Mục lục
Cựu TNLT Lê Anh Hùng đề nghị xem xét giám đốc thẩm bản án
Ông Lê Anh Hùng trước khi bị bắt lần thứ hai Facebook Le Anh Hung
Cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Lê Anh Hùng đề nghị xem xét lại bản án của ông theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời lên tiếng tố cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tội “phản quốc”và cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải tội “hoạt động gián điệp.”
Ông Lê Anh Hùng mãn hạn tù hồi tháng 7 năm nay sau bản án tù năm (05) năm về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Trong thời gian thi hành án ở Trại giam Nam Hà (hay còn gọi là Trại giam Ba Sao ở tỉnh Hà Nam), ông đã viết đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Sau khi được trả tự do, ông đã đến Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội để hỏi về lá đơn nói trên. Tuy nhiên, cán bộ tiếp dân ở đây cho ông biết là họ không nhận được lá đơn của ông.
Ngày 25/9/2023, ông đã trực tiếp đến Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội nộp đơn đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Ông đưa ra lý lẽ cho lời đề nghị của mình:
“Trong quá trình điều tra các cơ quan tố tụng, cụ thể là công an Hà Nội và Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng cũng như là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc điều tra hình sự
Họ đã vi phạm quy trình tố tụng ở chỗ, khi tôi giăng biểu ngữ tố cáo hai nhân vật kia thì lẽ ra họ phải mời tôi đến để tôi cung cấp đầy đủ các bằng chứng, lý lẽ để bảo vệ lời tố cáo của mình nhưng mà họ đã không làm điều đó.”
Theo ông, phát hiện ông treo biểu ngữ tố cáo hai quan chức cao cấp của chế độ, nhà chức trách Hà Nội cần mời ông đến làm việc để xác minh lời tố cáo, nếu thấy đúng thì cần khởi tố những người bị ông tố cáo, còn nếu thấy không đúng thì có thể khởi tố ông về tội “vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự, như Công an Quảng Trị đã làm năm 2009 (sau đó vụ án bị đình chỉ vì cho rằng ông Hùng mất khả năng nhận thức).
Cựu tù nhân lương tâm khẳng định, việc ông bị bắt và khởi tố theo Điều 331 mơ hồ là không phản ánh bản chất của việc ông tố cáo.
Mặc dù đã hơn một tháng kể từ khi gửi đơn nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được phản hồi từ Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội. Ông cũng đã gửi các văn bản trên đến nhiều cơ quan trung ương của Việt Nam cũng như nhiều cơ quan báo chí trong nước.
Từ năm 2008, ông tố cáo Hoàng Trung Hải khai man lý lịch (không khai bố là người Việt gốc Hoa) và cầm đầu đường dây ma tuý cũng như phạm nhiều tội ác khác… với nhân chứng duy nhất là vợ của ông.
Trong kết luận điều tra thể hiện, bà này sau đó tại cơ quan An ninh điều tra đã phủ nhận có liên quan đến nội dung tố cáo và việc từng ký tên vào “Bản cam đoan” và ký vào “Đơn tố cáo” gửi Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là làm theo chỉ đạo của ông Hùng…
Bên cạnh đó, ông Lê Anh Hùng cũng tố cáo ông Nguyễn Phú Trọng, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đã phê chuẩn chức vụ Phó thủ tướng của ông Hoàng Trung Hải vào năm 2007, và trên cương vị là người đứng đầu đảng từ năm 2011 đã phớt lờ các tố cáo của ông cũng như của nhiều cựu cán bộ cao cấp đối với ông Hải.
Phóng viên RFA không thể kiểm chứng độc lập các tố cáo và thông tin mà ông Lê Anh Hùng đưa ra.
Ông Lê Anh Hùng cho biết ông đã làm việc với Cơ quan An ninh của Công an thành phố Hà Nội vào ngày 04/11/2023. Trong buổi làm việc, ông đã thông báo về việc sẽ tiếp tục gửi đơn yêu cầu giải quyết đơn thư tố cáo hai ông Nguyễn Phú Trọng và Hoàng Trung Hải cho đến khi vụ việc được giải quyết.
“Công lý phải được thực thi, không phải là công lý cho cá nhân tôi, mà quan trọng hơn thế nhiều: công lý cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Những kẻ phạm tội ác đặc biệt nghiêm trọng với quốc gia, với dân tộc phải bị vạch mặt và trừng trị đích đáng,” ông nói.
Ông Lê Anh Hùng, 50 tuổi, là cử nhân kinh tế và là một dịch giả. Trước khi bị bắt vào năm 2018, ông viết nhiều lá đơn gửi đi khắp nơi đồng thời treo biểu ngữ ở đường phố Hà Nội với nội dung tố cáo người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và người đứng đầu đảng bộ thủ đô khi đó là Hoàng Trung Hải.
Sau khi bị bắt tạm giam gần một năm để điều tra, ông bị buộc chữa trị bệnh tâm thần ở Viện Pháp y Tâm thần Trung ương trong thời gian ba năm tiếp theo do bị kết luận “mắc bệnh rối loạn hoang tưởng dai dẳng.”
Đến tháng 8/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên ông bản án năm (05) năm tù giam.
Trong thời gian ông bị giam cầm, nhiều tổ chức quốc tế như Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.
RFA (08.11.2023)
Tổ chức Hiến chương 19: Đàn áp tự do ngôn luận đe dọa quyền phát triển ở Việt Nam
Hình minh hoạ: Công an và an ninh ngăn cản người biểu tình ở Hà Nội đòi bảo vệ môi trường năm 2016 Reuters
Những nỗ lực của Chính phủ trong việc hạn chế không gian dân sự, đặc biệt là ở môi trường không gian mạng, đe doạ quyền phát triển ở Việt Nam, tổ chức Hiến chương 19 (Article 19) khẳng định trước chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của Liên Hiệp quốc (LHQ) tới quốc gia Đông Nam Á này.
Trong tuyên bố ngày 2/11, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Vương quốc Anh cho rằng, chuyến thăm mười ngày (từ ngày 06/11) của ông Surya Deva là cơ hội để gây sức ép với Hà Nội về mối quan hệ giữa tự do Internet và quyền phát triển, là cơ hội tốt nhất để giải quyết các rào cản đối với việc thúc đẩy quyền phát triển ở Việt Nam, xem xét những thách thức đáng kể đặt ra đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và việc phủ nhận quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam.
“Quyền phát triển ở Việt Nam hiện đang bị đe dọa bởi những nỗ lực của Chính phủ nhằm hạn chế không gian dân sự, đặc biệt là trực tuyến. Trong khi Internet và phương tiện truyền thông xã hội từng tạo điều kiện cho không gian dân sự rộng lớn hơn, thì những phát triển về pháp lý và công nghệ gần đây đã cho phép Chính phủ đàn áp mạnh mẽ hơn,” tổ chức Hiến chương 19 nói.
Dẫn Báo cáo Biểu đạt Toàn cầu năm 2023 của mình, tổ chức nhân quyền chỉ ra rằng Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng về quyền tự do ngôn luận, với gần 200 người bảo vệ nhân quyền hiện đang bị cầm tù, nhiều người trong số đó bị tù đày là do các hoạt động trực tuyến của họ.
Theo tổ chức này, việc các cơ quan chức năng lạm dụng Luật An ninh mạng và các quy định về tin giả, gây tác động tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận và thông tin, gây hại trực tiếp đến quyền phát triển vì nó làm hạn chế những thảo luận công khai về nhu cầu và giải pháp phát triển, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận thông tin quan trọng của người dân.
“Chính phủ Việt Nam sử dụng các công cụ theo dõi kỹ thuật số để giám sát và đe dọa công dân của mình, nuôi dưỡng bầu không khí sợ hãi trên nền tảng xã hội. Hơn nữa, các nhà hoạt động và nhân viên tổ chức phi chính phủ phải đối mặt với sự quấy rối liên tục, trong đó nhiều tổ chức bị đe dọa đóng cửa hoặc cáo buộc nguỵ tạo về trốn thuế.”
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng từ trước tới nay, các cơ quan của LHQ thường hời hợt trong việc tìm hiểu thực tế ở Việt Nam.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong tin nhắn ngày 07/11:
“Điều đáng trách của tất cả những hệ thống kiểm tra tìm hiểu của LHQ ở Việt Nam thường chỉ dừng ở các cấp quan chức, các cơ quan của chính quyền chứ không phải trực tiếp với những người dân hay những người thực sự đang cất tiếng nói.”
Nói về chuyến thăm của ông Surya Deva, nhạc sỹ này cho rằng:
“Nếu chỉ có những trao đổi ở ngoại giao cấp cao, xem xét các văn bản với nhau, thì điều đó không cần thực hiện ở Việt Nam làm gì.”
Cho rằng quyền phát triển con người mang một nội hàm rất rộng lớn, là chính sách và cũng là số phận của từng công dân cụ thể, ông đề nghị:
“Tôi nghĩ nếu ông Surya Deva chỉ cần công khai mời vài gia đình của những tử tù đang chờ thi hành án như gia đình Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, thậm chí cả gia đình của tử tù Lê Văn Mạnh … để tìm hiểu tuyên bố Việt Nam rằng không có án oan của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình, thì may ra mới có một giá trị thực tế, và thuyết phục được người dân Việt Nam là chuyến đi này không tốn kém vô ích và hình thức.”
Hiến chương 19 kêu gọi ông Surya Deva phát huy vai trò Báo cáo viên đặc biệt của LHQ để truyền đạt tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bảo vệ quyền tự do Internet và tạo điều kiện phát triển kỹ thuật số ở Việt Nam theo cách hoàn toàn tôn trọng và đề cao nhân quyền.
Tổ chức có tên gọi lấy cảm hứng từ Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền thúc giục ông Surya Deva kêu gọi nhà nước độc đảng ở Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận như là điều kiện tiên quyết của quyền phát triển cho người dân Việt Nam.
Tổ chức nhân quyền này nói Việt Nam cần sửa đổi hoặc bãi bỏ toàn bộ Luật An ninh mạng và các Điều 117, 318, 331 của Bộ luật Hình sự cũng như các quy định khác vốn được sử dụng để hạn chế một cách tùy tiện quyền tự do ngôn luận và thông tin hoặc bắt giữ và bỏ tù công dân Việt Nam chỉ vì thực hiện các quyền này.
Tổ chức này nói Báo cáo viên đặc biệt của LHQ cần thúc giục chính quyền trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả những người đã bị cầm tù tùy tiện vì vận động nhân quyền, nhiều người trong số họ đã bị cầm tù chỉ vì nghiên cứu và cung cấp tài liệu về các dự án phát triển và môi trường ở Việt Nam, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang và luật sư Đặng Đình Bách.
Báo cáo viên Đặc biệt cần tiếp xúc thực tế ở Việt Nam
Theo thông cáo báo chí của Thủ tục đặc biệt thuộc Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 6/11, trong thời gian ở Việt Nam, ông Surya Deva sẽ đánh giá các nỗ lực của Hà Nội trong việc thực hiện quyền phát triển, việc thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, và xác định những thách thức còn tồn tại.
Ông cũng sẽ tìm hiểu việc Việt Nam thúc đẩy và đảm bảo sự tham gia hiệu quả của người dân vào quá trình xây dựng chính sách, và ra quyết định liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa.
Chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt nhằm trợ giúp Chính phủ Việt Nam củng cố luật pháp, chính sách và thực hành phù hợp với Tuyên bố về Quyền phát triển (năm 1986) và các tiêu chuẩn liên quan khác.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 5/2023, Báo cáo viên đặc biệt này dự tính sẽ thăm ba nơi gồm: Hà Nội, Hà Tĩnh và thành phố Hồ Chí Minh.
Một tuần trước chuyến thăm Việt Nam, ông Surya Deva gặp gỡ trực tuyến với thân nhân của một số tù nhân lương tâm, trong đó có gia đình ba người đi tù của bà Cấn Thị Thêu, để nghe trình bày về việc họ bị bắt giam một cách tuỳ tiện và kết án một cách không công bằng.
Các Báo cáo viên đặc biệt là một phần của Thủ tục đặc biệt (Special Procedures) của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Thủ tục đặc biệt, cơ quan lớn nhất gồm các chuyên gia độc lập trong hệ thống nhân quyền của LHQ, là tên gọi chung để chỉ các cơ chế độc lập của Hội đồng nhằm giám sát và tìm hiểu tình hình thực tế để giải quyết các tình huống cụ thể của quốc gia, hoặc các vấn đề chuyên đề ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Các chuyên gia của Thủ tục đặc biệt làm việc trên cơ sở tình nguyện; họ không phải là nhân viên LHQ và không nhận lương khi làm việc. Họ độc lập không liên quan đến bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào, và thực hiện công việc với tư cách cá nhân.
RFA (07.11.2023)
Hàng trăm người kêu gọi tổng bí thư và chủ tịch nước Việt Nam điều tra lại 3 vụ ‘án oan’
(Từ trái sang) Ba tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh đều bị cáo buộc tội giết người mà họ nói là bị kết án oan. Ông Mạnh đã bị hành quyết hôm 22/9 còn ông Hải và ông Chưởng đang chờ ngày thi hành án.
Hàng trăm người đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư do các luật sư thảo ra để yêu cầu các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét và điều tra lại các vụ án mà họ cho là oan sai đối với các tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh, trong đó ông Mạnh đã bị hành quyết.
Đây là những vụ án được chú ý nhiều nhất trong những năm trở lại đây bởi việc xét xử mà các luật sư cho là còn có nhiều “sai sót” và sự phản đối từ gia đình của các tử tù này. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và cả đại diện Liên Hợp Quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam điều tra xét xử lại ba vụ án mà họ nói là có dấu hiệu oan sai.
Bất chấp sự phản đối của nhiều nước phương Tây và người dân trong nước, chính quyền Việt Nam đã hành quyết ông Mạnh vào ngày 22/9 trong lúc gia đình vẫn đang đi kêu oan cho ông. Một báo cáo viên đặc biệt của LHQ hồi đầu tháng 10 nói ông “bàng hoàng” và “thất vọng” trước việc chính phủ Việt Nam hành quyết ông Mạnh.
Giống như ông Hải và ông Chưởng, ông Mạnh bị buộc tội giết người và bị kết án tử hình chỉ với những lời thú nhận tội mà sau đó ông đã rút lại với lý do đã bị buộc phải nhận tội do tra tấn và nhục hình. Ông Mạnh bị giam giữ hơn 18 năm trước khi bị hành quyết. Còn ông Chưởng và ông Hải cũng đang bị giam giữ hơn 10 năm qua và đang chờ ngày thi hành án.
“Các Luật sư và gia đình các bị án đã gửi nhiều Kiến nghị, Tâm thư và đưa ra nhiều tài liệu chứng cứ chứng minh việc khởi tố, truy tố, xét xử và kết án tử hình đối với cả 03 tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh là không khách quan, thiếu thuyết phục, nhiều tài liệu chứng cứ mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ”, Luật sư Lê Văn Hòa, người đang tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng, viết trong thỉnh nguyện thư hiện đã được 365 người ký tên tính đến ngày 6/11.
Ông Chưởng bị cáo buộc là chủ mưu và tham gia chém giết thiếu tá cảnh sát Nguyễn Văn Sinh “nhằm cướp tài sản” và bị Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng kết án tử hình vào năm 2008.
Gia đình ông Chưởng hôm 4/8 nhận được thông báo về việc Tòa đã ra quyết định tiến hành tử hình ông nhưng không được biết ngày thi hành án. Ông Chinh đã đi kêu oan cho con trai tử tù của mình trong hơn 16 năm qua.
Cùng với nhiều tiếng nói từ cộng đồng quốc tế, Văn phòng Nhân quyền LHQ hồi tháng 8 nói rằng họ “rất quan ngại trước các thông tin về việc Việt Nam sắp xử tử ông Nguyễn Văn Chưởng giữa những cáo buộc nghiêm trọng về tra tấn và vi phạm xét xử công bằng”.
Nói về vụ của ông Chưởng, LS Hòa, người từng có hàng chục năm làm việc trong ngành công an và Ban Nội chính Trung ương trước khi hành nghề luật, nêu ra trong thỉnh nguyện thư rằng có “vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong việc bảo vệ hiện trường”, việc thu giữ và quản lý vật chứng “rất tùy tiện”, khám nghiệm hiện trường “sơ sài, bỏ lọt nhiều vật chứng quan trọng”, và đặc biệt ông Chưởng “có chứng cứ ngoại phạm nhưng không được điều tra làm rõ”.
Ông Chinh nói với VOA rằng con trai ông ở Hải Dương tại thời điểm vụ án xảy ra ở Hải Phòng ngày 14/7/2007.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã nghi ngờ tính khách quan của bản án phúc thẩm đối với ông Chưởng nhưng Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa đã bác kháng nghị này.
Còn trong vụ án Hồ Duy Hải, thỉnh nguyện thư nói rằng có “dấu hiệu hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án” như “rút bớt các tài liệu quan trọng và không sử dụng những kết quả kiểm tra xác minh có lợi cho Hồ Duy Hải”.
Ông Hải bị buộc tội giết chết hai phụ nữ ở tỉnh Long An vào năm 2008. Hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt bị cáo này mức án tử hình, song ông Hải và gia đình kêu oan. Hàng nghìn người trên khắp thế giới cũng đã từng kiến nghị đòi công lý cho ông hồi tháng 5/2020.
Thỉnh nguyện thư còn kiến nghị cho vụ án của Lê Văn Mạnh, người đã bị thi hành án vì bị kết tội giết và hãm hiếp một em gái vị thành niên ở Thanh Hóa vào năm 2005. Trong 7 phiên tòa xét xử, ông Mạnh đều nói mình không giết người. Mẹ của ông, bà Nguyễn Thị Việt, nói với VOA rằng con trai bà cùng bà đi chuyển nhà cho em gái vào thời điểm án mạng xảy ra nên không thể là kẻ giết người.
LS Hòa thắc mắc trong thỉnh nguyện thư về việc tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thanh Hóa lại phải vội vã thực thi Bản án tử hình đối với Mạnh đến như vậy.
“Phải chăng các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thanh Hóa sợ vụ án bị lật lại, nếu không thể chứng minh Lê Văn Mạnh có tội một cách thuyết phục, thì họ phải bị xử lý nghiêm khắc của pháp luật”, thỉnh nguyện thư viết.
Ngoài Tổng bí thư Trọng và Chủ tịch Thưởng, thỉnh nguyện thư còn đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC và các đại biểu quốc hội “quan tâm xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền ngay lập tức tiến hành các thủ tục đặc biệt để giải quyết dứt điểm 3 vụ án nêu trên”.
“Tôi thấy rằng các cơ quan tố tụng tiến hành vụ án Nguyễn Văn Chưởng nói riêng và các vụ án Hồ Duy Hải và Lê Văn Mạnh (nói chung) đều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng”, LS Hòa, người đã dừng hành nghề luật từ năm 2021 “vì mất niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam”, nói với VOA.
“Vụ án đối với sinh mệnh con người, đặc biệt là họ bị kết án tử hình mà có dấu hiệu oan sai thì điều đó rất là nghiêm trọng và xuất phát từ động cơ đó nên tôi luôn có kiến nghị để hy vọng các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Quốc hội Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ các oan sai đối với họ”, vẫn lời ông.
LS Hòa cho biết ông sẽ gửi thỉnh nguyện thư tới ông Trọng, ông Thưởng và các cơ quan công quyền khi có 500 người ký ủng hộ để kiến nghị tạm dừng thi hành án vô thời hạn ông Chưởng và ông Hải trong khi giải quyết hậu quả việc truy tố kết tội oan cũng như xử lý theo pháp luật đối với các cá nhân người tiến hành tố tụng trực tiếp thụ lý giải quyết các vụ án oan này nếu không chứng minh được họ có tội.
VOA đã nhiều lần gửi đề nghị bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam về những phản đối của các gia đình, các luật sư và các tổ chức quốc tế đối với việc kết án và thi hành án các tử tù này nhưng không được hồi âm.
Ông Lê Văn Cường, em trai ông Mạnh, cho VOA biết việc xin chữ ký của tất cả mọi người trong và ngoài nước của LS Hoà để gửi thư thỉnh nguyện tới tổng bí thư, chủ tịch nước và các cơ quan công quyền là “hết sức cần thiết”.
“Vụ án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải cũng đang trong tình trạng giống như của anh trai tôi (Lê Văn Mạnh) nếu không được cộng đồng mạng, những người yêu công lý trong và ngoài nước lên tiếng giúp đỡ thì cũng có thể họ sẽ bị công an, toà án và Viện Kiểm sát âm thầm giết chết như anh trai tôi vậy”, ông Cường nói. “Yêu cầu toà án Nhân dân tối cao hủy hồ sơ điều tra lại cả 3 vụ án trên”.
Còn theo LS Trần Anh Tùng, người cũng ký tên trong thỉnh nguyện thư, sẽ không có cơ hội để sửa chữa những sai sót sau khi thi hành án tử hình và tất cả mọi người cần phải lên tiếng trước khi quá muộn.
“Cái đó rất là đáng sợ,” LS Tùng, thuộc đoàn Luật sư TPHCM, nói với VOA. “Với tình trạng như thế này, tất cả mọi người cần phải đồng thanh để lên tiếng vì biết đâu đó một ngày nào đó án oan mắc vào gia đình mình. Mọi người cần phải có ý thức về việc đó. Khi mình thấy trường hợp có vấn đề mà không lên tiếng thì đến lúc gia đình mình mà (gặp án oan) thì ai lên tiếng.”
Ông Chinh, bố ông Chưởng nói với VOA rằng ông hy vọng thỉnh nguyện thư “có nhiều người biết và sẽ tới tai mắt người có tâm đức” để cứu con ông cũng như các tử tù khác.
VOA (07.11.2023)
Gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Phương làm việc với Báo cáo viên đặc biệt của LHQ
Trịnh Bá Tư (trái), Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu NGUỒN HÌNH ẢNH,TRINH BA KHIEM
Vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho BBC hay hôm 6/11 rằng gia đình vừa có buổi làm việc với Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc để phản ánh về tình trạng của ba người thân trong tù và yêu cầu trả tự do cho họ.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ của ông Trịnh Bá Phương nói với BBC rằng, bà cùng bố và em chồng hôm 3/11 đã có buổi nói chuyện trực tuyến với báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền Phát triển, ông Surya Deva.
Ông Surya Deva được bổ nhiệm làm Báo cáo viên đặc biệt trong thời hạn ba năm kể từ ngày 1/5/2023. Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, ông Deva sẽ có chuyến thăm theo lời mời của Chính phủ Việt Nam từ ngày 6-15/11/2023.
Từ ngày 6 đến ngày 15 tháng 11 năm 2023, Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển sẽ có chuyến thăm quốc gia tới Việt Nam theo lời mời của Chính phủ. Mục tiêu của chuyến đi này đánh giá tiến trình của quyền phát triển ở Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam, để thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và thúc đẩy hiện thực hóa quyền phát triển.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ viết rằng, chuyến đi của ông Dave hy vọng ghi nhận được những ý kiến đóng góp để ông có thể đưa ra khuyến nghị cho Chính phủ trong một báo cáo sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền vào tháng 9 năm 2024.
Trong buổi làm việc trước khi ông Dave đến Việt Nam, gia đình bà Thu đã kiến nghị lên LHQ về việc trả tự do cho ba người thân trong gia đình bà “vì những gì họ làm đều phù hợp với Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc.”
Nếu ba người họ phải chịu án dài, bà Thu hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ cải thiện điều kiện giam giữ những người thân trong gia đình bà cũng như các tù nhân lương tâm (TNLT) khác.
“Tôi mong mẹ chồng, em chồng và chồng tôi được phép chăm sóc y tế, được gia đình gửi thêm khẩu phần ăn. Nếu nhà nước không đủ sức chăm sóc chu đáo cho tù nhân lương tâm, thì mong họ sẽ được chuyển về trại giam gần nhà,” bà Thu nói với BBC.
Trước đó, ngày 30/10, gia đình bà Thu đã làm đơn tố cáo việc chồng bà bị đánh đập và cùm chân tại Trại giam An Điềm (Quảng Nam) vì cầm biểu ngữ phản đối việc TNLT bị đối xử vô nhân đạo. Bà Thu cho biết, ông Phương trước đó từng bị cưỡng bức vào trại tâm thần. Còn mẹ chồng bà bị cho giam chung với người nhiễm HIV.
Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền, một liên minh của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) cũng ra thông cáo báo chí, yêu cầu Nhà nước Việt Nam điều tra cáo buộc tra tấn nhà hoạt động Trịnh Bá Phương trong thời gian tạm giam ông.
Bà Thu cho biết, gia đình một người đi tù đã khó khăn, gia đình bà có tối tận ba người và mỗi người bị giam một chỗ khác nhau nên việc thăm nuôi có nhiều khó khăn.
“Mẹ chồng tôi bị giam ở Thanh Hóa, cách nhà 70 cây số, em Trịnh Bá Tư bị giam ở Nghệ An, cách nhà 260 cây số, còn chồng tôi bị giam xa nhất, cách khoảng 1.000 cây số. Tôi thì vướng con nhỏ nên không thể thăm nuôi anh thường xuyên. Bố tôi mỗi tháng khi thăm em Tư thì đi bằng xe máy, chạy từ 10 giờ đêm cho tới tận 6, 7 giờ sáng hôm sau mới tới nơi. Vì em Tư ở Trại số 6 khét tiếng về việc đối xử khắt nghiệt với tù nhân nên gia đình cũng không yên tâm,” bà Thu nói.
Dù Việt Nam đã ký Công ước chống tra tấn vào 07/11/2013 và Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn công ước vào ngày 28/11/2014 nhưng tình trạng tù nhân bị ngược đãi vẫn được phản ánh khá nhiều. Sau cái chết của TNLT Đỗ Công Đương vào 2/8/2022, gia đình của 27 TNLT khác đã có thư ngỏ gửi các tổ chức quốc tế và chính quyền Việt Nam, kêu gọi khám chữa bệnh cho những tù nhân này.
Hồi tháng 10/2021 và sau đó là tháng 9/2022, gia đình bà Thu cũng đã liên tục làm đơn kêu cứu và tố cáo việc ông Trịnh Bá Tư bị đánh đập, tra tấn, có lúc phải nhập viện để điều trị. Thời điểm đó, một số tổ chức như Ân xá Quốc tế và Đài Quan sát Bảo vệ Người hoạt động Nhân quyền cũng đã ngay lập tức lên tiếng và cáo buộc chính quyền Việt Nam có hành vi tra tấn đối với ông Trịnh Bá Tư.
FB TRỊNH BÁ PHƯƠNGNGUỒN HÌNH ẢNH,FB TRỊNH BÁ PHƯƠNG
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương gặp bà Michele Roulbet, trưởng bộ phận nội chính, Phòng chính trị của ĐSQ Hoa Kỳ tại Việt Nam tại Hà Nội, hôm 06/2/2020 về vụ Đồng Tâm
Gia đình bốn người đi tù
Gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Phương là một gia đình thuần nông dân, sống ở Dương Nội, Hà Nội, bị mất đất sau khi chính quyền tịch thu cho ‘dự án phát triển đô thị’ vào năm 2008.
Sự kiện ấy đã khiến một gia đình nông dân lam lũ trở thành những nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai cho bà con Dương Nội.
Sau đó, gia đình ông dần lên tiếng về dân chủ, nhân quyền.
Mẹ ông là bà Cấn Thị Thêu đã từng hai lần ngồi tù và đây là lần thứ ba bà Thêu chịu án tù. Lần đầu là vào năm 2014, hai vợ chồng bà bị bắt vì tội “Chống người thi hành công vụ” với mức án 15 tháng tù.
Ra tù, bà Thêu tiếp tục biểu tình phản đối nạn cưỡng chế đất. Bà cũng tham gia vào các cuộc biểu tình vì môi trường, dân chủ, và ủng hộ các nhà hoạt động khác. Những hoạt động này đã khiến bà bị bắt vô tù lần hai vào năm 2016 vì tội “gây rối trật tự” với mức án 20 tháng tù giam.
Ra tù năm 2018, bà Thêu nói mình từ ‘nhà tù nhỏ trở về nhà tù lớn’, và tuyên bố đấu tranh đến cùng vì dân chủ và quyền của người dân mất đất.
Hai người con trai của bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng tham gia cùng mẹ. Tới tháng 1/2020, trước sự kiện Đồng Tâm, dẫn đến cái chết của ông Lê Đình Kình và ba viên cảnh sát, gia đình bà Thêu là một trong những người tiên phong trong việc cung cấp thông tin về sự việc cho báo chí trong và ngoài nước.
Tháng 6/2020, bà Thêu và hai người con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư bị bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư bị kết án mỗi người tám năm tù giam, 5 năm quản chế. Trong một phiên xử khác, ông Trịnh Bá Phương bị kết án 10 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Khi ông Phương bị bắt, con trai đầu lòng chỉ mới lên hai tuổi và bé thứ hai chỉ vừa chào đời được bốn ngày. Bà Thu nói rằng, 27 tháng sau khi ông bị bắt giữ, gia đình mới được thăm nuôi, điều này đồng nghĩa thời gian ngồi tù của ông Phương đã dài hơn thời gian bên vợ và con.
Tổ chức nhân quyền ở Mỹ, Human Rights Watch (HRW), gọi bà Thêu, ông Tư và ông Phương là “nhà hoạt động dân chủ” và trong các phiên xét xử ba nhà hoạt động này, HRW cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho cho họ và ngưng những phiên tòa kangaroo – ý nói lối xử bỏ túi.
Nhân quyền Việt Nam
Theo báo cáo về sự trả đũa năm 2023 do Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc công bố ngày 19/9, không gian hoạt động cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã bị thu hẹp, dưới sự kiểm soát ngày càng mạnh tay từ chính phủ.
Theo Human Rights Watch, Việt Nam đang giam giữ hơn 160 tù nhân chính trị. Chỉ tính riêng trong tám tháng đầu năm nay, đã có 15 người bị kết án.
Mới đây, ngày 2/11, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Freedom House và Robert F. Kennedy Human Rights đã gửi một báo cáo chung lên Liên Hiệp Quốc. Nội dung báo cáo mô tả rõ “cách đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc hạ nhục” của chính quyền Việt Nam đối với các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, bao gồm việc giam giữ tùy tiện và kéo dài trước khi xét xử, cũng như các biện pháp biệt giam trong 5 năm qua kể từ kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát vào năm 2019.
Theo CPJ, Việt Nam được xếp là một trong những nước bỏ tù các nhà báo nhiều nhất thế giới, với ít nhất 21 người ngồi tù tính đến ngày 1/12/2022 và cũng nhắc đến việc các nhà báo bị tra tấn, ngược đãi cũng như không được chăm sóc y tế trong tù.
Chính phủ Việt Nam cũng được cho là đang đàn áp các tổ chức phi chính phủ có giấy phép và hoạt động về những vấn đề như môi trường.
Việc bỏ tù nhà hoạt động Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương trong hai năm 2021, 2022 được các nhà quan sát đánh giá là “xu hướng đàn áp mới” của Việt Nam đối với xã hội dân sự.
Theo báo cáo của Dự án 88 (The Project 88), các nhà hoạt động trên là những người đã thúc đẩy chính phủ cam kết thực hiện chính sách giảm khí thải carbon để “Phát thải Ròng bằng Không” vào năm 2050, qua đó mở đường cho thỏa thuận chuyển đổi năng lượng trị giá 15 tỷ USD giữa G7 và Việt Nam, nhưng trớ trêu thay, họ lại trở thành những tù nhân sau song sắt. Dự án 88 công bố báo cáo cho thấy rằng, chính quyền Việt Nam bắt bớ bốn người này không phải là án kinh tế mà có yếu tố chính trị.
Bà Khanh được trả tự do sớm hơn 5 tháng so với hạn tù, còn ông Lợi được trả tự do sớm hơn 18 tháng. Trong khi đó, là người duy nhất trong bốn người không nhận tội, ông Đặng Đình Bách nói rằng “sẽ tuyệt thực đến chết để đòi tự do”.
Trong năm 2023, chính phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ hai nhà hoạt động môi trường hàng đầu là Hoàng Thị Minh Hồng và Ngô Thị Tố Nhiên.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng – người được mệnh danh là anh hùng khí hậu – hôm 28/9 bị tuyên án ba năm vì tội trốn thuế. Ngày 30/9, bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) bị khởi tố vì tội danh “Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức”, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Hà Nội.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng nững sự việc này co thấy xu hướng đàn áp mới của chính quyền Việt Nam, vốn có hồ sơ nhân quyền bị đánh giá là tồi tệ.
BBC (07.11.2023)
Người nhà 10 tù nhân lương tâm kiến nghị với đại diện LHQ: VN trả tự do, cải thiện việc giam giữ
Từ trái sang: Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương và bà Cấn Thị Thêu.
Người thân của 10 tù nhân lương tâm tại Việt Nam mới đây đã kiến nghị với một đại diện của Liên Hiệp Quốc rằng tổ chức toàn cầu này cần gây sức ép để chính quyền Việt Nam trả tự do hoặc cải thiện điều kiện giam giữ các tù nhân đó.
Bà Đỗ Thị Thu, vợ nhà hoạt động Trịnh Bá Phương đang bị cầm tù, cho VOA biết gia đình bà đại diện cho 8 gia đình đã họp qua mạng với ông Surya Deva, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền Phát triển, vào ngày 3/11.
Gia đình bà Thu có ba người bị bỏ tù vì tranh đấu cho các quyền lợi đất đai và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản, đó là chồng bà, Trịnh Bá Phương, 38 tuổi; mẹ chồng Cấn Thị Thêu và em chồng Trịnh Bá Tư.
Tham gia cuộc họp mới đây cùng bà Thu là bố chồng Trịnh Bá Khiêm và em chồng Trịnh Thị Thảo.
Theo tìm hiểu của VOA, cuộc họp của gia đình bà Thu với Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Deva diễn ra ngay trước khi ông thăm Việt Nam từ ngày 6-15/11.
Chuyến thăm của ông Deva, theo lời mời của chính phủ Việt Nam, có mục tiêu đánh giá tiến trình của quyền phát triển ở Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị tới chính phủ Việt Nam để thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và thúc đẩy hiện thực hóa quyền phát triển.
Nói về trường hợp của gia đình mình, bà Thu cùng bố chồng và em chồng cho đại diện của LHQ biết rằng vào giữa năm 2020, bà Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư bị bắt vì “tuyên truyền chống nhà nước”, một cáo buộc bị gia đình xem là “mơ hồ”. Trước khi bị bắt, cả ba người luôn bị “sách nhiễu, đánh đập, câu lưu vô cớ”, họ nói.
Bà Thêu và ông Tư bị kết án mỗi người 8 năm tù giam, 5 năm quản chế. Ông Phương bị kết án 10 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Gia đình bà Thu nói với viên chức của LHQ rằng cả ba mẹ con bà Thêu “đều bị ngược đãi, bị đánh đập và tra tấn trong thời gian tạm giam”, riêng ông Phương thậm chí “bị cưỡng bức đưa vào trại tâm thần”, bà Thu thuật lại với VOA về nội dung trao đổi với đại diện của LHQ. Họ cũng nói với ông Deva rằng bà Thêu và ông Phương “bị giam chung với người nhiễm HIV”.
VOA cố gắng liên lạc với đại diện các trại giam để hỏi về các trường hợp nêu trên nhưng không kết nối được.
Bà Thu cho hay gia đình bà khẳng định với báo cáo viên đặc biệt của LHQ rằng cả ba ông bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư “đều vô tội”, họ chỉ đấu tranh “bằng các biện pháp ôn hòa” để chống lại việc bị cướp đất. Tuy nhiên, họ bị nhà cầm quyền trả đũa bằng các biện pháp “đàn áp” và các bản án “rất nặng”.
Cáo buộc rằng việc chính quyền thu hồi đất nhiều nằm trước đây là “độc đoán” và các phiên tòa xét xử bà Thêu, ông Phương, ông Tư đều “không công bằng, không minh bạch”, gia đình bà Thu nhấn mạnh với phía LHQ rằng chính quyền Việt Nam “vi phạm Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ”.
Bà Thu nói với đại diện của LHQ rằng điều kiện giam giữ ba người thân của bà rất tồi tệ. “Ba người bị giam ở ba nơi và nhà tù ở rất xa. Họ thường xuyên bị kỉ luật vì không nhận tội. Ăn uống thiếu thốn, không được chăm sóc y tế. Việc này vi phạm điều 10 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị”, gia đình bà nói, bà thuật lại với VOA.
Từ những điều kể trên, gia đình bà Thu kiến nghị với LHQ giúp họ đấu tranh để Việt Nam “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người vô tội là Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, và Trịnh Bá Tư”.
Trong trường hợp ba người chưa được trả tự do ngay, chính quyền Việt Nam “phải cải thiện điều kiện giam giữ của tù nhân lương tâm”, bao gồm “được chăm sóc y tế, được gia đình gửi thêm khẩu phần ăn nếu nhà nước không đủ sức chăm sóc chu đáo cho tù nhân lương tâm, và được chuyển về trại giam gần nhà”, họ kiến nghị.
Đó cũng là đề nghị của các gia đình những tù nhân lương tâm khác với đại diện của LHQ. Họ muốn cơ quan toàn cầu quan trọng này tiến hành điều tra độc lập về tình trạng giam giữ tại Việt Nam, nhất là đối với các tù nhân lương tâm.
“Trước tình trạng vi phạm quyền của người bị giam giữ trên diện rộng, đã xảy ra với rất nhiều tù nhân lương tâm, Liên Hiệp Quốc cần tiến hành một cuộc điều tra độc lập để đảm bảo chính quyền Việt Nam tuân thủ các điều khoản quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị”, họ đưa ra ý kiến trong bản kiến nghị.
“Liên Hiệp Quốc cần giám sát và kiểm tra việc bảo vệ nhân quyền đối với các tù nhân lương tâm nói riêng, và toàn thể các tù nhân nói chung, ở Việt Nam”, 8 gia đình nhấn mạnh với báo cáo viên đặc biệt của LHQ.
Việt Nam lâu nay vẫn bác bỏ những lời chỉ trích của Mỹ, một số nước khác và các tổ chức quốc tế về tình hình nhân quyền. Bộ Ngoại giao và các nhà lãnh đạo Việt Nam trong các dịp khác nhau đều khẳng định rằng đất nước luôn tôn trọng và không ngừng nỗ lực để bảo đảm nhân quyền cho người dân. Họ cũng lưu ý rằng ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm mà chỉ có những người bị kết án vì vi phạm pháp luật.
Việt Nam cũng tuyên bố trong một số dịp rằng các trại giam của họ thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho phạm nhân; các biện pháp giáo dục phạm nhân luôn đề cao tính nhân văn, thượng tôn pháp luật; bên cạnh đó, chế độ lao động, chế độ gặp thân nhân, nhận, gửi thư, nhận đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân cũng được nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật.
VOA (07.11.2023)
Sài Gòn: Cả gia đình bị công an bắt cóc tra tấn, ép nhận tội
(Ảnh: SGN)
Tuần trước, trên trang Facebook được nói là mới lập của ông Phan Tất Chí, cha của thanh niên Phan Tất Thành, xuất hiện một lời kêu oan bất thường về vụ án của con ông. Theo đó, ông Thành xác nhận con ông, trước đây từng có biệt danh là Black Aaron trên Facebook, đang bị tra tấn và ép cung. Ông Thành nói mọi chuyện xảy ra với con ông đều không dấu hiệu của luật pháp, mà mọi thứ đều như bắt cóc, đánh đập buộc nhận tội trước khi có bất kỳ một lệnh triệu tập hay điều tra nào.
Trang Facebook có tên Du Lãng, lá thư kêu oan đăng trên trang, có ký tên ông Phan Tất Chí. Nội dung của lá thư kêu oan vạch rõ các chi tiết mà ông Chí nói rằng công an Việt Nam đã hoàn toàn sai khi hành xử với con ông, và điều ông lo ngại là khi viết lá thư này, hiện tại “Thành vẫn bị giam giữ, tra tấn để bức cung mỗi ngày tại trại giam 4 Phan Đăng Lưu, phường 14, quận Bình Thạnh. Sau thời gian dài bị giam giữ trong những điều kiện khắc nghiệt, đến nay tinh thần và sức khỏe của Thành đã suy kiệt trầm trọng có thể tử vong bất cứ lúc nào”.
Cuối Tháng Bảy 2023, từng có tin tức một thanh niên từng tham gia các phong trào chống Trung Quốc, và là một trong những thành viên quản trị trang Nhật Ký Yêu Nước bị bắt. Theo thư kêu cứu có tên “Lời Trần Tình Án Oan”, ký tên ông Phan Tất Chí, liên quan đến tin tức vừa nêu thì ông Chí xác nhận Thành có nick Facebook là Black Aaron. Và nếu đúng với tên của nhân vật Aaron được biết Phan Tất Thành, sinh năm 1986, thường xuất hiện trong các bình luận và tin tức của trang fanpage Nhật Ký Yêu Nước, vốn là diễn đàn đã bị nhà nước Việt Nam yêu cầu Facebook ngăn cản hoạt động, vào lúc trang này đã có hơn 200 ngàn thành viên ghi danh sinh hoạt.
Ông Chí kể vào Tháng Bảy 2023, công an khu vực đến nhà Phan Tất Thành, yêu cầu lên cơ quan An ninh Điều tra Tp.HCM để làm rõ một số vấn đề liên quan đến một vụ tai nạn giao thông ở Đà Nẵng. Ông khẳng định công an gọi lên làm việc qua điện thoại và lời nhắn của công an khu vực, chứ không hề có bất kỳ giấy tờ gì.
“Họ lại đưa Thành tới một địa điểm khác không phải là trụ sở của một cơ quan nhà nước nào, mà là một khách sạn giá rẻ tối tăm, bẩn thỉu, tên là Nam Hoàng ở số 284/4 Lê Văn Sỹ, quận 3. Tại đây nhóm người này xúm vào đánh đập Thành một cách dã man, tra hỏi Thành có phải là tác giả của bảy bài viết nào đó đăng trên mạng, nhưng Thành hoàn toàn không biết và không làm việc đó. Cuối cùng nhóm người này lại đưa Thành về 161 Nguyễn Du quận 1, là cơ quan an ninh điều tra Tp HCM, và tiếp tục tra tấn đánh đập Thành dữ dội hơn, bắt Thành phải nhận là tác giả những bài viết nào”, ông Chí kể.
Ông Chí nói gia đình biết được những điều này, bởi ngày 11 Tháng Bảy, nhân lúc công an canh gác sơ hở, Thành đã trèo thoát ra ngoài. “Thành đã thoát được ra ngoài và liên lạc với người thân, báo lại toàn bộ sự việc bị bắt cóc, giam giữ, bị đánh đập tra tấn như thế nào, tại đâu và nhờ sự cứu giúp của gia đình”, ông Chí viết.
Theo mô tả của ông Chí, thì dường như sự kiện này những công an viên trong sự việc không hề có chứng cứ nào, mà chỉ nghi ngờ Thành là tác giả của một số bài viết trên mạng, nên đã hành động “nhanh”, bắt cóc Thành và đánh đập buộc Thành nhận tội.
Ông Chí còn cho biết thêm, sau khi Thành bỏ đi, ngày 12 Tháng Bảy, công an đã đến nhà triệu tập mẹ và em trai của Phan Tất Thành để điều tra.
Nhưng sau khi đến cơ quan công an, hai người này đã bị giữ lại. Ông Chí tố cáo là “các công an viên thay nhau đánh đập cả mẹ và em trai Thành để tra hỏi về việc của thành, đến mức “người mẹ đã 70 tuổi ói ra máu và té xỉu luôn xuống nền nhà, riêng Công (em của Thành) thì bị sáu người vây xung quanh thay phiên đấm đá đến gục ngã. Cả 2 mẹ con giam giữ và không cho ăn uống đến 11g30 trưa ngày 13 Tháng Bảy mới được thả”, vì lúc đó Thành đã bị bắt.
Gia đình của thanh niên Phan Tất Thành khẳng định rằng tất cả mọi câu chuyện diễn ra đều không có một giấy tờ triệu tập, lệnh bắt giữ hay điều tra nào có lý do cụ thể. Đây là những chi tiết được coi là bổ sung cho những tin tức đầu tiên về chuyện anh Phan Tất Thành bị công an bắt giữ trước đây, có đồn đoán
cho rằng có đánh đập, mà hôm nay thì gia đình mới tiết lộ chi tiết.
Bài trình bày về sự kiện cũng như nhận định về tính bất hợp pháp của công an Việt Nam bởi luật sư Đặng Đình Mạnh ngay dưới đây, mở ra bức màn đen tối về cái gọi là “điều tra” và chiến dịch tấn công vào những người tình nghi là bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
SaiGonNhỏ (05.11.2023)