Seite auswählen
Việt Nam chi 24 tỷ đô la để giải cứu SCB, một tiền lệ chưa từng cóLogo của ngân hàng SCB tại một tòa nhà đang xây ở TPHCM hôm 30/11/2023 (minh họa)  Reuters

 

Chính phủ Việt Nam đã chi 24 tỷ đô la để giải cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để tránh cho ngân hàng này không bị sụp đổ. Đây được cho là một khoản tiền giải cứu ngân hàng lớn chưa từng có tại Việt Nam. Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ ba tài liệu ngân hàng và một thông tin chính thức do một người giấu tên có tiếp cận với các tài liệu này cung cấp.

Theo thông tin mới được Reuters trích dẫn, “nếu không cho vay, SCB sẽ sụp đổ”, và “nếu việc cho vay tiếp tục, kho bạc nhà nước sẽ dần cạn kiệt”.

Thông tin cũng cho biết khoản tiền được bơm là chưa từng có tiền lệ, sự phức tạp của hoạt động và mức độ của những nguy hại hiện hữu và tiềm tàng cho hệ thống tài chính Việt Nam.

Nợ công của Việt Nam khá ổn định vào năm ngoái ở mức 37% GDP, trong khi thâm hụt ngân sách đã mở rộng nhẹ lên 4,4% GDP. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức khoảng 100 tỷ đôla vào cuối năm ngoái, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Mức này đã tăng hơn so với con số 90 tỷ đô la vào tháng 10.

Đến tháng tư, Ngân hàng Nhà nước đã bơm 24 tỷ đô la trong một khoản vay đặc biệt đối với SCB, theo hồ sơ của ngân hàng mà Reuters có được. Tài liệu có cập nhật số liệu kể từ ngày 29/3 đối với các khoản tiền mà Ngân hàng Nhà nước chi.

Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra bình luận gì về thông tin mới được Reuters loan tải.

Khoản tiền giải cứu SCB này của Ngân hàng Nhà nước chiếm đến 5,6% GDP năm của Việt Nam và tương đương 1/4  dự trữ ngoại hối của cả nước.

SCB đã bị đặt dưới tình trạng kiểm soát đặc biệt sau khi Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào tháng 10/2022. Sau đó, SCB đã sử dụng các khoản tiền được bơm vào để trả cho các khoản tiền được rút ra từ ngân hàng, theo một tài liệu mà Reuters có được. Đây là tài liệu SCB gửi cho Ngân hàng trung ương hồi tháng 11 năm ngoái để báo cáo về việc sử dụng các khoản vốn vay.

Sau khi Ngân hàng trung ương vào cuộc, tiền gửi của SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng sáu tỷ đô la vào tháng 12 năm ngoái. SCB có thể sẽ cạn kiệt tiền gửi vào giữa năm theo đà này và các khoản nợ xấu đã tăng lên 97,08% dư tín dụng của SCB vào tháng 10.

Vụ bắt giữ bà Lan vào tháng 10/2022 đã dẫn đến tình trạng người dân ồ ạt đến SCB rút tiền. Bà Lan mới đây đã bị tòa tuyên án tử hình vì tội tham ô tài sản. Bà Lan trước tòa khẳng định mình không có tội trong việc biển thủ và tham ô khoản tiền 12,5 tỷ đô la từ các khoản vay từ SCB cho các công ty bình phong trong khi vẫn điều hành SCB qua người khác.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục hỗ trợ cho Ngân hàng SCB

2024.04.19
RFA

Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục hỗ trợ cho Ngân hàng SCBLogo của Ngân hàng SCB tại một công trường xây dựng tại TPHCM hôm 30/11/2023  Reuters

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú hôm 19/4 xác nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước đang hỗ trợ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đồng thời cho biết sẽ có một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này để SCB ổn định, phục hồi hoạt động.

Trước đó, hôm 17/4, hãng tin Reuters loan tin cho biết Ngân hàng Nhà nước đã bơm 24 tỷ đô la để cứu cho SCB khỏi bị sụp đổ kể từ sau khi Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố và bắt giam vào tháng 10/2022 dẫn đến việc nhiều người dân đổ đến SCB để rút tiền.

Ngân hàng Nhà nước vào tháng 10/2022 đã phải đưa SCB vào diện theo dõi đặc biệt.

Phát biểu tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý một, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động”.

Ông Tú cũng cho biết việc cứu SCB là đương nhiên vì “khi Ngân hàng SCB rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí được xem như khủng hoảng thì cũng giống như nhiều nước trên thế giới, chức năng của Ngân hàng Trung ương là khi có một ngân hàng thương mại gặp khó khăn, đều phải có giải pháp kịp thời để can thiệp, đảm bảo cho ngân hàng đó không đổ vỡ và không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia và sự an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại.”

Cũng theo người đại diện Ngân hàng Nhà nước, SCB không phải là ngân hàng đầu tiên xảy ra sự cố và phải được Ngân hàng Nhà nước can thiệp. Ông Tú đưa ra ví dụ, cách đây 8 – 9 năm có ba ngân hàng thương mại bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, buộc phải xử lý.

“Đây cũng là quy luật vận động của nền kinh tế, ở ngay các nước trên thế giới cũng có thể xảy ra, chứ không riêng Việt Nam. Chính vì thế, phải có một giải pháp về chính sách được luật hóa để quy định các biện pháp can thiệp để đảm bảo sự ổn định cho hoạt động cho ngân hàng đó, cũng như ổn định hệ thống, an ninh trật tự xã hội”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Bản án tử hình dành cho tỷ phú lừa đảo 12 tỷ USD ở Việt Nam mang tính kiểm soát thiệt hại hơn là răn đe

 

Kế hoạch lừa đảo khổng lồ  của bà Trương Mỹ Lan lên đến đỉnh điểm trong thời gian diễn ra công cuộc “đốt lò” được ca tụng của Việt Nam.
Bài bình luận của David Hutt*
2024.04.18
RFA

 

Bản án tử hình dành cho tỷ phú lừa đảo 12 tỷ USD ở Việt Nam mang tính kiểm soát thiệt hại hơn là răn đeBà Trương Mỹ Lan, một doanh nhân bất động sản Việt Nam – Ảnh minh họa bởi Amanda Weisbrod/RFA. AFP/Adobe Stock

Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình vào tuần trước vì vai trò [chủ mưu] trong vụ gian lận tài chính trị giá 12,5 tỷ USD, nhiều người cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang hy sinh tính mạng một con người để chứng minh rằng chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của mình là thực sự nghiêm túc.

Đó có thể là một chiến thuật. Chính quyền có thể đã công bố về hình phạt này trước khi phiên tòa kết thúc như một cách khiến bà Lan kinh hãi mà phải tiết lộ thêm các tài sản bị đánh cắp khác đang ở đâu cũng như khai thêm tên của những kẻ đồng phạm.

Nếu bà hợp tác, có lẽ bà sẽ thoát khỏi án tử hình. Nhiều phiên tòa đã từng làm điều này.

Mặc dù vậy, rất nhiều trong số 84 đồng phạm của bà đã bị tuyên án sớm, và không ai trong số họ phải nhận án tử hình. Chính quyền đã khiến bà Lan trở thành một nhân vật bị căm ghét như một phần của chiến dịch chống tham nhũng của mình, cho phép truyền thông nhà nước được mở miệng để họ phỉ báng và bôi nhọ bà.

Quyết định xử tử nữ chủ tịch của tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát là một “ví dụ điển hình về nỗ lực trấn áp tham nhũng không chỉ trong khu vực nhà nước mà còn trong khu vực tư nhân của Việt Nam” – ông Nguyễn Khắc Giang bình luận trong một bài báo trên tạp chí Time. Ông khẳng định: “Việc Việt Nam cố gắng biến trường hợp của bà Lan để làm gương là rõ ràng”.

Nhưng logic này có vấn đề.

Đặt sang một bên vấn đề khía cạnh đạo đức rằng liệu một quốc gia có nên giết chết một trong số công dân của mình hay không, có thể thấy, Việt Nam là một trong những nước hành quyết tù nhân nhiều nhất thế giới và đưa ra các án phạt tử hình đối với những hành vi phạm tội mơ hồ đồng thời tập trung vào vấn đề hậu quả.

Chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu từ năm 2016. Năm sau đó, một ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị hạ bệ và Trịnh Xuân Thanh, một quan chức doanh nghiệp nhà nước trốn chạy đã bị bắt cóc ở Berlin bởi mật vụ Việt Nam.

Năm 2018, Đảng Cộng sản đã thanh trừng hàng ngũ cấp thấp. Họ để mắt tới các nhân vật ở các tỉnh thành trong năm 2019. Ông Nguyễn Xuân Phúc “từ chức” Chủ tịch nước vào đầu năm 2023 liên quan đến tham nhũng.

Người kế nhiệm ông Phúc, ông Võ Văn Thưởng, đã rời nhiệm sở vào tháng trước (tháng 3/2024) vì cùng lý do. Hàng trăm quan chức và doanh nhân đã bị vào tù. Hàng chục ngàn người nhiều khả năng đã mất việc.

Chiến dịch “đốt lò”

Bất cứ ai có hiểu biết tối thiểu nhất về Việt Nam đều biết hiện ở nước này đang diễn ra một chiến dịch chống tham nhũng với quá nhiều ngợi ca. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những vụ việc miễn nhiệm, bỏ tù, bắt cóc và từ chức, bà Lan và đồng bọn vẫn nghĩ rằng họ có thể thoát được vụ việc đánh cắp 12,5 tỷ USD. Các vi phạm của bà trong nhiều năm, theo truyền thông nhà nước, đã khiến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn thiệt hại khoảng 27 tỷ USD.

Hành vi lừa đảo của họ bắt đầu năm 2012 nhưng theo Viện kiểm sát, hầu hết các vụ hối lộ, biển thủ và vi phạm luật ngân hàng diễn ra từ đầu năm 2018 đến tháng 10/2022 – thời điểm bà Lan cuối cùng cũng bị bắt – và cũng là khi lò đã cháy liên tục được gần sáu năm.

Một số nhà quan sát có thể lập luận rằng nếu bà Lan không bị răn đe khi chứng kiến những người khác bị bỏ tù, bị bắt cóc hoặc bị bêu xấu trước dư luận, có lẽ bà đã bị răn đe nếu Đảng Cộng sản bắt đầu tử hình những kẻ tham nhũng từ năm 2016. Vì thế, cái chết của bà, sẽ là làm gương cho những người khác sắp tới.

Nhưng nhận định này khiến những người ủng hộ lập luận rằng Đảng Cộng sản cần bắt đầu giết nhiều người cùng lúc. Rốt cuộc, vì sao một người có thể bị răn đe bằng việc tử hình một người, bằng một lần hiến tế duy nhất?

P2.jpeg
Nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan trong phiên tòa xét xử tại TPHCM ngày 11/4/2024. Nguồn ảnh:Thanh Tùng/VnExpress/AP

Vấn đề chính xác của bản án tử hình của Lan nằm ở tính chất duy nhất và đặc biệt của nó. Nó cho thấy thông điệp của Đảng Cộng sản là họ sẽ chỉ xử tử những người phạm tội lừa đảo, gian lận trên quy mô cực kỳ lớn,  tương đương với 3% GDP của Việt Nam. Yếu tố răn đe nằm ở đâu khi nhiều khả năng, không có nhiều trường hợp liên quan quan tới ai đó đánh cắp tới 12,5 tỷ USD?

Đồng thời, nếu bà Lan bị kết án chung thân thay vì tử hình, vụ việc đã không lan truyền khắp toàn thế giới như hiện nay – nó đã được đăng tải trên hầu hết các tờ báo nổi tiếng.

Nếu vậy, Hà Nội đã không thể truyền tải thông điệp: “Hãy xem chúng tôi chống tham nhũng nghiêm túc tới mức độ nào. Chúng tôi xử tử người dân vì tội tham nhũng!”

Có lẽ người dân Việt Nam đã cảm thấy không công bằng.  Có lẽ nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư nước ngoài đã không được xoa dịu và điếm số về độ minh bạch của Việt Nam có thể lại được cải thiện nhờ sự hy sinh xương máu.

Kiểm soát thiệt hại

Tuy nhiên việc tử hình bà Lan sẽ không đạt được mục tiêu răn đe trừ khi Đảng Cộng sản sẽ bắt đầu xử tử nhiều người hơn cho những hành vi tham nhũng ít hơn nhiều. Trong bối cảnh tham nhũng quy mô cực kỳ lớn ở Việt Nam, bao gồm cả những vụ chưa được phanh phui, đó sẽ là cuộc xử tử đáng kể được Nhà nước cho phép.

Thay vào đó, bản án tử hình với bà Lan là một sự trừng trị thích đáng – một biện pháp kiểm soát thiệt hại về danh tiếng bởi một Đảng Công sản đã bị hổ thẹn bởi toàn bộ vụ việc này. Khi công bố bản án, tòa án đã lập luận rằng bà Lan đã có tội “làm xói mòn lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.

P3.jpeg
Bà Trương Mỹ Lan, hàng thứ ba từ trái sang, tại tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11/4/2024. Nguồn ảnh: AFP

Các đại diện Viện kiểm soát có mặt tại phiên tòa hồi tháng trước lập luận rằng án tử hình là cần thiết để bà Lan có thể bị “loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội”.

Trong khi một số nhà quan sát có thể lập luận rằng quyết định tử hình bà Lan của Đảng Cộng sản cho thấy sức mạnh và năng lực của chiến dịch chống tham nhũng của Hà Nội, nó thực sự cho thấy điều ngược lại.

Trương Huệ Vân và các vi phạm của các cộng sự của bà đã nhạo báng chiến dịch “đốt lò”: Vụ gian lận lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam đã diễn ra đồng thời với chiến dịch chống tham nhũng nghiêm túc nhất của Việt Nam.

Giờ đây, Đảng Cộng sản đang cố gắng biến một sự tiêu cực thành tích cực bằng cách nói rằng tội ác đã bị phát hiện và trừng phạt nghiêm khắc. Đảng này đang cố gắng che giấu sự thật hiển nhiên rằng một hệ thống Leninist thiếu trách nhiệm giải trình là nguyên nhân chính cho phép loại tội phạm này xảy ra.

Lò có thể tiếp tục cháy nhưng nó sẽ không thực sự đốt cháy tham nhũng chừng nào Đảng Cộng sản Việt Nam còn đồng thời là người phóng hỏa lẫn lính cứu hỏa.

 

*David Hutt là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Trung Âu về các vấn đề châu Á (CEIAS) đồng thời là một cây viết chuyên mục cho tờ The Diplomat. Ông viết bản tin Watching Europe In Southeast Asia. Ông là nhà báo theo dõi tình hình chính trị Đông Nam Á từ năm 2014. Các quan điểm trong bài viết là của riêng ông và không phản ánh quan điểm của RFA.