Mục lục
Nghe con thơ tập nói
Đọc “Hãy Ngẩng Mặt” của Nguyễn Đắc Kiên
Trịnh Bình An
Nếu có một ngày họ xé nát trái tim anh
Em có đến để gom từng mảnh vụn? – Nguyễn Đắc Kiên
Hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên như tiếng sét giữa trời quang. Một thanh niên chưa tròn 30, chưa từng được ai biết như một người phản kháng, đột nhiên vùng bật lên với những lời đanh thép: “Vài Lời Với TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng” (26/2/2013). Không ít người tán thưởng Kiên qua câu thơ Bình Ngô Đại Cáo: “Hào kiệt thời nào cũng có.”
Tự nhiên, kèm theo đó là những thắc mắc nảy sinh quanh Nguyễn Đắc Kiên: Anh là ai, là người như thế nào mà có dũng khí như vậy khi chung quanh anh là một môi trường đặc quánh sợ hãi và nghi ngại? Điều gì đã khiến một người trẻ từ bao lâu im lặng không còn im lặng nữa? Nếu trả lời được những câu hỏi ấy ta sẽ tìm ra manh mối cho một phương thuốc chữa bệnh vô cảm chăng?
Tôi đang có trên tay tác phẩm “Hãy Ngẩng Mặt” của Nguyễn Đắc Kiên do Tủ Sách Tiếng Quê Hương xuất bản tháng 4/2013 – chỉ cách bài phát biểu của Kiên chưa đầy 2 tháng. Và tôi nghĩ tôi có câu trả lời.
Nhưng trước tiên, xin giới thiệu “Hãy Ngẩng Mặt”.
“Hãy Ngẩng Mặt” gồm có 3 phần chính và 2 phần phụ.
Phần 1 – “Những Số Không Vòng Trắng”: Gồm những bài thơ bày tỏ tâm trạng tác giả trước số phận đen tối của dân tộc, tương lai u ám của đất nước.
Phần 2 – Những bài thơ lẻ: Là những suy tư, cảm nhận của tác giả về cuộc sống, về con người .
Phần 3 – Chính luận: Một số bài viết về thời sự Việt Nam .
Phụ lục 1 – Tuyên Ngôn Công Dân Tự Do: Những bài viết ủng hộ của nhiều tác giả trong cũng như ngoài Việt Nam. Đặc biệt là danh sách 6630 người đã ký tên vào “Tuyên Ngôn Công Dân Tự Do” (từ 28/2/2013 đến 8/3/2013).
Phụ lục 2 – Lift Up Your Face: Một số bài thơ của Nguyễn Đắc Kiên do Nguyễn Khoa Thái Anh dịch qua tiếng Anh.
Tuy mỗi bài thơ đều có ghi năm tháng nhưng khó xác định được Nguyễn Đắc Kiên bắt đầu làm thơ từ lúc nào, chỉ có thể giả định thơ của Kiên bắt đầu rõ rệt màu sắc từ khi anh biết yêu. Và nếu cho rằng màu đỏ là màu của tình yêu thì thơ Kiên đặc quánh những màu đỏ tím, đỏ bầm. Màu đỏ trong mắt một thanh niên bắt đầu bước chân vào vườn tình, nhưng cùng lúc với cảm giác bay bổng mà tình yêu đem đến, anh thảng thốt nhận ra rằng tình yêu ấy đang bị một bàn tay nào đó ép cho đến chết.
Tóm tắt ý trên chỉ cần hai câu thơ của bài “Thêm nữa lại là thừa”:
Nếu có một ngày họ xé nát trái tim anh
Em có đến để gom từng mảnh vụn?
Cuộc sống gì mà con người cứ phải lo sợ có kẻ giết mình? Chính Chế Lan Viên – một công thần của chế độ – cũng đã từng dặn dò con cái: “Phải học để người ta không giết được mình”. Cuộc sống đó có đáng gọi là sống, hay chính xác thì phải dùng chữ của Tạ Duy Anh: “sinh ra để chết”.
Nguyễn Đắc Kiên yêu cũng như bao người đang yêu, cũng là tha thiết “Tưởng rằng hết nhớ thì thôi – Ai ngờ lối cũ còn lưu dấu giày”; cũng là vấn vương “Một cành hoa héo cũng gần – Một mùi hương cũng ba lần nghĩ suy”; nhưng ngay cạnh vẫn là những khắc khoải: “Em ơi sân ga, chiều nay mưa, khách đợi tàu, vẫn những con người cũ, lam lũ, áo cơm, cuộc sống chẳng đổi thay”. Kiên yêu không chỉ riêng vài người thân, Kiên yêu cả những kẻ không quen – những kẻ bị cuộc đời hất hủi.
Có thấy được tình yêu nồng nàn của Kiên mới hiểu tại sao Kiên can đảm. Nhưng tình yêu chỉ là điều kiện cần, còn phải có điều kiện đủ, và điều kiện đủ trong trường hợp Nguyễn Đắc Kiên chính là triết học.
Nói một cách thô thiển, triết học là môn nghiên cứu về cái đúng sai trong tương quan giữa người và người. Một người được gọi “sống có triết” thường là người thích suy tư ngẫm nghĩ, cẩn thận tránh làm sai, gây hại cho người khác. Nguyễn Đắc Kiên vốn là sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên, tốt nghiệp cử nhân Toán, nhưng sau chọn nghề báo chí, và một sở nguyện của anh là được tìm hiểu sâu thêm về triết học. Như thế, dù bắt đầu từ khoa học tự nhiên, Kiên dần hướng về khoa học xã hội, để rồi với sự hiểu biết về những nguyên tắc đúng sai muôn đời của xã hội, Kiên đã nhìn ra sự thật.
Trong cuộc phản kháng 10 năm trở lại đây, các luật gia đã là những trí thức đi đầu với Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Trần Luật, Cù Huy Hà Vũ, v.v. Điều này đã được luật sư Nguyễn Mạnh Tường chỉ ra từ nhiều năm trước trong tác phẩm “Những Kẻ Bị Khai Trừ”:
“Nếu Đảng áp dụng biện pháp khắt khe trên giới luật gia, trước hết vì họ là người trí thức và là đối tượng ghét hận của những kẻ chuyên quyền, vì luật gia là người có cái đầu để suy nghĩ và có cái miệng để nói, hai thuộc tính gây ác cảm nơi kẻ cầm quyền, làm phức tạp cho công việc và gây xáo trộn cho kế hoạch của họ.”
Nghề nghiệp đã giúp cho luật sư có dịp nhìn ra bất công xã hội và sự vô pháp luật của các quan chức nhà nước nên họ là những người đầu tiên lên tiếng. Tương tự là giới báo chí; các nhà báo, phóng viên là những người đụng mặt hàng ngày với cuộc sống, họ trực tiếp nghe, nhìn muôn ngàn cảnh đời khốn khó, đã có nhiều nhà báo “vượt rào” để viết ra sự thật và đã bị “khai trừ”. Nguyễn Đắc Kiên trở thành một trong những nhà báo ấy. Niềm đam mê triết học, nghề phóng viên, cả hai đã khiến Kiên không thể quên đi cái sai, không thể bỏ qua cái đúng.
Nói nghe to tát, nhưng cái lẽ đúng sai, thật ra, rất đơn giản. Như một người tuổi 19 đúng ra phải vui, nhưng có những người thì:
Em đi / trong mưa / cúi đầu / nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Khổ thân em mưa nắng đi về lủi thủi
Bóng chúng / đè lên / số phận / từng người
Điều gì sai ở đây? Cái sai ở đây là chẳng có cái bóng nào được quyền đè lên số phận con người, vậy mà nó vẫn có. Ngay khi viết những giòng này, Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vừa bị kết án – Phương Uyên 6 năm, Nguyên Kha 8 – Bóng đen ma quỷ nào đang đè nặng lên số phận 2 bạn trẻ, lên 90 triệu dân Việt?
Một cái sai tệ hại khác là khi đã sai lại không nhận mình sai mà cứ loanh quanh bao biện. Trong bài thơ “Tường Béc-lin, Tường Hà Nội”, tác giả bực bội khi thấy lãnh đạo cộng sản Việt Nam quá hèn, không dám làm cái điều người cộng sản Đông Đức đã làm.
Có sao đâu / đơn giản / chúng ta sai
Quá khứ chấm hết vào hôm nay
Và ai cũng biết mai chưa là tận thế
Vậy nhận đi / chúng ta sai / chúng ta làm lại
Cha ông mình chẳng đã làm lại mãi đấy thôi
Nhân loại ngàn đời cũng sai rồi làm lại
Sao phải nặng nề / bám víu / chúng ta sai
Độc đảng là sai
Đa nguyên là tiến bộ
Dân chủ tự do là quyền cơ bản Con Người
Phản bội lẽ này / chúng ta sai / nhận đi!
Tóm lại, theo nhận định của người viết, có 2 điều cốt lõi đã làm nên “Hiện tượng Nguyễn Đắc Kiên”: một là tình yêu rộng mở với tha nhân, hai là quan tâm sâu sắc tới lẽ đúng sai, từ đó một người không còn khoanh tay đứng nhìn mà buộc phải nhập cuộc. Từ đó nảy sinh câu hỏi: “Liệu 2 điều ấy có thể nhân rộng tới nhiều người Việt khác để họ không còn sợ hãi nữa?”
Tôi cho đó là một cao vọng, không phải ai cũng có thể thành Nguyễn Đắc Kiên, người đã có lần tự nguyện sẽ là “người chiến binh dũng cảm / không bao giờ lùi bước” (“Màu Cuộc Sống” – NĐK). Thế nhưng dù khó ta vẫn cần nhắc tới vì rằng sự kết hợp giữa tình cảm và lý trí đến mức dám đối đầu bạo lực không là tự nhiên mà phải qua rèn tập. Đọc những giòng thơ “Hãy Ngẩng Mặt” chính là một cách trui rèn tình cảm và lý trí. Tôi nghĩ Nguyễn Khoa Thái Anh sẽ chia xẻ cái nhìn này vì ông đã chuyển ngữ những bài thơ của Kiên.
Tôi thấy con đường tương lai của Kiên thật gai góc. Với niềm đam mê triết học, Kiên đã tự mang vác những thứ nhức đầu, nhưng tôi tin rằng triết học sẽ giúp Kiên không lạc đường, tình yêu sẽ giúp Kiên không lùi bước.
Có thể nói “Hãy Ngẩng Mặt” sẽ đưa Nguyễn Đắc Kiên tới cảnh đối mặt với nhiều khốn khó, nhưng đồng thời đó cũng chính là bước khởi đầu làm Người Tự Do.
© 2013 DCVOnline
Thơ Nguyễn Đắc Kiên
dưới ngọn giáo
mang tên,
ý thức hệ,
đất nước bị cầm tù.
ý thức hệ,
đấu tố cha ông,
bỏ tù mọt gông,
bất cứ trái tim nào dám sống.
ý thức hệ độc tài,
bội phản lẽ nhân sinh
ý thức hệ,
đẻ ra những điêu linh,
biến bệnh họạn hóa ra lẽ thường tình
người câm điếc hóa ra người biết sống
quỳ gối, khom lưng ra kẻ ấy thiên tài.
đất nước tôi
không còn thấy những hình hài,
nói dõng dạc tiếng Con Người,
thuở ấu thơ mẹ dạy.
Tội đấy phần ai,
ngoài mi,
ý thức hệ độc tài.
Trích: Tập thơ chính luận “Hãy Ngẩng Mặt”.