Seite auswählen
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt gặp gỡ khán giả sau buổi chiếu phim (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Tối thứ Hai 1 tháng Tư, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã gặp gỡ khán giả ở miền bắc California để giới thiệu bộ phim “Cảm tình viên / The Sympathizer” dựa trên tiểu thuyết cùng tên đã đưa ông lên đỉnh văn đàn Mỹ với giải Pulitzer 2016.

    Năm 2021 hệ thống truyền hình HBO đã chọn tiểu thuyết gián điệp này để chuyển thể thành phim và sau ba năm thực hiện bộ phim sẽ được chính thức tung ra chiếu vào ngày 14/4 tới đây.
    Khoảng 150 khách mời đã có mặt tại rạp AMC – Eastridge Mall, San Jose để xem tập đầu tiên, trong 7 tập, mỗi tập dài 60 phút. Buổi chiếu phim ra mắt hôm nay do HBO và Gold House tổ chức, cùng sự hợp tác của A24, CapeUSA, Vietnamese American Roundtable và Diasporic Vietnamese Artists Network. Nhiều khách đến sớm đã nhận được quà tặng là tác phẩm “The Sympathizer” ấn bản mới nhất.
    Ai đã đọc tác phẩm này thì biết cảm tình viên chính là điệp viên hai mang, một đại uý cảnh sát làm việc ngay trong văn phòng Tư lệnh Cảnh sát Đặc biệt do một ông tướng có tên Trưởng là cấp chỉ huy. “I am a spy, a sleeper, a spook, a man of two faces”, câu dẫn nhập vào tiểu thuyết đã mô tả nhân vật chính: một điệp viên, nằm vùng, quỉ quái, hai mặt.
    Phần giới thiệu của bộ phim đan xen hình ảnh cảm tình viên (Hoa Xuande) tìm cách lấy thông tin mật từ văn phòng của ông tướng (Toan Le), những cảnh gặp gỡ, trao đổi với nhân viên CIA (Robert Downey Jr., vừa đoạt giải nam diễn viên phụ xuất sắc của Oscar 2024), là cảnh nữ cán bộ giao liên cộng sản (Kayli Tran) bị bắt vì nhận tài liệu, bị tra tấn nhưng không chịu khai ra người đã chuyển tài liệu mật, chính là cảm tình viên đang ngồi trong phòng thẩm vấn cùng nhân viên CIA và an ninh của Việt Nam Cộng Hoà. Không gian là Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975 khi chiến tranh ngày càng lan gần đến thủ đô, với pháo kích vào thành phố, người dân tìm đường di tản, trong khi ông tướng vẫn tin vào Hoa Kỳ, tin vào Kissinger, còn người của CIA khuyên ông nên ra đi.    Có lúc trong phim vang vang lời ca: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quyét đường dừng chổi đứng nghe… một vùng thịt xương có mẹ có em” của Trịnh Công Sơn, mà có người lính cho nhạc sĩ là cộng sản, có người chỉ coi ông là một nghệ sĩ phản chiến.
    Khi quyết định đem gia đình ra đi, xe của ông tướng chạy qua đường phố trong tiếng hùng ca: “Khoẻ vì nước kiến thiết quốc gia, đoàn thanh niên ta góp tài ba…” là một bi hài kịch Việt Nam mà Nguyễn Thanh Việt muốn nói lên xuyên suốt qua tác phẩm. Nhiều hình ảnh của Sài Gòn hiện lên, như quá khứ tháng Tư hiện về. Xe chạy qua trụ sở Hạ viện, nơi dưới chân bức tượng Thuỷ quân Lục chiến có một trung tá cảnh sát vừa dùng súng tự vẫn. Ông tướng và đoàn tuỳ tùng giơ tay chào tiễn biệt rồi chạy ra phi trường Tân Sơn Nhất.
    Bốn là người lính Việt Nam Cộng Hoà, nha sĩ Mẫn theo cộng sản và cảm tình viên, ba người cắt máu kết nghĩa với nhau. Khi cuộc chiến đến hồi kết thúc, Mẫn ở lại và cảm tình viên cũng muốn ở lại để chung tay xây dựng đất nước. Nhưng như biết trước rằng ông tướng khi qua Mỹ sẽ tiếp tục chống cộng, tổ gián điệp cộng sản muốn gài cảm tình viên đi theo ông, để tiếp tục theo dõi hoạt động của người Việt chống cộng ở Mỹ, như thế sẽ giúp cho tổ quốc nhiều hơn, vì cảm tình viên từng sống ở Mỹ, hiểu về văn hoá xã hội Hoa Kỳ. Gia đình Bốn và cảm tình viên vào được bên trong phi trường giữa cơn hỗn loạn và đạn pháo đã giết chết vợ và con của Bốn. Còn hai người lên được máy bay di tản. Phần cuối của tập một giới thiệu sơ qua về cuộc sống của cảm tình viên ở khu vực Little Saigon, California, về những ngày trong nhà tù cộng sản là chủ đề chính cho những tập kế tiếp trong bộ phim.
    Mở đầu phần thảo luận, giám đốc điều hành của Vietnamese American Roundtable là ông Philip Nguyễn và cũng là người điều hợp chương trình đã rót rượu Hennessy để mời nhà văn Nguyễn Thanh Việt, chúc mừng việc hoàn tất bộ phim, chào mừng tác giả trở lại San Jose, nơi ông đã lớn lên và để mừng thành phố này là nơi đầu tiên chiếu ra mắt giới thiệu “The Sympathizer”. Trong phần thảo luận với nhà văn, khán giả được biết là vì không được quay ở Việt Nam nên phim được thực hiện tại Bangkok. Qua tập phim đầu khán giả vừa được xem, khung cảnh tái dựng khá giống khung cảnh Sài Gòn năm 1975. Phần còn lại của phim được quay tại vùng Los Angeles mà mọi người đang chờ đợi xem cảnh trí cùng những tình tiết về cuộc đời, về hoạt động của cảm tình viên giữa lòng cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản sẽ căng thẳng, hồi hộp như thế nào. Tuy là tiểu thuyết giả tưởng, nhưng tác giả cũng đã cấu trúc câu chuyện với nhiều nhân vật như một cựu tướng mở quán rượu; như nhà báo bị ám sát chết hay những cái chết vì chính trị hay vì tình, tiền là những nét đặc thù của cộng đồng người Việt tại Mỹ.
    Về ảnh hưởng của tác phẩm đối với độc giả gốc Việt, theo nhà văn nó đã giúp cho họ có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc chiến. Ông nhấn mạnh đến sự việc đây là một tác phẩm qua các góc nhìn của người Việt. Cũng như trong bộ phim, ông hãnh diện khi có đến 90% các vai trong phim đều là diễn viên người Việt từ nhiều châu lục khác nhau như Hoa Xuande, Toan Le, Kayli Tran, Fred Nguyen Khan, Kiều Chinh, Kỳ Duyên, Vy Le, Alan Tong v.v…
    Chính vì thế mà tác phẩm Sympathizer, dù đoạt giải Pulitzer 2016 của Hoa Kỳ nhưng đã có những phê bình khen chê từ độc giả gốc Việt và trong nước đến nay vẫn chưa có bản dịch tiếng Việt. Khi được hỏi làm sao người Việt trong nước có thể xem bộ phim này, Nguyễn Thanh Việt cho biết HBO không phát hình tại Việt Nam, nhưng chắc chắn không muộn lắm sau khi trình chiếu thì cả triệu người Việt trong nước sẽ được xem qua bản sao chép lậu. Nhà văn vừa nói vừa cười như cho thấy vấn đề kiểm duyệt và nạn vi phạm bản quyền trong nước là có thật. Ba tập đầu của bộ phim với đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook, một nghệ sĩ đã có những tác phẩm điện ảnh với đông khán giả như “Oldboy”, “The Handmaiden”. Các tập sau là do Don McKellar đạo diễn.
    Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt từ năm 1975, nhưng sau 49 năm vẫn còn là đề tài tranh luận giữa người Mỹ với nhau cũng như trong cộng đồng người Việt khắp nơi. Chính tác giả Nguyễn Thanh Việt, qua những tác phẩm và bài viết liên quan đến chiến tranh và về cộng đồng người Việt, cũng là đề tài tranh cãi tại hải ngoại. Nguyễn Thanh Việt cũng nhận ra những điều đó và kể lại câu chuyện ông gặp một cô gái gốc Việt tuổi chừng đôi mươi đã nói với nhà văn rằng: “Trong gia đình tôi, ông là người bị ghét thứ nhì, người bị ghét nhiều nhất là Joe Biden.” Tiếc là ông Philip Nguyễn đã không có câu hỏi tiếp theo cho tác giả, là khi nghe cô gái nói thế, nhà văn đã có phản ứng ra sao?
 
– Bùi Văn Phú
 
BuiVanPhu_2024_0402_NguyenThanhViet_Sympathizer_H04_NguyenThanhViet_PhilipNguyen
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt, bên trái, và giám đốc VAR Philip Nguyễn.

Nguyễn Thanh Việt: The Sympathizer

 

09/04/2024

Trịnh Y Thư

Việt báo

LTS: Bài điểm sách này được viết khi cuốn tiểu thuyết The Sympathizer mới xuất bản và được ca ngợi nồng nhiệt từ giới phê bình, độc giả Bắc Mỹ. Nhân cuốn tiểu thuyết được chuyển thể sang bộ phim 7 tập do kênh truyền hình HBO thực hiện, Việt Báo xin đăng lại nơi đây cùng với những bài liên quan khác.

diemsach 

Con người mắc kẹt trong lịch sử và lịch sử mắc kẹt trong con người. Nhà văn Mỹ James Balwin nói vậy trong tập tiểu luận Những ghi chú của đứa con bản xứ (Notes of a Native Son). Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào.
    Năm 2016, cuốn The Sympathizer đi vào lịch sử với giải thưởng Pulitzer bộ môn văn học, giải thưởng cao quý nhất của Hoa Kỳ, trao tặng hằng năm cho những tác giả xuất sắc nhất thuộc các ngành văn chương, báo chí. Trước đó cuốn sách đã được văn giới Bắc Mỹ không tiếc lời ca ngợi như một tác phẩm tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng; là tiếng nói mới đầy khích động trong văn học Mỹ; là cuốn tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chẳng những chiến tranh Việt Nam mà cả cặp phạm trù chính trị-văn hóa; là một tác phẩm văn học đúng nghĩa nhất bởi nó “mở rộng ý thức con người ra khỏi giới hạn của thân xác và những cảnh huống cá nhân.” Vân vân và vân vân. Đâu đó người ta còn so sánh Nguyễn Thanh Việt với Joseph Conrad, Graham Greene, Denis Johnson và George Orwell, những tác giả của văn học kinh điển phương Tây.
    Dưới đây tôi chỉ xin trích dẫn câu nói của ông Robert Olen Butler, một nhà văn viết nhiều về Việt Nam, cũng đoạt giải Pulitzer với cuốn Bửu Sơn Kỳ Hương (A Good Scent from a Strange Mountain). Ông nói về Nguyễn Thanh Việt như sau, súc tích gọn gàng nhưng đầy đủ:
    “Nguyễn Thanh Việt chẳng những đã đem lại tiếng nói hiếm hoi và trung thực cho khối tác phẩm văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, với cuốn sách, anh còn vượt qua những đường biên lịch sử, chính trị, quốc gia, và nói lên được chủ đề muôn thuở trong văn học: cuộc kiếm tìm bản ngã và bản nguyên ở tầm mức phổ quát. The Sympathizer là một tác phẩm đầu tay sáng chói của một nhà văn có chiều sâu và tài năng.”
     Hiển nhiên, với những lời ca ngợi như thế, đây quả là một thành tựu to tát của một tác giả di dân da màu, với tác phẩm đầu tay, đã có khả năng và tài năng đi thẳng vào “dòng chính” của văn học nghệ thuật Bắc Mỹ, vốn là một môi trường đa dạng và cực kỳ khó khăn chen chân vào. Nếu không có thực tâm và thực tài, cộng thêm chút may mắn, chuyện đó chẳng bao giờ có thể xảy ra. Bởi thế, có lẽ tôi chẳng nên nói gì thêm về tác phẩm của Nguyễn Thanh Việt, có ca ngợi cũng bằng thừa, và bài viết này giản dị chỉ là những cảm nhận và suy nghĩ cá nhân về một tác phẩm tầm vóc trong mắt nhìn lịch sử.
 
***
 
Hoa Kỳ là quốc gia yêu chuộng sách vở và quan tâm nhiều đến lịch sử. Do những tương quan và hệ quả trực tiếp của Hoa Kỳ đối với lịch sử Việt Nam thời cận-hiện-đại, đã có một số lượng khổng lồ sách vở viết về chiến tranh Việt Nam, cả phi hư cấu lẫn hư cấu, nhưng từ lâu có sự khô hạn trầm trọng những tác phẩm tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam mà tiếng nói chính là người Việt. Những tiểu thuyết gia lừng lẫy có chỗ đứng vững vàng trên văn đàn Mỹ hiện nay như Tim O’Brien, Philip Caputo, Larry Heinemann viết nhiều về chiến tranh Việt Nam, nhưng do kinh nghiệm bản thân, họ viết dưới con mắt một chiến binh Hoa Kỳ. Đọc tác phẩm của họ, chúng ta thấy hình ảnh người Việt chỉ là những bóng mờ, không, những bóng ma chập chờn ẩn hiện thì đúng hơn. Người Việt không có tiếng nói nào trong đó, hoặc nếu có thì cũng chẳng ai thèm nghe họ nói gì. Cuốn Bửu Sơn Kỳ Hương của Robert Olen Butler có lẽ là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Bản dịch cuốn Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) của Bảo Ninh, và một số tác phẩm khác của các tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt, tuy có gây một vài tiếng vang, nhưng phần lớn chỉ được nhắc đến trong phạm vi đại học và các buổi hội thảo chuyên ngành. (Còn các sản phẩm phim ảnh của Hollywood thì khỏi cần nói ra, thú thật, tôi ít xem vì thấy buồn cười, thậm chí xấu hổ, mỗi khi trông thấy một nhân vật Việt Nam nào xuất hiện trên màn ảnh.) Bởi thế sự ra đời của một tác phẩm như cuốn The Sympathizer là cần thiết và quan hệ, nó lấp được lỗ hổng to tướng này trong văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam.
    Đọc The Sympathizer tôi có cảm giác sự phẫn nộ của nhân vật chủ thể ngôi thứ nhất, và ở chừng mực nào đó, của chính tác giả, tràn ứ trên mỗi trang viết. Với nhiều dụng ý có tính ám dụ, Nguyễn Thanh Việt đã xây dựng một nhân vật hư cấu không điển hình – nếu không muốn nói là phản anh hùng sử thi – một nhân vật vừa chính diện vừa phản diện, đen trắng không rạch ròi, phân minh, một kẻ hai mặt, hai mang, chính tà lẫn lộn.
 
Không nhạc nhiên chút nào, đôi khi tôi mơ thấy mình giơ tay kéo cái mặt nạ ra khỏi mặt, và chợt thấy cái mặt nạ ấy chính là khuôn mặt tôi.
 

Hắn tự thú nhận như thế.

Hắn (nếu tôi có thể gọi nhân vật không tên tuổi ấy như thế) là một đứa con đẻ hoang. Mẹ hắn là người giúp việc cho một linh mục người Pháp và có lẽ trong một cảnh huống nào đó bà bị ông cha hiếp dâm, đẻ ra hắn. Hắn thương mẹ nhưng thù ghét cha mình khôn tả và chỉ mong cha mình chết. Tuổi thơ hắn sống trong tủi nhục và mặc cảm, mặc cảm của đứa con vô thừa nhận. Nhưng lớn lên nhờ thông minh hắn được ăn học đàng hoàng, thậm chí còn sang Mỹ du học, và khi về nước hắn trở thành người làm việc cho cả hai phe lâm chiến. Hắn đeo lon đại úy, làm sĩ quan tùy viên cho một ông tướng, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, nhưng đồng thời là một gián điệp được cục R gài vào; hắn đều đặn báo cáo mọi bí mật quân sự của phe miền Nam cho tổ trưởng Mẫn trong tổ gián điệp phe Cộng sản. Thực ra, hắn, Mẫn và Bốn là ba người bạn chí thiết từ thuở nhỏ. Ba cậu bé “cắt máu ăn thề” xem nhau như ruột thịt và quyết chí bảo vệ lẫn nhau trong mọi trường hợp. Câu chuyện “Tam Quốc Chí vườn đào kết nghĩa thời đại” này lại chính là xung lực đối nghịch giữa các nhân vật trong cuốn sách. Mẫn theo cách mạng, hành tung bí mật và tuyệt đối trung thành với cách mạng. Bốn, ngược lại, đi lính Quốc gia thứ dữ, từng là sát thủ trong chiến dịch Phượng Hoàng chuyên ám sát Việt Cộng. Cha của Bốn bị Cộng sản giết hại nên hắn đi lính để giết Việt Cộng trả thù cho cha chứ chẳng có lý tưởng gì. Trong bộ ba, Bốn là người mờ nhạt nhất.
    Xây dựng các nhân vật như thế, chúng ta nhìn thấy ngay dụng ý của tác giả: Lịch sử và định mệnh khốc liệt đã đẩy anh em vào chỗ chém giết nhau. Và nguyên do cho thảm kịch ấy bắt nguồn từ sự việc một quốc gia bị hãm hiếp.
    Một linh mục Pháp hiếp dâm một người đàn bà Việt Nam, sinh ra hắn. Tôi đồ đây là một ám dụ. Ông linh mục chính là nước Pháp và bà mẹ là nước Việt Nam khốn khổ. Ông Cha miệng nhân danh sứ mệnh cao cả đi rao giảng ánh sáng Thiên Chúa nhưng thực tế thì hiếp dâm một phụ nữ, cũng như nước Pháp nhân danh “sứ mệnh đi khai hóa các dân tộc kém văn minh” để biện minh cho hành động xâm lăng chiếm nước, như lời ông thủ tướng Pháp Jules Ferry hùng hồn tuyên bố lúc Pháp đem quân vào đánh chiếm Việt Nam. Hắn thương mẹ nhưng căm thù cha và chỉ mong cha mình chết! Đạo lý đi chỗ khác chơi. Ở đây chỉ có lòng phẫn nộ và căm thù.
    Hắn theo cách mạng một phần vì hắn nhìn thấy bộ mặt thối nát, đạo đức giả của đám lãnh đạo miền Nam lúc đó mà đại diện chính là ông tướng, sếp của hắn. Ông tướng thuở trước đi lính cho Pháp, kẻ thù của dân tộc, bây giờ lại tiếp tục nghe lệnh Mỹ quay súng giết hại dân mình. Đại diện cho quyền lực tối cao của nước Mỹ là Claude, một anh CIA, và hành tung của anh ta thì bí mật khôn lường. Trong mắt hắn thì cả Pháp lẫn Mỹ đều là đế quốc. Đế quốc đi chiếm nước, chiếm bằng vũ lực hay bằng những thủ đoạn gian manh nhưng cực kỳ tinh vi đều đáng ghét và đáng bị đánh đuổi như nhau.
    Sau khi Sài Gòn thất thủ, quốc gia thống nhất, mặc dù muốn ở lại xây dựng đất nước thời hậu chiến, nhưng theo lệnh của Mẫn, hắn theo gia đình ông tướng chạy sang Mỹ để tiếp tục nằm vùng ở hải ngoại. Từ đây, câu chuyện trở nên bi hài. Hắn đều đặn gửi thông tin những hoạt động của ông tướng về cho Mẫn, nhưng đồng thời hắn cũng lao đầu vào những cuộc phiêu lưu mới trên đất Mỹ. Hắn dính líu vào chuyện tình với cô thư ký người Mỹ gốc Nhật làm việc chung. Thậm chí hắn còn tán tỉnh cả cô con gái cưng của ông tướng. Có dạo hắn sang Philippines phụ trách phần vụ hướng dẫn các diễn viên phụ người Việt tuyển từ trại tị nạn trong một cuốn phim về chiến tranh Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất hắn vẫn theo dõi hoạt động kháng chiến phục quốc do ông tướng và thủ hạ của ông âm thầm bàn tính kế hoạch. Ông tướng nghi có nội gián, hắn bảo ông kẻ ấy chính là gã thiếu tá say trong bọn. Để đánh lạc hướng và lấy lòng tin của ông, hắn đồng lõa với Bốn đi ám sát gã thiếu tá say. Bốn bắn gã thiếu tá say chết tươi ngay trước cửa căn hộ của gã. Chưa hết, sau đó ít lâu sau khi ở Philippines về, hắn tự tay giết luôn một anh nhà báo tên Sonny, bạn học cũ của hắn, vì anh này viết những bài báo bất lợi cho công cuộc kháng chiến của ông tướng. Hắn giết hai mạng người vô tội và cái giá rất đắt hắn phải trả là lương tâm hắn không ngừng cắn rứt.
    Ở phần này cuốn sách được viết như một cuốn tiểu thuyết trinh thám gián điệp với những tình tiết hồi hộp và lôi cuốn. Tâm lý đầy phức tạp của nhân vật, sự xâu xé trong tâm tư kẻ sát nhân, cũng được tác giả mổ xẻ với ngòi bút sắc sảo.
    Cuối cùng với sự yểm trợ tài chính của Claude CIA và một chính trị gia hữu khuynh người Mỹ, ông tướng gửi người về biên giới Thái Lan để mưu đồ việc kháng chiến. Dĩ nhiên Bốn là người đầu tiên xung phong. Cả vợ lẫn đứa con trai duy nhất của Bốn bị lạc đạn chết tại phi trường Tân Sơn Nhất trong lúc chạy lên phi cơ di tản. (Hết cha rồi đến vợ con đều chết do đạn Việt Cộng, nhân vật Bốn này của tác giả có vẻ như bị tô mầu, sơn phết hơi đậm.) Bốn từ đó sống như cái máy, không thiết tha với cuộc sống nữa mà chỉ chờ đợi cơ hội phục thù, dù biết trở về là đi vào cõi chết. Hắn gửi báo cáo về cho Mẫn và Mẫn ra lệnh cho hắn không được về. Nhưng hắn cãi lệnh vì hắn cảm thấy phải đi theo để bảo vệ tính mạng cho Bốn. Hắn biết đây là một cuộc mạo hiểm tự sát. “Làm sao tôi có thể cùng lúc vừa phản bội vừa cứu mạng Bốn đây?” Lòng hắn rên rỉ lời than thở như thế.
    Bị giằng xé khủng khiếp nhưng cuối cùng hắn chọn con đường ra đi. Kết quả không tránh khỏi là cả bọn bị phục kích chết hết, ngoại trừ hắn và Bốn bị bắt về giam tại trại cải tạo. Tại đây suốt một năm trời hắn phải viết lời khai thú tội và lời khai báo ấy chính là cuốn tiểu thuyết The Sympathizer. (Cuốn sách được viết dưới dạng lời khai báo của một tù nhân với người Chỉ huy trưởng trại tù.) Điều bất ngờ nhất cho hắn là viên Chính ủy của trại tù, người nắm toàn quyền sinh sát trong tay, lại chính là Mẫn! Mẫn sau khi nghe tin hắn cãi lệnh, nhất định theo toán lính kháng chiến về biên giới, đã tìm mọi cách xin về làm Chính ủy trại tù mà Mẫn biết chắc hắn sẽ bị đưa về giam giữ. Đây là phần ba của cuốn tiểu thuyết, được viết như kịch bản một cuốn phim kinh dị, đôi chỗ khiến người đọc liên tưởng đến đoạn cuối cuốn 1984 của nhà văn George Orwell, lúc nhân vật Winston bị đưa vào phòng 101 để tẩy não. Hắn bị tra tấn tàn bạo và có lúc thần trí như điên dại. Cuối cùng hắn đối mặt Mẫn. Vào những ngày cuối của cuộc chiến, Mẫn bị bom napalm đốt cháy khuôn mặt, mặt mũi biến dạng như quỷ sống.
    Chính vào lúc thần trí như rơi vào cõi sa mù ấy, hắn bỗng nhận thức ra một điều là hắn và những người như hắn, những kẻ hy sinh quá nhiều cho một lý tưởng cao cả, tất cả đều bị phản bội! Chính Mẫn cũng phải thú nhận như thế sau khi tranh luận với hắn. Có lúc Mẫn lạnh lùng bảo hắn: “Now that we are the powerful,  we  don’t need the French or the Americans to fuck us over. We can fuck ourselves just fine.”
    Câu nói  của  Mẫn  có lẽ là lời thú nhận đau xót nhất cho những kẻ hy sinh cả đời người cho lý tưởng cách mạng để cuối cùng nhìn ra sự thật là sự hy sinh đó của mình bị người ta ném đi như ném một món đồ phế thải. “Giờ đây chúng ta có quyền lực trong tay, chúng ta chẳng cần bọn Pháp bọn Mỹ đào mả nhà chúng ta. Chúng ta tự đào mả nhà mình cũng ra trò không kém.” Thật là trò hề, “một cuộc cách mạng đấu tranh cho độc lập và tự do lại có thể biến những thứ ấy thành cái gì vô giá trị hơn cả một con số zero.”
    Cuối cùng Mẫn sắp xếp đưa hắn và Bốn về Sài Gòn, và còn lo cho hai người tìm đường vượt biên. Nhưng sau những trải nghiệm bầm giập, cay đắng ê chề như thế, lý tưởng của hắn, cái lý tưởng đặt không đúng chỗ và không đúng thời, có bị tiêu tan hay sứt mẻ đi không? Hoàn toàn không! Hắn vẫn tự xem mình là người chiến sĩ cách mạng, đang đi tìm một cuộc cách mạng khác, vẫn hy vọng dù đôi lúc tự nhận là kẻ mơ mộng hão huyền, vẫn chờ đợi một cơ hội đúng lúc và một chính nghĩa sáng ngời. Hắn là kẻ không bao giờ bỏ cuộc! Cuốn sách chấm dứt bằng câu: “Chúng tôi sẽ sống!” như một lời hứa hẹn tương lai.
    Chúng tôi sẽ sống và sẽ tiếp tục chiến đấu cho dù bị phản bội. The Sympathizer là cuốn tiểu thuyết nói về sự phản bội.
    Nhưng  phải  chăng  cuộc  cách  mạng  nào từ trước đến giờ cũng bị phản bội. Phản bội lại chính những lý tưởng cách mạng cao cả tưởng chừng không bao giờ có thể lay chuyển. Lịch sử nhân loại chứng minh điều đó. Phản bội nối tiếp phản bội dẫn đến tình trạng con người ngày nay sống trong chân không lý tưởng. Lý tưởng cạn kiệt trong một môi trường sống tù túng, ngột ngạt. Không có lý tưởng người ta sống như những thây ma biết đi, những zombie trong loạt phim kinh dị The Walking Dead. Ngày nay chúng ta đừng nên trách các thanh thiếu niên chỉ biết suốt ngày ngồi lê la ngoài hàng quán hay chúi đầu vào những trò chơi video vô nghĩa và vô bổ. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy hàng triệu thanh thiếu niên nước Mỹ đổ xô đi ủng hộ ông Bernie Sanders tranh cử Tổng thống. Họ đều là những người thiếu lý tưởng và khao khát lý tưởng. Họ là những người đáng thương, đáng thương vì bị phản bội.
    The Sympathizer là cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều chủ đề phức tạp, đa chiều kích, và có tham vọng giải mã và giải tỏa một số những ngột ngạt ấm ức bấy lâu trong lòng những người thuộc thế hệ hậu chiến. Họ không trực tiếp tham gia cuộc chiến, không bị những đau thương và thù hận chi phối nhận thức nên cái nhìn của họ là tương đối khách quan. Do sự phi lý của cuộc chiến ấy, họ có cái nhìn gay gắt, có lẽ không đồng quan điểm với đa số những thành phần thủ cựu thuộc cả hai bên thắng và thua trận. Quan trọng hơn cả, cái nhìn của họ sẽ góp phần vào việc thẩm định đúng đắn lịch sử sau này.
    Công tâm mà nói thì không nên nhìn một tác phẩm tiểu thuyết từ góc độ chính trị, nhưng The Sympathizer là một cuốn tiểu thuyết chính trị từ những dòng chữ đầu tiên, chính trị xã hội và chính trị lịch sử đan xen nhau, khó tìm được một chương nào của cuốn sách không liên quan đến các vấn đề chính trị. Từ lịch sử chính trị của cuộc chiến Việt Nam ba mươi năm cho đến chính trị nước Mỹ. Và đấy là một quan điểm chính trị nặng phần tả khuynh. Tác giả phê phán gay gắt việc lâm chiến của nước Mỹ vào Việt Nam đã đành mà còn tỏ ra không chút cảm tình với văn hóa và đời sống nước Mỹ. Biểu tượng của nước Mỹ là anh Claude CIA, thông minh, tài năng xuất chúng nhưng cũng cực kỳ lưu manh và xảo quyệt. Còn phía miền Nam thì sao? Đại biểu cho phe lãnh đạo miền Nam trong thời chiến là ông tướng, kẻ liếm gót thực dân và đế quốc. Còn tiêu biểu cho phe chống Cộng là Bốn, một kẻ giết Việt Cộng vì căm thù cá nhân chứ chẳng có lý tưởng gì. Vì là tiểu thuyết nên tác giả sử dụng các biểu tượng và ẩn dụ cho quan điểm lịch sử của mình. Trong mắt tác giả đấy là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, anh em mỗi người một chiến tuyến. Mặc dù người Mỹ là thủ phạm chính nhưng người Việt đã chẳng những không thương xót nhau mà còn quay ra thẳng tay giết hại lẫn nhau. Quan điểm này đúng hay sai có lẽ sẽ còn được tranh cãi dài lâu và tùy vị trí cá nhân, không một quan điểm nào là chân lý. Điểm đáng nói là cái lý tưởng cao cả cho cuộc chiến tranh ấy, cái lý tưởng chống Mỹ cứu nước, ở đây đã bị giải thiêng.
 
***
 
Sự Thật lịch sử có lẽ không đơn giản, không trắng đen rành rọt như tác giả vẽ ra trong cuốn tiểu thuyết dày gần 400 trang được viết với ngòi bút nghệ thuật hiếm có. Lịch sử là một con voi và tất cả chúng ta đều là những thầy mù xem voi. Hơn nữa, “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia.” Nhà văn Milan Kundera có lần nói như thế. Rất tiếc ở đây tiểu thuyết gia Nguyễn Thanh Việt đã theo hầu sử gia một cách khá tận tình, thậm chí có lúc ông đội chiếc mũ sử gia, lúc khác mũ chính trị gia. Theo tôi, đấy là nhược điểm của cuốn tiểu thuyết The Sympathizer.
 
– Trịnh Y Thư
(2017)

Những bài báo về phim The Sympathizer biến mất: cuộc chiến trong ký ức sau nửa thế kỷ

 

Minh họa phim

BBC/HBO/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,The Sympathizer (Cảm tình viên) là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt

BBC

Câu chuyện phim The Sympathizer (Cảm tình viên) không được đón nhận tại Việt Nam cho thấy vết thương chiến tranh, hay cuộc chiến trong ký ức như đề từ của bộ phim, vẫn còn hằn sâu sau 49 năm.

Một số bài báo viết về phim The Sympathizer (Cảm tình viên), thậm chí có bài được xuất bản từ năm 2021, đã lặng lẽ biến mất trên mạng trong những ngày gần đây.

Những bài báo biến mất

Ngày 29/4, khi BBC News Tiếng Việt truy cập vào một số bài viết trên báo Thanh Niên, Dân Trí và Vietcetera thì đều gặp lỗi 404 với thông báo “Nội dung này đã bị gỡ hoặc không tồn tại”.

Bài viết “Ca sĩ Đình Bảo tham gia nhiều vai trò trong phim mới của Park Chan Wook” đăng ngày 8/4 trên báo Thanh Niên, dựa phiên bản lưu trong bộ nhớ đệm có nội dung ca sĩ Đình Bảo kể về việc đã tham gia các khâu trong phim The Sympathizer và không đề cập về nội dung phim.

Bài báo “Người sắt” Robert Downey Jr. đóng phim do Kim Lý sản xuất’, đăng vào tháng 7/2021, có nội dung chính là diễn viên Kim Lý cho biết sẽ tham gia với vai trò nhà sản xuất trong dự án phim truyền hình The Sympathizer. Bài này đã biến mất trên báo Thanh Niên.

Chúng tôi còn phát hiện sự biến mất lặng lẽ (lỗi 404) của ít nhất là một bài báo trên tờ Dân Trí, hai bài báo trên trang Vietcetera, một kênh truyền thông rất nổi tiếng trong giới trẻ và giới trí thức Việt Nam.

Có vẻ như đã có một chỉ đạo kiểm duyệt từ cấp trung ương, hoặc là do ý thức tự kiểm duyệt của các báo.

Tuy nhiên, dường như chủ trương kiểm duyệt phim không thống nhất, khi vẫn có một số trang báo, đài truyền hình quốc gia còn lưu tin về phim như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với “Robert Downey Jr. bắt tay Kim Lý làm phim”, hay trang L’Officiel với “The Sympathizer – Diễn viên gốc Việt có cơ hội ‘viết tiếp lịch sử’?” đăng vào năm 2022, hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với “Thời đại mới của điện ảnh Hàn qua suy ngẫm của đạo diễn ‘Oldboy’ Park Chan-wook”, hồi tháng 1/2024.

Một số trang báo khác như Tuổi Trẻ vẫn còn một bài viết về phim The Sympathizer nhưng chỉ đề cập về dàn diễn viên chính, không bao gồm chi tiết phim.

Thông tin cập nhật mới nhất về phim này hầu như vắng bóng trên các phương tiện báo chí chính thống ở Việt Nam kể từ khi phim chính thức ra mắt trên HBO vào ngày 14/4.

Dù độc giả Việt Nam biết đến Nguyễn Thanh Việt nhiều nhất với tiểu thuyết được trao giải Pulitzer The Sympathizer nhưng The Refugee (Người tị nạn) mới là tác phẩm đầu tiên của nhà văn này được xuất bản tại Việt Nam (năm 2017).

Cho đến nay, sách The Sympathizer chưa được chính thức lưu hành tại Việt Nam.

  • Chụp màn hình bài báo
Một số bài báo về phim The Sympathizer (Cảm tình viên) đã bị gỡ bỏ

Cả nhà văn Nguyễn Thanh Việt và đạo diễn Park Chan-wook đều nói rõ rằng The Sympathizer không ủng hộ chính quyền Bắc Việt hay chống Mỹ.

Tạp chí Time dẫn lời nhà văn gốc Việt cho biết, một số lời lên án gay gắt trong cuốn tiểu thuyết là nhằm vào chính phủ Việt Nam, dẫn đến việc sách bị cản trở trong hành trình xuất bản ở trong nước.

Khi lên kế hoạch sản xuất, đoàn làm phim đã cố gắng hết sức để bộ phim được bấm máy ở Việt Nam. Họ đã gửi hàng trăm lá thư đến cơ quan chức năng nhưng không được phép nên cuối cùng phải chọn Thái Lan để thay thế.

“Tôi cho rằng họ [chính phủ Việt Nam] không vui,” Don McKellar, đồng đạo diễn với ông Park Chan-wook, nói với Time.

Việc các phim về đề tài chiến tranh Việt Nam phải được quay tại Thái Lan hay Philippines không phải là mới, như loạt phim Missing in Action (Nhiệm vụ giải cứu), Platoon (Trung Đội), The Deer Hunter (Kẻ săn hươu)

Ngay từ khi The Sympathizer chưa ra mắt, một số cảnh hậu trường của phim tại Thái Lan với hình cờ ba sọc đã bị các trang ủng hộ chính phủ Việt Nam công kích mạnh mẽ. Nhiều người dù chưa xem phim đã lên án bộ phim “xuyên tạc lịch sử”, hay chuyền tay nhau câu “thắng làm vua, thua làm phim” đầy đắc ý.

Các trang này còn cho rằng thời điểm ra mắt phim, chỉ hai tuần trước ngày 30/4, là “mang ý đồ nhiều người đoán được”.

Cuộc chiến trong ký ức và trên phim

Diễn viên Hoa Xuande

HOPPER STONE/HBO Chụp lại hình ảnh,Hoa Xuande, tài tử người Úc gốc Việt, thủ vai chính là điệp viên hai mang trong The Sympathizer

Phim The Sympathizer (Cảm tình viên) được chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay cùng tên của nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt, người được trao giải Pulitzer cho tác phẩm này hồi năm 2016.

Bộ phim gồm 7 tập, về đề tài Chiến tranh Việt Nam đã chính thức lên sóng HBO từ tối 14/4 theo giờ Mỹ và Việt Nam nằm bên ngoài bản đồ phát hành của hãng HBO, vì những lý do liên quan đến chính trị.

Mở đầu phim, khán giả bắt gặp đề từ: “Tất cả các cuộc chiến đều diễn ra hai lần, lần thứ nhất trên chiến trường, lần thứ hai trong ký ức.”

Đề từ này thật đúng cho thực tế Chiến tranh Việt Nam. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, cuộc chiến trong tâm tưởng, trong ký ức vẫn còn gay gắt, đối với mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, bên này hay bên kia.

Việc các báo gỡ xuống những bài viết về The Sympathizer, việc những chiến dịch trên mạng xã hội tấn công bộ phim, cũng như những biểu tượng cờ Việt Nam Cộng hòa bị gạch chéo trong những mẫu vật trưng bày tại Hội trường Thống Nhất (tên mới của Dinh Độc Lập), là những biểu hiện cụ thể và sinh động của cuộc chiến trong ký ức ấy.

Trong các trao đổi trên mạng, những con người trẻ chưa từng trải qua chiến tranh, lại là những người đặc biệt hăng hái trong cuộc chiến của ký ức, một ký ức có lẽ hình thành từ giáo dục, tuyên truyền.

Thảo Trang, một nhà văn sinh đầu thập niên 1990, viết trong một bình luận trên Facebook lời thề của mình: “Xin thề với Tổ Quốc vĩ đại, tôi sẽ không bao giờ làm việc với bất cứ ai tham gia vào ekip làm bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết bôi nhọ lãnh tụ thế này. Không bao giờ, không giá nào, không có sự ngoại lệ nào lớn hơn lòng biết ơn Tổ Quốc.”

Cần lưu ý rằng, những bình luận gay gắt ấy, hầu hết đều đến từ những người chưa từng xem bộ phim của HBO.

Bộ phim kể về cuộc đời của nhân vật chính không có tên cụ thể, chỉ biết đến qua danh xưng Đại úy, mang hai dòng máu Pháp-Việt, từ một đứa con lai bị ghét bỏ, trở thành đại úy VNCH, điệp viên hai mang nằm vùng của Cộng sản Bắc Việt ngay trong lòng Sài Gòn.

Nhân vật chính “I (tôi)” trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã kể lại câu chuyện của mình với ngôi thứ nhất, đôi khi kèm với đó là sự tự khinh bỉ bản thân tột độ.

Hai tập phim đầu tiên ra mắt trên HBO đã mô tả cảnh vài tháng trước và cho đến khi Sài Gòn thất thủ, dòng người tháo chạy tại phi trường Tân Sơn Nhất, và cuộc sống mới của điệp viên này nơi đất Mỹ, với cái tôi đậm chất Á Đông cùng sự thích thú, đam mê những giá trị Mỹ.

Trong hai tập phim đầu, có nhiều cảnh rất thê thảm của “bên thua cuộc” VNCH, và có những cảnh bi hài trên hành trình tị nạn. Hai tập phim cũng có hình ảnh kiên cường của chiến sĩ giao liên Bắc Việt và Việt Cộng.

Một số người sau khi xem phim đã đánh giá rằng, qua hai tập phim đầu, The Sympathizer không có vẻ gì là “chống cộng”, thậm chí có người còn nói việc chính quyền Việt Nam cấm phim này khiến người dân mất đi cơ hội được xem Hollywood miêu tả “sự kiên cường của chiến sĩ Cộng sản và sự thê thảm của quân VNCH”.

Nhà văn Khải Đơn viết trên Facebook cá nhân của cô sau khi xem phim:

“Nhưng thôi bạn đừng xem phim, nếu bạn thực ra nghe thiên hạ bảo nên căm ghét ông tác giả viết ra quyển tiểu thuyết, hoặc bạn sợ dư luận viên bảo coi phim là coi chừng đi tù. Nếu bạn sợ một nhân vật tiểu thuyết thách thức cảm xúc và suy nghĩ của bạn, thì thôi đừng xem.”

Diễn viên Hoa Xuande

HOPPER STONE/HBO Cảnh nhân vật chính cùng đoàn người tháo chạy lên máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhất trong phim The Sympathizer

Trong khi nhiều người Việt đang hùng hục với cuộc chiến của mình, The Sympathizer đã ra mắt và nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo giới quốc tế.

Đây là lần đầu tiên một phim Hollywood làm về Chiến tranh Việt Nam mà đặt người Việt ở trung tâm câu chuyện, cùng với đó là dàn diễn viên người Việt đông đảo.

Trên Foreign Policy ngày 28/4, nhà phê bình phim Jordan Hoffman từ Mỹ đã gọi The Sympathizer mô tả trọn vẹn “sự vô nghĩa mang tính bi kịch” của Chiến tranh Việt Nam. Ông cũng ca ngợi tài năng của đạo diễn nổi tiếng Park Chan-wook, được xem là “quái kiệt” trong làng điện ảnh với những khoảnh khắc điện ảnh đắt giá.

Một bài viết trên Los Angeles Times ngày 19/4 nhận định:

“Mặc dù có một số khác biệt thế hệ nhưng bộ phim này là một thời khắc quan trọng để cho thấy hình ảnh Việt Nam trong kinh đô điện ảnh Hollywood và càng thúc đẩy mong muốn có thêm nhiều câu chuyện Việt Nam được kể lại.”

Bài viết trích dẫn ý kiến của Quan Nguyen, người có cha từng là bác sĩ quân y trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, nói: “Bộ phim có thể xoáy tiếp vào những vết thương hằn sâu trong cộng đồng chống cộng của chúng tôi.”