Mục lục
Vì sao lại bắt blogger Nguyễn Chí Tuyến lúc này?
Thứ Năm, 02/29/2024
nguyenanhtuan
RFAVietnam
Sáng ngày 29 tháng 2 năm 2024, một nhóm công an mặc sắc phục lẫn thường phục có mặt trong nhà của blogger Nguyễn Chí Tuyến, tên thường gọi là Anh Chí, ở quận Long Biên, Hà Nội để tiến hành lệnh khám xét.
Theo gia đình blogger, sau khi tiến hành khám nhà, nhóm công an đã đọc lệnh bắt và đưa người đi mà không để lại bất kỳ văn bản hay quyết định nào. Lệnh bắt cũng được đọc vội vàng, theo một cách không rõ ràng, khiến cho gia đình cũng không rõ Anh Chí đã bị khởi tố theo điều khoản nào, chỉ biết là sẽ bị tạm giam 4 tháng ở Trại tạm giam số 2 của Công an Hà Nội.
Trên mạng xã hội, không ít người cảm thấy bất ngờ trước việc bắt giữ, một phần bởi vì blogger Anh Chí đã không còn xuất hiện hay viết lách gì trong một khoảng thời gian dài.
Từ đó một câu hỏi đặt ra là vì sao cơ quan điều tra lại bắt Anh Chí vào lúc này.
Một năm trước
Thực ra vụ việc của Anh Chí đã bắt đầu từ khoảng một năm trước đây, với văn bản cung cấp tin báo tội phạm của Phòng An ninh mạng thuộc Công an Hà Nội (PA05) nhắm vào blogger với tố giác vi phạm Điều 117 (Tuyên truyền chống nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ).
Tin báo này được gửi tới Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội, như một thủ tục để bắt đầu tiến trình điều tra trong các vụ án chính trị có liên quan đến môi trường Internet.
Thời điểm đó, Anh Chí đã phải làm việc nhiều lần với cơ quan điều tra theo yêu cầu triệu tập của cơ quan này.
Bẵng đi một thời gian những tưởng vụ việc đã lắng xuống nhưng bất ngờ vào tháng trước, tức là 1 năm sau tin báo tội phạm của PA05, cơ quan điều tra lại khôi phục vụ việc và tiến hành các động thái gấp rút như gửi thông báo kết quả giải quyết tin báo và quyết định tạm hoãn xuất cảnh phục vụ điều tra đến Anh Chí.
Sáng 29 tháng 2 năm 2024 là thời điểm Anh Chí được yêu cầu đến làm việc theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra. Không được khỏe, và không muốn bị phiền nhiễu thêm, Anh Chí quyết định không đến, chuẩn bị tinh thần cho việc có thể bị bắt giữ.
Bắt, bắt nữa, bàn tay không ngừng nghỉ
Ai đó đã nói trong xã hội cộng sản toàn trị, tất cả người dân đều là tù nhân dự khuyết. Điều này đúng không phải chỉ vì quyền công dân và quyền con người trong những xã hội này không được coi trọng, mà còn một lý do khác quan trọng không kém:
Đó là bộ máy an ninh ở những xã hội này quá lớn.
Bộ máy an ninh ở những quốc gia cộng sản không ngừng phình to theo thời gian, và cả ngân sách của họ cũng vậy.
Để chứng tỏ tầm quan trọng và khẳng định vị thế chính trị của lực lượng mình, Bộ Công an sẽ không dừng lại việc bắt bớ, nếu không muốn nói sẽ thường xuyên mở rộng đối tượng bắt giữ.
Qua nhãn quan an ninh chế độ, Bộ Công an nghi ngờ tất cả mọi người và sẵn sàng bắt bớ bất kỳ một ai, vừa nhằm chứng tỏ quyền lực của mình nhưng cũng là để biện minh cho việc phải thường xuyên tăng cường quân số và ngân sách.
Anh Chí là một nhà hoạt động dày dặn kinh nghiệm và đã từng được bộ máy an ninh nhắm đến vì tiếng nói phản biện trước đây của mình.
Trong tình cảnh chính trị hiện tại của Việt Nam, với bề dày hoạt động của mình, Anh Chí chắc hẳn là một trong những người nằm đầu bảng trong danh sách chờ bắt của Bộ Công an. Việc chưa bắt anh trước đây chỉ là vì những tính toán ngắn hạn nào đó của những người nắm quyền trong Bộ, chứ khó có thể họ sẽ từ bỏ việc bắt giữ.
Điều đặc biệt ở đây là Anh Chí biết hết tất cả điều này, nhưng chấp nhận đối diện với nó với sự hiên ngang của một người chưa từng biết cúi đầu, như những gì mà những người xung quanh anh biết về anh: một người khảng khái, cương trực.
Như chính những gì anh từng nói với một nhà báo ngoại quốc cách đây 7 năm trên Mekong Review: “Tôi sẵn lòng hy sinh đời mình cho tự do.”
Anh Chí đã và đang sống đúng như vậy.
Anh Chí trong mắt tôi
Những ai từng tham gia các cuộc biểu tình dậy lửa Hà Nội, khởi đầu vào năm 2011 nhân sự kiện Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh cho đến 2018 lúc chính quyền dự định ban hành Luật Đặc khu, hẳn sẽ không quên được hình ảnh blogger Nguyễn Chí Tuyến, tên thường gọi là Anh Chí.
Dễ nhận ra với bộ râu đậm đến nỗi còn được đặt thêm biệt danh là Anh Chí Râu Đen, blogger Nguyễn Chí Tuyến luôn là một trong những người xông xáo, lăn xả và tích cực nhất của mỗi lần xuống đường.
Hẳn nhiều người còn nhớ đúng 10 năm trước, tháng 2 năm 2014, vào dịp 35 năm kỷ niệm chiến tranh chống Trung Quốc 1979, Anh Chí đã đại diện những người biểu tình Hà Nội đọc văn tế tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trước họng súng xâm lược của Bắc Kinh.
Dưới chân tượng đài vua Lý, giọng đọc sang sảng của anh khi đó át cả tiếng loa phát nhạc khiêu vũ của một chính quyền vô lễ đang muốn phá rối cuộc tưởng niệm, giúp giữ được sự tôn nghiêm cho buổi lễ của những người dân yêu nước.
Ngày đó, chưa nói đến chuyện tuần hành tưởng niệm mà nhắc đến chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979 đã là điều cấm kỵ.
Nhưng cũng chính nhờ những người như Anh Chí, dám bước qua nỗi sợ của những điều cấm kỵ như vậy, để xuống đường tỏ bày lòng yêu nước theo sự thôi thúc của lương tâm mình, thì ngày hôm nay, thông tin về cuộc chiến mới được báo chí nhà nước đăng tải rộng rãi và công lao của những tử sĩ vị quốc vong thân miền biên ải phía Bắc mới được ghi nhận.
Nhưng Anh Chí, cũng như những người từng xuống đường trước đây, hiếm khi muốn được nhìn nhận những đóng góp như vậy. Với anh, những việc đã làm không phải là thứ gì đó đem ra cân đo đong đếm là to tát hay nhỏ nhoi, mà đơn giản chỉ là cách một người đối diện với bản thân mình và để trả lời cho những câu hỏi mà lương tâm mình cật vấn, như những gì anh từng tâm sự trước phiên tòa xử người anh em cùng chí hướng Nguyễn Lân Thắng:
“Tất cả những việc chúng ta làm, tuỳ vào góc nhìn và quan điểm mà người đời gọi chúng ta là những kẻ ngu ngơ, ngốc nghếch, ngang ngược hay ngạo nghễ. Mặc kệ đời, cái quan trọng là chúng ta được sống như chính con người của chúng ta. Người đời đặt câu hỏi: Làm vậy để làm gì? Danh tiếng? Tiền bạc? Lợi ích? Thật khó trả lời trọn vẹn, người anh em nhỉ. Chỉ biết rằng chúng ta làm vậy chỉ vì chúng ta sống đúng với lương tâm, trách nhiệm và nhận thức của mình để cảm thấy trong lòng thanh thản. Cái khó nhất chẳng phải là chiến thắng chính bản thân mình, là đối diện với chính bản thân mình, phải vậy không?”
Trong suốt một năm kể từ khi vụ việc nhắm tới anh được khởi động, không phải không có những lúc anh có thể ra đi. Một số nhà ngoại giao phương Tây ở Hà Nội thân thiết với anh và lo lắng cho sự an toàn của anh cũng không ít lần đưa ra lời gợi ý. Song Anh Chí đã quyết định ở lại để đối diện với bản thân mình – một quyết định mà không ai, cả gia đình lẫn anh em bạn bè, có thể lay chuyển được, chỉ còn có thể tôn trọng.
Anh Chí mà tôi biết là một người như vậy.