Seite auswählen

Ít tuần lễ trước cuộc bầu cử tổng thống Nga (ngày 17/03/2024), với phần thắng chắc chắn thuộc về ứng cử viên duy nhất, tổng thống Vladimir Putin, trang mạng Delfi của Estonia hôm 26/02/2024 đã công bố một số thông tin mật rò rỉ từ điện Kremlin, cho thấy hệ thống tuyên truyền và kiểm soát thông tin đã được huy động với quy mô ‘‘chưa từng có’’, nhằm bảo đảm chiến thắng áp đảo của ông Putin, đồng thời khẳng định ‘‘tính chính nghĩa’’ của Nga trong cuộc xâm lăng Ukraina.

“Kremlin Leaks” vén lộ cỗ máy tuyên truyền của Nga. Ảnh minh họa. © Grégory Genevrier/

 

Các thông tin rò rỉ từ điện Kremlin, được gọi tắt là ‘‘Kremlin Leaks”, được công bố hôm 26/02/2024, trình bày chi tiết về các kế hoạch của ‘‘cuộc chiến thông tin’’ đang diễn ra ở Nga. Các tài liệu mới nhất là vào tháng 12/2023. Chuyên gia đương đại nổi tiếng về Nga Mark Galeotti, Anh Quốc, một trong những người nhận nhiệm vụ thẩm định, xác nhận tính xác thực của các tài liệu này.

 

Cỗ máy tuyên truyền dưới sự điều hành của ‘‘phó vương Donbass’’

Vsquare, trang mạng điều tra Ba Lan, một thành viên của nhóm các cơ quan truyền thông châu Âu tham gia xử lý các thông tin này, cho biết chương trình tuyên truyền quy mô lớn vừa được phát giác có tổng trị giá tương đương hơn 1,1 tỉ euro. Chương trình tuyên truyền này có mục tiêu hỗ trợ ứng cử viên tổng thống sắp mãn nhiệm chinh phục cử tri Nga, đồng thời tăng cường việc áp đặt các quan điểm của Nhà nước Nga tại các vùng lãnh thổ của Ukraina (thuộc các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporijjia), mà Nga vừa xâm chiếm từ năm 2022 với ‘‘chiến dịch quân sự đặc biệt’’. 

 

Ngoài Vsquare, tham gia vào xử lý các tài liệu của Kremlin Leaks, có sự tham gia của hơn mười cơ sở truyền thông châu Âu, là Frontstory.pl (Ba Lan), Expressen (Thụy Điển), Meduza và iStories (các mạng truyền thông độc lập Nga), Papers Trail Media, Der Spiegel và ZDF (Đức), Der Standard (Áo) và Tamedia (Thụy Sĩ). Các tài liệu rò rỉ giúp cho thấy một bức tranh chi tiết về các phương thức mà điện Kremlin điều khiển cả một mạng lưới rộng lớn của các tổ chức được gọi là ‘‘phi chính phủ’’, nhằm phổ biến đến toàn thể dân chúng ‘‘các sản phẩm văn hóa’’ đặc biệt là phim ảnh, và các ‘‘thông tin’’ do các tổ chức thân chính quyền tạo ra.

 

Vụ rò rỉ Kremlin Leaks cho thấy phương thức vận hành của cỗ máy tuyên truyền của điện Kremlin, đứng đầu là ông Sergei Kiriyenko, 61 tuổi, từng là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Nga, lên nắm quyền hồi 1998. Hơn 25 năm sau, nhân vật thân cận với tổng thống Putin giờ đây được mệnh danh là “Phó vương vùng Donbass”, do cương vị quản lý các vùng lãnh thổ Nga chiếm đóng ở Ukraina.

 

Hơn một tỉ đô la cho hơn 15 tổ chức ”phi chính phủ”

Trang France 24 dẫn đánh giá của ông Jeff Hawn, chuyên gia về Nga tại Trường London School of Economics, Anh Quốc, về ý nghĩa đặc biệt của vụ ‘‘Kremlin Leaks” : ‘‘Đây là lần đầu tiên bộ máy tuyên truyền của lãnh đạo Nga huy động một cỗ máy hùng hậu như vậy để bảo đảm chiến thắng của tổng thống Putin’’.

 

Trong số các bên nhận được nhiều tài trợ nhất của điện Kremlin có nhà tuyên truyền nổi tiếng Voloviev, với số tiền 15 triệu euro, trong năm 2024. 15 tổ chức mang danh ‘‘phi lợi nhuận độc lập’’ (trong tiếng Nga gọi tắt là ANO) được điện Kremlin huy động vào mục tiêu này, sử dụng gần 4.400 nhân viên với ngân sách tổng cộng 600 triệu euro. Trong số các tổ chức này, Viện Phát triển Internet (IRI) nhận được nhiều đầu tư nhất. IRI là cơ sở chịu trách nhiệm sản xuất các phim truyền hình dài tập, phim truyện, cũng như các ứng dụng trò chơi điện tử dành cho đại chúng.  

 

‘‘Cộng hòa Dân chủ Đức’’, câu chuyện tình Donbass…

Các phim truyện là các sản phẩm chính mà điện Kremlin đặt hàng từ Viện IRI, được thành lập từ năm 2015. Để phục vụ cho cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2024, IRI được giao nhiệm vụ sản xuất hàng chục phim, chương trình phát sóng và lễ hội âm nhạc. Trong số các bộ phim tuyên truyền có bộ phim mang tên ‘‘Cộng hòa Dân chủ Đức’’, kể về cuộc sống hàng ngày của một sĩ quan tình báo ở Đông Đức cũ trong Chiến tranh Lạnh. Bộ phim nhằm mang lại ‘‘hình ảnh tích cực về các nhân viên an ninh” Nga. Nhân vật chính trong bộ phim khiến đông đảo người Nga nhận ngay ra rất gần gũi với tổng thống Putin, người cũng đảm nhiệm một chức vụ tương tự trong thời gian tương tự. Cũng trong số các bộ phim tuyên truyền có loạt phim ‘‘20/22’’ về câu chuyện tình yêu giữa một thanh niên Nga thực hiện “sứ mệnh nhân đạo ở vùng Donbass” của Ukraina với một phụ nữ trẻ phản đối “chiến dịch quân sự đặc biệt”, cách gọi chính thức được Nga sử dụng để nói về cuộc xâm lược Ukraina. IRI cũng có các dự án phim dựng lên hình ảnh tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky như ”một con rối trong tay Mỹ-Anh”…

 

Theo ban lãnh đạo IRI, các sản phẩm văn hóa của viện này phải tạo ra được cảm xúc như sau trong dân chúng : thứ nhất là sự gắn bó với các giá trị văn hóa và xã hội truyền thống, thứ hai là tin tưởng chất lượng cuộc sống ở Nga đang ngày càng tốt hơn, thứ ba là tình cảm tự hào về các anh hùng và các tên tuổi lớn của Nga, và thứ tư hướng về ‘‘nhân dân’’ các vùng lãnh thổ Ukraina Nga vừa sát nhập.

 

Theo chỉ đạo từ cuối năm 2022, với mỗi bộ phim, một ‘‘ban biên tập’’ riêng gồm 15 thành viên có nhiệm vụ giám sát tất cả các công đoạn, từ chuẩn bị kịch bản đến sản phẩm. Chuyên gia Martin Kragh, trung tâm Nghiên cứu Đông Âu ở Stockholm, đã so sánh kiểu ‘‘ban biên tập” này với các chính ủy thời Liên Xô (commissar), có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động của  mọi tổ chức và tập thể đều tuân theo đường lối của Đảng.

 

Mạng lưới phổ biến thông tin rộng lớn

Trong lúc viện IRI, chịu trách nhiệm đặt hàng và sản xuất “các nội dung” phù hợp với hệ tư tưởng mà điện Kremlin mong muốn, thì một số tổ chức khác như Dialog, được giao nhiệm vụ chuyển tải các nội dung như vậy đến toàn thể dân chúng tại Nga và nhiều nơi trên thế giới. Tổ chức Dialog được coi là một trong các tổ chức phi chính phủ có ảnh hưởng nhất tại Nga, phát triển mạnh trong ít năm gần đây, và hiện có gần 2.500 nhân viên.

 

Theo các tài liệu rò rỉ, các nhà báo điều tra xác định là tổ chức mang tên là độc lập phi lợi nhuận Dialog, được điện Kremlin đầu tư số tiền tương đương hơn 68 triệu euro, cũng được giao nhiệm vụ thành lập các trung tâm sáng tạo ‘‘các nội dung truyền thông’’ tại các vùng đất chiếm đóng tại Ukraina, nhắm hướng đến các nhóm đối tượng cần chinh phục, nơi thái độ chống Nga phổ biến trong dân chúng. Theo các tài liệu rò rỉ liên quan đến Dialog, tổ chức này cũng có trách nhiệm thực thi chính sách ‘‘truyền thông quốc gia’’ nhằm ‘‘đồng hành cùng mọi công dân Nga’’ theo đúng nghĩa đen trong suốt cuộc đời, từ khi còn đi học mẫu giáo và đến trường phổ thông, đến khi đi làm và cho đến cuối đời.

 

Vì sao chiến thắng chắc chắn nhưng vẫn tuyên truyền mạnh?

Vì sao chiến thắng của tổng thống Nga trong cuộc bầu cử sắp tới là chắc chắn, điện Kremlin vẫn đầu tư ồ ạt cho các chiến dịch truyền thông nhằm chinh phục dân chúng ? Theo chuyên gia Jeff Hawn, ý đồ của điện Kremlin không phải là giúp cho ông Putin giành chiến thắng mà là “để giảm nhu cầu thao túng kết quả”. Chiến thắng thông thường là không đủ. Điện Kremlin cần đến một chiến thắng áp đảo, để một mặt khẳng định uy thế trong xã hội Nga, mặt khác để đánh bóng hình ảnh trên trường quốc tế. Điều có nghĩa là, nếu cử tri Nga bỏ phiếu nhiều cho Putin thì không nhất thiết phải tiến hành các thủ đoạn giả mạo quy mô lớn.

 

Theo tài liệu rò rỉ, tổng thống Putin đã ban hành một sắc lệnh mật 106 ngày 17/2/2023, giao trách nhiệm cho các cấp chính quyền có các biện pháp để làm gia tăng số lượng cử tri bỏ phiếu cho tổng thống Putin (tài liệu của tổ chức “phi chính phủ” Integration). Cả một bộ máy tuyên truyền rầm rộ được coi là thuộc các tổ chức “phi chính phủ”, được điện Kremlin đầu tư, là một công cụ đắc lực để thực thi mục tiêu này.  

 

Chuyên gia Martin Kragh, trung tâm nghiên cứu Đông Âu ở Stockholm, nhấn mạnh các hoạt động tuyên truyền nói trên do điện Kremlin thúc đẩy ‘‘nằm trong xu thế chung của nước Nga, đang trên đường trở thành một xã hội toàn trị (totalitarism), chứ không còn là một nền dân chủ giả hiệu (fake democracy) nữa’’. Nhà cầm quyền giờ đây ‘‘không còn hài lòng với việc người dân im lặng, hay không phản kháng (là đặc điểm của chế độ độc tài), mà muốn đòi hỏi dân chúng phải trung thành (đặc điểm của chế độ toàn trị)’’.

 

Kremlin muốn biết người dân thực sự nghĩ gì

Nhiều tài liệu rò rỉ cho thấy điện Kremlin ‘‘ít tin rằng người dân có thể tự động ủng hộ đảng cầm quyền”. Matxcơva thậm chí cũng không tin là các lãnh đạo địa phương báo cáo đúng về tình hình chính trị trong khu vực họ quản lý. Điện Kremlin đã chi ra khoảng 40 triệu đô la, với nhiều chương trình khác nhau, để nắm bắt lòng dân, đặc biệt về cuộc bầu cử tổng thống. Theo chuyên gia về Nga Mark Galeotti, bộ máy ngầm phụ trách các tuyên truyền và kiểm soát thông tin của ‘‘Phó vương Donbass’’ có nhiệm vụ thăm dò quan điểm thực sự của cử tri, điều được coi là không hề dễ dàng tại Nga. Có đến hơn 90% người Nga được hỏi từ chối các thăm dò dư luận qua điện thoại.

 

Trong phần kết báo cáo điều tra về Kremlin Leaks, chuyên gia Mark Galeotti lưu ý là chính quyền Nga hiện đang sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền và kiểm soát thông tin để bảo vệ ý thức hệ chính thống của chế độ toàn trị Liên Xô trước đây. Rút cuộc chế độ Liên Xô đã sụp đổ. Ngay cả với các đầu tư rất lớn này, ‘‘điện Kremlin giờ đây cũng không thể kiểm soát được lâu dài tư tưởng của dân chúng’’, theo chuyên gia Mark Galeotti.

 

RFI (28.02.2024)