Seite auswählen

„Tôi cảm thấy dân ta ở trong nước ngày càng “nhạt” dần với Tết Nguyên đán… 

Trong khi đó người Việt ở nước ngoài lại cố gắng duy trì “Tết Ta” để khẳng định, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống Việt bằng những hình thức sinh hoạt Tết, rất đặc trưng Việt.“

 

Mạc Văn Trang

Tôi cảm thấy dân ta ở trong nước ngày càng “nhạt” dần với Tết Nguyên đán. Trước đây Tết là dịp để đoàn tụ gia đình, họ hàng, làng xóm, tưởng nhớ tổ tiên. Nay Tết nhiều bạn trẻ lại coi là dịp đi du lịch.

Bà xã tôi rủ bà bạn hàng xóm ở đơn thân, Tết sang ăn Tết cho vui. Bà bảo, Tết phải vào phố, trông nhà cho con. Cả nhà nó đi du lịch. Có một số người còn đề nghị, bỏ “Tết Ta”, tập trung vào “Tết Tây” để hội nhập với thế giới.

 

Trong khi đó người Việt ở nước ngoài lại cố gắng duy trì “Tết Ta” để khẳng định, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống Việt bằng những hình thức sinh hoạt Tết, rất đặc trưng Việt.

 

Tôi có dịp “ăn Tết” ở Ba Lan hai lần. Chợ ở trung tâm thương mại có đông người Việt, cũng tưng bừng đủ sắc màu “chợ Tết”. Nhiều nhà gói bánh chưng, làm cỗ Tết đủ các loại giò, chả, măng, miến, xôi, gà…

 

Nhà nào cũng bày đầy đủ lễ vật truyền thống trên bàn thờ Gia Tiên, khói hương nghi ngút; nhà nào cũng hoa mai, hoa đào (Tây) rực rỡ. Có nhà sang, có cành đào Nhật Tân.

 

Buổi họp mặt cộng đồng chúc Tết, ăn Tết, đông vui, đủ sắc màu áo dài của chị em, tưng bừng, thật là đẹp.

 

Pháo mới ghê. Ở Ba Lan không cấm pháo, nên dân ta đốt pháo “máu” lắm. Ở đâu có người Việt, ở đó pháo râm ran, đì đùng suốt.

 

Đặc biệt chương trình biểu diễn ca nhạc của mấy nghệ sĩ trẻ thuần Việt, rất tuyệt vời. Nghệ sĩ trẻ Hồng Quang nói, ra thế giới, nhạc cụ càng cổ, nhạc càng thuần Việt, càng độc đáo, hấp dẫn.

 

Như tôi tìm hiểu, thì cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ mới càng có ý chí mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi để bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hoá Việt một cách toàn diện và sâu sắc nhất.

Tuần trước tôi có đưa tin, ở Hoa Kỳ có trường người Việt dạy song ngữ Anh – Việt, đến trình độ cao về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Nhờ đó, các giáo sư hải ngoại góp phần chỉnh đốn tiếng Việt, lịch sử… ở trong nước!

 

Ví dụ, giáo sư Trần Huy Bích thuyết trình về “Bình Ngô Đại Cáo” cho một số giáo viên trẻ dạy tiếng Việt tại Little Saigon cùng một số vị giáo sư, giới văn học, nhà nghiên cứu lịch sử, và đồng hương, đã ‘lạnh người’ với sách của một tác giả trong nước viết về “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi…

 

Không khí Tết của bà con người Việt ở Little Sài Gòn thì quá tưng bừng. Sắc màu Tết từ hàng hoá, trang trí, quảng cáo, trang phục, báo chí, sinh hoạt rất đặc trưng hồn Việt.

 

Nhưng đặc biệt nhất là vào dịp Tết bà con Người Việt háo hức đón tin vui: Hội Đồng Thành Phố Westminster (California) tổ chức lễ khánh thành ba con đường có thêm tên Việt tại Little Saigon là đường Tự Do, đường Nguyễn Trãi, và đường Lê Lợi. Trước đây đại lộ Bolsa đã được mang thêm là đại lộ Trần Hưng Đạo.

 

Những nỗ lực của người Việt ở hải ngoại chỉ mong ước bảo tồn những giá trị văn hoá Việt – Hồn dân tộc, để cộng đồng mình sống có bản sắc và truyền lại những giá trị đó cho các thế hệ tương lai.

 

Có phải khi người Việt ra đi, đã vứt đi tất cả, chỉ hồn Việt là còn lại mãi, và cái còn lại đó chính là văn hoá Việt tinh túy.

 

Trong khi ở trong nước, “cái văn hoá” lại ôm đồm, thừa thãi, xô bồ quá chăng? Lớp trẻ bây giờ dường như “bội thực văn hoá”, không biết nên bỏ cái gì, giữ cái gì, theo cái nào?

 

Vấn đề căn bản của “chấn hưng văn hoá” đó, mà không cần đến 350.000 tỷ đồng đâu.

 

Mạc Văn Trang

 

BaoTiengDan  (29.01.2024)