Mục lục
Nhà hoạt động tôn giáo Nay Y Blang bị tuyên bốn năm sáu tháng tù, không có luật sư bào chữa
Ông Nay Y Blang trong phiên toà ngày 26/1/2024 Báo Công an Nhân dân
Ngày 26/1, Toà án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã kết án nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo Nay Y Blang với bản án bốn năm sáu tháng tù giam về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong phiên toà không có luật sư bào chữa.
Ông Nay Y Blang, 48 tuổi, là người sắc tộc Ê đê và là tín hữu của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo độc lập được mục sư Aga sáng lập bị chính quyền coi là tổ chức phản động.
Mục sư Aga từ tiểu bang North Carolina (Hoa Kỳ) hôm 26/1 cho rằng, ông Nay Y Blang là nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo khi chính quyền thực hiện chính sách “bắt ép người ta phải đi theo hệ phái không phù hợp mà nếu không thì sẽ bắt bỏ tù và phạt tiền.”
Ông Aga cho biết trong phiên toà không có sự hiện diện của luật sư cho dù gia đình đã ký hợp đồng với luật sư Hà Huy Sơn và đã được cơ quan điều tra của tỉnh Phú Yên cấp giấy bào chữa, cũng như đã dự một buổi hỏi cung vào tháng 9/2023.
Ông Aga cáo buộc công an tỉnh Phú Yên ép buộc gia đình ông Nay Y Blang ký giấy phủ nhận sự quen biết và không mời luật sư Sơn biện hộ.
Mục sư Aga nhận xét với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại như sau:
“Đó là vấn đề không thể chấp nhận được. Nếu như luật sư Hà Huy Sơn có mặt lúc đó (ở phiên toà-PV) thì đó rõ ràng là sự công bằng, minh bạch để xét xử – xem ông Nay Y Blang có tội hay không.
Đằng này là xử (chỉ có) những người của chính quyền mà thôi, tức là chính quyền muốn đưa bản án cho ông Nay Y Blang bao nhiêu là tuỳ ý. Chứ có luật sư nào bào chữa đâu, tranh cãi vấn đề pháp lý đâu?!”
Luật sư Hà Huy Sơn xác nhận việc bào chữa cho ông Nay Y Blang bị huỷ, tuy nhiên ông từ chối cung cấp lý do cụ thể.
Chúng tôi liên lạc với Cơ quan An ninh Điều tra của Công an tỉnh Phú Yên để hỏi về vụ việc nhưng cán bộ trực điện thoại nói “không trả lời qua điện thoại” rồi dập máy.
Gia đình ông Nay Y Blang đã tẩy chay phiên toà, không đến tham dự do thất vọng về việc người thân không có luật sư bào chữa.
Báo Tuổi Trẻ Online cho biết, tại phiên toà ông Nay Y Blang thừa nhận và khai rõ hành vi phạm tội của bản thân, xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Tờ báo cũng dẫn nội dung phiên toà cho rằng, từ cuối năm 2019 đến năm 2022, ông Nay Y Blang sử dụng nhà riêng để tụ tập nhóm họp, cầu nguyện, thông công trực tuyến với một số nhân vật cốt cán của “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên” để tập hợp lực lượng, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị, lập “nhà nước riêng” của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Ông cũng bị cho là “cung cấp thông tin sai sự thật về tự do tín ngưỡng tôn giáo tại huyện Sông Hinh; vu cáo, xuyên tạc chính sách tôn giáo, xâm phạm lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Tuy nhiên, mục sư Aga đã phản bác lại lời buộc tội trên. Ông nói:
“Nay Y Blang đã nói ra sự thật có bằng chứng, từ cái giấy mời đến giấy triệu tập, hình ảnh video của công an tỉnh Phú Yên đến đàn áp sách nhiễu, bắt bớ, tịch thu xe máy, phạt tiền. Đều có bằng chứng cả chứ không phải là vu khống chính quyền, vu khống công an tỉnh Phú Yên.”
Ông Aga nói nhóm tôn giáo do ông sáng lập hoạt động tôn giáo thuần tuý “không có phản động, không chống phá nhà nước, không có ý thành lập nhà nước riêng,” và “Chúng tôi chỉ muốn được bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình, để thờ phượng Chúa và theo tôn giáo phù hợp với mình, và làm theo đúng luật pháp của chính quyền Nhà nước Việt Nam mà thôi.”
Như đã thông tin, ông Nay Y Blang và nhiều tín đồ của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên liên tục bị sách nhiễu trong nhiều năm gần đây.
Vào tháng 8/2022, ông có gặp một viên chức ngoại giao thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó ông và gia đình bị chính quyền địa phương sách nhiễu, hỏi thông tin về cuộc gặp này.
Một tháng sau, ông được mời gặp phái đoàn phụ trách tôn giáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông không thể đến địa điểm gặp vì bị an ninh câu lưu ở bến xe Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa.
Ông bị bắt ngày 18/5/2023 với cáo buộc theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ Luật Hình sự.
Đây là lần thứ hai ông Nay Y Blang bị kết án tù. Năm 2005, ông bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết.”
Sau khi mãn hạn tù hai năm, năm 2012, ông bị đưa vào Cơ sở giáo dục A1 cải tạo 24 tháng về hành vi “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
RFA (26.01.2024)
Uỷ ban Nhân quyền Hạ viện Mỹ lại kêu gọi phóng thích ông Trần Huỳnh Duy Thức
Nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức.
Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa Kỳ vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
“Việt Nam phải phóng thích ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện”, Uỷ ban Tom Lantos đưa ra lời kêu gọi này trên trang X, trước đây là Twitter.
Uỷ ban đưa ra lời kêu gọi này đúng vào dịp 14 năm trước đây ông Thức bị đưa ra xét xử sơ thẩm, khi ấy chính quyền Việt Nam tuyên phạt ông 16 năm tù giam và 5 năm quản chế.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho biết ý kiến về lời kêu gọi này, nhưng chưa được phản hồi.
Vào năm ngoái, Ủy ban Tom Lantos cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.
Tính từ khi bị bắt vào tháng 5/2009 đến nay, ông Thức đã ngồi tù gần 15 năm trong khi các bị cáo khác bị xét xử với ông trong cùng vụ án, bao gồm Lê Thăng Long, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, đều đã được trả tự do từ lâu. Ông Trung hiện đang tị nạn chính trị tại Đức.
Uỷ ban Tom Lantos đã đưa trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức vào Dự án Bảo vệ Tự do (Defending Freedoms Project – DFP), một dự án nhằm hỗ trợ các tù nhân lương tâm trên khắp thế giới, khuyến khích các thành viên Quốc hội Mỹ vận động thay mặt cho các tù nhân lương tâm để họ được tự do, đồng thời ràng buộc trách nhiệm giải trình về việc đối xử bất công.
Vào tháng 5/2019, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Zoe Lofgren, thành viên của Ủy ban Tom Lantos, chính thức bảo trợ cho ông Trần Huỳnh Duy Thức và liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em của ông Thức, nêu nhận định với VOA về lời kêu gọi của Uỷ ban Tom Lantos:
“Sự lên tiếng của quốc tế rất là quan trọng để bảo vệ anh Thức, cũng như là sẽ trả tự do sớm cho ảnh về. Tôi mong sự áp lực và kêu gọi liên tục như vậy sẽ giúp anh Thức được về trước hạn”.
Trong nhiều năm qua chính quyền Việt Nam thường ca ngợi những nỗ lực của nước này trong việc “bảo đảm quyền con người của mọi người dân”, đồng thời các bỏ các cáo buộc của các nước phương tây và Hoa Kỳ về việc Hà Nội vi phạm nhân quyền.
VOA (26.01.2024)
Việt Nam bác bỏ báo cáo 2023 của tổ chức Giám sát Nhân quyền HRW
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trong một họp báo TTXVN
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ báo cáo thường niên của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) về thành tích tồi tệ trong lĩnh vực này của Hà Nội.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 25/1 dẫn trả lời của bà Phạm Thu Hằng-phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội về câu hỏi mà báo giới đặt ra về báo cáo của HRW về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2023.
Bà Phạm Thu Hằng nói: “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo. Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức này đưa ra những luận điệu vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho rằng HRW có ý đồ xấu khi đưa ra báo cáo như thế. Bà này lập luận rằng “những nỗ lực, quyết tâm, thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người đã được thể hiện thông qua những phát triển kinh tế- xã hội trên thực tế, và được đông đảo nhân dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao”.
Vào tối ngày 11/1 (giờ Hà Nội), HRW công bố báo cáo nhân quyền thường niên về thực hành nhân quyền tại hơn 100 quốc gia trong năm 2023.
Báo cáo nhận định tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục tồi tệ. Nguyên nhân của tình trạng đó không chỉ do Chính phủ Hà Nội gia tăng đàn áp, mà còn là hậu quả của chính sách “ngoại giao đổi chác”- tức các nước phát triển vì lợi ích chiến lược của họ mà bỏ qua tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.
Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 25/1 tại Hà Nội, phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng khi được hỏi về thông tin có sự kỳ thị sắc tộc trong vụ tấn công ở Đắk Lắk vào ngày 11/6 năm ngoái trả lời rằng “Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn việc cho rằng có kỳ thị sắc tộc. Các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng như nhau. Chính phủ Việt Nam luôn dành những ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống người dân”.
RFA (25.01.2024)
Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh mắc ung thư giai đoạn hai khi đang điều trị tâm thần bắt buộc
Bà Nguyễn Thuý Hạnh cùng chồng Huỳnh Ngọc Chênh trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội Fb Nguyễn Thuý Hạnh
Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Thuý Hạnh, người từng ra tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016, phát hiện bị mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn hai, trong khi đang bị bắt buộc điều trị tâm thần.
Cơ quan An ninh Hà Nội bắt tạm giam bà Hạnh đầu tháng 4/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.” Một năm sau đó, công an buộc bà phải đi điều trị bệnh trầm cảm tại Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương.
Nhà báo kỳ cựu Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, thông báo trên Facebook cá nhân thông tin về bệnh ung thư của bà, gọi đây là “tai hoạ nặng nề khủng khiếp” đối với bà và là “hậu quả của hơn một năm bị đày đoạ khốc liệt trong Trại tạm giam số 2 của Công an Hà Nội.”
Ông viết “nơi tạm giam những người bị nghi là vi phạm pháp luật để phục vụ điều tra” đã bị biến thành “nơi trả thù, nơi khủng bố tinh thần và thể xác các nghi can qua điều kiện giam giữ sinh hoạt ăn uống vô cùng tệ hại. Người bị tạm giam phải uống nước bẩn, ăn thức ăn dơ bẩn mà bên ngoài đến heo chó cũng không muốn ăn.”
Trong trại tạm giam từ khi bị bắt đến khi bị chuyển đi điều trị bắt buộc ở Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương, bà Hạnh hoàn toàn không được gặp người nhà hay luật sư, không được nhận thức ăn gia đình gửi vào.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng nổ ở Việt Nam, trại tạm giam chỉ cho thân nhân duy nhất là ông Chênh mua ký gởi đồ thăm nuôi hàng tháng thông qua căng-tin của trại với giá bán rất cao so với bên ngoài, nhưng chất lượng thực phẩm thì tệ hại không khác gì khẩu phần ăn hàng ngày mà trại phát cho người bị tạm giam.
Chỉ có nước lọc đóng chai và sữa tươi mua của căng-tin thì bà Hạnh sử dụng được nhưng trại giam chỉ cho phép thân nhân gửi mỗi tháng không quá năm chai nước lọc và năm hộp sữa. Chính vì vậy bà Hạnh buộc phải uống nước bẩn trong bể nước tắm của phòng giam.
“Sống hơn một năm trong trại tạm giam, đưa vào người những thức ăn và nước uống dơ bẩn, độc hại, đã đưa đến hậu quả nặng nề mà ngày nay Hạnh phải nhận lãnh,” ông viết.
Hiện nay, Viện Pháp y Tâm thần hàng ngày đưa bà Hạnh đến Viện K để khám và xạ trị, nhưng đã hơn một tuần trôi bà Hạnh vẫn chưa được xạ trị vì bệnh viện quá tải và phải chờ.
Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng, người từng có thời gian bị buộc chữa trị ở Viện Pháp y Tâm thần Trung ương và tiếp xúc với bà Hạnh ở trong đó, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 25/1:
“Nhà hoạt động Nguyễn Thị Hạnh bị bắt trong một hoàn cảnh cũng rất đáng lên án bởi vì chị là người hoạt động ôn hoà điển hình. Việc bắt chị bỏ tù chị trong lúc chị bị bệnh trầm cảm làm cộng đồng rất bất bình.
Giờ chị bị bệnh ung thư nữa thì quả thực là trường hợp Nguyễn Thuý Hạnh đánh động lương tri của rất nhiều người và tôi cũng rất mong là cộng đồng trong và ngoài nước cũng quan tâm đến trường hợp của chị, vận động và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho chị để chị có thể chữa bệnh ở trong hoặc ngoài nước.”
Bà Hạnh không cho gia đình công bố thông tin bà bị mắc ung thư vì muốn dư luận chú ý đến các tù nhân lương tâm khác. Tuy nhiên, vì tình trạng bệnh tật diễn biến nghiêm trọng nên ông Huỳnh Ngọc Chênh quyết định lên tiếng để đánh động sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước để bà Hạnh có thể được chữa trị kịp thời.
Phóng viên gọi điện thoại cho Viện Pháp y Tâm thần Trung ương vào trưa 25/1 để hỏi về trường hợp của bà Hạnh, tuy nhiên người trực máy yêu cầu phóng viên lên trực tiếp cơ quan để làm việc.
Điều 62 của Bộ luật hình sự 2015 quy định, người mắc bệnh hiểm nghèo được miễn chấp hành án phạt tù, hay Điều 67 quy định người bị bệnh nặng thì “được hoãn thi hành án cho đến khi sức khỏe được hồi phục,” tuy nhiên lại không định nghĩa “bệnh hiểm nghèo” hay “bệnh nặng” là bệnh cụ thể gì.
Chỉ có Nghị quyết số 02 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, định nghĩa mắc bệnh hiểm nghèo là “trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, v.v…”
Phóng viên hôm 25/1 đề nghị tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) bình luận về thông tin bà Nguyễn Thuý Hạnh mắc ung thư nhưng chưa được chữa trị, thì ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức này bày tỏ vô cùng quan ngại về tình cảnh của bà.
Ông Benedict cho rằng, việc bà Hạnh phải đối mặt với sự ngược đãi về tâm lý khi bị giam giữ và bị giam trong điều kiện vô nhân đạo không có thức ăn phù hợp và nước uống sạch theo như báo cáo là vi phạm rõ ràng Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp quốc mà Việt Nam đã phê chuẩn.
“Điều đáng lo ngại hơn nữa là có thông tin cho rằng bà hiện đang mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Chúng tôi kêu gọi chính quyền trả tự do cho bà để bà có thể được tiếp cận đầy đủ và ngay lập tức với dịch vụ chăm sóc y tế phù hợp.
Nhà chức trách cũng phải hủy bỏ cáo buộc ngay lập tức và vô điều kiện đối với bà cũng như thực hiện các biện pháp để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về sức khỏe, thực phẩm, nước uống, chỗ ở và vệ sinh trong các nhà tù ở Việt Nam,” ông Benedict viết trong tin nhắn gửi RFA.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh trong một lần biểu tình trước Đại sứ quán Trung cộng tại Hà Nội (Fb)
Chia sẻ với RFA, cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga, người từng nhiều năm là chuyên viên xét nghiệm tế bào ung thư của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thông thường ô nhiễm môi trường và tiếp xúc với hoá chất độc hại được cho là nguyên nhân gây ung thư nhiều nhất.
Thức ăn độc hại và nguồn nước ô nhiễm cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư, nhưng tùy thuộc vào thời gian tiêu thụ các sản phẩm độc hại đó, vì đa phần bệnh ung thư phát triển trong thời gian dài. Ung thư cổ tử cung thường có nguyên nhân do virus HPV gây ra.
Theo bà Nga, khả năng chữa khỏi căn bệnh này ở giai đoạn hai không cao, phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận hóa trị, xạ trị của cơ thể, nó cũng phụ thuộc vào cơ địa mỗi người chịu đựng được tốt hay không, và phẫu thuật có tốt hay không, đã giải quyết khối u thế nào,..
Nếu phẫu thuật không tốt, tế bào di căn sẽ nhanh chóng lan sang các cơ quan khác gần đó. Nếu phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn một và cắt toàn bộ tử cung thì có thể ngăn ngừa được hiện tượng di căn. Tuy nhiên, bệnh ở giai đoạn hai thì khó có thể chống di căn.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh là người sáng lập và điều hành Quỹ 50k chuyên giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm và người hoạt động gặp khó khăn, bị Công an Hà Nội bắt tạm giam ngày 07/4/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Một năm sau, nhà chức trách Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ việc tạm giam đối với bà Hạnh và buộc bà đi chữa bệnh tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương. Nhà hoạt động này đã mắc bệnh trầm cảm nặng nhiều năm trước và phải trải qua quá trình điều trị bệnh này từ trước khi bị bắt.
Bà Hạnh từng là một người phụ nữ thành đạt trước khi dấn thân vào con đường hoạt động nhân quyền.
Hồi năm 2016, người phụ nữ sinh năm 1963 này đứng ra tranh cử trong kỳ Bầu cử Quốc hội với cương lĩnh tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ quyền phụ nữ
Trong vụ việc hàng ngàn cảnh sát cơ động tấn công vào xã Đồng Tâm đầu năm 2020 và bắn chết ông Lê Đình Kình, bà Hạnh kêu gọi quyên góp được hơn 500 triệu đồng từ các cá nhân trong và ngoài nước để phúng điếu ông, nhưng bị nhà chức trách đóng băng tài khoản ngân hàng.
RFA (25.01.2024)
Việt Nam ‘giãy nảy’ về phúc trình 2023 của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền
Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho rằng thông tin về tình hình Việt Nam trong thông cáo báo chí của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch, HRW) gần đây là “bịa đặt, mang ý đồ xấu.”
“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền vì những nội dung bịa đặt, sai sự thật,” bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, trả lời truyền thông tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 25 Tháng Giêng, ở Hà Nội, về câu hỏi mà báo giới đặt ra về phúc trình của HRW về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2023.
Ông Trương Văn Dũng biểu tình thường xuyên trên đường phố Hà Nội. (Hình: Facebook Dũng Trương)
Báo Người Lao Động dẫn lời bà Hằng cho rằng HRW “có ý đồ xấu” khi đưa ra báo cáo như thế.
Bà Hằng lập luận rằng “những nỗ lực, quyết tâm, thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người đã được thể hiện thông qua những phát triển kinh tế-xã hội trên thực tế, và được đông đảo nhân dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao.”
HRW là tổ chức phi chính phủ quốc tế được thành lập năm 1978, có trụ sở ở New York. Hôm 11 Tháng Giêng, HRW ra thông cáo báo chí nói rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam năm 2023 “u ám.”
Thông cáo nhận định tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2023 “tiếp tục tồi tệ.” Nguyên nhân của tình trạng đó không chỉ do chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp, mà còn là hậu quả của chính sách “ngoại giao đổi chác” – tức các nước phát triển vì lợi ích chiến lược của họ mà bỏ qua tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.
Thực tế, nhân quyền tại Việt Nam 2023 rất tồi tệ. Theo thống kê của ông Vũ Quốc Ngữ, một chuyên viên theo dõi sát vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, chỉ riêng trong năm 2023, Việt Nam đã bắt giam 31 người và kết án tù 16 người.
Những người này chỉ viết bài chỉ trích, hoặc thông tin qua hình thức phát hình hay nói trực tiếp trên Facebook về những sự việc diễn ra chung quanh họ hoặc nơi nào đó trên đất nước.
Họ không hề kêu gọi nổi loạn, đấu tranh võ trang, lật đổ cái chế độ độc tài đang cầm quyền. Dù vậy, hầu hết những người đó đều bị áp đặt cho các tội như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ,” “tuyên truyền chống nhà nước…” hoặc nghiêm trọng hơn là “âm mưu lật đổ.”
Việt Nam lúc nào cũng cả quyết tôn trọng nhân quyền, nhưng hằng năm đều bắt giam và kết án tù rất nhiều người, bất chấp các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Ông Trần Lưu Quang, phó thủ tướng, tại phiên họp cấp cao khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hồi Tháng Hai, 2023, tại Geneva, Thụy Sĩ. (Hình: Người Lao Động)
Hiến Pháp thì nói “công dân có các quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, tự do hội họp, tự do biểu tình,” nhưng Bộ Luật Hình Sự lại siết chặt khi chụp mũ cho những ai đòi dân chủ là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” (Điều 331); “làm, tàng trữ, phát tán các tài liệu tuyên truyền chống nhà nước…” (Điều 117); “phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia…” (Điều 116); hay nghiêm trọng hơn “hoạt động nhằm lật đổ…” (Điều 109).
Trong số những người bị bắt trong năm 2023, theo bản thống kê của ông Vũ Quốc Ngữ, có 16 người bị khép vào Điều 331, có bốn người bị khép vào Điều 117, một người bị cáo buộc theo Điều 109 và một người bị cho là “trốn thuế” (Điều 200).
Trong số những người bị kết án tù trong năm 2023, có những người đã bị bắt từ năm 2022 như các Facebooker nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng, Trương Văn Dũng, Bùi Tuấn Lâm, Trần Bang. Họ đều bị quy chụp cho tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” với các bản án từ năm năm rưỡi tù đến tám năm tù. Trang Facebook cá nhân của họ có hàng chục ngàn người theo dõi và bình luận.
Bản phúc trình hằng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố hôm 20 Tháng Ba, 2023, nói rằng các quyền tự do căn bản của người dân tại Việt Nam vẫn chỉ có trên giấy chứ không có trong thực tế. Theo đó, Việt Nam nói trắng ra luôn là năm 2099 thì may ra mới có.
Nguoi Viet (25.01.2024)
Tổng thống Đức nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Việt Nam
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Hà Nội, ngày 23/1/2024.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 24/1 cho biết ông đã nêu vấn đề nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam, nói rằng những vấn đề liên quan đến tự do báo chí và tự do ngôn luận “có những quan ngại” cần phải được giải quyết.
Phát biểu trước sinh viên và giảng viên của trường Đại học Việt-Đức (VGU) ở tỉnh Bình Dương hôm 24/1, ông Steinmeier nói rằng Đức xem việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2023 đến năm 2025 là “sự thể hiện cam kết phát triển xã hội dân sự và tôn trọng nhân quyền”, Cổng thông tin của Phủ Tổng thống Đức đăng bài phát biểu của ông có đoạn viết.
Tổng thống Đức Steinmeier phát biểu như trên trước khi kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 23-24/1/2024.
“Tất nhiên, hệ thống chính trị và xã hội của chúng ta không giống nhau, và bên cạnh những điều gắn kết Việt Nam và Đức, cũng có một số điều khác biệt, vẫn cản trở sự hợp tác hoặc khiến chúng tôi phải quan ngại, chẳng hạn như liên quan đến vấn đề tự do báo chí và tự do ngôn luận”, vẫn lời Tổng thống Đức.
“Tất cả những vấn đề này được đề cập trong cuộc nói chuyện của tôi tại Hà Nội ngày hôm qua, và tôi tin rằng việc chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này với sự tôn trọng lẫn nhau cho thấy mối quan hệ đối tác của chúng ta vững chắc đến mức nào”, nhà lãnh đạo Đức chia sẻ.
Truyền thông Việt Nam đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo Đức với chương trình nghị gồm cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong đó tập trung vào hợp tác song phương ở các lĩnh vực thương mại-đầu tư, chuyển đổi năng lượng, lao động và dạy nghề, hợp tác phát triển, cũng như phối hợp chặt chẽ đóng góp cho hòa bình và các vấn đề hợp tác khu vực, toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ bình luận về bài phát biểu của nhà lãnh đạo Đức đề cập đến nhân quyền.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau nói rằng họ đảm bảo các quyền căn bản của người dân, bao gồm cả quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, đồng thời bác bỏ cáo buộc của các nước phương Tây cho rằng Hà Nội vi phạm nhân quyền.
, một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền Việt Nam vừa sang Đức tị nạn chính trị, nêu nhận định với VOA rằng ông không ngạc nhiên với việc nhà lãnh đạo Đức nêu vấn đề nhân quyền tại Hà Nội hôm 23/1.
“Là một người hợp tác với các đoàn ngoại giao các nước dân chủ ở Việt Nam từ nhiều năm nay về vấn đề nhân quyền, gồm cả Đức, tôi không ngạc nhiên khi thấy Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đề cập tới vấn đề nhân quyền trong bài phát biểu của ông ở Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Trung, người được chính phủ Đức chấp thuận cho tị nạn chính trị vào tháng 12/2023, chia sẻ.
“Chính phủ Đức đã liên tục làm việc trên tinh thần xây dựng với chính phủ Việt Nam từ nhiều năm nay để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam theo đúng những gì mà chính phủ Việt Nam đã cam kết trong các Công ước Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc”, vẫn lời ông Trung.
Từ năm 2011, Đức và Việt Nam đã thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược với các dự án hợp tác ở các cấp và trên nhiều lĩnh vực chính sách.
Trong một thông cáo hồi tháng 12/2023, Bộ Ngoại giao Đức viết về các ưu tiên của Berlin trong quan hệ với Hà Nội: “Đức và Việt Nam là đối tác của nhau trong nỗ lực duy trì trật tự dựa trên thượng tôn pháp luật, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thương mại và đầu tư tự do toàn cầu cũng như bảo vệ môi trường và khí hậu”.
‘Đoàn tàu Thống Nhất’
Mở đầu bài phát biểu tại ngôi trường được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam và Đức, ông Steinmeier nhắc đến đoàn tàu Thống Nhất, gọi đó là “đoàn tàu hòa giải” chạy dài 1.700 km từ Bắc vào Nam, “nối liền đất nước gần nửa thế kỷ”. Ông nói: “Nó là biểu tượng của lịch sử Việt Nam”.
Trước khi kết thúc bài phát biểu, ông một lần nữa nói rằng đoàn tàu Thống Nhất từng được mệnh danh là “xương sống của đất nước” và “cũng bởi vì nó đã kết nối hai miền đất nước Việt Nam thống nhất” như ngày nay.
Nhưng cuối cùng ông nhấn mạnh: “Tôi cho rằng ngày nay người dân là “xương sống của đất nước”. Đặc biệt là những người trẻ như các bạn. Tương lai, đất nước thuộc về các bạn!”.
Ông Trung nhận định rằng xuyên suốt bài phát biểu trước sinh viên VGU, Tổng thống Đức nhắc nhiều lần tới đoàn tàu Thống Nhất với hàm ý sâu xa.
“Đông Đức cộng sản và Tây Đức dân chủ đã thống nhất trên cơ sở tôn trọng quyền con người, không giống như Việt Nam thống nhất trên căn bản bạo lực và áp bức con người. Chính phủ Việt Nam coi cơ sở vật chất như đoàn tàu Bắc Nam, sắp tới có thể là đường sắt cao tốc Bắc Nam, là ‘xương sống của quốc gia”, ông Trung nói.
“Nhưng với tư duy của người Đức, con người mới là xương sống của quốc gia. Ở đầu và cuối bài phát biểu, hàm ý của Tổng thống Đức gửi tới thanh niên Việt Nam, theo tôi, thanh niên Việt Nam đam mê với những gì tiến bộ, sáng tạo, đổi mới mới chính là tương lai của đất nước”.
“Họ sẽ ‘tái tạo’ lại quốc gia trên nền tảng nhân bản, tiến bộ, và tôn trọng nhân quyền, bỏ lại những chủ nghĩa, tư duy lạc hậu lỗi thời mà nước Đức đã rũ bỏ vào năm 1989”, ông Trung đề cập đến việc thống nhất nước Đức khi bức tường Berlin sụp đổ.
VOA (25.01.2024)
TNLT Huỳnh Minh Tâm cáo buộc bị phân biệt đối xử qua việc phải ở buồng cách ly có gắn camera
Ông Huỳnh Minh Tâm và em gái Huỳnh Thị Tố Nga tại phiên toà ngày 28/11/2019 Báo Đồng Nai
Tù nhân lương tâm (TNLT) Huỳnh Minh Tâm, người đang thụ án tù tám năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” tại Trại giam Gia Trung cho thân nhân biết kể từ khi ông bị đưa đến cơ sở giam giữ này bốn năm trước, ông luôn bị cách ly ở trong phòng giam có gắn camera.
Ông kể về tình cảnh này của mình cho em gái ruột của ông, cựu TNLT Huỳnh Thị Tố Nga trong buổi thăm gặp ngày 21/1. Cả ông Tâm và bà Nga cùng bị bắt vào cuối tháng 1/2019 và bị kết án trong phiên toà ngày 28/11/2019. Bà Nga bị kết án năm năm tù nhưng đã mãn hạn tù cuối tháng ba năm ngoái.
Ngày 24/1, trong cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do (RFA), bà Nga kể về tình cảnh hiện nay của anh ruột mình trong buồng giam diện tích 12 mét vuông nhưng diện tích sử dụng chỉ khoảng 9 mét vuông:
“Hiện anh Huỳnh Minh Tâm vẫn ở chung khu an ninh với anh em nhưng mà anh Tâm thì bị nhốt riêng một mình một phòng từ khi đến trại cho đến bây giờ là gần 4 năm và phòng có gắn camera theo dõi.
Phòng giam hoàn toàn nó trống trơn, không có thể nào che đậy những sinh hoạt cá nhân, từ cái việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đến tắm rửa vệ sinh cá nhân.”
Bình luận về việc nhà tù cho gắn camera trong buồng giam để theo dõi mọi hoạt động của người tù, cựu TNLT, luật sư Lê Quốc Quân nói việc này “không thể chấp nhận được.”
Luật sư Quân cho biết luật pháp Việt Nam bảo vệ nhân quyền cho mọi người, kể cả những người đang thi hành án tù vì tù nhân chỉ bị tước một số quyền công dân như quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước, quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân bên cạnh quyền bỏ phiếu khi “đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.”
“Hiến pháp Việt Nam, Bộ luật Hình sự, và Luật thi hành án hình sự thì đều ghi nhận quyền con người và quyền nhân thân của tù nhân. Việc gắn camera trong phòng giam, đặc biệt là phòng giam đối với tù an ninh quốc gia là rất nhỏ và mọi sinh hoạt đều gắn liền trong một phòng cho nên gắn camera vào để theo dõi tất cả các cái hoạt động kể cả khi họ đi vệ sinh hoặc thay quần áo là xúc phạm về nhân phẩm đối với người tù.”
Trích dẫn Bộ luật Dân sự, ông cho rằng việc gắn camera cũng vi phạm quyền công dân.
“Việc gắn camera ở những nơi sinh hoạt chung, những hành lang, lối đi hoặc bên ngoài phòng giam thì có thể chấp nhận, còn việc gắn trong phòng giam để theo dõi các sinh hoạt riêng tư là vi phạm quyền về hình ảnh, quyền nhân thân theo Điều 32, Bộ luật Dân sự.”
Bà Nga cho biết khu giam giữ tù chính trị của Trại giam Gia Trung có hàng chục buồng giam nhưng chỉ có hai phòng có gắn camera, một phòng để giam ông Tâm và phòng kia đang để trống.
Để phản đối việc trại giam theo dõi mọi sinh hoạt của mình, ông Tâm đã dùng giấy che camera và quản giáo lại đến tháo giấy ra. Nhiều lần như thế rồi quản giáo cũng chấp nhận, và chỉ vào phòng chỉnh lại khi có giám thị đến kiểm tra, bà Nga thuật lại thông tin từ người anh.
Tuy bị giam một mình nhưng ông Tâm vẫn được gặp các tù nhân khác trong dịp cuối tuần ở khu chơi chung hoặc đi ra ngoài trồng rau và cây cảnh.
Ông Tâm nói với em gái rằng mình bị giam riêng trong phòng có camera là vì ông phản đối việc trại giam cưỡng ép tù nhân lao động cũng như lên tiếng về những bất cập trong trại giam trong việc nhận quà và bưu phầm từ gia đình, bán thức ăn ở căng-tin của trại…
Phóng viên không thể liên lạc với Trại giam Gia Trung để kiểm chứng thông tin việc gắn camera trong buồng giam cũng như tìm hiểu thông tin về việc ông Tâm bị giam cách ly trong nhiều năm qua.
Nhiều trại giam gắn camera trong phòng giam
Bà Nga nói trong thời gian bà thi hành án ở Trại giam An Phước, trại giam chỉ gắn camera ở hành lang khu vực giam tù nhân nữ.
Tuy nhiên, cũng bị giam trong trại giam này nhiều năm cho tới tháng 9/2023, nhà hoạt động Lê Quý Lộc cho biết phòng giam của ông bị gắn camera và thiết bị này ghi lại cả những hình ảnh trong nhà vệ sinh.
Một số cựu tù nhân khác cho biết việc gắn camera trong phòng giam rất phổ biến ở nhiều cơ sở giam giữ.
Ông Nguyễn Viết Dũng, người mới rời Trại giam Nam Hà cuối tháng 9/2023, cho biết phòng giam của ông có bị gắn camera và cả thiết bị thu âm. Camera còn thu cả khu tắm rửa của tù nhân.
Một cựu tù chính trị, người không muốn nên danh tính vì lý do an ninh, cho RFA biết ông bị giam nhiều năm ở Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá) và mới được trả tự do năm ngoái. Ông nói trại giam này gắn hai camera trong phòng giam có diện tích 15 mét vuông cho giam giữ hai người, và một camera khác ở sân chơi. Mọi hoạt động trong phòng giam, kể cả trong nhà vệ sinh, đều bị ghi lại.
Ông Nguyễn Viết Dũng cho biết nhiều tù nhân ở Trại giam Nam Hà vô cùng bất bình về việc trại giam lắp thiết bị nghe nhìn để theo dõi người tù. Ông bày tỏ:
“Lắp cả camera trong nhà vệ sinh để theo dõi mọi hoạt động thật sự là tồi tệ, quyền riêng tư của người tù không còn gì cả. Họ giám sát toàn bộ hoạt động kể cả ngủ nghỉ. Việc cho nhau những tờ giấy chiếc bút cũng bị họ giám sát. Tôi thấy nhân quyền bị họ xâm phạm một cách trầm trọng.”
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 không có quy định về việc lắp camera trong phòng giam. Điều 10 của luật này còn quy định nhiều hành vi bị cấm trong thi hành án hình sự, trong đó có “Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp.”
RFA (24.01.2024)