 2023, công bố cuộc điều tra vụ tài liệu mật được giấu ở tư dinh cựu Tổng thống Donald Trump (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Danh tiếng của Cố vấn Đặc biệt Jack Smith, 54 tuổi, đã đi vào lịch sử Hoa Kỳ, khi văn phòng điều tra của ông lần đầu tiên cáo buộc một cựu tổng thống Mỹ, Donald J. Trump, với 37 trọng tội liên quan các tài liệu mật. Bản cáo trạng này đã được bỏ phiếu bởi phần lớn đại bồi thẩm đoàn là những công dân Florida.

Tên tuổi Jack Smith gần như không ai biết trước khi ông được bổ nhiệm vị trí cố vấn đặc biệt vào Tháng Mười Một 2022 để điều tra cựu Tổng thống Donald J. Trump. Jack Smith tuyệt đối không tiếp xúc báo chí, tránh né mọi cuộc phỏng vấn, đến mức gần đây, việc một số người tình cờ thấy ông bước ra từ một tiệm thức ăn nhanh Subway đã lập tức biến thành một “bản tin” được nhân viên Bộ Tư pháp lan truyền.

Xuất thân của Jack Smith

Jack Smith tên thật John Luman Smith, sinh ngày 5 Tháng Sáu 1969, lớn lên ở Clay, ngoại ô Syracuse, bang New York. Thời trung học, Jack Smith là một cậu bé cao gầy và rất đam mê bóng bầu dục. Tuy nhiên, Jack Smith ngồi dự bị nhiều hơn thi đấu, nhưng luôn có mặt trong mọi buổi tập. Trong các trận đấu, Jack Smith luôn cổ vũ cho đồng đội như thể đó là công việc của cậu.

Năm 1987, Jack Smith tốt nghiệp trung học Liverpool. Ông Scott Hanson, một người bạn thân thời trung học của Jack Smith, cho biết thành tích học tập của ông ấy là tốt, nhưng không có gì quá nổi bật. Lúc đó không ai nghĩ Jack Smith sẽ trở thành một trong những sinh viên xuất sắc trường Luật Harvard danh tiếng. Tuy nhiên, Hanson kể lại rằng sau đó Jack Smith đã đạt điểm cao trong kỳ thi SAT để theo học ngành Khoa học Chính trị (Political Science) tại Đại học Bang New York ở Oneonta. Trong lúc học tại đây, Jack Smith đã lên kế hoạch theo đuổi ngành luật tại Harvard. Ông đạt điểm top 1% trong kỳ thi tuyển sinh vào trường Luật Harvard. Ông nhận bằng Tiến sĩ Luật của Harvard năm 1994.

Không chỉ đam mê luật, ông rất thích thể thao, dành nhiều thời gian cho chạy bộ và đạp xe đạp. Ông đã hoàn thành hơn 100 cuộc thi ba môn phối hợp (bơi, đạp xe, và chạy bộ) và ít nhất chín cuộc thi Người sắt trên khắp thế giới. Những người bạn thân thiết và họ hàng của Jack Smith rất tự hào về ông, đặc biệt sau khi ông trở thành tâm điểm của chính trường Mỹ, trở thành Cố vấn Đặc biệt thứ hai điều tra Donald Trump.

Sự nghiệp pháp lý của Jack Smith

Công việc đầu tiên của Jack Smith sau khi tốt nghiệp trường Luật Harvard vào năm 1994 là công tố viên tại Văn phòng Biện lý Quận Manhattan dưới thời Robert Morgenthau, người nổi tiếng chuyên truy tố các trùm băng đảng. Trong suốt hơn mười năm, ông Smith đã giám sát khoảng 100 công tố viên hình sự trong các lĩnh vực như khủng bố, tội phạm bạo lực, và băng đảng có tổ chức.

Điểm dừng chân tiếp theo của Jack Smith là văn phòng Biện lý ở Brooklyn, nơi ông chỉ huy điều tra một số vụ án nổi tiếng nhất trong thành phố, bao gồm cả việc truy tố các sĩ quan cảnh sát trong vụ cưỡng hiếp và đánh đập dã man một người nhập cư Haiti, ông Abner Louima.

Năm 2008, Jack Smith trở thành công tố viên tội phạm chiến tranh tại Tòa án Hình sự Quốc tế ở Hà Lan. Năm 2010, ông trở lại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đảm nhận trưởng bộ phận liêm chính công, giám sát một số vụ án tham nhũng, bao gồm một số cuộc điều tra của các thành viên Quốc hội và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ John Edwards, vì cáo buộc vi phạm tài chính chiến dịch nhằm che giấu vụ ngoại tình năm 2011.

Từ năm 2015 đến năm 2017, Jack Smith làm quyền Công tố viên liên bang cho Middle District of Tennessee. Năm 2018, Jack Smith một lần nữa trở lại Tòa án Hình sự Quốc tế để điều tra các tội ác chiến tranh ở Kosovo.

Giữa Tháng Mười Một 2022, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ, Merrick Garland, bổ nhiệm Jack Smith vào vị trí Cố vấn Đặc biệt, phụ trách hai cuộc điều tra quan trọng liên quan đến cựu Tổng thống Trump. Cuộc điều tra thứ nhất liên quan đến việc liệu có bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào can thiệp bất hợp pháp vào quá trình chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Cuộc điều tra thứ hai liên quan các tài liệu mật, cũng như nỗ lực ngăn cản cuộc điều tra đó.

Jack Smith coi trách nhiệm pháp lý của mình là phục vụ người dân Mỹ, và theo đuổi những giá trị cao quý đã thấm nhuần trong máu mình: “Họ đóng thuế, tuân theo pháp luật, và họ cũng mong đợi các quan chức cũng sẽ làm như vậy.”

Jack Smith trong mắt các chuyên gia pháp lý

Uy tín và danh tiếng của Jack Smith đến từ thắng lợi sau các vụ án rất khó khăn. Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, các đồng nghiệp cũ của Smith nói rằng ông kiên trì theo đuổi việc giảm án hình sự cho người vô tội. Những lời khen ngợi dành cho Jack Smith thì không hề ít. Greg Andres, cựu công tố viên liên bang đã làm việc với ông Smith trong hơn một thập niên, cho biết Jack Smith làm việc rất chu đáo, cân nhắc, và “là người có trình độ đặc biệt dựa trên kinh nghiệm và khả năng phán đoán của anh ấy.

Mark Lesko, luật sư tại Greenberg Traurig, người đã làm việc với Smith khi cả hai là công tố viên tại Văn phòng Biện lý Brooklyn, New York, cho biết: “Nếu vụ án có thể truy tố được, anh ấy sẽ làm hết mình. Jack Smith không biết sợ.”

Alan Tieger, một công tố viên tội phạm chiến tranh từng làm việc chung với Jack Smith, đã mô tả ông làm việc không ngừng nghỉ, rất quyết tâm, và tài giỏi. Ông Tieger nhấn mạnh tôi chưa bao giờ thấy Jack lười biếng, nhưng làm việc chăm chỉ mỗi ngày.

James McGovern, cựu công tố viên liên bang và hiện hành nghề luật sư tại Hogan Lovells, đã gọi Smith là “công tố viên tuyệt vời và công chức tài giỏi.” Ông McGovern nói thêm: “Tôi không biết tư tưởng chính trị của anh ấy là gì, vì anh ấy hoàn toàn thờ ơ với chính trị.” Thực vậy, công tố viên Jack Smith là một cử tri độc lập khi không chọn bất kỳ chính đảng nào.

Jack Smith: Người không biết sợ

Kể từ khi được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm làm Cố vấn Đặc biệt phụ trách điều tra hai vụ án liên quan đến Trump, Jack Smith không phát biểu cũng như không trả lời phỏng vấn về hai vụ án.

Chiều hôm thứ Sáu ngày Chín Tháng Sáu, Jack Smith lần đầu tiên xuất hiện trước giới truyền thông để đưa ra một tuyên bố, sau khi Bộ Tư pháp công khai bản cáo trạng chống lại Trump. Jack Smith xuất hiện với phong thái điềm tĩnh, ánh mắt cương trực và quyết đoán. Ông dõng dạc tuyên bố:

Luật pháp của chúng ta xem việc bảo vệ thông tin quốc phòng là rất quan trọng đối với sự an toàn và an ninh của Hoa Kỳ và chúng phải được thực thi. Vi phạm những điều luật đó sẽ đặt đất nước vào tình thế nguy hiểm. Chúng tôi có một bộ luật ở đất nước này và chúng áp dụng cho tất cả mọi người.”

Một câu chuyện thú vị về Jack Smith khi ông còn là công tố viên liên bang ở New York: Ông từng ngủ ở hành lang của một tòa nhà chung cư vào cuối tuần để có thể hiểu và thuyết phục một nạn nhân sợ ra làm chứng trong một vụ bạo lực gia đình. Người phụ nữ cuối cùng đã chịu ra tòa sau khi được Jack Smith thuyết phục.

Kể từ khi nhậm chức Cố vấn Đặc biệt, Jack Smith đã trở thành cái tên bị Trump và đồng minh tấn công nhiều nhất. Như vô số lần trước đó, với nhiều người trước đó, Trump cũng dùng những từ ngữ hạ đẳng nhất để lăng mạ Jack Smith, gọi ông là “kẻ loạn trí”, “tên tâm thần.” Nhưng chưa một lần Jack Smith thèm đáp trả. Trong cuộc họp với đội ngũ pháp lý của Trump vào Thứ Hai 5 Tháng Sáu 2023, Cố vấn Đặc biệt Jack Smith cũng có mặt. Ông ngồi thản nhiên, gần như không nói, và để cấp dưới đối đáp với phía luật sư của Trump.

Jack Smith lập gia đình với bà Katy Chevigny, một nhà làm phim tài liệu nổi tiếng. Jack Smith cho biết khoảng thời gian yêu thích nhất trong ngày của ông là ở bên cạnh vợ và con gái. Trong một bài phỏng vấn năm 2018, Smith chia sẻ rằng, ông muốn đóng góp sức lực “để biến thế giới và cộng đồng” xung quanh trở thành nơi tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, trong đó có con gái ông.

Tổng trưởng Tư pháp bênh vực Công tố viên Đặc biệt và cuộc điều tra tài liệu Mật 

 

June 14, 2023

 

(CaliToday) – Tổng trưởng Tư pháp Merrick Garland vào chiều thứ Tư lên tiếng bênh vực cuộc điều tra Donald Trump cất giữ tài liệu Mật an ninh quốc gia, trước những lời chỉ trích nặng nề được cựu Tổng thống dành cho Công tố viên Đặc biệt Jack Smith, gọi lãnh đạo cuộc điều tra là “côn đồ,” “loạn trí” và “kẻ thù ghét Trump.” 

Trong những ý kiến đầu tiên kể từ khi Trump bị truy tố vào tuần trước, Garland không trả lời cụ thể những câu hỏi về cuộc điều tra, nhưng tuyên bố, ông có niềm tin vào “tính toàn vẹn” của cuộc điều tra, và sẽ để cho bản cáo trạng và hồ sơ toà trong tương lại nói thay cho Bộ Tư pháp. 

“Smith là một công tố viên kỳ cựu, chuyên nghiệp. Ông ấy đã thành lập một đội ngũ các công tố viên và đặc vụ tài năng, những người chia sẻ cam kết của ông về liêm chính và toàn vẹn, và luật pháp,” Garland nói tại một sự kiện diễn ra ở trụ sở chính của Bộ Tư pháp về giảm tội phạm bạo lực. “Bất cứ câu hỏi nào về vấn đề này sẽ phải được trả lời bằng hồ sơ đệ lên toà.”

Trump đối mặt với 31 tội danh cố tình cất giữ thông tin quốc phòng, cùng với  2 tội danh che giấu chứng cớ khỏi đại bồi thẩm đoàn, 2 tội danh cất giữ hoặc che giấu tài liệu trong một cuộc điều tra liên bang, 1 tội danh khai man, và 1 tội danh âm mưu cản trở công lý. 

Mỗi một tội danh cố tình cất giữ bí mật quốc phòng đại diện cho mỗi một tài liệu bị cựu Tổng thống cất giữ, trong đó có 21 tài liệu Mật được FBI thu giữ khi thực thi trát khám xét tại Mar-a-Lago vào ngày 8 tháng 8 năm 2022, và 10 tài liệu Mật được các luật sư của ông Trump giao cho FBI trong phong bì dán kín vào 2 tháng trước đó.  

Donald Trump vào thứ Ba không nhận tất cả các tội danh trước toà liên bang tại  Miami. 

Garland vào tháng 11 bổ nhiệm Jack Smith làm Công tố viên Đặc biệt giám sát cuộc điều tra chỉ 3 ngày sau khi Trump chính thức thông báo tái vận động tranh cử tổng thống 2024. 

Một cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt sẽ diễn ra độc lập khỏi những hoạt động chính của Bộ Tư pháp, mặc dù Tổng trưởng Garland vẫn có thẩm quyền cuối cùng đối với những gì phải làm về chứng cớ Công tố viên Đặc biệt thu thập được. 

“Vai trò của tôi hoàn toàn phù hợp với các quy định về trách nhiệm đặt ra cho tổng trưởng theo những quy định công tố viên đặc biệt,” ông Garland nói. “Và tôi tuân theo những quy định này.” 

Không đá động gì đến ông Trump khi trả lời các câu hỏi từ truyền thông, ông  Garland cho hay, Bộ Tư pháp đang giám sát bất cứ đe doạ nào xuất hiện vì cuộc điều tra và cáo trạng.” 

“Tất cả những gì tôi có thể nói là, chúng ta đang sống trong nền dân chủ,” Garland nói. “Những vấn đề như vậy được xét xử qua hệ thống tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ cảnh giác để bảo đảm không có đe doạ bạo lực, hay bạo lực thật sự.” 

Hương Giang (Theo Washington Post)

Dư luận thế giới nói gì về vụ Trump bị buộc tội?

Mỹ Anh

10 tháng 6, 2023

Saigon Nhỏ 

 

 

Ảnh: Robert Perry/Getty Images

Khi nước Mỹ nhốn nháo với bản cáo trạng cáo buộc cựu Tổng thống Donald J. Trump xử lý sai các tài liệu mật, giới chính trị thế giới cũng bắt đầu có phản ứng. Một số khôn ngoan giữ thái độ im lặng; số khác bày tỏ sự phẫn nộ không kiềm chế; số khác nữa dường như nhún vai mệt mỏi; và trong khi bọn thuyết âm mưu có cơ hội trồi lên đưa ra những giả định nhảm nhí, những người khác thì đề cập đến sự suy tàn của nước Mỹ.

Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc, thường hí hửng nhảy vào những sự kiện bê bối liên quan hệ thống chính trị Hoa Kỳ, lần này thì im lặng, ít nhất ở thời điểm này. Trong khi đó, giới bình luận chính trị Nga gọi các cáo buộc nhằm vào Trump là màn trình diễn giả tạo của “một nhà nước đen tối”. Trong số các đồng minh Mỹ ở châu Á và châu Âu, có những lo ngại rằng vụ việc không chỉ làm tổn thương cựu tổng thống mà còn với cả nước Mỹ, khi mà các bí mật an ninh giờ đây không còn an toàn trong tay người Mỹ, và rằng tình trạng chia rẽ đảng phái đang khiến nước Mỹ ngày càng mất phương hướng.

Có vẻ như thế giới một lần nữa bắt đầu nhẩm tính những gì được hoặc mất từ sự lộn xộn của Mỹ. Sự cân nhắc tính toán liên quan Trump thật ra không phải chỉ xảy ra ở sự kiện này. Khi Trump làm tổng thống, sự thất thường đến mức quái đản của ông, cùng hai vụ luận tội chưa từng có đối với một tổng thống trong lịch sử Mỹ, đã khiến chính phủ các cường quốc đồng minh lẫn thù nghịch đã phải liên tục nhức đầu cân nhắc những hiệu ứng và ảnh hưởng từ những cơn bão chính trị trong lòng nước Mỹ.

Khi Trump rời Tòa Bạch Ốc, không ít quốc gia thở phào, ít nhất là các đồng minh gần gũi của Mỹ. Người ta tin rằng nước Mỹ sẽ yên ổn hơn và thế giới “thanh bình” hơn bởi những rắc rối từ Trump không còn. Tuy nhiên, bản cáo trạng mới nhất liên quan Trump khiến người ta lập tức nghĩ ngay rằng tất cả những hỗn loạn của bốn năm Trump sẽ lại quay lại nếu Trump tái đắc cử.

Với Trung Quốc, việc Bắc Kinh giữ im lặng có thể phản ánh những mục tiêu dài hạn. Họ chưa biết liệu Trump có thể lại ngồi ghế tổng thống hay không. Im lặng thời điểm này là thượng sách. Tập Cận Bình và Donald Trump đã kết thúc năm 2020 với tư cách là đối thủ gay gắt trong cuộc chiến thuế quan và sự thù địch liên quan nguồn gốc coronavirus.

Tuy nhiên trước đó, Trump thường xuyên ca ngợi Tập hết lời. Nhiều nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh có thể rất mong chờ Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, vì Trump luôn chứng minh ông là một kẻ cực kỳ bất tín, sẵn sàng xé toạc bất kỳ cam kết nào với những đồng minh truyền thống. Trump cũng chẳng quan tâm đến dân chủ. Điều đó có nghĩa Trump sẽ rút lại sự ủng hộ Đài Loan và sẵn sàng bán đứng Đài Bắc để đổi lấy vài món lợi kinh tế với Trung Quốc.

Drew Thompson, cựu quan chức quốc phòng Hoa Kỳ và là thành viên tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, nhận định: “Nếu là Trung Quốc, người ta sẽ thấy rõ rằng sách lược làm ăn mua bán của Trump là rất hấp dẫn. Điều đó có nghĩa ông ấy có tiềm năng trở thành một người bạn, để được làm ăn chung” – dẫn lại từ The New York Times.

Tại Nga, Trump luôn có một lực lượng “ủng hộ viên” trung thành. Sergei A. Markov, nhà phân tích chính trị thuộc phe Putin, viết trên Telegram rằng những cáo buộc chống lại Trump toàn là thứ ngụy tạo, rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã bị gian lận, và Trump mới là kẻ chiến thắng thực sự. Nikolai Starikov, một nhà bình luận khác cũng thuộc phe Putin, mô tả các vụ kiện chống lại Trump là chiến dịch gây áp lực nhằm loại ông ra khỏi cuộc đua 2024, rằng Tổng thống Biden cần phải tái đắc cử vì nếu không chính Biden sẽ bị truy tố.

Ở châu Âu, dư luận nói chung rất gay gắt. Dân châu Âu lục địa lâu nay chưa bao giờ nhìn nhận Trump là kẻ có đủ tư cách ngồi ghế tổng thống Mỹ. “Vụ việc một lần nữa cho thấy Donald Trump mới là kẻ đáng ngồi sau song sắt chứ không phải Tòa Bạch Ốc,” phát biểu của Ralf Stegner, đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội Đức, người có chân trong ủy ban giám sát tình báo Đức, và nói thêm: “Người này (Trump) là mối đe dọa đến an ninh và dân chủ ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.”

“Ở một mức độ nào đó, người châu Âu đang nghĩ rằng, liệu Trump có phải là người mà chúng ta có thể dựa vào để đảm bảo an ninh cho chính mình?” phát biểu của Jacob Kirkegaard, thành viên German Marshall Fund. Giới báo chí châu Âu hoàn toàn không e dè trong ngôn ngữ chỉ trích Trump.

“Tắc trách, ham muốn chiếm hữu, nói láo, che giấu. Nhưng trên hết, (Trump đã) tuyệt đối coi thường an ninh quốc gia,” nhật báo Le Monde của Pháp viết. Trong khi đó, bài bình luận trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức bày tỏ hoài nghi về hệ thống chính trị Mỹ. Tờ báo viết, mặc dù cơ sở pháp lý cho bản cáo trạng có thể mạnh và có tính thuyết phục, nhưng “việc bóp méo chính trị” sau đó có nghĩa là sẽ không có kết quả cuối cùng nào được chấp nhận rộng rãi trong môi trường phân cực cao của nước Mỹ hiện tại.

Một số quan chức và nhà phân tích xem vụ việc vừa phản ánh cách thức hoạt động của một phép thử, vừa là một thách thức đối với chính phép thử của nước Mỹ. Peter Tesch, cựu quan chức quốc phòng và đại sứ Úc tại Nga, nói rằng tất cả đều chỉ ra “những đột biến không thể kiểm soát” (“wild mutations”) mà hệ thống chính trị Mỹ thỉnh thoảng tạo ra. “Ông ấy (Trump) giống như con búp bê lắc; ông ta bị xô ngã nhưng rồi ông ta lăn trở lại để có thể đứng,” Peter Tesch nói. Dù vậy, Peter Tesch thêm rằng, “Có bị kết án hay không thì ông ta cũng bị buộc tội. Điều đó minh chứng cho sức mạnh và khả năng phục hồi của nền dân chủ cũng như những định chế Hoa Kỳ, nơi mọi người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

Cáo trạng ông Trump cất giấu tài liệu mật mạnh đến đâu?

 


Một hình ảnh mà cáo trạng của Jack Smith đưa ra làm bằng chứng: các thùng tài liệu mật để vương vãi trong một nhà vệ sinh tại khu dinh thự Mar-a-Lago của ông Donald Trump

Cáo trạng truy tố cựu Tổng thống Donald Trump về hành vi cất giấu tài liệu mật ‘rất thuyết phục’ và ‘có sức nặng’, các nhà quan sát nhận định, nhưng luật sư biện hộ có thể dựa vào yếu tố chính trị để gỡ tội cho ông Trump.

Hôm 9/6, cáo trạng hình sự của Công tố viên đặc biệt Jack Smith nhằm vào ông Donald Trump, đã được công bố, đánh dấu lần đầu tiên một cựu tổng thống Mỹ bị truy tố hình sự liên bang.

Theo đó, ông Trump bị truy tố theo Đạo luật chống Gián điệp với 37 tội danh cáo buộc rằng cựu tổng thống đã cố tình giữ lại hàng trăm hồ sơ mật của chính phủ tại tư dinh ở Florida và có âm mưu không chịu trao trả chúng cho các quan chức Mỹ.

Cáo trạng cho biết các hồ sơ chứa thông tin về năng lực phòng thủ và vũ khí của Mỹ và nước ngoài, các chương trình hạt nhân của Mỹ và ‘các lỗ hổng tiềm tàng của Mỹ và các đồng minh trước các cuộc tấn công quân sự’.

Theo cáo trạng, ông Trump đã để những tài liệu mật này trong các thùng giấy trong phòng khiêu vũ, nhà vệ sinh, phòng tắm và văn phòng, phòng ngủ và nhà kho ở dinh thự Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida.

‘Cực kỳ thuyết phục’

Sau khi cáo trạng được công bố, ông Bill Barr, cựu Bộ trưởng Tư pháp dưới thời ông Trump, nói rằng sóng gió đang chờ đợi ông Trump phía trước.

“Nếu thậm chí một nửa trong cáo trạng là sự thật, thì ông ấy cũng xong đời. Cáo trạng rất chi tiết, và nó cực kỳ thuyết phục. Và việc xem ông Trump là nạn nhân trong chuyện này, nạn nhân bị ‘săn phù thủy’, thật là nực cười,” ông Barr nói trên kênh Fox News.

Ông nói việc ông Trump cất giữ tài liệu tại Mar-a-Lago cũng đủ để khiến bất cứ ai lo cho an ninh quốc gia phải giật mình.

“Ông ấy đã hoàn toàn sai khi nói rằng ông ấy có quyền giữ những tài liệu này. Những tài liệu này thuộc diện những bí mật nhạy cảm nhất của đất nước”.

Cáo trạng nêu chi tiết các công tố viên đã xem xét các bản ghi âm mà trong đó ông Trump khoe khoang về các tài liệu mật và thừa nhận ông chưa từng giải mật chúng. Các nhà điều tra cũng tiếp cận được các ghi chú từ ít nhất một trong số các luật sư riêng của ông Trump, vốn cho rằng cựu tổng thống đã cố gắng che giấu các tài liệu mật trước FBI.

“Đó là bản cáo trạng rất thuyết phục. Ông ấy chỉ đạo di chuyển các thùng tài liệu mật và yêu cầu những người xung quanh làm việc này. Bằng chứng hết sức thuyết phục”, Dave Aronberg, công tố viên của Hạt Palm Beach và từng là thành viên của Thượng viện Florida, nói với tờ PEOPLE.

“Những lời thừa nhận công khai của ông ấy thường trái ngược với những gì luật sư của ông ấy phát biểu,” Aronberg nói thêm.

Ông Trump từ lâu đã nói rằng bất kỳ tài liệu nào ông cất giữ tại Mar-a-Lago đều đã được ông giải mật – điều mà Aronberg không tin: “Ông Trump có thẩm quyền giải mật khi còn là tổng thống, nhưng ông đã không làm khi đó”.

Bản thân ông Trump cũng thừa nhận rằng ít nhất một tài liệu mà ông sở hữu – bản kế hoạch tấn công Iran do Lầu Năm Góc soạn thảo – đã không được giải mật. Như đã lưu ý trong cáo trạng, các nhà điều tra có một đoạn ghi âm ông Trump nói về tài liệu này, “Hãy nhìn xem tôi có gì, đây là kế hoạch tấn công [của một quan chức quân sự cấp cao], đọc nó đi và nó cho thấy… Thật lý thú… là tổng thống, tôi có thể đã giải mật nó … Bây giờ thì tôi không làm được, và nó vẫn là tài liệu mật”.

‘Không thể chối cãi’

Trao đổi với VOA từ Quận Cam, bang California, luật sư Nguyễn Quốc Lân nói rằng bản cáo trạng của ông Jack Smith đưa ra các lý lẽ và bằng chứng ‘có mức độ chi tiết’ và ‘chứng tỏ hành vi của ông Trump là sai trái dựa trên luật pháp’. Các bằng chứng gồm có hình ảnh, đoạn thu âm, lời khai của những người xung quanh ông Trump, bao gồm cả các cựu luật sư của ông.

“Nếu các chi tiết trong cáo trạng đưa ra là đúng thì nó thuyết phục”, ông phân tích. “Văn kiện mật vẫn còn trong tay người còn không còn là tổng thống, được tìm thấy trong nhà riêng của cựu tổng thống, được người ta dọn ra dọn vô”.

“Đó là điều không thể chối cãi”, luật sư Lân nói thêm.

Theo lời giải thích của ông thì Đạo luật chống Gián điệp có điều khoản quy định rõ ràng là ‘không được lấy tài lệu mật’ và ‘không được đưa tài liệu mật cho người không có thẩm quyền xem’.

Ông cho rằng ‘tất cả các nhân viên chính phủ đều biết rõ rằng họ không được phép đem tài liệu mật về nhà, nếu họ vi phạm sẽ bị đuổi việc ngay’. “Ông Trump cũng tuân theo cùng tiêu chuẩn đó”, ông nói.

Vị luật sư này cho rằng cáo trạng liên bang này ‘nghiêm trọng hơn nhiều’ một cáo trạng khác trước đó của Công tố viên Alvin Bragg ở New York truy tố ông Trump về việc làm giả tài liệu kinh doanh liên quan đến hành vi trả tiền bịt miệng một nữ diễn viên khiêu dâm.

“Cáo trạng này nó khác. Nó là luật liên bang, liên quan đến an ninh quốc gia, đến việc coi thường bí mật quốc phòng, không biết cách xử lý bí mật quốc gia trong vai trò của tổng tư lệnh quốc gia vốn là người bảo vệ an ninh quốc phòng đất nước”, ông phân tích.

Ông chỉ ra rằng việc để lộ những thông tin mật ‘có thể ảnh hưởng đến tính mạng những người thu thập thông tin mật cho Mỹ’ và ‘khiến những nước đồng minh cung cấp thông tin tình báo cho Mỹ không còn tin Mỹ nữa và sẽ không dám hợp tác với Mỹ nữa’.

“Nó ảnh hưởng rất tai hại đến an ninh nước Mỹ,” ông nói.

‘Chưa giải mật’

Luật sư Nguyễn Quốc Lân cho rằng ở cương vị tổng thống, ông Donald Trump có quyền giải mật các tài liệu cũng như đem tài liệu đi nơi khác. “Nhưng khi ông không còn là tổng thống thì không có quyền làm như vậy nữa”, ông Lân nói.

Do đó, ông nói việc cho rằng một khi đem tài liệu ra khỏi Tòa Bạch ốc là đã giải mật là ‘không đúng’.

“Một khi đã tuyên bố giải mật thì phải trở lại cơ quan nguyên thủy đã làm ra tài liệu đó để họ bịt lại những gì có thể gây nguy hiểm cho điệp viên của họ trước khi giải mật”, ông giải thích. “Chứ không phải tự nhiên nói tôi đã giải mật thì tài liệu đó được giải mật.”

Về lập luận dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida là an toàn vì không phải ai cũng tiếp cận được, ông Lân nói: “Luật lệ nói rằng tất cả tài liệu mật phải nằm ở chỗ chính phủ cho phép. Ngay cả Tòa Bạch ốc cũng có phòng riêng, ngay cả Quốc hội, ngay cả Bộ Quốc phòng cũng có phòng riêng”.

“Mar-a-Lago không phải là nơi như vậy”, ông nói thêm.

“Có thể lập luận rằng Mar-a-Lago không phải ai cũng ra vào được. Với lại hàng chục thùng trong đó ai biết được thùng nào là thùng nào. Tài liệu nào trong thùng nào”, ông phân tích. “Nhưng lập luận đó rất yếu.”

So sánh với cách xử lý tài liệu mật khi bị phát hiện của Tổng thống Joe Biden, luật sư Lân chỉ ra rằng ông Biden ‘cộng tác hơn’ và ‘chỉ có vài tài liệu mật ở nhà riêng của ông Delaware là do luật sư của ông Biden tìm ra và ngay lập tức đã báo cho FBI đến lấy đi’.

“Mỗi trường hợp mỗi khác nên FBI xử lý khác chứ không phải hệ thống tư pháp hai tầng”, ông lập luận.

‘Động cơ chính trị’

Về cách luật sư bào chữa để gỡ tội cho ông Trump, ông Lân cho rằng luật sư có thể lập luận dựa trên yếu tố chính trị để tung hỏa mù nhằm ‘tạo ra nghi ngờ hợp lý’ cho các thành viên bồi thẩm đoàn.

“Những quan chức làm việc cho chính phủ cũng có thể biết thông tin mật, họ cũng có thể rò rỉ cho người thân, cho bạn bè lúc trà dư tửu hậu vậy”, ông chỉ ra lập luận mà luật sư biện hộ có thể đưa ra. “Hành động đó có thể được xem là phạm pháp đáng bị phạt tù 5-10 năm không?”

“Ông Trump chỉ là đem hồ sơ về nhà để suy ngẫm lại hành động của ông về việc lo cho an ninh quốc gia thôi khi ông không còn là tổng thống nữa thì đó có đáng xem là phạm tội không”, ông nói thêm.

Ngoài ra, yếu tố ông Trump bị truy tố khi ông đang ra tranh cử tổng thống có thể được luật sư ông Trump tận dụng để bào chữa cho thân chủ.

“Đang mùa tranh cử. Ông Trump có triển vọng lên làm tổng thống. Bây giờ bị Bộ Tư pháp của chính quyền Biden truy tố, thì có phải là hành động chính trị hay không”, ông Lân nói.

Dưới góc nhìn của ông Lân, mặc dù cáo trạng có mạnh đến đâu đi nữa, việc có kết tội ông Trump hay không tùy thuộc vào 12 thành viên bồi thẩm đoàn mà chỉ cần một hay hai thành viên không tin vào cáo trạng thì ông Trump cũng sẽ thoát tội, và nhiệm vụ của luật sư bào chữa là chỉ cần lay chuyển được một vài thành viên bồi thẩm đoàn mà thôi.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, dân biểu Cộng hòa Jim Jordan nói với đài CNBC rằng bản cáo trạng là ‘hoàn toàn mang tính chính trị’. Ông Jordan nói ông Trump đã giải mật các tài liệu và có thể tùy ý xử lý chúng nhưng ông không đưa ra được bằng chứng là ông Trump ‘đã giải mật’.

“Tôi căn cứ theo lời nói của tổng thống Trump, và ông ấy nói là ông ấy đã giải mật”, ông Jordan nói với CNBC.

 

DƯ ÂM VỤ TRUY TỐ TRUMP

 

16.6.2023

 

    Vụ cựu TT Donald Trump bị công tố Jack Smith truy tố 37 tội hình sự dĩ nhiên vẫn còn khiến dư luận xôn xao tuần qua, đặc biệt vì ông Trump đã ra trình diện tòa tại Miami tuần rồi.
     Tuần này, Diễn Đàn Trái Chiều báo cáo về một số phản ứng về vụ án có một không hai trong lịch sử Mỹ.
  • Ông Trump ra tòa

    Trưa thứ ba 13/6/2023, ông Trump đã trình diện tòa án Miami, và đã bác bỏ tất cả mọi tội ông bị truy tố -not guilty. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một cựu TT bị chính thức truy tố về nhiều tội hình sự trước tòa án liên bang.

Thăm dò đầu tiên sau truy tố

    Đài tivi loa phường ABC đã mở cuộc thăm dò dư luận quần chúng đầu tiên sau khi có tin ông Trump bị công tố Smith truy tố 37 tội.

    Gần một nửa dân Mỹ (48%) cho ông Trump đáng bị truy tố; tuy nhiên, cũng có tới 47% cho rằng ông Trump bị truy tố vì nhu cầu chính trị. Nghĩa là một nửa dân Mỹ biết đây là truy tố vì tính phe đảng chính trị, nhưng vì ghét cá nhân ông Trump nên thấy ông đáng bị truy tố.

    Hơn một phần ba (35%) cho rằng ông Trump đúng ra không thể bị truy tố, trong đó có hơn 2/3 cử tri CH.

    Một thiểu số (17%) không có ý kiến.

https://abcnews.go.com/Politics/pluralities-americans-support-trump-indictment-charges-politically-motivated/story?id=99984672

Phản ứng ngược

    Trong thời gian qua, đảng DC đã có những nỗ lực phi thường để tố cáo đảng CH là một đe dọa cho thể chế dân chủ của Mỹ.

    Theo một nghiên cứu của Fox News, chiến dịch chụp mũ này hoặc là không hữu hiệu, hoặc là đã gặp phản ứng ngược khi nhiều thăm dò cho thấy đa số dân Mỹ tin tưởng đảng CH bảo vệ thể chế dân chủ mạnh hơn đảng DC.    

    Tiêu biểu là một thăm dò của Rasmussen cho thấy 37% dân Mỹ cho rằng đảng DC là một đe dọa cho thể chế dân chủ Mỹ, trong khi chỉ có 26% nghĩ về đảng CH như vậy.

https://www.foxnews.com/politics/renewed-justice-thomas-attacks-will-fuel-voter-distrust-of-democrats-despite-media-narrative-expert

Tiền vào như mưa

    Chưa đầy một tuần sau khi ông Trump bị truy tố, ông đã nhận được hơn 7 triệu đô tiền yểm trợ tranh cử TT trong đó có 2 triệu thu được tại thành phố Bedminster ngay khi ông đến đó đọc diễn văn đầu tiên, công kích việc ông bị truy tố.
 
  • WaPo: Trump bác bỏ thỏa thuận
    Báo loa phường Washington Post loan tin ông Trump đã bác bỏ đề nghị của các luật sư của ông là nên tìm thỏa thuận -settlement- với công tố Smith, ký một giấy xác nhận có lưu giữ một số tài liệu mật vì sơ ý, như Biden và Pence, đổi lấy việc công tố sẽ không truy tố ông Trump.
    Không rõ lý do tại sao ông Trump bác mà lại chấp nhận cho truy tố hình sự. Có thể do tự tin mình không làm gì phạm pháp nên không cần thỏa thuận gì hết. Cũng có thể ông Trump muốn có ‚chiến tranh‘ với công tố Smith để phơi bày tình trạng phe đảng thông đồng với nhau giữa công tố Smith và bộ trưởng Tư Pháp Garland. Cũng có thể ông cố tình muốn thành một thứ ‚Thánh Tử Đạo‘, chiến đấu tới cùng chống lũ quỷ hắc ám DC?
 
  • Thượng nghị sĩ CH phản đòn

 

    Thượng nghị sĩ JD Vance của Ohio cho biết ông sẽ chặn việc phê chuẩn quan tòa do Biden bổ nhiệm, để phản đối việc công tố Smith truy tố Trump. Không rõ ông sẽ làm việc này bao lâu.

    Kẻ này không hiểu rõ thủ tục thượng viện, làm sao một nghị sĩ có thể chặn một biểu quyết của cả thượng viện. Độc giả nào biết rõ, xin góp ý.

https://www.foxnews.com/politics/sen-vance-blocks-bidens-doj-nominees-response-trump-indictment-this-must-stop

Phụ tá công tố Smith bị tố mánh mung gian trá

Gilbert, phụ tá cho công tố Smith và có thể là luật sư chính truy tố ông Trump trước tòa Miami, đã là người có thành tích thi hành những mánh mung gian trá, đã từng bị một quan tòa liên bang chỉnh, bắt phải rút lui ra khỏi một vụ án truy tố một người buôn lậu ma tuý. 

    Trong vụ này, bà Gilbert trong tư cách công tố truy tố, đã cho lén thu âm một cuộc nói chuyện của luật sư của bị can với bị can. Ngay sau đó, tháng 3/2009, bà Gilbert đã phải từ chức và văn phòng công tố của bà đã phải bồi thường can phạm hơn 600.000 đô.

    Bây giờ, vụ truy tố ông Trump, một phần không nhỏ, dựa trên một cuộc thu âm cuộc nói chuyện của Trump với một phụ tá, trong đó ông Trump đã nói „Đúng ra, tôi đã có thể giải mật tài liệu này, nhưng khi đó tôi đã không làm, nên tài liệu này vẫn còn là tài liệu mật„. Dựa trên câu này, công tố Smith tố ông Trump biết rõ ông đang lưu giữ hồ sơ mật chưa giải mật, tức là biết rõ mình đang phạm luật, để rồi tìm cách cản điều tra của FBI để khỏi bị bắt. Theo GS Harvard Alan Dershowitz, đây là bằng chứng tai hại nhất cho Trump.

    Đưa đến câu hỏi, vụ thu âm này có hợp pháp, có thể được dùng làm bằng chứng để truy tố Trump hay không? Hay vẫn là mánh gian sở trường của bà Gilbert?

https://www.breitbart.com/politics/2023/06/09/special-counsel-prosecutor-karen-gilberts-history-corruption-clouds-trump-indictment/

Tin mới xì: bộ Tư Pháp tìm cách mua chuộc phụ tá của Trump

    Một phụ tá của Trump, chính xác hơn, một anh tà lọt hạng thấp -valet- tên là Walt Nauta cũng đã bị truy tố vì đã giúp ông Trump giấu các thùng tài liệu. Tin có vẻ không quan trọng.

    Nhưng theo tin mới do báo thiên tả Anh The Guardian xì ra là hồi cuộc điều tra mới bắt đầu, một viên chức bộ Tư Pháp tên là Jay Bratt đã gặp luật sư của anh Nauta, tên là Stanley Woodward, khi đó đã nộp đơn xin một job làm quan tòa tại thủ đô Washington DC. Luật sư Woodward được gợi ý nếu thuyết phục được anh tà lọt Nauta phản Trump, tố giác mọi chuyện để giúp bắt Trump, thì luật sư Woodward sẽ có nhiều vọng được Biden bổ nhiệm vào chức quan tòa anh đã xin.

    Tin không cho biết sau đó chuyện gì đã xẩy ra, chỉ biết anh Nauta cũng đã bị truy tố vì tội đồng lõa, giúp Trump giấu nhiều thùng tài liệu.

https://www.breitbart.com/politics/2023/06/08/report-trump-prosecutor-jay-bratts-alleged-misconduct-causing-a-problem-for-doj/

Ý KIẾN TRUYỀN THÔNG

Truyền thông phe đảng

   Theo một nghiên cứu của cơ quan Media Research Center, các đài TV Mỹ quả thực đã bị ám ảnh bởi việc đánh Trump và bảo vệ Biden.

 
    Theo MRC, các đài TV chính ABC, CBS và NBC đã bỏ ra tổng cộng 291 phút hay gần 5 tiếng đồng hồ trong tuần qua để bàn về chuyện ông Trump bị truy tố, trong khi không có tới một giây đồng hồ nào nói về việc FBI và hạ viện đang điều tra việc Biden ăn hối lộ 5 triệu đô từ Burisma.
 
  • Truyền thông bào chữa
    Hầu hết truyền thông loa phường (dĩ nhiên có đám vẹt tị nạn nhai lại) cho rằng hai việc cất giữ tài liệu mật của Trump và Biden không thể so sánh như nhau: Trump có tội vì cố ý, Biden vô tội vì sơ ý. Hả? Sơ ý là miễn tội sao? Chẳng biết ai cố ý, ai sơ ý, nhưng theo luật Mỹ, sơ ý vẫn có tội như thường. Một người ’sơ ý‘ làm chết người khác, không bị tội cố sát -murder- nhưng vẫn bị tội ngộ sát -manslaughter- phải không? Cụ Biden ’sơ ý‘ vứt tài liệu tứ tung trong nhà xe, nếu như gián điệp TC lấy được, làm gì đó gây thiệt hại lớn cho Mỹ, thì cụ Biden cố tội không? Ông Trump cố ý, có thể tội nặng hơn, đi tù 700 năm; ông Biden ’sơ ý‘, tội nhẹ hơn nhiều, lại là xếp của FBI, của bộ Tư Pháp, chỉ đi tù… 200 năm? Công bằng, phải không?
  • TIME

    Tin buồn cho các cụ vẹt tị nạn: theo tin của TIME, job của công tố Smith hết sức khó khăn, với nhiều triển vọng thất bại hơn là thành công. Việc ông mong một kết quả nhanh chóng sẽ không xẩy ra vì một phán quyết sơ thẩm sẽ khó có thể có trước cuộc bầu TT năm 2024, chưa kể những kháng cáo sẽ có nếu tòa sơ thẩm phán quyết ông Trump có tội. Đưa đến tình trạng nếu như ông Trump đắc cử TT thì câu chuyện sẽ rối loạn, và có nhiều triển vọng tòa sẽ thu hồi vụ án, trên căn bản không thể truy tố TT đương nhiệm được.

    3 việc đầu tiên phải làm sẽ mất rất nhiều thời giờ. Đó là:

Vì vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, nên tất cả các luật sư và cả bồi thẩm đoàn sẽ bị FBI điều tra lý lịch rất kỹ;

  1. Công tố sẽ phải đưa cho các luật sự biện hộ tất cả bằng chứng và lời khai cùng tên tuổi của các nhân chứng; các luật sư của Trump sẽ nghiên cứu chi tiết và chắc chắn sẽ phản bác chống lại một số tài liệu và nhân chứng;
  2. Quan tòa sẽ phải tuyển chọn thẩm đoàn, gọi, phỏng vấn, điều tra và tuyển chọn để bổ nhiệm một chục thành viên bồi thẩm đoàn trong cả trăm người.    

    Chỉ 3 việc này không cũng sẽ kéo dài không dưới một năm.

   Tin đáng buồn cho các cụ vẹt hơn nữa là vẫn theo TIME, một quan tòa có cảm tình với Trump, được Trump bổ nhiệm, sẽ thụ lý, và nếu bà quan tòa này, Aileen Cannon ra phán quyết bác bỏ toàn bộ vụ kiện, các công tố sẽ không kháng cáo được, hay chỉ cần một thành viên bồi thẩm đoàn không kết tội thì sẽ đi đến tình trạng Mỹ gọi là ‚mistrial‘, vụ án sẽ chấm dứt với ông Trump vô tội.

   Kẻ này nghĩ TIME còn thiếu sót một điểm: bà quan tòa Cannon vì muốn bảo vệ tên tuổi cho tương lai nghề nghiệp lâu dài, trái lại, cũng có thể gắt gao với Trump hơn bình thường, và kết án Trump thật nặng.

https://time.com/6286746/jack-smith-faces-challenges-in-prosecuting-trump/?utm_medium=email&utm_source=sfmc&utm_campaign=newsletter+brief+default+ac&utm_content=+++20230613+++body&et_rid=219369513&lctg=219369513

Newsweek

    Tạp chí Newsweek cho đăng bài nhận định của một giáo sư sử học, ông Paul Du Quenoy. Ông giáo sư sử gia ghi nhận cách đây không lâu, tỷ lệ hậu thuẫn của ông Trump trên ông DeSantis khoảng 17 điểm, sau khi công tố New York Bragg truy tố ông và sau khi bà Carroll thắng kiện chống ông, tỷ lệ hậu thuẫn của ông Trump trên ông DeSantis nhẩy vọt lên đâu 30 điểm. Bây giờ, sau khi bị công tố Smith truy tố, ông hơn ông DeSantis tới 38 điểm. Và tại Đại Hội Thượng Đỉnh Bảo Thủ Miền Tây -Western Conservative Summit-, ông hạ ông DeSantis 7 điểm, trong khi trong đại hội này trong hai năm qua, ông DeSantis hạ ông Trump cả hai lần. Chưa hết. Theo thăm dò mới nhất của hãng thông tấn Reuters, 81% cử tri CH cho rằng những truy tố chỉ là chuyện mánh mung chính trị.

    Diễn giải cho rõ: ông Trump càng bị rắc rối với tư pháp Biden, hậu thuẫn ông càng tăng mạnh trong khối cử tri CH. Sách lược của đảng DC hiển nhiên chỉ tạo phản ứng ngược. Hay đó chính là sách lược của đảng DC, muốn cho ông Trump thắng bên CH, để rồi bị đi tù, nhường cái ghế trong Tòa Bạch Ốc cho cụ Biden ngồi thêm ít năm?

https://www.newsweek.com/prosecuting-donald-trump-only-makes-him-more-popular-opinion-1806440

 

  • Trang mạng Raw Story
    Theo trang mạng Raw Story, nếu bà quan tòa Cannon dễ dãi tha Trump, công tố Smith vẫn có thể truy lùng Trump bằng cách tiếp tục truy tố Trump tại một tiểu bang chống Trump mạnh là New Jersey, dưới một quan tòa cấp tiến khác, nhân danh việc ông Trump cũng sở hữu một tư dinh tại thành phố Bedminster của New Jersey, cũng là cư dân ở đây, có thể bị truy tố tại đây.
    Nghĩa là phe DC còn nhiều cách để truy lùng Trump tới cùng.
 
  • FOX News
    Fox News đã có bài nhận định khá chi tiết. Theo Fox, chuyện ‚coi dzậy mà hổng phải dzậy chút nào‘.
    Theo Fox, đám truyền thông loa phường (dĩ nhiên có đám loa phường vẹt tị nạn lẽo đẽo theo đuôi) đã mô tả toàn bộ câu chuyện như ông Trump đã là tay phạm pháp thô bạo nhất lịch sử và chắc hơn đinh đóng cột, sẽ bị trừng phạt đích đáng. Tất cả chỉ phản ảnh việc đám loa phường mù tịt về luật pháp và hoàn toàn bị chi phối bởi tính phe đảng và hận thù cá nhân ông Trump.
    Chuyên gia luật Greg Jarrett cho rằng có nhiều yếu tố ông Trump có thể viện dẫn để bào chữa một cách rất thuyết phục và vững chắc trên phương diện luật pháp.
   1 – Luật Tài Liệu của TT -Presidential Records Act hay PRA
 
    Công tố Smith dựa trên Luật Gián Điệp để truy tố ông Trump, mà trong toàn bộ bản cáo trạng, tuyệt đối không nhắc tới luật PRA. Đây là luật đặc biệt mới được đưa ra năm 1978, chi phối luật về các tài liệu của TT, tất nhiên có hiệu lực cao hơn Luật Gián Điệp có tính tổng quát áp dụng cho tất cả mọi người. Có 3 điểm then chốt liên quan đến vụ án Trump: thứ nhất, PRA cho phép TT toàn quyền sở hữu, lưu giữ, giải mật hay không tất cả tài liệu ông nhận được. Thứ nhì, cho dù ông Trump có vi phạm PRA thì PRA cũng chỉ là luật dân sự -civil law- không phải luật hình sự -criminal law như công tố Smith đã truy tố ông Trump. Thứ ba, PRA ghi rõ Sở Văn Khố chỉ là một cơ quan có trách nhiệm lưu giữ tài liệu, không có quyền đọc và xếp hạng tài liệu nào mật, tài liệu nào không.
 
    2 – Thi hành luật
 
    Cả hai ông bà Clinton đều sở hữu tài liệu mật khi ông Clinton cất giấu tài liệu mật trong vớ, và bà Hillary đặt nguyên hệ thống emails trao đổi thông tin liên quan đến an ninh quốc gia trong nhà riêng. Cả hai đều không bị FBI lục xét nhà, không bị truy tố gì cho dù FBI đã xác nhận bà Hillary đã phạm luật. Bà Hillary thậm chí tự ý xoá bỏ hơn 30.000 emails và cho phụ tá lấy búa đập vỡ tan tành mấy cái điện thoại di động bà đã dùng, mà tuyệt đối không hề bị tố ‚cản trở công lý‘. Đây là việc thi hành luật theo tính phe phái, không theo đúng nguyên tắc tất cả mọi người đều phải được luật pháp đối xử nhu nhau.
 
    3 – Trao đổi giữa luật sư và thân chủ
 
    Một số lớn những ‚bằng chứng‘ là do công tố khai thác từ các luật sư của ông Trump. Trên pháp lý, những trao đổi giữa các luật sư và thân chủ phải coi như tuyệt mật. Công tố Smith không có quyền biết, khoan nói tới việc sử dụng những tin này để truy tố ông Trump. công tố Smith dựa trên việc Trump và một luật sư bàn về chuyện không hợp tác với công tố Smith để truy tố Trump về tội ‚cản trở việc thi hành luật pháp‘. Công tố Smith không có quyền dùng câu chuyện này để truy tố Trump.
 
    4 – Cản trở công lý
 
    Luật về cản trở công lý đòi hỏi công tố phải chứng minh can phạm có gian ý, cố tình cản trở điều tra của FBI để bao che một tội nặng. Nhưng ở đây, các luật sư của Trump có thể nói ông Trump không phải cản trở công lý, mà chỉ không hợp tác với FBI vì ông thật sự có thành ý, vì tin chắc ông đã làm đúng và FBI làm sai, chứ không phải có gian ý vì muốn bao che tội. Công tố Smith sẽ rất khó chứng minh ông Trump phạm luật và cố tình cản luật.
 
    5 – Bồi thẩm đoàn

    Trên nguyên tắc, tất cả 12 vị trong bồi thẩm đoàn phải được đọc các tài liệu thì mới có thể quyết định các tài liệu đó cọ đe dọa an ninh quốc gia hay không. Vấn đề là các tài liệu đều tối mật mà người dân thường, kể cả các thành viên bồi thẩm đoàn không có quyền đọc hay biết. Rắc rối này phải giải quyết ra sao? Nếu họ không đọc được tài liệu mà chỉ căn cứ trên ý kiến của công tố Smith thì không hợp pháp, luật sư của Trump sẽ dễ dàng bác bỏ ngay.
    Bài phân tích rất dài và quan trọng, quý độc giả cần vào link dưới đây đọc nguyên văn trước khi nhẩy nhổm lên bàn loạn.
 
  • Washington Post

    Báo loa phường Washington Post có bài nhận định theo đó vụ công tố độc lập Jack Smith truy tố Trump đã đặt Biden vào một thế thật khó xử.

    Theo WaPo, ngay từ đầu Biden đã cố gắng đu giây giữa tách mình ra khỏi cuộc điều tra và tấn công đối thủ tranh cử là Trump. Biden khẳng định không can thiệp, bất cứ theo chiều hướng nào, và bất kể kết quả điều tra ra sao. Bây giờ với quyết định truy tố Trump, Biden bị dồn vào thế kẹt lớn. Bắt buộc Biden lại càng phải tránh cho thật xa. Trong thời gian qua và trong tương lai gần, người ta sẽ không thấy một bức hình nào chụp Biden cùng với bộ trưởng Tư Pháp Garland hay công tố Smith. Và nhất là sẽ không ai nghe Biden hó hé bình luận gì về vụ truy tố.

   Hiển nhiên, WaPo đang làm ra vẻ như Biden không liên quan gì đến việc truy tố Trump vậy. Ai  tin, xin cứ tự nhiên, kẻ này KHÔNG tin Biden trong trắng như ‚ma sơ‘.

  Trong những ngày sắp tới, Biden sẽ phải đối phó với hai chuyện liên quan: thứ nhất là cuộc điều tra về tài liệu mật mà Biden lưu giữ cả mấy chục năm qua, và thứ nhì là cuộc điều tra của hạ viện về việc Biden bị tố ăn hối lộ 5 triệu đô từ Burisma. Ta chờ xem tư pháp Mỹ vận hành ra sao? 

https://www.washingtonpost.com/politics/2023/06/10/biden-trump-indictment-doj-politics/

 

  • CNN

   CNN có bài nhận định về việc Trump bị truy tố. Theo CNN, việc Trump bị truy tố lần thứ nhì -sau khi bị công tố Bragg của New York truy tố-, sẽ vẫn chẳng hạ được ông Trump. 

    CNN nhắc lại, sau khi bị công tố Bragg truy tố, hậu thuẫn của ông Trump đã tăng vọt rất mạnh vì các cử tri CH nói chung và MAGA nói riêng, đều quay về ủng hộ ông vì coi việc truy tố ông chỉ là những đòn phép chính trị bẩn thỉu của phe DC để diệt đối thủ chính trị.

https://www.cnn.com/2023/06/11/politics/polling-trump-republican-president-indictment

Trang mạng Politico

    Nhiều người cuồng chống ông Trump đang mơ mộng ông Trump sẽ bị kết án, đi tù mục xương. Chưa chắc đâu.

    Theo một phân tích của trang mạng thiên tả Politico, ông Trump sẽ bị xử bởi một bồi thẩm đoàn tại Miami. Theo thủ tục tư pháp Mỹ, phải có sự đồng thuận 100% của tất cả thành viên bồi thẩm đoàn thì mới có thể kết tội ông Trump, chỉ cần một người không đồng ý là không có phán quyết được, ông Trump sẽ trắng án.

    Theo nghiên cứu của Politico, dân Miami có thành tích không thích thấy Nhà Nước truy tố các viên chức đảng đối lập, đã nhiều lần tha các viên chức bị kết tội kiểu này.

    Miami có thể là thành đồng lớn nhất của đảng DC trong Florida khi luôn luôn bỏ phiếu theo phe DC và cho các ứng cử viên TT của đảng DC, nhưng chỉ cần một người không đồng ý là ông Trump thoát nạn. Hai ông Garland và Smith đang đánh một canh bạc lớn, một ăn cả nếu bồi thẩm đoàn Miami kết tội ông Trump thì phe CH không ai trách hai ông là phe phái được, còn ngã về không nếu bồi thẩm đoàn không nhất trí, ông Trump thoát nạn, thì phe DC cũng không ai trách hai ông được.

  https://www.politico.com/news/2023/06/10/trump-indictment-case-florida-00101378

Washington Examiner

    Báo thiên hữu Washington Examiner nhận định việc truy tố ông Trump thật sự đã giúp ông Trump loại trừ tất cả các đối thủ đồng chí trong đảng CH, và bảo đảm việc ông Trump sẽ là đại diện của đảng CH ra tranh cử cùng Biden của đảng DC. Khi ông Trump bị công tố New York Bragg truy tố, tỷ lệ hậu thuẫn của ông tăng vọt trong khi tỷ lệ của đối thủ chính của ông, TĐ DeSantis tuột dốc mạnh. Theo Washington Examiner, bây giờ cũng không khác. Cử tri MAGA không ào ạt xuống đường biểu tình ủng hộ Trump được nữa, sẽ âm thầm bỏ phiếu cho ông, và các đồng chí CH của ông sẽ thua đậm hết.

https://www.washingtonexaminer.com/news/trump-indictment-2024-political-fallout

 

  • Báo mạng Tipp Insights (1)

 

    Báo mạng Tipp Insights nhận định Thứ Sáu tuần qua là một ngày đen tối trong lịch sử Mỹ khi nước Mỹ bước qua một bước bất khả hồi, truy tố một cựu TT, có thể bị tù tới 400 năm và phạt 9 triệu đô.

    Theo Tipp Insights, dân Mỹ phải hiểu vụ truy tố chỉ là ‚diện‘, không phải ‚điểm‘, vì điểm là việc truy lùng diệt Trump tận gốc, bằng mọi phương tiện. Cuộc truy lùng Trump thật sự đã được Nhà Nước Ngầm bắt đầu từ năm 2016 khi FBI tung ra chiến dịch điều tra để tìm cớ bắt Trump lấy tên là Crossfire Hurricane, ngay khi ông Trump còn đang vận động tranh cử.

    Vẫn theo Tipp Insight, ác mộng hiện nay của đám Nhà Nước Ngầm cùng với đám truyền thông loa phường là viễn tượng ông Trump có thể trở lại nắm quyền. Khi không còn bị trói tay bởi vận động tranh cử cho thêm một nhiệm kỳ nữa, thì ông Trump sẽ thẳng tay đánh hai khối này để trả thù, bởi vậy, hai khối này phải bằng mọi giá tìm cách chặn Trump. 

    Có tin hai khối Nhà Nước Ngầm và truyền thông loa phường này đang thông đồng, tìm cách trao đổi với Trump: miễn tất cả tội cho Trump đổi lấy việc ông rút lui không ra tranh cử nữa. Đây là ý kiến bà bình loạn da của MSNBC Rachel Maddow đã tung ra.

    Điểm đáng nói trong nhận định của Tipp Insights, tội lưu giữ hồ sơ mật, là tội chính, chỉ là một tội dân sự -civil violation- trong phạm vi luật về Tài Liệu TT -Presidential Records Act, không phải là một tội hình sự như công tố Smith trầm trọng hóa (việc này, Vũ Linh không dám bàn thêm vì không biết gì hết).

    Tipp Isights nhắc lại một thăm dò của họ thực hiện tháng trước -May 2023- cho thấy một nửa (50%) dân Mỹ cho rằng truy tố Trump chỉ là một đòn chính trị. Trong số này, lạ lùng thay, có tới hơn một phần ba (38%) cử tri DC và gần một nửa (48%) cử tri độc lập không đảng nào đồng ý. 

https://tippinsights.com/deep-state-vs-trump-persecution-through-prosecution/?ref=tippinsights-newsletter

Báo mạng Tipp Insights (2)

    Báo mạng Tipp Insights cũng đưa tin công tố Jack Smith nổi tiếng la người rất quá khích, đã từng thất bại nhiều lần vì truy tố quá đáng mà thiếu yếu tố kết tội.

    TI đưa ra hai thí dụ điển hình:

Trong vụ truy tố thống đốc Virginia Bob McDonnell về tội tham nhũng, bị Tối Cao Pháp Viện nhất trí bác bỏ với tỷ lệ 8-0 (theo giáo sư Alan Dershowitz, tỷ lệ là 9-0).

  1. Trong vụ truy tố ứng cử viên TT John Edwards dùng tiền ủng hộ tranh cử để nuôi vợ bé, cũng không khác khi ông Edwards cuối cùng được trắng án hoàn toàn.

https://tippinsights.com/jack-smiths-history-of-aggression-may-weaken-his-case/?ref=tippinsights-newsletter

MSNBC

    Đài TV loa phường MSNBC, qua bình loạn của anh cuồng chống Trump Joe Scarborough,  tìm cách biện giải điểm thiếu sót lớn nhất trong vụ công tố Smith truy tố ông Trump: đó là việc không đưa ra được lý do tại sao ông Trump lại nhất quyết muốn giữ/giấu tài liệt mật, để làm gì. Nên nhớ, trong tất cả các vụ án, yếu tố quan trọng hàng đầu là nguyên do –motivation-. Tại sao Trump làm vậy? Để làm gì?
    Theo anh Scarborough, tuy anh nhìn nhận không có bằng chứng gì, thì ông Trump làm vậy chỉ vì lý do tiền, để bán tài liệu cho ai đó, có thể là cho Trung Cộng!!!
    Đúng là kẻ này… hết ý luôn! Tỷ phú sợ phải ăn mì gói nên phòng thân, ăn cắp tài liệu tối mật an ninh quốc phòng để tính bán cho Trung Cộng, mua thịt vịt quay ngon hơn mì gói.
 

 

Ý KIẾN CÁ NHÂN

TNS Lindsey Graham

    Trả lời phỏng vấn của anh Stephanopoulos -cựu phụ tá cho TT Clinton- trên đài ABC, ông Lindsey Graham, thượng nghị sĩ North Carolina, nhận định TT Trump đúng là đã phạm một sai lầm, nhưng bị truy tố quá đáng -„overcharged„. Ông Graham nhắc lại chuyện bà Hillary không phải giữ một vài tài liệu, mà cho thiết lập nguyên một giàn hệ thống emails trong phòng ngủ tại tư gia, trao đổi không biết mấy triệu tài liệu tối mật an ninh quốc gia, sau đó, khi nội vụ bị xì ra, mau mắn xóa hơn 30.000 emails, cho người lấy búa đập nát những điện thoại di động bà đã dùng, bị chính giám đốc FBI của Obama xác nhận vi phạm luật, nhưng tỉnh bơ ung dung ra tranh cử TT, không bị bộ Tư Pháp của Obama truy tố bất cứ tội gì. Ông Graham cũng cho rằng tố cáo ông Trump vi phạm luật chống gián điệp nghe thật lố bịch vì chẳng một ai tin ông Trump là gián điệp cho bất cứ ai và cũng chẳng có bằng chứng ông Trump đã cung cấp tin tối mật an ninh quốc phòng cho ai hết.

https://www.foxnews.com/media/sen-lindsey-graham-clashes-abc-host-trump-indictment-let-me-finish

Elon Musk

    Tỷ phú chủ của Twitter, ông Elon Musk nhận định hệ thống tư pháp của Mỹ bị đe dọa mất hết niềm tin của dân Mỹ sau vụ truy tố ông Trump, nếu họ không cải tổ sâu rộng. Theo ông Musk, ông Trump đã là đối tượng bị truy lùng tận cùng và với chính quyền Biden, không còn ai quan trọng hơn ông Trump.

https://www.foxnews.com/media/musk-suggests-trump-being-targeted-indictment-far-higher-interest-pursuing-trump-than-others

Cựu DB Barney Frank

    Ông Barney Frank là một cựu dân biểu lãnh đạo khối dân biểu DC trong hạ viện. Ông Frank mới lên tiếng về vụ truy tố Trump. Trong một cuộc nói chuyện trực tiếp truyền hình, ông Frank cho rằng truy tố Trump là một thất sách, sai lầm lớn. Cho đến nay, chẳng ai thấy việc Trump làm là một đe dọa gì cho an ninh quốc gia, mà chỉ có vẻ như một hành động thô thiển phục vụ cái tôi cá nhân, và truy tố Trump chỉ khiến đảng DC mang tiếng là đàn áp đối lập chính trị. Đúng ra, công tố Smith nên đưa vấn đề ra cho công chúng thấy là đủ, để dân lấy quyết định trong cuộc bầu năm 2024.

    Người đối thoại với ông Frank trong cuộc nói chuyện này, chuyên gia nghiên cứu chính trị John Burnett, cũng than phiền việc làm của công tố Smith khiến cả nước Mỹ bị ô nhục. Ông Burnett nhắc lại, cả Biden lẫn cựu phó TT Pence đều mang cả lô tài liệu mật về nhà lưu giữ. Ông Pence được miễn tố trong khi chưa ai biết ông Biden sẽ bị gì. Mọi khác biệt về truy tố sẽ khiến dân Mỹ nghi ngờ chính quyền Biden.

    Đúng vậy !!!

https://www.newsmax.com/newsmax-tv/barney-frank-trump-indictment/2023/06/10/id/1123105/?ns_mail_uid=899a15c3-7644-484e-9950-94bbfcf6b307&ns_mail_job=DM486105_06102023&s=acs&dkt_nbr=0101022uwccd

GS Alan Dershowitz

    Giáo sư Đại Học Harvard, Alan Dershowitz nhận định vụ truy tố này cho thấy rõ ông Trump đã là nạn nhân của chiến thuật mà ông gọi là ‚targeting‘ của đảng DC, nghĩa là có chủ ý nhắm ông Trump làm đối tượng.   

    Ông Dershowitz giải thích là bình thường, người ta mở cuộc điều tra để xem người nào đó có phạm tội gì hay không, nhưng trong trường hợp này, công tố Smith được bổ nhiệm với một trách nhiệm rõ rệt ngay từ đầu là phải tìm cho ra tội để bắt ông Trump. Quyết tâm phải bắt cho bằng được, đến độ chế ra tới 37 tội, không dính tội này cũng khó thoát tội kia. Việc truy tố ông Trump về tội gián điệp thật vô lý.

    GS Dershowitz cũng nhắc lại công tố Smith là người có thành tích là quá khích, cực đoan. Ông Dershowitz nhắc lại trong quá khứ, phán quyết của công tố Smith có lần bị kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện, và ở đây, tất cả 9 thẩm phán đã nhất trí biểu quyết bác bỏ (9-0) cáo trạng của ông Smith vì cho là quá đáng.

https://www.foxnews.com/media/alan-dershowitz-slams-trump-indictment-shares-one-damning-piece-evidence-doj-case

GS Jonathan Turley

    Giáo sư Hiến Pháp có khuynh hướng bảo thủ Jonathan Turley, đã nhận định vụ truy tố của công tố Smith đã thay đổi cuộc diện chiến trường. Trong khi truy tố của công tố Bragg là trò bá láp, phản ảnh một mưu đồ chính trị vớ vẩn, thì vụ truy tố của công tố Smith nghiêm trọng hơn xa. Công tố Smith khác một trời một vực với công tố Bragg. Bản cáo trạng của công tố Smith rất chi tiết, có rất nhiều lý luận và bằng chứng thuyết phục, có thể thực sự gây khó khăn cho ông Trump. Công tố Smith cũng đã tiên đoán sẽ có nhiều chống đối, tố cáo ông phe đảng, nên đã viết bản cáo trạng rất kỹ, để ông khó bị trách.

https://www.foxnews.com/media/new-trump-indictment-documents-whole-different-ballgame-jonathan-turley

TĐ Gavin Newsom

    Thống đốc Cali Newsom đã có phản ứng khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông Gavin bình thường thuộc loại cuồng chống Trump. Được hỏi trên Fox News, TĐ Newsom nhận định việc truy tố ông Trump là chuyện đáng buồn -„It’s sad„. Ông Newsom nhắc lại khi COVID tấn công Cali, ngay từ đầu, TT Trump đã hợp tác rất chặt chẽ với Cali, và thực tâm đã có nhiều thiện chí giúp Cali, trong khi tuyệt đối không cho chính trị xen vào chuyện này.

https://www.foxnews.com/media/newsom-offers-surprising-response-trump-indictment

——————

 Cách xử lý tài liệu mật của ông Trump so với ông Biden, ông Pence và bà Clinton

 


Cư dân Florida tụ tập bên ngoài toà án Wilkie D. Ferguson Jr. tại Miami ngày 13/6/2023 để chứng kiến việc cựu Tổng thống Donald Trump ra toà vì bị cáo buộc lưu trữ bất hợp pháp hồ sơ mật.

Sau khi ông Donald Trump bị chính thức cáo buộc liên quan đến việc ông xử lý sai các tài liệu mật, cựu tổng thống và những người ủng hộ ông cho rằng ông là mục tiêu của một hệ thống tư pháp vũ khí hóa chính trị. Họ cho rằng Bộ Tư pháp đã phớt lờ những tội phạm tương tự mà các đối thủ của ông Trump đã phạm phải, trong đó có Tổng thống Joe Biden và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Trong một bài phát biểu hôm 13/6, ông Trump cáo buộc rằng ông Biden và bà Clinton và các cựu tổng thống khác đã phạm những tội nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì ông đã phạm, nhưng ông là người duy nhất bị buộc phạm trọng tội. Ông nói, đó là bằng chứng cho thấy ông là nạn nhân của một cuộc truy bức chính trị.

Trong số các tuyên bố khác, nhiều tuyên bố trái ngược với bằng chứng, ông Trump nói ông Biden có “kho tài liệu mật” từ thời ông còn là phó tổng thống và thượng nghị sĩ và rằng đã gửi đi “1.850 thùng” tài liệu và “từ chối giao nộp chúng”. Ông nói thêm rằng bà Clinton “đã lưu trữ một lượng lớn thông tin mật và nhạy cảm trên một máy chủ bất hợp pháp.”

Ông Biden, bà Clinton và ông Mike Pence, cựu phó tổng thống của ông Trump, đều đã phải đối mặt với các câu hỏi về việc nắm giữ các tài liệu của chính phủ từ thời họ còn đương chức. Và giống như ông Trump, ông Biden là đối tượng của cuộc điều tra của Bộ Tư pháp do một cố vấn đặc biệt được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland chỉ định.

Dưới đây là tóm tắt về ba trường hợp và so sánh với trường hợp ông Trump.

Trường hợp Tổng thống Joe Biden

Sau các bản tin của truyền thông vào tháng 1 năm nay, Toà Bạch Ốc tiết lộ rằng vào tháng 11 năm ngoái, các luật sư riêng của tổng thống đã tìm thấy các tài liệu mật từ thời ông Biden làm phó tổng thống được lưu trữ tại Trung tâm Penn Biden, một cơ quan nghiên cứu ở Washington.

Tòa Bạch Ốc cho biết họ đã thông báo cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, cơ quan này đã lấy các tài liệu và thông báo cho Bộ Tư pháp. Bộ này chỉ thị cho FBI lục soát cơ quan nghiên cứu, việc này được thực hiện với sự đồng ý của Tòa Bạch Ốc. Không rõ họ có tìm thấy thêm các hồ sơ mật nào nữa hay không.

Các tài liệu mật bổ sung đã được các luật sư riêng của ông Biden tìm thấy tại dinh thự riêng của tổng thống ở Wilmington, Delaware, và họ đã báo cáo với Bộ Tư pháp. Các tài liệu được bảo mật bởi các đặc vụ FBI, những người đã tìm thấy một số hồ sơ mật khác trong khi lục soát nhà ông Biden với sự đồng ý của Tòa Bạch Ốc. FBI cũng khám xét nhà nghỉ của ông Biden ở Rehoboth, Delaware, nhưng không tìm thấy bất kỳ tài liệu mật nào.

Vào tháng 1, ông Garland đã bổ nhiệm ông Robert Hur, cựu chưởng lý Maryland, giám sát cuộc điều tra. Cuộc điều tra của ông Hur đang diễn ra và không rõ khi nào sẽ kết thúc. Tòa Bạch Ốc đã cam kết hợp tác đầy đủ.

Trường hợp ông Mike Pence

Vào tháng 1 năm nay, các luật sư của ông Pence đã phát hiện ra khoảng một chục tài liệu được đánh dấu là mật tại nhà của ông ở Indiana và chuyển chúng cho FBI. Các tài liệu được tìm thấy sau khi ông Pence yêu cầu các luật sư lục soát nhà của mình “cho chắc ăn” sau vụ của ông Biden.

Một tháng sau, FBI phát hiện thêm một tài liệu có đánh dấu mật tại nhà ông trong quá trình khám xét. Cuộc tìm kiếm đó được thực hiện với sự đồng ý của ông Pence.

Vào tháng 6, Bộ Tư pháp đã thông báo cho ông Pence biết cuộc điều tra về việc ông xử lý các tài liệu này đã được kết thúc và ông sẽ không bị truy tố.

Trường hợp bà Hillary Clinton

Vào năm 2015, bà Clinton bị phát hiện đã sử dụng tài khoản email cá nhân và máy chủ riêng tại nơi cư trú của bà ở New York cho cả thư từ cá nhân và thư từ chính thức trong nhiệm kỳ ngoại trưởng từ năm 2009 đến năm 2013, gây lo ngại về an ninh và khả năng xử lý sai các thông tin mật.

Một cuộc điều tra của FBI cho thấy bà Clinton và các phụ tá đã xóa hàng nghìn email, tuyên bố rằng chúng mang tính chất cá nhân, làm dấy lên nghi ngờ về nỗ lực che giấu thông tin có thể bị buộc tội.

Vào tháng 7 năm 2016, trong chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Clinton, Giám đốc FBI khi đó là James Comey đã chỉ trích bà là “cực kỳ bất cẩn” trong việc xử lý thông tin mật nhưng không đề nghị truy tố hình sự đối với bà.

Cố ý giữ lại

Theo các chuyên gia pháp lý, điểm khác biệt chính giữa ba trường hợp này và trường hợp của ông Trump là ông Trump tiếp tục cố tình giữ lại những tài liệu đó bất chấp những nỗ lực nhiều lần của chính phủ yêu cầu trả lại chúng, bao gồm cả thông qua trát của tòa.

Ông David Sklansky, giáo sư về Tố tụng Hình sự Hiến pháp tại Đại học Stanford, nói với VOA: “Hành động phạm tội là khi biết mình có tài liệu chứa thông tin quân sự nhạy cảm và cố ý tiếp tục giữ chúng.”

Ông Mark Zaid, một luật sư tập trung vào luật an ninh quốc gia, cho biết không giống như ông Trump, ông Biden và ông Pence đã xử lý phát hiện này một cách thích hợp, điều này đã kết thúc vấn đề.

“Điều tương tự sẽ xảy ra với ông Trump nếu ông ấy hợp tác,” ông Zaid nói với VOA.

Bà Alison LaCroix, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Chicago, nói bằng chứng trong bản buộc tội do cố vấn đặc biệt Jack Smith đưa ra “rất, rất thuyết phục” rằng ông Trump biết ông có tài liệu mật.

Bỏ qua câu hỏi liệu ông Biden và ông Pence có biết rằng họ đang sở hữu các tài liệu mật hay không, bà LaCroix nói thêm, “họ không cố gắng che giấu chúng.”

Đối với bà Clinton, ông Zaid nói thêm, nhà chức trách đã xác định không có ý định vi phạm luật và rằng các bên liên quan đã tránh thảo luận về thông tin mật.

Trường hợp ông Hunter Biden

Trong bài phát biểu hôm 13/6, ông Trump cáo buộc rằng chính quyền Biden đang nhắm mục tiêu vào ông để đánh lạc hướng khỏi “hoạt động gián điệp thực sự và tội phạm thực sự”.

“Hãy truy tố Tổng thống Trump để họ không nói về khoản hối lộ 5 triệu đô la,” ông nói.

Bắt đầu từ năm 2019, khi vận động tranh cử tổng thống năm 2020, ông Trump đã cáo buộc rằng một giám đốc điều hành của công ty năng lượng Ukraine Burisma đã chuyển hàng triệu đô la cho ông Biden và con trai ông vào khoảng năm 2015, để ông Biden, khi đó là phó tổng thống, gây áp lực buộc Ukraine sa thải công tố viên chính phủ đang điều tra công ty đó về tội tham nhũng.

Vào tháng 6 năm 2020, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng quốc gia của Ukraine nói rằng cả ông Biden và ông Hunter Biden, người đã gia nhập Burisma với tư cách là thành viên hội đồng quản trị vào năm 2014, đều không liên quan gì đến vụ tham nhũng của công ty.

Một cuộc điều tra của quốc hội, sau đó dẫn đến cuộc luận tội đầu tiên của ông Trump vào tháng 12 năm 2019, kết luận rằng ông Trump đã gây áp lực buộc chính phủ Ukraine phải công bố cuộc điều tra về ông Biden, bao gồm cả việc cắt viện trợ quân sự cho Kyiv.

Vào tháng 1 năm nay, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã mở cuộc điều tra về các giao dịch kinh doanh của gia đình Biden. Vào tháng 5, họ đã công bố các tài liệu tài chính nêu chi tiết cách một số người thân của tổng thống đã được trả hơn 10 triệu đô la từ các nguồn nước ngoài từ năm 2015 đến 2017 nhưng thừa nhận rằng họ chưa phát hiện ra bằng chứng về hành vi phạm tội và tham nhũng của Tổng thống Biden.

America v. Trump: Công lý Hoa Kỳ có hai mặt?

Câu chuyện Thứ Năm

Huỳnh Hoa

Saigon Nhỏ
 

 

Ông Trump phát biểu trước các ủng hộ viên tại câu lạc bộ golf Bedminster, New Jersey hôm 13 tháng Sáu 2023 sau khi ra tòa tại Florida. Ông ta vẫn khẳng định quan điểm vụ truy tố ông ta 37 tội danh hình sự là một cuộc săn phù thủ chính trị. Ảnh Spencer Platt/Getty Images

Như tin đã đưa, ông Hunter Biden, 51 tuổi, con trai của đương kim Tổng thống Joe Biden, đã thỏa thuận “nhận tội” về trễ nộp thuế thu nhập và nói dối để mua một khẩu súng lục trong thời gian ông ta bị nghiện ma túy và bị cấm mua súng.

Chưa rõ ông ta sẽ bị trừng phạt như thế nào, nhưng từ phía đảng Cộng hòa đã lập tức vang lên những tiếng phản đối gay gắt nhắm vào tính công minh và độc lập của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ; kết án hệ thống này là “có hai tầng” (two-tier system), bị “vũ khí hóa” (weaponization), “chính trị hóa” (politicization) để phục vụ cho lợi ích của đảng cầm quyền và trấn áp lực lượng đối lập – lời kết án thường chỉ dành cho các nền tư pháp “có cả một rừng luật nhưng chỉ xài luật rừng” ở các xứ độc tài.

Sự thật như thế nào?

Vụ nhận tội của Hunter Biden xảy ra chỉ hai tuần sau khi cựu Tổng thống Donald Trump bị một đại bồi thẩm đoàn ở Miami, Florida truy tố 37 tội hình sự về hành vi thủ đắc bất hợp pháp hồ sơ mật của chính phủ và cản trở cuộc điều tra thu hồi các hồ sơ đó. 

Liên kết hai vụ này với nhau, ông Trump và những người ủng hộ ông ta cho rằng, luật pháp Hoa Kỳ rất bất công và “đã sụp đổ” (broken). Các dân biểu Cộng hòa trong Hạ viện Hoa Kỳ đã nhanh chóng tố cáo Tổng thống Joe Biden dàn dựng một án phạt nhẹ nhàng cho con trai ông và dọa sẽ gia tăng cuộc điều tra gia đình Biden.

Những ứng cử viên đang chạy đua giành chiếc vé đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là những người lên tiếng sớm nhất, mạnh mẽ nhất, tố cáo vụ “nhận tội” là một trò đùa và phê phán gay gắt cái gọi là sự “chính trị hóa” Bộ Tư pháp. 

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa – California) nêu lên sự khác biệt giữa các cáo buộc đối với Hunter và cáo trạng với ông Trump và cho rằng: “Nếu bạn là đối thủ chính trị hàng đầu của tổng thống, Bộ Tư pháp chắc chắn sẽ cho bạn vào tù ngồi đếm lịch, còn nếu bạn là con của tổng thống, bạn sẽ có một thỏa thuận ngọt ngào” (sweetheart deal), ông Carthy nói với báo chí tại trụ sở Quốc hội ngay sau khi có tin báo chí về vụ nhận tội của Hunter Biden.

Lớn tiếng nhất có lẽ là ông Donald Trump, cựu tổng thống và hiện là ứng viên hàng đầu tranh chiếc vé đại diện đảng Cộng hòa ra ứng cử tổng thống vào năm tới. Khi có tin về vụ nhận tội của Hunter Biden, ông Trump đã nhanh nhảu lên mạng Truth Social ví von hình phạt mà Hunter phải chịu chỉ như “một vé phạt vi phạm giao thông” và tố cáo hệ thống tư pháp Hoa Kỳ là “một nỗi ô nhục của nước Mỹ”.

Dân biểu James R. Comer (Cộng hòa – Kentucky) chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, cho rằng vụ xử phạt ông Hunter chỉ là một cú vỗ vai thân thiện và hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi chừng nào chưa vạch trần toàn bộ quy mô sự can dự của Tổng thống Biden vào các hoạt động của gia đình ông ta”. Ông Comer đã mở cuộc điều tra của Hạ viện, lùng tìm các chứng cứ phạm pháp của tổng thống và các thành viên gia đình Biden, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy gì.

Vậy có phải Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nương nhẹ Hunter Biden và cố tình hãm hại Donald Trump? Hãy xem kỹ hai trường hợp phạm tội của Hunter Biden và Donald Trump.

Trường hợp Hunter Biden

Theo hồ sơ tòa án, ông Hunter đã nhận hai tội tiểu hình (misdemeanor) về nộp trễ khoản thuế $200,000 cho khoản thu nhập $1.5 triệu ông ta nhận được năm 2017-2018; gọi là nộp trễ mà không gọi là trốn thuế vì sau đó ông ta đã nộp đủ thuế và khoản tiền phạt theo yêu cầu của Sở Thuế. Nếu bị kết tội trốn thuế thì ông ta có thể ngồi tù tối đa một năm. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi trễ nộp thuế thường chỉ bị phạt tiền và không bị truy tố hình sự. 

Tháng Mười năm 2018, ông Hunter mua một khẩu súng lục ổ xoay (rouleau) hiệu Colt Cobra 0.38 và sở hữu khẩu súng đó trong 11 ngày. Thời gian này ông ta bị nghiện chất kích thích và bị cấm mua súng, nhưng ông ta đã che giấu chứng nghiện đó. Nếu bị kết tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp, ông ta có thể bị tù tới 10 năm, nhưng theo thỏa thuận nhận tội, ông ta vẫn tiếp tục bị truy tố hình sự trước tòa nhưng không kết tội về hành vi mua súng. 

Ông Hunter Biden. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Vụ điều tra các hành vi phạm pháp của ông Hunter Biden đã khởi sự từ năm 2018. Ngay trong năm đầu tiên làm tổng thống, ông Donald Trump đã bổ nhiệm công tố viên liên bang David Weiss làm chánh biện lý tại tiểu bang Delaware để thực hiện cuộc điều tra này. Khi lên cầm quyền Tổng thống Biden đã để ông Weiss duy trì chức vụ để cuộc điều tra không bị gián đoạn và cũng để tránh tiếng bao che cho con cái.

Công tố viện cho rằng ông Hunter mắc tội nói dối chứ không phạm tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp nên thỏa thuận cho phép ông ta bị “quản thúc” (probation), định kỳ phải ra trình diện trước tòa để bảo đảm ông ta tuân thủ đầy đủ các quy định quản thúc như không tái nghiện, không mua súng đạn. Nếu Hunter vi phạm quy định thì thỏa thuận sẽ tự động bị hủy bỏ, ông ta phải vào tù; ngược lại, nếu chấp hành tốt thì vụ án sẽ được xóa khỏi hồ sơ. 

Đây mới chỉ là thỏa thuận “nhận tội” giữa bên bị (Hunter) và bên nguyên (Công tố viện thuộc Bộ Tư pháp), chưa có hiệu lực pháp lý. Sắp tới, ông Hunter còn phải ra tòa để nghe cáo trạng và quan tòa sẽ ra phán quyết một bản án cụ thể, có hiệu lực thi hành, thậm chí có thể bác bỏ thỏa thuận của hai bên. Tin mới nhất là ông Hunter phải ra tòa liên bang ở Delaware ngày 26 tháng Bảy 2023 và chủ trì vụ xét xử là Thẩm phán Maryellen Noreika, một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ do cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm.

Trường hợp Donald Trump

Thật là khập khiễng nếu so sánh tội trạng nêu trên của Hunter Biden với tội của ông Donald Trump thủ đắc bất hợp pháp hồ sơ mật của chính phủ và cản trở cuộc điều tra thu hồi các hồ sơ đó. Nhưng ông Trump – cũng như ông McCarthy nói trên – đã so sánh hai vụ này để kết án Bộ Tư pháp và rộng ra là hệ thống pháp lý của Hoa Kỳ.

Theo cáo trạng được trình tòa, vào tháng Năm năm 2021, các nhân viên tại Cơ quan Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) nhận ra rằng họ thiếu hồ sơ từ chính quyền Trump và yêu cầu ông cựu tổng thống trả lại chúng. Sau gần một năm từ chối, đàm phán và chiến thuật trì hoãn, Trump cuối cùng đã giao nộp 15 hộp chứa 184 hồ sơ mật đã bị lấy đi bất hợp pháp từ Tòa Bạch ốc và được cất giữ tại câu lạc bộ/nhà riêng/văn phòng của ông ta ở Mar-a-Lago, Florida.

Lo ngại rằng ông ta vẫn đang giữ một số tài liệu có liên quan đến an ninh quốc gia, xử lý nó một cách bất cẩn và đánh lừa họ, NARA đã yêu cầu FBI vào cuộc. Kết quả của cuộc điều tra của FBI chứng thực những nghi ngờ của NARA. Bộ Tư pháp đã triệu tập một đại bồi thẩm đoàn (grand jury) và phát hành trát đòi vào tháng Năm yêu cầu ông Trump trả lại tất cả các hồ sơ mà Trump còn giữ.

Trump sau đó tiếp tục phớt lờ và cản trở trát đòi, mặc dù đã được các cố vấn của ông ta nhiều lần thúc giục tuân thủ.

Hồ sơ mật về an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ bị ông Trump biển thủ và cất giữ một cách bừa bãi ở tư dinh tại Florida. Ảnh U.S. Department of Justice via Getty Images

Vào tháng Sáu năm 2022, các quan chức Bộ Tư pháp đã đến Mar-a-Lago, họ được giao thêm 38 tài liệu mật cùng với một tuyên bố hữu thệ do các luật sư của Trump ký cam kết rằng tất cả các hồ sơ nhạy cảm đã được chuyển giao.

Tuy nhiên, các nhà điều tra đã thu thập đủ bằng chứng để nghi ngờ tính xác thực của cam kết đó, đặc biệt là đoạn phim an ninh từ Mar-a-Lago trong đó Walt Nauta – một cận vệ của Trump từ thời ở Tòa Bạch ốc- khai rằng cựu tổng thống đã đích thân giao nhiệm vụ cho anh ta giấu những chiếc hộp hồ sơ sao cho các nhà điều tra không tìm thấy và nói dối luật sư của ông ta về điều đó.

Tháng Tám năm đó, FBI thực hiện lệnh khám xét Mar-a-Lago đã được tòa phê chuẩn và tìm thấy thêm 103 tài liệu mật, bao gồm cả các hồ sơ “rất nhạy cảm” về khả năng quân sự và vũ khí hạt nhân của Mỹ và của các quốc gia nước ngoài.

Tổng cộng, 60 trong số 325 tài liệu mật được thu hồi được đánh dấu tối mật. Vài ngày sau khi Trump chính thức tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2024, Bộ trưởng Merrick Garland đã chỉ định cố vấn đặc biệt Jack Smith giám sát cuộc điều tra về Trump do “những tình huống bất thường”.

Đầu tháng này, một đại bồi thẩm đoàn ở Nam Florida đã truy tố Trump về 37 tội danh có thể dẫn đến án tù, bao gồm cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng, âm mưu cản trở công lý, tuyên bố và trình bày sai sự thật. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cựu tổng thống Hoa Kỳ bị truy tố ở cấp liên bang (nhưng chắc chắn không phải là người cuối cùng).

Tại phiên tòa vào ngày 13 tháng Sáu, Trump không nhận tội đối với mọi cáo buộc. Phiên tòa xét xử Trump sẽ bắt đầu vào ngày 14 tháng Tám 2023 dưới sự điều khiển của Thẩm phán Aileen Cannon, một thẩm phán liên bang do Trump bổ nhiệm chỉ hai tháng trước khi mãn nhiệm kỳ tổng thống.


Cuộc tấn công vào nền tư pháp Mỹ

Hai vụ án kể trên rõ ràng khác nhau một trời một vực, cả về quy mô lẫn tác hại của hành vi phạm tội. Điểm giống nhau duy nhất là cả hai vụ án đều được điều tra và xét xử bởi các quan chức tư pháp do chính ông Trump bổ nhiệm.

Nhưng thay vì “nhận tội” như Hunter Biden, ông Trump đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng ông không làm gì sai mà ông đang bị các đối thủ chính trị bức hại một cách bất công vì giữ các hồ sơ mật; ông tự vẽ mình là nạn nhân của một “cuộc săn phù thủy” (witch hunt) của một “nhà nước ngầm” (deep state) do đảng Dân chủ kiểm soát để hạ bệ ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa đồng thời phớt lờ hoặc che đậy những hành vi sai trái của Biden, các thành viên gia đình Biden và các cựu quan chức khác.

Phần lớn các nhà lãnh đạo và cử tri đảng Cộng hòa cũng như hơn một nửa số cử tri độc lập tin vào câu chuyện này, gọi bản cáo trạng mới nhất của Trump là “có động cơ chính trị”, cáo buộc chính quyền Biden “vũ khí hóa” Bộ Tư pháp chống lại những người bảo thủ để “đánh cắp” cuộc bầu cử tiếp theo. Hầu hết các đảng viên Cộng hòa tin rằng Biden không chỉ phạm những tội giống như Trump mà còn tham nhũng – và rằng FBI đang bao che tội phạm.

Người biểu tình trước Toà Bạch Ốc vui mừng khi Trump bị truy tố vụ hồ sơ mật. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Ông Trump và những người ủng hộ ông trong đảng Cộng hòa phớt lờ những dữ kiện thực tế rằng hành vi phạm luật của Hunter Biden đã được Chánh Biện lý David Weiss – một biện lý liên bang được ông Trump bổ nhiệm năm 2017 – thực hiện điều tra suốt năm năm qua và đi đến thỏa thuận nói trên.

Việc truy tố và buộc tội ông Trump là quyết định của đại bồi thẩm đoàn tại Miami – bao gồm những cử tri của một địa hạt “đỏ”, thiên về hướng Cộng hòa bảo thủ – chứ không phải là ý muốn chủ quan của Cố vấn Đặc biệt Jack Smith hoặc Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland. Ngay cả phiên tòa xử ông Trump cũng được chủ trì bởi Thẩm phán Aileen Cannon, một quan tòa do chính ông Trump bổ nhiệm và đã từng đưa ra phán quyết ưu ái cho ông ta trong việc xử lý hồ sơ mật của chính phủ trước khi phán quyết đó bị tòa án cấp trên bác bỏ.

Ông Garland đã nhiều lần điều trần trước Quốc hội rằng ông đã trao cho Chánh Biện lý Weiss sự độc lập hoàn toàn để theo đuổi việc điều tra và truy tố Hunter Biden dựa trên chứng cứ. Trong các vụ điều tra cựu Tổng thống Donald Trump, ông Garland cố tình tránh xa, trao toàn quyền cho cố vấn đặc biệt Jack Smith và khẳng định ông ta chưa bao giờ thảo luận với Tổng thống Biden các vụ án như vậy. 

Khi đề cử ông Garland làm bộ trưởng tư pháp, ông Biden kỳ vọng nhân vật này sẽ khôi phục niềm tin của người Mỹ vào tính chất độc lập của Bộ Tư pháp sau nhiều năm bất ổn dưới thời chính quyền Trump. Ông Biden cũng nhiều lần khẳng định công khai rằng ông tôn trọng tính độc lập đó và chưa bao giờ có ý kiến với Bộ Tư pháp về công việc của họ.

Đảng Cộng hòa dường như đang tổ chức tấn công tổng lực vào Bộ Tư pháp và các cơ quan thực thi pháp luật của bộ như FBI nhằm hủy diệt lòng tin của người dân Mỹ vào hệ thống tư pháp của quốc gia. Những thiệt hại mà cuộc tấn công này gây ra cho nền dân chủ pháp trị của nước Mỹ xem ra trầm trọng hơn rất nhiều so với các hành vi của Hunter Biden và nhiều người khác. 

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật là một trong những nền tảng của nhà nước pháp quyền. Bất kỳ người Mỹ nào có một trong những hành vi giống ông Trump chắc chắn đều phải trả giá bằng những bản án nặng nề.

Ấy vậy nhưng theo quan điểm của Trump và những người ủng hộ ông ta, việc ông ấy vô tội hay có tội đều không quan trọng mà quan trọng là ông ta đang bị Bộ Tư pháp truy tố mà bộ này đang trong sự kiểm soát của đảng Dân chủ đối nghịch, mọi sự chống lại ông ta đều nghiễm nhiên mang tính chất chính trị, có động cơ và bất hợp pháp, bất kể sự thật, bằng chứng và luật pháp. Thay vì chống Trump, một kẻ tội phạm, họ quay sang chống hệ thống tư pháp và chính luật pháp nước Mỹ.

Thật là một lối hành xử kỳ quặc và nguy hiểm. Không truy tố Trump chỉ vì ông ấy đã từng giữ chức vụ tổng thống, ông ấy sẽ tranh cử vào năm 2024 sẽ là một sai lầm thực sự, một sự nhạo báng công lý.

Alles nur eine Hexenjagd? Die vielen juristischen Probleme von Donald Trump

419338813.jpg

Trump reiste am Donnerstag zu einem Gerichtstermin in Washington an.

(Foto: picture alliance / ASSOCIATED PRESS)

Der Prozess um seine Rolle beim Angriff auf das Kapitol ist nur einer von vielen: Der ehemalige US-Präsident und führende Präsidentschaftskandidat der Republikaner, Donald Trump, muss sich gerade mit einer Menge Verfahren herumschlagen – von Verleumdungsklagen über Betrug bis hin zur Verschwörung. In allen Fällen beteuert der 77-Jährige seine Unschuld und spricht von einer politisch motivierten Hexenjagd. Hier eine Übersicht über Trumps juristische Schwierigkeiten.

Angriff auf das Kapitol
Am 6. Januar 2021 stürmten nach einer Kundgebung Trumps dessen Anhänger das Kapitol in Washington. Sie wollten verhindern, dass die Abgeordneten Joe Bidens Sieg bei der Präsidentschaftswahl im November 2020 offiziell bestätigen. Trump muss sich im Zusammenhang mit diesen Vorgängen und versuchter Wahlverfälschung vor einem Bundesgericht verantworten. In einer am Dienstag veröffentlichten Anklageschrift wird ihm unter anderem vorgeworfen, sich mit sechs Personen verschworen zu haben, um das Ergebnis der Wahl abzuändern.

Zurückgehaltene Regierungsdokumente
Bei einer Durchsuchung von Trumps Anwesen Mar-a-Lago in Florida am 8. August 2022 beschlagnahmte die Bundespolizei FBI 13.000 Dokumente. Etwa 100 davon waren als Verschlusssache markiert und einige als streng geheim, womit sie der höchsten Geheimhaltungsstufe unterliegen. Trump wurde am 8. Juni wegen des unrechtmäßigen Besitzes von Dokumenten zur nationalen Sicherheit angeklagt. Er soll sie widerrechtlich behalten haben, als er das Weiße Haus verließ und anschließend Ermittler dazu belogen haben. Trump hat auf nicht schuldig plädiert. Am 28. Juli wurde die Anklage ausgeweitet. Der Prozess ist für den 20. Mai 2024 angesetzt.

Ringen um Wahlausgang in Georgia
Bei der Präsidentschaftswahl 2020 setzte sich der damalige Herausforderer und anschließende Wahlsieger Biden unter anderem in Georgia gegen Trump durch, allerdings nur sehr knapp. Trump soll versucht haben, im Nachhinein das Ergebnis in Georgia umzudrehen. Die Entscheidung, ob gegen Trump oder jemand anderen in der Sache Anklage erhoben wird, liegt bei Bezirksstaatsanwältin Fani Willis. Eine Entscheidung über eine Anklage wird bis zum 1. September erwartet. Rechtsexperten zufolge könnten Trump mindestens drei Verstöße gegen Wahlgesetze des Bundesstaats zur Last gelegt werden.

Klage in New York zu mutmaßlichem Betrug
Die New Yorker Generalstaatsanwältin Letitia James hat Trump und den nach ihm benannten Familienkonzern, die Trump Organization, im September 2022 wegen Betrugs verklagt. Der Vorwurf der Demokratin: Zwischen 2011 und 2021 soll der Firmenwert manipuliert worden sein. Trump soll sein Vermögen aufgebläht haben, um etwa günstiger an Kredite zu kommen. Die Zivilklage zielt darauf ab, Trump und seine Kinder Donald Junior, Eric und Ivanka dauerhaft von der Führung von Unternehmen im Bundesstaat New York auszuschließen. Zudem will James erreichen, dass die Trumps mindestens 250 Millionen Dollar zurückzahlen, die angeblich durch Betrug erlangt wurden. Der Prozess ist für den 2. Oktober 2023 angesetzt.

New Yorker Schweigegeld-Fall
Die Geschworenen einer New Yorker Grand Jury haben Trump angeklagt, vor der Wahl 2016 Geschäftsunterlagen im Zusammenhang mit einer Schweigegeldzahlung an einen Pornostar gefälscht zu haben. Sein ehemaliger Anwalt Michael Cohen zahlte demnach Stormy Daniels 130.000 Dollar für ihr Schweigen über eine sexuelle Begegnung mit Trump. Diese soll nach ihrer Darstellung 2006 stattgefunden haben. Trump plädierte auf nicht schuldig zu den insgesamt 34 Anklagepunkten. Er hat bestritten, eine sexuelle Begegnung mit Daniels gehabt zu haben, räumte jedoch ein, Cohen seine Zahlung an sie erstattet zu haben. Der Prozess ist für den 25. März 2024 angesetzt.

New Yorker Verleumdungsklagen
Ein Bundesgericht in Manhattan hat Trump des sexuellen Missbrauchs der Schriftstellerin E. Jean Carroll in den 90er Jahren und anschließende Verleumdung 2022 schuldig gesprochen. Er wurde zu einer Zahlung von fünf Millionen Dollar verurteilt. Trump hat Berufung eingelegt. Carroll fordert in einer getrennten Verleumdungsklage mindestens weitere zehn Millionen Dollar, nachdem Trump das Urteil kritisiert hatte. Er hat bestritten, Carroll getroffen zu haben, und nennt die Vorwürfe erfunden. Ein Prozess ist für den 15. Januar 2024 angesetzt.