Seite auswählen

Bà Nhàn và 7 nhân viên của bà dường như đã được thông báo trước và đã trốn ra nước ngoài. Bà Nhàn đã sang Đức được vài tháng nay và hiện đang sống tại một thành phố lớn tại đây. Việt Nam đã gửi cho Đức đơn yêu cầu dẫn độ bà Nhàn – nhưng Sở Tư pháp Liên bang Đức đã bác đơn này. Và Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã cảnh báo Việt Nam về các hành động bất hợp pháp tiếp theo.  “Chính phủ Liên bang Đức sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức”, Bộ Ngoại Đức viết. Cảnh sát Đức cũng đã liên lạc trực tiếp với bà Nhàn và cảnh báo về tình trạng nguy hiểm của bà.

Nhật báo TAZ của Đức ra hôm nay 7-8-2023 có đăng một bài viết dài chiếm cả trang 3, trang dành cho chủ đề thời sự đặc biệt, tường thuật về vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang ẩn trốn tại Đức và ngay trang đầu tờ báo, với hình TBT Nguyễn Phú Trọng in lớn chiếm nửa trong báo, trên đó in hàng tít “Lời chào thân ái từ Berlin” (ám chỉ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017) để giới thiệu bài báo ở trang 3: “Bài báo độc quyền của tờ TAZ: Cơ quan mật vụ Việt Nam dường như đang truy lùng tại Đức một phụ nữ Việt có nhiều thế lực, người được cho là có liên quan đến các vụ đấu đá chính trị. Cơ quan an ninh Đức báo động – ký ức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017 được đánh thức”.

 

 Sau đây là trích dịch những phần chính của bài báo. 

Khánh Anh dịch   

 

Đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, một vụ bắt cóc công khai diễn ra trên đất Đức do một cơ quan mật vụ nước ngoài thực hiện: mùa hè năm 2017, mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại Berlin. Vụ bắt cóc diễn ra như phim, và ông ta bị đưa trở về Hà Nội. Trịnh Xuân Thanh hiện đang thụ án tù chung thân ở Việt Nam.

 

Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao đã phản ứng gay gắt, triệu tập đại sứ Việt Nam và trục xuất hai nhà ngoại giao. Nhưng bây giờ có thể lặp lại một vụ tương tự. Vì một lần nữa kẻ đang bị Hà Nội truy lùng đã trốn sang Đức, lần này là một phụ nữ: bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

 

Lịch sử có lặp lại? 

Cho đến gần đây, người phụ nữ 54 tuổi này đóng một vai trò quan trọng ở Việt Nam: Bà nhập hàng hóa mà Việt Nam không nên nhận, chủ yếu là vũ khí. Bà Nhàn là dân ngoại thương, ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, còn nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật và một chút tiếng Trung, là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Quốc tế Tiến bộ AIC, một công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, nhưng cũng đang hoạt động trong các dự án xây dựng trong nước.

 

Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn được quốc tế kính trọng. Một học viện Nga đã trao cho bà hai bằng tiến sĩ danh dự. Năm 2018, bà cũng vinh dự được chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc, một trong những huân chương cao quý nhất của Nhật Bản. Bà Nhàn cũng được cho là có quan hệ tuyệt vời với Israel.

 

Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2022 đã có lệnh bắt giữ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một số nhân viên của công ty AIC và các quan chức y tế  do gian lận và tham nhũng trong đấu thầu xây dựng bệnh viện. Bà Nhàn và bảy nhân viên của bà dường như đã được thông báo trước và đã trốn ra nước ngoài. Kế toán trưởng Đỗ Văn Sơn, đã bị dẫn độ về Việt Nam từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hồi tháng 6 năm 2023 theo một lệnh truy nã của chính phủ Việt Nam thông qua Interpol. Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã xác nhận với taz về việc dẫn độ này. Hiện ông Sơn đang bị giam giữ tại Việt Nam.

 

Một nhân viên khác trốn thoát sang Mỹ (Nguyễn Đăng Thuyết, giám đốc công ty Thành An Hà Nội)

 

Được biết, một nhân viên đào tẩu khác hiện sống ở Hoa Kỳ đã bị mật vụ tìm cách dẫn độ ra khỏi Hoa Kỳ nhưng không thành công. Số phận của năm người còn lại không được biết đến. Tuy nhiên, Việt Nam đã kết án tù hững người bị truy nã hồi tháng Giêng. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, sếp AIC, bị kết án 30 năm tù giam vì gian lận và tham nhũng trong thủ tục đấu thầu. Bà Nhàn vẫn còn phải đối mặt với ít nhất một vụ án khác. Tài sản không nhỏ của bà đã bị tịch thu trong đó có một biệt thự bên hồ ở Hà Nội.

 

Nhưng: Những lời buộc tội này có thực sự là lý do của vụ đàn áp – hay chỉ là một cái cớ? Sáu tháng trước, taz nhận được một bài báo của những người chỉ trích ẩn danh bộ máy chính quyền ở Hà Nội kể một câu chuyện khác về lý do tại sao người phụ nữ và người của bà lại bị bức hại. Bài báo dài 12 trang kể lại cuộc tranh giành quyền kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đàn ông quyền lực nhất Việt Nam.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, 64 tuổi, được xem là người đang nhắm đến việc kế vị. Nguyễn Thị Thanh Nhàn trốn sang Đức, theo bài báo là người tình lâu năm của ông Chính, cả hai được cho là có với nhau một cô con gái. Ngoài ra, các mối quan hệ thương mại nước ngoài của người phụ nữ là một yếu tố quyền lực quan trọng đối với thủ tướng. Theo tờ báo, các đối thủ cạnh tranh vị trí Tổng Bí Thư của ông Chính đã truy sát bà Nhàn  và công ty AIC để làm suy yếu đối thủ.

 

Việt Nam ra sức truy tìm tội phạm

Mặt khác, báo chí Israel nghi ngờ có cuộc tranh giành quyền lực giữa lãnh đạo đảng và thủ tướng về việc mua vũ khí đằng sau lệnh bắt giữ. Israel đã trở thành một nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam, và Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã môi giới các thương vụ quan trọng tại đây. Đó là các thoả thuận về máy bay không người lái, hệ thống phòng không, xe tăng hoặc tên lửa. Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Công An đầy quyền lực Tô Lâm lại thích mua bán vũ khí với các đối tác truyền thống là Nga và Trung Quốc – cũng bởi vì người của họ làm trung gian và vì Nga là đối tác không thể thiếu để đào tạo Hải quân Việt Nam.

 

Hiện Việt Nam đang truy tìm Nguyễn Thị Thanh Nhàn với áp lực cao. “Ai cũng có quyền bắt người bị truy nã và giải ngay đến cơ quan công an, cơ quan công tố hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi gần nhất,” truyền thông Việt Nam trích lệnh truy nã từ tháng 5/2022. Tiếp theo là dữ liệu như số hộ chiếu và các dấu hiệu nhận dạng như vết sẹo trên cơ thể. Báo chí gần đây cho rằng bà Nhàn trốn tránh trách nhiệm cá nhân khi bỏ trốn – “do đó phải xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung”. Với những lời kêu gọi tương tự vào năm 2016 và 2017, Trịnh Xuân Thanh bị truy nã và sau đó bị bắt cóc cũng đã bị cho là tội phạm. Trong cả hai trường hợp, chính quyền Việt Nam đã biết từ lâu rằng những người họ đang tìm kiếm đang ở nước ngoài.

 

Theo thông tin của taz, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sang Đức được vài tháng và sống tại một thành phố lớn tại đây. Trước đó, bà được cho là đã trốn sang Nhật Bản rồi đến London, nơi con gái bà được cho là đang sống. Mật vụ Việt Nam cũng được cho là biết về việc bà Nhàn ở lại Đức. Đại sứ quán Việt Nam không trả lời các câu hỏi về việc này. Riêng Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì không liên lạc được.

Các nhà chức trách Đức nhận thức rõ về tình huống tế nhị của người phụ nữ 54 tuổi này. Cụ thể, cả Bộ Ngoại giao và cơ quan an ninh đều không muốn bình luận về vụ việc. Về nguyên tắc, dữ liệu cá nhân không được đưa ra ngoài. Tuy nhiên, theo thông tin của taz, một số cơ quan đang quan tâm với vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, họ nhận thấy mối đe dọa thực sự.

 

Không thể dẫn độ về Việt Nam về nguyên tắc

Một yêu cầu dẫn độ từ Việt Nam với Đức đã bị Văn phòng Tư pháp Liên bang từ chối. Kể từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017, việc dẫn độ về Việt Nam nói chung đã không thể thực hiện, theo giới chức chính phủ. Và Bộ Ngoại giao được cho là đã cảnh báo Việt Nam về các hành động bất hợp pháp tiếp theo: “Chính phủ liên bang không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức.” 

 

Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng Việt Nam sẽ tiến hành một vụ bắt cóc khác – bất chấp thảm họa ngoại giao sau vụ Trịnh Xuân Thanh. Điều này được củng cố bởi việc tích cực tìm kiếm người phụ nữ Việt Nam bị truy nã gắt gao nhất. Khả năng bắt cóc lớn vì thực tế là mật vụ Việt Nam gần đây đã bắt cóc hai công dân Việt Nam khác từ Thái Lan nhà báo Trọng Duy Nhất năm 2019, và năm nay là blogger lưu vong Thái Văn Đường. Cả hai hiện đang bị tù tại Việt Nam.

Mặt khác, một vụ bắt cóc từ châu Âu về mặt hậu cần khó quản lý hơn một vụ bắt cóc từ nước láng giềng Thái Lan. Năm 2017, vụ Trịnh Xuân Thanh diễn ra trót lọt vì Việt Nam có người của mình trong chính phủ Slovakia: là ông Lê Hồng Quang. Ông này là cố vấn cho Thủ tướng Slovakia lúc bấy giờ là Robert Fico. Trong thời gian ngắn, ông Quang đã tổ chức chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Tô Lâm tới người đồng cấp Slovakia Robert Kaliňák.

 

Trên chuyến bay trở về, nạn nhân bị bắt cóc đã ở trên máy bay, sau khi được đưa đến Bratislava bằng xe ngoại giao và cấp hộ chiếu mới với tên giả do các nhà ngoại giao Việt Nam cấp vội vàng. Ngày nay, người Việt Nam không còn có thể trông cậy vào cố vấn chính phủ Lê Hồng Quang: ông ta đã trốn về Việt Nam năm 2018.

 

Ngoài ra còn có một tình huống phức tạp khác khiến việc bắt cóc từ Đức trở nên khó khăn hơn. Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bị cơ quan mật vụ Việt Nam truy nã – cũng là cơ quan đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017 và có một số nhân viên tại Đức. Nhưng cơ quan này có một đối thủ mạnh ở Việt Nam: tình báo quân đội. Đay không chỉ là một công cụ quan trọng của thủ tướng Việt Nam, người tình của người phụ nữ bị truy nã.

 

 Có thể có cả vệ sĩ

Cơ quan tình báo quân đội cũng phải lo sợ rằng nếu Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra tòa, nhiều thông tin về việc nhập khẩu vũ khí của Việt Nam sẽ bị công khai hơn là họ muốn. Vì vậy, có thể là bà Nhàn thậm chí còn có một vệ sĩ.

 

Và: Lần này cơ quan an ninh Đức cũng đã được cảnh cáo – khác với năm 2017 với Trịnh Xuân Thanh. Vào thời điểm đó, hầu như không ai có thể tưởng tượng được rằng mật vụ Việt Nam sẽ bắt cóc một người từ Đức. Ngay cả khi luật sư của Trịnh Xuân Thanh báo cáo việc thân chủ của bà mất tích với cảnh sát Berlin và yêu cầu cơ quan mật vụ Việt Nam xem xét việc bắt cóc ông ta cũng được cho là đã bị bác bỏ.

Lần này thì khác: theo thông tin của taz, cảnh sát đã liên lạc trực tiếp với Nguyễn Thị Thanh Nhàn và thận trọng cảnh báo rằng mật vụ Việt Nam đang tìm kiếm bà. Vài tuần tới sẽ biết được liệu điều đó có hữu ích hay không.

 

__________

Nguồn: Taz – Die Verfolgte – https://taz.de/Drohende-Entfuehrung-vietnamesischer-Frau/!5952435/

 

VNTB  (07.08.2023)