„Nhà nước ngầm chẳng tuyệt vời. Họ là kẻ thù của tự do và nhân quyền, và cũng là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tiến bộ mà chúng ta hướng đến.“
Jeffrey A. Tucker
Mái vòm tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ nhìn từ Trung tâm Du khách Tòa nhà Quốc hội, ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hôm 06/08/2021. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)
Trong nhiều năm, giới truyền thông doanh nghiệp đã chế nhạo những ai viết về sự tồn tại của nhà nước ngầm (giống như tôi). Họ nói rằng đây chỉ là chứng hoang tưởng rồ dại. Không bao giờ có chuyện như thế!
Ồ thật sao? Đúng vậy, đó là những gì họ đã nói. Và khi cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng ông ấy sẽ tát cạn đầm lầy, cũng chính những người đó lại nói rằng chẳng có đầm lầy nào cả và do đó chẳng có gì để mà tát. Chúng ta chỉ toàn là đang tưởng tượng ra điều này mà thôi.
Nhiều năm đã trôi qua, cũng thật khó tin khi không thừa nhận sự tồn tại của nhà nước ngầm. Điều này đặc biệt đúng sau các đợt phong tỏa. Không ai bỏ phiếu phong tỏa nhà thờ hoặc cơ sở kinh doanh của quý vị. Không có quyết định dựa trên cơ sở dân chủ nào để buộc quý vị phải chích ngừa. Không một ai hỏi nhà lập pháp của quý vị rằng liệu chính phủ có nên hợp tác với mạng xã hội để kiểm duyệt bài đăng của quý vị hay không.
Toàn bộ những điều xảy ra đều có lý do của nó. Chúng tôi hiện đang có hàng chục ngàn trang bằng chứng, gồm các liên lạc qua thư điện tử, các báo cáo về các cuộc họp và các cuộc điện thoại, trong đó, tất cả những điều này đều được phối hợp mà không có sự chú ý của công chúng. Giới quan chức đã chịu trách nhiệm theo những cách khiến việc phủ nhận sự tồn tại của họ trở nên không thể.
Phải làm gì trong trường hợp này?
Ai đó ở tờ The New York Times quyết định thẳng thắn thừa nhận sự thật. Tuy nhiên, phương pháp mà họ sử dụng để làm điều này là một thứ làm rối não. Thay vì nói, ồ vâng, có một chuyện như vậy, họ đã tiến thêm bước nữa. Trong một nhan đề đáng nhớ, tờ NY Times đã loan báo: “Hóa ra ‘nhà nước ngầm’ thực sự là một thứ tuyệt vời.”
Tiếp theo đó là một video khác, tuyên bố rằng nhà nước ngầm đang làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại. Chắc chắn rằng, sự lãng phí và lạm dụng nào đó vẫn tồn tại đâu đó, nhưng nhìn chung, tất cả chúng ta nên cúi đầu và biết ơn những quan chức tuyệt vời này đang giữ cho nguồn nước của chúng ta sạch sẽ, khám phá không gian vũ trụ, và duy trì nền kinh tế.
Điều đó khá buồn cười. Còn không thì cũng xấu xa. Đoạn video mô tả hàng loạt quan chức làm việc trong các cơ quan dường như tẻ nhạt như EPA, NASA, hoặc Bộ Lao động. Tất cả họ đều nói rằng công việc của họ tuyệt vời như thế nào. Nhưng có một vấn đề. Cựu Tổng thống Trump cho rằng họ thật tệ hại và cần phải ra đi. Điều đó thực sự làm nản lòng.
Chúng ta hãy phân tích những lời lẽ này ở một mức độ căn bản.
Trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, có ba nhánh chính phủ: hành pháp, do tổng thống đứng đầu; Quốc hội, ban đầu theo chế độ lưỡng viện nhưng đã được sửa đổi vào năm 1913; và hệ thống tòa án với một Tối cao Pháp viện. Chỉ có vậy thôi.
Trong hàng trăm năm qua, Hoa Kỳ đã trở nên hỗn loạn vì một điều gì đó không phù hợp với bất kỳ vị trí nào trong số này. Số lượng nhân viên khu vực công quyền trong các cơ quan vốn đã gia tăng về số lượng, bành trướng trong cơn khủng hoảng và sau đó không trở lại như ban đầu nữa. Có hàng trăm cơ quan như vậy và hàng triệu nhân viên trong đó. Nhờ vào các quy định của nghiệp đoàn được củng cố qua nhiều thập niên, họ không thể bị tổng thống sa thải. Tổng thống cũng không thể kiểm soát họ, như những năm trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump đã minh chứng.
Hàng triệu quan chức này sở hữu kiến thức thể chế để vận hành hệ thống. Để làm gì? Để bản thân họ tồn tại mãi. Đó không phải là để phục vụ công chúng. Đó là việc củng cố quyền lực của tổ chức và những người mà họ phục vụ, thường là những nhóm lợi ích đầy quyền lực trong khu vực tư nhân.
Bộ máy kếch xù này được gọi là nhà nước hành chính. Thay vì bổ sung vào Hiến Pháp bằng cách gắn bó với một nhánh chính phủ mới, con quái vật này đã được thêm vào sơ đồ tổ chức của chính phủ Hoa Kỳ dưới danh mục nhánh hành pháp.
Sợi dây liên kết mỏng manh kết nối văn phòng tổng thống với phần còn lại hầu hết chỉ là một ảo ảnh. Chắc chắn là có những người đứng đầu cơ quan, nhưng nếu họ nói hoặc làm bất cứ điều gì đe dọa đến bộ máy quan liêu này, thì họ sẽ ngay lập tức bị săn lùng, bị ghét bỏ, bị xem là đồ bỏ đi, và bị hất cẳng. Họ là những bù nhìn và không xứng với danh hiệu. Mọi người đều biết điều này. Họ sẽ rời đi sau một vài năm, trong khi những nhân viên thực sự của các cơ quan đều ở những chức vị cố định mà không ai có thể tước bỏ.
Quý vị sẽ không tìm thấy bất cứ điều gì về chính phủ hành chính trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Chính phủ này hoàn toàn không phải là do các Tổ phụ Lập quốc thiết kế ra. Thậm chí chính phủ này còn không tồn tại cho đến năm 1883 ngay cả ở quy mô nhỏ nhất. Trước đó, mỗi tổng thống mới đều loại bỏ hoàn toàn những thứ cũ kỹ và bắt đầu lại mới. Điều đó giữ cho chính phủ không có sự tiếp cận quá mức vĩnh viễn và bảo đảm cho cử tri có quyền kiểm soát chính phủ của họ.
Một khi điều đó bị tước bỏ, và hoàn toàn kết thúc vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, toàn bộ ý tưởng về dân chủ đã bị tổn hại nghiêm trọng. Chắc chắn là chúng ta bầu ra một tổng thống, nhưng ông ấy cần nhanh chóng phát hiện ra rằng quyền lực của mình đối với bộ máy quan liêu là nhỏ xíu và có thể bị tước bỏ nếu có bất kỳ bước đi sai lầm nào. Ông ấy bị giam hãm, ông ấy là nô lệ cho nhà nước mà ông được cho là đứng đầu.
Chưa có cuốn tự truyện của tổng thống nào thực sự trung thực. Tất cả họ đều khoe khoang về những hành động và thành tựu đáng kinh ngạc của mình. Không ai thừa nhận một sự thật rằng vai trò chính của họ là phê chuẩn các quyết định của người khác. Họ ở đó để cung cấp chiếc vỏ bọc cho chính phủ hành chính. Bất cứ ai quyết định khác đi sẽ bị nghiền nát và phỉ nhổ. Đừng tìm đâu xa ngoài cựu Tổng thống Richard Nixon hay cựu Tổng thống Donald Trump để có được bằng chứng.
Vì vậy, một cuốn tự truyện trung thực của tổng thống sẽ viết rằng: Tôi đã nghĩ rằng tôi trở thành tổng thống trong chính phủ chỉ để nhận ra rằng tôi bị buộc phải phục vụ chính phủ hành chính. Tại sao họ sẽ không nói như vậy? Có lẽ vì quá xấu hổ. Hoặc có thể chính phủ này hoạt động tương tự như bất kỳ tổ chức lớn và tham nhũng nghiêm trọng nào: Không đời nào một người được phép ngồi vào ghế lãnh đạo mà không có những thế lực thực sự đằng sau áp đặt điều gì đó lên họ. Chẳng hạn như, đây là cách hoạt động trong Bộ Chính trị.
Được rồi, giờ thì chúng ta đã hiểu về chính phủ hành chính, thứ được gọi là chính nhà nước ngầm này là gì? Đó là một tầng phụ trong guồng máy quan liêu. Trong đó chủ yếu gồm các cơ quan hoạt động ngầm, trong phạm vi được gọi là “cơ mật” hoặc nói cách khác được coi là quá quan trọng và bí mật để có thể tiết lộ công khai. Toàn bộ nhà nước ngầm tồn tại bằng cách xóa tên trong các tài liệu.
Nhóm các tổ chức tạo thành nhà nước ngầm gồm CIA, nhưng không chỉ giới hạn ở CIA. Nhà nước ngầm còn có Cơ quan An ninh Quốc gia và nhiều chi nhánh của cơ quan này trong Bộ An ninh Nội địa, cộng với FBI và Hội đồng An ninh Quốc gia. Theo nghĩa này, bài báo và video của NY Times không gì khác hơn là một tiết lộ hạn chế. Bài báo ghi lại hoạt động của các cơ quan dân sự khác nhau, và cũng ổn thôi, nhưng bài báo không đề cập gì đến những thứ được định nghĩa chính xác là nhà nước ngầm.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã phát hiện ra rằng nhà nước ngầm thực sự có những quyền lực khủng khiếp. Đó là về việc họ chủ yếu dính líu đến mối liên hệ của Hoa Kỳ với các quốc gia khác. Nhưng sau khi cựu Tổng thống Trump đắc cử, họ đã truy lùng người dân Mỹ, những người mà nhà nước ngầm đổ lỗi đã bầu chọn sai tổng thống. Tiếp theo đó là một loạt trò lừa bịp và can thiệp, từ lời tuyên bố rằng Nga đã bầu ra vị tổng thống này cho đến một đại dịch được phóng đại một cách điên cuồng.
Nằm trong sự việc này, chúng ta đã chứng kiến sự truy lùng của những kẻ thù chính trị cũng như sự kiểm duyệt, giám sát, và quấy rối quy trên mô lớn, chưa kể đến một chiến dịch thù ghét đáng kinh ngạc và không ngừng chống lại cựu tổng thống. Thông điệp cơ bản của tất cả những điều này là nhà nước ngầm, chứ không phải người dân Mỹ, điều hành Hoa Kỳ. Họ muốn điều này được thực hiện một cách hoàn toàn rõ ràng.
Như bài báo của NY Times đã nêu lên, cựu Tổng thống Trump có mọi ý định khôi phục sắc lệnh Lịch trình F của mình, có thể là vào ngày đầu tiên [nhậm chức]. Điều này sẽ cho phép tổng thống Hoa Kỳ kiểm soát chính phủ hành chính tối thiểu ở một mức độ nào đó.
Đây chính là lý do thực sự khiến họ ghét ông ấy. Mọi thứ khác chỉ là một màn kịch ngớ ngẩn. Toàn bộ cuộc chiến ở Hoa Kỳ ngày nay là về việc liệu chúng ta có tiếp tục cho phép nhà nước ngầm lật đổ ý chí của người dân và lạm dụng người dân, hay sẽ bước trên con đường dài để lấy lại tự do và một chính phủ dưới sự kiểm soát của người dân. Tất cả những thứ còn lại chỉ là một ảo ảnh.
Nhà nước ngầm chẳng tuyệt vời. Họ là kẻ thù của tự do và nhân quyền, và cũng là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tiến bộ mà chúng ta hướng đến.
Jeffrey A. Tucker
The Epoch Times (10.04.2024)
Jeffrey A. Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng ngàn bài báo trên báo chí học thuật và phổ thông. Ông cũng là tác giả của mười cuốn sách bằng năm thứ tiếng, gần đây nhất là cuốn “Liberty or Lockdown” (“Tự Do hay Phong Tỏa”). Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết cho một chuyên mục kinh tế hàng ngày cho The Epoch Times và về các chủ đề kinh tế, công nghệ, triết học xã hội, và văn hóa.