Mục lục
Thấy gì về vụ bắt chuyên gia năng lượng Tố Nhiên trước kế hoạch huy động tài trợ của Thủ tướng Chính?
NGUỒN HÌNH ẢNH,VIETSE Chụp lại hình ảnh, Tại thời điểm bị bắt, bà Nhiên đang vận động chính phủ đưa ra cam kết dừng xây dựng các nhà máy điện than.
Dự án 88 (The 88 Project) vừa công bố báo cáo mới nhất cho thấy vụ bắt giữ Giám đốc Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) Ngô Thị Tố Nhiên là ‘vi phạm nhân quyền’ và ‘mang yếu tố chính trị’.
Báo cáo do TS Ben Swanton và Michael Altman-Lupu là đồng tác giả, được công bố ngay trước ngày khai mạc Thượng đỉnh khí hậu COP28 tại Dubai vào 1/12 – nơi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự kiến có bài phát biểu công bố Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP (Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng) trước các nhà tài trợ Liên minh châu Âu (EU).
Tại thời điểm bị bắt, bà Nhiên đang vận động chính phủ đưa ra cam kết dừng xây dựng các nhà máy điện than. Bà cũng đang lãnh đạo một dự án cải cách thể chế nhằm thúc đẩy các công ty năng lượng nhà nước thoái vốn khỏi điện than.
“Hoạt động chính sách của bà, giống như hoạt động của các nhà hoạt động khí hậu, có thể bị các nhà lãnh đạo Việt Nam coi là nỗ lực nhằm ‘làm suy yếu vai trò lãnh đạo của đảng’ vì nó thách thức sự độc quyền của đảng trong hoạch định chính sách,” theo TS Swanton và Altman-Lupu.
Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR), Ravina Shamdasani, đã tuyên bố ‘quan ngại’ ngay sau khi bà Nhiên bị bắt, theo Reuters.
Từ nghiên cứu ‘quá táo bạo’
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Việt Nam phụ thuộc nặng vào điện than
Bà Ngô Thị Tố Nhiên – người bị bắt hôm 15/9/2023 với cáo buộc ‘chiếm đoạt… tài liệu của cơ quan, tổ chức’ theo Điều 342 Bộ Luật Hình sự 2015 – từng hợp tác với Liên Hợp Quốc để thực hiện một ‘nghiên cứu nhạy cảm’, đưa ra kịch bản tối ưu để giảm phát thải than, các tài liệu mà Dự án 88 thu thập được cho thấy.
Trước COP26 tại Glasgow (Scotland) – nơi ông Chính bất ngờ tuyên bố cam kết đầy tham vọng với mục tiêu đạt phát thải bằng 0 vào năm 2050 – một ‘cuộc đối thoại cấp cao’ đã được bà Nhiên lên kế hoạch để truyền đạt kết quả nghiên cứu tới các lãnh đạo Việt Nam.
Nhưng nghiên cứu này đã bị một số người cho là ‘quá táo bạo’, theo lời kể của John Cotton, Giám đốc Chương trình cấp cao của Đối tác chuyển đổi Năng lượng (ETP) của Liên Hợp Quốc. Sau đó, năm nhà hoạt động môi trường Việt Nam bị bắt giữ trong các năm từ 2021-2023.
Không nản lòng, năm 2022, bà Nhiên tiếp tục giúp Liên Hợp Quốc lãnh đạo một dự án nhằm cải cách ngành năng lượng Việt Nam.
Dự án này đánh giá khả năng ngưng hoạt động của 26 nhà máy điện than của ba công ty năng lượng do nhà nước độc quyền là Petro Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đầu tư của ba công ty này vào than chiếm 50% công suất điện than cả nước. Bà Nhiên và các nhà phân tích của Liên Hợp Quốc xác định đây là trở ngại lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng theo kế hoạch.
‘Vi phạm nhân quyền’
Chụp lại hình ảnh, (Từ trái qua) Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Hoàng Minh Hồng – những nhà hoạt động môi trường hàng đầu bị chính phủ Việt Nam bỏ tù.
Bà Nhiên bị bắt ngày 15/9 nhưng công an lại cho biết bà bị khởi tố vào 20/9. Tin bà Nhiên bị bắt giữ và những cáo buộc chống lại bà chỉ được công bố vào ngày 30/9.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, công bố vụ bắt giữ trong cuộc họp báo chính phủ vào ngày 30/9. Ông Xô nói bà Nhiên bị bắt sau khi trả tiền cho ông Lê Quốc Anh và Dương Việt Đức – hai chuyên gia của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) mà VIETSE thuê làm tư vấn – để tiếp cận các tài liệu về quy hoạch và phát triển lưới điện của EVN.
Ông Xô nói các tài liệu này là ‘nội bộ, mật’.
Theo tài liệu mà Dự án 88 có trong tay, ông Anh và Đức đã giúp VIETSE tìm hiểu khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện của Việt Nam dựa trên các văn bản quy hoạch của EVN.
Hai ông bị công an thẩm vấn tháng 12/2022, khi đó bà Nhiên đang đi công tác nước ngoài. Khi trở về nước đầu 2023, công an tịch thu hộ chiếu và bắt bà chín tháng sau đó.
Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin 2016.
Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam lại cho thiết kế và ban hành một khung pháp lý mở rộng để ngăn chặn quyền này, Dự án 88 phân tích.
Điều 6 luật nói trên quy định những thông tin ‘bí mật nhà nước’ mà công chúng không được tiếp cận.
Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước cũng quy định công dân không được tiếp cận thông tin ‘chính trị’, ‘chính sách của Đảng và Nhà nước’ – những thông tin trên thực tế có ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân.
Dự án 88 chỉ ra rằng cáo buộc ‘chiếm đoạt, mua bán… tài liệu mật của cơ quan nhà nước’ là mơ hồ và không phù hợp với luật về nhân quyền quốc tế.
Quyền tiếp cận thông tin là một khía cạnh tất yếu của quyền tự do ngôn luận, theo Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Quyền này bao gồm việc được tiếp cận với các tài liệu mà cơ quan công quyền nắm giữ, vì lợi ích cộng đồng.
Điều 342 Bộ Luật Hình sự 2015 – vốn được dùng để buộc tội bà nhiên và hai ông Anh, Đức – hạn chế quyền được tiếp cận thông tin và sự hạn chế này là lớn hơn so với luật pháp quốc tế.
Khi buộc tội bà Nhiên tiếp cận thông tin quy hoạch lưới điện Việt Nam, Bộ Công an đã vi phạm quyền tìm kiếm và tiếp cận thông tin từ cơ quan công quyền – và các thông tin này có ích cho cộng đồng – do đó không nằm trong danh sách ngoại lệ của ICCPR.
Ngoài ra, khi công an ập vào văn phòng VIETSE, thẩm vấn nhân viên, họ đã không công khai việc bắt giữ bà Nhiên, nhưng tiếp tục giam giữ và cách ly bà dù bà không gây nguy hiểm cho xã hội.
Các phương thức này giống hệt các vụ bắt giữ 5 nhà hoạt động khí hậu khác trong khoảng thời gian 2021-2023.
Bên cạnh đó, việc chiếm đoạt tài liệu mật được quy định trong Điều 337 và Điều 361 chứ không phải Điều 342. Do đó sử dụng Điều 342 để bắt bà Nhiên là không phù hợp và tùy tiện.
Việc giam giữ bà Nhiên mà không cáo buộc là vi phạm Điều 9 ICCPR mà Việt Nam ký kết năm 1982.
Từ các bằng chứng thu thập được và các phân tích nói trên, Dự án 88 kết luận rằng việc bắt giữ bà Nhiên là vi phạm luật nhân quyền.
‘Động cơ chính trị’
Dự án 88 nghiên cứu các vụ bắt giữ 5 nhà hoạt động môi trường trước đó, gồm Mai Phan Lợi, Bạch Hồng Dương, Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng, và thấy rằng họ đều là những người nỗ lực thành lập các liên minh thúc đẩy phong trào xã hội dân sự. Do đó, vô hình trung, đẩy họ vào thế xung đột với ĐCSVN.
Họ cũng đều là lãnh đạo các tổ chức vận động chính sách năng lượng và đều nhận được tài trợ nước ngoài để thực hiện công việc này.
Cùng ngày bà Nhiên bị bắt giữ, báo Nhân Dân có bài viết nhằm vào các nhà bảo trợ nước ngoài đang tài trợ cho các nghiên cứu chính sách ở Việt Nam.
Bài báo cho rằng ‘một nhóm nhỏ’ đang lợi dụng hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực, bao gồm môi trường, ‘làm vỏ bọc để can thiệp vào nội bộ Việt Nam’.
Bài báo xuất hiện trong bối cảnh chính phủ Việt Nam được cho là đang ‘đàn áp sâu rộng’ xã hội dân sự.
Cuối cùng, bà Nhiên, ông Đặng Đình Bách và bà Ngụy Thị Khanh đã bị Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội bắt giữ và khởi tố. Nhưng Luật Tổ chức Cơ quan điều tra Hình sự quy định rõ: Cơ quan An ninh Điều tra chỉ có thẩm quyền điều tra ‘tội phạm an ninh quốc gia’, ‘tội ác chiến tranh’, ‘tội phạm nghiêm trọng’, những tội không bao gồm Điều 342 mà bà Nhiên bị buộc tội. Theo luật thì cơ quan này chỉ được phép điều tra các tội phạm khác nếu được Bộ trưởng Bộ Công an cho phép như một trường hợp ngoại lệ, TS Swanton phân tích.
Từ các phân tích nói trên, việc bắt giữ bà Nhiên dường như có động cơ chính trị, theo Dự án 88.
Khuyến nghị
Dự án 88 khuyến nghị Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 6 nhà hoạt động môi trường và đảm bảo xã hội dân sự có thể tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước mà không bị đe dọa, quấy rối và trả thù.
Dự án 88 cũng khuyến nghị các nhà tài trợ JETP ra tuyên bố công khai phản ứng với việc bắt giữ tùy tiện bà Ngô Thị Tố Nhiên; đồng thời đặt điều kiện cho việc giải ngân hơn 15 tỷ USD là chính phủ phải trả tự do cho các nhà hoạt động nói trên.
Với Liên Hợp Quốc, Dự án 88 khuyến nghị họ chỉ tham gia vào các thỏa thuận thúc đẩy nhân quyền theo đúng nguyên tắc và mục tiêu của họ.
Chính quyền Việt Nam nói gì?
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 5/10/2023, người phát ngôn Phạm Thu Hằng khi trả lời phóng viên một hãng thông tấn nước ngoài đề nghị cung cấp thêm thông tin về vụ xét xử bà Hoàng Thị Minh Hồng và vụ bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, đã nói:
“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ các thông tin sai sự thật với dụng ý xấu về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của Việt Nam cũng như về quan hệ đối ngoại của Việt Nam.”
Bà Hằng cũng nói rằng, “Đây đều là những trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam và đã bị điều tra, khởi tố và xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam”.
Về bà Nhiên, trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 30/9, trung tướng Tô Ân Xô nói rằng kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được đã xác định từ năm 2020, bà Nhiên biết ông Việt và ông Anh là những người có quyền tiếp cận tài liệu liên quan đến chính sách phát triển lưới điện EVN.
Ông Xô nói bà Nhiên đã hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài liệu bằng cách ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với hai người này theo hình thức bán thời gian, có trả lương.
“Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Dương Đức Việt, Lê Quốc Anh đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra,” ông Xô nói.
Ông này cũng nói rằng sau khi bà Nhiên bị khởi tố, “một số cơ quan truyền thông nước ngoài và tổ chức phản động lưu vong đã đưa tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bắt giam các nhà hoạt động môi trường”.
Ông Xô nói rằng đây là hành động ‘can thiệp nội bộ Việt Nam’.
Mỹ Hằng
BBC (01.12.2023)
Chính quyền Đăk Lăk trấn áp tín hữu Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên
Chính quyền địa phương ở Đăk Lăk ngăn cấm tín đồ sinh hoạt tôn giáo tại một điểm nhóm tư gia, ngày 15/11/2023.
Chính quyền địa phương ở Đăk Lăk liên tục ngăn cản, lập biên bản việc các tín hữu tụ tập sinh hoạt tôn giáo theo đạo Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, đồng thời ép họ phải từ bỏ đạo, hai nhân chứng cho VOA biết.
Từ ngày 15/11 đến nay Công an xã Ea Bar và các cán bộ địa phương liên tục ngăn cản, lập biên bản việc họ tụ tập sinh hoạt thờ phượng tư gia, hai tín đồ không nêu tên vì lý do an toàn, cho VOA biết, nói thêm rằng những ngày sau đó họ liên tục bị ngăn cản và sách nhiễu, bao gồm ngày 17/11, 19/11, và gần nhất là ngày 26/11.
Một tín đồ chứng kiện sự việc xảy ra ngày 26/11 tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, thuật lại với VOA:
“Sáng ngày 26/11, vào lúc 7g15, khi chúng tôi chuẩn bị thờ phượng Chúa thì có một tổ công tác của công an xã Ea Bar xông vào chỗ chúng tôi sinh hoạt và lập biên bản, ghi danh những người ở trong đó và họ đe dọa rằng nếu còn tiếp tục sẽ bị xử phạt, bắt vào tù. Họ buộc chúng tôi phải giải tán ngay. Họ ép buộc chúng tôi phải từ bỏ Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên”.
Tương tự, một tín đồ khác yêu cầu không nêu tên vì lý do an toàn, cho biết:
“Sáng Chủ Nhật, 26/11, họ cũng vào điểm nhóm của Hội thánh Tin lành Đấng Christ, một số anh em quay hình bị họ thấy, họ xóa hết. Họ cũng làm cam kết cũng giống như ba lần vừa rồi. Họ cũng nói y như vậy: “Nếu không bỏ đạo, sẽ bị bắt vào tù. Chấm dứt Tin lành Đấng Christ ngay”.
“Vào ngày 15/11, họ vào ép chúng tôi bỏ đạo, nếu không bỏ đạo họ sẽ bắt bỏ tù. Ngày 19/11, cũng vậy, công an xã vào ép chúng tôi phải vào Hội thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam. Họ viết cam kết cho chúng tôi ký. Chúng tôi không ký, họ đe dọa chúng tôi. Nếu không ký họ sẽ xử lý”.
Nhân chứng đầu tiên cho biết thêm:
“Trong tháng này, vào ngày 15/11 họ bắt đầu xông vào. Đến ngày 17/11, họ mời chúng tôi lên xã, lập biên bản rồi kêu chúng tôi ký, kêu bỏ Tin lành Đấng Christ, không cho sinh hoạt tại gia nữa. Đến ngày 19/11, họ tiếp tục sách nhiễu, nên chúng tôi không thờ phượng được”.
“Khi sinh hoạt như vậy, chúng tôi không vi phạm. Dựa theo pháp luật của nhà nước Việt Nam, chúng tôi không vi phạm gì cả. Chúng tôi sinh hoạt ôn hòa, không mâu thuẫn gì với ai, nhưng nhà nước luôn luôn gây khó khăn, ép chúng tôi từ bỏ…Họ nói rằng chúng tôi sinh hoạt trái phép, nhà nước chưa công nhận nên họ không chấp cho sinh hoạt”, vẫn theo lời nhân chứng.
VOA đã liên lạc chính quyền xã Ea Bar và chính quyền các cấp liên quan, bao gồm cả Bộ Ngoại giao, và đề nghị họ cho phản hồi về cáo buộc sách nhiễu này, nhưng chưa được trả lời.
Chính quyền tỉnh Đăk Lăk từ nhiều năm nay đưa các hội thánh tư gia thuộc Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên vào tầm ngắm, và công khai triệt phá các điểm nhóm thuộc hội thánh này, đồng thời bắt bớ hàng loạt các tín hữu với cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết”.
Chính quyền Việt Nam cáo buộc rằng hội thánh này do “các tổ chức phản động ở nước ngoài lôi kéo”, thông qua “chiêu bài lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo”, điều mà các tín đồ bác bỏ.
VOA (30.11.2023)
Việt Nam truy nã toàn quốc đối với ông Lê Quốc Anh theo Điều 117
Công an Tiền Giang phát lệnh truy nã đối với Lê Quốc Anh, ngày 28/11/2023. YouTube Bao Tuoi Tre.
Công an tỉnh Tiền Giang ra lệnh truy nã đặt biệt đối với ông Lê Quốc Anh với cáo buộc “Truyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự, một điều luật bị quốc tế lên án như là công cụ được chính quyền sử dụng để trấn áp và bắt bớ những tiếng nói bất đồng.
Truyền thông Việt Nam hôm 28/11 đồng loạt loan tin về lệnh truy nã đối với ông Lê Quốc Anh, 32 tuổi, nói rằng trong thời gian Cơ quan An ninh đang tiến hành điều tra thì ông Anh đã trốn khỏi địa phương.
Thông tin truy cập từ Văn phòng Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an cho biết lệnh truy nã đặc biệt đối với với Lê Quốc Anh được áp dụng toàn quốc.
Trang Ấp Bắc, cơ quan truyền thông của đảng bộ tỉnh Tiền Giang, đăng một quyết định truy nã đối với ông Quốc Anh được Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh ký vào ngày 25/8/2023. Không rõ vì sao quyết định này phải mất hơn 3 tháng mới được công bố.
Trước đó, cũng cơ quan này đã ra quyết định khởi tố ông Quốc Anh vào ngày 5/7/2023 với cùng tội danh, và rằng quyết định này được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn, vẫn theo truyền thông nhà nước.
Vào tháng 3/2023, ông Lê Quốc Anh bị câu lưu 15 ngày sau khi bị công an gửi giấy mời “làm việc” và khám xét nhà mà không có lệnh bắt hay lệnh khám xét, theo trang Facebook của luật sư Nguyễn Văn Miếng, người được gia đình mời để can thiệp việc bắt giữ khi ấy.
Theo luật sư Miếng, ông Quốc Anh là một kỹ thuật viên đồ họa vi tính và là một người bán truyện tranh trên mạng.
“Có gì đó khuất tất, mờ ám trong việc này. Phải chăng Lê Quốc Anh đã “mất tích” trong quá trình điều tra của Cơ quan An ninh điều tra và đây chỉ là thủ thuật để phủi tay?”, Luật sư Miếng đặt nghi vấn về việc công bố quyết định truy nã sau khi ký hơn 3 tháng.
Điều 117 BLHS về “Tuyên truyền chống nhà nước”, thuộc hệ tội danh “An ninh quốc gia”, bị Liên Hiệp Quốc và các quốc gia phương Tây lên án vì được chính quyền Việt Nam hình sự hóa như là công cụ để bịt miệng những nói ôn hòa.
Các nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam truy nã theo Điều 117 bao gồm Nguyễn Thị Thùy ở Thừa Thiên Huế, Sùng A Mình và Vừ A Nếnh ở Điện Biên, theo dữ liệu của Văn phòng Cảnh sát Điều tra.
Theo tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ, tự do Internet vẫn bị hạn chế ở Việt Nam với việc Chính phủ tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến và đưa ra các quy định hà khắc để xử phạt các nhà hoạt động và người dân thường vì các bài viết và bình luận của họ giữa lúc quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và hoạt động xã hội dân sự bị “hạn chế chặt chẽ”.
Chính quyền và truyền thông nhà nước Việt Nam thường xuyên bác bỏ các cáo buộc vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu, nói rằng họ chỉ bắt giam và xử phạt những ai “vi phạm pháp luật”.
VOA (30.11.2023)
Người H’Mông báo cáo Liên Hiệp Quốc về việc bị chính phủ Việt Nam kỳ thị
Ngày 28 tháng 11, phái đoàn Việt Nam Hải Ngoại gồm các tổ chức Tin Lành, Phật Giáo, Công Giáo và Đại diện đồng bào thiểu số Mông, Thượng và cá nhân tham dự phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Xóa Bỏ Mọi Hình Thức Kỳ Thị Chủng Tộc Committee on the Elimination of Racial Discrimination (CERD) tại trụ sở Liên Hiệp Quốc Geneva, Thụy Sỹ, đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu của Liên Hiệp Quốc, gồm có Đại Sứ Surya Deva, Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Quyền Phát triển, Ông Francisco Cali Tzay, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về người bản địa, tổ chức Tin Lành World Evangelical Alliance và ADF International (tổ chức các luật sư Thiên Chúa Giáo)
Trong buổi họp, Mục sư Vàng Chí Mình chủ tịch H’Mong United for Justice đã trình bày về thực trạng người Mông tại Việt Nam bị kỳ thị. Bản báo cáo của ông cũng được trao tận tay các giới chức LHQ.
Mục sư Vàng Chi Minh trao báo cáo về người Mông bị bạc đãi đến ông Francisco Cali Tzay Báo cáo viên Đặc Biệt của LHQ về quyền của người bản địa.
Nội dung tóm lược báo cáo như sau:
- TÓM TẮT CHUNG
Hiến pháp Việt Nam quy định tất cả mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng, đoàn kết, cùng nhau phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt, kỳ thị chia rẽ dân tộc. Hiến pháp Việt Nam còn đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số.
Về mặt xã hội, hiến pháp Việt Nam khẳng định tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước, được quyền lựa chọn ngôn ngữ, chữ viết để giao tiếp, quan tâm, bảo vệ, hỗ trợ quyền tự do và bình đẳng, được quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Tuy nhiên, tất cả mọi hoạt động của người dân đều bị bóp nghẹt bởi Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, đặc biệt là đối với nhóm sắc tộc thiểu số H’Mông theo Đạo Tin Lành. Trong đó, nổi bật nhất là sau cuộc biểu tình phản đối chính sách đàn áp của chính quyền Việt Nam với tín đồ Tin Lành tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vào tháng 5 năm 2011. Sau đó, chính quyền Việt Nam đã luôn chính trị hóa mọi hoạt động của sắc tộc người H’Mông. Nhiều tín đồ Tin Lành đã bị chính quyền Việt Nam bắt bớ, đánh đập, bị đánh đến chết trong tù. Điều này khiến cho hàng nghìn tín đồ Tin Lành H’Mông phải chạy trốn từ Bắc vào Nam để lánh nạn, một số nạn nhân còn phải chạy sang Lào, Myanma, Thái Lan để lánh nạn.
Chính sách đàn áp của chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã khiến cho hàng nghìn tín đồ sắc tộc thiểu số H’Mông trở thành “vô tổ quốc” ngay chính quê hương của mình. Hàng nghìn trẻ em sinh ra không được cấp giấy khai sinh. Điển hình như tại tiểu khu 179, thuộc xã Liêng Sronh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng là nạn nhân của các vụ đàn áp Tôn Giáo từ phía Bắc chạy trốn xuống đây. Họ đã sinh sống tại đây hơn 23 năm nhưng đến nay 128 hộ dân sắc tộc H’Mông với 750 người, trong đó có hơn 340 trẻ không được hưởng bất kỳ một phúc lợi xã hội nào từ phía chính quyền. Ngoài ra chúng tôi đã thu thập được thông tin của hàng ngàn người H’Mông đang sinh sống tại Tây Nguyên sống trong tình cảnh tương tự.
- CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI
Theo số liệu thống kê đến năm 2019 sắc tộc H’Mông tại Việt Nam là 1.390.547 sinh sống tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đời sống kinh tế nghèo nàn chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi mang tính tự cung tự cấp.
Kinh tế
Việt Nam không có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Đặc biệt là người H’Mông. Hoặc nếu có chỉ để đánh lừa quốc tế.
Chính quyền Việt Nam không có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hoạt động sản xuất tại những bản làng có sắc tộc H’Mông sinh sống. Bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam còn tiếp tay cho một số “công ty ma” buôn bán sức lao động của người sắc tộc H’Mông. Sau khi được giải cứu, họ còn bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu, đe dọa. Điển hình như cô Mùa Thị La, sinh sống tại bản Quá Măng, xã Sí Vàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Vì không có chính sách phát triển kinh tế, đẩy người H’Mông đến sống gần thành thị nên người dân phải sống chủ yếu nhờ nương rẫy tự cung tự cấp. Gần đây có rất nhiều gia đình người H’Mông bị bắt vì tội phá rừng mặc dùng họ chỉ đi làm lại nương rẫy mà họ đã làm cách đây hàng chục năm.
Chính quyền Việt Nam không những không cấp quyền sử dụng đất cho hầu hết sắc tộc H’Mông mà còn thực hiện cưỡng chế, cưỡng đoạt đất sản xuất, cưỡng chiếm chợ búa của sắc tộc H’Mông.
Cưỡng chiếm hoặc có kế hoạch cưỡng chiếm các khu chợ do cộng đồng H’Mông xây dựng. Như chợ Nậm Pố 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, Điện Biên, hay như khu chợ tại Thôn 15, xã Cư Kbang, huyện Eap Sup, tỉnh Đăk Lăk do mục sư Lê Văn Cao cùng với các tin đồ trong Hội Thánh xây dựng làm khu họp chợ cho cộng đồng trong thôn bị chính quyền huyện Ea Súp lập biên bản cấm xây dựng.
Chính quyền Việt Nam cố tình xây dựng bản làng, thành lập các khu tái định cư di dân tại các vùng xa xôi hẻo lánh để đẩy người H’Mông sống tách biệt với xã hội bên ngoài. Các khu vực gần trung tâm hay gần đường xá thì chính quyền để người Kinh sinh sống. Điều này thể hiện sự phân biệt, kỳ thị và mục đích ngăn cản sự phát triển của người H’Mông.
Chính trị.
Cộng đồng sắc tộc H’Mông không được tham gia lập hội, nhóm, hội đoàn.
2.1: Sắc tộc H’Mông theo đạo Tin Lành
– Không được kết nạp Đảng và không được tham gia vào các tổ chức Đảng.
– Không được quyền tham gia ứng cử vào các chức danh lãnh đạo
– Không được nhận vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.
– Mọi hoạt động sinh hoạt tôn giáo đều phải xin phép và chịu sự chi phối của chính quyền sở tại.
– Bắt bớ một cách tùy tiện các tin đồ Hội Thánh Đức Chúa Trời Yêu Thương tại Lai Châu, Mường Nhé và các tín đồ Tin Lành.
–
2.2: Sắc tộc H’Mông không theo Đạo Tin Lành
– Không được quyền tham gia ứng cử các chức danh lãnh đạo trong bộ máy chính quyền Việt Nam
Văn hóa, giáo dục.
Cộng đồng sắc tộc thiểu số H’Mông bị hạn chế đi lại. Đặc biệt là ra nước ngoài du lịch, thăm người thân. Những người đã đi ra nước ngoài sau khi quay trở về Việt Nam luôn bị chính quyền sở tại sách nhiễu, gây khó dễ trong khi đó thì người Kinh được tự do đi lại bất cứ quốc gia nào mà họ muốn. Cụ thể là ngày 12 tháng 9 năm 2023. Ông Giàng Seo Lử cùng vợ là bà Sùng Thị Dín sang Thái Lan thăm con gái của họ đang tị nạn tại đây. Sau khi quay trở về Việt Nam, hai ông bà đã bị Công an huyện Nậm Pồ và Công an tỉnh Điện Biên hạch sách, đe dọa.
– Tại vùng Tây Nguyên Việt Nam, có bằng chứng hàng ngàn người H’Mông sống vô quốc tịch chỉ vì niềm tin tôn giáo. Họ sống hơn 23 năm qua mà không được hưởng bất kỳ một chính sách nào mà một công dân Việt Nam phải được hưởng. Họ thậm chí không thể đi làm vì các doanh nghiệp, công ty luôn đòi hỏi người phải có giấy tờ tùy thân. Con cái họ sinh ra lại tiếp tục bị rơi vào vòng xoáy lặp lại của cha mẹ. Đây là chính sách “ngu dân” nhằm hạn chế sự phát triển của dân tộc H’Mông ở Việt Nam để dễ bề cai trị.
– Bắt đầu từ năm 2010, chính quyền Việt Nam đã tự soạn thảo và đưa vào giảng dạy bắt buộc hệ thống chữ H’Mông khác với chữ H’Mông truyền thống. Điều này nhằm mục đích chia rẽ người H’Mông trong nước với nhau, giữa người theo Tin Lành và người không theo Tin Lành. Bên cạnh đó cũng nhằm chia rẽ người H’Mông trong nước với người H’Mông hải ngoại vì người H’Mông trong nước theo Tin Lành và người H’Mông hải ngoại đều sử dụng tiếng H’Mông La Tinh.
Quang Nguyên
Vietnamthoibao.org (30.11.2023)
Nhiều uẩn khúc trong vụ truy nã Lê Quốc Anh vì “tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước”
Lê Quốc Anh bị cơ quan công an ra quyết định truy nã đặc biệt TTO
Ông Lê Quốc Anh có lệnh truy nã đặc biệt từ tháng 8, tuy nhiên báo chí Việt Nam đến cuối tháng 11 mới rầm rộ đưa tin về vụ truy nã thanh niên này.
Báo chí Nhà nước trong ngày 28/11 đồng loạt đăng tin truy nã đặc biệt đối với Lê Quốc Anh, 32 tuổi, ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, tuy nhiên không cho biết thanh niên này đã có những hành động gì.
Ông Nguyễn Văn Miếng, luật sư trong vụ Tịnh thất Bồng Lai hiện đang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ tiết lộ, ông nhận được lời cầu cứu từ bố của Lê Quốc Anh với nội dung cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ con ông ở nơi làm việc vào ngày 08/3 và giam giữ nhiều ngày sau đó mà không thông báo cho gia đình.
Ngày 23/3, luật sư Miếng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cơ quan An ninh Điều tra của Công an tỉnh Tiền Giang để hỏi thì họ phủ nhận và nói không có bắt ai tên là Lê Quốc Anh.
Trong khi đó, gia đình của Lê Quốc Anh bị công an gọi điện chất vấn “tại sao lại mời luật sư mà không thông báo cho chúng tôi?”
Luật sư Miếng nộp thủ tục đăng ký bào chữa nhưng công an tỉnh Tiền Giang từ chối khiến ông phải gửi thư đăng ký bào chữa qua đường bưu điện và rời về Sài Gòn.
Công an tỉnh cho Lê Quốc Anh về nhà trong chiều hôm đó sau khi buộc người cha viết giấy bảo lãnh.
Theo luật sư Miếng, việc Công an Tiền Giang ra quyết định truy nã Lê Quốc Anh từ tháng 08 mà không phổ biến ngay là một việc bất thường. Ông nói với RFA qua điện thoại vào ngày 29/11:
“Việc truy nã đặc biệt đối với Lê Quốc Anh có một vấn đề gì đó khuất tất ở đằng sau đối với Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Tiền Giang. Hành vi bắt cóc Lê Quốc Anh vào ngày 08/3/2023 và nhốt anh ta ở một cái nơi nào đó trong vòng 15 ngày không có một mảnh giấy lộn nào. Khi có luật sư thì họ vội vàng thả ra.
Tháng 8, họ ra một quyết định truy nã đặc biệt thế nhưng mà hoàn toàn cả toàn quốc không ai biết gì về cái lệnh truy nã này, đến 03 tháng sau họ bắt đầu dội bom (đăng thông tin rầm rộ -PV).”
Ông đặt câu hỏi:
“Như vậy thì cái hành vi khởi tố bị can, truy nã đặc biệt, và phổ biến cái đó ra nó có một cái giai đoạn mà chúng tôi thấy làm lạ vì (việc công bố) lệnh truy nã đặc biệt thì phải ngay và luôn.
Phải chăng là Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Tiền Giang đang chạy tội, vì hiện giờ chúng tôi không có biết không có thông tin nào về Lê Quốc Anh cả.”
Lê Quốc Anh rời nhà từ đầu tháng 4
Một người am hiểu vấn đề muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho RFA biết Lê Quốc Anh làm việc trong một công ty in ấn gần nhà, bên cạnh đó người thanh niên này còn vẽ và mua bán truyện tranh trực tuyến.
Theo người này, Lê Quốc Anh sau khi trở về nhà vào ngày 23/3 có thái độ buồn bã cho dù không có dấu hiệu bị đánh đập trong thời gian giam giữ, chỉ bị thu giữ điện thoại, máy vi tính, iPad, hộ chiếu và cả giấy tờ xe máy.
Sáng ngày 07/4, Lê Quốc Anh lên cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Tiền Giang để làm việc theo yêu cầu và trở về nhà trong chiều cùng ngày. Vài ngày sau ông rời khỏi nhà không mang theo đồ đạc, xe máy và không liên lạc với gia đình kể từ đó.
Vẫn theo người này, Công an Tiền Giang đến nhà ngày 22/8 để đọc lệnh khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Quốc Anh, và khám xét nhà. Công an cũng buộc bố của Lê Quốc Anh đến đồn công an làm việc từ sáng đến chiều, thu giữ hai điện thoại của ông, và chỉ trả lại một chiếc điện thoại thường còn giữ lại điện thoại thông minh, cho đến nay vẫn chưa trả lại.
Bốn ngày sau, công an triệu tập bố của Lê Quốc Anh và công bố quyết định truy nã, bắt người cha viết cam kết không bao che và che giấu thông tin của con trai.
Hiện nay, gia đình của thanh niên này cảm thấy lo lắng, không biết tính mạng của ông như thế nào.
Phóng viên gọi điện cho Phòng An ninh Điều tra của Công an tỉnh Tiền Giang để hỏi thông tin về trường hợp Lê Quốc Anh. Người trực điện thoại yêu cầu phóng viên đến trụ sở của cơ quan này để được cung cấp thông tin.
Sự việc xảy ra với Lê Quốc Anh cũng làm bất ngờ giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam vì tên của ông hoàn toàn xa lạ với nhiều người thuộc giới này.
RFA (30.11.2023)
Hoa Kỳ gọi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là ‘nhà đấu tranh không mệt mỏi cho tự do tôn giáo’
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và từng bị chính quyền bỏ tù trong 10 năm, viên tịch hôm 24/11.
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra tuyên bố sau khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trong đó ca ngợi nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, từng bị chính quyền trong nước bỏ tù, vì đã đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và nhân quyền.
Hòa thượng Tuệ Sỹ, vị trưởng lão thông tuệ của Phật giáo Việt Nam, viên tịch hôm 24/11 tại chùa Phật Ấn ở Đồng Nai, nơi ông cư ngụ trong những năm cuối đời.
Thông cáo của BNG Mỹ đưa ra hôm 27/11 nói rằng “thay mặt cho người dân Mỹ, chúng tôi chia buồn sâu sắc tới người dân Việt Nam và các tín đồ trên toàn thế giới sau khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, đó là vị lãnh đạo lỗi lạc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nam Thống nhất”.
Truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý hầu như không đưa tin về sự kiện Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch, người từng bị chính quyền coi là một nhà bất đồng chính kiến và bị giam cầm trong hơn một thập niên.
Theo tìm hiểu của VOA, Tuổi Trẻ là tờ báo chính thống duy nhất đưa tin về việc Hòa thượng Tuệ Sỹ qua đời sau một thời gian điều trị bệnh, cùng một số dòng tiểu sử về ông cũng như những tác phẩm và công trình nghiên cứu Phật học và Thiền học có giá trị được ông để lại cho hậu thế.
Hòa thượng Tuệ Sỹ trở thành lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) vào tháng 9 năm ngoái sau khi Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của Giáo hội được tái lập theo di nguyện của cố Tăng thống Thích Quảng Độ, người viên tịch hai năm trước đó.
GHPGVNTN là tổ chức Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở miền Nam nhưng sau năm 1975, chính quyền cộng sản Việt Nam phủ nhận sự tồn tại của giáo hội này trong khi ủng hộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
“Trong nhiều thập kỷ, (Hòa thượng) Thích Tuệ Sỹ là một nhà đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và các quyền con người liên quan, khiến chính quyền Việt Nam bỏ tù ông hơn một thập kỷ”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói trong tuyên bố. “Ông cũng là một học giả uyên bác, một nhà văn và triết gia có nhiều tác phẩm”.
Cả cuộc đời của Hòa thượng Tuệ Sỹ, sinh năm 1943, tập trung vào các sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy và dịch kinh điển Phật giáo ra tiếng Việt. Nhưng vào năm 1984, ông bị chính quyền Cộng sản bắt giam và bị kết án tử hình 4 năm sau đó về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Sau gần 15 năm bị giam trong tù, ông được thả tự do vì áp lực của quốc tế lên chính quyền Việt Nam.
Tuy nhiên vào năm 2010, Hòa thượng Tuệ Sỹ lại bị chính phủ Việt Nam đặt dưới chế độ quản thúc tại gia vì bị cáo buộc vi phạm các luật lệ an ninh quốc gia. Ông cùng hai vị thượng tọa khác bị chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lúc đó áp chế độ quản thúc tại gia trong hai năm. Trước đó, vào năm 2003, ông cũng bị chính quyền quản chế hành chính hai năm cùng Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Hòa thượng Tuệ Sỹ được biết đến với lập trường mạnh mẽ về việc tách Phật giáo ra khỏi chính trị nhà nước. Ông kiên quyết phản đối việc sáp nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức chính trị, và khẳng định rằng Phật giáo phải duy trì tính phi chính trị và độc lập với mọi đảng phái chính trị.
Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn luôn nói rằng không có việc đàn áp tôn giáo ở Việt Nam mà chính quyền chỉ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong nước.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người cùng giảng dạy với Hòa thượng Tuệ Sỹ tại Đại học Vạn Hạnh trước năm 1975, nói với VOA hồi tuần trước rằng Hòa thượng Tuệ Sỹ là người “rất trực tính, tôn trọng sự thật” và do đó “không thể nào thích hợp dưới chế độ cộng sản”. Nhưng theo GS Hoạt, những gì Hòa thượng Tuệ Sỹ từng lên tiếng “không đề cập đến chính trị mà chỉ nói về tư tưởng, các vấn đề về con người, về xã hội”.
“Tiếng nói của (Hòa thượng) Thích Tuệ Sỹ sẽ vô cùng đáng nhớ khi chúng ta suy ngẫm về sự vận động của ông đối với nhân dân Việt Nam”, người phát ngôn BNG Mỹ nói. “Tâm trí của chúng tôi hướng về cộng đồng GHPGVNTN của ngài ở Việt Nam và trên toàn thế giới”.
VOA (28.11.2023)