Seite auswählen

„chính phủ Việt Nam không công nhận bất kỳ nhóm nào trong số 53 dân tộc thiểu số là người bản địa…

Thể chế chính trị của Việt Nam càng không cho phép những người vận động, đấu tranh cho quyền của người bản địa được phép tồn tại, do đó quyền của người bản địa vẫn không thể vượt qua quyền lực của đảng.“

 

Võ Ngọc Ánh

Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại LHQ hôm 29/11/2023. Photo UN Web TV.

 

Giới quan sát bày tỏ sự bất bình việc chính quyền Việt Nam không thừa nhận người bản địa, bênh vực cho Hội Cờ Đỏ, và cách trả lời “cho có” trước những câu hỏi của chuyên gia Liên Hiệp Quốc trong phiên đối thoại với Uỷ ban Công ước Xóa Phân biệt Chủng tộc (CERD).

Thứ trưởng Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trưởng phái đoàn của chính phủ Việt Nam, phát biểu trong phiên đối thoại với Uỷ ban CERD ngày 30/11 tại Geneva, Thụy Sĩ qua lời của một phiên dịch viên:

“Chúng tôi không sử dụng từ ‘người bản địa’ mà chúng tôi dùng từ ‘người dân tộc thiểu số’… Vì do yếu tố lịch sử từ năm 1930 khi Việt Nam còn bị thực dân Pháp đô hộ, lúc đó người dân ở Tây Nguyên đã trở thành một bộ phận người dân sống trong chế độ thuộc địa, họ đã trở thành một phần của dân chúng. Lúc đó, người dân tộc thiểu số trở thành người bản địa khi họ làm việc cho các chủ đồn điền cao su của người Pháp… Chúng tôi không còn dùng từ ‘người bản địa’, mà dùng từ ‘người dân tộc thiểu số’”.

Ông Thông trả lời như trên khi được bà Chinsung Chung, nữ chuyên gia của Ủy ban CERD và Đồng báo cáo viên LHQ về Việt Nam, chất vấn về lý do chính phủ Việt Nam không công nhận bất kỳ nhóm nào trong số 53 dân tộc thiểu số là người bản địa và không muốn tham gia vào các cuộc thảo luận cởi mở và toàn diện về việc công nhận người dân bản địa và các quyền cụ thể của họ, và rằng liệu Việt Nam có chấp nhận sự tồn tại của người dân bản địa và các quyền của họ ở Việt Nam? Liệu rằng nước này có kế hoạch phê chuẩn Công ước 169 của Tổ chức Lao động Quốc tế về người bản địa và bộ lạc không?

Bà Chung cũng yêu cầu Việt Nam làm rõ việc Uỷ ban của bà nhận được nhiều báo cáo cho rằng chính phủ trung ương hoặc chính quyền địa phương tịch thu đất đai của người dân bản địa đã sinh sống ở đó qua nhiều thế hệ.

Tại phiên đối thoại được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp, ông Thông không trả lời chi tiết các câu hỏi của bà Chung và sau đó ông nhường lời các các thành viên khác trong phái đoàn Việt Nam, những người được giới quan sát nhận đình rằng họ chỉ “nói chung chung” về các văn bản pháp luật và sự hỗ trợ pháp lý đối với người thiểu số.

Từ Thụy Điển, ông Thành Thanh Dải, một chuyên gia quan sát các hoạt động bảo vệ người thiểu số Việt Nam tại diễn đàn LHQ, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA về phát biểu trên của ông Y Thông:

“Tôi hoàn toàn phản đối quan điểm của Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam giải trình với LHQ rằng cụm từ ‘người bản địa’ chính là cụm từ ‘dân thuộc địa’, mà hai khái niệm này lại khác nhau hoàn toàn về thành phần, về bản chất”.

“Trong văn bản của LHQ, hai khái niệm ‘người bản địa’ và ‘dân thuộc địa’ là hai khái niệm khác nhau, và đã được định nghĩa rõ ràng và được sử dụng trong mấy chục năm qua”.

“Đến bây giờ tại Việt Nam, chính phủ Việt Nam lại hoàn toàn phủ nhận khái niệm dân tộc bản địa, như vậy là trái với quan điểm của LHQ và trái với thực tiễn của đất nước Việt Nam”, ông Dải nói thêm.

Ông Dải cho rằng khái niệm người bản địa tồn tại một cách khách quan, không lệ thuộc vào thời gian. “Theo LHQ, người bản địa là quần thể cư dân định cư tập trung tại một không gian lãnh thổ tổ tiên của họ, có nền văn hóa, ngôn ngữ lâu đời. Tại Việt Nam, theo tôi, ít ra phải có ba dân tộc bản địa, bao gồm người Kinh, Chămpa, Khmer Krom, họ đã tồn tại trước khi nhà nước Việt Nam được hình thành”, ông nói.

Từ Vĩnh Long ở đồng bằng sông Cửu Long, nhà sư Dương Khải, thuộc chùa Khmer Đại Thọ, bày tỏ quan điểm cá nhân của ông về phát biểu của phái đoàn Việt Nam:

“Chính quyền, nhà nước Việt Nam thường xuyên chối bỏ sự thật. Người Khmer Krom của chúng tôi là người bản địa từ mấy ngàn năm qua, từ thời Phù Nam… Việc họ tuyên bố không có người bản địa là tuyên bố dối trá, không đúng sự thật”.

Trong một thông cáo tóm tắt nội dung cuộc đối thoại này, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) cho hay bà Chung đã chất vấn phái đoàn Việt Nam về sự tồn tại của Hội Cờ Đỏ, được cho rằng đã tích cực chống lại những người bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy “sự chia rẽ giữa các dân tộc thiểu số và người Thượng”.

Nữ cán bộ của Bộ Công an nói rằng Hội Cờ Đỏ ở Nghệ An là “hội của những người yêu nước” nhằm phản bác lại những người phỉ báng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại phiên chất vấn ở Geneva, Thụy sĩ, ngày 29/11/2023. Photo: UN Web TV.

 

Đáp lại, một nữ thành viên trong phái đoàn Việt Nam, một quan chức từ Bộ Công an, nói rằng “Hội Cờ Đỏ” là một hội của “những người yêu nước”, theo trang UN Web TV. “Hoạt động của hội này không hề vi phạm pháp luật”.

Phái đoàn Việt Nam nói thêm rằng nhà nước “đang hợp tác với các hội để đảm bảo rằng hành động của họ không kích động hận thù và chia rẽ”.

Một giáo dân ở miền trung Việt Nam, đề nghị không nêu tên vì lý do an toàn, lên án các hoạt độn của Hội Cờ Đỏ:

Hội Cờ Đỏ được lập ra như một hình thức để chống phá người Công giáo do những người Cộng sản thành lập nên. Hội này đa phần tấn công những người Công giáo như chúng tôi, các nhà thờ và các linh mục, trà trộn vào để gây chia rẽ…”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đưa ra yêu cầu bình luận về thông cáo báo chí trên của OHCHR.

Năm 2018, lần đầu tiên báo cáo tự do tôn giáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề cập đến “Hội Cờ Đỏ”, nói rằng hội này được chính quyền hậu thuẫn để công kích các giáo dân, linh mục, cụ thể tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Trong báo cáo tương tự vào năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “Hội Cờ Đỏ” cùng với các tổ chức khác như “Đấu trường Dân chủ”, “Tiếng nói Trẻ” gán cho các nhà lãnh đạo tôn giáo có tiếng nói là “cực đoan” và khẳng định những lời chỉ trích của họ là “bịa đặt” hoặc dựa trên những thông tin “xuyên tạc” nhằm bôi nhọ Đảng Cộng sản và cáo buộc rằng các chức sắc tôn giáo đó “gieo mầm mống chia rẽ,” hoặc “phá vỡ trật tự xã hội”.

Nhận định về hai phiên chất vấn phái đoàn Việt Nam trong hai ngày 29 và 30/11, ông Dải nói rằng các thành viên của phái từ Hà Nội, đáp lại rất “chung chung”, và trả lời “cho có” trước các câu hỏi rất chi tiết của các chuyên gia Uỷ ban CERD.

Phái đoàn Việt Nam nói rằng từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Y Thông cũng phát biểu rằng trong giai đoạn báo cáo quốc gia (2013-2019), các quyền dân sự chính trị của người dân tộc thiểu số “được bảo đảm và thúc đẩy”.

Tường thuật về phiên chất vấn đối với phái đoàn Việt Nam tại kỳ đối thoại này, báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản viết: “Việt Nam nỗ lực thực thi Công ước CERD, bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số”, cho rằng phái đoàn Việt Nam do ông Y Thông dẫn đầu, đã “bảo vệ thành công” phiên báo cáo CERD lần thứ 5 của Việt Nam.

Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc (CERD) là cơ quan gồm các chuyên gia độc lập giám sát việc thực hiện Công ước về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc của các Quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam, tham gia từ năm 1982.

Ra đời từ năm 1965, Công ước CERD lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên  chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số.

Việt Nam thì sao?

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có nhiều sắc dân bản địa đang sinh từ bao đời trên vùng đất cha ông họ từ núi rừng ở phía Bắc, dọc theo dãy Trường Sơn, trên Tây Nguyên, dưới Ninh Thuận, Bình Thuận, đến đồng bằng sông Cửu Long.

Vùng đất các dân tộc bản địa sinh sống đều đậm dấu ấn từ tập tục, tôn giáo, kiến trúc, cách sản xuất… nhưng các sắc dân này không thực sự có được đặc quyền trên chính mảnh đất của cha ông họ đã khai phá, sinh sống từ xa xưa. Bởi mọi sự do đảng định đoạt.

Dự án hồ nước Ka Pét tại tỉnh Bình Thuận ồn ào trên các phương tiện truyền thông hồi tháng 9/2023 vừa rồi là minh chứng mới nhất về sự không thực sự tôn trọng sắc dân thiểu số trong con mắt của chính quyền.

Trên các phương tiện báo chí do nhà nước kiểm duyệt, có nhiều thông tin việc xây dựng hồ nước khiến hơn 600 ha như rừng bị phá, tính hiệu quả, khả thi của dự án… Nhưng, tuyệt nhiên thông tin về hai di tích được xem như thánh tích của người Chăm tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, và Tánh Linh lại vắng bóng trên các phương tiện báo chí trong nước.

Đó là khu lăng một của Pô Cei Khar Mâh Bingu và Pô Haniim Per. Đây là nơi linh thiêng để cộng đồng Chăm tại ba huyện kể trên hành hương nhớ về cội nguồn, tổ tiên của họ.

Khu rừng trong dự án hồ Ka Pét còn giữ được nhờ người Chăm và Raglai xem như rừng thiêng, nên bảo vệ, không được phép xâm phạm.

Chính quyền không ngại phá đi di tích ít ỏi còn sót lại của người Chăm trên mảnh đất cha ông họ, nhưng cũng thể chế ấy lại gia tăng xây dựng tượng đài ở bất cứ nơi đâu họ từng đánh nhau để dành được chính quyền.

Cũng phải nhìn nhận chính quyền có cố gắng tổ chức các lễ hội văn hóa cho các dân tộc. Tuy nhiên, trong ý đồ chính trị luôn chi phối khiến các lễ hội này thường không mang lại giá trị cho văn hóa, truyền thống thực sự như mong đợi.

Ngay cả việc buôn bán trong những vùng các sắc dân bản địa thường do người Kinh chi phối, kiểm soát, quyết định giá cả. Người bản địa ở Việt Nam bị lạc lõng trước các nhu cầu thiết yếu ngay trong vùng đất của tổ tiên.

Thể chế chính trị của Việt Nam càng không cho phép những người vận động, đấu tranh cho quyền của người bản địa được phép tồn tại, do đó quyền của người bản địa vẫn không thể vượt qua quyền lực của đảng.

Võ Ngọc Ánh (VOA, 06.12.2023)

 

https://www.voatiengviet.com/a/le-ta-on-o-my-nghi-ve-truyen-thong-va-quyen-cua-nguoi-sac-toc-o-viet-nam/7382500.html