Seite auswählen

Khiết Văn 

Saigon Nhỏ

 

BBT: Câu “Dĩ thực vi tiên” có lẽ có nguồn gốc từ “Dân vĩ thực vi thiên”. Cần xem lại xem câu đầu có phải là từ người Hoa ra.

  
(minh họa: Anh Nguyen/Unsplash)

Nhiều người nói người Việt ăn, nêm… không khác gì Trung Hoa. Thế nhưng những người yêu gốc gác, cội nguồn của dân tộc Việt, phân biệt rõ ràng, thì mọi thứ được nhìn thấy tức thì.

Bài viết dưới đây, viết lại nhận định của Giáo sư Trần Văn Khê, chỉ ra những chi tiết về ẩm thực Việt đơn giản mà thú vị đến bất ngờ.

1. Người Việt Nam thường dùng bột gạo, trong khi người Trung Quốc thích dùng bột mì. Cho nên, Việt Nam có phở, hủ tiếu, bún thang, bún bò, bún riêu; mà người Trung Quốc thì chuyên về mì nước, mì khô, mì sợi nhỏ, mì sợi lớn, mì vịt tiềm. Người Việt làm bánh đùm, bánh xếp, bánh cuốn, bánh hỏi; người Trung Quốc thì bánh bao. Chả giò người Việt Nam cuốn bằng bánh tráng bột gạo; còn người Trung Quốc thì cuốn tép trong bánh bằng bột mì.

 

2. Nước chấm cơ bản của người Việt nam là nước mắm làm bằng cá; còn nước chấm của người Trung Quốc là xì dầu làm bằng đậu nành.

3. Người Việt thì thường pha mặn ngọt; người Trung Quốc thích chua ngọt.

 

(minh họa: Julius Yls/Unsplash)

Cách nấu ăn của người Việt khác người Trung Quốc ở chỗ nào?
1. Về rau: Người Việt tuy có ăn rau luộc, hay xào; nhưng thích ăn rau sống, rau thơm, mà người Trung Quốc không ưa ăn rau sống, cải sống, giá sống.

2. Về cá: Người Trung Quốc biết kho, chưng, chiên như người Việt Nam. Nhưng người Trung Quốc không làm mắm như người Việt. Có rất nhiều cách làm mắm và ăn mắm: Mắm thái, mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm, v.v… Các nước Đông Nam Á cũng có làm mắm nhưng không có nước nào biết làm nhiều loại mắm như người Việt.

3. Về thịt: Người Trung Quốc biết quay, kho, luộc xào, hầm như người Việt, mà không biết làm nem, bì và các loại chả như chả lụa, chả quế, v.v…

4. Người Trung Quốc ít có phối hợp nhiều vị trong một món ăn như người Việt. Khi chúng ta ăn một món ăn như nem nướng thì có biết bao nhiêu vị: Lạt lạt của bánh tráng, bún; mát mát ngọt ngọt của dưa leo, và đặc biệt của giá sống trộn với khế chua, chuối chát, ớt cay, đậu phộng cà bùi bùi, có tương mặn và ngọt. Người Việt trong nghệ thuật nấu ăn rất thích lối đa vị và tất cả các vị ấy bổ sung cho nhau, tạo ra một vị tổng hợp rất phong phú.

 

 

(minh họa: Hong Anh Duong/Unsplash)

Cái ăn chiếm phần khá quan trọng trong đời sống của chúng ta. Khi dạy dỗ một trẻ em thì phải cho nó học ăn, học nói, học gói, học mở để biết ăn, nói với người ta.

Ra đường phải biết “ăn bận” hay “ăn mặc” cho phải cách phải thế. Đối với mọi người, không nên “ăn thua” làm chi cho bận lòng.

Làm việc gì phải cẩn thận “ăn cây nào, rào cây nấy”.

Trong việc tiêu tiền phải biết “liệu cơm, gắp mắm” và dẫu cho nghèo đi nữa “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Không nên ham ăn quá độ vì “no mất ngon, giận mất khôn”.

Ra làm ăn phải quyết tâm đừng “cà lơ xích xụi” chạy theo “ăn cò” người khác. Phải biết “ăn chịu” với người làm việc nghiêm túc thì công việc khỏi bị “ăn trớt”.

Không nên “ăn gian, ăn lận” hay bỏ lỡ cơ hội thì “ăn năn” cũng muộn.

 

GS Trần Văn Khê (Ảnh Tuổi Trẻ)

Trong cuộc sống nên tìm việc làm hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước đừng để mang tiếng “ăn hại” “ăn bám” người khác.

Khi đàn chơi phải biết lên dây đàn cho “ăn” với giọng ca, hòa đàn cũng phải “ăn” với nhau, “ăn ý”, “ăn rơ” thì mới hay.

Các bạn thấy chăng? Cái “ăn” cũng khá quan trọng nên mới lọt vào một số từ ngữ của tiếng nói Việt Nam. Tuy chúng ta không như người Trung Quốc “dĩ thực vi tiên”, nhưng phải có ăn mới làm nên việc, vì “có thực mới vực được đạo.”