Seite auswählen

Trùng Dương

14.02.2019

Thoạt nhìn cái tựa “Trao giải cuộc thi ảnh tàn phá Vườn Rau Lộc Hưng” trên You Tube ngày 4 tháng Hai, 2019, tôi có cảm giác hơi bất bình. Nghĩ: ai lại “hân hoan” trên những tang thương như vậy được nhỉ? Đã định bỏ qua không bấm vào xem. Nhưng lại nghĩ: nếu không xem, mà chỉ cảm giác qua cái tựa, làm sao biết thực hư? Vả, băng tầng AmenTV nơi phim về cuộc trao giải được đăng tải vốn là là một channel tôi vẫn theo giõi với sự tín cậy. Nên bấm vào xem.

Theo giõi cái clip dài 41 phút, tôi hiểu ra. Và thực sự cảm động.

“Sáng kiến tổ chức cuộc thi là của một cha tân cố vấn Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, dự ý giúp cho cộng đồng giữ lại những hình ảnh này như là một bằng chứng để thấy rằng cái xã hội này đang bị những người cộng sản cai trị nhưng họ không hoàn toàn vì dân vì nước,” Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế mở đầu trong buổi trao giải diễn ra vào buổi tối trước giờ Giao thừa năm Kỷ Hợi trong căn phòng trang trí đơn sơ bằng bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bức tranh vẽ lại bức hình đôi chân bằng gỗ bên cạnh chiếc nạng của một người thương binh, và cành hoa hồng làm bằng thiếc chiết từ những tấm tôn của những căn hộ bị phá hoại trong khu Vườn Rau Lộc Hưng.

“Những hành động của [nhà cầm quyền cộng sản] làm cho dân khiếp sợ vào chính cái dịp Tết,” Linh mục Thanh tiếp. “Nói như cha Trương Hoàng Vũ, nếu ai chưa có kinh nhgiệm chiến tranh chạy loạn thì hãy đến Vườn Rau Lộc Hưng sẽ thấy… Trong cái lúc đau thương, hoạn nạn này mà chúng ta như thể có được cái niềm hy vọng liên kết cộng đồng qua những bức ảnh về các cảnh đổ vỡ mà các anh chị đã chụp đuợc ngày 4 và 8 tháng Giêng và liên tục nhiều ngày sau đó.”

Vào các ngày 4 và 8 tháng Giêng năm nay (2019), hàng trăm công an Quận Tân Bình Thành Hồ đã bất ngờ tới bao vây và đưa xe cần cẩu vào giật sập trên 100 căn nhà tại Vườn Rau Lộc Hưng trong một vụ cưỡng chế đất của hàng trăm dân thuộc Giáo xứ Lộc Hưng, trong đó có nhiều gia đình đã sinh sống ở đây từ hồi di cư vào Nam năm 1954.

Vụ cưỡng chế đất, lấy cớ là có một số căn nhà đã xây dựng bất hợp pháp nhưng lại phá tan toàn khu trên trăm căn cả thẩy, đã không được thông báo cho từng chủ nhà mà chỉ là với một bản yết thị dán trên tường, để dọn đường cho một dự án xây cất trường học và nhà cao tầng mà dự thảo và đồ án không hề được thông báo cho cư dân khu nông nghiệp này. Cũng như đã không có một chương trình nào nhằm giúp đỡ ổn định những người bỗng chốc trở nên dân vô gia cư nhất là lại vào các ngày cận Tết Kỷ Hợi.

Vườn Rau Lộc Hưng: Vươn lên từ bãi rác và sình lầy

Được biết vùng đất này nguyên là một vùng sình lầy thuộc Hội Thừa sai Paris, tên tiếng Việt để gọi Société des Missions étrangères de Paris, một tổ chức Thiên Chúa giáo nhận việc truyền giáo tại Châu Á. Toàn bộ khu đất rộng 4.8 hecta, tức 11.8 acres, được chính quyền thực dân Pháp xin phép Hội xử dụng để làm bãi Ăng ten.

Năm 1955 Linh mục Đinh Công Trình, đại diện Giáo xứ Lộc Hưng, làm giấy mượn đất và được đơn vị đồn trú Pháp đồng ý cho bà con giáo dân ngụ tại khu vực kế cận mượn phần đất trống giữa các cột ăng ten để trồng trọt, nhưng chỉ được phép vào ban ngày. Khi Pháp rút khỏi Việt Nam, Hội Thừa sai đã ủy quyền cho những người trồng rau đầu tiên làm chủ. Dưới chế độ Cộng hoà, phần không lưu vẫn được sử dụng phục vụ cho ngành viễn thông làm Đài phát tín Chí Hoà.

Kể từ tháng Tư 1977, vùng này thuộc diện “toàn dân làm chủ nhà nước quản lý” sau khi người dân Lộc Hưng tự nguyện kê khai và tiếp tục đóng thuế cho nhà cầm quyền địa phương, có biên lai hẳn hoi. Từ năm 1988, nhiều lần nhà cầm quyền thành phố phác họa kê khai đất nhưng cố tình giấu bằng cách lưu giữ bản vẽ không cho người dân Lộc Hưng biết. Từ năm 1999, nhà cầm quyền cộng sản đầy mạnh việc hoàn thành cấp giấy sử dụng đất đai theo luật đất đai vừa ban hành. Suốt 20 năm qua, dân Lộc Hưng đã nhiều lần xin được cấp giấy sử dụng đất này nhưng bị từ chối, có khi thì được bảo là bà con đã canh tác ở đây lâu rồi, không có gì phải bận tâm, hoặc có khi không được tiếp, ngay cả nhận đơn khiếu nại của họ. Dân Lộc Hưng có khi đã ra tận Hà Nội để khiếu nại cũng không tới đâu, mà cũng chẳng có cơ quan nào chịu nhận đơn khiếu nại vì sợ trách nhiệm.

Và cuối cùng vào ngày 4 tháng Giêng thì xẩy ra vụ cưỡng chế Vườn Rau Lộc Hưng, với một lực lượng công an hùng hậu tới bao vây yểm trợ. Vì không được chính thức thông báo ngoài mảnh yết thị và có lẽ cũng vì còn hy vọng sự việc sẽ được làm sáng tỏ, nhiều người dân Lộc Hưng không kịp trở tay. Ngày mồng 8 sau đó thì nhà cầm quyền cho người tới tháo gỡ tiếp mặc dù những phản đối, khóc than vang dội trên Internet, trong khi báo chí trong nước ngậm miệng khiếp sợ, hoặc đưa tin theo chỉ thị của nhà cầm quyền.

Trong vòng một tuần sau đó thì toàn vùng Vườn Rau thành bình địa, những mảnh vụn gạch gỗ tôn cũng được dọn đi sạch sẽ. Thay vào đó là tấm bảng lớn dựng trên mảnh đất vừa bị cưỡng chế, về dự án sắp được xây dựng cho công cuộc phát triển mà người dân Lộc Hưng lần đầu nhìn thấy vì nó đã được giấu kín lâu nay.

Vươn lên từ hoang tàn đổ nát:
Cuộc thi ảnh tàn phá Vườn Rau Lộc Hưng

Trong số những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư này ít ai lại có ý định tới Vườn Rau Lộc Hưng để chụp hình hầu ghi lại cho hậu thế những cảnh hoang tàn đổ nát do nhà cầm quyền cố tình gây ra trong một vụ cướp đất trắng trợn có dự mưu từ cả hai thập kỷ. Thậm chí có người không có cả cái phôn cầm tay để chụp hình mà phải mượn của người khác. Hầu hết ảnh được chụp lén bằng điện thoại di động.

Họ đến vì muốn biết chuyện gì đang xẩy ra, vì báo chí truyền thanh và truyên hình trong nước đã không làm đến cả cái phần sự tối thiểu là thông tin. Họ đến vì ưu lo cho các nạn nhân. Và có người chính là nạn nhân đang chạy để tránh bị xe ủi nhưng còn cố ngoái lại nhìn và ghi lại sự tàn phá đang diễn ra mặc dù bị công an điểm mặt, xua đuổi.

Hạng 4: “Tình thương” của Anna Trang

Cô Anna Trang không phải là cư dân của VRLH nhưng có bạn sinh sống ở trong đó. Nghe tin khu này lại bị tháo gỡ lần hai vào ngày mồng 8, cô chạy tới hy vọng giúp bạn dọn đồ. Cô Trang gửi hai bức tới dự thi. Bức đoạt giải hạng 4 có tựa là “Tình Thương” dù vậy không phải bức cô thích nhất, nhưng mang một ý nghĩa sâu xa, được chụp vào ngày hôm sau ngày cưỡng chế tàn phá. Đó là cảnh một cậu thanh niên đẩy một cái xe cút kít trên có một cái lồng trong đựng hai con chó và một con mèo.

“Mình hỏi em đẩy đi đâu đó, nó nói nhà em đã bị phá, có một con chó đã bị bắt đem đi, nó đẩy mấy con này đi gửi người có khả năng nuôi,” cô Trang nói. “Mình nghĩ trời cho con người lòng trắc ẩn, thân mình còn chưa biết ra sao nhưng dầu sao cũng tự lo được, trong khi những con vật không tự lo được nên phải đem chúng cho người nào có khả năng lo được cho chúng.”

Cô đưa hình lên mạng, nhận được nhiều phản ứng tích cực. Khi nghe nói tới cuộc thi ảnh, cô bèn đặt tên ảnh là “Tình thương,” và gửi đi dự.

Hạng 4 đồng hạng: “Bám sát ‘chiến sự’ VRLH” của Trần Bang.

Bức “Bám sát ‘chiến sự’ VRLH” chiếm hạng 4 đồng hạng có cái tựa phát xuất từ ký ức của người chụp Trần Bang về vụ Trung Quốc tàn phá tỉnh Lào Cai trong cuộc chiến Việt-Trung 1979 mà tác giả có dịp chứng kiến tận mắt vào đầu năm 1982 khi anh được đưa tới chiến trường này với tư cách một bộ đội. Bức hình được giải của anh thu cảnh một “phóng viên chiến trường” nghiệp dư đang thu hình cảnh tàn phá VRLH từ yên sau của chiếc xe gắn máy do người bạn chở.

“Việc nhà cầm quyền phá VRLH vào dịp áp Tết làm tôi nhớ lại cái Tết 1982 vào đầu tháng Ba khi tôi từ Sư đoàn 356 chuyển qua Sư đòan 345 lên đóng ở Lào Cai sau khi bị Trung Quốc phá hủy. Không có một công trình nào mà không bị TQ đánh gục, không có một cột điện nào không bị đánh gẫy, điện nước cầu đường sá tan hoang. Việc tàn phá ghê gớm, sạch sẽ, triệt để, để cho người không sống được,” anh Bang kể, giọng như còn sôi nổi với ký ức của sự tàn phá của chiến tranh trên ba thập niên trước.

“Khi tôi đến VRLH ngày mồng 5 thì thấy sự tàn bạo cũng như vậy,” anh Bang tiếp. “Hôm đó tôi cũng rất bức xúc, cũng đã lên tiếng, đã viết sau đó. Hai ngày sau thấy êm, tưởng là vì bị dư luận phản ứng. Nhưng ngày mồng 7 lại có dấu hiệu, ngày mồng 8 lại canh giữ, lại tàn phá. Ngày 9 tôi đến thì thấy sự đập phá còn hơn ngày mồng 4, tức sạch sẽ hơn nhiều.”

Theo anh Trần Bang, sự tàn phá VRLH cũng “tàn ác như việc TQ phá Lào Cai” năm 1979. “Nó triệt sự sống, triệt cái việc chúng ta có thể quay lại để tái thiết. Đó là cái làm tôi xúc động. Đây là giặc, không phải người Việt Nam. Quyền công dân là quyền có nhà ở. Tại sao người Việt trôi giạt sang Thái Lan, Cao Miên, người ta còn phải lập trại tị nạn cho họ ở, mà ở đây nhà cầm quyền lại đi đập phá nhà của người đã ở đây đã cả mấy chục năm trời.”

Hạng 4 đồng hạng: “Nó kia kìa” của Lan Chi.

Cô Lan Chi là cư dân VRLH. “Nó” trong “Nó kia kìa” chính là cô khi bị một nhân viên mặc thường phục chỉ mặt và cô đã nhanh tay hướng máy hình phôn đang quay cảnh tàn phá sang chụp người chỉ điểm cô rồi nhanh chân tẩu thoát. Cô không có mặt trong buổi trao giải, nhưng trả lời về việc trong bối cảnh nào cô đã chụp bức hình được giải vào ngày mồng 8, ngày VRLH bị càn quét lần thứ hai, trong một cuộc phỏng vấn khác.

“Hôm ấy là ngày mồng 8, vào lúc 5 giờ sáng có tiếng còi inh ỏi không ai ngủ được,” Lan Chi kể. “Em với Trang mới tính là thế này thì chắc người ta bu đông lắm không thể ra được. Lúc đó tụi em cũng không biết làm thế nào chỉ biết cầu nguyện. Đúng lúc đó, cũng là Chúa gửi đến, một người bạn của Trang vô tình đến, nói có cái gì cần thiết mang ra được thì mang. Khi đó em mới sắp xếp những đồ cần thiết và hai chị em đem ra. Lúc đó là 7g20 khi tụi em ra thì khu vườn của mình rất là đông nghẹt các anh áo vàng áo xanh luôn. Em đi ngõ nào cũng đông luôn.”

“Khi tụi em đến một đầu hẻm thì thấy rất nhiều công an. Em mới nói với anh bạn của Trang là anh ơi em nghĩ là như thế này thì mình phải làm sao cho mọi người cùng nhìn thấy những cảnh này chứ không thì sẽ không ai biết gì hết,” Lan Chi tiếp. “Khi em gợi ý như vậy thì anh ta đưa cho em mượn điện thoại và tụi em quay cái clip, đang quay thì gặp cái anh an ninh đó và anh ta thấy em quay như vậy thì anh ta chỉ em và em vô tình chụp được tấm hình đó đấy thôi [vì không ai được quay phim chụp hình, nếu bắt gặp sẽ bị tịch thu máy hay bị đập máy, theo giải thích của người phỏng vấn]. Cái đó một phần là do ý Chúa đã sắp xếp cho tụi em khi anh ta chỉ em nói ‘Nó kia kià’ thì em đã chụp xong.”

Hạng 3 đồng hạng: “Mẹ ơi! Con vào nhà hay ngoài vườn?” của Bửu Châu.

Với Bửu Châu, tác giả bức đồng hạng 3 ảnh em bé ôm mặt khóc, tựa là “Mẹ ơi! Con vào nhà hay ngoài vườn?,” thì bức ảnh anh chụp được là một cách đồng hành và hiệp thông với mọi người trong một hoàn cảnh “cảm xúc đau buồn kinh khủng lắm.”

Cậu Bửu Châu, ra đời sau 1975, nói đã nghe nhiều về cảnh chạy giặc hồi 1975 nhưng giờ mới thấy thế nào là “chạy giặc.” “Người thì đẩy bao gạo người thì đẩy xe đồ nhìn thấy rất là cảm xúc,” cậu nói. Cậu muốn chụp ít hình để ghi lại nhưng không dám vì hai bên hẻm đầy công an đứng. Cuối cùng, cậu lọt được vào phía trong “thì thấy ối giời ơi đồ đạc người ta lôi ra mà không biết đem đi đâu!” Cậu nói mà như vẫn chưa hết bàng hoàng trước những cảnh tượng mà chính cậu không đủ chữ để diễn tả. Cậu nói chụp được vài tấm hình, trong đó có hình cô bé đứng khóc trên thềm nhà trong khi mẹ cô chạy tới chạy lui như không biết phải dọn cái nào và bỏ cái nào trong tình trạng rối loạn đó.

Như cô Lan Chi, cậu Châu vắng mặt trong buổi trao giải do LM Sơn chủ toạ. Không hề nghĩ bức ảnh đó sẽ được giải, mà chỉ muốn hiệp thông với nỗi đau mất nhà mất đất của người dân VRLH, cậu Châu kết thúc cuộc phỏng vấn ngắn bằng câu “Cám ơn Chúa.”

Hạng 3 đồng hạng: “Lộc Hưng Hôm Nay – Mậu Thân 68?” của Tùng Nguyễn.

Như Bửu Châu, Tùng Nguyễn cũng không có đủ chữ để diễn tả những gì cậu nhìn thấy hôm tới VRLH sau khi nơi này bị tấn công tàn phá vào ngày 4. Cậu chỉ biết là phải “chụp càng nhiều càng tốt để cho thấy nhà cầm quyền đối xử với dân như thế nào, muốn lưu trữ lại để cho càng nhiều người thấy càng tốt trong khả năng của mình.”

Hạng Nhất: “Chạy! Cái chân còn không kịp mang theo” của Trương Hoàng Vũ.

Linh mục Trương Hoàng Vũ, người đoạt giải nhất với bức ảnh “Chạy! Cái chân còn không kịp mang theo,” nói ông đến VRLH khi nghe tin nơi này bị nhà cầm quyền cho xe ủi tới tàn phá trong vòng đai bảo vệ của hàng trăm nhân viên an ninh, chứ không có ý định làm một “phóng viên chiến trường,” mặc dù ông sinh hoạt trong ngành truyền thông và là người điều hợp chương trình Hội luận Cà phê đá tại băng tầng AmenTV trên YouTube.

“Tôi đến đó vì là người quản lý căn nhà cho thương phế binh (VNCH) tại VRLH cùng với cha Antôn Lê Ngọc Thanh,” ông nói. “Chúng tôi đã xây dựng căn nhà đó cho các anh thương phế binh ở. Khi nghe tin ngôi nhà này đã bị đập tan hoang và các ông thương phế binh đã bị bắt đem đi đâu đó, chúng tôi tới để xem ra sao. Thấy cảnh ngôi nhà bị đập tan hoang thì rất là đau khổ, tại sao nhà cầm quyền lại ác độc như vậy? Căn nhà không chỉ do các người Việt trong nước mà cả ở hải ngoại, các ông bà già lão đã chắt chiu đồng tiền của họ gửi về chung tay giúp sức với chúng tôi để xây dựng nên cái căn nhà này cho các thương phế binh.”

Lm Vũ đã ghi chụp lại nhiều hình ảnh trong cảnh đổ vỡ ấy, ngoài hai chiếc chân gỗ và cái nạng mà ông nhặt lên xếp trên bức tường của đền Thánh Giuse bị giật sập, ông còn ghi nhận hình ảnh những nồi cơm đang nấu dở dang, cái máy trợ thính còn vương vãi đó đây.

“Thấy hai cái nạng tôi rất đau khổ, trong đầu loé lên ý nghĩ phải ghi lại hình ảnh này để tố cáo nhà cầm quyền đã gây nên cảnh không khác chiến tranh này,” Lm Vũ nói. “Họ đã xé đi cái sự yêu thương của bao nhiêu người đã tiếp tay xây dựng nên căn nhà cho các thương phế binh. Được giải [ảnh dự thi] thực sự cũng chẳng vui vẻ gì mà chỉ muốn qua đó tố cáo sự tàn ác của nhà cầm quyền, cho mọi người thấy ta đang ở trong một xã hội thực sự là như vậy đó.”

Với 23 tấm ảnh của hơn 10 tác giả gửi tới dự thi, Ban tổ chức và Ban giám khảo đã chọn ra được sáu tấm ảnh để trao giải: một giải nhất, hai giải ba đồng hạng và ba giải bốn đồng hạng. Không có hạng 2. Ban tổ chức không giữ bản quyền hình, chỉ yêu cầu ghi tên tác giả và nguồn.

Các tấm ảnh được trao giải được thẩm định theo các tiêu chuẩn: 1) gây cảm xúc mạnh, được chấm 4/10; 2) ảnh đẹp, 2/10; 3) nói lên sự can đảm của tác giả để chụp bức ảnh, 2/10; và 4) giá trị lâu dài, 2/10. Mỗi nhà nhiếp ảnh nghiệp dư trúng giải nhận được một bằng khen và một số hiện kim.

Lm Thanh cho biết sau vụ thi ảnh tàn phá VRLH sẽ còn có những hoạt động nghệ thuật khác để “kéo dài nỗi đau [Lộc Hưng] nếu nhà cầm quyền không công bằng.”

“Sau Tết nếu nhà cầm quyền không giải quyết sẽ tổ chức thi sáng tác và trình diễn về nỗi đau của người dân để mọi người trên thế giới thấy cái sự độc ác của nhà cầm quyền,” Lm Thanh nói. “Vì chúng ta không còn gì trong tay nữa thì chúng ta dùng những cái khác để để tranh đấu, đó là nghệ thuật để lên tiếng đòi lại sự công bằng cho người dân. Sự tàn ác không thắng được hy vọng. Các anh chị em tin đi, chúng ta sẽ là chứng nhân cho điều đó.”

Nạn cưỡng chế đất đai tại Việt Nam

Vụ cưỡng chế VRLH là một trong nhiểu vụ cưỡng chiếm đất đai, đất nông nghiệp cho những dự án gọi là “xây dựng để phát triển” tại Việt Nam từ nhiều thập niên qua. Điển hình là các vụ cưỡng chế Tiên Lãng ở Quảng Nam; Dương Nội ở Hà Đông; Văn Giang ở Hưng Yên; Đồng Tâm ở Mỹ Đức, Hà Nội; Thủ Thiêm, Sàigon; và gần đây nhất là Lộc Hưng.

Riêng vụ Thủ Thiêm kéo dài đã 20 năm, ngoài đất của dân còn là chùa chiền, đền thờ bị đập phá, cưỡng chế để xây khu đô thị mới mà chỉ có những người có tiền mới mua nổi. Vụ hai kiến trúc Nhà thờ và Nhà dòng Mến Thánh giá xây từ thế kỷ 19 tại Thủ Thiêm còn đang trong thời gian chờ quyết định có phải di dời, nghĩa là bị đập phá, thì gần đây vào ngày 4 tháng Hai có lệnh sẽ không phải di dời. Có người cho là vì ảnh hưởng của vụ Vườn Rau Lộc Hưng đã và còn đang gây phẫn nộ không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, đặc biệt tại những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.

Vì nạn cưỡng chế đất đai mà nhiều người dân lâm vào cảnh không nhà, tệ hơn nữa không còn phương tiện để sinh sống và nuôi gia đình như những người bị mất đất nông nghiệp. Nhiều người phẫn uất chống đối thì bị đàn áp, bắt bớ, đánh đập. Khiếu kiện thường không được giải quyết, mà chồng chất đó. Nhiều người phẫn uất đã tự sát. Điển hình là vụ ông Bùi Hữu Tuân, một dân oan đi khiếu kiện, tự thiêu trước cổng trụ sở Cơ quan tiếp dân của Thanh tra Chính phủ ở số 1, Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội vào sáng ngày 2 tháng Bẩy năm ngoái.

Nhiều du khách tới Việt Nam thường trầm trồ về các thành tích phát triển qua những cao ốc hiện đại, các khu nghỉ mát sang trọng, các đô thị tân lập khang trang. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Vĩnh Phúc, một luật sư chuyên biện hộ cho các nhà tranh đấu cho dân chủ trong nước, “Ở khắp nơi của đất nước, bao nhiêu dự án cũng đã biến thành bấy nhiêu số phận của hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn người dân bị oan, bị mất đất.”

“Khi người ta ra điều kiện ‘đất đai sở hữu toàn dân’ thì có nghĩa là Nhà nước có thể thu hồi đất bất cứ của ai, bất cứ lúc nào. Thành ra đó là điều hết sức nguy hại,” Luật sư Phúc trả lời đài Á Châu Tự Do (RFA) trong một chương trình gần đây.

“Chính sách đất đai hiện hành gây ra tham nhũng, tạo ra lợi ích nhóm, và nó reo rắc bao nhiêu đau thương, mất mát cho người dân, biến đất nước Việt Nam hiện nay thành cường quốc của dân oan,” Luật sư Phúc nói.

Các tấm hình là từ Screenshot, AmenTV, YouTube.

Nguồn: Da Màu