Seite auswählen

Nghiên cứu Biển Đông

 

Ngày 5/7, một tuần trước khi chủ trì thượng đỉnh NATO 2023, Lithuania công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng mình, trở thành nước Châu Âu thứ 6 có văn bản này (sau Pháp, Đức, Hà Lan, Anh và Cộng hòa Séc, nếu không tính bản của khối EU).

Văn bản của Lithuania có một số điểm đáng chú ý sau:

 

1/ Xu thế liên thông khu vực tiếp tục được ủng hộ

Lithuania nhấn mạnh an ninh Đại Tây Dương và an ninh AĐD-TBD có quan hệ sâu sắc. Đây cũng là nhận định một số Chiến lược Ấn – Thái của các nước khác có nhắc đến sau khi chiến sự Ukraine xảy ra, cho thấy chiến sự không làm giảm chú ý của thế giới vào khu vực. tại AĐD-TBD, trái lại còn nhấn mạnh xu hướng liên thông Á – Âu.

Cụ thể, bản của Mỹ năm 2022 cho rằng xu thế này là tất yếu và khẳng định Mỹ sẽ thúc đẩy việc kết nối AĐD-TBD với EU hay NATO. Bản của Anh (một phần trong Chiến lược tổng thể 2023) cũng nói đến liên thông này.

 

2/ Chính sách “cứng rắn” hơn với Trung cộng

Chiến lược nhắc tới TC 18 lần và Đài Loan 16 lần (nhiều hơn cả nhắc đến Nga – 8 lần), đánh giá TC đang sử dụng các biện pháp cưỡng ép trên nhiều lĩnh vực, khẳng định Lithuania có thể chống chọi với sức ép kinh tế từ TC và chia sẻ kinh nghiệm này với AĐD-TBD. Đáng chú ý, Lithuania cũng đặt ra “làn ranh đỏ” của riêng mình (điểm khác hoàn toàn các nước khác) với TC: nếu TC dùng vũ lực với Đài Loan hay viện trợ quân sự cho Nga tại Ukraine.

Văn bản cho thấy lập trường về TC mạnh mẽ hơn bản Chiến lược của Đức, Hà Lan, Séc hay EU. Có thể, mức độ này tương tự bản của Pháp (coi TC là “thách thức ngày một lớn”) và của Anh (coi TC là “đối thủ cạnh tranh hệ thống”). Lập trường này một phần có thể do quan hệ TC – Lithuania trong nhiều năm gần đây gặp nhiều trở ngại (Lithuania là nước đầu tiên dùng tên “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc” cho văn phòng đại diện, TC đã hạ cấp quan hệ ngoại giao và trừng phạt một số quan chức Lithuania…).

 

3/ Lập trường về Biển Đông rõ ràng hơn

Chiến lược cho biết 40% thương mại EU đi qua Biển Đông, nơi TC đang có nhiều hoạt động quân sự. Lithuania ủng hộ tự do hàng hải và luật quốc tế để đảm bảo ổn định khu vực.

Văn bản chỉ nhắc đến Biển Đông 2 lần. Lập trường này cũng không cụ thể, không nhắc đến UNCLOS, Phán quyết Biển Đông hay COC và không quá khác biệt so với các nước Châu Âu khác. Tuy nhiên, đây vẫn có thể coi là bước tiến của Lithuania vì trước đó, Lithuania chưa có tuyên bố đơn phương nào về BĐ.

Độc giả nghĩ sao về chiến lược này?

 

Nghiên cứu Biển Đông (16.07.2023)