Seite auswählen

Bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành VIETSE

 

Bà Ngô Thị Tố Nhiên- Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE), đã bị bắt từ ngày 25/9 vừa qua.

Người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam- Trung tướng Tô Ân Xô thừa nhận biện pháp vừa nêu tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều ngày 30/9. Ngoài bà Nhiên, Công an Việt Nam cũng bắt giữ hai cán bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ông Tô Ân Xô cho biết bà Ngô Thị Tố Nhiên bị khởi tố, bị bắt giam theo cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 342 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Hai cán bộ EVN bị bắt cùng với bà Nhiên là ông Dương Đức Việt- chuyên viên cao cấp Ban Quản lý đầu tư thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia của EVN và ông Lê Quốc Anh- Trưởng phòng Phân tích hệ thống Công ty tư vấn điện 1 của EVN.

Theo người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam, Tô Ân Xô, từ năm 2020, bà Ngô Thị Tố Nhiên biết hai ông Dương Đức Việt và Lâ Quốc Anh có quyền tiếp cận tài liệu liên qua hoạch định chính sách phát triển lưới điện của EVN, đường lưới điện 500kW và đường lưới điện 220kW nên đã ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với hai ông này theo hình thức trả lương bán thời gian.

Những tài liệu mà hai ông Dương Đức Việt và Lê Quốc Anh cung cấp cho VIETSE bị Bộ Công an cho là tài liệu nội bộ, không được chia sẻ.

Tại cuộc họp báo Chính phủ Hà Nội vào chiều ngày 30/9, ông Tô Ân Xô cho rằng ngay sau khi có tin bà Ngô thị Tố Nhiên bị bắt, nhiều cơ quan truyền thông và một số tổ chức ở nước ngoài loan tải biện pháp bắt giữ các nhà hoạt động vì môi trường. Ông Xô cho rằng đó là luận điệu xuyên tạc mà Hà Nội bác bỏ và xem là hành vi can thiệp vào hoạt động của Việt Nam.

Như tin RFA loan ngày 20/9 dẫn nguồn Project 88, bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt giữ hôm 15/9.

Theo Project 88, bà Nhiên “có hơn 20 năm kinh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn về năng lượng và kinh tế môi trường, mô hình năng lượng, chính sách năng lượng và đánh giá các công nghệ năng lượng carbon thấp”.

AP dẫn lời ông Ben Swanton – đồng Giám đốc Project 88 – nhận định: “Việc bắt giữ bà Nhiên là dấu hiệu quan trọng cho thấy việc nghiên cứu chính sách năng lượng tại Việt Nam hiện nay là không được phép.”

Bà Ngô Thị Tố Nhiên là nhà hoạt động môi trường thứ hai bị bắt giữ trong năm nay tại Việt Nam sau trường hợp bà Hoàng Thị Minh Hồng của tổ chức phi lợi nhuận CHANGE bị bắt vào ngày 30/5 vừa qua với cáo buộc tội “Trốn thuế”. Bà Hồng bị tuyên án 3 năm tù hổm 28/9/2023 .

Đây cũng là nhà hoạt động môi trường thứ sáu tại Việt Nam bị bắt giữ trong vòng hơn hai năm qua. Năm người bị bắt trước đó đều bị cáo buộc tội “Trốn thuế”. Các tổ chức quốc tế đã lên án các vụ bắt giữ và kết án tù những nhà hoạt động này là có động cơ chính trị.

VIETSE là môt tổ chức nghiên cứu độc lập được thành lập vào cuối năm 2018 với các hoạt động nghiên cứu liên quan đến việc chuyển dịch hệ thống năng lượng quốc gia hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và có độ tin cậy cao.

Theo AP, khi bị bắt giữ, bà Nhiên đang làm việc với tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc để giúp Việt Nam thực hiện cam kết thỏa thuận về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP) mà Việt Nam vừa đạt được hồi cuối năm ngoái với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Đan Mạch và Na Uy.

Theo thỏa thuận này, các đối tác sẽ giúp Việt Nam hơn 15 tỷ đô la để thực hiện việc chuyển đổi năng lượng bền vững từ sử dụng than sang các nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Hôm 10/9 vừa qua, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, Hà Nội đã trả tự do cho một trong số năm nhà hoạt động môi trường đang bị giam giữ là nhà báo Mai Phan Lợi 18 tháng trước thời hạn tù bốn năm với cáo buộc tội “Trốn thuế”. Ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC).

RFA (30.09.2023)

 

 

Hành quyết ‘tùy tiện’ Lê Văn Mạnh: Vì sao Việt Nam thi hành án tử tù bất chấp công luận

Mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh kêu cứu cho con trai mình trong hơn 18 năm nhưng không ngăn được việc ông bị hành quyết.

 

Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án gay gắt việc Việt Nam hành quyết tử tù được cho là bị kết án oan Lê Văn Mạnh, một quyết định mà luật sư cho rằng có thể là “phép thử dư luận” của chính quyền nhưng gây phẫn nộ trong công luận.

Ông Mạnh bị tử hình bằng thuốc độc, một hình thức hành quyết đang bị thế giới lên án và kêu gọi bãi bỏ, hôm 22/9. Gia đình ông Mạnh chỉ được thông báo việc ông đã bị hành quyết một ngày sau đó. Gia đình không được thăm gặp ông trong nhiều tháng trước khi ông bị tử hình vì tội “hiếp dâm” và “giết người”, một bản án mà họ cho là oan sai và đi kêu oan cho ông trong hơn 18 năm.

Ân xá Quốc tế cùng 4 tổ chức nhân quyền khác hôm 27/9 nói rằng họ “lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể được đối với việc hành quyết tùy tiện ông Lê Văn Mạnh”. Các tổ chức, bao gồm cả tổ chức bảo vệ nhân quyền People in Need có trụ sở ở Cộng hòa Czech, nói rằng ông Mạnh bị hành quyết chỉ 4 ngày sau khi gia đình ông nhận được thông báo từ tòa án tỉnh và không được thăm gặp gia đình lần cuối trước khi bị tử hình.

Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thông báo cho gia đình về quyết định thi hành án tử hình ông Mạnh hôm 18/9. Sau đó vào ngày 23/9, gia đình ông nhận được thông báo về việc ông đã bị hành quyết tại một địa điểm thi hành án ở Hòa Bình và được đưa về chôn ở một nghĩa trang ở TP Thanh Hóa.

“Thư thông báo gửi cho gia đình không đề cập đến ngày thi hành án tử hình và gia đình không có cơ hội được thăm gặp lần cuối – một các đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hèn hạ mà các cơ quan nhân quyền quốc tế đã nhiều lần lên án,” các tổ chức, trong đó có cả Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam (LIV) và Người Việt Ủng hộ sự Thay đổi (VAC), nói trong tuyên bố chung.

Các tổ chức này còn nói rằng ông Mạnh “bị xử tử bất chấp những cáo buộc đáng tin cậy rằng ông “đã bị công an đánh đập dã man và bị tra tấn nhằm lấy được ‘lời nhận tội’ để tòa án dựa vào đó để kết tội ông.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận đến Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Hồ sơ chính thức của vụ án được truyền thông trong nước trích dẫn nói rằng nạn nhân Hoàng Thị Loan, lúc đó 14 tuổi, bị hiếp dâm rồi bị sát hại vào tháng 3/2005. Sau đó khoảng 1 tháng, ông Mạnh, lúc đó 23 tuổi, bị bắt tạm giam theo lệnh của Cảnh sát điều tra tỉnh Đồng Nai về một vụ việc hoàn toàn khác trước đó trong tháng.

Theo hồ sơ, chỉ 3 ngày sau khi bị giam giữ, một lá thư “nhận tội” được cho là do ông Mạnh viết, khi đang bị công an bắt giam, gửi cho cha ông, trong đó “thừa nhận” đã hiếp dâm và giết Hoàng Thị Loan. Lá thư bị công an thu giữ và dùng làm bằng chứng cho “tội ác” của ông Mạnh.

Từ 2005 đến 2008, ông Mạnh trải qua 7 phiên tòa – gồm 3 phiên sơ thẩm, 3 phiên phúc thẩm và 1 phiên giám đốc thẩm. Trong tất cả các phiên tòa này, ông Mạnh phủ nhận mọi cáo buộc và rút lại “lời thú tội” trước đó, đồng thời nói rằng ông “nhận tội” vì bị cảnh sát điều tra và cả những người bạn tù, được cho là hành động theo chỉ đạo của công an, đánh đập.

“Không có bằng chứng, vật chứng nào chứng minh ông Mạnh phạm tội hiếp dâm và giết người. Bằng chứng duy nhất được công tố đưa ra là lá thư ‘thú tội’ của ông Mạnh mà ông đã rút lại vì cho là phải nhận tội vì bị ép cung và tra tấn,” 5 tổ chức viết trong tuyên bố và cho rằng bất chấp những điều đó chính quyền vẫn kết tội và tuyên án tử hình ông.

‘Phép thử dư luận’

Luật sư Đặng Đình Mạnh – người từng bào chữa cho nhiều dân oan, các nhà hoạt động và cả tử tù ở trong nước nhưng hiện đang sống lưu vong ở Mỹ – cho rằng việc thi hành án ông Mạnh là một “hành vi khinh xuất” của chính quyền Việt Nam.

“Có thể khẳng định đây là một vụ án oan mà lại mang ra xử lý theo hình thức tử hình, loại hình phạt mà không thể nào khắc phục được nếu sau này chúng ta nhìn nhận ra là nó sai,” LS Mạnh nói. “Theo tôi đây là hành vi rất đáng phê phán.”

Lê Văn Mạnh là một trong 3 tử tù được các tổ chức xã hội dân sự nhắc đến, gồm cả Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng, trong bức thư ngỏ mà họ gửi cho Tổng thống Mỹ Joe Biden trước chuyến thăm của ông tới Hà Nội trong tháng này. Các tổ chức khẩn cấp thúc giục ông Biden yêu cầu ngừng thi hành án đối với 3 tử tù nêu trên, mà họ cho là bị kết án oan sai, khi gặp các lãnh đạo Việt Nam.

Theo LS Mạnh, việc Việt Nam đưa ông Mạnh ra hành quyết chỉ hơn một tuần sau chuyến thăm của Tổng thống Biden cho thấy Việt Nam không sợ bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền, vốn là một trụ cột trong chính sách ngoại giao quốc tế của Chính quyền Biden.

“Việc làm của (chính quyền Việt Nam) phải nói là hết sức quả quyết và có vẻ như là chính quyền Việt Nam ý thức được vị thế của họ ở giai đoạn này rằng họ có thể làm được những điều như vậy và do đó nó thúc đẩy họ đưa Lê Văn Mạnh ra hành quyết,” LS Mạnh nói.

Mặc dù vấn đề nhân quyền được Tổng thống Biden đề cập khi gặp mặt các lãnh đạo Việt Nam nhưng nó bị lấn át bởi những chủ đề hợp tác về kinh tế và thương mại. Phát biểu của Tổng thống Biden tại Hà Nội về vấn đề nhân quyền đã bị truyền thông do nhà nước Việt Nam kiểm soát cắt cụt. Theo nhận định của giới quan sát và các nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền bị gạt ra lề khi Mỹ thắt chặt quan hệ hơn với Việt Nam vì mục tiêu kiềm chế Trung Quốc.

Việc thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh, theo đánh giá của LS Mạnh, là chính quyền Việt Nam đang “dùng một phép thử” để xem dư luận phản ứng như thế nào.

“Sự phản ứng của dư luận yếu ớt hoặc cho rằng việc đó chẳng đáng quan tâm thì rất có thể nó sẽ thành một tiền lệ xấu để họ áp dụng cho những trường hợp còn lại, như Nguyễn Văn Chưởng hoặc Hồ Duy Hải,” LS Mạnh nói.

Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng cũng nhận được thông báo thi hành án tử hình đối với ông hồi đầu tháng 8. Ngay sau khi gia đình công bố thông tin này, công luận lên án mạnh mẽ và kêu gọi chủ tịch nước Việt Nam ngừng thi hành bản án. Cũng như gia đình ông Mạnh, gia đình ông Chưởng đi kêu oan cho ông gần 17 năm qua. Tuy nhiên, hai trường hợp của tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng được chú ý hơn và từng được nêu ra trong các phiên chất vấn tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội ở Ba Đình.

LS Mạnh cho rằng thi hành án tử tù Lê Văn Mạnh, mà gia đình kêu oan trong gần hai thập niên qua và được cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng, đã tạo ra một tiền lệ không nên có.

“Tôi đã từng nghe một quan chức cao cấp trong ngành tư pháp nói rằng: ‘Nếu mà cứ mang đi tử hình hết số án oan thì sau đó chúng ta sẽ không còn án oan nữa,” LS Mạnh nói và cho biết Việt Nam không công bố chi tiết về số người bị xử tử hàng năm và coi đó là thông tin mật.

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nói với VOA rằng gia đình ông lo lắng sau khi Lê Văn Mạnh bị hành quyết vì tiếp theo có thể sẽ đến lượt con trai ông.

Tư pháp ‘không phục vụ công lý’

Án oan, theo giới chuyên môn, là một thực trạng phổ biến tại Việt Nam. Án oan sai đặc biệt làm dậy sóng dư luận sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do hồi tháng 10/2013 sau 10 năm thụ án tù chung thân về tội danh giết người. Tuy nhiên, ông Chấn được giải oan là nhờ có hung thủ ra đầu thú.

LS Mạnh cho rằng có nhiều vụ án oan ở Việt Nam bởi “cách điều tra hình sự tùy tiện bất chấp những quy định luật pháp” với mục tiêu có án thì phải có người nhận tội.

“Cách điều tra hiện nay hầu như chỉ có cách duy nhất là họ tra tấn người bị tình nghi đến khi người bị tình nghi đau quá, không chịu nổi sự dùng nhục hình và họ sẽ khai bất cứ nội dung gì cơ quan điều tra mong muốn và như vậy cơ quan điều tra đã hoàn thành được một vụ án,” LS Mạnh nói. “(Cơ quan điều tra) tìm mọi cách để có ai đó phải chịu trách nhiệm dù người đó không phải là thủ phạm.”

Báo cáo Nhân quyền Việt Nam 2022 của Mỹ nói rằng những người bị giam giữ ở Việt Nam thường báo cáo bị tra tấn bởi công an hoặc nhân viên an ninh mặc thường phục trong khi bị giam giữ. Những lời tố cáo từ các nhà hoạt động được báo cáo nêu ra cho biết cán bộ công an “hành hung tù nhân” để lấy lời thú tội hoặc “chỉ đạo các bạn tù” hành hung họ để buộc họ phải nhận tội trên các giấy tờ viết tay.

Một thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam từng thừa nhận rằng có tệ nạn bức cung nhục hình trong quá trình điều tra, lấy cung và cho biết để xảy ra án oan là do “chưa tập trung tôn trọng việc chứng minh khách quan mà chủ yếu tập trung vào lời khai, trọng cung hơn trọng chứng cứ.”

Theo LS Mạnh, người từng tham gia bào chữa cho tử tù khi còn làm việc ở Việt Nam, án oan có thể được xét xử lại nhưng vẫn có các vụ án oan như trường hợp của ông Mạnh, vì quan điểm xét xử của tòa lấn át việc xem xét chứng cứ.

Công luận ở Việt Nam phản đối các bản án của tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh bởi các chứng cứ được đưa ra để kết tội tử hình họ đều không thuyết phục. Nhưng theo LS Mạnh, đối với những vụ án được công chúng quan tâm như vậy, thẩm phán không xét xử theo quan điểm độc lập.

“Họ xét xử theo chủ trương hoặc theo yêu cầu chính trị và trong nhiều trường hợp có sự can thiệp của Ban Nội chính (Trung ương) – gồm cơ quan Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra,” LS Mạnh nói. “Khi người thẩm phán tuyên một bản án thì bản án đó không phải là tác phẩm, quan điểm hay đánh giá của họ nữa mà là quan điểm, đánh giá của Ban Nội chính. Mà chúng ta biết Ban Nội chính không phục vụ công lý mà họ phục vụ những yêu cầu về chính trị. Cho nên những bản án được tuyên không mang dáng dấp của công lý.”

Ông Chinh, người đã kêu oan cho Lê Văn Mạnh như đứa con tử tù thứ hai của ông, nói rằng ông không còn tin vào nền tư pháp Việt Nam nữa sau khi chính quyền hành quyết ông Mạnh.

“Nền tư pháp Việt Nam bê bối và thối nát rồi,” ông Chinh nói nhưng cho biết ông không buông bỏ việc kêu oan cho con trai Nguyễn Văn Chưởng, người cũng luôn nói mình vô tội và bị công an bức cung nhục hình để phải nhận tội giết người. “Còn một hơi thở cuối cùng, tôi còn kêu oan. Họ cố tình giết con tôi thì tôi cũng sẽ chết để cứu nền tư pháp Việt Nam.”

LS Mạnh, người phải rời bỏ Việt Nam sang Mỹ sau khi bị cáo buộc tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” – một hành động được xem là trả đũa của chính quyền trong nước vì những hoạt động của ông và đồng nghiệp để bảo vệ công lý trong vụ Tịnh thất Bồng lai – cũng cho rằng nền tư pháp Việt Nam “không thể cứu vãn được nữa.”

Người đứng đầu ngành tư pháp Việt Nam, chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình trong tháng này nói rằng 1,5% của 600.000 vụ án, tức là khoảng 9.000 vụ, được phép sai do lỗi chủ quan. Ông Bình biện minh rằng vì “nếu cứ sai là bị kỷ luật hết thì không lấy đâu ra người làm việc.”

Theo LS Mạnh, điều này có thể khiến bất kỳ vụ án nào sau khi được xét xử cũng có thể bị nghi ngờ nằm trong số 9.000 bản án sai sót và làm người dân “mất hoàn toàn lòng tin vào hệ thống ban phát công lý mà chính quyền thiết lập.”

“Nó sẽ đưa đến việc là sau này người ta không còn trông chờ vào hệ thống công lý của nhà nước nữa,” LS Mạnh nói. “Người dân sẽ tự thực hiện việc ban phát công lý cho chính mình. Đây là những mầm mống cho rối loạn xã hội sau này mà xã hội chúng ta sẽ phải gánh chịu.”

VOA (29.09.2023)

 

 

Bình Dương: Facebooker bị bắt giam vì “nói xấu” Đảng và Nhà nước

Ông Trần Đắc Thắng tại cơ quan công an Công an

 

Một Facebooker ở tỉnh Bình Dương vừa bị Công an TP Thủ Dầu Một khởi tố và bắt tạm giam hôm 29/9 với cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Truyền thông Nhà nước loan tin này vào cùng ngày.

Người bị bắt giam là ông Trần Đắc Thắng (sinh năm 1980, quê Bạc Liêu). Báo Nhà nước dẫn nguồn tin từ Công an TP Thủ Dầu Một cho biết, ông Thắng có nghề nghiệp kế toán nhưng do thái độ bất mãn nên bỏ việc, bỏ địa phương đến Bình Dương sinh sống.

Ông Thắng bị cáo buộc, từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2021 đã sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân để viết bài, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tác đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân.

Cũng theo truyền thông Nhà nước, ông Thắng đã từng bị cơ quan chức năng mời làm việc và nhắc nhở về các hành vi tương tự vào năm 2013.

Điều 331 trong Bộ luật Hình sự đã nhiều lần bị các tổ chức nhân quyền quốc tế xác định là mù mờ và thường được dùng để kết án tù những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền một cách ôn hoà.

Đã có ít nhất 18 người bị bắt và chín người bị kết án với Điều 331 trong năm nay, theo thống kê của Đài Á Châu Tự Do.

RFA (29.09.2023)

 

 

 

Mỹ lên án vụ bỏ tù Hoàng Thị Minh Hồng, đòi thả ‘tất cả những người bị tù oan’

Thông cáo do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phát đi hôm 29 Tháng Chín lên án việc nhà cầm quyền Việt Nam ra phán quyết ba năm tù cho bà Hoàng Thị Minh Hồng, một trong những nhà hoạt động môi trường nổi tiếng nhất tại nước này.

Cáo buộc “trốn thuế” nhắm vào bà Hồng, giám đốc Trung Tâm Hành Động và Liên Kết Vì Môi Trường Và Phát Triển (CHANGE), được giới hoạt động nhân quyền cho là “hoàn toàn ngụy tạo.”

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà hoạt động môi trường, bị kết án ba năm. (Hình: Chụp qua màn hình)

 

Theo Luật Sư Nguyễn Văn Tú, người bào chữa cho bà Hoàng Thị Minh Hồng, thân chủ của ông bị quy chụp tội trốn $280,000 tiền thuế.

Trong thông cáo, ông Matthew Miller, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cho biết Hoa Kỳ “quan ngại sâu sắc” về việc bà Hồng bị tù giam và nhắc lại lời kêu gọi Việt Nam “thả tất cả những người bị giam giữ oan uổng” cũng như “tôn trọng quyền tự do ngôn luận và quyền lập hội của người dân.”

Ông Miller cho biết: “Các nhà lãnh đạo NGO (tổ chức phi chính phủ) như bà Hoàng Thị Minh Hồng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, đề nghị các giải pháp bền vững trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng hoảng khí hậu và chống buôn lậu gỗ và động vật hoang dã.”

Hệ thống pháp luật không minh bạch của Việt Nam đã nhận sự chỉ trích ngày càng tăng từ các nhà quan sát Tây phương trong năm nay, ngay cả khi nước này dường như đang có hành động xích lại gần Hoa Kỳ hơn.

Theo Reuters, Ủy Ban Nhân Quyền của Quốc Hội Mỹ bày tỏ “mối quan ngại lớn trước tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam,” đồng thời kêu gọi thả “tù nhân chính trị” bao gồm các nhà lãnh đạo NGO, nhà báo tự do và nhà hoạt động môi trường đang bị cầm tù.

Phán quyết dành cho bà Hoàng Thị Minh Hồng được đưa ra chỉ nửa tháng sau chuyến thăm của Tổng Thống Mỹ Joe Biden nhằm nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ.

Theo Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW), tổ chức CHANGE của bà Hồng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm và động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam.

Tầm quan trọng của mục tiêu của bà Hồng đã được Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) nhấn mạnh, trong lúc cơ quan này liệt kê Việt Nam là “một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước tình trạng biến đổi khí hậu.”

Ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, được cho là không nhấn mạnh vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam hôm 10 Tháng Chín, khiến nhà cầm quyền ráo riết bắt bớ, xử tù giới bất đồng. (Hình: VNExpress)

 

“Bão lũ, hạn hán và lở đất thường xuyên đe dọa phần lớn dân số 96 triệu người và tài sản kinh tế tập trung dọc theo bờ biển dài và đông dân của Việt Nam,” theo USAID.

Các nhóm nhân quyền cho biết phiên tòa xử bà Hoàng Thị Minh Hồng kéo dài chỉ nửa ngày là ví dụ mới nhất về việc nhà cầm quyền Việt Nam “vũ khí hóa luật pháp nhằm mục đích đàn áp chính trị.” 

Người Việt (29.09.2023)

 

 

 

Việt Nam: Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng bị kết án 3 năm tù

Một tòa án ở Việt Nam hôm nay, 28/09/2023, đã kết án bà Hoàng Thị Minh Hồng, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng, 3 năm tù vì tội “trốn thuế”, một bản án minh họa cho bầu không khí đàn áp nhắm vào những nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. © CHANGEVN

 

Trả lời AFP, luật sư của bà Hồng, ông Nguyễn Văn Tú, cho biết rằng tòa án Thành phố Hồ Chí Minh đã kết án bà vì tội đã không nộp khoản tiền thuế tương đương với 275.000 đô la cho những hoạt động của tổ chức phi chính phủ CHANGE VN do bà thành lập, chuyên về các vấn đề biến đổi khí hậu, buôn bán động vật hoang dã và ô nhiễm ở Việt Nam. Tổ chức này ra đời năm 2013 và đã ngưng hoạt động từ năm 2022.

Chồng bà Hồng, ông Hoàng Vĩnh Nam, nói với AFP rằng ông “thất vọng” trước bản án mà ông cho là quá khắc nghiệt. Ông cho biết : “Mức án tuyên cho Hồng không công bằng. Luật sư bào chữa đã cố gắng hết sức, nhưng lập luận của ông không được tòa xem xét một cách thỏa đáng.”

Truyền thông nhà nước đưa tin rằng bà Hồng đã thừa nhận các cáo buộc và nộp cho nhà nước khoảng 3,5 tỷ đồng (khoảng 145.000 đô la) để được khoan hồng.

Việt Nam thường xuyên bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền cáo buộc đàn áp mọi tiếng nói bất đồng, đặc biệt là những tiếng nói lên án những hành động gây ảnh hưởng đến môi trường, tại một quốc gia mà việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường thường xung khắc với nhau.

RFI (28.09.2023)

 

 

Hai nhà tranh đấu mãn án tù 5 năm, quyết tâm đòi công lý

Nhà hoạt động Ngô Văn Dũng và Lê Qúy Lộc sau khi mãn án tù, tháng 9/2023.

 

Hai nhà hoạt động vì nhân quyền Ngô Văn Dũng và Lê Qúy Lộc vừa mãn án tù 5 năm cho VOA biết rằng hai ông bị “án oan” và quyết tâm đòi công lý vì những việc hai ông làm không sai luật.

Từ Đăk Lăk, ông Ngô Văn Dũng, người còn được biết với tên là Biển Mặn, chia sẻ với VOA về bản án 5 năm tù và 2 năm quản chế với cáo buộc “Phá rối an ninh”:

“Nói đến 5 năm tù thì nó cũng nặng nề thật. Nhưng tôi xem đó như một chuyến rong chơi, nên cũng không có gì nặng nề, không có gì là tiếc nuối”.

“Vừa rồi, với việc làm của tôi, tôi cảm thấy không có gì hối tiếc vì tôi thấy tôi đáng làm. Tôi thật sự muốn nói lên tiếng nói của mình.

“Về bản án 5 năm tù thì lúc nào, kể cả bây giờ và mãi mãi về sau, tôi cũng nói rằng là tôi bị oan, bởi vì tôi không có làm cái gì vi phạm pháp luật, tôi luôn luôn làm những việc pháp luật không cấm”.

Từ Quảng Ngãi, ông Lê Qúy Lộc, người vừa mãn án tù vào giữa tháng 9, chia sẻ ý kiến cá nhân của ông với VOA:

“Bản thân tôi không có tội. Bản án của chính quyền Việt Nam chỉ dành để đàn áp những người đấu tranh cho dân chủ và cho nhân quyền. Những bản án bỏ túi đó không có nghĩa gì đối với tôi.

“Lập trường của tôi thì ở đâu cũng vậy. Lúc ở trong tù tôi vẫn đấu tranh cho anh em phạm nhân, về đời, cũng vậy, tôi vẫn tiếp tục đấu tranh và tiếp tục để giành các quyền được có của dân tộc, quyền được có của người dân Việt Nam”.

Được biết hai ông là những người tham gia trong cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/6/2018. Hai ông bị bắt cùng với một số người khác vào tháng 9/2018 khi vận động cho cuộc biểu tình tương tự tiếp theo, khi họ nỗ lực kết nối với những người cùng chí hướng để tranh đấu cho các quyền căn bản của người dân, bao gồm quyền biểu tình ôn hòa.

Chính quyền Việt Nam kết tội những nhà hoạt động này “phá rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự, với bản án tổng cộng hơn 40 năm tù giam cho 8 người. Riêng hai ông mỗi người bị án 5 năm tù giam và 2 năm quản chế.

Ông Lộc nói rằng ông sẽ quyết tâm đòi công lý:

“Sau bản án phúc thẩm ngày 8/1/2021, đến ngày 15/1/2021 tôi đã gửi đơn kêu oan lên Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và ngày 25/1/2021 tôi đã gửi đơn kêu oan lên Chủ tịch nước cũng như Chủ tịch Quốc hội. Sau khi tôi mãn hạn tù 5 năm, tôi dự kiến gửi đơn yêu cầu Chánh án TAND Tối cao phúc thẩm lại”.

Tương tự, ông Dũng nói:

“Tôi không tin rằng sẽ có công lý, nhưng tôi muốn làm sao đó để họ trả lại án oan sai cho tôi”.

VOA đã liên lạc Tòa án Nhân dân Tối cao và Tòa cấp cao ở Đà Nẵng, đề nghị họ cho ý kiến về việc kêu oan của hai ông Ngô Văn Dũng và Lê Qúy Lộc, nhưng chưa được phản hồi.

Ông Dũng chia sẻ về mục đích chung của các nhà tranh đấu:

“Anh em có cùng chung hướng suy nghĩ và việc làm, và họ chọn việc làm đúng nhất mà họ làm. Và việc họ lên tiếng cũng có mục đích cho đất nước, quê hương Việt Nam đẹp hơn, giàu có hơn”.

Ngoài ra, ông Dũng mong muốn chính quyền trả lại những bài thơ, bản nhạc đã bị tịch thu khi ông bị bắt.

“Cái khát khao nhất của tôi hiện nay như tôi mong muốn và từng đề nghị với trại giam và an ninh về việc tôi có 450 bài thơ và nhạc, nói về tình yêu quê hương đất nước, nói về vợ con và gia đình… và không liên quan đến Đảng, chế độ hay nhà nước hoặc đến chính trị gì cả. Khi tôi về tôi viết rất nhiều đơn để xin đem về nhưng cuối cùng họ không cho giải quyết đem về. Tôi muốn làm sao để được đem tập thơ về làm kỷ niệm”.

Khi hai ông Dũng và Lộc cùng các thành viên trong nhóm bị tuyên án hồi năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ lên tiếng bênh vực: “Chính phủ Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc đến việc Việt Nam kết án và tuyên phạt tám thành viên của tổ chức xã hội dân sự Hiến Pháp tại Việt Nam hơn 40 năm tù.”

Đồng thời Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những ai bị giam giữ bất công và cho phép những cá nhân ở Việt Nam được bày tỏ quan điểm của họ một cách tự do mà không sợ bị trả thù.

Truyền thông Việt Nam dẫn lời cơ quan chức năng gọi nhóm này là “nhóm những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, thường xuyên tiếp xúc với các thông tin có nội dung xấu trên mạng xã hội, chia sẻ các video trên Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình”.

Điều 25 Hiến pháp 2013 của Việt Nam có quy định về quyền biểu tình của công dân, nói rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Tuy nhiên, mãi cho đến nay và cho đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV vào năm 2026, đất nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo vẫn chưa có Luật Biểu tình hay Luật Lập hội, điều mà các nhà tranh đấu cho là do chính quyền lo sợ “thế lực thù địch chống phá”.

VOA (28.09.2023)