Mục lục
Pháp rút bài học “bị sỉ nhục” ở châu Phi
RFI
“Nạn đảo chính khắp vùng Sahel”, theo nhận định ngày 28/08/2023 của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, không chừa Niger, đồng minh cuối cùng của Paris tại vùng Sahel và lan sang cả Gabon hôm 30/08. Ở những nước trước đây là đồng minh, đối tác, Pháp bị “hất hủi”, phải rút hết quân trong ê chề.
Tổng thống Pháp phát biểu tại thượng đỉnh Châu Phi – Pháp, ngày 08/10/2021, Montpellier, Pháp. AFP – LUDOVIC MARIN
Đại sứ Pháp tại Niamey cố cầm cự bất chấp tối hậu thư của tập đoàn quân sự yêu cầu rời khỏi Niger. Lời động viên của tổng thống Macron với đại sứ Sylvain Itté cũng gián tiếp thừa nhận Pháp đang bị “hạ nhục” ở Niger, và rộng hơn là ở vùng Sahel. Nhật báo Pháp Le Monde ngày 28/08 trích dẫn một chuyên gia về an ninh châu Phi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, “hoặc là Pháp duy trì vị thế bằng vũ lực và mạo hiểm đối đầu”, “hoặc rút lui” khỏi Niger, còn “ý tưởng duy trì bằng mọi giá sự hiện của Pháp” là “mong manh”.
Việc tổng thống Bazoum, đồng minh cuối cùng của Pháp ở tây Phi, bị lật đổ ở Niger cho thấy ảnh hưởng và trọng lượng của Pháp ở trong vùng đã bị “vùi dập” trong những năm gần đây. Thực tế này từng được bà Niagalé Bagayoko, chủ tịch Mạng lưới Lĩnh vực An ninh châu Phi (African Security Sector Netword, ASSN), nhận định với Pascal Boniface, nhà sáng lập kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trong chương trình “Hiểu về thế giới” :
“Đáng tiếc là đúng. Pháp bị “thất sủng”, thậm chí theo tôi, giờ còn nghiêm trọng hơn. Tại một số nước châu Phi, Pháp bị hất hủi khá ác liệt. Điều này có thể thấy rất rõ bởi vì họ không ngấm ngầm phản đối nữa mà thể hiện công khai trên các mạng xã hội, cũng như trên đường phố ở tây Phi và trung Phi. Hiện tượng loại bỏ đó, hoặc dù sao cũng là thái độ nghi kị đối với tính thích đáng kiểu hiện diện của Pháp, hiện được thấy rõ”.
Hầu hết khắp châu Phi, sức hấp dẫn của Pháp đã bị suy giảm trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao, văn hóa đến trao đổi thương mại và an ninh. Thị phần của Pháp trong thương mại châu Phi từ 10% rơi xuống còn 5% trong vòng 1/4 thế kỷ. Nhà nghiên cứu Pascal Boniface, giám đốc Viện IRIS, nhắc lại thay vì bị bỏ rơi như trong thập niên 1990, châu Phi hiện được rất nhiều cường quốc chú ý : Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út… Rất nhiều nước cũng lập chính sách riêng về châu Phi.
Về an ninh, Pháp từ lâu được coi là “sen đầm của châu Phi”. Vì lý do bảo đảm an ninh và chống khủng bố, Pháp duy trì lực lượng quân sự (hiện còn căn cứ Sénégal (350 lính), Côte d’Ivoire (900), Gabon (300), Djibouti (1.450), Niger (1.500)), trực tiếp can thiệp hoặc cố vấn chiến dịch cho các đối tác châu Phi. Chỉ trong ba năm đã có 8 vụ đảo chính hoặc âm mưu đảo chính trong vùng châu Phi nói tiếng Pháp. Paris đã phải rút hết quân khỏi Mali, Burkina Faso. Phe đảo chính ở Niger và những người ủng hộ cũng yêu cầu Pháp rút hết 1.500 quân khỏi nước này.
Pháp bị lên án thiên vị
“Sự hiện diện quân sự của Pháp tại châu Phi ngày càng bị coi là sự ủng hộ trực tiếp cho các chế độ cầm quyền”, theo đài truyền hình Pháp France 2 trong bản tin tối 30/08. Đài này cũng lưu ý “ở Gabon, Pháp ủng hộ tổng thống Bongo”, trong khi gia tộc Bongo cầm quyền từ 55 năm nay. Trước đó, trong bài nhận định vào tháng 03/2023 trên trang web IRIS, nhà nghiên cứu Pascal Boniface giải thích :
“Pháp bị kìm kẹt trong chính những mối quan hệ cũ : Pháp ủng hộ các nhà lãnh đạo, trong đó có nhiều người cầm quyền từ hơn 40 năm qua và bị giới trẻ phản đối. Chắc chắn là rất khó để cắt đứt những mối quan hệ đó.
Việc (ông Macron) đến Gabon, nơi gia đình Bongo cầm quyền từ năm 1973 hoặc tới CH Congo, nơi Sassou Nguesso điều hành đất nước từ hơn 40 năm, sau khi thông báo chấm dứt mô hình “châu Phi thuộc Pháp”, lại càng không được giới trẻ châu Phi chấp nhận. Trong trường hợp đặc biệt của nước CHDC Congo, người dân trách Pháp không lên án đúng đắn Rwanda cướp bóc đất nước này thông qua nhóm vũ trang M-23 trong khi cứng rắn về những vụ Nga vi phạm chủ quyền của Ukraina”.
Đây chính là thái độ “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, trong khi Pháp vẫn rao giảng về dân chủ và nhân quyền, theo giải thích của bà Niagalé Bagayoko :
“Nhìn vào trường hợp Cộng Hòa Tchad, theo tôi, rõ ràng là những mâu thuẫn này không còn được công luận châu Phi, cũng như một số nước, chấp nhận nữa. Ngay hôm sau tổng thống Idriss Déby qua đời, một tập đoàn quân sự lên nắm quyền một cách hoàn toàn vi hiến, đưa con trai của tổng thống quá cố lên lãnh đạo, đúng kiểu “cha truyền con nối”. Pháp ra thông cáo chính thức chấp nhận việc đó, tiếp theo đích thân người đứng đầu Nhà nước đến dự lễ tang (23/04/2021), trong khi sau đó lại lên án mạnh mẽ đảo chính ở Mali, Guinea và Burkina Faso. Không hề có bất kỳ sự nhất quán nào trong chính sách này !”
Pháp vẫn bị kẹt trong những mối quan hệ cũ
Mô hình “Françafrique” (châu Phi thuộc Pháp), thường gợi đến mối quan hệ hậu thuộc địa mang mầu sắc “bảo trợ”, thậm chí là tham nhũng, từng được nhiều đời tổng thống Pháp tuyên bố chấm dứt, ngay từ thời George Pompidou (1969-1974) đến Nicolas Sarkozy, François Hollande và Emmanuel Macron. Pháp đã triển khai kế hoạch hiện diện quân sự bớt lộ liễu hơn ở châu Phi, ít quân nhân hơn và thúc đẩy các chương trình hợp tác dân sự. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho là “còn quá ít và nhất là quá trễ”.
Trước các cuộc đảo chính liên tiếp ở vùng Sahel, Pháp cần giữ thái độ “không gia trưởng, không yếu đuối”, theo phát biểu của tổng thống Macron trong cuộc gặp các đại sứ Pháp ngày 28/08. Nhưng nhìn chung, Pháp thất bại về ngoại giao và văn hóa trong vùng này, theo nhận định trên đài RFI ngày 29/08 của giáo sư danh dự về luật quốc tế Serge Sur, Đại học Panthéon-Assas, kiêm tổng biên tập tạp chí Các vấn đề Quốc tế :
“Tổng thống Macron đã đưa ra vài hướng giải thích khi cho rằng Pháp đã dựa quá nhiều vào chính quyền mà không chú trọng đến xã hội dân sự. Điều này hoàn toàn đúng. Xã hội dân sự châu Phi vô cùng sống động, rất trẻ, cập nhật nhanh chóng những gì diễn ra trên thế giới, trong khi Pháp lại hơi lơ là thành phần này. Có thể thấy điều đó trong các trường đại học của Pháp. Thật đáng tiếc là chúng ta không nhiều du học sinh châu Phi. Họ chọn đi du học ở Anh, ở Mỹ và họ không chọn Pháp, vì Pháp từ chối cấp thị thực cho họ hoặc hạn chế số lượng thị thực được cấp.
Tổ chức Pháp ngữ đã không làm tròn trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ các trường đại học. Khi các trường đại học ở châu Phi gặp khó khăn, không có chương trình nào được tiến hành để đánh giá những khó khăn và góp phần cải thiện mối quan hệ giữa văn hóa Pháp và văn hóa các nước Pháp ngữ, trong khi chính những nước châu Phi này thuộc cộng đồng Pháp ngữ”.
Theo nhà nghiên cứu Pascal Boniface, việc hạn chế thị thực để khống chế di dân thể hiện rõ cho “sự kì thị chủng tộc, phục vụ lợi ích chính trị của các đảng phái ở Pháp”. Cuộc chiến chống di cư, những phát biểu “không cập nhật với thời đại” của nhiều chính trị gia thù nghịch với đạo Hồi hoặc vấn đề di dân được tiếp nhận một cách tiêu cực trên khắp châu Phi và gây hậu quả tai hại cho hình ảnh của Pháp ở châu Phi.
Pháp không chú ý đến “mong mỏi” của người dân châu Phi
Nhiều chính phủ dân sự ở Sahel, trên danh nghĩa được bầu một cách hợp hiến, lại bị đông đảo người dân phản đối với những cáo buộc tham nhũng, trục lợi, tham quyền cố vị. Pháp cũng bị lên án vì ủng hộ những chính phủ này. Do đó, dù lên cầm quyền một cách bất hợp pháp do đảo chính, các tập đoàn quân sự lại được một bộ phận dân chúng ủng hộ. Trên nguyên tắc, tập đoàn quân sự không có quyền yêu cầu lực lượng vũ trang nước ngoài như của Pháp, Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ rút lui. Nhưng họ vẫn làm được vì đại diện được phần nào mong muốn của dân, theo giải thích của bà Niagalé Bagayoko, chủ tịch Mạng lưới Lĩnh vực An ninh châu Phi :
“Tại sao lại có sự ủng hộ này ư ? Tại vì trên thực tế, người ta nhận thấy một thất bại tập thể. Các đối tác nước ngoài đã không làm đúng những lời hứa hoặc những cam kết mà họ đưa ra, rõ ràng nhất là về mặt an ninh, Pháp đã không xóa sổ được phong trào khủng bố mà theo tôi, Paris đã bất cẩn dấn thân.
Nhưng nếu chúng ta nhìn những lĩnh vực khác thì thấy cũng tương tự. Những yếu tố liên quan đến phát triển thường được lý tưởng hóa thì giờ cũng bị nghi ngờ trên thực địa, bởi vì người dân, công luận chẳng thấy được chút lợi nào từ những chương trình này. Họ nhận thấy thường có rất nhiều nhà trung gian, kể cả đến từ các nước phương Tây và những thành phần đó được lợi nhiều hơn cả họ. Vì thế làn sóng bác bỏ ngày càng lớn bởi vì theo họ, đơn giản là nước ngoài không thể mang lại những giải pháp cho các vấn đề về an ninh và kinh tế của châu Phi”.
Trong mắt các nước châu Phi, Pháp đã mất phần nào đặc thù, không còn là một quốc gia có đường lối ngoại giao độc đáo khi luôn tìm cách gắn kết và nhất quán với châu Âu hoặc với Mỹ. Thời thế đã thay đổi. Châu Phi có tầm quan trọng lớn hơn và ngày càng được củng cố trên trường quốc tế nhờ nguồn tài nguyên, nhân lực. Do đó, Pháp không thể không có một chính sách cập nhật về châu Phi.
Ngày 27/02/2023, trong bài diễn văn giới thiệu chính sách về châu Phi trong nhiệm kỳ hai, tổng thống Macron nhấn mạnh đến mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Châu Phi không còn là “sân sau” của Pháp, “càng không phải là một lục địa mà người châu Âu và người Pháp có thể áp đặt một khuôn khổ phát triển, mà là một nơi chúng ta phải xây dựng các mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, cân bằng và có trách nhiệm, để cùng nhau chiến đấu vì những mục đích chung – khí hậu là một vấn đề vô cùng quan trọng -, bảo vệ lợi ích của chúng ta và giúp các nước châu Phi thành công”.
Chiến lược châu Phi của Pháp hiện tập trung vào ba hướng chính : hiện diện quân sự, đổi mới quan hệ đối tác và giới trẻ. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của Pháp là khôi phục được uy tín trong mắt người dân châu Phi, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc không ngừng tung chiến dịch làm “mất mặt” Pháp và phương Tây.