Seite auswählen

„Nhận thấy không thể dễ dàng kiểm soát GHPGVNTN, năm 1980, chính quyền Cộng Sản đã thay đổi cách tiếp cận: thành lập một giáo hội Phật Giáo mới dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản và sau đó ép buộc các thành viên GHPGVNTN gia nhập giáo hội do đảng kiểm soát này.“

Tội ác đàn áp tôn giáo trên toàn đất nước Việt Nam của đảng cộng sản vô thần không ngừng biến tướng, từ lộ liễu, man rợ đến tinh vi xảo quyệt. Riêng tại miền Nam Việt Nam, từ lúc cưỡng chiếm miền đất tự do tôn giáo này đến nay, cộng sản ra tay triệt hạ Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, cầm tù, giết hai chư tăng ni, Phật tử.

 

Bản báo cáo dưới đây thu thập những bằng chứng, trong muôn vàn bằng chúng tội ác không thể chối cãi của CS Việt Nam được tổ chức BPSOS thu thập và báo cáo Liên Hiệp Quốc.

 

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), một tổ chức đại diện cho nhiều chùa và cộng đoàn Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa tại Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa hay Miền Nam Việt Nam), hình thành vào tháng 1 năm 1964, sau khi một số nhóm Phật Giáo hội họp từ cuối tháng 12 năm 1963 đến đầu tháng 1 năm 1964. Văn phòng trung ương của GHPGVNTN đặt tại chùa Ấn Quang ở Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (Bắc Việt Nam) xâm lược miền Nam Việt Nam vào tháng 4 năm 1975, chính quyền Cộng sản đã tiếp quản tài sản và cơ sở của GHPGVNTN, bao gồm một số chùa, trường học (gồm Đại học Vạn Hạnh) và cô nhi viện. Sự việc này đã gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối của Phật tử ở một số thành phố. Vào tháng 3 năm 1977, Hội Đồng Chấp hành GHPGVNTN đã công khai lên án sự bách hại của chế độ Cộng Sản và các cuộc biểu tình rầm rộ của Phật Tử đã diễn ra ở các thành phố lớn. Phản ứng của chính phủ là bắt giữ sáu thành viên của Hội đồng, gồm có Hoà Thượng (HT) Thích Huyền Quang, Phó Chủ Tịch Điều Hành, và HT Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký Hội Đồng Chấp Hành. Tháng 4 năm 1978, sau 20 tháng bị tạm giam, hai vị này phải ra toà và được hưởng án treo. Việc tra tấn và sát hại HT Thích Thiện Minh (tục danh Đỗ Xuân Hằng, 1921-1978): HT Thích Thiện Minh, thành viên Hội Đồng Cố Vấn của Viện Hoá Đạo của GHPGVNTN, bị công an Việt Nam bắt giữ vào tháng 3 năm 1978, sau một chiến dịch đàn áp tôn giáo tàn bạo trên toàn quốc. Vào tháng 10 cùng năm, ông bị tra tấn đến chết trong thời gian bị công an giam giữ. Chính quyền Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm làm giảm bớt các hành động tàn bạo để người dân Việt Nam, đặc biệt là các Phật tử, quên đi sự tàn bạo càng nhanh càng tốt.

 

Việc bỏ tù các tăng sĩ cấp cao khác và các thành viên GHPGVNTN:  HT Thích Không Tánh (tục danh Phan Ngọc An, sinh năm 1943), trụ trì chùa Liên Trì, Phường An Khánh, Quận 2, Thành Phố Hồ Chí Minh (xem chi tiết về việc chiếm đoạt chùa Liên Trì bên dưới), HT bị cầm tù nhiều lần kể từ năm 1976, tổng cộng hơn 10 năm tù. Thượng Toạ (TT) Thích Thiện Minh (tục danh Huỳnh Văn Bá, sinh năm 1954), một tu sĩ Phật giáo quê ở tỉnh Bạc Liêu, miền Nam Việt Nam, bị bỏ tù vì phản đối chính quyền đàn áp Phật giáo. Năm 1976 – 2005 ông bị giam ở nhiều nhà tù khác nhau và bị tra tấn dã man. Sau khi được thả, ông bị quản thúc tại gia. Chính quyền quấy nhiễu và đe doạ TT sau khi ông thành lập một hiệp hội gồm các cựu tù nhân tôn giáo và chính trị. Tuy vậy, ông trở thành người phát ngôn hàng đầu trong việc vận động đối xử nhân đạo với tù nhân. Cuốn Hồi ký năm 2007 của TT Thích Thiện Minh về những trải nghiệm trong tù của ông đã công khai những thông tin hiếm hoi và chi tiết về tình trạng tù nhân trong các nhà tù và trại cải tạo ở Việt Nam. HT Thích Tuệ Sỹ (tục danh Phạm Văn Thương, sinh năm 1943). Một thành viên tu sĩ Phật Giáo cao cấp, ông từng là giảng viên Triết Học tại Đại Học Phật giáo Vạn Hạnh. Ông hiện là Tổng Thư Ký của Hiệp Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam. Ông bị Tòa Án 2 Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh kết án tử hình năm 1988 vì “hoạt động chống chính quyền”. Áp lực quốc tế đã khiến chính quyền giảm mức án cho ông xuống còn 20 năm lao động khổ sai. Ông được trả tự do vào đầu tháng 9 năm 1998. TT Thích Huệ Đăng (tục danh Nguyễn Ngọc Đạt, sinh năm 1943) Tu sĩ Phật giáo và thành viên GHPGVNTN. Ngày 28 tháng 5 năm 1992, ông bị kết án hai mươi năm tù vì viết về Phật Giáo và cải cách dân chủ. 

 

Nhận thấy không thể dễ dàng kiểm soát GHPGVNTN, năm 1980, chính quyền Cộng Sản đã thay đổi cách tiếp cận: thành lập một giáo hội Phật Giáo mới dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản và sau đó ép buộc các thành viên GHPGVNTN gia nhập giáo hội do đảng kiểm soát này. Đầu tiên, các thành viên do chính phủ bổ nhiệm tham gia vào một hội đồng mới do chính quyền Cộng Sản thành lập, có tên là Hội Đồng Thống Nhất. Tiếp theo, hội đồng này có nhiệm vụ kêu gọi các nhà sư tổ chức một cuộc họp để thống nhất tất cả các tổ chức Phật giáo trong cả nước. HT Huyền Quang và HT Quảng Độ đều phản đối lời kêu gọi tham gia cuộc họp của Hội Đồng Thống Nhất. Tháng 11 năm 1981, Đại Hội Phật Giáo được tổ chức với các đại biểu do chính phủ lựa chọn; sau đó Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) ra đời. GHPGVN, do chính quyền thành lập, là tổ chức Phật Giáo duy nhất được Cộng Sản Việt Nam công nhận. Tổ chức đó cũng trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc, một cơ quan trực thuộc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số thành viên GHPGVNTN từ chối không công nhận thẩm quyền của GHPGVN. Để đảm bảo rằng GHPGVN bao trùm tất cả các Phật tử ở Việt Nam, chính quyền không công nhận và bắt đầu đàn áp những cộng đồng Phật Giáo và tu sĩ chọn ở lại với GHPGVNTN; những chùa hay nhóm quyết định không gia nhập GHPGVN hoặc GHPGVNTN cũng bị đàn áp. Vào tháng 4 năm 1982, chính quyền đã đẩy HT Huyền Quang, HT Quảng Độ và 4 người khác vào cảnh lưu vong – đầy ải trong nước vì phản đối GHPGVN. Tháng 7 năm 1982 công an tiếp quản và đóng cửa chùa Ấn Quang, trụ sở chính của GHPGVNTN. Vào tháng 10 năm 1991, Quyền Tăng Thống tối cao của GHPGVNTN, HT Thích Đôn Hậu, đã gửi thư cho Phật tử hải ngoại kêu gọi các nhóm Phât tử khác nhau tập họp lại tuân theo hiến chương của GHPGVNTN năm 1964. HT Thích Đôn Hậu viên tịch vào tháng 4 năm 1992 sau khi để lại di chúc và suy cử HT Thích Huyền Quang làm người kế vị.

Trở về từ nơi lưu đày trong nước vào tháng 6 năm 1992, HT Huyền Quang chỉ trích việc Chính quyền thành lập GHPGVN và kêu gọi chính quyền trả lại tài sản bị tịch thu cho GHPGVNTN và cho phép GHPGVNTN hoạt động trở lại. Các cuộc biểu tình lớn đã xảy ra ở Huế và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Vào ngày 21 và 24 tháng 5 năm 1993, giáo đoàn Phật Giáo chùa Thiên Mụ ở Huế đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn, vào dịp này một cư sĩ đã tự thiêu để kêu gọi những người đồng đạo bảo vệ Chánh pháp của Phật Giáo. Công an đã bắt giữ 6 nhà sư của chùa, trong đó có vị trụ trì Thích Trí Tửu, và khoảng 50 Phật tử. Sau đó, họ bắt và thẩm vấn thêm 3 nhà sư là Thích Hải Tạng, Thích Hải Chánh và Thích Hải Thịnh cùng các Phật tử khác, trong đó có các ni cô và cư sĩ. Họ bị đưa ra xét xử vào tháng 11 năm 1993, các nhà sư nhận mức án tù từ 3 đến 4 năm. Bốn cư sĩ nhận án từ 6 đến 24 tháng. Hơn nữa, vào tháng 7 năm 1993, trụ trì chùa Sơn Linh, TT Thích Hạnh Đức và các tu sĩ (ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị bắt vì chống lại lệnh trục xuất của chính quyền địa phương. Việc chiếm đoạt một ngôi chùa thuộc GHPGVNTN này được sự ủng hộ của Mặt Trận Tổ Quốc địa phương, một đơn vị trực thuộc của Đảng Cộng Sản luôn hợp tác chặt chẽ với chính quyền Cộng sản. Năm 1994, Trụ trì chùa Thích Hạnh Đức nhận án 3 năm tù. Năm 1994, GHPGVNTN tiếp tục công tác trợ giúp xã hội vốn bị cấm dưới thời Cộng Sản qua việc tham gia vào các nỗ lực cứu trợ lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính quyền đã phản ứng qua việc bắt giữ 5 Phật tử, và giam giữ HT Huyền Quang vào tháng 12 năm 1994, và HT Quảng Độ vào tháng 1 năm 1995. Vào tháng 8 năm 1994, một số cuộc biểu tình của Phật Giáo đã được tổ chức tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Vào tháng 10 năm 1994, chính phủ đã bắt giữ TT Thích Giác Nguyên thuộc chùa Long An, tỉnh Trà Vinh. Cũng vào tháng 10 năm 1994, HT Thích Không Tánh

trụ trì Chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, Quận 2, Thành Phố Hồ Chí Minh, người cũng được GHPGVNTN giao phó việc phụ trách công tác cứu trợ lũ lụt, đã gặp gỡ Nhóm Công Tác Của Liên Hiệp Quốc về giam giữ tùy tiện (UNWGAD) trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. HT Thích Không Tánh đã gửi tới UNWGAD một báo cáo về việc chính quyền vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo, đồng thời ngài đưa những lá thư của HT Huyền Quang và HT Quảng Độ kêu gọi Liên Hiệp Quốc gây sức ép với Việt Nam thả các tù nhân tôn giáo. Vào tháng 11 năm 1994, chính quyền bắt giữ HT Không Tánh và bốn Phật tử, buộc tội họ lập kế hoạch thúc đẩy nỗ lực cứu trợ bất chấp lệnh cấm của chính quyền đối với các hoạt động trợ giúp xã hội bởi các tổ chức tôn giáo chưa đăng ký. Trong cùng tháng đó, công an an ninh đã tấn công vào chùa của TT Thích Nguyên Lý tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh và tịch thu các phẩm vật dành cho công tác cứu trợ.

Ngày 1 tháng 10 năm 2003, trong Đại Hội đặc biệt của các thành viên GHPGVNTN được tổ chức tại Tu Viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, GHPGVNTN quyết định giao cho các thành viên ở hải ngoại nhiệm vụ lên kế hoạch và tổ chức một đại hội ở bên ngoài Việt Nam. Đại hội đầu tiên như vậy được tổ chức tại Tu Viện Quảng Đức ở Melbourne, Úc vào ngày 10 đến 12 tháng 10 năm 2003. Các đại biểu tại hội nghị này đã bầu Hòa Thượng Thích Huyền Quang làm Tăng Thống thứ tư của GHPGVNTN. Thật không may, sức khỏe của Ngài bắt đầu suy giảm, vào tháng 6 năm 2006, HT phải nhập viện nhiều lần, và Ngài viên tịch vào ngày 5 tháng 7 năm 2008 tại Tu Viện Nguyên Thiều.

 

Việc Cô lập và Giam Giữ các lãnh đạo cấp cao của GHPGVNTN: Chính phủ đã lưu đày HT Huyền Quang, HT Quảng Độ trong 10 năm ở vùng sâu vùng xa tại tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Thái Bình; và ngăn chặn, không cho hai vị này tiếp xúc với các Phật tử. HT Huyền Quang ban đầu bị đày và biệt giam tại chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi trước khi HT bị chuyển đến một ngôi chùa làng nhỏ ở vùng núi, nơi ông chịu sự giám sát chặt chẽ của công an.

 

Năm 1992, sau thời gian bị lưu đày, HT Quảng Độ trở về nơi ở cũ tại Thiền Viện Thanh Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng 8 năm 1994, ngài lại kêu gọi khôi phục GHPGVNTN; đồng thời gửi thư cho Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam phê bình chính sách của Chính quyền đối với Phật Giáo. Ngày 14 tháng 10 năm 1994 ngài gửi thư cho các thành viên GHPGVNTN nhắc nhở họ về những ước vọng mà HT Huyền Quang đã đưa ra là thiết lập các uỷ ban đại diện và bắt đầu các sinh hoạt bình thường. Trong lá thơ, ngài cũng yêu cầu các chùa treo các bảng hiệu chỉ rõ là các chùa này thuộc GHPGVNTN.

Bị bắt vào tháng 1 năm 1995, HT Quảng Độ bị buộc tội “kích động sự rối loạn” và kết án 5 năm tù vào tháng 8 năm 1995, tiếp theo là 5 năm quản thúc tại gia. Tuy nhiên, ông được thả vào đầu tháng 9 năm 1998 và bị quản thúc tại Thiền Viện Thanh Minh. Năm 1999, HT được bầu làm Viện Trưởng Viện Hoá Đạo của GHPGVNTN.

Năm 2008, sau cái chết của HT Huyền Quang, HT Quảng Độ được bầu làm Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN; tuy nhiên, mãi đến tháng 11 năm 2011, ngài mới nhậm chức, sau khi Đại hội lần thứ 9 của các thành viên GHPGVNTN tại hải ngoại được tổ chức tại chùa Điều Ngự, thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ.

 

Ngày 15 tháng 9 năm 2018, trụ trì Thiền Viện Thanh Minh đã thỉnh cầu HT Quảng Độ tìm nơi trú ẩn ở nơi khác sau khi thiền viện và cộng đoàn Phật Giáo tại đây bị công an theo dõi và hạn chế sự đi lại trong nhiều năm (vì HT Quảng Độ sống ở đó). Sau khi dọn ra khỏi thiền viện, ngài tạm trú tại nhiều địa điểm khác nhau ở Thành Phố Hồ chí MInh cho đến ngày 5 tháng 10. Dưới áp lực của chính quyền, HT rời về chùa tại quê cũ ở Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Trước khi rời thành phố (Hồ Chí Minh), ngài gửi một thông điệp tới tất cả Tăng Ni, Phật tử tại Việt Nam và hải ngoại yêu cầu họ bỏ qua những khác biệt trong quá khứ và cùng nhau giúp Phật Giáo thực sự phát triển ở cả Việt Nam và tại các cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Sau 20 năm bị quản thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh và chưa đầy một tháng ở tỉnh Thái Bình, ngài không tuân thủ lệnh quản chế và lánh nạn tại chùa Từ Hiếu, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Các lãnh đạo cấp cao khác của GHPGVNTN hoặc trụ trì của các ngôi chùa lớn đều bị bắt, bị đe dọa, cô lập, giam giữ hoặc bỏ tù. Chính phủ đã tịch thu các ngôi chùa và tài sản khác của GHPGVNTN, hoặc buộc họ phải nhượng lại cho GHPGVN, giáo hội được chính quyền hỗ trợ.

Việc chính quyền Việt Nam đàn áp không ngừng các ngôi chùa độc lập và các chùa thuộc GHPGVNTN (và các cộng đồng Phật Giáo của họ) đã bị Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) chỉ trích vào tháng 3 năm 2014 như sau: “Tự do tôn giáo ở Việt Nam rất kém cỏi. Họ sử dụng lực lượng cảnh sát chuyên trách về tôn giáo và luật an ninh quốc gia mơ hồ, không rõ ràng để trấn áp việc thờ phượng của dân chúng”.

 

Cho đến nay, Đảng Cộng sản vẫn chưa tỏ ra sẵn sàng thay đổi chính sách của họ. Phá hoại tài sản và sách nhiễu cộng đồng Phật Giáo chùa Đạt Quang, xã Bầu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu TT Thích Vĩnh Phước (tục danh: Phương Hữu Phạm) định xây dựng một công trình kiến trúc bằng gỗ để giải quyết tình trạng thiếu chỗ ở trầm trọng cho các tu sĩ trong chùa, đã gặp phải một số rào cản của chính quyền.

 

Vào tháng 2 năm 2014, sau khi đã đổ nền bê tông cho một căn nhà bằng gỗ tạm thời, và gỗ đã được giao đến công trường. Chính quyền đã thu giữ toàn bộ số gỗ này, mặc dù quy định không đòi hỏi phải xin phép xây dựng đối với các công trình tạm thời như vậy. Ngày 6 tháng 10, 2015, lực lượng công an cùng các cơ giới hạng nặng và nhân lực được chính quyền địa phương đưa đến để phá huỷ phần nền móng. Lực lượng an ninh này đã chặn mọi lối vào chùa và bắt giữ một số Phật tử của chùa cùng các nhà sư đang tham dự một buổi toạ thiền bất bạo động tại nền móng đó. Cho đến nay, chính quyền vẫn tiếp tục gây áp lực lên ngôi chùa vì TT trụ trì muốn giữ sự độc lập cho chùa và không gia nhập GHPGVN.

 

Cần lưu ý rằng vào tháng 1 năm 2018, tòa phúc thẩm đã bác bỏ yêu cầu của GHPGVN liên quan đến ngôi chùa này: “Theo đó, GHPGVN của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là tổ chức giám sát các vấn đề liên quan đến hoạt động tôn giáo nên không có quyền khởi kiện chùa Đạt Quang, và tòa án cấp dưới đã không hành động đúng theo pháp luật quy định khi thẩm xét vụ việc này, và toà cấp dưới này đã đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) Bà Rịa – Vũng Tàu đối kháng các ông Phương, Chí, Phước và Phú. Xét tất cả các nội dung trên, Hội Đồng Thẩm Phán Phúc Thẩm nhất trí với quan điểm của đại diện Viện Kiểm Sát Bà Rịa – Vũng Tàu, và chấp nhận một phần kháng cáo của ông Phương, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, và đình chỉ việc tranh tụng tiếp theo.” Bất chấp quyết định của tòa án, công an địa phương vẫn tiếp tục sách nhiễu chùa Đạt Quang để buộc chùa phải gia nhập GHPGVN hoặc phải từ bỏ danh xưng chùa là một cơ sở tôn giáo. Tịch thu Chùa Liên Trì, Phường An Khánh, Quận 2, Thành Phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) Trụ trì là HT Thích Không Tánh (tục danh: An Ngọc Phan), cũng là chủ sở hữu Chùa Liên Trì, cho rằng mức bồi thường của Chính phủ tương đương với khoảng 250 nghìn đô la Mỹ, số tiền này là hoàn toàn không đủ để mua đất và xây dựng một ngôi chùa thay thế đủ để phục vụ cho cộng đồng Phật tử của chùa hiện tại. Chính quyền đã bỏ tù Hoà Thượng Không Tánh nhiều lần, tổng cộng là 20 năm từ 1976 đến 2000, chủ yếu vì ông không gia nhập GHPGVN.

Ngày 13 tháng 5 năm 2015, chính phủ đã gửi 784 triệu đồng Việt Nam (tương đương với 35 nghìn đô la Mỹ) vào tài khoản ngân hàng của hoà thượng tại Ngân Hàng Công Thương và tặng một miếng đất ở phường Cát Lái, cách Liên Trì 12 km, mà không được sự chấp thuận của hoà thượng trụ trì. HT Thích Không Tánh không chấp nhận sự hiến tặng đó. Vào ngày 30 tháng 5 năm 2015, Hội Đồng Liên Tôn tại Việt Nam đã phản đối quyết định này của chính quyền.

 

Vào ngày 8 tháng 9 năm 2016, lực lượng công an đã hộ tống các cơ giới hạng nặng và nhân lực do chính quyền gửi đến địa điểm chùa Liên Trì, và ngôi chùa đã bị san bằng. Ông Ed Royce, Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ, thừa nhận sự việc này. Trong khi chùa Liên Trì (trực thuộc GHPGVNTN) bị phá hủy thì chùa Huệ Nghiêm, liên kết với GHPGVN, lại phát triển hưng thịnh trên cùng khu vực của TP.HCM.

 

Tịch thu Chùa An Cư, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Hưởng ứng quyết định thu hồi đất cho dự án Khu dân cư An Cư 4 ngày 24/9/2018 của chính quyền địa phương (đồng thời đề nghị bồi thường dưới 2% giá thị trường), Trụ trì chùa, TT Thích Thiện Phước (tục danh: Cội Văn Huỳnh), sở hữu chủ chùa An Cư, đề xuất 2 phương án để ngôi chùa được thay thế sau này có thể tiếp tục phục vụ số Phật tử của chùa hiện có:

– Bồi thường dưới hình thức một thửa đất tương đương (317,7 m2) ở một địa điểm gần đó, trên đất đó chính quyền sẽ xây dựng một ngôi chùa có kích thước và chất lượng tương đương với ngôi chùa hiện hữu trước khi giao chùa mới đó cho vị trụ trì, hoặc:

– Bồi thường bằng một thửa đất tương đương (317,7 m2) ở khu vực gần đó cùng với giấy phép sử dụng đất và giấy phép xây dựng ngôi chùa thay thế (trong trường hợp đó vị trụ trì sẽ cần gây quỹ để thiết kế và xây dựng ngôi chùa). Không phản hồi các đề xuất đó, chính quyền đã ngang nhiên san bằng ngôi chùa vào ngày 9 tháng 11 năm 2018.

Việc chiếm đất của chùa An Cư còn thoả mãn một mục tiêu khác của chính quyền trung ương là xóa bỏ các tàn tích của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, độc lập với GHPGVN do Nhà nước kiểm soát.

Các vụ quấy rối gần đây ở miền Trung và miền Nam Việt Nam:

  1. TT Thích Đức Minh, trụ trì chùa Thiên Lâm, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, báo cáo vào ngày 20/02/2019 là các nhà sư liên kết với GHPGVN tung tin đồn bôi xấu thầy Đức Minh khiến một số nhóm từ thiện ngoại thành ngừng quyên tặng thực phẩm và những nhu cầu cần thiết khác cho các Phật tử của ngôi chùa 100 năm tuổi này. Chính quyền nhắm vào vị trụ trì vì ông chống lại đòi hỏi của họ về miếng đất nơi ngôi chùa toạ lạc. Mới đây, Thẩm phán Phan Thanh Sơn của Toà Án Nhân Dân tại Cai Lậy cảnh cáo ông rằng chính quyền sẽ yêu cầu ông tự nguyện tìm địa điểm khác để xây dựng chùa trước khi miếng đất nơi chùa đang toạ lạc bị cưỡng chiếm.
  2. Thầy Thích Đức Long (tục danh: Phạm Trần Công Trinh) ở chùa Liên Trì II, bloc 3, ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM, báo cáo rằng chính quyền địa phương đã bắt đầu sách nhiễu ông và cộng đồng Phật tử nơi đây. Vào ngày 10 tháng 1 năm 2019, một quan chức chính quyền đã yêu cầu ông ngừng sử dụng micrô khi tiến hành các buổi lễ cầu nguyện tại chùa của ông. Tối hôm đó, bọn côn đồ đã ném pháo vào phòng khách của chùa.
  3. Chùa Giác Minh, phường Bình Thiên, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng: Ngày 12/1/2019, một nhóm công an (công an mặc đồng phục, công an mặc thường phục và côn đồ) đã quấy nhiễu vị trụ trì 81 tuổi và sư cô Đông Hiếu bằng cách gõ cửa chùa ầm ĩ về ban đêm trong khi đó họ ngăn chặn Phật tử địa phương vào chùa để hỗ trợ cho các nạn nhân.
  4. Chùa Sơn Linh ở thị trấn Pleikan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum: Chính quyền địa phương đã phá sập chùa vào ngày 11/01/2019 trong khi vị trụ trì TT Thích Đồng Quang rời chùa đi Thành phố Huế để chữa bệnh ung thư. Lý do mà chính quyền vu cáo là ngôi chùa nằm trên đất nông nghiệp. Sự việc này không chính đáng vì những ngôi nhà và cửa hàng gần đó không bị nhắm đến như ngôi chùa mặc dù đất của họ cũng là đất nông nghiệp.

 

VNTB (22.02.2024)