Seite auswählen

Huy Văn Trương

 

 

3 cái ly thủy tinh trong suốt lưng lửng rượu vang, chạm nhau kêu lách cách, chúc mừng, chúc mừng ngày bọn mình tái ngộ, tôi nhìn qua khung cửa sổ cảnh 3 người đàn ông ngồi bệt dưới đất, bao quanh chai rượu và đĩa mồi, hình ảnh quá quen thuộc. Tôi đoán ngay, ngày xưa họ là lính trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Như để xác nhận sự suy đoán của tôi là đúng, người trẻ tuổi nhất trong bọn cất giọng: – 2 ông có công nhận không? Sư đoàn 18 của bọn mình, lấy 1 chọi 10, đã đánh 1 trận oanh oanh liệt liệt. Tôi cho đó là trận đánh cuối cùng, trận đánh để đời của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

 

**

 

Người bận áo jacket đen, tay nâng ly rượu ậm ự:

– Tôi biết chứ, chuyện rõ như ban ngày, mình khen mình có khác gì mẹ hát con khen hay, hãy quên mình tìm những cái hay cái đẹp của người khác. Chẳng hạn sáng ngày 30 tháng tư, khoảng 6 giờ sáng tại ngã tư Bảy Hiền, Biệt Kích 81 vẫn còn chiến đấu, tiêu diệt thêm mấy chiếc T54 của vc. Họ chỉ thực sự buông súng khi nghe lịnh kêu gọi đầu hàng trên đài phát thanh Saigon. Biệt Kích 81 bị bức tử và họ đã chết trong hào hùng.

 

Người già nhất, với gương mặt đầy đặn phúc hậu, cuốn mình trong chiếc áo nỉ dày cộm, uống thêm một hớp rượu rồi mới bắt đầu lên tiếng:

 

– Mấy anh bạn à, cũng sáng ngày 30 tháng tư, nếu tôi nhớ không lầm lực lượng Nhảy Dù đã bắn hạ thêm mấy chiếc T54 tại Lăng Cha Cả trước khi gạt lệ giã từ vũ khí, lột bỏ quân phục để đi vào lịch sử.

 

Ông ta ngừng nói, lần trong cái bị da nhỏ lấy ra một ít thuốc rời nhồi vô cái tẩu. Ánh lửa của que diêm bùng sáng trong đêm, soi rõ mái tóc dài lấm tấm bạc. Trông ông ta giống như một nghệ sĩ hơn là lính.

Tôi biết rằng 3 người nọ, mỗi người nhìn ngày lịch sử 30 tháng tư qua góc cạnh của mình. Mỗi người nắm trong tay một mảnh puzzle, vẫn còn hàng trăm, hàng ngàn mảnh như vậy nữa đã thất lạc đâu đó. Nếu như mình có đủ, ráp lại, sẽ có được bức tranh toàn mỹ của ngày 30 tháng tư.

 

Tôi nghĩ đến mảnh puzzle trong tay của mình: Dinh Độc Lập với những tiếng súng cuối cùng.

 

Tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức khi vừa 20 tuổi, ba lô lên vai, tôi trình diện đơn vị mới: Tiểu khu Darlac.

Suốt thời gian thụ huấn trong quân trường, tôi chỉ mong cho mau đến ngày mãn khóa để xin đi Nhảy Dù. Thật lòng mà nói tôi hơi nhát gan, ngại gian khổ và cũng sợ chết, thế nhưng bộ đồ rằn ri thêm cái mũ nồi màu huyết dụ quá sức hấp dẫn đối với tôi. Lòng ham muốn vẻ đẹp bên ngoài đã thắng được con thỏ chết nhát trong tôi. Tôi lén mua sẵn bộ đồ dù, giấu tận đáy túi quân trang chỉ chờ ngày mãn khóa sẽ tình nguyện đi Nhảy Dù. Bộ đồ như một chứng tích của ước mơ, ước mơ không bao giờ thành sự thật vì khóa của tôi gần 2 ngàn sinh viên sĩ quan, Nhảy Dù chỉ chọn 16 người. Tôi hơi thấp và nhỏ con, đó có thể là lý do tôi không được chọn.

Tôi đến Ban Mê Thuột trong bộ đồ trận của bộ binh với chiếc mũ lưỡi trai trên đầu. Mặc dù Ban Mê Thuột là thủ phủ của cao nguyên, nhưng tôi vẫn thường nghe người ta nói với nhau rằng,thành phố gì mà Buồn Muôn Thuở, mùa nắng Bụi Mù Trời, mùa mưa Bùn Một Tấc. Bước chân xuống phi trường Phụng Dực, tôi được chào đón ngay bằng những cơn gió với cát bụi đỏ trời và cái nóng âm ẩm, oi nồng của tháng tư.

 

Sau hơn 4 tuần chờ đợi ở Hội quán sĩ quan, tôi nhận được sự vụ lệnh về chi khu LOK. Trung sĩ Bé phòng nhân viên của tiểu khu, đưa sự vụ lệnh cho tôi kèm theo câu nói đầy ái ngại:

– Tôi biết, chuẩn úy chẳng có gốc gác gì trong quân đội.

– Sao trung sĩ biết?

– Chỗ của ông sắp đến là địa ngục trần gian, lưu đày biệt xứ, người có gốc ai mà đến đó.

– Chỗ đó có gì mà ghê vậy?

– À…nó là 1 quận lỵ nhỏ xíu với vài chục gia đình người Kinh, bị cô lập hoàn toàn, không có đường bộ để vô ra. Con đường duy nhất để đến LOK là trực thăng của cố vấn Mỹ, nhưng đó không phải là chuyện quan trọng, người ta gọi là đi đày vì ở đó tuần nào cũng lãnh hàng chục trận pháo kích.

– Bộ không có hầm chống pháo kích hay sao?

– Có chứ, súng cối 82 ly của Việt Cộng không phá nổi hầm chống pháo kích ở LOK, nhưng với sơn pháo thì thua, trời kêu ai nấy dạ.

– Sơn pháo là súng gì?

– Tới nơi ông sẽ rõ, mà thôi, tôi có chuyện này muốn nói riêng với chuẩn úy.

– Chuyện gì vậy?

Trung sĩ Bé kê miệng gần tai của tôi:

– Ông đừng trình diện đơn vị liền, ở Ban Mê Thuột chơi năm mười ngày rồi đi, xuống điạ ngục chẳng có gì phải gấp gáp, không ai nỡ la mắng, ký củ khi sĩ quan trình diện trễ. Xa mặt trời cũng có cái lợi đó chuẩn úy.

Ngừng lại một chút như đợi cho tôi hiểu rõ vấn đề sau đó trung sĩ Bé thong thả tiếp:

– Ở tiểu khu này người ta thường nói: “Mặt trời không bao giờ rọi tới LOK”, cứ từ từ mà đi. Chúc chuẩn úy lên đường bình an.

 

Theo lời dặn của trung sĩ Bé, tôi lặn một hơi 10 ngày, sau đó mới tà tà theo trực thăng của cố vấn Mỹ đến đơn vị.

Trước mặt tôi là Bộ chỉ huy tiểu đoàn. Tôi đi dọc theo dãy nhà tôn vách ván, phòng nào cũng trống không, tôn lợp mái nhà tấm nào cũng vài chục lỗ thủng do miểng pháo kích. Ánh nắng mặt trời xuyên qua những lỗ thủng, chiếu xuống thành muôn ngàn sợi nắng vàng kẻ song song làm tôi hoa cả mắt. Nhìn quanh không một bóng người thêm vào cái im ắng của buổi trưa hè oi bức, khiến tôi có cảm tưởng là mình đang ở trong một vùng đất chết.

Tôi đi hết dãy nhà, vòng sang bên hông. Dưới bóng mát của hai gốc cây rừng, 1 ông chuẩn úy (100% là huynh trưởng của tôi) mặt mày đen sạm, râu ria xồm xoàm, tóc dài quá mang tai nằm đu đưa trên chiếc võng, tay cầm lon bia Mỹ, dưới đất thêm vài cái lon không nằm lăn lóc.

Mới ra trường?

Giọng nói nhừa nhựa đầy men bia, câu hỏi trống không nhưng tôi biết dành cho tôi, vì tôi là người duy nhứt đứng trước mặt ông ta.

Vâng, tôi mới ra trường. Xin hỏi chuẩn úy, Bộ chỉ huy tiểu đoàn ở đâu?

– Tôi là Hòa, chuẩn úy Hòa. 2 giờ chiều rồi ai mà làm việc nữa, ngồi xuống đây làm vài lon, bia Mỹ mà không uống, phí cả cuộc đời.

– Ở chốn khỉ ho cò gáy này làm sao chuẩn úy có bia Mỹ để uống?

– Cái bọn cố vấn Mỹ, khi có việc cần nhờ vả gì mình bọn nó lại vác qua cho vài thùng bia, gọi là có qua có lại ấy mà.

– Thế bọn mình làm gì ở đây?

– Làm gì tôi cũng chả biết, lính cũng giống như thiên lôi, cấp trên sai đâu mình đánh đó, nói vậy chứ thiên lôi coi bộ còn sung sướng hơn bọn mình, chỉ làm việc vào những ngày mưa mà thôi. Lính tráng bọn mình bất kể mưa, nắng, đêm, ngày, cày đủ.

Đang nói chuyện ngon lành đột nhiên chuẩn úy Hòa im bặt, ông ta đứng lên lục lọi khắp mọi túi quần như muốn tìm cái gì đó. Tôi đưa chuẩn úy Hòa gói thuốc Lucky còn non một nửa.

– Ông giữ lấy mà hút, tôi còn nguyên 1 cây trong ba lô.

Chuẩn úy Hòa vừa đốt thuốc vừa nói:

– Ngày xưa, đây là căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt với một tiểu đoàn Biệt Kích Biên Phòng trấn giữ. Khi Mỹ rút, họ bàn giao căn cứ này cho tiểu khu, thế là tiểu đoàn của mình có công ăn việc làm, nằm cố thủ ở đây đợi pháo kích.

– Cho tôi hỏi ông một câu. Ông để tóc dài như vậy không bị phạt sao?

– Ông này chỉ được cái vớ vẩn, nãy giờ ông hỏi tôi bao nhiêu câu rồi? Ở đây có tất cả 3 sĩ quan người Kinh, mỗi người 1 đại đội, nay có thêm ông nữa là 4, chắc ông sẽ về đại đội 1. Tất cả đại đội trưởng của 4 đại đội đều là người Thượng, trong đó có 1 ông là Fulro đầu thú. Họ chấm tọa độ điểm đứng còn chưa xong, hơi đâu mà lo đến quân phong với quân kỷ.

Ngửa cổ nốc cạn lon bia, chuẩn úy Hòa nói tiếp:

Chiều rồi, xuống hầm của tôi kiếm chút cơm dằn bụng, xong đâu đấy tôi còn phải đi lo chuyện phòng thủ ban đêm.Ông nên nhớ núi rừng cao nguyên đêm xuống rất lẹ, chưa kịp làm gì trời đã tối thui cho mà xem.

– Hầm ở đâu?

– Ngay đây thôi, nguyên tắc căn bản ở đây là, muốn làm gì cũng được nhưng luôn luôn cách miệng hầm không quá 10 thước.

– Tại sao vậy?

– Khi nghe tiếng đạn pháo đầu tiên của địch đề pa, mình chỉ có tối đa 5 giây là phải ở dưới hầm, trễ hơn là bể gáo.

Đưa tay chỉ vào cuối hầm chuẩn úy Hòa nói:

Đêm nay ông ngủ tạm nơi chiếc ghế bố đàng kia.

Nhìn vào góc hầm tối thui như cái hũ nút, tôi chợt hiểu, hóa ra “Mặt trời không bao giờ rọi tới LOK” có nghĩa là ở dưới hầm, chỉ có vậy mà trung sĩ Bé còn bày đặt chơi chữ. Đang mò mẫm đi vào góc hầm chợt tiếng của chuẩn úy Hòa nhắc tôi:

– Nếu có pháo kích ông nhớ đội nón sắt, mang súng M16 đứng giữ cửa hầm, bất cứ ai chạy trên mặt đất ông cứ bắn thoải mái.

– Làm sao phân biệt được địch và bạn?

– Lính mình chỉ di chuyển dưới giao thông hào, trên mặt đất là vc. Nói vậy thôi chứ ông đừng lo, đó là trường hợp căn cứ bị tràn ngập.

*****

 

Chuẩn úy Trần văn Đạt, số quân… trình diện đại úy.

– Ông mới ra trường mà đã bày đặt ba gai phải không? Tới đây từ hôm qua sao hôm nay mới trình diện?

– Thưa đại úy, hôm qua tôi đi qua văn phòng của Bộ chỉ huy không thấy ai làm việc hết.

– Làm việc ở đó để ăn pháo rồi chết à?Tất cả mọi người ở đây đều ăn, ngủ, làm việc dưới hầm ông hiểu chưa?

– Thưa đại úy tôi có gặp chuẩn úy Hòa, ông ấy bảo để mai hãy trình diện.

Vung tay đập bàn cái rầm, vị đại úy gằn giọng:

Tôi là tiểu đoàn trưởng hay chuẩn úy Hòa là tiểu đoàn trưởng?

– Thưa đại úy, ông là tiểu đoàn trưởng.

– Trung sĩ Kim đâu? Đưa ông chuẩn úy này về đại đội 1, mà thôi chở ông ấy ra tiền đồn luôn.

Quay qua nhìn tôi, vị đại úy nói tiếp:

Ông ra nằm tiền đồn, 1 tháng sau tôi sẽ điều ông về đại đội. Ông đi ngay lập tức, tôi không muốn thấy mặt ông ở đây.

Theo chân trung sĩ Kim, tôi rời hầm chỉ huy mà lòng đầy khoan khoái. Tôi cười thầm trong bụng, lặn một hơi 10 ngày không mắng một câu, không ký một củ, không la một tiếng, trong khi chỉ trễ chút xíu lại đày đi tiền đồn, đã xuống địa ngục rồi tầng đầu hay tầng cuối cũng là địa ngục mà thôi, đang miên man suy nghĩ…

Chuẩn Úy à, ông làm thằng em kẹt theo rồi.

– Sao vậy?

– Từ đây ra tiền đồn, 8 cây số đường rừng quanh co khúc khuỷu với hàng ngàn cái ổ gà, cái nào cái nấy to như cái thúng, không biết mấy ngày qua Việt Cộng có chôn mìn không? Nếu bọn họ gài mìn, ông và tôi kể như chết chắc.

– Đại úy Châu vừa mới hù tôi xong, bây giờ đến ông phải không?

– Chuẩn úy mới tới nên không biết đó thôi, trong vòng 1 năm, 4 chiếc xe, vừa GMC, vừa Jeep của chi khu bị trúng mìn, thêm 2 xe đò dân sự với hơn 50 thường dân vừa Kinh, vừa Thượng, vừa đàn bà, vừa trẻ em bị chết. Từ đó đến nay xe cộ không được phép di chuyển, mà dù có cho cũng chẳng ai dám đi. Đường bộ từ Ban Mê Thuột vào bị đắp mô, đóng chốt, rồi bỏ phế, mỗi khi cần chuyển quân hoặc tiếp tế, phải hành quân mở đường và dò mìn trước đã.

Tôi quẳng cái ba lô lên xe Dodge 4×4 trèo lên ghế trưởng xa mà lòng đầy ngao ngán, than thầm cho cái số con rệp của mình. Những gì trung sĩ Bé ở phòng nhân viên tiểu khu nói với tôi hầu như là đúng hết, chỉ thiếu một điều ông ta không nói đến là: mìn.

Tiếng động cơ của xe Dodge nổ giòn, xe lăn bánh chầm chậm ra cổng của căn cứ rồi đột nhiên ngừng lại.

Chuẩn úy, tôi có chuyện muốn đề nghị với ông.

– Chuyện gì?

– Tôi nghi quá, linh tính báo cho tôi biết có sự chẳng lành. Không dò mìn mà đi ra tiền đồn thế nào cũng dính mìn, mà mìn chống chiến xa chứ chẳng phải chơi đâu. Xe tăng còn nát bét huống hồ gì cái xe Dodge nhỏ xíu này.

– Làm như có một mình trung sĩ biết sợ chết, tôi cũng sợ thấy mẹ.

– Hay là để tôi mượn xe Honda chở ông ra tiền đồn, đi xe hai bánh là an toàn trên xa lộ, mình có thể lách được không sợ ổ gà, vì ổ gà chính là chỗ vc chôn mìn.

– Sao mày không nói sớm?

Vì mừng quá tôi kêu trung sĩ Kim bằng mày, quên giữ gìn cách ăn nói lịch sự, xưng hô theo cấp bậc.

*****

Tiền đồn nằm trên đỉnh đồi sót, khá cao với hàng chục lớp kẽm gai bao bọc, một con đường mòn nhỏ cong quẹo, uốn lượn theo sườn đồi dần lên đỉnh.

Đón tôi dưới chân đồi là 2 binh sĩ, súng đạn đầy người, họ đứng nghiêm chào tôi rồi nói:

– Bọn em được lịnh xuống đón chuẩn úy.

Theo chân 2 người lính, tôi cứ từ từ vừa đi vừa ngắm cảnh, tiện thể quan sát cách phòng thủ của đồn. Những vỏ lon bia, vỏ lon thịt hộp treo lửng lơ trên những lớp hàng rào kẽm gai, thỉnh thoảng chạm vào nhau kêu lẻng kẻng khi có cơn gió nhẹ thoáng qua, tiếng kêu như nhắc nhở cho tôi biết là mình đang ở trong 1 tiền đồn nơi biên giới, xa thật là xa, xa lắc xa lơ, xa hẳn xã hội loài người.

Khi lên tới nơi tôi mới giật mình hoảng hốt, mồ hôi ướt như tắm không biết tại leo núi hay vì sợ. Chỉ có 2 binh sĩ đón tôi là người Kinh còn tất cả là người Thượng. Quân trường có bao giờ dạy tôi cách chỉ huy người Thượng đâu. Những binh sĩ này trước kia là Biệt Kích Biên Phòng, lính không có số quân, lãnh lương của Mỹ. Khi các trại Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, đổi thành Biệt Động Quân biên phòng, họ đào ngũ gia nhập Địa Phương Quân.

 

Tôi đang đứng ngay trên đỉnh đồi, nhìn quanh môt vòng cả một thung lũng bao la bát ngát, xung quanh là núi rừng bao bọc, cây liền cây, núi liền núi, cao ngút từng mây. Bề ngang thung lũng ước chừng 5 cây số, bề dài khoảng 20 cây số khiến tôi nhớ đến kích thước của thung lũng Điện Biên Phủ. Ngày xưa quân đội Pháp phòng thủ Điện Biên Phủ với khoảng vài chục ngàn quân, cộng thêm phi cơ, chiến xa và đại bác, đã bị thất thủ. Giờ đây, tôi phòng thủ cái tiền đồn bé tí ti với độ hơn chục người lính, coi bộ cuộc đời của mình không được khá cho lắm. Tôi đã đi đến tận cùng của trái đất, đã xuống tới tầng chót của địa ngục, từ đỉnh của tiền đồn quay một vòng 360 độ không một mái nhà, không một bóng người, đây là khu oanh kích tự do.

Tôi tập họp trung đội, trung sĩ nhất trung đội trưởng báo cáo quân số, chỉ vỏn vẹn 22 người. Nghe cũng an ủi được phần nào, 22 người dù sao cũng nhiều hơn con số mà tôi ước đoán. Súng cộng đồng trong đồn gồm có 2 đại liên M60, 2 súng cối 81 ly, đạn dược đầy đủ nếu không muốn nói là dư thừa. Sau khi tìm hiểu cách bố trí phòng thủ của tiền đồn, tôi kêu mấy tay xạ thủ súng cối, là người Thượng nhưng họ nói và nghe được tiếng Việt tuy không rành lắm.

Các ông có thấy cây cổ thụ ở ngoài xa, dưới chân đèo hay không?

– Thấy chớ.

– Điều chỉnh tác xạ, nhắm vào cây cổ thụ bắn cho tôi vài quả.

– Tuân lệnh.

Sau một hồi loay hoay tính toán về khoảng cách, cao độ, thuốc bổi, 4 viên đạn 81 ly thoát ra khỏi nòng súng hướng về phía cây cổ thụ. Tôi đang dùng ống dòm quan sát mục tiêu, bất chợt người hạ sĩ truyền tin vác máy PRC25 chạy ào đến, đưa ống liên hợp cho tôi:

– Đại úy tiểu đoàn trưởng trên máy, muốn nói chuyện với chuẩn úy.

– Cải cách, Ủng hộ, Đống đa.

– Ông dẹp mẹ nó mấy cái chữ ngụy hóa tào lao đó đi được không? Đang làm gì ngoài đó?

– Thưa đại úy, tôi đang điều chỉnh tác xạ súng cối 81 ly.

Tiếng của đại úy tiểu đoàn trưởng gằn giọng trong máy:

– Dạ thưa ông chuẩn úy, ông muốn điều chỉnh tác xạ thì kệ ông nhưng trước khi bắn ông phải báo cáo về căn cứ, ông có biết tất cả mọi người ở đây khi nghe súng cối đề pa là xuống hầm hết hay không? Họ đang báo động là vc pháo kích. Tôi chỉ tiếc là không còn chỗ nào nữa để đưa ông đi, không lẽ lệnh cho ông dẫn vài thằng lính, ôm lựu đạn đi kích ở chân đèo?

Ngừng một chút như để dằn cơn giận (tôi đoán như vậy), đại úy tiểu đoàn trưởng rên rỉ:

– Chuẩn úy ơi là chuẩn úy, ông làm ơn quên cái quân trường của ông được không? Đợi ông tính toán xong xuôi, bắn được 1 viên đạn súng cối, tụi vc đã tràn ngập mẹ nó cái đồn của ông rồi.

Mãn hạn trấn thủ lưu đồn, tôi được gọi trở về căn cứ. Chuẩn úy Hòa đã chuẩn bị sẵn 1 bữa tiệc thịnh soạn với đủ món ngon để đón người về từ đỉnh núi. Một nồi canh rau muống nấu với tôm khô trong đó có thêm mấy trái cà chua đỏ tươi, cá lóc kho tiêu, 1 đĩa trứng chiên. Hơn 1 tháng ở tiền đồn chỉ toàn cá khô, thịt hộp, cơm sấy và rau rừng gồm đủ mọi thứ lá, từ đăng đắng, nhân nhẩn đến chua chua, giờ đây được ăn canh rau muống, quả thật đây là thứ rau ngon nhất trần đời. Cơm nước xong xuôi lại đến màn cà phê phin với sữa đặc có đường hiệu ông Thọ đàng hoàng, mùi cà phê thơm lừng, vị ngọt của đường, chút béo của sữa, hòa với cái đăng đắng của cà phê mới hớp một ngụm đã thấy sảng khoái cả tâm thần, bao nhiêu là mệt mỏi khổ cực biến đi đâu mất.

Bum… bum.. .bum.

– Pháo kích, pháo kích.

Tiếng la của ai đó từ bên ngoài vọng vào, âm vang chưa kịp dứt tôi đã nghe ầm… ầm… ầm…

Không biết bao nhiêu là trái đạn súng cối 82 ly tới tấp thi nhau nổ, những tiếng nổ liên tiếp kéo dài liên tu bất tận. Hình như có 1 trái 82 ly rơi trúng ngay nóc hầm, tôi cảm nhận được sự rung chuyển khác thường của mặt đất, bụi từ trên nóc hầm lã chã rơi xuống mù mịt căn hầm khiến tôi tưởng như mình đang đứng trong 1 con tàu lắc lư, chao đảo, ngả nghiêng trong cơn bão tố. Lần đầu tiên trong cuộc đời, thật sự với chiến trường, đứng trước mũi tên hòn đạn, thấy được cái chết sừng sững trước mắt, tôi lặng người đi vì sợ hãi, hoảng hốt thì đúng hơn. Khi đạn pháo bắt đầu thưa dần, tôi mới bình tỉnh trở lại. Trời đánh tránh bữa ăn, nhìn ly cà phê váng bụi, tiếc của trời tôi bưng lên ực một hơi, cà phê thoang thoảng mùi con gián chết. Tôi vơ vội cây súng M16 cùng với chuẩn úy Hòa chạy ra giao thông hào.

Lúc này, 2 khẩu đại bác 105 ly của căn cứ bắt đầu phản pháo, đạn 105 ly vụt đi, chưa biết có trúng được nơi vc đặt súng hay không nhưng âm thanh của nó nghe thật là phấn chấn, đã cái lỗ tai.

Lại đến đợt pháo thứ hai, lần này ít hơn chỉ độ vài chục trái. Người lính đứng bên cạnh tôi nói:

– Không sao đâu chuẩn úy, ở đây pháo ban ngày, không sợ cái màn “tiền pháo hậu xung” lát nữa lên dọn dẹp là xong chuyện, coi như không có gì xảy ra.

– Hạ sĩ ở đây bao lâu rồi?

– Gần 1 năm, lúc đầu khi mới tới đây sợ pháo kích quá sức, riết rồi thành quen đâm ra lờn, có pháo cũng như không.Mà nè, làm1 điếu thuốc cho ấm phổi đi chuẩn úy.

– Làm thì làm, sợ gì.

Đang say sưa tán gẫu, tôi bỗng giật mình.

– Chuẩn úy Đạt, có lịnh gọi ông đi trình diện.

Tôi vội vàng đi qua hầm của bộ chỉ huy. Trên đường đi, tôi tình cờ gặp 1 người lính nằm bò càn dưới đất, chân mang đôi giày bốt đờ sô to quá khổ so với thân hình của ông ta. Ông đang dùng lưỡi lê để đào 1 trái đạn súng cối 82 ly chưa nổ. Khi moi được một nhúm đất, ông ta dùng tay gạt nhẹ qua một bên rồi lại đào tiếp, khi đào được phân nửa trái đạn, cái đuôi viên đạn súng cối đã hiện nguyên hình, bất ngờ người lính rút hai tay lại xoa vào nhau rồi nói một mình: “hãy còn nóng”.

Tôi hỏi:

– Anh đang làm gì vậy?

Quay đầu nhìn tôi, người lính nói:

– Đào đem đi dụt, chuẩn úy.

Giọng nói của người miền Nam chứa đầy chơn chất, thoải mái, nghe sao lạc loài xa lạ, bởi vì đa phần lính ở cao nguyên thường là dân gốc miền Trung. Tôi đoán là anh ta ở trong toán tháo gỡ đạn dược. Không muốn hỏi nhiều khi anh ta đang thi hành công vụ, tôi lặng lẽ quan sát hiện trường. Nhìn gương mặt của anh ta đỏ gay đỏ gắt, mồ hôi nhễ nhại chảy dọc theo hai bên thái dương, nhìn trái đạn còn nóng hổi, tôi suy nghĩ một chút rồi lẹ làng dọt mau mau cho được việc, đứng đó lạng quạng lỡ trái đạn nổ bất thình lình,mình bị chết lây lảng nhách.

Tôi trình diện trung úy đại đội trưởng, ông ta là người Thượng nhưng nói tiếng Kinh khá sõi:

– Chuẩn úy sẽ là trung đội trưởng trung đội 1. Ông đi gặp hạ sĩ quan tiếp liệu lãnh địa bàn, bản đồ và vật dụng cần thiết. Hôm nay đại đội của…

Ầm… chỉ một tiếng nổ vang lên từ bên ngoài, Trung úy đại đội trưởng nghiêng đầu như nghe ngóng rồi hỏi:

– Cái gì nổ vậy?

– Trung úy có muốn tôi ra coi không?

– Thôi kệ nó đi, hôm nay đại đội của mình đi hành quân 7 ngày, mục tiêu là lục soát vùng vc đặt súng cối, ông về chuẩn bị.

Trên đường về, tôi thấy mấy người lính quân y bu quanh xác 1 người lính không đầu với mảnh hình hài nhầy nhụa nát tan. Nhìn xuống đôi giày bốt đờ sô to quá khổ, tôi biết anh ta là ai rồi. Mới nói chuyện với tôi đó mà, cuộc sống phù du, sống đó rồi chết đó, dễ dàng như chuyện uống miếng nước, ăn chén cơm, hút điếu thuốc.

 

*****

 

Trung đội phó báo cáo quân số của trung đội, tôi kiểm soát lại cấp số đạn và 7 ngày lương khô của binh sĩ. Trong lúc tôi đang dùng viết chì mỡ khoanh vùng đỉnh núi, chỉ cho trung sĩ nhất trung đội phó mục tiêu của cuộc hành quân.

– Chuẩn úy, em là Năm Thẹo, ông đưa hết đồ đạc cá nhân của ông em mang cho. Từ đây về sau ông thầy cứ yên tâm, mọi chuyện đã có Năm Thẹo lo hết.

Tôi nhìn anh binh nhì đang đứng trước mặt, trạc tuổi tôi nhưng thân hình to lớn kềnh càng, tóc quăn, da mặt ngăm ngăm đen với đôi mắt sáng quắc, thoạt nhìn đã thấy rõ cái ngang tàng ngạo nghễ trong con người của anh ta. Một vết thẹo dài chạy dọc theo bên má trái từ chân mày đến cằm, vết thẹo làm tăng thêm phần lì lợm, bụi đời trên gương mặt của Năm Thẹo. Thật sự mà nói nếu không nhờ vào bộ đồ lính với cặp lon chuẩn úy nơi cổ áo, có cho kẹo tôi cũng không dám nhìn anh ta. Tôi lấy gân, gồng mình hỏi:

Ngày xưa em ở đâu?

– Dạ, Tôn Đản, Khánh Hội, ông thầy.

– Có phải du đãng không đó?

Năm Thẹo chắt lưỡi, gãi đầu:

– Dạ, cũng có dính líu chút ít.

– Năm Thẹo nè.

– Có gì chuẩn úy.

– Mày vén áo lên tao coi, còn 4 cái thẹo nữa ở đâu?

– Ông thầy ơi, 1 cái thẹo trên mặt, thêm 2 cái xương sườn gãy khi bị du đãng Cầu Muối thanh toán khiến em nằm nhà thương cả tháng trời,nếu lãnh thêm 4 cái thẹo nữa chắc em chết từ cái đời nào rồi. Em tên Năm, vì có cái thẹo trên mặt nên bạn bè gọi là Năm Thẹo, riết rồi chết tên luôn.

Tôi chọn Năm Thẹo làm đệ tử và biết rằng kể từ đây mạng sống của tôi và Năm Thẹo sẽ buộc chặt lấy nhau. Tôi cần đến sự giúp đỡ của Năm Thẹo trong khi đi hành quân. Ngược lại chưa hẳn Năm Thẹo cần đến sự bao che của tôi.

Sau 2 ngày leo núi, tối ngày thứ ba đại đội đóng quân trên đỉnh núi với thế đất hình yên ngựa, chuẩn bị sáng hôm sau sẽ lục soát đỉnh núi bên cạnh, nơi vc đặt súng cối.

Suốt đêm, trên đỉnh núi cao vời vợi, tôi nằm một mình trên chiếc võng nghe gió hú, từng hồi, từng cơn, tiếng gió hú nghe như từ cõi âm vọng về lạnh lùng đến rợn gáy. Năm Thẹo bất chợt nói với tôi, giọng nói nhỏ như là tiếng muỗi kêu:

– Ông thầy, lần đầu nghe gió hú phải không?

– Ừ, nghe nó rờn rợn làm sao ấy.

– Nghe riết rồi cũng quen thôi ông thầy à, gắng ngủ đi, lấy sức mai còn lội tiếp.

Mờ sáng ngày thứ tư, khi sương mù còn bao phủ dày đặc trên đỉnh núi, tôi dẫn trung đội 1 đi đầu tiến đến mục tiêu. Tiểu đội 1 báo cáo có nhiều đường mòn, họ tránh không dùng đường mòn vì sợ mìn bẫy. Khi trung đội của tôi đã chiếm đóng mục tiêu, bố trí phòng thủ xong, 3 trung đội còn lại lần lượt đến. Lịnh của đại đội trưởng cho các trung đội bung rộng ra để lục soát, tìm nơi chôn giấu súng cối và đạn.

Ầm… ầm… 2 tiếng nổ liên tục, tôi biết có chuyện chẳng lành. Qua máy PRC 25, trung đội 3 báo cáo với đại đội trưởng, 2 binh sĩ chết, 2 bị thương do mìn vc gài lại. Cùng lúc đó tôi nhận được lịnh dùng mìn phá rừng, dọn bãi đáp cho trực thăng tải thương.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ làm việc cật lực, chúng tôi phát quang được 1 khoảng trống khá rộng đủ chỗ cho trực thăng sà xuống bốc người.

Vẫn biết rằng “Xưa nay chinh chiến mấy ai về”, bài Lương Châu Từ còn đó nhưng khi nhìn 2 xác chết được cuốn gọn trong tấm poncho, đầu đuôi cột chặt, thêm phiếu tải thương cột bên hông khiến tôi nghĩ đến chuyện da ngựa bọc thây tưởng chỉ có trong điển tích của Tàu, giờ đây nó ngay trước mắt mình. Những ngày đầu vào lính, khi lãnh quân trang có thêm cái poncho, tôi chỉ nghĩ là nó dùng để che mưa, không biết được công dụng khác là dùng như tấm da ngựa để bọc thây khi chết. Tôi nói với Năm Thẹo:

Nếu tao có phải cuộn mình trong tấm poncho, mày làm ơn nhắn lại với ba má của tao là: “Tao thương ông bà”, chỉ có thế thôi.

1 đại đội phòng thủ căn cứ, 2 đại đội hành quân di động tiêu diệt địch ở bên ngoài, có nghĩa là cứ lội 15 ngày trong rừng, sau đó về phòng thủ căn cứ dưỡng quân 15 ngày.

 

1 năm rưỡi trôi qua, 1 năm rưỡi dãi nắng dầm mưa, hít thở cái lạnh lẽo của cao nguyên, cơm chỉ là gạo sấy thịt hộp, nước có suối cạn trong rừng, đụng độ với địch 5-7 lần, tôi lãnh được 2 cái huy chương, cộng thêm cái biệt danh “Đạt Húc”.

Ngày tôi lên chức thiếu úy cũng là lúc thực thụ nắm đại đội trưởng, cũng ăn tục nói phét như điên, chửi thề uống rượu như máy. Tôi là đại đội trưởng sáng giá nhứt của tiểu đoàn, là cánh tay mặt của tiểu đoàn trưởng, ông ta coi tôi như thằng em nhỏ, tình thân giữa ông và tôi là cái tình nửa nhà binh nửa là người anh lớn lo cho thằng em. Tôi tưởng rằng cuộc đời của mình sẽ cứ như vậy mà đi qua, không ngờ có một ngày đặc biệt khiến tôi nhớ mãi suốt đời, ngày mà cuộc đời lính của tôi bước sang khúc quanh mới.

Hôm ấy, tôi với tiểu đoàn trưởng cùng vài người lính trong tiểu đoàn uống rượu tiêu sầu, ở chốn thâm sơn cùng cốc này ngoài rượu ra còn có gì để mà giải sầu đâu? Sau vài ly xây chừng, tôi hỏi đại úy:

Ngày mới ra trường khi trình diện, tại sao ông giận dữ đày tôi đi tiền đồn?

– Có gì đâu, tao không thích chuẩn úy Hòa vì nó đánh đấm chẳng ra cái con mẹ gì, đã vậy suốt ngày cứ say sưa. Chú mày mới chân ướt chân ráo đến đây đã có vẻ muốn theo chân chuẩn úy Hòa, cho nên tao đày đi tiền đồn cho bỏ ghét.

– Nếu lúc đó trên đường ra tiền đồn, xe Dodge bị trúng mìn nát bét thì sao?

– Chú mày nhắc tao mới nhớ. Sau khi chú mày đi rồi tao mới hết hồn, trong lúc nóng giận tao quên mất chuyện mìn gài đầy đường. Đang còn bực bội chưa hết, tiếp theo chuyện chú mày lại điều chỉnh tác xạ súng cối khiến tao giận cành hông, vc pháo kích vào căn cứ là chuyện thường tình, đàng này phe ta pháo kích phe mình, không giận sao được.

– Đại úy à, tôi còn thêm câu hỏi này nữa. Ngày đó tôi còn ngơ ngơ ngáo ngáo như con ngỗng đực lại thêm không gốc, không rễ cho nên mới bị đày xuống đây. Đại úy chắc cũng vậy chứ gì?

– Chú mày chỉ được cái giỏi là suy bụng ta ra bụng người. Đúng, tao bị đày xuống đây nhưng lý do thì khác, tao đâu có phải là con ngỗng đực.

Đại úy Châu xé miếng khô nai to bằng bàn tay đưa lên trước mặt lật qua rồi lật lại, ông nói mà như là than thở:

Cuộc đời của tao nó cũng bầm dập như miếng khô này, bị phơi không biết bao nhiêu là nắng, sấy cho đến lúc khô queo khô quắt, giờ đây lại bị nướng trên lửa than rồi hun khói, cháy đen thui là phải. Chú mày biểu Năm Thẹo xé nhỏ miếng khô này, dầm trong tô nước mắm ớt, chanh đường rồi đem lên đây.

– Đại úy cần gì nữa không?

– Không.

Đưa tay với lấy cái zippo có hình con cọp nâu nhe hàm răng đủ 13 cái, đại úy Châu đốt 1 điếu thuốc Ruby quân tiếp vụ, khói thuốc màu trắng xám chập chờn uốn lượn trong không gian, lan tỏa khắp căn hầm, ông nhắm mắt như muốn thả hồn theo khói thuốc:

– Thiếu tá Nguyễn Văn Tinh Châu, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Biệt Động Quân là tao.

Tôi lặng người đi vì không ngờ sếp của mình trước kia là thiếu tá, mà lại là thiếu tá tiểu đoàn trưởng của một binh chủng lừng danh.

Đại úy, ông bị giáng cấp phải không?

Không buồn trả lời câu hỏi của tôi, đại úy Châu nâng ly rượu nốc một hơi, ông uống rượu mà mặt nhăn mày nhíu như là đang uống cạn đắng cay của cuộc đời. Đặt cái ly không xuống bàn, đại úy Châu thong thả nói, giọng nói nghe trầm trầm như âm vang từ quá khứ vọng về:

Ở một vùng biên giới, chú mày có biết nơi mà giòng sông chảy ngược hay không?

– Đại úy nói gì? Nước chảy ngược?

– Ừ, tất cả sông ở miền Trung của Việt Nam đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn chảy về hướng đông, tức là chảy ra biển, riêng khúc sông này nó lại chảy về hướng tây, tức là đổ qua Lào, cho nên người ta gọi nó là sông chảy ngược. Tại đây, 1 đại đội đi đầu của tao đụng độ nặng với Việt Cộng. Địch quân đông như kiến, hỏa lực hùng hậu, hàng chục khẩu cối 82 ly pháo như mưa vào cái đám con của tao. Chú mày biết rồi, bên kia biên giới là an toàn khu của Việt Cộng, nơi mà họ dưỡng quân, nghỉ ngơi thiếu điều dựng lều hát chèo, xây sân khấu cho văn công trình diễn văn nghệ cũng chẳng có ai làm gì. Trong lúc đại đội bị nguy khốn cần yểm trợ hỏa lực, tao yêu cầu cố vấn Mỹ xin không yểm, nhìn gương mặt lạnh lùng như cái xác chết của thằng cố vấn, kèm theo giọng nói tĩnh bơ như không phải chuyện của nó “Bên kia biên giới, không quân Mỹ không yểm trợ được vì vi phạm luật trung lập của Lào”.

Rừng núi bao la,cây cối xanh um, mây trắng ngút ngàn, 1 đường kẻ cong quẹo trên bản đồ, nhỏ như sợi chỉ gọi là đường biên giới nó quá sức mù mờ, đẩy qua phía bên kia dăm ba cây số cũng được, kéo lại bên này vài cây số cũng xong, biết đâu là chân lý? Giận thằng cố vấn Mỹ cứng ngắt theo nguyên tắc, nóng ruột vì của đau con xót, đám con của tao đang khắc khoải đợi chờ yểm trợ từng giây từng phút, cứu binh như cứu lửa, chậm một phút kể như ôm hận ngàn đời. Tao nổi điên rút cây colt 45, lên đạn.

Tôi nghĩ rằng mình biết về sếp của mình nên lanh chanh hớt lời:

– Chỗ này tôi biết, ông bắn chết thằng cố vấn Mỹ chứ gì?

– Nói tầm bậy, ai nói với chú mày như vậy?

– Bọn lính vẫn thường thầm thì, to nhỏ với nhau là ngày xưa ông đã từng bắn chết 1 viên cố vấn Mỹ.

Một thoáng không vừa lòng hiện ra trong đôi mắt của đại úy Châu, ông chỉ vào cây cột to chần dần giữa hầm:

Chú mày qua dựa lưng vào cây cột đó rồi nói chuyện cho đở mỏi.

– Tôi còn khỏe mạnh, có mệt mỏi gì đâu.

– Ông bà mình có nói “Biết thì thưa thốt,không biết thì..”

Tôi ngậm câm như thóc rồi tự hứa với mình là phải học hỏi thêm nhiều nơi ông, bỏ đi cái tính nhanh nhẩu đoảng.

Đại úy Châu rót thêm rượu vào cái ly của tôi:

Thói đời, có ít cứ nới cho nhiều, thêm thắt, vẽ vời cho lắm, có 1 đồn 10, dám tụi nó đồn tao là hung thần giết người như ngoé cũng nên. Tao chỉ bắn què giò thằng cố vấn Mỹ sau đó phải tự lực cánh sinh, đem mấy đại đội còn lại cấp tốc đi đường vòng đánh thẳng vào nơi đặt súng cối của Việt Cộng, giải vây cho đám con của tao. Tao cứu được đám con đem về bên này biên giới nhưng không cứu được bản thân tao. Ra tòa án quân sự vì tội bắn cố vấn, tao bị lột lon, giáng 1 cấp và đuổi ra khỏi binh chủng. Tao mang lon đại úy và đi đày ở đây như mày thấy. Đã 3 năm qua rồi, giờ này tất cả đã chìm sâu vào dĩ vãng. Tao không bao giờ ân hận về việc làm của mình, cũng như không bao giờ quên binh chủng, máu của cọp mũ nâu vẫn còn chảy trong huyết quản của tao. Mỗi khi nhớ tới đơn vị cũ tao lại bận bộ đồ Biệt Động Quân, bận để thương nhớ binh chủng của mình hơn là tiếc cho cái lon thiếu tá. Nhưng mà thôi, chuyện xưa dẹp qua một bên để dành làm kỷ niệm. Tao có món quà đặc biệt, chú mày sinh quán ở đâu?

– Đalat.

– Tao chỉ muốn hỏi lại thôi, không có gì bàn cãi nữa. Đây là công điện từ bộ Tổng Tham Mưu gởi tiểu khu Darlac với nội dung là trường Võ Bị Đalat cần 1 sĩ quan tham mưu, tao đã dành chỗ này cho chú mày. Sau khi nhậu xong, qua bên cố vấn Mỹ theo trực thăng về tiểu khu để hoàn tất thủ tục thuyên chuyển. Lẹ lên, không được bỏ lỡ cơ hội, cờ tới tay mà không chịu phất, chần chờ sẽ có đứa khác nó chộp mất.

– Tôi có biết gì về tham mưu đâu. Nghề của tôi là húc mà.

– Đừng có lo, trước đây 2 năm, có bao giờ chú mày nghĩ rằng chú mày là 1 thằng đại đội trưởng có hạng hay không?

– Ông nói cứ như thiệt, đâu phải điền đơn xong là được thuyên chuyển, trường Võ Bị Đalat, chỗ đó là nơi mơ ước của không biết bao nhiêu là người.

– Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Tao đi đày ở đây, coi như là chết rồi nhưng tên tuổi, tiếng tăm của tao vẫn còn. Ở cái tiểu khu này có ai mà không biết tao. Khi phòng nhân viên thấy chữ ký của tao, hồ sơ của chú mày sẽ chạy nhanh như gió, hơn nữa chú mày cũng nên học hỏi chút đỉnh việc đời, dầu gì Đại tá Tỉnh trưởng với tao cũng là chỗ thân tình, tao với ông ấy vốn là bạn cùng khóa.

Vui buồn lẫn lộn, về quân trường đúng là nơi an toàn cho bản thân, khỏi phải đi hành quân lội suối băng rừng nhưng những ân tình của lính cũng như là của tiểu đoàn trưởng đã dành cho mình thì sao? Tôi còn sống cho đến ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của họ, lấy gì báo đáp đây?

– Đại úy, tôi có 1 thỉnh cầu xin đại úy giúp cho.

– Gì nữa đây?

– Tôi đi rồi bỏ Năm Thẹo bơ vơ một mình, tội nghiệp nó.

– Tao vẫn thích những đứa thủy chung, có trước có sau như mày. Tao sẽ đem Năm Thẹo về Bộ chỉ huy tiểu đoàn với tao, mày vừa ý chưa?

– Chưa, đại úy à, thằng em đi rồi ông ở với ai?

– Chú mày khéo lo bò trắng răng. Khi nào vc ũi sập cái căn cứ này, lúc đó mày hãy lo.

Ngày rời khỏi địa ngục trần gian, tôi ôm đại úy tiểu đoàn trưởng khóc ròng.

 

*******

 

Cổng Nam Quan của trường Võ Bị Đalat không to lớn, không đồ sộ, trên nóc cổng là ngọn cờ Quốc Gia tung bay phất phới, dưới chân cột cờ là phù hiệu của trường với thanh kiếm bạc chỉ thẳng lên trời, thêm hàng chữ “Tự thắng để chỉ huy” nổi bật trên nền gạch đỏ, nhờ sự phối hợp hài hòa khiến cổng trường trông oai nghiêm, hùng dũng. Hình ảnh cổng Nam Quan, biểu tượng của trường Võ Bị Đalat như in sâu vào trong trí nhớ của tôi. Tôi bước chân qua cổng. Bắt đầu từ đây, tôi là sĩ quan cơ hữu của trường.

Theo con đường tráng nhựa sạch bong, không 1 cọng rác, hai bên vệ đường cỏ mọc xanh rì, được cắt tỉa gọn gàng, tôi đi thẳng đến phòng nhân viên. Trên đường đi, tôi chào kính mệt nghỉ, chào mỏi tay. Sau này tôi mới rõ thêm, trường Võ Bị Đalat là nơi quần anh tụ hội. Hình như ở đây quan nhiều hơn lính,quan cấp úy đếm không hết, quan cấp tá phải vài chục ông, đã vậy có lúc trong trường còn thêm 2 ông tướng, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng, Chuẩn tướng Chỉ huy phó.

Mang 1 cái bông mai trụi lũi như tôi, chào kính mỏi tay là phải. Chưa chi tôi đã nản chí anh hùng, muốn hát bài “Hổ nhớ LOK”, một mình một chợ,tha hồ múa gậy vườn hoang, dẫn gần trăm người lính, lội nửa tháng trong rừng nhìn khắp bốn phương, tìm khắp tam hướng chỉ thấy cái bông mai của mình là lớn nhất.

Trường Võ Bị Đalat xây trên ngọn đồi thấp với cao độ 1500 mét, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5km, được kiến trúc theo kiểu Mỹ gồm nhiều dãy nhà 4 tầng. Dùng làm nơi ở cho sinh viên có 4 doanh trại, mỗi doanh trại có khoảng 100 phòng ngủ, phòng ăn rộng mênh mông bát ngát, đủ sức dọn ăn cho trên 1 ngàn sinh viên cùng ăn một lượt, thư viện với đầy đủ sách cho sinh viên nghiên cứu, riêng nhà thí nghiệm nặng được xây âm dưới đất. Sân cỏ của vũ đình trường Lê Lợi lúc nào cũng xanh mướt với con đường tráng nhựa bọc quanh, tất cả đều sạch sẽ ngăn nắp. Qua cái nhìn đầy chủ quan của tôi, khó có học viện quân sự nào ở Đông Nam Á có thể sánh bằng.

 

Điều hành trường gồm có 3 khối: Văn hóa, Quân sự và Tham mưu, phòng làm việc của tôi ở tầng 2 ngay cầu thang xoắn ốc của Bộ chỉ huy, đối diện với phòng của Thiếu tướng Chỉ huy trưởng.

Đang từ 1 chỗ quanh năm suốt tháng sống dưới những căn hầm chật chội, ẩm thấp đêm cũng như ngày lù mù lờ mờ trong ánh sáng của ngọn đèn dầu hột vịt bé tí tẹo, giờ đây tôi ngồi làm việc trong căn phòng rộng rãi, thoáng mát với tất cả đầy đủ tiện nghi. Hơn 10 cái điện thoại trước mặt, gồm 2 hot line dùng để liên lạc trực tiếp với phòng 3 của bộ Tổng Tham Mưu, 2 class A liên lạc khắp miền Nam, 2 class C liên lạc trong tỉnh và 5 điện thoại nội bộ, phải mất cả tháng trường tôi mới tạm quen với công việc.

Có những buổi chiều thu, khi mây xám giăng đầy bầu trời Đalat, từng cơn mưa phùn kéo nhau qua quân trường, mưa nhè nhẹ, từng hạt mưa nhỏ, nhỏ như hạt bụi vướng vào cửa kính, trong phòng hơi nước phủ mờ mặt gương, thoải mái với không khí ấm cúng của căn phòng khiến tôi bồi hồi nhớ lại những cơn mưa ở LOK. Nhớ những buổi chiều trên cao nguyên vùng biên giới với bầu trời xám xịt, nằm trên chiếc võng nhìn từng giọt nước theo sợi dây cột ở đầu võng rơi tóc tách,âm thanh nghe buồn đến nát ruột, nhớ đến những người lính co ro, run rẩy trong bộ quần áo sũng nước mưa. Nhớ Năm Thẹo vác tôi chạy như bay đến trực thăng tải thương, dưới cơn mưa pháo của vc. Nhớ đại úy tiểu đoàn trưởng quay người bước đi như trốn chạy khi ông ta tiển tôi rời khỏi LOK. Đột nhiên ý tưởng xin trở về LOK hiện ra trong đầu tôi.

 

Gần 5 năm ở trường Võ Bị Đalat, tôi chưa một lần đụng đến cây súng treo ở góc phòng. Phải đợi cho đến cuối tháng 3 năm 1975, tôi mới cầm lại cây súng M16 cùng với quân nhân cơ hữu và khoảng 1 ngàn sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đalat di tản về Long Thành, tạm trú chung với sinh viên sĩ quan của trường Bộ binh Thủ Đức.

Giã từ đồi Tăng Nhơn Phú, sau 7 năm lưu lạc, tôi trở về để tình cờ thấy lại hình bóng của mình ngày xưa với mồ hôi nhễ nhại, cát bụi lấm lem đầy người, đang thi hành lịnh phạt 20 cái bơm dầu, bên cạnh ông huynh trưởng đứng phùng mang trợn mắt huấn luyện đàn em. Trở về đây để thấy thuở còn là sinh viên sĩ quan, đang thực tập tác xạ ở sân bắn dưới cái nóng như thiêu đốt của Thủ Đức. Tôi trở về trong lúc đất nước đang ở trong tình huống cực kỳ bi thảm. 27 tuổi,cái tuổi lo chưa tới, tôi trở về trường mẹ để rồi phải ngậm ngùi, buồn thấm thía với câu nói của cổ nhân: “Lá rụng về cội”.

Khi nghe đọc lời tuyên bố buông súng chờ bàn giao trên đài phát thanh Sàigòn, tôi hơi bàng hoàng sửng sốt mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước.

Tôi mượn ông cậu của tôi bộ đồ dân sự tròng vô người, bộ đồ rộng thùng thà thùng thình trông chẳng ra làm sao cả, nhưng nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ. Tôi phóng Honda ra đường, chạy ngang qua trại Hoàng Hoa Thám, nơi tôi đã cùng 200 Sinh viên Võ Bị Đalat về đây học nhảy dù, suốt 5 tuần lễ, sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng vừa chạy vừa đếm nhịp.

Nhảy dù cố gắng

Cố gắng nhảy dù.

Qua Lăng Cha Cả với mấy chiếc tăng T54 cháy đen thui, chứng tích sự kháng cự của Nhảy Dù. Dọc theo đường Công Lý, đây là con đường 1 chiều, thế nhưng hàng ngàn chiếc Honda cái chạy xuôi, chiếc chạy ngược cứ loạn cả lên, mạnh ai nấy chạy. Hình như người ta chạy để mà chạy chứ chẳng biết chạy đi đâu. Hai bên lề đường giày bốt đờ sô, nón sắt, súng M16 cùng với những bộ quần áo rằn ri vứt lăn lóc, lòng tôi chợt quặn đau khi nhớ tới bộ đồ dù, trong đáy túi quân trang của tôi khi còn ở quân trường.

Đến trước Dinh Độc Lập tôi hơi rợn người, xe tăng của vc đã đậu khắp trong sân. Bên ngoài cũng tăng và lính Cộng Sản bố trí khắp công viên, kéo dài qua tòa Đại sứ Mỹ thẳng về phía Sở Thú, trùng trùng điệp điệp xe tăng và lính Cộng Sản.

Trên nóc Dinh Độc Lập cờ Quốc Gia đã được thay bằng lá cờ 2 màu xanh đỏ của Mặt Trận Giải Phóng. Tôi cố nhìn một lần cuối cùng, muốn ghi lại trong trí nhớ của mình hình ảnh Dinh Độc Lập trong cảnh dầu sôi lửa bỏng. Trong lúc tất cả mọi chuyện hình như đã đặt dưới sự kiểm soát của vc, đột nhiên từ cánh phải bên trong Dinh Độc Lập nhiều loạt đạn M16 thi nhau nổ giòn giã, xé tan cái bầu không khí ngột ngạt, khó thở. Tiếng súng nghe như đầy căm phẩn, xen lẫn với đau thương uất hận,khiến tôi nghĩ đến hình ảnh con mãnh sư mang thương tích trầm trọng khắp mình, cất tiếng hú bi ai trước giờ tử biệt. Qua kẽ hở hàng rào dinh, tôi thấy lính Cộng Sản rối loạn hẳn lên, người ta chen lấn, đổ dồn về phía hàng rào. Tôi đoán ngay đó là những tiếng súng của Liên Đoàn Phòng Vệ Tổng Thống Phủ, tiếng súng của những người lính có nhiệm vụ bảo vệ Dinh Độc Lập.

Khoảng 5 phút sau từ cánh cửa nhỏ bên hông của dinh, 1 ông thiếu úy Cảnh Sát Dã Chiến hai tay ôm vòng ra phía sau đầu bước ra, theo sau ông ta khoảng 1 trung đội Cảnh Sát Dã Chiến. Không tin vào đôi mắt của mình, Cảnh Sát Dã Chiến lại phòng thủ Dinh Độc Lập, chuyện khó tin nhưng những bộ đồ bông da báo, màu nâu đậm và vàng nhạt, thêm chiếc mũ nồi màu đen đã xác nhận họ là Cảnh Sát Dã Chiến.

Tất cả xếp hàng một dọc theo hàng rào, mặt quay vào tường, quỳ xuống, riêng viên thiếu úy không chịu quỳ, ông ta đang nói gì đó với đám lính Cộng Sản. Trong lúc bất ngờ 1 cán binh vc giáng nguyên cái báng súng AK vô đầu viên thiếu úy, thêm một cái đạp sau bắp chân. Tôi thấy ông ta quỵ xuống đất, thân hình lao đảo, ngả nghiêng nhưng vẫn cố gắng gượng lại, cuối cùng như một con báo vàng với vết thương đâm ngay tử huyệt, cả thân hình của viên thiếu úy đổ dài xuống đất. Ông ta nằm bất động, một dòng máu tươi chảy dọc theo mang tai, lan dần như một vết dầu loang để rồi cuối cùng nhuộm đỏ cái bông mai vàng nơi cầu vai áo.

Mắt của tôi cay. Môi của tôi mặn, bất lực đứng nhìn, thương cho viên thiếu úy Cảnh Sát Dã Chiến, thương cho mình, thương cho Việt Nam.

 

*****

 

Bất tuân thượng lệnh khi đối đầu với địch quân sẽ bị đưa ra tòa án quân sự mặt trận xét xử.

Viên thiếu úy Cảnh Sát Dã Chiến, đứng trước hàng trăm chiếc tăng T54, PT76 với đại bác, đại liên, trước hàng ngàn lính Cộng Sản với đầy đủ AK và B40, ông ta cùng với trung đội của mình đã không chịu buông súng đầu hàng theo lệnh của cấp trên. Có nên đưa ông thiếu úy và trung đội Cảnh Sát Dã Chiến của ông ta ra tòa án quân sự hay không?

 

Câu trả lời xin nhường lại cho quý vị. Phần tôi, tôi chỉ thuật lại những gì tôi thấy.

 

Khi mà tôi biết được bộ đồ bông da báo của Cảnh Sát Dã Chiến cũng đẹp và oai hùng như bộ đồ rằn ri của Nhảy Dù thì mọi chuyện đã trễ rồi. Đồng hồ đeo tay của tôi chỉ 1 giờ kém 5 trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

Dinh Độc Lập từ đây chỉ còn trong ký ức.

 

Huy Văn Trương

 

https://nhinrabonphuong.blogspot.com/2023/11/dinh-oc-lap-tieng-sung-cuoi-cung-huy.html