Seite auswählen

Nguyễn Thọ

17-6-2023

Ở Đức có nhiều con đường mang tên “Phố 17 Tháng Sáu”. Ở Berlin còn có “Quảng trường 17 tháng Sáu”. Nhưng không phải người Đức nào cũng biết ý nghĩa của ngày này. Nhất là người dân Đông Đức.

Hôm nay nước Đức kỷ niệm 70 năm cuộc nổi dậy 17-6-1953. Cuộc nổi dậy của hơn một triệu người lao động Đông Đức hôm đó đã bị xe tăng Liên-Xô đè bẹp. 55 người đã chết, hàng ngàn người bị thương, khoảng 10.000 người bị bắt.

Khi đó nước CHDC Đức mới thành lập chưa đầy 4 năm (7-10-1949). Nhà nước cộng hòa non trẻ này là nơi người ta muốn thực hiện lý tưởng XHCN của triết gia Đức Karl-Marx.

 
Người ta nói về câu chuyện thần kỳ của kinh tế Tây Đức sau chiến tranh, nhưng ít ai biết rằng, sau chiến tranh, ở Đông Đức cũng có câu chuyện thần kỳ về kinh tế, tuy nó không kéo dài.

Xét về kỹ nghệ thì Đông Đức, vốn là nước Phổ, nhà nước phong kiến lớn nhất của dân tộc Đức, phát triển sớm hơn phần còn lại của nước Đức. Vì vậy nên việc khôi phục nền kinh tế hậu chiến ở đây có rất nhiều lợi thế, mặc dù họ không được hưởng kế hoạch Marshall của Mỹ và hơn thế nữa, còn bị Liên-Xô bóc dỡ các nhà máy công nghiệp nặng để bồi thường chiến tranh.

Chính nhờ các lợi thế này mà khi đó xe ô-tô EMW (Eisenacher Motorenwerke) của Đông Đức còn nổi tiếng hơn BMW (Bayerische Motorenwerke) của miền Tây. Còn phim màu của nhà máy Wolfen bán chạy hơn AGFA của Tây Đức.

 

Từ trước chiến tranh, nhà máy hóa chất Wolfen là con ngựa đầu đàn của tập đoàn AGFA (Aktien-Gesellschaft für Anilin-Fabrikation). Phim màu và đen-trắng của Wolfen đứng đầu thế giới. Khi đó Kodak chỉ là chú lùn bên cạnh nàng Bạch tuyết. Khi quân Mỹ giải phóng vùng này tháng 4.1945, họ đã tìm cách lấy các bí quyết của phim Wolfen, nhưng thời gian ngắn quá. Tháng 6.1945, Liên Xô tiếp quản vùng Wolfen theo thỏa thuận từ hội nghị Yalta. Thế là Mỹ đành ngậm quả đắng. Liên Xô tháo dỡ rất nhiều thiết bị ở đây mang về nước.

Nhưng người Nga chỉ lấy được máy móc, còn kiến thức vẫn nằm lại ở Wolfen và chỉ vài năm sau đó, các kỹ sư và công nhân Đức đã khôi phục lại nhà máy. Họ đổi tên thành ORWO (Original Wolfen), với niềm hy vọng tiếp tục thao túng thị trường phim thế giới.

Tuy nhiên nền kinh tế kế hoạch theo mô hình Liên Xô không chấp nhận kinh tế thị trường và chế độ đảng trị không cấp nhận tự do tư tưởng. Thế là nhiều trí thức ở Wolfen bỏ sang miền tây. Họ giúp nhà máy hóa chất ở Leverkusen làm phim AGFA ở Tây Đức để cạnh tranh với hãng mẹ giờ là ORWO.

Câu chuyện của hai thương hiệu EMW và BMW cũng tương tự. Xe BMW so với xe Trabant do EMW sản xuất từ 1955, cũng như film màu AFGFA so với ORWO về sau này là những minh chứng rõ nét nhất về phẩm chất của hai xã hội.

Tuy nhiên lãnh đạo nhà nước công nông CHDC Đức không nhận ra thất bại của mình là do xã hội mất tự do, vì thiếu cạnh tranh, vì hàm lượng trí thức thấp.

Nền kinh tế XHCN không chấp nhận cạnh tranh, nhưng có thi đua XHCN. Năng xuất lao động thấp thì ta tăng giờ làm hoặc tăng định mức. Tăng định mức mà không tăng lương ắt sẽ tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh với đối thủ. Đó là lập luận đơn giản của Bộ chính trị đảng SED cầm quyền ở Đông Đức lúc đó. Họ hy vọng sẽ vượt Tây Đức mà không cần đuổi theo (Überholen ohne einzuholen).

Tất nhiên họ đã làm phép tính đó mà không tính đến nhân dân lao động Đông Đức, những người đã góp phần quyết định cho sự chấn hưng kinh tế Đông Đức từ 1945 đến nay. Người Đông Đức lúc đó làm việc rất chăm chỉ, sáng tạo. Nhưng họ phải chịu quá nhiều bĩ cực. Họ bị phân loại theo lý lịch, không được đi lại tự do, không được nghe đài, mua sách báo từ phương tây. Ở nông thôn công cuộc cải cách ruộng đất cũng đảo lộn cuộc sống và sinh hoạt xã hội. Quy định “Tăng định mức lao động lên 10% trong các xí nghiệp quốc doanh” ngày 28.5.1953 đã gây giận dữ trong đa số công nhân, vì ở Đông Đức lúc đó, chỉ còn có xí nghiệp quốc doanh.

Đây là giọt nước tràn ly.

Karl Marx coi công nhân là lực lượng lãnh đạo cách mạng vì họ có kỷ luật và tình đoàn kết cao. Điều này chắc ông đúc kết từ giai cấp công nhân Đức.

Không cần có đảng phái chính trị nào lãnh đạo, nhưng công nhân ở nhiều nhà máy đã tổ chức các cuộc đình công ngay từ ngày 1-6-1953. Nhà nước CHDC Đức bối rối, muốn dùng bạo lực mà không có. (Theo quy định phi quân sự hóa nước Đức sau 1945 nên CHDC Đức không có quân đội. Năm 1956 mới thành lập quân đội nhân dân quốc gia NVA).

Phong trào phản đối cứ dâng lên.

Đỉnh điểm của cuộc nổi dậy là sáng ngày thứ tư 17-6, khi hơn một triệu người lao động đồng loạt xuống đường ở Berlin và hơn 700 nơi khác. Kết quả là Quân Liên Xô vào cuộc, dùng xe tăng chiếm tất cả các trung tâm thành phố. Người biểu tình chống trả.

Xe tăng Xô viết đã từng chiếm các thành phố Đức năm 1945, khi đó là kẻ thù. Nay những xe tăng đó lại bắn vào những người cùng giai cấp trong một nước bạn.

14:00 giờ chiều, thủ tướng Đông Đức Grotewohl lên đài phát thanh tuyên bố rút lại quyết định tăng định mức lao động. Nhưng máu đã đổ.

Năm 1967, tôi sang Đông Đức học nghề. Suốt 4 năm ở đó không hề nghe nói về ngày này. Sau khi bức tường Berlin đổ tháng 11-1989, cứ vào dịp năm chẵn: 1993, 2003, 2013 và năm nay, đất nước lại kỷ niệm sự kiện bi thảm này.

Cứ mỗi lần như vậy, lại có con đường mới ở đâu đó được đặt tên là “Phố 17 Tháng Sáu”.