Seite auswählen

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper (trái) đi thăm Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, hiện nay là Nghĩa trang Bình An, ở Bình Dương hôm 13/10. Hơn một chục nghìn tử sỹ của Việt Nam Cộng hòa được chôn cất tại đây.

 

Trong bức thư gửi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Marc Knapper, Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng “đáng buồn” của Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nơi yên nghỉ của hơn một chục nghìn binh sỹ từng chiến đấu cho lực lượng Việt Nam Cộng hòa và là di sản chiến tranh mà bà Steel cho là chưa được chính phủ Việt Nam giải quyết.

Nghĩa trang Biên Hòa, một trong những nghĩa trang quân đội quốc gia của miền Nam Việt Nam được xây dựng năm 1965, hiện đã được đổi tên thành Nghĩa trang Bình An sau khi quân miền Bắc tiếp quản khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975.

“(Nghĩa trang này) trở thành nơi an nghỉ của khoảng 12.000 binh sỹ miền Nam Việt Nam,” Dân biểu Steel, đại diện cho địa hạt 45 ở California – nơi có đông người Việt sinh sống, nói trong bức thư gửi ĐS Knapper. “Nhiều người lính an nghỉ tại nghĩa trang này không chỉ chiến đấu anh dũng bên cạnh binh sỹ Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam mà còn có con cháu hiện đang cư trú ở Hoa Kỳ.”

Trong bức thư đề ngày 29/9, bà Steel, từng là chủ tịch Hội đồng Giám sát Quận Cam – nơi có cộng đồng người Việt sinh sống nhiều nhất ở Mỹ – trước khi trở thành dân biểu liên bang vào năm 2020, nói rằng Biên Hòa là nghĩa trang quân đội quốc gia duy nhất còn sót lại ở tỉnh Bình Dương bởi vì “Đảng Cộng sản Việt Nam đã phá hủy tất cả các nghĩa trang quốc gia khác của quân đội miền Nam Việt Nam sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975.”

Bà Steel, trong một lần trả lời phỏng vấn Viet My Magazine vào năm 2020, nói rằng gia đình bà “là nạn nhân của chế độ Cộng sản Bắc Hàn” và cũng từng là người tị nạn cộng sản như người Việt nên hiểu rõ hoàn cảnh của người Việt ở Mỹ.

Là một thành viên của Ủy ban Việt Nam ở Quốc hội Mỹ, bà Steel, đã cam kết tập trung vào quan hệ song phương Mỹ-Việt và những vấn đề quan trọng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Bà cũng đã cùng các thành viên của nhóm này giới thiệu một dự luật lưỡng đảng nhằm buộc các quan chức Việt Nam phải chịu trách nhiệm vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Theo bà Steel, dù đã có nhiều cá nhân và tổ chức phi lợi nhuận “làm việc mệt mỏi để bảo vệ sự trang nghiêm của Nghĩa trang Biên Hòa” nhưng “tình trạng chung vẫn còn ảm đạm khi rễ cây xuyên qua và hệ thống thoát nước kém đã hủy hoại các ngôi mộ ở mức báo động.”

Ông Kevin Đặng, phó chủ tịch ngoại vụ của Sáng hội Việt Mỹ (VAF) và đã cùng Đại sứ Knapper đi thăm nghĩa trang Biên Hòa hôm 13/10, cho biết những lo ngại của bà Steel là đúng.

Tình trạng của nghĩa trang hiện giờ xuống cấp rất trầm trọng,” ông Kevin nói với VOA hôm 1/11. “Tổng cộng có hơn 16.000 ngôi mộ và mặc dù đã được xây cất bằng xi măng nhưng vì cây cối mọc quá nhiều và nhiều cây giờ đã thành cổ thụ nên rễ cây to và lớn đã ăn sâu vào huyệt đạo của các ngôi mộ.”

VAF, với sự hỗ trợ tài chính của các nhà hảo tâm trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và hải ngoại, đã xây các ngôi mộ bằng xi măng vào năm 2014, theo ông Kevin cho biết.

Bà Lê Đăng Ngô Đồng, một người Việt đang sinh sống ở San Diego, California, cũng mới đến thăm Nghĩa trang Biên Hòa trong dịp về Việt Nam hôm 3/8 và thấy tình trạng tương tự.

“(Các ngôi mộ) đều rêu phong phủ kín, hoang tàn. Đền Tử sỹ ở gần nghĩa trang cũng chung số phận: tiêu điều và đổ nát,” bà Ngô Đồng nói với VOA hôm 1/11.

Mô tả về tình trạng xập xệ và hoang tàn của Nghĩa trang Biên Hòa trong cuốn sách “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (Không gì là không thể: Quá trình hòa giải của Mỹ với Việt Nam) ra mắt vào năm 2021, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius viết rằng “những tấm bê tông vỡ vụn che phủ nhiều ngôi mộ” và “cỏ mọc um tùm quanh những tấm bia mộ.”

Bà Steel ủng hộ việc khôi phục nghĩa trang hiện là nơi yên nghỉ của các quân nhân miền Nam Việt Nam đã hy sinh, điều mà dân biểu Mỹ cho là sẽ giải cứu một khía cạnh di sản và văn hóa quan trọng.

“Vì di sản này của Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa được Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết, tôi đề nghị (Đại sứ Knapper) nêu vấn đề của Nghĩa trang lịch sử Quân đội Biên Hòa với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và xin văn bản cho phép tiếp cận và cải thiện điều kiện tại nghĩa trang,” bà Steel viết trong bức thư gửi ông Knapper.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Đại sứ Knapper. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói họ sẽ sớm hồi đáp. Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Bình Dương không trả lời yêu cầu bình luận của VOA.

Ông Kevin cho biết Đại sứ Knapper, trong chuyến thăm đầu tiên tới Nghĩa trang Biên Hòa hôm 13/10, đã được chứng kiến tình trạng xuống cấp của các ngôi mộ. Ông cùng bà Susan Burns, tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam, đã lắng nghe ông Kevin giải thích về việc vì sao cần phải trùng tu gấp nghĩa trang này.

Tôi thấy ông đại sứ (Knapper) và bà Susan Burns rất là lo ngại và quan tâm đến sự xuống cấp trầm trọng của Nghĩa trang Biên Hòa,” ông Kevin nói. “Nếu như tình trạng này mà chúng ta không tu sửa lại thì trong vòng một thời gian rất là ngắn, các ngôi mộ sẽ bị nứt vì rễ cây và các ngôi mộ sẽ bị xoáy mòn vào các huyệt đạo vì nước mưa.”

Di sản cho sự hòa giải

Những người lính VNCH đang chôn cất một đồng đội trước sự chứng kiến của gia đình người đã khuất tại Nghĩa trang Biên Hòa ngày 29/2/1972, 3 năm trước khi chính quyền miền Bắc tiếp quản nghĩa trang khi Sài Gòn sụp đổ.

Nghĩa trang Biên Hòa là chương mở đầu trong cuốn sách của ĐS Osius về sự hòa giải và hàn gắn trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

“Liệu nghĩa trang bụi bẩn và bị bỏ hoang nằm ở phía Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh có thực sự là một điểm quan trọng trong sự hòa giải?” ĐS Osius viết trong cuốn sách. “Đảng Cộng sản Việt Nam muốn (nghĩa trang) bị quên lãng.”

Theo vị đại sứ có nhiệm kỳ từ 2014-2017, chính phủ ở Hà Nội đã để cho nghĩa trang Biên Hòa xuống cấp và họ “sẽ không cho phép cộng đồng người Mỹ gốc Việt chăm sóc nơi đây”. Ông Osius viết rằng điều này khiến một số người lo ngại rằng nó có thể trở thành “điểm quy tụ lòng người của những người phản đối Đảng Cộng Sản.”

Sau ngày 30/4/1975, nghĩa trang tọa lạc tại xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương được giao cho Quân khu 7 của Bộ Quốc phòng quản lý. Chính quyền yêu cầu người ra vào thăm viếng nghĩa trang này phải trình giấy tờ.

Bà Ngô Đồng cho VOA biết bà và gia đình 4 người, trong đó có một trẻ em 11 tuổi, phải “trình thẻ thông hành và chụp hình” trước khi được vào thăm nghĩa trang hồi đầu tháng 8.

Trước đó vào năm 2017, một số nhà vận động nhân quyền đã bị công an Việt Nam câu lưu trong 2 giờ khi họ đến thắp hương viếng mộ các chiến sỹ VNCH ở nghĩa trang này. Nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Đức, một trong những người bị câu lưu, lúc đó nói với VOA rằng họ đi thắp hương tưởng niệm trên các ngôi mộ “trong sự rình rập, giám sát của cả an ninh thường phục lẫn sắc phục.”

Đại sứ Osius cho biết trong cuốn sách của ông rằng sau chuyến thăm của ông tới Nghĩa trang Biên Hòa vào tháng 10/2017, công an địa phương đã yêu cầu người quản trang phải điền vào một báo cáo.

Trả lời phỏng vấn VOA ngay khi cuốn sách ra mắt vào tháng 10/2021, ĐS Osius nói rằng “còn nhiều việc cần phải làm để xây dựng lòng tin giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và chính phủ cũng như người dân Việt Nam.”

Ngoài ông Osius, các đại sứ Mỹ sau này, như ông Daniel Kritenbrink và ông Knapper, đều cũng đã tới thăm nghĩa trang như một phần trong những nỗ lực của Mỹ để giúp hàn gắn vết thương chiến tranh cũng như hòa hợp hòa giải giữa hai nước.

Nhận thấy tầm quan trọng của nghĩa trang này đối với cộng đồng người Việt hải ngoại và có thể giúp hàn gắn vết thương chiến tranh của họ, ĐS Osius đã đề nghị Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho phép người thân của các tử sỹ VNCH được “đào mương và cắt rễ cây”, vốn là nguyên nhân gây xói mòn đất mộ khi mùa mưa đến khiến các quan tài bị trôi đi.

Nhiều tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ, ông Osius cho biết trong cuốn sách rằng một người bạn, biết ông vẫn còn quan tâm đến Nghĩa trang Biên Hòa, nói với ông rằng các con mương thoát nước đã được đào trong nghĩa trang và rễ cây đã được cắt, khiến cây cối xanh tươi hơn trong mùa mưa.

“Sự hòa hợp đã tiến được một bước đầy ý nghĩa về phía trước,” ĐS Osius viết trong cuốn sách.

Theo ông Kevin, nếu chính phủ Việt Nam cho phép việc trùng tu nghĩa trang Biên Hòa sẽ đánh đi một “thông điệp mang tính hòa hợp hòa giải dân tộc.”

“Bây giờ được sự lên tiếng của dân biểu Hoa Kỳ (Michelle Steel) và ông đại sứ (Marc Knapper) đã tận mắt ghi nhận sự xuống cấp trầm trọng của Nghĩa trang Biên Hòa, tôi hy vọng trong vòng 3 đến 6 tháng tới, chúng tôi sẽ nhận được tin vui từ chính phủ Việt Nam cho chúng tôi được trùng tu các ngôi mộ hiện đang bị xuống cấp,” ông Kevin nói.

Cùng đi thăm nghĩa trang hôm 13/10 có Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Dương, ông Võ Thành Nhân. Theo ông Kevin cho biết, ông Nhân cũng bày tỏ sự nhất trí với việc này.

Còn theo ông Phạm Nghị, đại diện các gia đình tử sỹ tìm hài cốt của VAF, mục đích của hội khi muốn trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa còn hơn cả việc hòa hợp hòa giải.

Về phía Chính phủ Việt Nam, họ đang cố gắng cải thiện việc hòa hợp hòa giải dân tộc,” ông Nghị nói với VOA hôm 1/11. “Còn cái mục đích của hội Vietnamese American Foundation (VAF) là muốn giữ lại cái di tích của Việt Nam Cộng hòa bởi đây là di tích lịch sử cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa nên hội muốn dùng mọi sức lực để làm điều đó.”

VOA (05.11.2023)