Seite auswählen

Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr., (trái) họp thưởng đỉnh với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Tokyo, ngày 9/2/2023.

Nhật Bản sắp cải thiện quan hệ đối tác chiến lược với Phi Luật Tâns tại cuộc gặp ba bên sắp tới với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Manila.

Lãnh đạo ba nước sẽ gặp nhau vào ngày 11/4 tại Washington, dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh hàng hải vốn đang đưa Nhật vào một vai trò quân sự mạnh mẽ hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tháng trước, Trung cộng đã sử dụng vòi rồng để cản trở Phi Luật Tâns tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, một cuộc tấn công mà Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. gọi là “bất hợp pháp, uy hiếp” và cần có các biện pháp đối phó.

Theo ông Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, bất chấp khoảng cách địa lý của Nhật với Biển Đông, lợi ích quốc gia của Nhật Bản nằm ở việc bảo vệ hòa bình trên toàn khu vực.

“Theo quan điểm của Phi Luật Tâns, Nhật Bản là đối tác quan trọng thứ hai của Manila ở Biển Đông, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, vì cam kết cao của Nhật Bản trong việc giữ cho vùng biển này không bị Trung cộng thống trị; vì tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh mẽ của Nhật Bản; và vì cự ly của Nhật với Biển Đông,” ông nói với đài VOA.

Bảo vệ sự thống trị khu vực

Tự do hàng hải trong khu vực biển này là rất quan trọng đối với Nhật Bản, quốc gia chứng kiến 90% năng lượng và thương mại của họ đi qua Biển Đông. Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu dầu thô từ Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, trong khi 1/4 tổng thương mại của Nhật trong năm 2019 là từ Liên hiệp châu Âu và từ các thành viên ASEAN, vốn cũng dựa vào tuyến đường biển này.

Ông Vuving nói thêm rằng Nhật Bản đã thay đổi chiến lược từ việc chỉ phụ thuộc vào liên minh quân sự Mỹ-Nhật sang đóng vai trò chủ động hơn trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Ông nói: “Việc bảo vệ các tuyến đường biển kết nối Nhật Bản với phần còn lại của lục địa Á-Âu là điểm nổi bật trong tầm nhìn này bởi vì các tuyến hàng hải này là một trong những huyết mạch chính trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản”.

Ông Ken Jimbo, giáo sư Đại học Keio chuyên về chính sách quốc phòng và an ninh Nhật Bản, cho biết Nhật Bản đang hướng tới việc kiểm soát sự hiện diện trên biển của Trung cộng.

Ông nói với VOA: “Về mặt ngoại giao, [kiềm chế Trung cộng] cho phép Nhật Bản củng cố vị thế của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác an ninh và quốc phòng chặt chẽ hơn với các nước có cùng quan điểm nhằm đối trọng với sự quyết đoán của Trung cộng”.

Nhật Bản tuyên bố vào cuối năm ngoái rằng họ đang đàm phán với Phi Luật Tâns về một hiệp ước quốc phòng được gọi là Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) nhằm cung cấp hỗ trợ an ninh tăng cường.

Ông Jimbo nói: “Việc đàm phán RAA Nhật Bản-Phi Luật Tâns biểu thị sự hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc, nhằm nâng cao quan hệ quốc phòng giữa hai nước”. “Nhật Bản được coi là đồng minh hùng mạnh của Phi Luật Tâns, không chỉ về trang bị quân sự mà còn ở việc tăng cường khả năng tương tác và liên kết chiến lược trước những thách thức an ninh chung trong khu vực”.

Đầu năm ngoái, hai nước đã ký các điều khoản tham chiếu nhằm đơn giản hóa thủ tục để lực lượng Nhật Bản vào Phi Luật Tâns hỗ trợ nhân đạo.

Thêm xích mích với Trung cộng?

Việc Nhật Bản đứng về phía Phi Luật Tâns và Mỹ đã tạo ra xích mích trong mối quan hệ Trung-Nhật vốn đôi khi gập ghềnh. Truyền thông nhà nước Trung cộng đưa tin vào cuối tháng 3 rằng Ngoại trưởng Trung cộng, Vương Nghị, kêu gọi Nhật Bản “thực hiện các hành động có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Nguồn gốc của xích mích giữa hai nước bao gồm từ sự tức giận về việc Nhật Bản sử dụng nô lệ tình dục trong Thế chiến Thứ hai cho đến việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ngoài ra còn có tranh chấp lâu dài về các đảo ở Biển Hoa Đông mà Trung cộng gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.

Ông Jimbo cho rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Washington có thể làm căng thẳng mối quan hệ Trung-Nhật, nhưng lợi ích lớn hơn thiệt hại.

Ông nói: “Đây là một động thái có tính toán trong chiến lược khu vực rộng lớn hơn của Nhật Bản”. “Động lực của quan hệ Nhật Bản-Trung cộng rất phức tạp, với sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cùng tồn tại với sự cạnh tranh chiến lược, cho thấy cả hai quốc gia đều đã quen với việc quản lý những biến động trong mối quan hệ của mình”.

Ông Vuving cho rằng Trung cộng khó có thể phản ứng bằng cách gia tăng căng thẳng trên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Ông nói: “Những căng thẳng như vậy sẽ chỉ củng cố niềm tin của Nhật Bản trong việc tìm kiếm sự hợp tác khu vực nhằm ngăn chặn sự thống trị của Trung cộng trong khu vực”. “Trung cộng có thể tìm cách gây tổn hại cho Nhật Bản về mặt kinh tế, nhưng đối với Nhật Bản, sự hợp tác ba bên… giúp khắc phục cán cân quyền lực ở Biển Đông về lâu dài…và sẽ vô cùng quan trọng nếu xung đột xảy ra ở Đài Loan”.

Trung cộng hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và là một trong những đích đến đầu tư lớn nhất của các công ty Nhật Bản. Theo dữ liệu của chính phủ, Nhật Bản xuất khẩu chất bán dẫn và linh kiện điện tử sang Trung cộng và nhập khẩu thiết bị viễn thông và máy tính từ nước này.

Các chuyên gia cho rằng sau cuộc gặp ba bên, Nhật Bản dự kiến sẽ cử tàu hải quân tuần tra cùng Mỹ và Phi Luật Tâns và có thể sẽ tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông.

VOA (05.04.2024)

 

 

 

Đường cơ sở của Trung cộng ‘ảnh hưởng tự do đi lại’ trên Vịnh Bắc Bộ

Vịnh Bắc Bộ là vùng biển nằm giữa miền Bắc của Việt Nam với tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hải Nam của Trung cộng

 

Mặc dù đường cơ sở mà Trung cộng mới công bố trên Vịnh Bắc Bộ không làm thay đổi thực tế vùng biển đã được phân định với Việt Nam, nhưng nó có thể đặt ra thách thức đối với việc tự do đi lại trong vùng biển này, các nhà phân tích nói với VOA.

Bắc Kinh hồi đầu tháng trước đã công bố bảy điểm cơ sở dùng để nối thành các đường cơ sở thẳng trên Vịnh Bắc Bộ, vùng biển mà Bắc Kinh và Hà Nội đã phân định từ cách nay hơn 20 năm.

Đường cơ sở, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, là đường do các quốc gia ven biển vẽ để làm cơ sở phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó, vốn kéo rộng lần lượt là 12, 200 và tối đa 350 hải lý tính từ đường cơ sở.

‘Không gây tranh chấp’

Bắc Kinh nói rằng đường cơ sở mà họ mới vẽ ở Vịnh Bắc bộ, mà họ gọi là Bắc Bộ Loan, ‘tuân thủ nghiêm ngặt các bộ luật nội địa, luật quốc tế và các hiệp định song phương’ và ‘không ảnh hưởng gì đến lợi ích của Việt Nam hay của bất kỳ nước nào khác’, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 4/3 do tờ Hoàn cầu Thời báo đăng tải.

Tuy nhiên, khi được hỏi về điều này, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 14/3 nhấn mạnh rằng ‘các nước ven biển cần tuân thủ UNCLOS khi vẽ đường cơ sở’ và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ.

Kể từ khi hiệp định này được ký kết hồi năm 2000 và có hiệu lực từ năm 2004, Vịnh Bắc bộ đã trở nên bình yên và không có tranh chấp, hoàn toàn khác với tình trạng căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Tuy nhiên, bà Hằng không bác bỏ đường cơ sở của Trung cộng và cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu nó có đe dọa hiệp định đã được ký kết hay không.

“Nói nôm na là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã được ký kết và chỉ có như thế mà thôi cho nên không thể vượt quá được, cho dù Trung cộng có vẽ đường cơ sở gần hay xa đi chăng nữa thì cũng không làm thay đổi vùng biển mà hai bên đã phân định,” ông Hoàng Việt, giảng viên tại Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh vốn theo dõi chặt chẽ tình hình trên Biển Đông, nói với VOA.

Theo lời ông thì cho dù Trung cộng có muốn đi nữa thì họ cũng không thể thay đổi được hiệp định mà họ đã đặt bút ký.

“Hiệp định đó đã phân định rồi, và hai bên đã ký kết, và bước quan trọng nhất là Quốc hội hai bên đã thông qua, nếu mà muốn thay đổi phải được sự đồng ý của Quốc hội hai bên, cho nên rất khó.”

Ông Raymond Powell, trưởng nhóm về Biển Đông tại Trung tâm Gordian Knot về Sáng tạo An ninh Quốc gia thuộc đại học Standford, cũng cho rằng đường cơ sở này của Bắc Kinh ‘không ảnh hưởng trực tiếp đến hiệp định năm 2000’.

“Tôi không nghĩ nó tạo ra nguy cơ có thêm tranh chấp ở Vịnh Bắc bộ,” ông Powell nói với VOA.

Đường cơ sở thẳng

Tuy nhiên, cả hai ông Hoàng Việt và Raymond Powell đều có chung nhận định rằng Bắc Kinh đã không tuân thủ luật quốc tế khi công bố đường cơ sở này.

UNCLOS quy định rằng đường cơ sở phải đi theo đường bờ biển và đường cơ sở thẳng chỉ được vẽ khi nào đường bờ biển quá khúc khuỷu. Đường cơ sở cũng được vẽ bao quanh những hòn đảo gần bờ biển nhưng ‘không được phép đi quá xa cách hướng đi tổng thể của đường bờ biển’.

“Trung cộng đã vẽ đường cơ sở thẳng từ bờ biển của họ nối với một vài hòn đảo ngoài khơi để nới rộng vùng biển của họ một cách bất hợp pháp,” ông Powell cho biết. “UNCLOS không cho phép vẽ đường cơ sở thẳng trừ những trường hợp cực đoan, chẳng hạn như những vịnh hẹp quá phức tạp ở Na Uy.”

Thạc sỹ Hoàng Việt nói rằng bảy điểm cơ sở mà Trung cộng dùng để nối thành đường cơ sở ‘quá xa bờ’.

“Phải có điều kiện nhất định mới được vẽ đường thẳng, còn không đường cơ sở phải đi theo ngấn nước triều thấp nhất sát bờ biển,” ông Việt giải thích.

Khi được hỏi đường cơ sở này có nới rộng diện tích lãnh hải của Trung cộng hay không, ông Việt nói: “Lãnh hải sẽ phụ thuộc vào đường cơ sở, tức là đường cơ sở kéo ra thì lãnh hải sẽ rộng hơn vì lãnh hải sẽ là 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra ngoài khơi.”

Cũng theo UNCLOS, vùng biển bên trong đường cơ sở gắn với đất liền là vùng nội thủy của quốc gia đó và tàu bè và máy bay của quốc gia khác không được đi vào vùng nội thủy nếu không được cho phép.

Theo ông Việt, đường cơ sở này của Trung cộng đã biến một vùng ven biển thành vùng biển khép kín của Trung cộng, bao gồm toàn bộ eo biển Quỳnh Châu nằm giữa đảo Hải Nam và đại lục. “Nó ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của tàu bè nước ngoài,” ông nói.

Ông Việt bày tỏ nghi ngại việc đưa eo biển Quỳnh Châu thành vùng nội thủy ‘có thể trở thành tiền lệ để sau này Trung cộng làm tương tự với eo biển Đài Loan’.

Việt Nam nên làm sao?

Theo giải thích của ông thì sau khi đã phân định Vịnh Bắc bộ rồi, thì cả Trung cộng lẫn Việt Nam đều có thể công bố đường cơ sở của mình trong vùng biển này.

Ông Việt cho rằng điều cấp thiết là Việt Nam cũng phải công bố đường cơ sở của mình, nhưng khuyến nghị Hà Nội không nên theo gót Trung cộng là vẽ đường cơ sở quá mức mà ‘nhất thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế’.

“Bởi vì Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và tôn trọng UNCLOS trong tất cả các tuyên bố về Biển Đông,” ông lập luận.

Ông Powell dự đoán đường cơ sở của Trung cộng sẽ khiến Mỹ thực thi chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trong vùng biển này để thách thức tuyên bố của Trung cộng. Cho đến nay, trong khu vực, tàu chiến Mỹ chỉ mới thực hiện FONOP trên Biển Đông.

Ông Hoàng Việt thì cho rằng ‘chắc chắn Mỹ sẽ phản đối đường cơ sở này’ vì Washington đã từng phản đối đường cơ sở mà Trung cộng vẽ quanh bờ biển của họ hồi năm 1996 (lúc đó chưa gồm Vịnh Bắc bộ).

“Nhưng Mỹ lại có chỗ khó là Quốc hội Mỹ chưa thông qua Công ước Quốc tế về Luật biển, chưa phải là thành viên của UNCLOS, nên tính chính danh của Mỹ trong trường hợp này cũng yếu đi nếu họ có những tuyên bố phản đối Trung cộng.”

Theo ông Việt thì ngoài việc Bộ Ngoại giao lên tiếng thì Hà Nội ‘không có cách gì đòi Trung cộng rút lại đường cơ sở này’ vì ‘không chỉ Trung cộng mà nhiều nước trên thế giới cũng vi phạm UNCLOS về đường cơ sở’.

Về phần mình, ông Powell nhận định: “Tôi không chắc Hà Nội có thể làm gì khác, bởi vì đường cơ sở này không có ảnh hưởng trực tiếp gì đến Việt Nam. Mà Việt Nam lại không có chương trình FONOP.”

VOA (04.04.2024)

 

 

 

Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông: hợp tác với các cường quốc mà không chọn Trung cộng

Giàn khoan Tam Đảo 01 của Việt Nam trên Biển Đông (ảnh minh họa) Hội Dầu khí Việt Nam

 

Hôm 28 tháng 3, 2024, tập đoàn Mitsui của Nhật Bản ra thông báo họ đã thông qua quyết định cuối cùng đầu tư với Việt Nam vào một dự án khai thác một mỏ khí đốt ở Biển Đông. Khoản đầu tư của Mitsui cho dự án, chủ yếu bao gồm lắp đặt thiết bị ngoài khơi và xây dựng tuyến đường ống, sẽ là khoảng 740 triệu USD. Theo các chuyên gia, dự án hợp tác Việt Nhật này nằm trong bối cảnh sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương của Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như chiến lược quốc tế hóa vấn đề biển Đông của Việt Nam. 

Tại sao Việt Nam chọn Nhật Bản? 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng dự án hợp tác này giữa Nhật Bản và Việt Nam chắc chắn nằm trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn của hai nước. Ông nói: 

“Dự án này có liên hệ tới bối cảnh chung. Gần đây nhất, Việt và Nhật Bản đã nâng cấp tầm quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện. Nhật cũng là nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực trên biển của Việt Nam. Nhật đã giúp một số tàu cho Cảnh sát biển và giúp đào tạo nhân lực cho Cảnh sát biển. Điều này cũng nằm trong chiến lược ngoại giao chung của hai nước. Thứ hai là mối quan hệ này cũng nằm trong sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ và Nhật Bản đưa ra. Ít nhất là Việt Nam và Nhật tìm thấy những điểm chung là chống lại sự đe dọa từ Trung cộng và hợp tác để bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về luật biển.” 

Một tàu vận tải của hãng Mitsui chạy bằng khí, không phát thải carbon (ảnh minh họa). Ảnh: Hãng Mitsui.

Tin cho hay, năm 2020, Việt Nam đã phải hủy bỏ dự án hợp tác với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha và Rosneft của Nga, phải đền bù một số tiền khá lớn, vì sức ép của Trung cộng. Câu hỏi đặt ra là liệu có phải lần này Việt Nam chọn đối tác Nhật Bản cho một dự án khai thác khí đốt trên Biển Đông vì Nhật Bản mạnh hơn và đáng tin cậy hơn? 

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, câu chuyện hợp tác với Nhật Bản không phải từ bây giờ. Còn đối với Repsol thì không phải Việt Nam ngay từ đầu hợp tác với Repsol mà ký với đối tác khác. Các đối tác bán qua bán lại rồi cuối cùng đến tay Repsol. 

Về việc chọn đối tác là Nhật Bản chứ không phải nước nào khác, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng lý do thứ nhất là Việt Nam rất tin tưởng Nhật Bản, một quốc gia có tiềm lực lớn về kinh tế, kỹ thuật và quốc phòng. Lý do thứ hai là Nhật Bản là đồng minh thân thiết bậc nhất của Mỹ tại châu Á. Đó là lý do Việt Nam tin tưởng Nhật Bản và hi vọng có thể thúc đẩy trở lại hoạt động thăm dò khai thác trên Biển Đông. Đây cũng là hành động thăm dò phản ứng của Trung cộng. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng đương nhiên Việt Nam sẽ phải khai thác vì không khai thác thì bỏ mất lợi ích quốc gia của mình trong vùng biển này.

Ông Hoàng Việt cho rằng một trong những chủ trương từ lâu của Việt Nam là quốc tế hóa khu vực này. Một trong những cách để quốc tế hóa là mời các cường quốc khác đến cùng khai thác. Ông chỉ ra một thực tế thú vị trong chiến lược quốc tế của Việt Nam ở Biển Đông:

“Việt Nam đã ký với tập đoàn của Mỹ là Exxol Mobil để khai thác mỏ Cá Voi Xanh, hay mỏ Lạc Đà Vàng với tập đoàn Murphy của Mỹ. Ngoài ra Việt Nam còn hợp tác với hàng loạt cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga mà không có Trung cộng. 

Nhật Bản cách đây mấy năm cũng đã tham gia một loạt lô dầu khí. Mitsubishi đã tham gia rồi. Nói chung, chính sách đó thì Việt Nam đã làm từ lâu rồi, bây giờ chỉ làm mạnh hơn. 

Có rất nhiều vấn đề trên Biển Đông khiến cho Việt Nam muốn khai thác nhưng chưa làm được do một loạt sự kiện xảy ra. Như mỏ Cá Rồng Đỏ thì Việt Nam phải ngưng lại nhưng thực tế vẫn muốn tiếp tục làm.”  

Việt Nam tránh hợp tác quân sự 

Sắp tới, ngày 11 tháng 4, 2024, hải quân Phi Luật Tâns sẽ cùng Nhật Bản, Hoa Kỳ tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông. Trong khi Phi Luật Tâns đẩy mạnh hơn về hợp tác với Nhật Bản về quân sự trên Biển Đông, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản về kinh tế. Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam lựa chọn hợp tác về kinh tế thay vì hợp tác về quân sự mạnh mẽ như Phi Luật Tâns với các đối tác khác? 

Trao đổi với RFA, ông Hồ Như Ý, nhà nghiên cứu độc lập về Trung cộng ở Ba Lan, cho rằng Việt Nam tránh để cho nguy cơ đối đầu quân sự lên cao, bởi vì về lực lượng hải quân, “vài ba chiếc tàu Việt Nam mua về chỉ để cho vui chứ không có ý nghĩa gì” trong việc đối phó với sức mạnh hải quân của Trung cộng. 

Chính sách quốc phòng của Việt Nam là “mất bò mới lo làm chuồng” mà chuồng bây giờ cũng chẳng có. Đầu tư nhỏ giọt, không hiệu quả. Mỗi năm Trung cộng ra được mấy chục tàu có tải trọng hai ba nghìn tấn trở lên. Họ dùng chiến lược sử dụng những tàu hải quân tải trọng ba đến năm nghìn tấn khoảng mười năm rồi chuyển sang cho Hải cảnh sử dụng. Họ dùng những con tàu đó để chèn ép Việt Nam, Phi Luật Tâns, Malaysia.

Các con tàu cảnh sát biển này do đó có trang bị còn mạnh hơn tàu hải quân chính quy của Việt Nam, Phi Luật Tâns. Ngay cả so sánh với hải quân Việt Nam thì những tàu có tải trọng lớn nhất vẫn là hai tàu lớp Hamilton do Mỹ viện trợ. Còn tàu mua của Nga, Pháp có tải trọng hai ngàn tấn thì Việt Nam chỉ có vài chiếc. Trong khi đó, Trung cộng mỗi năm đóng vài chục chiếc như vậy. Họ đã đóng tàu với công suất như vậy hơn chục năm nay rồi, nghĩa là bây giờ họ có cả trăm chiếc, thì Việt Nam không thể so sánh được. Sự so sánh ở đây chỉ là khập khiễng. 

Trước một chiến lược phát triển bài bản như vậy, lại có ưu thế vượt trội về ngân sách  của Trung cộng thì Việt Nam hoàn toàn không đỡ được.”

RFA (03.04.2024)

 

 

 

Biden-Tập điện đàm điều chỉnh căng thẳng Biển Đông và Đài Loan

 Trong cuộc điện đàm song phương hôm Thứ Ba, 2 Tháng Tư, Tổng Thống Joe Biden tìm cách điều chỉnh căng thẳng ở Biển Đông và lễ nhậm chức tổng thống Đài Loan vào Tháng Năm tới với Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung cộng, theo Reuters.

Đây là lần nói chuyện đầu tiên giữa đôi bên kể từ khi gặp nhau hồi Tháng Mười Một, 2023, ở San Francisco, California.

Tổng Thống Joe Biden nói chuyện qua điện thoại Internet hồi Tháng Mười Một, 2021. (Hình minh họa: Mandel Ngan/AFP via Getty Images)

Tòa Bạch Ốc tuyên bố ông Biden sử dụng lời kêu gọi này để nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan cũng như luật pháp và tự do hàng hải ở Biển Đông.”

Ông Tập cho biết mối quan hệ giữa Trung cộng và Mỹ đang bắt đầu ổn định, nhưng cảnh báo rằng mối quan hệ này có thể “chuyển sang xung đột hoặc đối đầu,” theo Tân Hoa Xã, tiếng nói chính thức của chính quyền Bắc Kinh.

Ông John Kirby, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, nói trong một cuộc họp ngắn sau cuộc điện đàm của hai nguyên thủ rằng ông Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, sẽ tới Trung cộng trong những tuần tới, sau chuyến đi tuần này của bà Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính.

Tình hình Biển Đông

Cuộc điện đàm kéo dài gần hai giờ giữa các nhà lãnh đạo – được ông Kirby mô tả là “giống như công việc,” diễn ra trước cuộc gặp vào tuần tới giữa Tổng Thống Biden, Thủ Tướng Fumio Kishida của Nhật và Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. của Phi Luật Tâns, trong bối cảnh Trung cộng càng lúc càng phô trương sức mạnh quân sự.

Hôm Thứ Hai, một giới chức cấp cao tại Washington cho biết quân đội Mỹ và Trung cộng sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hàng hải trong tuần này tại Honolulu. 

Washington bày tỏ lo ngại về việc Tuần Duyên Trung cộng sử dụng vòi rồng vào các tàu của Phi Luật Tâns gần bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal) trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Căng thẳng ngoại giao leo thang và những xung đột hàng hải gần đây giữa hai nước Châu Á đã khiến khu vực này trở thành điểm xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung cộng.

Vấn đề cấm xuất cảng chip sang Trung cộng

Ông Tập và ông Biden cũng thảo luận về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn một số công nghệ của Hoa Kỳ, bao gồm cả chip bán dẫn, được xuất cảng sang Trung cộng.

Ông Tập cảnh báo Biden rằng Mỹ “không giảm thiểu rủi ro mà còn tạo ra rủi ro” bằng cách ngăn chặn sự phát triển thương mại và công nghệ của Trung cộng, đồng thời bổ sung các thực thể mới vào danh sách trừng phạt của Mỹ.

Theo Tòa Bạch Ốc, ông Biden nói với ông Tập rằng Mỹ “sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết để ngăn chặn việc sử dụng các công nghệ tiên tiến của Mỹ nhằm làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ mà không hạn chế quá mức thương mại và đầu tư.”

Ông Kirby cho biết ông Biden đã nêu lên những lo ngại của Hoa Kỳ về ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến TikTok, ứng dụng này phải đối mặt với đề nghị luật của Hoa Kỳ nhằm buộc chủ sở hữu Trung cộng ByteDance phải thoái vốn vì các lo ngại về bảo mật dữ liệu và thông tin sai lệch.

Ông Kirby nói: “Tổng thống đã nói rõ với Chủ Tịch Tập rằng đây không phải là lệnh cấm ứng dụng mà là lợi ích của chúng tôi trong việc thoái vốn để lợi ích an ninh quốc gia và bảo mật dữ liệu của người dân Mỹ.”

Vấn đề Đài Loan

Phản ứng của Trung cộng trước lễ nhậm chức tổng thống của Đài Loan vào Tháng Năm sẽ thử thách sự ổn định trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Trung cộng vốn xem Đài Loan, một hòn đảo tự trị với các cuộc bầu cử dân chủ, là một phần lãnh thổ của mình và gần đây đã bỏ cụm từ “thống nhất hòa bình” khỏi chính sách. 

Đài Loan phản đối mạnh mẽ các yêu sách chủ quyền của Trung cộng và nói rằng chỉ người dân trên đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.

Ông Lại Thanh Đức, phó tổng thống đương nhiệm của Đài Loan, người mà Bắc Kinh coi là cổ vũ ly khai, đã đắc cử tổng thống vào Tháng Giêng và Bắc Kinh gia tăng áp lực lên Đài Loan trước lễ tuyên thệ của ông.

Tân Hoa Xã đưa tin, ông Tập kêu gọi Washington chuyển “cam kết không ủng hộ ‘sự độc lập của Đài Loan’” của ông Biden thành những hành động cụ thể.

Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc gọi giữa ông Biden và ông Tập cũng giải quyết những lo ngại của Mỹ về việc Trung cộng hỗ trợ cuộc chiến của Nga xâm lăng Ukraine, các hoạt động thương mại kinh tế của nước này, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 

Người Việt (02.024.2024)