Mục lục
Công an Quảng Ngãi bắt giam người đàn ông vì ‘xúc phạm’ ông Hồ Chí Minh
Công an Quảng Ngãi đọc lệnh bắt giam ông Lê Quốc Hùng, ngày 12/4/2024. Công an.
Ngày 12/4, Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt giam ông Lê Quốc Hùng với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, cáo buộc người đàn ông này ‘xúc phạm’ cố lãnh tụ Hồ Chí Minh của chính quyền cộng sản độc đảng.
Trang Công an Nhân dân của Bộ Công an tường thuật rằng ông Lê Quốc Hùng, 57 tuổi, sử dụng mạng Facebook để livestream có nội dung “đòi đa nguyên, đa đảng, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ngoài ra, các trang báo của nhà nước còn cáo buộc ông Hùng nhiều lần nhận tiền từ một số người mà họ cho là “đối tượng chống phá Việt Nam ở nước ngoài” và cho những người này tham gia livestream của ông để “chống phá” đảng, nhà nước.
Tuy nhiên, nhà chức trách và truyền thông Việt Nam do đảng cộng sản cai trị không nêu rõ ông Hùng “xúc phạm” ông Hồ ra sao; ông yêu cầu đa nguyên, đa đảng như thế nào hay nhận tiền từ những ai.
Vụ bắt giam ông Hùng là vụ mới nhất liên quan đến các phát biểu trên mạng xã hội khiến chính quyền xử lý bằng biện pháp hình sự. Theo thống kê của các nhóm nhân quyền trong và ngoài nước, tính từ đầu năm đến nay, 8 người đã bị bắt theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Điều 117 Bộ Luật Hình sự thường bị các tổ chức quốc tế và các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên án là công cụ để Hà Nội bịt miệng những tiếng nói bất đồng. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam bác bỏ điều này.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn khẳng định điều mà họ gọi là chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, khăng khăng rằng nước này coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về nhân quyền.
VOA (13.04.2024)
Vụ Đồng Tâm: Một cháu nội ông Lê Đình Kình được tha tù trước hạn
Ông Lê Đình Uy, một trong số cháu nội của ông Lê Đình Kình, vừa được trả tự do trước thời hạn chín tháng, theo Facebook Hoang Ha.
Trong phiên tòa xử vụ Đồng Tâm hồi năm 2020, ông Uy bị kết án năm năm tù với cáo buộc “chống người thi hành công vụ.”
Ông Lê Đình Uy lúc được gia đình đón ra khỏi nhà tù. (Hình: Facebook Hoang Ha)
Vụ tấn công võ trang làng Đồng Tâm hôm 9 Tháng Giêng cùng năm khiến ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh của dân làng, thiệt mạng. Có ba cảnh sát cơ động chết trong vụ này.
Bà Nguyễn Thị Duyên, vợ ông Uy, viết trên trang cá nhân sau khi đón chồng về nhà: “Tạm biệt nhà tù nhỏ, anh về với nhà tù lớn.”
Facebook Hoang Ha hôm 13 Tháng Tư cho biết thêm, ông Lê Đình Doanh, cháu đích tôn của ông Kình, đang thụ án chung thân với cáo buộc “giết người.”
Ông Doanh có hai đứa con, khi sự kiện Đồng Tâm xảy ra, một đứa con trai mới 1 tuổi, đứa còn lại đang trong bụng mẹ.
Vợ ông Doanh kể rằng trong một lần đi thăm nuôi, chồng bà này bảo làm đơn ly hôn để ký, nhưng bà không đồng tình.
Cũng trong vụ án này, hai người con trai của ông Kình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị tuyên tử hình về tội “giết người.”
Theo thông tin từ người nhà ông Kình, ông Chức đang ngồi tù trong tình trạng “sức khỏe yếu, chân tay teo một bên, không biết có sống được đến sang năm hay không.”
Ông Lê Đình Uy (thứ tư từ phải) cùng người nhà ra thắp hương trước mộ ông Lê Đình Kình. (Hình: Facebook Hoang Ha)
Liên quan vụ Đồng Tâm, Facebooker Nguyễn Thúy Hạnh chỉ vì nhận giúp tiền phúng điếu ông Kình của cộng đồng mà bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam, cưỡng chế điều trị trong bệnh viện tâm thần từ ba năm qua.
Hồi cuối Tháng Hai, ba nhóm Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Diễn Đàn Bauxite Việt Nam và Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng gửi thỉnh nguyện thư đề nghị nhà nước phóng thích bà Hạnh để bà này được chữa bệnh ung thư cổ tử cung nhưng bất thành.
Đến nay, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bà Nguyễn Thúy Hạnh, người sáng lập Quỹ 50K giúp tù nhân lương tâm, được đưa ra xét xử trong khi đã hết hạn tạm giam từ lâu. (N.H.K) [qd]
Người Việt (13,04.2024)
Bộ Công an Việt Nam sang Thái Lan ‘thăm hỏi’ người tị nạn; giới hoạt động lo sợ
Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai “thăm, động viên” người tị nạn ở Thái Lan, ngày 14/3/2024. Facebook Công an huyện Krông Pa.
Một phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam vừa sang Thái Lan và đến tận nơi ở trọ của những người đang tị nạn chính trị khiến một số người hoang mang và cảm thấy bất an trong khi đó chính quyền Việt Nam nói rằng họ sang đó để “thăm hỏi”, “động viên những người di cư”.
“Ông Rah Lan Lâm, giám đốc Công an tỉnh Gia Lai. Ông ấy cùng một đoàn từ Bộ công an Việt Nam, có cả người làm công tác dân vận, sang bên này và gặp nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và được những người này dẫn xuống nơi những người tị nạn đang ở”, nhà hoạt động Lê Văn Thương trao đổi ý kiến với VOA về chuyến công tác của Bộ Công an vào tháng trước.
Ông Thương đang bị chính quyền Việt Nam truy nã với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015, và đang lưu trú tại Thái Lan chờ tái định cư ở nước thứ ba.
Cổng thông tin của Công an Đắk Lắk tường thuật rằng đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam vào ngày 14/3 phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đến “thăm hỏi, tuyên truyền, vận động” người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan.
Trang này viết: “Tại buổi thăm gặp, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã ân cần thăm hỏi nơi ăn ở, nơi làm việc, quá trình sinh sống của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, bên cạnh đó đoàn công tác đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con xa xứ”.
Những người tị nạn nói với VOA rằng chuyến thăm này của công an và chính quyền Việt Nam là lời đe dọa đến sự an nguy của họ, những người đã chạy trốn sự đàn áp và bắt bớ của Hà Nội chỉ vì họ lên tiếng cho tự do, dân chủ, và nhân quyền.
“Họ nói rằng biết điều thì bây giờ nên quay về Việt Nam, rồi họ sẽ khoan hồng cho, còn không biết điều mà ở lại đây thì trong thời gian tới họ sẽ phối hợp với cảnh sát Thái Lan để bắt và đưa về Việt Nam thì lúc đó sẽ phạt tù rất nặng”, vẫn lời ông Thương.
“Đây là một lời đe dọa trực tiếp đối với những người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan chứ không phải là một lời kêu gọi, vì những người dân tộc Montagnard theo đạo Tin lành không được phép thờ phượng tôn giáo mà họ chọn, quyền con người tại Việt Nam không được tôn trọng”, ông Nguyễn Duy Chiến, người từng tị nạn chính trị ở Thái Lan và vừa sang Mỹ định cư, nêu nhận định cá nhân của ông với VOA.
Truyền thông trong nước dẫn lời Thiếu tướng Lâm nói với những người di dân tại Thái lan: “Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện và phối hợp với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), cơ quan chức năng của Thái Lan, để có biện pháp hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang sinh sống bất hợp pháp tại Thái Lan được đi định cư tại các nước thứ 3 nếu các nước tiếp nhận; đồng thời sẽ tiếp nhận và tạo mọi điều kiện cho số này có nguyện vọng hồi hương ổn định cuộc sống, không xử lý hình sự…”.
Trang Công an tỉnh Đắk Lắk viết: “Bà con người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan hãy trở về với Tổ quốc, với buôn làng, vì quê hương như ‘người mẹ’ luôn dịu dàng dang tay chào đón đứa con trở về, cùng với đó bà con trong nước không nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép để rồi ‘tiền mất, tật mang’”.
Trang Mạch sống của tổ chức phi chính phủ BPSOS ở Mỹ, tổ chức có văn phòng hỗ trợ người tị nạn Việt Nam tại Bangkok, viết: “Hỏi han về tình hình và điều kiện sống ở Thái Lan, ông Rahlan Lâm tìm cách lôi kéo, thuyết phục người tỵ nạn hồi hương, hứa hẹn sẽ không truy tố, hứa hẹn sẽ cho tiền ăn trên đường về, sẽ đào tạo nghề, sẽ cung cấp đất đai”.
“Nhiều người Thượng tị nạn rất lo lắng, vì không biết phái đoàn Bộ Công an Việt Nam sẽ làm gì đối với mình”, trang Mạch sống dẫn lời nhà hoạt động Y Quynh Bdap, người đang tị nạn chính trị tại Thái Lan, nói. “Nhưng đa số người tỵ nạn cho rằng chắc chắn phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam đang làm việc để tiếp tục phối hợp với chính quyền nước sở tại nhằm cưỡng bức người Thượng hồi hương và truy bắt những nhà hoạt động nhân quyền người Thượng”.
Trước đó, ông Lù A Da, một nhà hoạt động nhân quyền người H’mong cho VOA biết rằng một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đã vào trại giam “đe doạ” sẽ đưa ông về nước sớm. “Ông ấy vào nói rằng sẽ lo giấy tờ để đưa tôi về Việt Nam nhưng tôi từ chối”, ông Da nói sau khi được chính quyền Thái Lan trả tự do vào đầu tháng 2/2024.
Hôm 12/4, truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ Bộ Công an cho hay trên địa bàn huyện Chư Pưh, Gia Lai, 6 người vượt biên sang Thái Lan vừa “may mắn được trở về với buôn làng” thông qua điều mà chính quyền gọi là “tự nguyện hồi hương”.
VOA đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan để xác nhận việc trục xuất này, nhưng chưa được trả lời.
Kể từ đầu năm 2018 đến nay, chính phủ Thái Lan tăng cường siết chặt quản lý người nhập cư trái phép, xử phạt rất nặng đối với người dân Thái Lan sử dụng lao động bất hợp pháp, theo truyền thông Việt Nam.
Theo Liên minh Nhân quyền Người H’mong, hiện có khoảng 1.000 người H’mong đã đào thoát sang Thái Lan xin tị nạn. Ngoài ra, còn có hơn 1.500 người Thượng ở Tây Nguyên cũng đang sống ở quốc gia này, với hàng trăm người trong số họ vẫn chưa được cấp quy chế tị nạn.
Do chính phủ Thái Lan không phải là thành viên của Công ước Quốc tế về Người tị nạn nên những người tị nạn Việt Nam có nguy cơ bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì “nhập cư bất hợp pháp”, trong khi đó cuộc sống của họ rất khó khăn và không được phép đi làm hợp pháp.
VOA (13.04.2024)
Apple bị thúc ép phải phản đối Việt Nam bắt giữ các nhà hoạt động môi trường
Bốn nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng (ảnh trên, trái), Ngô Thị Tố Nhiên (trên, phải), Nguỵ Thị Khanh (dưới, trái) và Đặng Đình Bách RFA editted
Hơn 60 tổ chức nhân quyền quốc tế thúc giục công ty Apple phải có hành động đối với việc Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống đối với giới hoạt động chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, cho rằng họ nên cân nhắc vì Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của nhà sản xuất iPhone.
Trong thư ngỏ chung gửi cho công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ vào ngày 11/4, các tổ chức nhắc lại việc nhà nước độc đảng ở Hà Nội bắt giữ hoặc kết án tù sáu nhà hoạt động môi trường trong thời gian gần đây trong đó có luật gia Đặng Đình Bách, chuyên gia về năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên, khôi nguyên của giải thưởng danh giá về môi trường Goldman Nguỵ Thị Khanh, và học giả Quỹ Obama Hoàng Thị Minh Hồng.
Bức thư nhấn mạnh xu hướng đáng lo ngại của việc chính phủ sử dụng các điều luật mơ hồ để giam giữ những người ủng hộ môi trường với những cáo buộc vô căn cứ, cản trở tiến trình hướng tới các giải pháp năng lượng sạch mà Việt Nam đã cam kết vào tháng 12 năm 2022.
Chính phủ đã thông qua Tuyên bố Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) hồi năm 2022 và các đối tác quốc tế cam kết huy động số tiền ban đầu 15,5 tỷ USD giúp Hà Nội thực hiện chương trình này.
Trong khi đó, Việt Nam cũng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP 26 nhưng lại bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên – giám đốc điều hành của Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam một tổ chức tư vấn độc lập tập trung vào chính sách năng lượng xanh, vào ngày 15/9 năm ngoái với cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu.”
Các tổ chức nhân quyền và môi trường chỉ ra nỗ lực hình sự hóa của Chính phủ Việt Nam liên quan đến việc tiếp cận thông tin về JETP, đi ngược lại các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và xã hội của dự án.
“Vì Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc và đã cam kết đảm bảo nhân quyền cũng như ‘công bằng và công lý trong các giải pháp khí hậu,’ chúng tôi tin rằng quý vị có trách nhiệm phải cân nhắc,” thư ngỏ viết tới ban giám đốc của Apple, một hãng công nghệ đang có các sản phẩm như iPad, AirPods và Apple Watch sản xuất tại Việt Nam.
Họ kêu gọi Apple tận dụng ảnh hưởng của mình thay vì trở thành người ngoài cuộc đồng lõa, vận động cho việc trả tự do cho các nhà lãnh đạo khí hậu bị bỏ tù oan, và đảm bảo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của xã hội dân sự vào lời hứa của Việt Nam về quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và công bằng.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của Theo dõi Nhân quyền (HRW)- tổ chức có tham gia ký tên, phát biểu với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong tin nhắn ngày 11/4:
“Apple và các nhà sản xuất lớn khác của phương Tây đang giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng của họ bằng cách chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam cần nhận ra tình hình nhân quyền ở Việt Nam tồi tệ đến mức nào.
Nhiều người hoạt động về biến đổi khí hậu và lãnh đạo tổ chức phi chính phủ đang ở tù, công nhân bị cấm thành lập công đoàn độc lập, và phong trào nhân quyền và dân chủ trên thực tế đã bị xóa sổ.”
Đại diện của tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới cho rằng, “Nếu Apple không lên tiếng phản đối điều này thì họ đồng lõa và cần phải đối mặt với hậu quả từ người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu.”
Trong khi đó, ông Michael Caster, Giám đốc Chương trình kỹ thuật số Châu Á của tổ chức Hiến chương 19 (Article 19) kêu gọi công ty của Hoa Kỳ không phạm phải sai lầm ở Việt Nam, như đã đồng lõa với chính quyền cộng sản Trung Quốc trong việc kiểm duyệt và giám sát.
Ông nói trong tin nhắn gửi RFA:
“Apple nên nghiêm túc xem xét việc Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động vì khí hậu, các nhà báo độc lập và những người hoạt động khác, đồng thời xem xét sử dụng đòn bẩy kinh tế tiềm năng của mình để công khai lên án những hành động đó.”
Theo danh sách nhà cung ứng toàn cầu năm 2022 của Apple, tập đoàn này hiện có 25 nhà cung ứng đang đặt nhà máy tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam để lắp ráp iPhone, iPad, đồng hồ, tai nghe, linh kiện khác…
Trong khi đó, Foxconn, công ty của Đài Loan là nhà thầu lớn nhất của Apple, từng bước thực hiện kế hoạch phân bổ sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam.
Trong cuộc gặp Giám đốc điều hành Tim Cook vào tháng 11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi Apple tăng cường đầu tư vào các tỉnh thành và cũng có thể tham gia vào phát triển và ứng dụng công nghệ 5G tại Việt Nam.
Thư ngỏ của các tổ chức viết “Apple, một công ty có tầm quan trọng ngày càng tăng đối với nền kinh tế Việt Nam, đang ở một vị trí đặc biệt để đưa vấn đề này lên hàng đầu” và “Chỉ nói rằng quý vị ủng hộ các giải pháp khí hậu và nhân quyền công bằng và chính đáng là chưa đủ. Những cam kết của quý vị đòi hỏi phải hành động và bây giờ là lúc để thực hiện nó.”
“Thật vậy, nếu không đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề này, quý vị có nguy cơ vi phạm các chính sách về môi trường và nhân quyền của chính mình, đồng thời làm mất tính hợp pháp của hoạt động tích cực của Apple trong lĩnh vực này,” các tổ chức nói.
Ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88 (Project 88) thì thúc giục:
“Apple, công ty tuyên bố quan tâm đến biến đổi khí hậu và nhân quyền, không nên đầu tư thêm vào sản xuất chuyên sâu ở Việt Nam trong khi quốc gia thiếu nguồn năng lượng sạch và Chính phủ tiếp tục bỏ tù các nhà hoạt động khí hậu với cáo buộc hình sự sai trái.”
Từ Đức, nhà văn Võ Thị Hảo, người thường xuyên lên tiếng phản đối Việt Nam đàn áp giới hoạt động, nói với RFA qua điện thoại:
“Chính quyền Việt Nam đã bắt giữ các nhà hoạt động môi trường, và đó là hoàn toàn là phi lý. Các nhà hoạt động môi trường đã bảo vệ môi trường sống chung cho toàn đất nước và cho cả những người đã bắt họ vào tù phải chịu những bản án hết sức oan ức.”
Bà kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đồng thời bồi thường danh dự và tổn hại kinh tế cho những người bị tù oan, bị kết tội oan, trong đó có các nhà hoạt động môi trường.
Tuy nhiên, bà cho rằng đây là một thách thức đặt ra đối với Apple, công ty này sẽ phải lựa chọn một bên là dân chủ, nhân quyền còn bên kia là lợi ích kinh tế từ thị trường Việt Nam mang lại.
“Mỹ là một trong những nước mà đã tự đặt cho mình nhiệm vụ bảo vệ tự do dân chủ không chỉ ở nước Mỹ mà là trên toàn cầu thì Apple cũng có những nhiệm vụ như vậy.
Một hãng lớn, một đế chế kinh doanh thực sự có uy tín thì họ phải có những hành động để bảo vệ môi trường và nhân quyền tại bất cứ đâu mà hãng của họ đã đặt tại đó,” bà nói.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Công ty Apple với đề nghị bình luận về thư ngỏ của 61 tổ chức nhân quyền quốc tế nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.
RFA (11.04.2024)
Các nhà hoạt động thúc ép Apple phản đối Việt Nam bắt giữ các chuyên gia khí hậu
Logo của Apple tại một cửa hàng ở New York. Hàng chục tổ chức nhân quyền và môi trường đã gửi thư thúc giục lãnh đạo hãng công nghệ Mỹ nên cân nhắc khi đầu tư vào Việt Nam.
Các tổ chức hoạt động hôm 11/4 thúc ép Apple phải có hành động đối với việc Việt Nam bắt giữ các chuyên gia về khí hậu và cho rằng hãng công nghệ Mỹ nên cân nhắc vì Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của nhà sản xuất iPhone.
Trong thư gửi Apple, hơn 60 tổ chức nhân quyền và môi trường nêu bật vụ bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc điều hành của Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIET), một tổ chức tư vấn độc lập tập trung vào chính sách năng lượng xanh, vào ngày 15 tháng 9.
Theo nhóm vận động Project88 có trụ sở tại Bangkok, một trong những nhóm nhân quyền đã ký vào bức thư, bà Nhiên đã làm việc với chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế về quá trình chuyển đổi của đất nước sang năng lượng tái tạo trước khi bị giam giữ.
Chính quyền Việt Nam đã cáo buộc bà Nhiên “chiếm đoạt tài liệu” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ít nhất 5 chuyên gia khí hậu khác đã bị bắt giữ vì cáo buộc gian lận thuế.
Các nhà hoạt động nói rằng các cáo buộc này là bịa đặt. Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc cũng chỉ trích việc giam giữ các nhà hoạt động khí hậu của chính quyền Việt Nam.
“Vì Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc và đã cam kết đảm bảo nhân quyền cũng như ‘sự vô tư và công bằng trong các giải pháp khí hậu’, chúng tôi tin rằng các anh có trách nhiệm phải cân nhắc”, các nhóm bảo vệ quyền lợi viết trong thư gửi các giám đốc điều hành và ban giám đốc của Apple.
“Thật vậy, nếu không đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề này, các anh có nguy cơ vi phạm các chính sách về môi trường và nhân quyền của chính mình, đồng thời làm mất tính hợp pháp của hoạt động tích cực của Apple trong các lĩnh vực này.”
Apple sản xuất iPad, AirPods và Apple Watch tại Việt Nam và các nhà cung cấp MacBook cũng đang đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.
Trước đây, Apple đã kêu gọi chính phủ Việt Nam tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp mua năng lượng trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo và ủng hộ kế hoạch phát triển năng lượng tại Việt Nam trong đó ưu tiên năng lượng sạch.
Đôi khi, công ty cũng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà hoạt động nhân quyền thông qua sự hợp tác với Quỹ Nhân quyền Toàn cầu.
VOA (12.04.2024)
PEN America công bố giải thưởng tự do viết cho Nhà báo Phạm Đoan Trang
Nhà báo Phạm Đoan Trang CPJ/Paul Mooney
Tổ chức phi chính phủ Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) hôm 11/4 thông báo sẽ trao giải thưởng về tự do viết lách năm 2024 cho nhà báo Phạm Đoan Trang – người đang phải thụ án tù chín năm tại Việt Nam với cáo buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”.
Giải thưởng Tự do Viết Barbey được Pen America trao hàng năm cho những người viết vì lương tâm đang bị cầm tù.
Trong thông cáo báo chí đưa ra vào ngày 11/4, Giám đốc điều hành của PEN America là bà Suzanne Nossel viết:
“Phạm Đoan Trang đã khích lệ người Việt Nam qua các trang viết của mình về dân chủ, nhân quyền, suy thoái môi trường và phụ nữ. Chính phủ Việt Nam đã bỏ tù bà Trang nhằm bịt miệng bà.
Bà đã hy sinh sức khoẻ và tự do của bản thân để tìm kiếm công lý. Bất chấp những đàn áp của Chính phủ đối với các hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến, các câu chữ mạnh mẽ của bà tiếp tục khích lệ mọi người trên khắp Việt Nam và toàn thế giới.”
Nhà báo Phạm Đoan Trang (45 tuổi) bị bắt giữ vào năm 2020 và bị tuyên án chín năm tù vào năm 2021. Bà bị chính quyền chuyển đến nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương, cách xa gia đình đến hơn 1.000 km.
Nhà báo Phạm Đoan Trang từng là phóng viên của một số tờ báo Nhà nước Việt Nam và đã viết những sách bị chính quyền cấm lưu hành như Chính Trị Bình Dân, Cẩm Nang Nuôi Tù, Phản Kháng Phi Bạo Lự. Bà cũng tham gia viết những báo cáo song ngữ về tình hình nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam mà nổi bật là Báo Cáo Đồng Tâm viết về vụ công an cưỡng chế đất gây chết người ở ngoại thành Hà Nội hồi năm 2020 gây phẫn nộ trong dư luận.
Nhà báo Phạm Đoan Trang đã nhận nhiều giải thưởng về các hoạt động nhân quyền bao gồm: Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hoà Séc), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).
Lễ trao giải thưởng cho nhà báo Phạm Đoan Trang sẽ diễn ra vào ngày 16/5 tới tại New York.
RFA (11.04.2024)
Phạm Đoan Trang được trao giải Cây Bút Tự Do của Văn Bút Hoa Kỳ
Nhà báo Phạm Đoan Trang sẽ được vinh danh, nhận giải thưởng Freedom to Write/Barbey 2024 (Cây Bút Tự Do) của Pen America.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 16/05/2024 tại New York.
Giải thưởng Freedom to Write/Barbey 2024 hàng năm vẫn được chọn để trao cho nhà văn viết với lương tâm nhưng bị tù đày. Năm ngoái, cho nhà hoạt động nhân quyền người Iran đang bị cầm tù Narges Mohammadi được trao giải Freedom To Write đã dấy lên một chiến dịch toàn cầu, dẫn đến việc Mohammadi được chọn trao Giải Nobel Hòa Bình năm 2023 vào tháng Mười Hai.
Giám đốc điều hành PEN America Suzanne Nossel cho biết: “Phạm Đoan Trang đã khích lệ người dân Việt Nam thông qua các bài viết về dân chủ, nhân quyền, suy thoái môi trường và kêu gọi trao quyền cho phụ nữ. Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã đàn áp và bỏ tù Trang nhằm ngăn chặn tiếng nói của cô.
Cô đã hy sinh sức khỏe và sự tự do của bản thân mình để theo đuổi sứ mạng lên tiếng cho công lý. Bất chấp sự đàn áp của chính phủ đối với những người bất đồng chính kiến và hoạt động ôn hòa nhiệt huyết, ngôn luận mạnh mẽ của Trang vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho người dân trên khắp Việt Nam và trên toàn thế giới. Chúng tôi rất vinh dự được xiển dương tiếng nói của Trang vì dân chủ và nhân quyền thông qua chiến dịch toàn cầu của chúng tôi.”
Phạm Đoan Trang, năm nay 45 tuổi, bị bắt vào năm 2020 vì tội danh mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước,” bị kết án chín năm tù. Chưa hết, hình phạt bổ sung, là cô bị nhà nước cố ý chuyển đến một nhà tù hẻo lánh cách nhà cô đến 900 dặm, khiến lý do địa lý buộc gia đình cô chỉ có thể đi thăm viếng không thường xuyên.
Trong thời gian bị giam cầm, cô đã bị từ chối điều trị y tế và sức khỏe của cô bị ảnh hưởng. Cô đi lại với tình trạng khập khiễng vĩnh viễn do bị cảnh sát mật vụ đánh đập trong một cuộc biểu tình vì môi trường năm 2015.
Phạm Đoan Trang là ai?
Tác giả, blogger và nhà báo nổi tiếng này đã xuất bản một số cuốn sách về dân chủ, bao gồm Phản kháng bất bạo động, Chính trị cho người dân bình thường, Cẩm nang dành cho những người đấu tranh vì tự do và Chính trị bị bắt giam. Chính quyền Việt Nam đã nhắm tới tác phẩm của cô và tịch thu chúng; những cá nhân bị phát hiện có lưu trữ sách phải đối mặt với nguy cơ bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước.
Năm 2019, lường trước việc mình bị bắt, cô đã kêu gọi những người ủng hộ qua thư và video hãy tiếp tục đấu tranh đòi cải cách dân chủ và trả tự do cho tù nhân lương tâm. Cô viết: “Tôi không muốn tự do cho riêng mình; điều đó quá dễ dàng. Tôi muốn một điều lớn lao hơn: tự do cho Việt Nam. Nó có vẻ giống như một mục tiêu xa xôi và quá lớn lao, nhưng nó hoàn toàn có thể thực hiện được – với sự tham gia của bạn.”
PEN America đưa ra nhiều lời kêu gọi trong nhiều năm để trả tự do cho Trang và tố cáo sự bất công trong việc kết án và bỏ tù cô. Tổ chức này đã kêu gọi bãi bỏ điều luật của Việt Nam đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế về quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả điều khoản trong Bộ luật Hình sự Việt Nam theo đó Trang bị buộc tội bất công.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho Trang ở Việt Nam, hiện sống ở Hoa Kỳ sau khi đào thoát khỏi Việt Nam cũng do bị chính quyền sách nhiễu đối với công việc pháp lý bảo vệ con người của ông. Một người bạn của Trang là cô Quynh-Vi Tran, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Sáng kiến pháp lý cho Việt Nam, hiện sống tại Đài Loan, sẽ thay mặt cô nhận giải thưởng cao quý này.
Buổi Gala vinh danh 2024 quy tụ nhiều ngôi sao nổi tiếng và hơn 700 nhà văn, nhà báo, nhà xuất bản, biên tập viên, nhà nhân đạo và những người có ảnh hưởng đến văn hóa để hỗ trợ chương trình văn học và nghệ thuật toàn cầu của PEN America cũng như vận động cho quyền tự do ngôn luận và quyền tự do ngôn luận, đọc và viết. Giải thưởng năm thứ 15 sẽ được tổ chức tại Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Hoa Kỳ ở Manhattan.
Giải thưởng Freedom to Write/Barbey là một công cụ mạnh mẽ trong nỗ lực của PEN America nhằm lên tiếng kêu gọi chấm dứt đàn áp các nhà văn và bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Theo thống kê, vào năm 2022, hơn 311 nhà văn trên toàn thế giới đã bị cầm tù, và 800 người khác bị chính quyền áp bức ở 80 quốc gia đàn áp, theo Chỉ số Tự do Viết lách năm 2023 của PEN America.
Trong số 53 nhà văn bị bỏ tù đã nhận được giải thưởng kể từ năm 1987, 46 người được trả tự do một phần do nhận thức và áp lực mà giải thưởng tạo ra.
VNTB (14.04.2024)